Năm Tháng Tĩnh Lặng, Kiếp Này Bình Yên

Chương 15



Mộng tựa sen xanh, chầm chậm xòe cánh giữa sóng biếc Tây Hồ. Bên bờ có người đang chầm chậm thả bước, giữa đình có người đang lặng lẽ thưởng trà. Họ đều mượn cảnh trí thanh tĩnh mát mẻ của Tây Hồ, tiêu phí những năm tháng nhàn nhã. Những gợn sóng biếc xanh trải dài đó, phản chiếu bóng hắt của lầu cao thành thị, Hàng Châu – tòa cổ thành ngàn năm thấm đẫm mưa gió nảy sinh những thi ý và nhàn nhã vô tận.

Ánh mặt trời trong trẻo dịu dàng hắt xiên lên mặt Tây Hồ, những sóng nước lăn tăn đang trêu ghẹo tâm sự của ai? Một chiếc thuyền con neo giữa hoa sen, lặng ngắm trăng tròn hoa nở, biển thế nổi chìm. Lúc này, mắc kẹt là năm tháng của ai; cô đơn, là cuộc đời của ai?

Những viên ngọc long lanh như sương mai đó phải chăng là những giọt lệ đa tình của Tô Tiểu Tiểu? “Thiếp thừa du bích xa, lang kỵ thanh thông mã. Hà xứ kết đồng tâm, Tây Lăng tùng bách hạ?” Nhớ lại cảnh tượng tình mềm tựa nước năm đó, mối tình “nhất kiến khuynh tâm[7]” của Tô Tiểu Tiểu và Nguyễn Uất, Tây Hồ dường như lại thêm sắc màu ấm cúng.

[7] Nhất kiến khuynh tâm: Vừa gặp đã say mê.

Phồn hoa như mộng, năm tháng dễ tan. Biết bao lần chong đèn mà vẫn không ngủ được, biết bao lần từ trên lầu cao ngóng người mà chẳng thấy. Cuối cùng nàng vẫn nếm hết nỗi tương tư, bỏ lỡ vẻ đẹp của hoa thắm trăng tròn.

“Sinh vu Tây Lãnh, tử vu Tây Lãnh, mai cốt vu Tây Lãnh, thứ bất phụ ngã Tô Tiểu Tiểu sơn thủy chi tích.” (Sinh ở Tây Lãnh, chết ở Tây Lãnh, vùi xương nơi Tây Lãnh, ngõ hầu chẳng phụ tính mê non nước của Tô Tiểu Tiểu ta) Non nước Tây Hồ, đã nuôi dưỡng linh tính của Tô Tiểu Tiểu. Người con gái này đã viết quá nhiều những câu thơ đa tình, đã từng ngắt những nhành dương liễu biệt ly, đã từng rơi giọt lệ tương tư. Ở Giang Nam đình viện sâu hun hút, ánh trắng là chiếc giường ấm áp cho nàng nằm, hồn phách chẳng nơi ký thác đó đã hoàn toàn dung hòa với non xanh nước biếc Tây Hồ, có lẽ chỉ có như Thế Âmới có thể an ủi tâm tình “nhập thể” của nàng, không phụ mối tình một đời của nàng.

(3) Trăng thu hồ biếc

Giang Nam ức, tối ức thị Hàng Châu

Sơn tự nguyệt trung tầm quế tử, quận đình chẩm thượng khán hồ đầu.

Hà nhật cánh trùng du?

(Giang Nam nhớ, nhớ nhất chính là Hàng Châu. Chùa núi dưới trăng tìm quế tử, quận đình trên gối ngắm trào đầu. Nào dịp lại trùng du?[8])

[8] Bạch Cư Dị, tác phẩm “Ức Giang Nam” (Nhớ Giang Nam), dịch thơ Nguyễn Chí Viễn.

Gió mát kinh động ánh trăng, lá đỏ nhuộm rực non xanh. Tiếng chuông bay bổng chốn xa đang chầm chậm vọng lại sơn tự, hoa quế bóng hương lững lờ đậu trên con đường đá xanh rêu. Những hành lang vẽ tranh sơn thủy màu sắc ngập ánh hoàng hôn, để lại một khung nên thơ khó tả thành lời cho Tây Hồ.

Những cụ già đang thưởng ngoạn phong cảnh trước gió dưới ánh chiều tà hắt xiên, cạnh mình đeo một bầu rượu hoa quế hoa thơm nồng, nhàn tản, điềm tĩnh, cái họ theo đuổi là một cảnh ý không sơn không thủy. Những du khách đang chèo thuyền trên mặt hồ trong đêm trăng soi sương giăng đó, trong tay nâng một ly trà Long Tỉnh Tây Hồ, tao nhã tự tại, cái họ đang thưởng thức chính là một chén nhân sinh ý vị sâu xa.

Trên mặt hồ in bóng những ngọn đèn lung linh của thành thị, khoảng trời đầy sắc màu lấp lánh đó tô điểm cho suy nghĩ của người đời nay. Trên Tây Hồ trăng sáng treo cao, sóng nước lấp loáng, những nhân vật trong những câu chuyện đang chảy qua vẫn rõ rệt như xưa.

“Dục tương thử ý bằng hồi trác, báo dữ Tây Hồ phong nguyệt tri.” (Muốn mang tình ý quay về, để cho trăng gió Tây Hồ cùng hay) Bóng dáng thanh tú gầy guộc ấy, là Bạch Cư Dị chán nản tha phương chăng? Từ khi nào ông đã coi thường danh lợi, gửi tình vào sắc nước non sông, lưu tình vào họa cảnh khói sóng, làm một nhã khách tìm gió câu trăng, tung tích tựa mây trắng? Có lẽ chỉ có non nước Tây Hồ mới có thể hiểu được phong sương nửa đời của ông.

Tiết trời lạnh lẽo, ngôn ngữ cũng mất đi màu sắc. Năm tháng tịch liêu, núi sông cũng quên mất hẹn thề. Còn trăng thu Tây Hồ, lại chọn lựa lặng im.

(4) Tuyết lạnh vườn mai

Chúng phương dao lạc độc huyên nghiên, chiếm tận phong tình hướng tiểu viên. Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển, ám hương phù động nguyệt hoàng hôn.

(Chúng hoa rụng hết chỉ mai còn, độc chiếm khu vườn một mảnh con. Thưa bóng đâm nghiêng lan mặt nước, thoảng hương tỏa xuống động hoàng hôn)

(Tống, Lâm Bô, “Sơn viên tiểu mai”, dịch thơ Điệp Luyến Hoa[9])

[9] Bản dịch thơ trích từ thivien.net.

Những đóa hoa tuyết dày, nhẹ rơi khắp trên mặt hồ phẳng như gương chớp mắt đã tan đi trong nước, tan thành nước lạnh trong suốt của hồ Tây Tử, thấm đẫm tâm tư nhạy cảm của thi nhân, trở thành cảnh thơ hồn hoa “sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển, á hương phù động nguyệt hoàng hôn.”

Tuyết trắng trong veo bên hồ, lấp lóa như in bóng bầu trời điểm xuyết những vì sao nhấp nháy. Nơi ánh sáng, nước hồ và bầu trời giao nhau, nhụy hoa trắng tinh từng bung nở trên tuyết, dùng hương thơm mát lành tấu lên một khúc từ phong nhã thiên cổ.

Gió cũng có hình bóng, nó đi qua xuân thu Tây Hồ, trong hoàng hôn vắng lặng, với ráng chiều rực rỡ mà rõ nét. Hoa mai mỏng mảnh mà lạnh lẽo, cô độc gối đầu lên ánh trăng. Điệu sáo dặt dìu say đắm lòng người tách ra khỏi sự vắng lặng của đêm đông, cuốn theo hương thơm thoang thoảng, tinh tế của hoa mai. Trong đình Phóng Hạc còn có một thi nhân hao gầy, trong những tháng ngày nhàn nhã coi mai là vợ, coi hạc là con, lặng lẽ giữ chút yên tĩnh của tâm hồn này[10]. Giống như ánh trăng chờ đợi ở Tây Hồ, ngàn năm trôi qua, trầm lặng tựa nước, nhưng lại lưu chuyển cả sóng biếc âm trong chẳng đổi thay.

[10] Lâm Bô thích mai và hạc, lấy mai làm vợ, lấy hạc làm con.

Bên đê tuyết bờ liễu đó, là ai say mê thi phong từ vận, giãi bày cảm hứng hiện thời, tìm tìm kiếm kiếm ở Tây Hồ cổ kính, lại đi đi dừng dừng giữa đô thị phồn hoa tựa gấm.

Thư văn hết mà lòng chưa dứt, đàn băng đứt mà âm còn vương. Hôm qua, đã cùng với sóng hồ in bóng ráng chiều, say ngủ thành một đóa sen rẽ ánh trăng loang loáng như nhảy múa. Tây Hồ sóng biếc lăn tăn của ngày hôm nay, tựa như điệu sáo xưa đã chìm đắm cả ngàn năm. Rất nhiều ký ức xưa cũ nào giữ lại được, chiếc thuyền con buông trôi dưới gốc liễu rủ đã chèo qua cả đời người sáng rõ, trong vắt, nhàn nhạt.

Đi xa rồi vẫn sẽ về gần, đợi chờ không còn kéo dài. Quẩn quanh trong giấc mộng bốn mùa uyển chuyển của Tây Hồ, trong mộng, vẫn còn Giang Nam xóa chẳng tan, chẳng hết.

Thái Hồ mây khói

(1)

Vội vàng đến với mưa khói Thái Hồ như thể vội vàng đến với một cuộc hẹn đã có từ kiếp trước. Hẹn ước này, ngàn cánh buồm trôi qua, khiến tôi đã dạo đủ ba kiếp ba đời trong nhân gian mênh mông, mới đến được góc nhỏ chứa đầy mây khói đó. Chỉ đến lúc mưa rơi, tại điểm dừng của sinh mệnh mới xuất hiện sự khởi đầu của nỗi cô đơn tịch mịch.

Người nói, non nước luôn ở trong tim ta, chỉ cần chảy qua dòng sông thời gian là có thể tìm đến nơi mơ ước. Tôi từ nơi xa xôi cách biệt thế gian, giẫm lên những đường hoa văn đậm nhạt của vận mệnh, nhưng vẫn không đi thoát khỏi một đoạn tháng năm trưởng thành.

Tất cả con đường đều bị trùng trùng sương khói che phủ, đi xuyên qua, là sẽ đến con đường về với hồng trần hỗn độn. Nhưng tôi nên tiếp tục đi, hay là nên dừng chân nhìn ra xa? Có thể khi vứt bỏ được những chi tiết thăng trầm nhỏ nhoi, giữa vùng núi non bị lá nhuộm đỏ ối tôi sẽ thong thả chậm bước qua về.

Thực ra, tất cả mọi con đường trên thế gian đều giống nhau, bờ bên này và bờ bên kia chỉ cách có một màn mưa mù mịt. Nhưng tôi có thể viết sự hoang lạnh thê lương thành tươi đẹp sáng lạn, viết sự cô đơn tịch mịch thành xuân thu hoa lệ.

(2)

Hơi ẩm ướt đẫm trong không khí, những làn khói nhẹ màu trắng sữa biến hóa kỳ ảo trên tầng mây cao cao, những hạt mưa trong suốt như khảm vào khung cảnh non xanh nước biếc. Thi thoảng có cánh chim cô lẻ lướt qua những cành cây xanh thẫm, trong mưa khói mịt mờ, chúng đi tìm khung trời thuộc về riêng mình. Còn tôi vẫn không hề dừng lại, mà cứ đi thẳng về phía trước.

Dạo bộ trong mưa là một hứng thú nhàn tản tuyệt diệu không thể nói thành lời. Nước lan tràn khắp nơi, tựa như những bi thương chảy ào ào vô tận. Lá cây giữa núi bay lả tả trong im lặng, những cây thạch lựu trong bụi cỏ hoa vẫn còn đỏ rực, hoa sen trong hồ vẫn im lìm cô đơn say ngủ. Có lẽ, chỉ có khoảnh khắc này đây, tôi mới có thể dừng bước tạm nghỉ, để cho tâm hồn lãng đãng trôi xa.

Ngồi trên tảng đá ngắm những hoa súng đủ màu, bông trắng, bông vàng, bông đỏ, bông tím, khoác những chiếc áo màu của tự nhiên, xòe những cánh hoa nhỏ nhắn xinh đẹp, thì thầm như nói mơ. Hoa sen lay động như múa, mang một vẻ nên thơ tao nhã, cánh hoa trắng muốt lặng lẽ rơi giữa ngàn vạn chiếc lá, tư thế tựa hoa tuyết, gợi nên nỗi nhớ nhung đằng đẵng. Những bông hoa cánh hồng phơn phớt, nhụy vàng, đài xanh nghiêng đầu soi bóng xuống mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Những hạt sương trong vắt như ngọc còn đọng trên cánh sen ấy ánh lên sắc long lanh, lăn qua lăn lại trên lá sen, như những giọt lệ đa tình của thiếu nữ Giang Nam, thấm đẫm cái lạnh lẽo đến tận xương cốt.

Hoa súng và hoa sen dường như đã gắn với rất nhiều gút mắc tình cảm trong suốt cuộc đời tôi. Linh hồn tôi ký thác vào mỗi khi hoa nở hoa tàn, mỗi buổi hoàng hôn buông xuống, tâm sự trùng trùng cũng theo đó dần dần tiêu tán bớt đi. Ngẫm lại, hoa sen hay hoa súng rốt cuộc đều phải tàn úa, đời người vẫn phải hạ màn. Những đau thương của thế sự, quá nhẹ nhàng thì khó tránh khỏi không chân thật, quá nặng nề thì khó trách khỏi gánh vác nặng trên vai. Đến khi già đi, tất cả đều chỉ còn là vết tích.

Bốn mùa trầm lặng, ngôn ngữ mất đi sắc màu; tháng năm tịch mịch, non nước lãng quên thề hẹn.

(3)

Thái Hồ sương khói mờ mịt, mênh mang nhìn chẳng thấy bờ, núi xanh lặng lẽ ẩn mình. Gió mát khẽ thổi, mặt hồ gợn lên từng vòng sóng hình tròn ốc, mưa rơi trên mặt hồ tạo thành từng bông hoa nước nho nhỏ, xinh xinh. Tảo xanh trôi dạt xô bờ, xanh tĩnh lặng hiền hòa, xanh trấn tĩnh bình thản, xanh rờn rợn chảy trôi, trong không khí ngập tràn mùi hương ngai ngái của màu xanh ấy.

Một hòn tiên đảo nổi giữa hồ, lên thuyền qua cầu là đến nơi Thái Hư ảo ảnh. Tìm một chiếc thuyền gỗ chèo ra đảo, cụ già chèo thuyền mặc áo tơi nón lá, những nếp nhăn trên gương mặt như làn sóng lan chằng chịt trên mặt hồ. Ngồi trên thuyền, bỗng cảm thấy thân mình nhẹ bỗng, cúi đầu xuống nước, những xốc nổi do hồng trần tiêm nhiễm đã trở nên trầm lắng.

Trong mây mù xuất hiện chiếc thuyền cổ có bảy cột buồm, lướt qua bên cạnh, hướng về phương xa, dần dần chỉ còn là một chiếc bóng nhỏ bé mờ nhạt, khiến bạn ngậm ngùi mãi lâu. Suốt chặng đường mưa dập gió vùi, chẳng biết đến bao giờ mới đến được bến cảng để dừng thuyền cập bến?

Bờ bên này dẫn xa, bờ bên kia dần gần. Lầu gác và tháp cổ trên đảo càng lúc càng hiện ra rõ ràng, mây khói bao phủ, tựa như lạc vào chốn Bồng Lai tiên cảnh. Xuống thuyền lên bờ không quay lại nhìn về hướng ta vừa tới nữa. Mấy chiếc thuyền bắt cá con con buộc neo bên chiếc đình bên bờ, ngư dân trên thuyền mời mọc du khách mua ít đặc sản của hồ vừa mới đánh bắt được. Mặc áo tơi lá đi qua mưa gió, chứng kiến cuộc đời không oán không hận của họ. Cảm xúc ấy khiến khóe mắt bỗng ẩm ướt như thủy triều trào dâng.

Cây cầu cổ vắt ngang mặt hồ, gió nhè nhẹ thổi, luồn lách trong hành lang ven hồ. Nhìn ra phía xa, chỉ tuyền một màu, ấy là màu mênh mênh mang mang. Đi qua cây cầu này, có lẽ có thể tìm được nơi chốn để một đời hướng về.

(4)

Bên bờ hồ có vài cụ già đang buông cần câu trong mưa khói, bên hông còn đeo một bình rượu lâu năm hoặc một bình trà đặc, trông vô cùng nhàn tản, thú vị. Khi con người ta già đi, ân oán tình thù đều tiêu tan hết thảy, có lẽ chỉ có khung cảnh đầy cổ kính sáng câu cá kiếm củi, chiều nhóm bếp nấu cơm là khiến ta tu tâm dưỡng tính nhiều hơn.

Mấy thân liễu phất phơ như múa lượn trong gió, dáng liễu thướt tha buông rủ xuống tháng năm xanh biêng biếc. Chim bay trong màn mưa, trên những lầu gác im lìm, cối xay nước bằng gỗ chuyển động không biết mệt mỏi, phát ra những âm thanh kẽo cà kẽo kẹt, như lặp lại những bản dân ca từ thời viễn cổ.

Trong núi, lá thông rụng đầy mặt đất, trúc biếc từng bụi um tùm, rất nhiều loài hoa dại không biết tên rụng rải rác trên mặt đất ẩm ướt, khi giẫm chân lên chúng, trái tim ta bỗng trở nên yếu mềm trong khoảnh khắc. Lá sáng bóng, quả hấp dẫn, tiếng chim kêu lảnh lót, tiếng ve kêu râm ran, tất cả hòa trộn trong màn mưa khói giăng giăng kín trời, như thể đang cử hành một buổi yến tiệc vui vẻ rực rỡ sắc màu giữa trời đất, khiến cho nỗi cô đơn cũng phải nở hoa.

Dừng chân trên con đường đá xanh rêu, ngắm mây màu biến ảo lúc tụ, nhìn những vệt sóng sáng loang loáng trong hồ, ngắm mưa phùn rây rắc như tơ bay bay. Ngọn núi phía xa xa chìm trong tầng mây đỉnh cao gần đó xanh đến nhức mắt, còn có hồ nước bồng bềnh khói sóng, tùng bách cheo leo trên vách đá, suối trong réo rắt trong sơn cốc, đạo quán giữa gió mát núi xanh. Đứng giữa nơi núi non sương khói trong mộng ấy, sao có thể không kinh ngạc cảm thán trước sự thần kỳ của tạo hóa? Phải có khí vị phong độ đến nhường nào mới có thể tạo nên vạn vật linh thiêng thuần túy đến nhường ấy?

Con người bước đi giữa thiên nhiên, giống như chú chim mỏi mệt muốn tìm chiếc tổ của riêng mình. Chỉ là, núi trống nước xa, không bờ không bến, rời khỏi tự nhiên, biết tìm đâu sự chân thực vĩnh hằng?

(5)

Tiếng chuông lãng đãng trong không trung đang đánh thức người chìm trong giấc mộng, đạo quán tọa lạc trên đỉnh của tiên đảo, giữa sâu thẳm mây mù. Tôi cứ đi về phía chân trời, mới có thể đến được nơi Thái Hư ảo cảnh. Dòng thác trắng xóa từ trên núi đổ xuống suối rồi linh hoạt chuyển dòng. Nhặt một viên đá ném xuống nước, nhìn sóng nước lăn tăn hồi lâu, cho đến khi làn sóng ấy biến mất không còn dấu vết.

Bước vào đạo quán, khói nhẹ chờn vờn, vài người khách hành hương đang thắp hương khấn vái ở những nơi khác nhau. Mấy cây cổ thụ trước cửa, bị tháng năm ăn mòn nên đã để lại những vệt loang lổ in dấu thời gian. Những vết tích ấy mang lại một màu sắc tang thương, buồn bã cho tòa đạo quán này.

Bước qua ngưỡng cửa bằng gỗ, mấy đạo sĩ trẻ tuổi tay cầm phất trần, ngồi xem bói cho du khách bên trong. Ngày thường tôi chỉ biết sự cô đơn của chữ nghĩa, mà không đọc ra được sự cô đơn của nhân sinh? Tuổi trẻ của họ đã bị phong bế trong tường cao viện sâu này, cuộc đời trở nên cô đơn, kinh văn cũng trở nên cô đơn.

Trên bức tường có khắc hình mấy nhân vật Đạo gia, toàn thân toát lên vẻ tiên phong đạo cốt, gột sạch những trần ai của tục thế. Lên lầu nhìn ra xa, trong mưa khói, trời đất mờ mịt, núi non im lìm. Những vết thương từng ăn mòn xương cốt và những niềm vui đã quên mất dáng hình đều đã lãng quên, không biết đây là một sự mất mát hay là một sự hồi sinh?

Gặp gỡ ngắn ngủi có thể chỉ trong khoảnh khắc, nhưng cũng có thể là cả một đời.

(6)

Con đường về là con đường khi tới, mà cũng không phải là con đường khi tới, dường như đã không còn nhớ nổi nữa.

Mưa và sương xỏ thành bức rèm châu nhỏ tí tách từ trên những cành cây, giống như từng hạt trái tim trong vắt, đang ước ao được như một tinh linh biết nói chuyện. Sắc chiều dần buông, ánh sóng trong hồ tản mát hết, chim bay tìm chốn trú ngụ, người đánh cá quay về, chỉ có ông lão buông cần vẫn đang nhàn nhã đối mặt với non nước, uống rượu vui thú một mình.

Một chiếc thuyền gỗ buông lơi bên bờ, cụ già chèo thuyền hút điếu cày chờ đợt dòng người thưa thớt. Cũng có cả chiếc thuyền lớn đậu bên bến, chuyên chở những du khách muốn quay lại bờ bên kia. Mặc dầu không có tâm trạng nhàn nhã như khi đến, nhưng vẫn ngồi lên thuyền gỗ để qua hồ. Mặc dầu không có ánh chiều tà làm bạn, nhưng vẫn khua mái chèo gạt mưa khói để quay về.

Không thể dựng nhà tranh để ở, không thể nương náu nơi cảnh Thiền non nước. Đi men theo bờ hồ ẩm ướt, hái một cành hoa sen, trên con đường núi chìm trong sương khói, không biết đường về nơi nao, không biết ngày về bao giờ.

Tôi chỉ là một trong vô số người lữ hành trong Thái Hồ, không cần ai nhớ tôi đã tới đây hay chưa, đã đi hay chưa. Chỉ là, mưa khói Thái Hồ khiến tôi nhớ đến giấc mộng kiếp trước đã đánh mất, mà đời này, lại vẫn đi xuyên qua giấc mộng.

Vậy hãy để tôi thu nhặt những hạt sương trong lành đọng trên lá sen, ủ một ly rượu hoa sen, chôn xuống nơi sâu kín của năm tháng. Giữa non nước nâng chén sinh mệnh yếu mềm, mặc cho tuổi xuân già đi, mặc cho vẻ đẹp hoang tàn, cũng phải uống thỏa thuê cõi đời này!
Chương trước Chương tiếp
Loading...