Miếu Hoang

Chương 17: Cái Lắc Bạc



Đêm đó thầy Lương đã nằm mộng, ông thấy mình đứng ngay tại giếng làng, đúng với vị trí mà lần đầu tiên ông bỡ ngỡ còn chưa biết nhà của trưởng làng ở đâu. Tuy nhiên, khác với lần đó, lúc này cảnh vật xung quanh ông điêu tàn, đất đai chuyển màu xám xịt, từ dưới giếng bốc lên một mùi hôi thối, tanh nồng, cây lộc vừng lá đã ngả màu vàng úa....Còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì thầy Lương giật mình nhìn thấy, đang ngồi dưới gốc cây lộc vừng chính là ông cụ mặc bộ đồ trắng đã chỉ đường cho mình bữa trước. Ông cụ ngồi tựa lưng vào gốc cây lộc vừng, nét mặt u buồn, thầy Lương toan chạy lại hỏi thăm nhưng đôi chân không thể bước tới.

Dưới gốc cây, ông cụ ho lên những tiếng khù khụ, hướng mắt về phía thầy Lương, miệng ông cụ mấp máy điều gì đó. Trong đầu ông Lương chợt vang lên một giọng nói:

" Hướng Đông 5 dặm, trâu gặm đồng hoang, mặt trời trên cao, giờ Ngọ tam khắc "

" Bóng đổ đến đâu, đào sâu 6 thước "

Dứt lời, thầy Lương thấy ông cụ ho ra máu rồi biến mất. Choàng tỉnh dậy, lúc này đã quá nửa đêm, đêm nay thầy Lương không còn nghe thấy tiếng chó tru nữa, khẽ bước xuống giường, ông Vọng vẫn đang ngủ say, ngoài hiên nhà, con Vàng cũng nằm thu mình vào góc tường, hôm nay nó không có biểu hiện gì lạ như đêm ngày hôm qua. Chỉ duy nhất, màn đêm tĩnh lặng một cách bất bình thường.

Thầy Lương ngồi xuống ghế, ông dựa mình vào thành ghế, mồ hôi trên trán khẽ lăn xuống. Giấc mơ ban nãy là sao, hai câu nói của ông cụ mặc đồ trắng đó có ý nghĩa gì, tại sao đêm nay mọi thứ lại tĩnh mịch đến thế. Một sự im ắng khiến cho con người ta phải thấy rùng mình. Cố nằm để ngủ lại nhưng thầy Lương không tài nào chợp mắt nổi, trong đầu ông văng vẳng 2 câu nói của cụ già mặc đồ trắng mà vẫn chưa thể luận được ý nghĩa của hai câu nói đó là gì, phải chăng đây là một điều chỉ dẫn, nhưng chỉ dẫn đến đâu và đào cái gì thì phải đợi trời sáng mới tính tiếp được.

Màn đêm cứ thế trôi qua, tiếng gà gáy báo hiệu trời sáng vang lên từ vườn nhà ông Vọng. Cả đêm không ngủ, thầy Lương dậy sớm mở cửa ngay khi gà vừa mới gáy, bên ngoài trời vẫn còn nhá nhem, buổi sáng trời khá lạnh mặc dù đến trưa thì lại hanh khô khó chịu. Thầy Lương vừa bước ra cửa thì con Vàng nhổm đầu dậy, đi ra phía cổng, thầy Lương lẩm bẩm:

- - Hướng Đông 5 dặm, lát nữa đợi trưởng làng dậy rồi hỏi vậy. Nhân tiện hôm nay mình cũng có ý muốn đi quanh làng 1 vòng.

Thấy con Vàng cào cào vào thành cổng, tưởng nó muốn ra ngoài, thầy Lương bèn mở cổng cho nó chạy ra. Vừa ra đến đường, con Vàng lập tức chúi mũi xuống mặt đường đất hít hít, đánh hơi cái gì đó. Đột nhiên nó sủa lên ba tiếng:

" Gâu...Gâu...Gâu "

Đoạn nó quay lại cắn lấy ống quần của thầy Lương kéo xuống, thấy lạ, thầy Lương nạt con Vàng:

- - Mày làm sao đấy...? Sao lại cắn quần của tao..?

Nhưng con Vàng vẫn cứ thế dùng răng kéo kéo quần thầy Lương, đoạn chân nó cào xuống mặt đường đất. Lúc này, thầy Lương mới hiểu ra ý của con chó, nó muốn ông cúi xuống nhìn thứ mà nó vừa tìm thấy. Trời hãy còn tối, thầy Lương phải ngồi hẳn xuống mới nhận ra, dưới mặt đường có một sợi dây bạc nhỏ xíu. Hóa ra đây là thứ mà con Vàng sủa báo hiệu từ nãy đến giờ.

Nhặt sợi dây bạc lên, sợi dây khá ngắn, là dây bạc để đeo tay, với kích cỡ này thì chỉ vừa với tay của trẻ con, bởi người lớn không thể đeo vừa. Chắc có lẽ ai đi qua đây đã vô tình đánh rơi, tạm giữ lại, lát thầy Lương sẽ đưa cho trưởng làng để tìm người đánh rơi mà hoàn.

Xoa đầu con Vàng, thầy Lương khen:

- - Giỏi lắm, không ngờ mày lại tinh vậy luôn.

Mở cổng bước vào trong nhà cũng là lúc ông Vọng thức dậy, bước ra sân, ông Vọng nói:

- - Thầy dậy sớm thế, trời mới tờ mờ sáng thôi mà.

Thầy Lương mỉm cười:

- - Có nhiều chuyện khiến tôi không ngủ được. À, bác trưởng làng, ban nãy tôi với cu cậu này ra đường có nhặt được sợi dây bạc nhỏ nhỏ, không biết của ai. Nay đưa cho bác trưởng làng, hỏi xem của nhà ai thì trả lại họ.

Nói rồi thầy Lương đưa cho ông Vọng sợi dây bạc, ông Vọng nhìn rồi ngờ ngợ:

- - Này hình như là tôi nhìn thấy ở đâu rồi thì phải. Mà nhỏ như này chắc của trẻ con, của con nhà ai được nhỉ. Rơi ở đường này thì chắc chỉ có mấy nhà như nhà Sửu, nhà Mão, nhà cô Xoan là có con nhỏ.....Nhưng chắc không phải của nhà cô Xoan rồi, tại con bé Mị nó có ra ngoài đường bao giờ đâu. Nghĩ lại thấy khổ thân nó, bố thì mất sớm, sinh ra đã bị mù với câm bẩm sinh. Năm nay cũng phải 13-14 tuổi rồi mà suốt ngày chỉ ở trong nhà. Cũng may hôm qua bà con cũng đến giúp đỡ chút ít. Cảm ơn thầy nhé, lát trời sáng tôi đi dọc đường này ghé qua hỏi mấy nhà xem có phải của họ không...?

Dứt lời ông Vọng đứng dậy, thầy Lương vội hỏi:

- - Trời còn chưa sáng hẳn, bác tính đi luôn bây giờ à..?

Ông Vọng cười:

- - Không, tôi đi rửa mặt rồi bắc nồi nước luộc mấy củ khoai, tiện pha ấm trà....Lát thầy cầm đi đường mà ăn. Chẳng phải hôm qua thầy nói hôm nay sẽ đi vòng quanh làng hay sao. Thầy cứ ngồi đó đi, đợi tôi lát xong ngay ấy mà.

Ông Lương đáp:

- - ́y chết, bác trưởng làng không phải mất công như vậy đâu, trong tay nải tôi có ít lương khô, tôi ăn thế được rồi. Mùa màng mới mất hết, cái ăn, cái uống không phải dễ dàng gì, khoai để ăn bữa trưa cũng được.

Ông Vọng xua tay:

- - Thầy đi là đi lo công chuyện cho làng, phải ăn có sức thì mới đi được chứ. Đi xong, trưa thầy quay lại đây tôi nấu cơm chờ sẵn.

Cung kính không bằng tuân lệnh, đây cũng là lý do mà thầy Lương muốn ở lại để tìm hiểu căn nguyên sâu xa của mọi chuyện. Họa giáng xuống đầu những người dân làng nhân hậu như này chẳng phải quá bất công hay sao. Khoai luộc xong, trời cũng đã sáng hẳn, gói hai củ khoai to nhất vào lá chuối, ông Vọng dúi vào tay thầy Lương rồi cười cười:

- - Thầy cầm lấy đi ăn đường, làng này trông thế thôi nhưng rộng lắm đấy, đi có khi cả ngày vẫn chưa hết. Sáng rồi, giờ tôi cũng đi hỏi mấy nhà trên con đường này xem ai đánh rơi sợi dây bạc này.

Thầy Lương hỏi ;

- - Đi xuống cuối con đường này có lối vòng ra gốc đa nơi bà hàng nước không bác nhỉ..?

Ông Vọng gật đầu:

- - Có chứ, nhưng đường vòng là đường ruộng, không phải đường đất, làng tuy rộng nhưng dân cư cũng chỉ tập trung quanh đây. Còn đâu toàn ruộng lúa, bờ hoang ấy mà.

Thầy Lương đáp:

- - Vậy tiện đường tôi đi với bác trưởng làng một đoạn.

Ông Vọng mở cổng, con Vàng vẫy đuôi tiễn chủ. Trên đường đi, ông Vọng nói:

- - Nhà Sửu gần đây nhất, có cậu con trai tầm 10 tuổi, ta ghé vào hỏi xem sao.

Miền quê nên gà gáy là hầu như nhà nào cũng dậy hết cả, đang phơi quần áo ở sân là vợ Sửu, ông Vọng đứng ngoài cổng gọi với vào trong:

- - Anh Sửu có nhà không đấy..?

Vợ Sửu nghe giọng nhận ngay ra là bác trưởng làng, chạy ra phía cổng vợ Sửu chào rồi đáp:

- - Bác Vọng, bác tìm nhà em có việc gì thế....? Mà sáng nay nhà em đi đâu từ sớm rồi bác ạ. Mời bác vào nhà ngồi đợi ạ.

Ông Vọng nói:

- - À không cần đâu, có vợ Sửu cũng được....Chẳng là tôi có nhặt được sợi dây bạc này, của trẻ con, vợ Sửu ra nhìn xem có phải của con mình không...?

Vợ Sửu nhìn sợi dây bạc trên tay ông Vọng, cô lắc đầu:

- - Không phải ạ, thằng cu nhà em cũng đeo bạc, nhưng mắt nó to hơn cái này. Không phải của nhà em đâu.

Ông Vọng chào vợ Sửu rồi đi tiếp, ông Vọng nói:

- - Quanh đây thì chỉ còn hai nhà là nhà Mão với nhà cô Xoan, hai nhà đều có con gái, con nhà Mão thì mới 9 tuổi, có khi là của nhà hắn thật.

Nhưng kết quả là khi hỏi Mão, thì Mão cũng nói con gái Mão không có đeo dây bạc. Thầy Lương lúc này mới nói:

- - Hai nhà cạnh nhau, hay ta sang bên cô Xoan hỏi xem sao...?

Ông Vọng chép miệng:

- - Cơ mà con bé Mị nó có bao giờ ra đường đâu cơ chứ...? Thôi cứ đi sang vậy.

Bước sang nhà cô Xoan, ông Vọng gọi:

- - Cô Xoan có nhà không đấy..?

Ngay sau câu đầu tiên, cô Xoan trong nhà đã hớt hải chạy ra, tay vẫn còn lấm lem, cô Xoan nói:

- - Là bác Vọng ạ, bác tìm em có chuyện gì ạ..?

Ông Vọng cầm sợi dây bạc giơ lên, chưa kịp hỏi gì thì cô Xoan đã vội chộp lấy:

- - Ơ, sao bác lại có cái lắc bạc này, cái này là của con gái em mà.

Ông Vọng ngớ người, ông hỏi lại:

- - Thật là của con gái cô chứ...? Sáng nay tôi nhặt được ở ngoài đường, phía trước cổng nhà tôi đấy. Thảo nào tôi cứ ngờ ngợ là thấy ở đâu, chắc là hôm qua nhìn thấy con bé ngồi vẽ trên hiên nhà nên nhớ mang máng.

Cô Xoan gật đầu lia lịa:

- - Em thề với bác là em nói thật, cái này là lắc bạc của con gái em. Này là của bà nội nó cho nó trước khi mất mà. Nhưng bác nói thế nào, con em nó có đi đâu đâu mà lại rơi trước cổng nhà bác được.

Ông Vọng cau mày:

- - Ơ nhà cái cô này, cô nói thế khác gì bảo tôi lấy....Mà cô vào xem xem có đúng là của con bé không..?

Cô Xoan mở cổng cho ông Vọng và thầy Lương vào, hãy còn sớm nên Mị chưa ngủ dậy, cô Xoan dẫn mọi người vào tận giường, đúng là trên tay Mị không đeo cái lắc nào cả. Cô Xoan ngớ người:

- - Sao lại thế nhỉ, cả ngày hôm qua em ở nhà, mà trước tới nay con bé có đi đâu đâu. Nó mù, lại không nói được, sao thấy đường mà đi để rơi cả lắc bạc được chứ..?

Đến đây thì ông Lương bắt đầu thấy lạ, nếu như cả ngày hôm qua cô Xoan ở nhà với con như cô ấy nói thì Mị không thể nào đi ra ngoài mà cô Xoan không biết được, nhưng cái lắc bạc cũng không thể nào có chân tự chạy đến đó mà rơi được. Đang thắc mắc thì từ ngoài đường, một giọng nói thất thanh vang lên:

- - Bác Vọng ơi, bác có ở đây không....? Xảy......xảy ra chuyện.....lớn rồi.....Có...có người.....chết....chết rồi.
Chương trước Chương tiếp
Loading...