Mộng Đổi Đời

Chương 33



Trước tiên là phải mượn cho được tiền, sau đó mới nghĩ đến chuyện thuyết phục cho được Tiểu Văn. Nghĩ vậy, Uông Trường Xích gặp Lưu Kiến Bình để thương lượng. Anh ta lôi ra hai sổ tiết kiệm ngân hàng, mỗi sổ có số dư trên dưới ba trăm đồng, nói rằng trừ tiền ở, tiền ăn, tiền điện nước, mỗi tháng anh ta dư không quá vài chục đồng, còn tiền kiếm được khi đòi lương bổng giúp người khác, anh ta đều gửi về cho bố mẹ ở dưới quê.

Uông Trường Xích đành phải tìm đến Hưng Trạch. Trông thấy Uông Trường Xích, Hưng Trạch phấn khởi bá vai bá cổ, lăng xăng rót trà mời nước, lại còn muốn giữ cậu ở lại ăn cơm. Nhưng khi nghe Uông Trường Xích nói đến chuyện mượn tiền, cái vẻ phấn khởi ngay lập tức biến đi đâu mất, thay vào đó là một khuôn mặt nặng trình trịch, nói:

- Mấy năm nay, tôi và vợ cũng có một ít tiền lọt qua kẽ răng, nhưng có điều con trai tôi cũng sắp phải đến nhà trẻ. Do không có hộ khẩu thành phố, muốn cho con đi nhà trẻ phải nhờ người khác quan hệ. Nhờ người khác quan hệ không giống như lãnh đạo viết báo cáo, không chỉ là những lời nói khống nói suông mà kèm theo đó là tiền, là vàng, cậu có hiểu không?

- Đại khái cần phải cống nạp bao nhiêu?

- Nếu là nhà trẻ tốt thì chí ít là năm mươi nghìn, thậm chí là có thể đến trăm nghìn. Nhà trẻ tồi nhất cũng phải mười hoặc hai mươi nghìn.

Uông Trường Xích không thể tưởng tượng được là đưa con đi nhà trẻ lại phải tốn ngần ấy tiền, đúng là quân giết người! Do vậy, cậu không đành lòng làm phiền Hưng Trạch nữa, nhưng lại không còn cách nào khác, chỉ biết mặt dạn mày dày ấp úng nói:

- Lần này nếu thắng kiện, tôi sẽ mang tiền đến trả cho cậu ngay. 

- Những vụ kiện tụng thường hay móc nối với nhau, quan dân cũng thường liên kết với nhau, cũng giống như con trai tôi đang chơi búp bê Nga thế thôi. Cho dù cậu có thắng kiện đi chăng nữa thì cũng chẳng đem lại lợi ích gì lớn lao đâu. Bố mẹ tôi nước mắt lưng tròng tiễn tôi vào thành phố mà không hy vọng gì đến việc nói đạo lý với người thành phố, nói đến đạo lý là nói đến quan hệ, mà nói đến quan hệ thì nói chung là sức mạnh thế lực, có nghĩa là chúng ta dùng ưu thế ấy để tranh miếng ăn từ trong túi áo của họ. Cậu hãy sống thực tế một chút, cố gắng đi tìm một công trường nào đó để tiếp tục xây tường, đừng ảo tưởng mà theo đuổi cái vụ kiện tụng vừa tốn tiền vừa tốn thời gian nhưng không chắc thắng này.

Uông Trường Xích đành phải tiếp tục mặt dạn mày dày đến tìm Trương Huệ. Cô ta bấm ngón tay tính nhẩm một hồi rồi nói:

- Chúng ta bắt đầu nói từ địa phương gần nhất nhé. Gần nhất là Quảng Châu, hai người đi và về, giá vé tàu lửa là bốn trăm đồng, từ công đoạn lấy mẫu đến kết luận giám định AND ít nhất hai đến ba nghìn đồng, ngoài ra còn phải ăn phải ở. Nói tóm lại là chuyến đi này ít nhất phải bốn nghìn đồng, đó là tôi chưa nói đến những khoản chi ngoài dự liệu. Bệnh viện thì to đùng, người đến khám bệnh thì đông như kiến, anh và Tiểu Văn đi giám định AND không phải nói muốn lấy mẫu là lấy được ngay, nhất định là phải sắp hàng, phải chờ đợi, ai biết trước được là phải chờ đến mấy ngày? Mỗi ngày chờ đợi là một ngày phải tốn tiền. Nói chung là nếu anh lấy được tờ kết luận kết quả giám định, anh phải mất ít nhất năm nghìn đồng, phiên tòa chưa bắt đầu mà anh đã mất chừng ấy tiền, trời ạ, số tiền này anh có thể lấy lại được không? Vì chuyện kiện tụng này mà anh còn phải mất đến hơn một tháng trời, nếu dùng thời gian ấy anh đi làm thợ xây, ít nhất anh cũng có thể kiếm được bốn năm trăm đồng, cộng với số tiền anh phải chi ra để làm giám định, vị chi là anh mất năm nghìn rưỡi đồng. Lại còn án phí, luật sư phí nữa. Những phí tổn ấy cần phải tính không? Nếu tính gộp vào đó thì cho dù anh có thắng kiện thì lợi nhuận của anh thu được chẳng có là bao. Không ai dám chắc là vụ kiện này sẽ kéo dài trong bao lâu, đừng nói là một năm hai năm mà chỉ cần một tháng hai tháng anh cũng đã chịu đựng không nổi rồi. Lúc này kiện tụng phải có tiền và có thể lực, cả hai cái anh đều không có. Thêm nữa, Tiểu Văn đã mang thai tháng thứ bảy rồi, liệu có chịu đựng được mọi sự giày vò như thế không? Chẳng may có sự cố nào trên tàu lửa, lúc ấy anh mới thấy sự bồi thường không có giá bằng sự tổn thất của chính anh.

Người không muốn cho mượn tiền, khẩu khí sao mà lợi hại! Hai ngày sau, Uông Trường Xích vẫn bị những lời diễn thuyết của Hưng Trạch và Trương Huệ làm cho thất điên bát đảo. Lời của họ sao mà chân tình, sao mà thân thiết! Những lời nói ấy cơ hồ làm cho chính Uông Trường Xích cũng chao đảo quyết tâm, không thể không dừng chân đứng trên câu Tây Giang mà suy xét lại thế thái nhân tình. Cậu nghĩ, nếu không giám định lại thì đương nhiên phải chấp nhận cái kết luận đáng nguyền rủa ấy. Kết luận cái cục cứt chó! Lẽ nào tôi không phải là bố của Uông Đại Chí sao? Không phải là tôi thì là ai? Có lúc, chỉ thoáng qua vài giây thôi nhưng Uông Trường Xích đã thử nghi ngờ mình, đồng thời cũng thử hoài nghi Tiểu Văn, thậm chí đã nghĩ đến chuyện tin tưởng vào cái kết luận ô nhục đó, nhưng rồi cậu không làm được. Cứ cho là mọi chuyện đã rồi, nhưng dù đã rồi cũng phải làm cho ra nhẽ thôi!

Mặt trời đã ngả về tây, ánh nắng chiếu xiên xuống mặt nước sông lấp lánh muôn ngàn tia sáng. Rặng núi xa mờ mờ ảo ảo, những tòa cao ốc, những bức tường ven sông phản chiếu xuống mặt nước lúc thì thăng băng, lúc thì méo mó. Trên cầu, xe cộ qua lại rộn ràng, tiếng còi inh ỏi, chen lẫn trong đó là tiếng chuông leng keng khá vui tai phát ra từ những chiếc xe đạp. Thỉnh thoảng, một vài bóng người đi bộ thoáng qua, gió lạnh từ những cử động nhẹ nhàng của họ táp nhẹ vào sống lưng của Uông Trường Xích và cậu cảm nhận được cái lạnh se sắt ấy. Nhìn xuống mặt nước sông dưới cầu, bỗng nhiên trong lòng Uông Trường Xích nảy sinh một ham muốn: Nhảy xuống! Cậu nghĩ, chỉ cần mím môi lại, cắn chặt răng, nhắm mắt và… buông tay, chỉ cần mấy giây sau là nước sông sẽ văng tung tóe lên thành những bông hoa, mọi chuyện thế thái nhân tình cũng theo đó mà kết thúc. Bỗng nhiên, Uông Trường Xích chợt nghĩ tới Uông Hòe, nghĩ đến người bố bất cẩn của mình từng ngã từ tầng ba của phòng Giáo dục xuống đất và nhận ra rằng, dù sao thì sống trên cuộc đời này vẫn xứng đáng hơn, nhảy lầu là chuyện đáng xấu hổ.

Về đến nhà trọ, Tiểu Văn đã chuẩn bị cơm nước sẵn sàng, Uông Trường Xích cười cười nói nói cùng Tiểu Vă dùng xong bữa cơm nhạt. Tiểu Văn tinh ý nhận ra rằng, cái vẻ cười nói của Uông Trường Xích chẳng qua là giả tạo, đặc biệt là ngày nay, nụ cười của chồng không hề vô tư, không hề đơn giản như trước đây, giống như những tia sáng mặt trời yếu ớt lẻ loi trong sương mù dày đặc. Trong những bữa ăn, mỗi lần nhai phải một hạt sạn trong miếng cơm, Uông Trường Xích vẫn cười, nhưng là một nụ cười gượng gạo, ẩn tàng trong ấy là một ý định mơ hồ không thể nói cho ai biết. Tiểu Văn vẫn thường hỏi han về kết luận của pháp y. Uông Trường Xích thường gật đầu nhưng không biết đó là cái gật đầu khẳng định hay phủ định. Có lần Tiểu Văn nói:

- Anh thấy em nói có đúng không, nhờ cậy người khác không bằng trông chờ vào chính mình, nếu mà nhảy lầu biết đâu rằng lúc này chúng ta đã nhận được bồi thường.

Uông Trường Xích chỉ cắn môi mà không đối đáp. Tiểu Văn lại nói:

- Chuyện này mà còn kéo dài thì đừng nói là em sinh con mà không có đồng bạc nào trong tay, ngay cả việc ăn uống hàng ngày cũng là một vấn đề lớn rồi. Có lẽ nào anh không nhận ra rằng những miếng thịt trong mâm cơm càng ngày càng ít đi hay sao?

- Thế chúng ta còn bao nhiêu tiền?

- Cộng tất cả tiền lẻ đến từng hào từng xu lại, chúng ta còn được chín trăm hai mươi bảy đồng sau hào tám xu, ngày nào em cũng đếm và ngày nào số tiền ấy cũng giảm đi…

Uông Trường Xích vỗ tay lên trán, dọn dẹp chén bát, nồi cơm trên bàn mang đi rửa. Trong khi đó, Tiểu Văn đi tắm. Chờ Tiểu Văn tắm xong, Uông Trường Xích dìu vợ ngồi xuống mép giường, còn mình thì ngồi trên một chiếc ghế, ghé tai vào bụng vợ, lấy tay xoa bụng vợ, nói:

- Anh hát karaoke cho Đại Chí nghe.

Lâu lắm rồi không nghe thấy Uông Trường Xích hát nên lần này, tiếng hát bật ra khỏi miệng cậu sao mà khó khăn, há miệng đến mấy lần, hắng giọng đến khô cổ mà tiếng hát vẫn không bật ra được. Uông Trường Xích nói:

- Đại Chí à, con nghe thấy tiếng của bố không?

Tiểu Văn cười khanh khách, nói:

- Anh xem, nó đang đạp em đây này.

- Đại Chí, nếu con nghe thấy tiếng bố thì đạp lại lần nữa nhé.

- Nó lại đạp nữa rồi đây nè. – Vừa nói Tiểu Văn vừa vòng tay ôm bụng.

- Đại Chí, nếu con muốn gọi bố thì hãy đạp hai lần.

- Ôi đau quá! Nó đã đạp hai lần!

- Nếu con đúng là con của bố thì đạp ba lần.

- Câu này có nghĩa gì? – Tiểu Văn tát nhẹ vào mặt Uông Trường Xích.

- Nó có đạp không?

- Không!

- Không đạp có nghĩa là nó không phải con anh.

- Thế thì nó do ai truyền giống? – Tiểu Văn đập tay thật mạnh vào đầu Uông Trường Xích.

- Đại Chí, nếu đúng là con bố thì con hãy đạp ba lần!

- Á!Á!Á!...- Tiểu Văn ôm bụng, mặt mày nhăn nhó.

- Sao thế?

- Nó đạp rất mạnh, như đang giận dữ. Đau đến độ em không chịu nổi.

- Đạp mấy lần?

- Ba lần!

- Ôi con trai! Con trai của bố!

Uông Trường Xích áp mặt vào bụng Tiểu Văn, nước mắt ướt đẫm khuôn mặt. Tiểu Văn nói:

- Tại sao anh lại bày ra trò mèo này?

Uông Trường Xích lúc này mới nói cho Tiểu Văn biết kết quả giám định AND. Tiểu Văn tức đến độ toàn thân run rẩy, chiếc giường cũng oằn oại rên rỉ như cộng hưởng với sự tức giận của cô ấy. Sau một lát Tiểu Văn nói:

- Nhất định phải giám định lại thôi. Phải trả lại sự minh bạch trong trắng cho em!

- Phải tốn rất nhiều tiền.

- Tốn bao nhiêu cũng phải giám định lại! Nếu không người ta còn nhìn em và nói em là thứ đàn bà gì đây?

- Anh không tin bọn chúng. Anh biết bọn chúng đã sắp đặt sẵn một âm mưu.

- Nếu đã là âm mưu thì càng cần thiết phải dùng sự thật để trét kín cái miệng của bọn chúng lại. – Tiểu Văn đẩy Uông Trường Xích ra, đứng dậy, đến bên chiếc rương đặt ở góc tường, mở ra, nói. – Em vẫn còn giấu riêng hai nghìn đồng, anh xem có đủ không?

Uông Trường Xích cầm lấy xấp tiền nhét xuống dưới đáy rương, nói:

- Đúng là lúc cần dùng đến tiền, nhưng đừng để mình trúng gian kế của bọn chúng.

Hình như cơn tức của Tiểu Văn vẫn chưa giảm xuống, nói:

- Em không nỡ ăn, không nỡ mặc, không dễ gì để tiết kiệm được ngần ấy tiền, trong lòng cứ nghĩ, chỉ cần không phải lấy sinh mạng ra để đánh đổi thì sẽ không bao giờ dùng đến số tiền ấy. Nhưng đã đến nước này, tiếng ác đã có, em đành phải dùng số tiền này thôi, ngày mai anh phải đưa em đi lấy máu ngay, nếu không…

Hai tiếng “nếu không” vừa thoát ra khỏi miệng, đột nhiên Tiểu Văn im bặt, ngay cả miệng há ra định nói tiếng tiếp theo vẫn giữ nguyên hiện trạng. Uông Trường Xích ôm lấy Tiểu Văn, luôn mồm gọi tên vợ. Tiểu Văn thều thào đứt quãng:

- Không xong rồi…Hình như thằng cu định chui ra rồi…

Uông Trường Xích sờ soạng khoảng giữa hai đùi Tiểu Văn và nhận ra là đã ướt nhèm, ngay cả váy cũng đã ướt. Ôm Tiểu Văn lên, Uông Trường Xích định đi ra cửa, Tiểu Văn kêu lên:

- Không đi đâu cả! Chúng ta không có tiền, không đến bệnh viện được đâu!

- Anh sẽ có cách để có tiền.

- Anh đặt em xuống giường, em sẽ tự sinh thằng Đại Chí ra.

- Anh đã nói rồi, em phải sinh con ở bệnh viện, Đại Chí phải được ra đời trong khoa Phụ sản, em phải được hưởng thụ sự đãi ngộ cho phụ nữ ở thành phố.

- Chúng ta đều không sinh ra từ bệnh viện mà vẫn sống và trưởng thành đấy thôi!

- Em đẻ non, không đề phòng e rằng phải trả giá bằng chính mạng sống của mình đấy.

- Có đẻ non em cũng không đi. Anh đặt em xuống nhanh lên, cho dù chết thì vẫn vinh quang hơn chó, không phải chịu sự khinh bỉ của những kẻ có tiền.

Uông Trường Xích không đếm xỉa đến những lời của Tiểu Văn nữa, đưa thẳng cô ấy đến khoa Phụ sản. Trên đường đi, Tiểu Văn cứ đấm và cấu xé cơ thể Uông Trường Xích, sau mỗi cú cào cấu là những cơn đau khó tả chạy thẳng vào tim cậu. Có điều, Uông Trường Xích vẫn ôm vợ chạy, mồ hôi của cậu thấm với nước ối của Tiểu Văn. Đến bệnh viện, câu đầu tiên của bác sĩ nói với Uông Trường Xích là, mấy đồng bạc của cậu chỉ đủ cho Tiểu Văn ở bệnh viện hai ngày. Uông Trường Xích chỉ luôn mồm nói:

- Xin bác sĩ, tôi cúi lạy bác sĩ, trước tiên là cho vợ tôi nhập viện, ngày mai tôi sẽ đi mượn tiền.

Đến nửa đêm thì Tiểu Văn sinh con. Tuy chỉ là một cục thịt đỏ hỏn bé tí nhưng những bộ phận trên cơ thể Đại Chí đầy đủ, bình thường. Hộ lý ôm Đại Chí từ phòng phẫu thuật ra, khi đi ngang qua chỗ Uông Trường Xích bồn chồn đứng đợi, cô hộ lý bảo cậu tranh thủ xem qua con mình. Khi Uông Trường Xích vừa nhào đến, đôi mắt bé xíu của Đại Chí đột nhiên mở ra rồi lập tức khép lại, hình như nó vẫn chưa thích ứng kịp với hoàn cảnh mới, cũng có thể là nó không đủ sức để mở mắt lâu hơn nữa. Nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, Uông Trường Xích đã nhận ra rằng, nó đúng là con mình. Nó giống với chính cậu ở chỗ, tranh thủ một khoảng thời gian ngắn nhất để ngắm cho được cái cần phải ngắm. Sau đó, Đại Chí được nằm trong lồng kính, điều này cũng có nghĩa là Uông Trường Xích phải tốn thêm tiền chăm sóc đặc biệt. Cậu nghĩ thầm, trước sự sống còn của một sinh mạng thì tiền bạc nào có ý nghĩa gì. Chỉ có những ai yêu anh mới làm anh tốn tiền, yêu càng nhiều thì tốn kém càng lớn. Uông Trường Xích nghĩ đến đó thì nở một nụ cười thật tươi.
Chương trước Chương tiếp
Loading...