Một Màu Xuân

Chương 8



Nam Sương khá tự đắc với trình độ võ học. Tuy nàng không tính là cao nhân tuyệt thế nhưng tốt xấu gì cũng đọc qua rất nhiều.

Quả thật phái Thiên Thủy là một môn phái võ lâm giả, nhưng Nam Cửu Dương rất kiên nhẫn để Nam Sương nghịch hết mười tám binh khí. Ông lo con gái đã không có tiếng thơm, đi con đường thục nữ thì sợ là sẽ càng lẳng lơ hơn; đi con đường tài nữ thì sợ là quá bi tình; chi bằng trở thành một nữ hiệp, đành tự an ủi.

Thế là từ nhỏ Nam Sương đã tiếp xúc với đủ loại khí giới. Phái Thiên Thủy có một sân luyện võ nho nhỏ, bị võ nghệ bi tráng của Hoa đào Nam hành cho vô cùng thê thảm, gà chó lên trời.

Sau này Nam Sương tập võ có chút thành tựu, Nam Cửu Dương liền mời thầy cho nàng. Sư phụ họ Đào, tên một chữ Thiển, biệt hiệu là Nam Sơn Ẩm Tửu, cực kỳ Đào Uyên Minh[1]. Mỗi khi ông bưng chén trà nhỏ, uống một hớp nhỏ và chậm chạp bước tới sân tập võ sẽ luôn đánh giá tiểu Nam Sương hay nghịch binh khí mới thế này: “Xem thân công phu trăm việc chờ hoàn thành của con đi”.

Lúc Hoa đào Nam mười bốn tuổi, thấy đứa bé bên cạnh chơi bắn bi ven ngõ phố, một cái gậy sắt và một cái vòng sắt. Lăn lộc cộc ra xa rồi đụng phải vật khác, còn có thể quay lại.

Tiểu Nam Sương nhìn đến si mê, lập tức mò một lượng bạc cho đứa bé kia, mua bi về nhà, vứt gậy sắt đi, chỉ lấy cái vòng lăn qua lăn lại đó. Đào Thiển thấy, hỏi Nam Sương vì sao lại thích.

Hoa Đào Nhỏ đáp bốn chữ rất lưu loát, có đi có lại.

Ngày hôm sau, Nam Cửu Dương bèn sai người chế một đôi vòng sắt cho nàng làm vũ khí. Sau khi Nam Sương nghịch mười tám binh khí, cuối cùng không còn đầu voi đuôi chuột nữa.

Chỉ là hôm Nam Sương xuất giá, Nam Cửu Dương đã cất đôi vòng sắt đi, nói là làm vợ người ta rồi phải chuyên tâm sinh đẻ, con đàn cháu đống, chớ lẫn lộn đầu đuôi.

Bên này, Hoa đào Nam mới ra giang hồ, không có vũ khí trong tay, thật là mất mặt.

Hành lang nhà trọ Hỉ Xuân rất rộng, cứ cách một đoạn mái hiên lại treo ngọn đèn nhỏ lồ||g. Tay vịn làm từ gỗ, phía dưới khảm cả khối gỗ phù điêu, hoặc khắc dãy núi nguy nga, hoặc khắc thôn suối tĩnh mịch.

Bốn phòng chữ thiên cùng ở một bên của hành lang, bên kia là cửa sổ, đẩy ra là thấy được rượu ca nhốn nháo dưới lầu.

Nam Sương định mượn ít ngân lượng của Mục Diễn Phong để đi mua một đôi vòng sắt, ai ngờ gõ cửa hồi lâu cũng không thấy ai đáp. Nàng thấy cửa không gài then thì đẩy ra theo bản năng, trong phòng trống không, cửa sổ đối diện đường mở toang.

Nam Sương sinh nghi trong bụng, lại quay về phòng của Đồng Tứ và hai sơn tặc đó, cũng trống không cả.

Nam Sương cho rằng hiệp khách trên giang hồ cũng phải chia ba, sáu, chín loại, đại hiệp vượt nóc băng tường, tiểu tặc mới leo tường nhảy cửa sổ. Hoa đào Nam như nàng là đóa hoa khiêm tốn cẩn thận, tạm thời làm trung hiệp đoan trang.

Vì vậy nàng đoan trang xuống lầu, đoan trang đi ra khỏi nhà trọ từ cổng lớn, lúc đi ngang qua lầu thì đoan trang thó đôi đũa để tạm thời phòng thân.

Bóng đêm ở Phượng Dương lờ mờ, gần giờ Tuất, đèn đóm lụi dần. Thoáng thấy đám người di chuyển ở cửa ngõ phố.

Nghe nói đêm nay Y Nhân Hai Mặt sẽ múa một khúc ở lầu Túy Phượng. Nam Sương thấy trong biển người, có tám chín phần là đàn ông, bèn trà trộn trong đó, đến lầu Túy Phượng theo dòng chảy.

Trước lầu Túy Phượng, lầu gác huy hoàng. Trong ngoài mười trượng hồng trần đông nghịt khách làng chơi đến tìm nữ sắc, trước mắt mơ mơ màng màng.

Nam Sương thấy thì run rẩy, sửa sang lại áo xống, đang muốn vào lầu lại bị hai cô gái trăng hoa cản lối đi, đưa tay đòi tiền, nói hôm nay Y Nhân Hai Mặt múa, phí vào lầu là năm mươi lượng.

Tâm trạng Nam Sương rất phức tạp, ngoài oán giận còn có sự ủ rũ khi ấp trứng chim hoàng yến nửa tháng, cuối cùng ấp ra một con chim cút. Nàng ngước mắt nhìn mái lầu, đúng là thời thế tạo anh hùng, trung hiệp Nam khiêm tốn như nàng cũng chỉ đành bất đắt dĩ làm đại hiệp một lần thôi.

Nam Sương đang định tìm một mái hiên thấp để bay lên thì bên cạnh lại có một bàn tay chìa ra, vung ngân phiếu soàn soạt: “Tính phí vào lầu của vị công tử này lên người tôi”.

Nam Sương quay lại, thấy Giang Lam Sinh thì vừa mừng vừa sợ. Chưa đợi nàng mở miệng, Giang Lam Sinh lại cố tỏ vẻ bất ngờ, nói: “Thì ra là cô, khéo quá!”.

Thật ra vừa rồi Nam Sương đã liếc thấy Giang Lam Sinh bí hiểm trốn phía sau cột, nghĩ thầm lần này vừa khéo, khéo đến mức cắm sào chờ nước.

Nhưng tục ngữ nói ăn cơm chúa, múa tối ngày. Nam Sương cười, lại lộ ra răng nanh đặc trưng: “Vậy thì tôi hết sức cảm kích”.

Thang lầu Túy Phượng chia thành hai bên, thông đến bình đài nhỏ ở giữa, sau đó vòng qua bình đài lên trên.

Đêm này, trước bình đài nhỏ lại dựng một cái bình đài lớn. Cúc bày la liệt, son phấn thơm ngát. Hai bên bình đài chống tám cái cột, trên treo sa mỏng, còn treo ngọn đèn lồ||g nhỏ.

Mấy chiếc đèn hoa sen rủ xuống từ trên nóc, cao thấp không đồng nhất. Nhìn về nơi xa, chỉ thấy màn sa ẩn hiện, phấp phới như cõi tiên.

Trong thảm đỏ của bình đài lại trải thảm nhung trắng. Mấy cô gái mặc váy mẫu đơn tay rộng mở vạt, ngồi ngay ngắn phía sau thảm nhung trắng, hoặc đánh đàn, hoặc gảy tỳ bà.

Giang Lam Sinh xòe quạt chỉ vào thảm nhung trên đài, nói: “Dáng múa của Tiêu Mãn Y đẹp như tiên, khúc Kinh Loan danh chấn thiên hạ của nàng chỉ bước trong tấm thảm trắng rộng một tấc vuông này, song tay áo dài tung bay như ánh trăng khắp trời, cô nương Nam thấy rồi sẽ biết”.

Chốc lát, đèn đóm trong lầu bỗng tắt lịm, chỉ còn lại ánh nến hồng nhạt chập chờn trong đèn lồ||g.

Một khúc tỳ bà vang lên tựa như hồ nước yên ả bỗng dấy lên gợn sóng lăn tăn dưới trăng. Lát say lại truyền tới tiếng đàn nhị thê lương, hàng ngàn hàng vạn cánh hoa hanh bay xuống từ trên nóc lầu đen thẫm. Giữa cánh hoa bay lả tả, chỉ có một bóng người rơi xuống.

Giang Lam Sinh cầm quạt đập vào tay, sáp lại nói: “Tới rồi”.

Chỉ thấy bóng dáng kia lơ lửng hạ xuống, vòng eo mềm như không xương, váy dài tản ra, cơ thể cong cong, áo múa áo màu hồng nhạt nom như một đóa hoa hạnh đẫm mưa xuân.

Lúc Tiêu Mãn Y đứng thẳng người dậy, cười với đám người ngất ngây dưới đài. Trong chốc lát, lầu Túy Phượng im phăng phắc.

Nụ cười ấy như ánh sáng lung linh ngày mưa phùn, có hương thơm của hoa lan, lại mang theo vẻ lưu luyến khi hoạ mi nhìn nhau.

Đột nhiên thấy tà váy dài của nàng xiết như nước chảy, nhảy vọt lên không trung, giống như nàng tiên trên chín tầng trời giáng xuống trần, múa lượn trong không trung.

Trên đài vang lên tiếng đàn, bắt đầu ca múa, tay áo hồng vung vẩy như mây mù, tiếng đàn chuyển vội như nhạc tiên.

Tiêu Mãn Y khi múa khi xoay, khi nhảy khi vòng chỉ trong tấm thảm nhung trắng rộng một tấc vuông đó nhưng lại múa ra phong thái sương hoa trăng đầy trời.

Mãi đến khi tiếng nhạc dần ngừng, dáng múa lưu luyến, trong lầu Túy Phượng vẫn im ắng.

Tiêu Mãn Y đi tới trước đài, khẽ cúi người rồi khẽ mỉm cười với người dưới đài, một nụ cười thôi mà làm ngàn người say mộng.

Giang Lam Sinh sáp lại hỏi: “Thế nào?”.

Khóe miệng Nam Sương cũng ngậm một nụ cười hơi đần độn, gật đầu nói: “Thật lẳng lơ”.

Bởi Hoa đào Nam chưa chấm m*t được tình ái trong kịch nam, cho rằng ngụ ý của từ lẳng lơ rất xuất chúng, ví dụ như gì mà “lẳng lơ hàng đầu”. Nhưng Giang Lam Sinh nghe thế thì cực kỳ kinh ngạc, lúc định thần lại, chỉ cảm thấy trong lòng lại thích Nam Sương hơn mấy phần.

Từng ngọn đèn trong lầu Túy Phượng sáng lên, tú bà đi lên đài, nhỏ giọng hô: “Đã múa xong một điệu, mời các khách quan ra giá”.

Nam Sương khó hiểu nhìn về phía Giang Lam Sinh.

Giang Lam Sinh giải thích: “Mỗi khi Tiêu Mãn Y tới một chỗ, múa xong một điệu đều sẽ uống rượu trò chuyện một đêm với vị khác ra giá cao nhất”.

“Một đêm?” Nam Sương bỗng dưng nhớ tới lời đồn có liên quan tới Vu Hoàn Chi trong nhà trọ vừa rồi, cười khì khì nói: “Thì ra nàng bổ dương cho người ta”.

Tuyệt không thể thiếu nhận thức đối với thế tục. Rất lâu về sau Nam Sương đã nghĩ như vậy, bằng không sẽ như nàng lúc chưa sành sỏi, người thì cũng thông minh đấy, song đầu óc luôn thiếu mấy cái rễ, không phải quá chậm chạp thì là quá nhanh.

Giang Lam Sinh sặc nước miếng của mình hồi lâu mới nhặt cây quạt lông trắng vừa bị rơi trên đất, kiên nhẫn nói: “Tôi không rõ việc này lắm”.

Nam Sương ngẫm nghĩ, nếu như ma đầu nhỏ nhà họ Vu thật sự đưa mình tới trang Lưu Vân để bổ dương thì chi bằng lúc này thuyết phục Y Nhân Hai Mặt này đi cùng. Dù sao nàng ấy cũng làm ngề này, thêm nữa hai người cùng là kỳ nữ giang hồ, hễ có việc gì thì đã có người bầu bạn.

Nghĩ như vậy, nụ cười nơi khóe miệng của nàng lại tươi hơn, nhìn Tiêu Mãn Y, bỗng sinh ra tình đồng chí.

Tiếng thét giá liên tiếp vang lên trong lầu Túy Phượng. Lúc Nam Sương lấy lại tinh thần, nghe đó giá đã tăng vọt đến một ngàn năm trăm lượng bạc rồi.

Nàng lắc đầu, than thở: “Chẳng biết xin nàng bổ dương trong thời gian dài phải tốn bao nhiêu tiền”.

Mặc dù Giang Lam Sinh không hiểu rõ ý của Nam Sương lắm, nhưng hắn ta là một công tử giàu có lại hào phóng, tuyệt đối không thể mất mặt trước người đẹp. Thế là hắn ta xòe quạt lông ra, thờ ơ nói: “Một ngàn năm trăm lượng một đêm quả là chín trâu mất sợi lông”.

Nam Sương hết sức phiền muộn: “Vấn đề là tôi muốn mua cả một con bò”.

Giang Lam Sinh lại phe phẩy cây quạt, nheo cặp mắt lại, cười sang sảng: “Thế thì có gì khó?”.

Nam Sương không mấy ngạc nhiên nhìn hắn ta: “Anh có cách à?”.

“Cạch” một tiếng, cây quạt gập lại rồi giơ lên kêu “vù” một tiếng. Giang Lam Sinh giơ cao quạt lông trắng, mở xoẹt ra, cười thong thả nói: “Một ngàn năm trăm lượng vàng”.

Tiếng hắn ta không lớn nhưng lại như sấm bên tai. Hoa đào Nam cả kinh đến mức ngẩn tò te.

Tiếng tú bà cao hơn mấy quãng, the thé nói: “Một ngàn năm trăm lượng vàng, một ngàn năm trăm lượng vàng, có còn ai ra giá nữa không? Có còn ai cao hơn không?”.

Đêm khuya tĩnh mịch, trăng sáng thước sợ cành cao, nửa đêm gió mát cồn cào tiếng ve[2], lầu Túy Phượng báo bội thu.

Giang Lam Sinh thu quạt lại, đắc ý cười với Nam Sương.

Nam Sương mừng mừng tủi tủi nhìn hắn ta, tốt bụng chỉ tú bà đến với thế quét sạch ngàn quân phía bên phải, khẩn thiết nói: “Giang công tử, thuộc về anh rồi”.

Ngũ quan của Giang Lam Sinh bỗng nhăn nhó, quạt lông trắng lại rũ xuống đất, mấy sợi lông nhỏ bay ra, thê lương roi xuống đất.

Bên này, tú bà thỏa mãn níu cánh tay Giang Lam Sinh lại, nhìn hắn ta như nhìn một vị Phật: “Công tử, ngài đúng là khách quý”. Nói đoạn hết sức đon đả mời Phật Giang lên trên lầu.

Giang Lam Sinh mặt mày đau buồn bị lôi kéo đi, gọi về phía Nam Sương: “Tôi đi một lát sẽ trở lại, đi một lát sẽ trở lại, chờ tôi đấy”.

Người trong lầu Túy Phượng dần tán đi. Nam Sương nhặt lông tơ trên đất lên, vừa định tìm chỗ ngồi đợi Giang Lam Sinh, đã thấy Tiêu Mãn Y bỗng quay đầu trên hành lang, ánh mắt khóa chặt vào chỗ ở góc tây.

Trong vẻ mặt ấy hình như có kinh ngạc, vui mừng, vừa như có vẻ sợ hãi.

Nam Sương nhìn theo ánh mắt nàng về góc tây lầu Túy Phượng, trước mắt là áo đỏ bóng xanh, áo gấm hoa lệ, không thấy gì khác lạ. Lúc quay đầu lại, Tiêu Mãn Y đã theo tú bà đi lên trên cư Đình Hạc rồi.

Hoa đào Nam tự cho là am tường đạo trong giang hồ, không thấy manh mối thì lặng lẽ theo dõi. Vì vậy nàng tìm cái bàn, quyết định học khách làng chơi quanh mình, đùa giỡn các cô gái phong trần. Song chưa liếc mắt đã thấy trước thang lầu bên tay trái, một bóng dáng màu tím nhẹ nhàng xẹt qua như chim cắt, đảo cái đã mất tăm trong mành lụa phấp phới trên lầu hai.

Nam Sương dụi dụi mắt, bóng dáng vừa rồi giống Mục Diễn Phong tới tám phần. Nàng suy xét trong lòng một phen rồi đứng dậy cũng đi tới hướng lầu hai.[1] Biệt hiệu của ông thầy lấy ý từ bài Ẩm tửu kỳ 5 (uống rượu) của Đào Uyên Minh.

[2] Câu thơ trong bài Tây giang nguyệt – Đêm đi trên đường Hoàng Sa của Tân Khí Tật.Câu tiếp là đòng lúa thơm báo được mùa.
Chương trước Chương tiếp
Loading...