Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ

Chương 16: Cửa sổ



Sang ngày thứ hai, chính thức bắt đầu dỡ tường.

Mới sớm ra Bạch Nguyên đã nhắn tin cho cô, nói anh họ kết hôn nên cậu phải đi giúp, còn phải uống rượu mừng nữa nên hai ngày nay không thể tới phụ.

Trình Nặc nói không sao, bảo cậu cứ việc chơi.

Vì Bạch Nguyên không có mặt nên lúc tháo tường, Trình Nặc cũng đứng cạnh giúp. Việc khác không giúp được nhưng dọn gạch hay chuyển ngói thì cô có thể làm được.

Dỡ tường rất nhanh, chỉ hai tiếng mà đã dỡ sạch mặt tường bị nứt kia rồi. Gạch xanh dỡ ra được giữ lại sắp ngay ngắn ở một bên, đến lúc xây tường có thể tái sử dụng.

Trình Nặc vẫn nhớ chuyện cửa sổ, cô hỏi chú Lưu: “Lúc xây lại tường có thể lắp thêm mấy khung cửa sổ được không ạ, giống loại cửa sổ cũ trên tầng hai nhà chú ấy.”

Chú Lưu nói được, có điều cửa sổ phải làm theo yêu cầu, ít nhất phải đợi thêm mấy ngày nữa đã.

Trình Nặc lại hỏi chỗ nào có thể làm theo yêu cầu, chú ấy nói: “Bây giờ đều có máy sản xuất, muốn kiểu gì cũng được hết, nhà máy gia dụng ở trấn bên cạnh có thể làm được.”

Tông Lãng nghe thấy cô nói thế thì nhắc nhở: “Nếu muốn đặt làm cửa sổ thì bây giờ phải đo kích cỡ.”

Thế là tất cả đều nhìn cô, đợi cô quyết định.

Trình Nặc rất muốn lắp cửa sổ nhưng lại sợ quá đắt, dẫu sao cô cũng không có nhiều tiền. Cô hỏi Tông Lãng: “Nếu đặt làm thì giá cả chừng bao nhiêu?”

Tông Lãng cười, “Tôi có thể hỏi giúp cô. Nhà máy gia dụng đó là do bạn tôi mở.”

Trình Nặc vỗ tay: “Tốt quá rồi.”

Tông Lãng lấy điện thoại ra gọi, một lúc sau anh quay về nói: “Đã hỏi giúp cô rồi, mỗi mét vuông chừng ba trăm rưỡi, kiểu khác nhau hơn kém khoảng 50.”

Trình Nặc lại tính toán xem cửa sổ trên tường chiếm bao nhiêu diện tích, Tông Lãng cũng tính giúp cô.

“Nếu như muốn làm cả dãy, mặt tường này khoảng cỡ hai mươi mét vuông.”

Hai mươi mét vuông, nếu tính theo giá đắt nhất thì cũng chỉ tám ngàn. Lúc này Trình Nặc nói muốn làm, rồi lại trình bày kiểu dáng tối qua mình đã nghĩ, hỏi chú La có thông phòng với nhau được không.

Chú La vào nhà một vòng rồi đi ra nói được. Giữ lại cột chịu lực trong nhà, chỉ cần cột bất động thì dỡ mấy thứ ngăn cách kia cũng không quan trọng lắm.

Trình Nặc lại mời chú La đo lường giúp cô. Tông Lãng hỏi Trình Nặc khi nào đi chọn kiểu, Trình Nặc bảo đương nhiên càng nhanh càng tốt rồi, chiều nay cô sẽ đi.

Tông Lãng nhướn mày hỏi cô: “Cô biết đường à?”

Trình Nặc lắc đầu, “Có thể hỏi người.”

Chú Lưu nói chen vào: “Hỏi ai chứ, để Tiểu Lãng dẫn cháu đi đi, là bạn của cậu ta, cậu ta đi thì còn có thể được ưu đãi.”

Trình Nặc không muốn nợ ân huệ của anh nên nói không cần. Tông Lãng lại bảo vừa hay chiều nay anh phải đi sang đó một chuyến.

Thế là cứ quyết định như vậy, buổi trưa Trình Nặc nấu cơm, mọi người ăn xong hết rồi giải tán. Trước khi cửa sổ chưa làm xong thì cũng không thể xây tường được.

Tông Lãng nói về lấy xe, bảo Trình Nặc chờ anh một lúc.

Trình Nặc tranh thủ rửa bát dọn dẹp, trong đầu nghĩ sang trấn bên không gần như qua sông, ngồi xe ba bánh của anh ta thì bụi sẽ bám đầy mặt mất. Cô phải tìm mũ đội, rồi lại tìm khẩu trang.

Nhưng ai biết được, lần này không phải Tông Lãng đi lấy xe ba bánh mà là xe gắn máy hai bánh.

Là xe máy rất bình thường, trên bánh còn dính bùn.

“Xe của anh?” Trình Nặc hỏi.

“Mượn.”

Trình Nặc lại hỏi: “Sao không đi xe của anh?”

“Đường xa, đi xe ba bánh chậm lắm.”

Tông Lãng vừa nói vừa đưa mũ bảo hiểm màu đỏ đậm cho Trình Nặc, “Đội vào đi, gió mùa này thổi lạnh.”

Trình Nặc nhận lấy, nói: “Phiền anh đợi tôi một lúc, tôi đi thay đồ đã.”

Cô chạy vào phòng, lấy áo bông dài màu vàng thay vào rồi mới đi ra ngoài.

Tông Lãng thấy cô thế thì cười nói: “Không nóng à?”

“Không phải anh nói gió thổi lạnh sao?”

Tông Lãng cười không nói gì, nổ máy. Trình Nặc ngồi lên, đội mũ bảo hiểm vào. Trước kia cô chưa từng đi xe máy bao giờ, lại càng không đội thứ mũ này lúc nào, nhất thời không tìm được chốt khóa, hai tay sờ soạng khắp nơi, hỏi: “Qua trấn bên có xa không?”

Mũ bảo hiểm chỉ có một, Tông Lãng không đội, anh ngoái đầu lại nói:

“Đi xe thì chừng một tiếng.”

Xa thế à, Trình Nặc còn tưởng là gần lắm chứ, hai tay cô vẫn đang tìm khóa cài. Bất chợt Tông Lãng đưa tay ra cài giúp cô.

Lúc cài, ngón tay không khỏi chạm vào cổ cô. Trình Nặc giật mình né ra sau, suýt nữa ngã xuống. May mà Tông Lãng kéo tay cô đỡ kịp.

“Ngồi xe máy thì đừng lộn xộn.”

Trình Nặc ngồi ổn định, nắm lấy tay vịn sau yên xe, không nhúc nhích nữa. Khi lên đường, cô cố duy trì khoảng cách cơ thể với anh, mắt nhìn thẳng lưng Tông Lãng.

Anh mặc áo khoác bóng chày màu đen, lưng rất rộng. Trình Nặc đã thấy dáng vẻ khi anh mặc áo ba lỗ rồi, biết không những nở nang mà còn rất săn chắc. Trong đầu đột nhiên nhảy ra một vài hình ảnh kỳ quái. Cô vội quay đầu đi, nhìn hàng cây ven đường.

Đến bến phà, Tông Lãng đột ngột phanh xe, Trình Nặc mất kiểm soát đập mạnh vào lưng anh, ngực đau nhói.

Phà chưa tới, phải đợi.

Trình Nặc xuống xe xoay người đi, len lén xoa. Trong đầu nghĩ lưng người này làm từ sắt hay sao mà cứng thế.

“Sao vậy?” Tông Lãng hỏi cô.

Cô vội nói không sao, định tháo mũ ra nhưng lại sợ lát nữa đội vào phiền phức, thế nên chỉ đẩy kính lên, hỏi Tông Lãng: “Anh qua trấn bên có chuyện gì à?”

Tông Lãng nói: “Cũng không có chuyện gì lắm, chỉ là đã lâu rồi không gặp anh bạn ở nhà máy nên đi thăm thôi.”

Trình Nặc: …

Ý này còn không phải là cố ý đưa cô đi chọn cửa sổ sao. Cô nói: “Cám ơn anh. Nếu không chuyến hôm nay cứ coi như tôi bao xe anh, sẽ trả tiền xe cho anh.”

Tông Lãng ngoái đầu nhìn cô, vì đón nắng mà mắt híp lại, cười nói: “Cô bao tôi? Không phải cô đã bao tôi rồi à, một ngày năm trăm đồng còn gì.”

Trình Nặc nhớ ra, đúng rồi, hôm nay là ngày trả tiền công cho anh ta, chưa hết một ngày, vậy anh chạy chân giúp cô cũng tính luôn vào trong đó. Có điều nếu nói tốt, tại sao lại không cảm thấy thế nhỉ?

Không nói gì thêm, đợi hơn mười phút, cuối cùng cũng có phà vào bờ.

Lên phà rồi, Tông Lãng lại gặp người quen nên tụ tập nói chuyện. Trình Nặc nghĩ, người quen của anh ta nhiều thật.

Đến lúc tới bờ bên kia, xe máy không dừng nữa mà đi rất nhanh. Trình Nặc đội mũ bảo hiểm mà vẫn cảm nhận được gió thổi vù vù bên tai, thầm vui vì mình đã thay quần áo khác, nếu không gió như này thì lạnh lắm.

Lại nhìn Tông Lãng, gió thổi áo khoác anh phồng lên, hình như bên dưới chỉ mặc mỗi áo sơ mi màu xanh biển.

Cô nghĩ, người này đúng là không sợ lạnh.

Đường qua trấn là đường bốn làn rộng rãi. Rất bằng phẳng, cũng không xóc nảy. Tay Trình Nặc nắm chỗ vịn sau yên dần dần thả lỏng. Nhưng không ngờ có một đoạn xuống dốc rất dốc, lúc xe đi xuống nhất thời mất trọng lực, cô vội vã nắm lấy hông Tông Lãng.

Áo khoác anh là loại giây kéo, bị cô tóm lấy nên giây kéo tuột xuống. Đến khi tới dưới sườn núi, anh dừng xe, kéo khóa lên lại. Kéo xong, anh ngoái đầu nhìn cô cười bất đắc dĩ, rồi mới nổ máy lên đường tiếp, không nói gì thêm.

Trình Nặc lúng túng nói: “Xin lỗi, không phải cố ý.”

Cách mũ bảo hiểm, gió lại lớn, cũng không biết anh có nghe thấy không.

Một giờ sau, cuối cùng cũng đã đến nhà máy gia dụng. Nhà máy không lớn là bao, chỉ là một gian ở khoảng sân lớn bên đường.

Tông Lãng bảo Trình Nặc đợi anh, còn mình đi vào nhà máy. Một lúc sau một người trung niên chừng bốn mươi tuổi, vừa lùn vừa mập đi ra cùng anh.

Tông Lãng giới thiệu với Trình Nặc, “Đây chính là chủ nhà máy gia dụng, anh Lâm.”

Không nói họ tên nên Trình Nặc cũng chỉ đành chào một tiếng anh Lâm theo.

Anh Lâm rất khách khí, nghe nói Trình Nặc muốn làm cửa sổ giả cổ, thế là dẫn cô đến văn phòng để cô chọn kiểu dáng hoa văn ở trên máy tính. Có rất nhiều hoa văn, đủ loại mẫu mã. Trình Nặc chọn khoảng mười mấy phút, Tông Lãng và anh Lâm ngồi trên ghế bên cạnh chuyện trò.

Anh Lâm hỏi Tông Lãng: “Tiệm cơm kia của cậu vẫn để anh trai Phương Đình quản lý à?”

Tông Lãng đáp phải.

Anh Lâm nói: “Mấy hôm trước anh lên thành phố có gặp Phương Đình, mấy tháng rồi không gặp, càng lớn càng đẹp.” Nói rồi dừng lại, sau đó nói tiếp: “Tâm tư của em ấy, chỉ cần người có mắt nhìn đều có thể nhìn ra, cậu không biết thật à?”

Tông Lãng ho một tiếng, bảo: “Nói gì thế. Em trả tiền cho cô ấy làm việc, gì mà tâm tư với không tâm tư.”

Anh Lâm cười rồi chuyển đề tài, bắt đầu nói sang việc làm ăn.

Trình Nặc chọn tới chọn lui, vẫn là chọn kiểu cửa sổ giống ở nhà cũ nhất, rồi nói với anh Lâm.

Anh Lâm đứng cạnh máy vi tính nhìn, nói: “Ấy, ánh mắt không tệ đâu đấy, chọn thế nào lại chọn cái đắt nhất.”

Trình Nặc nghĩ, đắt tiền nhất chắc là bốn trăm một mét vuông đây.

Quả nhiên anh Lâm nói: “Theo giá thị trường thì phải bốn trăm một mét vuông, nhưng nếu Tông Lãng đã đưa cô đến thì tôi nể mặt cậu ấy, không lấy lời, tính ba trăm thôi.”

Trình Nặc vội nói cám ơn, trong đầu nghĩ rốt cuộc vẫn nợ Tông Lãng một ân huệ.

Thanh toán tiền đặt cọc, hẹn một tuần sau đến lấy cửa sổ. Anh Lâm nhiệt tình mời họ ở lại ăn cơm. Trình Nặc không muốn, nhưng rõ ràng bữa cơm này là do nhìn mặt Tông Lãng mà mời, nên cô không lên tiếng.

Tông Lãng từ chối, “Để lần sau đi, em về còn có việc.”

Anh Lâm cũng không ép, “Vậy được, từ từ mà về.” Đưa bọn họ đến trong sân, thấy xe máy thì lại nói: “Cậu suốt ngày hết lái xe hai bánh rồi ba bánh, không thể đổi cái khác à?”

Tông Lãng cười, “Được, để sang tuần lái xe tám bánh đến để chở cửa sổ về.”

Đường về nhà hình như nhanh hơn nhiều, đến bến phà bắt kịp chuyến cuối.

Lúc phà chạy đến giữa sông, Trình Nặc hỏi Tông Lãng: “Mới sớm thế mà đã hết phà, ngộ nhỡ có chuyện gì thì người trên cù lao đi ra ngoài thế nào?”

Tông Lãng đáp, “Ông Chu lái phà sống trên cù lao, nếu có chuyện thật thì đi tìm ông ấy là được.”

Trình Nặc gật đầu, ồ một tiếng, rồi lại nghe thấy anh nói: “Tìm tôi cũng được. Nếu ông Chu có chuyện, tôi cũng giúp ông ấy chạy một hai chuyến.”

“A, anh biết lái phà à?”

Tông Lãng đón gió sông bật cười, “Có cái gì mà không biết, cũng giống như lái xe ba bánh thôi.”
Chương trước Chương tiếp
Loading...