Nào Hay Xuân Mênh Mông

Chương 28: Đám Cưới Đầu Xuân



Trần Khâm bận rộn với công việc triều chính là thế, còn ở sau đình, chị Trinh cũng phải vất vả lo các công việc cúng kiếng ngày đầu năm. Tôi là một phu nhân nhàn hạ, bỗng nhiên xui xẻo bị vạ lây.

Về vấn đề này chị Trinh khá là quyết liệt với tôi, giống như thật sự muốn giao toàn bộ công việc của mình cho tôi vậy. Năm nay thằng nhóc Thuyên đã lên mười, nhưng ngẫm lại ngày xưa Trần Khâm lúc tròn mười sáu tuổi mới được lập làm hoàng thái tử và ban cung điện riêng, huống hồ thằng nhóc này bản tính ham chơi mãi không chịu trưởng thành, thật làm người khác không thể an tâm được. Tôi tự nhủ giúp người phải giúp cho trót, chị Trinh đã kỳ vọng về mình như thế, mình đương nhiên đối với thằng nhóc này càng phải nghiêm khắc hơn.

Trần Khâm vẫn hay đùa với tôi, trông cái cách tôi đối xử với nhóc Thuyên đúng là với kẻ mang nhiều kỳ vọng làm vua, còn đối với Quốc Chẩn giống như muốn hướng nó làm một hoàng tử nhàn tản. Tôi cười hì hì, quả nhiên là chỉ có anh ta mới hiểu được tôi, người bình thường còn nghĩ tôi phân biệt đối xử giữa con chồng với con ruột. Nhưng nói đi phải nói lại, thật ra làm vua cũng chẳng vui vẻ gì.

Điển hình như Trần Khâm và cái vị vương gia nhàn hạ ở Chiêu Văn vương phủ, trong khi Trần Khâm ngay từ khi chưa tròn mười tám tuổi đã phải lãnh trách nhiệm sinh con đẻ cái nối dõi, ngày đêm vì thịnh suy của Đại Việt mà lao tâm lao lực, không có thời gian nghỉ ngơi, thì vị kia đến hiện tại vẫn còn chăn đơn gối chiếc không quản sự đời. Trong nhà ngày nào cũng truyền ra tiếng đàn hát, thậm chí ngày trước tôi còn vô tình trông thấy anh ta vươn cánh tay dài của mình tới hồ Thủy Tinh câu trộm cá, quả thật là kê cao gối ngủ ngon. Tôi thiết nghĩ đời người mấy ai được sống trong cảnh ấy, nói tôi ích kỷ cũng được, đứa con hiền lành trung thực của tôi, mai sau ở chốn quan trường sợ là phải rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất.

Tôi vốn làm người đơn giản, chẳng hề muốn lo nghĩ tới những việc phức tạp này, nhưng sống trong nhà đế vương, khó tránh khỏi va chạm, khiến người ta không nén nổi một tiếng thở dài. Dù sao thằng nhóc Thuyên này kể từ khi sinh ra đã được tiên đế lập làm hoàng thái tôn rồi, xem như nửa ngôi vua đã về tay, chỉ cần không làm gì quá đáng thì chỉ cần ngồi rung đùi thôi cũng giành được thiên hạ. Nhưng có điều là phải xem là thằng nhóc này ngồi rung đùi để học hành hay là ăn chơi. Nếu như nó chuyên tâm chăm lo triều chính, vậy thì quý hóa quá, còn bằng không, e là tôi phải thêm một phen đau đầu.

Vì thế kẻ làm mẹ kế như tôi mặc dù đột nhiên cảm thấy như có một gánh nặng đang đè xuống vai, nhưng trong lòng không khỏi bừng bừng hưng trí, lập tức không quản cái lạnh cuối năm ở kinh đô, đặc biệt ngồi xe ngựa đến Quốc Học viện xem bọn trẻ học hành. Tự bản thân tôi cảm thấy mình làm chức vị phu nhân cũng thật lao tâm khổ tứ lắm thay.

Thầy giáo nhìn thấy tôi và Thụy Hương đứng nép bên cửa sổ, định bước ra chào. Tôi ra hiệu cho ông ấy im lặng, lại đứng khoanh tay nhìn một vòng bên trong, thì ngay lập tức đã thấy thằng nhóc Thuyên đang ngồi ngủ gà ngủ gật. Tôi lấy tay dỡ trán, thật muốn xông vào bên trong tẩn cho nó một trận, cũng may Thụy Hương giữ chặt lấy tôi. Tôi hít vào một hơi, cố gắng bình tĩnh tiếp tục quan sát.

Lúc này bên trong đã giảng đến đoạn Nhan Hồi ăn vụng cơm, phải công nhận một điều là thầy giáo này có cách giảng hết sức buồn ngủ, một câu chuyện hay như thế bị ông ấy giảng thành một bài hát ru. Tôi mơ mơ màng màng đứng tựa vào tường, nhìn thấy giàn tầm xuân phía trên lọt qua những tia nắng chói mắt, bất chợt nghĩ đến chiếc sập trúc ở nhà. Năm ấy ngồi học cùng Tuệ Trung thượng sĩ ở phủ đệ Vạn Kiếp, mình cũng chẳng phải là một người trò ngoan.

Tôi chợt thấy bên cạnh nhóc Thuyên có một thằng bé tầm năm sáu tuổi, gương mặt sáng sủa và đôi mắt rất có hồn, thằng bé chăm chú nghe giảng, thỉnh thoảng còn lay thằng nhóc Thuyên tỉnh dậy. Tôi hỏi nội hầu đứng ngoài, hóa ra đấy là Đoàn Nhữ Hài, là một học trò nhỏ ở lộ Hồng Châu, hiện đang trọ tại chùa Tư Phúc. Đứa bé này còn nhỏ nhưng lại nỗ lực cho việc học như thế, tôi thầm nghĩ có lẽ sang năm cũng nên cho Quốc Chẩn đến đây mở mang.

Thằng nhóc Thuyên sau khi bị lay tỉnh thì lại tiếp tục vẽ vời gì đó lên giấy, tôi loạng choạng suýt ngã, Thụy Hương đỡ lấy tôi. Tôi khóc không ra nước mắt nhìn Thụy Hương, chỉ hận rèn sắt không thành thép.

Sau khi thầy giáo giảng xong, có rất nhiều học trò giơ tay phát biểu, sâu sắc nhất thì phải kể đến Đoàn Nhữ Hài, Phạm Ngộ và Độ Thiên Lư.

Độ Thiên Lư thì nói rằng, phàm là bất kể việc gì cũng không thể nhìn bề nổi, dù là mắt thấy tai nghe cũng chưa chắc là đúng, kể cả có là Khổng Tử - một bậc thánh nhân. Vì thế nếu như muốn nhìn nhận một việc cho tận tường thấu đáp, phải dùng tâm mà cảm nhận, làm người sống không nên xốc nổi, việc gì cũng có nguyên nhân.

Độ Thiên Lư năm nay chắc cũng trạc mười bốn mười lăm, tầm tuổi của thằng bé Mạc Đĩnh Chi, chỉ có điều Mạc Đĩnh Chi học hành trong phủ đệ của Trần Ích Tắc. Tuy hiện giờ Trần Ích Tắc đã rời Đại Việt, nhưng học đường của anh ta vẫn còn Trần Nhật Duật làm trụ cột, cũng không đến nỗi phải giải tán. Huống hồ học tập với một người có kiến thức uyên bác về mọi mặt và tâm hồn phóng khoáng như Trần Nhật Duật, khẳng định là hơn hẳn vị thầy giáo này.

Tiếp đến là Phạm Ngộ cũng cùng trang lứa với Độ Thiên Lư, cậu ta nói tuy rằng Khổng Tử vô cùng đau xót và tự trách khi phát hiện ra người học trò mà mình vô cùng thương yêu đang ăn vụng cơm, nhưng không lập tức trách phạt và kết tội học trò trước các môn đệ, ông đã khéo léo dẫn dắt để người học trò ấy tự nhận lỗi, nhờ vậy mới phát hiện ra mình đã nghĩ sai mà không phạm phải sai lầm nghiêm trọng nào.

Người còn lại là Đoàn Nhữ Hài. Cậu bé này tuy còn nhỏ tuổi, nhưng sau khi nghe Phạm Ngộ và Độ Thiên Lư phát biểu xong, đã ngay lập tức suy nghĩ theo một hướng khác không hề trùng lặp. Cậu bé ấy nói về khía cạnh của người học trò kia, biết nhận lỗi và suy nghĩ cho thầy và các bạn là một điều hết sức đáng quý. Tuy lén lút ăn phần cơm bẩn, nhưng lại không muốn thầy và các bạn nhìn thấy, ấy là âm thầm nhận khổ về mình.

Tôi nghe Đoàn Nhữ Hài phát biểu, cảm thấy thằng bé này vốn mang trong mình tấm lòng lương thiện, biết nghĩ theo hướng chịu thiệt về mình, ắt hẳn sau này sẽ là một cánh tay đắc lực của Trần Thuyên. Tôi thiết nghĩ cả ba cậu học trò phát biểu hôm nay đều là những người tài không đợi tuổi, bèn âm thầm ghi nhớ tên họ, định bụng tối nay sẽ kể lại cho Trần Khâm, nói anh ta có nên đặc biệt chú ý hay không. Chuyến đi này tuy nhìn thấy thằng nhóc Thuyên học hành chểnh mảng, nhưng ít ra chính bản thân cũng hiểu thêm được nhiều điều.

Mãi nghĩ không chú ý, lớp học cũng đến giờ tan tầm, các môn sinh còn nán lại với nhau để luận bàn kiến thức khi nãy, tôi và Thụy Hương cũng quay gót trở về. Bỗng nhiên phía sau vang lên tiếng thằng nhóc Thuyên gọi với tới, tôi quay mặt lại thì thấy nó đã đứng phía trước tôi.

Vốn dĩ tôi đã hơi nguôi giận, lúc này bất chợt trông thấy vẻ mặt tỉnh táo của thằng nhóc này cười hề hề với mình, khác hẳn với bộ dạng ngủ gà ngủ gật ban nãy, liền có chút bực mình. Tôi cau mày nhìn nó, nhỏ giọng răn:

- Con là hoàng thái tôn do tiên đế đích thân chọn lựa, sao lại không có chí tiến thủ như thế? Một lần bắt gặp vạn lần không, hôm nay con học hành lơ đễnh, ta thật không tài nào nghĩ tốt cho con được, trong lòng ta thắc mắc không biết có phải ngày nào đi học con cũng không tập trung như vậy hay không?

Thằng bé gãi đầu, xụ mặt nói với tôi:

- Dù sao lúc tiên đế chọn con là hoàng thái tôn, chỉ mới có mình con được sinh ra, làm sao ngài ấy biết được sau con còn có những ai tài giỏi hơn chứ?

Tôi chưng hửng nhìn nó, cũng không nghĩ ra được nó sẽ trả lời như thế này, từ bực mình chuyển sang rầu rĩ, thầm nghĩ tương lai của nước Việt có chắc chắn là nhóc Thuyên làm vua không cũng chưa thể khẳng định được lúc này. Tôi từ quyết tâm hừng hực, bỗng nhiên nguội tắt đi không ít. Con lớn rồi tự có suy nghĩ của riêng mình, người làm mẹ kế như tôi muốn nhọc lòng răn dạy, trong lòng tự cảm thấy mình với tay quá dài.

Suy cho cùng là xuất phát từ sự kỳ vọng quá lớn, tôi lại không kìm được mà trách:

- Ta nhìn thấy trong học đường, không ai là không chuyên tâm nghe lời thầy dạy, chỉ có con là lơ là. Nếu như sau này bọn họ lên làm thần tử, mà người làm vua không chịu học hành, thì làm sao biết được lời nào đúng lời nào sai, người nào trung người nào gian để phân biệt thị phi phải trái? Đến lúc đó nhỡ đưa ra quyết định sai lầm, hại nước hại dân thì phải làm thế nào?

Nghe tôi nói lời này, Trần Thuyên không khỏi nghĩ ngợi, nghĩ xong thì chậm rãi nói:

- Thật ra trong lũ họ, thiếu gì những con bò hay chữ, học tốt không có nghĩa là sau này sẽ giúp ích được cho dân. Từ cổ chí kim, cho dù là những kẻ học rộng tài cao, miệng lưỡi giảo hoạt cũng chưa chắc sẽ không vì tư lợi mà đem lòng phản trắc. Kẻ tốt hay người xấu, chỉ chênh nhau ở một ý niệm, thay vì tu học, con nghĩ là một vị vua thì cũng nên tu tâm, lúc đó phân rõ thẳng ngay, không sợ bị gian thần lộng quyền.

Tôi lắc đầu:

- Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.

Tôi nói xong thì phất tay cho nó đi khỏi, lúc này có mấy người học trò ban nãy tiến đến cúi đầu chào tôi, rồi cùng nhóc Thuyên sóng vai rời đi. Tôi nhìn bóng lưng nó sao mà hiu quạnh, trong lòng cũng thấy buồn phiền.

Lúc tôi định trở về thì Đoàn Nhữ Hài từ trong nhà học chạy ra, trên tay cầm mấy tờ giấy, gấp gáp nói:

- Con thấy người trách mắng hoàng thái tôn, nhưng mà người trách lầm anh ấy rồi đấy ạ, thực ra trông anh ấy có vẻ không đáng tin, nhưng lời thầy dạy anh ấy vẫn luôn để tâm đấy ạ!

Tôi cầm lấy mấy tờ giấy, Đoàn Nhữ Hài cũng cúi chào rồi xách tập vở chạy theo phía sau đuôi của nhóc Thuyên giống như một tên sai vặt, tôi thầm nghĩ làm một kẻ có máu mặt thật tốt, lúc nào cũng có một tên đàn em sẵn sàng chống đỡ cho mình. Tôi nhìn bộ dạng thấp bé của thằng nhóc ấy chạy nhanh thoăn thoắt, không nén được bật cười.

Chợt nhớ đến mấy tờ giấy trên tay, lật xem thì thấy bức tranh vẽ một người đàn ông mặc Hán phục, đầu đội kim quan, mặt hổ râu rồng vô cùng khí thế. Bên cạnh lại đề hai câu thơ:

"Tru Tần diệt Hạng cứu sinh linh,

Giá ngự anh hùng đại nghiệp thành."

(Đánh Tần, diệt Hạng, cứu dân chúng,

Chế ngự anh hùng, hoàn thành sự nghiệp lớn.)

Tôi ngẫm nghĩ một hồi, thì ra thằng nhóc này đang làm thơ ca ngợi Hán Cao Tổ Lưu Bang. Hán Cao Tổ nói thẳng ra thì từ một kẻ thất phu lên làm vua, thảo nào nó lại cãi nhau với tôi về việc học hành. Nhìn nét vẽ và cả giọng thơ, xem ra cũng là một kẻ yêu nghệ thuật. Lại lật xem tờ giấy bên dưới, thì thấy lộ ra mấy câu luận như sau:

"Nhan Hồi ăn vụng cơm, nhìn bề nổi thì thấy những đức tính tốt được phô bày của thầy trò Đức Khổng Tử, nhưng nhìn vào bề chìm chỉ thấy sự loạn lạc của thời đại Xuân Thu. Kẻ thống trị tranh giành nhau từng tấc đất, khiến dân chúng lầm than, người người khổ cực, mà lại không thấu được cốt lõi là sự no ấm của người dân. Chỉ khi dân giàu nước mới mạnh, khi đó cũng không còn cảnh đói kém khiến thầy trò trải qua gian khổ đến mức chỉ vì một nhúm gạo không đủ no mà khiến thầy trò nghi ngờ lẫn nhau. Kẻ làm vua phải nhìn vào điều đó mà lấy làm bài học".

Tôi hết nhìn Thuỵ Hương, lại nhìn về hướng Thuyên nhi vừa đi khỏi, tại quét mắt vào tờ giấy mình đang cầm trên tay, giật mình ngẫm lại, suýt chút nữa thì bản thân trở thành một kẻ hồ đồ. Chẳng qua chỉ là vài câu tuỳ tiện, chữ viết nghuệch ngoạc khó coi, nhưng tôi giống như nghe được nỗi trăn trở của con trẻ vậy. Cõi lòng bỗng chốc ấm lên, hoá ra chính bản thân suýt thì hiểu lầm thằng bé giống như Đức Khổng Tử đối với môn hạ của mình.

Tôi đem chuyện kể với Trần Khâm, anh cười bảo:

- Đi một ngày đàng học một sàng khôn, mấy lời ta nói không có ảnh hưởng tới em bằng việc em tự mình trải nghiệm nhỉ? Cũng biết tiếp thu vận dụng bài học cơ đấy!

Tôi liếc anh ta, anh ta đúng là xem mình thành một đứa trẻ con rồi.

Gác việc thằng nhóc Thuyên qua một bên thì cũng đến ngày tháng Chạp cúng ông Công ông Táo. Đây là tục thờ Ngũ tự, để trả công cho năm vị thần trong nhà là Môn thần, Hộ thần, Trung lưu thần, Táo thần và Hành thần, Vua quan cúng ngày hai mươi ba, thứ dân cúng ngày hai mươi bốn và những người làm nghề chài lưới, ngư dân cúng vào ngày hai mươi lăm. Tôi cũng chẳng biết tại sao lại có sự như thế, nhưng chị Trinh cứ nằng nặc bắt tôi phải ghi nhớ làm tôi choáng hết cả đầu, nào là cơm canh, rượu nước, vàng mã, nào là cau trầu, thịt gà, thịt lợn... Điều đặc biệt phải có ba bộ mũ áo, hài, một hoặc ba con cá chép. Tôi dứt khoát sai Thuỵ Hương tìm giấy bút ghi vào.

Sau ngày đưa ông Táo về trời, cách tết âm lịch chỉ còn sáu bảy ngày, phải quét tước toàn bộ phòng ốc, thường gọi là tảo trần, trảo trần để bỏ cũ đón mới, quét sạch điềm xấu. Còn phải dán cửa, dán tranh tết vân vân, rồi đi tảo mộ ông bà, xong xuôi hết thì cũng đến Tết Nguyên Đán. Tết năm nay vừa đánh đuổi ngoại xâm, tuy kinh tế vẫn còn chưa phục hồi, nhưng không khí cũng phá lệ xem như là vui vẻ nhất trong suốt hơn hai mươi năm trở lại đây. Thông thường vào tháng Giêng, mọi người đều tạm ngưng lại công việc để tham gia hội xuân, nhưng năm nay có lẽ sẽ phải tăng gia sản xuất. Dẫu sao thì tháng Chạp là tháng trồng khoai, tháng Giêng trồng đậu tháng hai trồng cà mà. Dù vậy khắp các hang cùng ngõ hẻm vẫn nô nức không khí Tết.

Học đường cũng cho các học trò tạm nghỉ để chơi tết, ở Phượng thành bình thường vốn đã nhộn nhịp nay lại càng náo nhiệt hơn, cả quý tộc cùng thường dân đều cùng nhau chơi mấy trò chơi dân gian làm rộn ràng cả con phố. Tôi nhìn cái dáng vẻ muốn chảy cả nước dãi của thằng nhóc Thuyên, cảm giác hoàng cung sắp không giữ nỗi nó nữa rồi.

Tôi kéo bọn nhỏ chơi trò cắt giấy hoa, đúng lúc phát hiện ra thằng nhóc Thuyên đúng là một nhân tài về khoản này. Quốc Chẩn trố mắt nhìn những tờ giấy hoa mà anh trai mình vừa cắt cắt vẽ vẽ xong, trên mặt hiện lên ánh nhìn hâm mộ. Trong lòng tôi cũng vui vẻ, tự nhủ những năm về sau khỏi phải cực nhọc rồi.

Năm nay Quốc Chẩn làm việc rất có năng suất, dù sao trong hoàng thành này nó là người nhỏ tuổi nhất, lại có người cha rất mát mặt là quan gia, thế nên mới có cảnh tôi ngồi đếm tiền mừng tuổi của nó mà không khép miệng lại được. Thằng nhóc cũng háo hức ngồi một bên xem, tôi nói rằng đây là tiền để dành sau này lấy vợ cho nó, nên đạt được thống nhất giữa hai bên, tâm tình thằng nhóc cũng rất tốt.

Đón giao thừa và cúng đầu năm xong, tôi và chị Trinh cũng bắt đầu sắp xếp chuẩn bị trở về Vạn Kiếp ăn cưới. Lần này phải nói là tam hỉ lâm môn, nên dù là hoàng hậu, chị Trinh vẫn gác lại cái tất bật của đầu năm để trở về. Trong lòng tôi háo hức không thôi, từ lâu rồi tôi không tham dự chuyện vui như vậy, ngay cả ngày mình vào Phượng thành, vẫn không thể có được cảm giác nôn nao như hôm nay.

Trước khi đi, Trần Khâm lại lôi ra chiếc trâm hoa của tôi dạo nọ. Tôi há mồm kinh ngạc, thứ này ngỡ đã mất từ lâu nhưng không ngờ hôm nay vẫn còn có thể gặp lại. Nói ra cũng thật trùng hợp, đây là món quà đầu tiên Trần Khâm tặng tôi làm vật đính ước, rốt cuộc theo tôi suốt quãng thời gian mà tôi bị Thoát Hoan bắt đi. Lần gặp lại đầu tiên phần vì thấy tôi quen mắt, phần vì chiếc trâm này mới khiến anh ta chú ý đến tôi.

Trần Khâm thấy tôi thắc mắc, liền "hừ" một tiếng, đáp:

- Còn nhớ cái hôm em bị Thoát Hoan làm cho bí bách quá phải làm cho mình ngất xỉu để giải vây hay không, chính ta là kẻ thu dọn tàn cuộc cho em đấy!

Tôi bật cười, còn thu dọn tàn cuộc nữa cơ, còn không phải vì có anh ta nên tôi phải dùng đến hạ sách này sao? Nhưng nhận ra là tôi cố ý ngất xỉu, anh ta cũng khá đấy.

Tôi chồm người lên tặng Trần Khâm một nụ hôn xem như lời cảm ơn, anh ta lại còn không biết đủ mà còn muốn nhiều hơn. Tôi đẩy anh ra, lại đánh lạc hướng:

- Vậy bao giờ chàng đến Vạn Kiếp?

Vạt áo Trần Khâm đã hơi lỏng để lộ ra khuôn ngực rắn rỏi. Cơ thể anh ta vốn đã rất đẹp, lại qua hun đúc của cuộc chiến vừa qua lại càng quyến rũ hơn, mặc dù có hơi gầy xuống nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng đến xúc cảm khi chạm vào, thậm chí còn có cảm giác thích thú hơn. Anh ta ngồi ngửa cổ ra sau, phần xuân ý để lộ ra trước mặt tôi đến quá nửa. Trần Khâm suy nghĩ một lát, đáp lời tôi:

- Việc trong triều còn bộn bề, ta sẽ sắp xếp sau.

Trong lòng tôi cũng có chút thất vọng, nhưng nghĩ lại anh ta dù sao cũng là vua một nước, rất ít khi có thể làm theo mong muốn của mình. Trần Khâm thấy tôi xụ mặt, bèn nắm lấy hai bên gò má của tôi kéo tới kéo lui, tôi cau mày liếc anh, anh ta liền cười ha ha nói:

- Quốc Chẩn cũng đã lớn thế rồi mà cứ nhõng nhẽo như con nít ý!

Tôi bĩu môi, né tránh bàn tay háo sắc của anh ta, Trần Khâm lại ấn tôi xuống giường, đôi môi mát lạnh đảo qua đôi gò má tôi mơn trớn. Cả người tôi mềm nhũn, thầm mắng trong lòng, cũng chẳng thể nào mà kêu la lên được.

Buổi sáng lúc quờ quạng tỉnh lại, thấy bên cạnh trống không. Tôi nhập nhèm mở mắt, bỗng dưng nhìn thấy một bài thơ trên gối. Mùi giấy mật hương chỉ thoang thoảng bên mũi. Tôi dụi mắt, quả nhiên lại là bút tích của người kia.

"Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,

Họa đường thiềm ẩn mộ vân phi.

Khách lai bất vấn nhân gian sự,

Cộng ỷ lan can khán thúy vi."

(Chim chậm lời ca, liễu nở đầy,

Họa đường bóng lộng, mây chiều bay.

Khách đến, chuyện đời không hỏi nữa,

Cùng tựa lan can ngắm biếc ngày.)

Tôi như thường lệ lấy bút đề hai chữ "cảnh xuân", rồi nhắm mắt ngủ tiếp. Trong mơ lại chập chờn hình ảnh một nam một nữ đứng tựa lan can dưới mái hiên có giàn tầm xuân phủ kín. Dõi mắt xa trông chỉ thấy hoàng hôn buông mình, đàn chim én sải cánh bay về nam. Trong gió xuân mơn man thổi, chàng trai dịu dàng khẽ vén lên lọn tóc qua vành tai của cô gái. Không gian ngan ngát mùi giấy mật hương.

Vừa xong Mồng ba, buổi sáng tinh mơ ngày Mồng bốn, cả đám chúng tôi đã rồng rắn kéo nhau trở về, cả người và lễ vật tính sơ cũng đã gần năm xe. Tôi và chị Trinh nhìn nhau, tự cảm thấy đoạn đường này cũng đầy khổ cực. Chẳng biết các thân thích họ hàng khác ở kinh thành có trở về không, nhưng có vẻ như bọn tôi là người về Vạn Kiếp sớm nhất. Còn nhớ năm đó đoàn rước dâu từ Phượng Thành về Vạn Kiếp rước tôi, khí thế cũng chỉ đến vậy là cùng, bao năm rồi mới có dịp trở về vương phủ bằng cách thức này, trong lòng không khỏi cảm thấy hân hoan.

Xe ngựa xóc nảy liên tục, tôi ngồi ôm Quốc Chẩn ngủ thiếp đi trong xe, đây là thói quen khó bỏ, hễ lên xe là chỉ muốn ngủ mà thôi. Trong suốt đoạn đường chỉ nghe tiếng chị Trinh ở bên tai tôi nói thỏ thẻ gì đó, âm thanh thi thoảng hoà trong tiếng cười nói của nhóc Thuyên, nghe thật dễ ngủ, cũng thật yên bình. Trong cơn mê man bỗng nhiên tiềm thức quay về lúc lên kinh cùng với Đan Thanh, giữa thực và ảo đan xen liên tục, lúc thì nghe tiếng Đan Thanh cười cười nói nói hòa cùng tiếng mưa rả rích rơi lộp bộp trên nóc xe ngựa, lúc thì tiếng chị Trinh cùng nhóc Thuyên hàn huyên gì đó bên tai, làm tôi cảm tưởng như mình đang ở thời điểm của hơn sáu năm về trước.

Năm ấy, tôi là một thiếu nữ với tâm hồn còn tươi trẻ như mùa xuân, tò mò, mới mẻ với mọi thứ, trái tim nhạy cảm như một đóa phù dung, buồn man mác khi chia xa mối tình đầu. Hơn tất cả, khi ấy Đan Thanh vẫn còn sống, còn kề cận bên tôi, và vẫn chưa xảy ra trận hỏa hoạn ở Quân Hoa cung làm cháy rụi đi tất cả.

Đang chập chờn trong cơn mộng mị, cả người bất chợt bị lay tỉnh. Tôi nhập nhèm mở mắt ra thì thấy gương mặt của Quốc Chẩn đang kề sát mình, nó lấy tay sờ sờ mặt tôi rồi hỏi:

- Mẹ gặp ác mộng hả mẹ?

Tôi đưa tay lên má, hóa ra mình đã rơi nước mắt tự lúc nào.

Lúc này bên ngoài bỗng nhiên có động tĩnh, chiếc xe ngựa đang xóc nảy chợt thắng gấp khiến mấy người bọn tôi ngã nháo nhào. Tôi phải ôm chặt Quốc Chẩn mới ngăn thằng bé không bị va đập vào khung xe ngựa, thằng nhóc Thuyên thì ngã chổng vó lên trời, ngồi dậy xoa đầu kêu la oai oái.

Nó tức mình định vén màn xông ra, tôi bèn nhanh chóng giữ tay nó lại, ra hiệu im lặng rồi hé mắt nhìn qua khe hở trên xe. Phía trước đương không lại truyền tới tiếng chém giết, quả nhiên đoàn xe ngựa lại gặp phải mai phục.

Lần trước là đám tàn dư của Thoát Hoan, lần này lại chẳng biết là ai đây nữa. Cũng may trên đường đi có Cấm vệ quân đi theo bảo hộ, khiến tôi bớt đi không ít nỗi lo, chỉ có điều nhìn lực lượng hai bên tương đồng, chỉ sợ là sẽ có thương tổn. Nhưng cũng hết cách, trước mắt tôi phải lo an nguy của mấy vị quý nhân trong xe, toàn là mầm non của quốc gia không đấy, tương lai đều sẽ trở thành rường cột nước nhà. Có điều nhìn vào cách ăn mặc của bọn người này, tôi phần nào hiểu được thân phận của bọn chúng.

- Đây là sơn tặc ư? Chà, đám người này đói ăn tới mức kéo nhau ra giữa đường cướp bóc cơ đấy!

Thì ra là thằng nhóc Thuyên đã ngó nghiêng qua khe hở xe từ lúc nào, xem xong còn lẳng lặng đánh giá cục diện. Ban nãy không để ý, hiện tại thấy xung quanh vắng vẻ không một bóng người, con đường xuyên rừng chỉ toàn cây cối, nói thế thì có vẻ trách lầm bọn thổ phỉ này. Tôi thấy miệng thằng nhóc này đã bị chị Trinh bịt chặt, bèn cười giảng giải:

- Cái này thì phải hỏi cha của con rồi, nào có ai sinh ra muốn mình làm ăn cướp đâu chứ?

Thằng nhóc nghe thế thì giẫy nảy lên, cũng may là miệng nó không có hét lên được. Quốc Chẩn nghe thế thì lắc đầu:

- Giàu nghèo không được chọn, nhưng làm người tốt hay xấu thì được chọn!

Lần này tôi phải nhìn Quốc Chẩn bằng một con mắt khác. Thằng bé vốn ít nói, nhưng nhiều khi nói ra lại khiến người khác phải trầm trồ. Trận chiến bên ngoài vẫn còn chưa xong, cả người tôi ngứa ngáy hết cả, giá như lúc này chỉ cần có ai ném cho tôi thanh kiếm thì tôi sẽ lập tức vén rèm lao ra ngoài ngay. Bọn thổ phỉ này đánh chặn ở đoạn đường gần Vạn Kiếp, hết tám phần là nghe ngóng được ở Vạn Kiếp có tiệc lớn, quý tộc ở kinh thành sẽ nô nức kéo về đây.

Lúc này không để ý, bên ngoài bỗng có thanh đao cắm phập vào, lưỡi đao qua lớp thành xe bằng gỗ cắm vào phân nửa thanh đao, tôi giật mình đẩy bọn nhóc về phía sau, cánh tay bị lưỡi đao sượt qua một đường rướm máu.

Có điều sau đấy thanh đao bị mắc ở đó không dịch chuyển nữa, tôi thấy kì lạ lại mạo hiểm vén rèm ra xem thì thấy tên cướp đã bỏ mạng dưới kiếm của một cô gái. Nhưng không cần tôi lo lắng, lúc này một đoàn người ngựa đi cùng hướng với bọn tôi cũng nhập bọn đánh giết với đám thổ phỉ kia, chỉ trong phút chốc đã giải quyết xong bọn chúng. Thằng nhóc Thuyên lên tiếng cảm thán:

- Chà, còn hấp dẫn hơn mấy vở kịch mà con xem được trong phủ của ông sáu Chiêu Văn!

Lúc này bên ngoài đã vãn tiệc, đoàn người ngựa đó quả nhiên là Trần Nhật Duật cùng với tùy tùng đi cưới ở Vạn Kiếp ngang qua, có điều cô gái nọ là ai thì tôi không hề biết. Trần Nhật Duật mặc viên lĩnh màu trắng, chân đi hài đen, tóc không rối một sợi và quần áo cũng sạch sẽ không dấy vết máu nào, anh ta lúc này vẫn đang ngồi trên yên ngựa, ánh mắt nhìn chằm chằm vào cô gái kia.

Cô nàng thì mặc chiếc áo màu đỏ sẫm quần đen, tóc cột đuôi ngựa trên đỉnh đầu, mày kiếm mắt sắc trông vô cùng khí khái, nhưng có vẻ cũng bị cái nhìn xoáy vào của Trần Nhật Duật làm cho không được tự nhiên. Cô gái kia cũng đang ngồi trên yên ngựa, tay cầm đao còn dính máu, nhác thấy lợi hại vô cùng.

Lúc này thì thằng nhóc Thuyên đã vén hẳn rèm cửa sổ sang một bên để xem cho rõ.

Ngoài kia binh lính đang dọn dẹp bãi chiến trường, còn hai người đó vẫn còn giương mắt nhìn nhau, không khí có vẻ giương cung bạt kiếm. Lát sau, tôi thấy Trần Nhật Duật nhếch môi cười, vẻ mặt khinh thường nói:

- Không ngờ cô còn theo ta đến tận đây!

Chất giọng Trần Nhật Duật có vẻ châm chọc, tôi vô thức quay sang thằng nhóc Thuyên thì nghe nó nhỏ giọng nói:

- Ái chà...hình như trước giờ ông Chiêu Văn chưa từng dùng giọng điệu đó nói chuyện với ai đâu!

Tôi khá là tin tưởng lời nói của thằng nhóc Thuyên bởi lẽ trước giờ nó hiểu rõ Trần Nhật Duật hơn tôi. Cô gái ngoài kia nhìn Trần Nhật Duật có vẻ cũng không thiện cảm mấy, đáp:

- Ai nói là tôi theo anh, chỉ trùng hợp thôi nhé! Mà nhắc mới nhớ, anh còn là kẻ đi sau!

Bên cạnh bỗng nhiên xuất hiện thêm một người, tôi quay sang thì thấy Mạc Đĩnh Chi đã leo lên xe từ lúc nào rồi, hiện tại đã tề tựu cùng chúng tôi xem kịch. Tôi nhìn thấy nó thì trong lòng vui mừng, bèn nhân tiện hỏi ngay:

- Đĩnh Chi này, cô gái đó là ai vậy?

Mạc Đĩnh Chi liền tỏ vẻ thần bí, chụm đầu lại với chúng tôi:

- Chuyện này phải kể từ lần tiến quân vào Thanh Hoá, cô gái này đã giúp thầy sáu cùng đội quân của ngài tránh thoát được truy kích của Toa Đô khi Trần Kiện đầu hàng. Cũng là chị ta chỉ điểm cho thầy sáu địa hình đường sá để chúng em đến cứu được chị, nói thẳng ra công của chị ta cũng không ít.

Tôi ồ lên một tiếng, rồi thắc mắc hỏi:

- Nếu vậy thì giải thích sao về thái độ của thầy sáu em đây?

Mạc Đĩnh Chi còn chưa kịp nói thì thằng nhóc Thuyên đã lên tiếng cắt ngang:

- Đó gọi là lạt mềm buộc chặt!

Tôi cốc đầu nó một cái, chẳng hiểu thằng nhóc mới mười tuổi này học đâu ra mấy lời như vậy. Tôi định giục Mạc Đĩnh Chi nói tiếp thì nghe bên ngoài Trần Nhật Duật lại cất giọng cười chế giễu:

- Trùng hợp mà từ Thanh Hoá lại gặp ở Vạn Kiếp à? Đừng nói cô cũng được mời đi ăn cưới giống ta đấy nhé?

Lúc này tôi có chút tò mò về thân thế cô nàng này, vừa hay nghe Mạc Đĩnh Chi kể tiếp:

- Cô gái này họ Trịnh, tên Ngọc Châu, là con gái của tri huyện Tế Giang ở châu Thanh Hoá, gia đình chị ta đều bị giết khi Toa Đô kéo vào, chỉ có mỗi chị ta là sống sót nhờ thầy sáu ra tay ứng cứu. Giữa chị ta và thầy sáu đúng là chẳng biết được ai nợ ai, nợ bao nhiêu e là đã chẳng thể nói rõ được nữa.

Tôi dỡ trán, thằng nhóc này đúng là ở trong phủ của Trần Nhật Duật nghe kịch quá hai canh giờ một ngày. Tôi nheo mắt nhìn nó, thở dài thườn thượt:

- Cùng lắm là mối quan hệ có vay có trả mà thôi, có gì đặc biệt chứ?

Lúc này phía bên ngoài có vẻ như cô gái kia đã hết kiên nhẫn, cả giận nói:

- Không cần nhiều lời, tôi cũng chẳng thèm nấn ná với anh!

Nói xong thì định dong ngựa đi thật, tôi vội kéo rèm xe phóng xuống đất, nhiệt tình hô lên:

- Hay là chị cũng đến nhà tôi ăn cưới đi... - Tôi nói xong thì thấy cả cô gái và Trần Nhật Duật đều chằm chằm nhìn mình, trong lòng bất giác cảm thấy chột dạ, bèn gãi đầu cười giả lả - À... Tôi mời...

Tôi cá là bảy phần cô nàng Ngọc Châu này thích Trần Nhật Duật, ba phần còn lại là chị ta cũng chẳng còn nơi để đi. Nói không chừng mấy ngày hôm nay chị ta lấp ló trong thành dò la, tìm cơ hội để vào vương phủ của Trần Nhật Duật, tiếc là Chiêu Văn vương phủ cũng chẳng phải cái chợ mà chị ta muốn vào thì vào, muốn ra thì ra. Vì thế cho nên khi Trần Nhật Duật vừa ra khỏi phủ, chị ta liền bám theo ngay, nhưng xui là nửa đường thì đương không gặp thổ phỉ. Một người con gái như chị ta có thể sống một cách mạnh mẽ và quyết đoán như vậy làm tôi ngưỡng mộ vô cùng, chỉ có điều tôi thắc mắc rằng chị ta cứ bám theo Trần Nhật Duật như thế thì sẽ làm được gì nhỉ?

Nhưng Ngọc Châu có vẻ cũng rất tán thưởng ý kiến của tôi, rất nhanh chóng gật đầu. Trần Nhật Duật làm vẻ mặt không buồn không vui, chào hỏi qua loa với bọn tôi rồi gọi Mạc Đĩnh Chi trở về xe ngựa, xe ngựa của bọn tôi lại chở nặng thêm một người. Có điều lúc này trong lòng tôi khá là an tâm vì nếu có xui rủi gặp phải cướp bóc, thổ phỉ hay ám sát gì đó thì cũng có kẻ bảo vệ an toàn cho cả bọn. Chỉ có điều cô gái Ngọc Châu này lại bị cả xe xa lánh vì trên cơ thể toả ra một loại mùi vô cùng khó chịu do nhiều ngày không tắm hoà lẫn với mùi máu tanh.

May mắn là từ lúc đấy đến khi chúng tôi về tới Vạn Kiếp cũng không xảy ra chuyện gì đáng kể, trị an ở những vùng lân cận Vạn Kiếp xem ra cũng rất tốt do thanh thế của cha tôi, mà cũng có thể là do cô gái Ngọc Châu này khí thế quá lớn khiến bọn gian ác không dám bén mảng. Chị em chúng tôi trở về khi vương phủ đã giăng đèn kết hoa, cha tôi trước đó đã cho mở hội trong phủ, họ hàng thân thích đều đến chúc tụng, vì còn đang trong tháng Giêng nên hội cưới kéo dài suốt bảy ngày bảy đêm.

Thân thể tôi dù cảm thấy có chút mỏi mệt, nhưng nhìn cảnh náo nhiệt trước mắt liền vơi đi quá nửa, cả người thoắt cái phấn chấn hẳn lên. Còn nhóc Thuyên và Quốc Chẩn lâu nay ít thấy việc tiệc tùng, háo hức theo gia nô vào trong gian chính chào hỏi. Kể cả cha mẹ tôi thấy bọn nhỏ, cũng mừng rỡ cưng nựng như báu vật đã mất bấy lâu.

Thuở trước lúc tôi mang thai Quốc Chẩn, chị dâu cũng đang có thai một bé gái, hiện tại mấy đứa nhỏ cùng trang lứa vừa gặp đã như thân từ lúc nào, tự giác kéo nhau đi chơi khiến tôi và chị Trinh nhẹ người hẳn. Vấn đề duy nhất là mức độ quậy phá của bọn chúng phải nói là đạt đến ngưỡng rồng trong loài người, cũng may cha tôi xương cốt vẫn còn cứng cáp, có thể ngoại đánh giặc, nội trông cháu, thậm chí vẫn còn phấn khởi cười nói bọn chúng như thế lớn lên ắt hẳn thông minh hơn người, trở thành rường cột quốc gia.

Rường cột thế nào thì tôi không biết, nhưng Hưng Đạo vương phủ sắp bị loạn đến gà bay chó sủa luôn rồi, cũng may đang trong tiệc cũng chẳng ai thèm để ý tới bọn chúng.

Các anh tôi hiện tại đều đã có đất phong nên chỉ những khi có việc cần mới trở về, thế nên hôm nay tề tựu đông đủ đúng là chuyện vui hiếm gặp. Tôi nghĩ đến cảnh sau này chỉ có mỗi cha mẹ ở trong phủ lúc về già, trong lòng cũng không khỏi cảm thấy có chút buồn phiền, nhưng phận nữ nhi đã gả đi, cũng chẳng thể làm gì hơn được.

Bởi vì là ngày thành hôn, nên Phạm Ngũ Lão từ sớm đã trở về huyện Đường Hào, đến ngày rước dâu mới theo tục lệ đem lễ vật sang phủ đệ Vạn Kiếp. Trước đó tam thư lục lễ rườm rà gì đó đều đã làm qua xong, chỉ chờ ngày rước nàng dâu trở về nhà. Phạm Ngũ Lão chậm trễ đến giờ phút này mới chịu rước chị Anh Nguyên qua cửa cũng là vì công danh sự nghiệp còn chưa xong, nay sự nghiệp đã đạt thành nên sính lễ chuẩn bị vô cùng phong phú, coi như bù đắp cho bao năm chờ đợi của chị tôi. Ngày rước dâu nhắm chừng cũng rình rang linh đình hơn hết thảy.

Vương phủ hiện tại cũng cùng lúc là nhà trai, khi anh hai và anh ba của tôi cũng đang ở trong vai trò làm những chàng rể mới. Anh ba tôi vốn dễ dàng hơn vì chị An Hoa từ lâu đã ở trong phủ rồi, còn riêng anh hai thì lại khó khăn gấp đôi. Dù sao người cha vợ tương lai kia cũng chẳng phải người dễ xơi, đích xác là kẻ vừa có tiếng vừa có miếng, trước đây lúc ở trong quân đội tôi cũng từng được chiêm ngưỡng qua phong thái của ngài, huống hồ tính tình anh hai tôi trước giờ luôn khiến người khác phải lo lắng. Thế nên dù cả hai nhà từ lâu đã có hôn ước, nhưng nhắc tới vẫn khiến anh tôi một phen đổ mồ hôi.

Điều này tôi nghĩ rằng anh hai phải thỉnh giáo kinh nghiệm của anh cả, dù sao anh ấy cũng đã từng qua ải còn khó khăn hơn, đó là làm rể vua, mà trong khi trước đây chị dâu tôi còn đối với anh không chút tình cảm.

Mãi suy nghĩ đến mấy vấn đề đó mà quên mất người khách bất đắc dĩ là Ngọc Châu, chị ta lúc này cũng đã được Thụy Hương đưa đi tắm rửa thay quần áo, lúc sạch sẽ tươm tất bước ra tôi cứ tưởng là hai người khác nhau, hóa ra câu người đẹp vì lụa là có thật. Tôi chợt nhớ tới thân phận trước đây của chị ta cũng là con gái của quan tri huyện, cho dù gương mặt sinh ra vốn có nét sắc bén hơn những cô gái khác, nhưng vẫn ẩn giấu bộ dạng của thư hương thế gia. Dòng họ Trịnh ở đất Thanh Hóa dù sao cũng là một dòng họ lớn và lâu đời.

Đoàn người ngựa của tôi trở về phủ không lâu thì đoàn xe đưa lễ vật của Trần Nhật Duật cũng cập bến. Tại sao lúc đấy anh ta xuất phát sớm hơn bọn tôi nhưng đến bây giờ mới tới đây? Về nghi vấn này thì thằng bé Quốc Chẩn giải thích như sau:

- Ông Chiêu Văn thích làm mặt lạnh, nhưng bên trong lại lo lắng cho chúng ta, sợ chúng ta lại bị thổ phỉ tập kích, bèn giả vờ đi trước nhưng thực chất là luôn theo sát chúng ta để quan sát tình hình.

Lúc này thằng nhóc Thuyên liền lên giọng hiểu biết cắt ngang:

- Em chỉ biết một mà không biết hai, chúng ta chỉ là phụ, còn cô Ngọc Châu kia mới là chính!

Ái chà, điều này thì tôi hoàn toàn đồng ý với nhóc Thuyên.

Trần Nhật Duật chào hỏi cha mẹ tôi xong thì cho gia nhân đem lễ vật vào trong. Trong lúc lơ đễnh liếc thấy Ngọc Châu, anh ta liền buông lời cay độc:

- Chà, ăn dọn xong trông cũng ra người ra ngợm đó chứ?

Gương mặt chị Ngọc Châu liền biến sắc, cánh tay chực cầm lấy chuôi đao bên hông. Tôi bèn kéo chị ra nhà sau, kẻo đứng đó một hồi thì vương phủ có chiến tranh nổ ra mất. Tôi nhìn chị Trinh, nhỏ giọng nói:

- Hình như trong ký ức của em chú Chiêu Văn không phải người như vậy!

Chị Trinh lắc đầu với tôi:

- Mấy chuyện tình thú ấy mà, vốn là thứ mà người ngoài chúng ta không thể giải thích được.

Lúc này sắc mặt tái xanh của chị Ngọc Châu chuyển sang đỏ ửng khiến tôi trộm cười trong lòng.

Nói tới đám chú rể xong rồi, thì phải nói tới cô dâu, lần này vương phủ không chỉ có một mà tới hai nàng dâu sắp gả, cho nên náo nhiệt vô cùng. Thế nên nhân lúc mấy đứa trẻ đã ngủ, mấy chị em liền tụ họp lại trong phòng của chị An Hoa, vừa cắn hạt bí vừa trò chuyện. Tôi nhớ ngày xưa lúc tôi còn bé, vẫn luôn rất thích những bữa đám tiệc như thế này, lúc đấy dù cha mẹ có cản hay la mắng, thì tôi và chị Trinh vẫn lén lút từ trên giường bò dậy đi hóng chuyện giữa khuya, tình cảnh đó vừa ấm cúng mà cũng thật thú vị biết bao. Có điều cũng lâu rồi không có dịp như thế nữa.

Trước ánh nến bập bùng sáng rực, chị An Hoa mặt đỏ như gấc, không biết là đỏ vì ngượng ngùng hay vui sướng, hay là do ánh sáng ngọn nến hắt vào, chỉ có điều ngồi trước ánh mắt nhìn chằm chằm như hổ đói của bọn tôi, chị An Hoa dù ngại cách mấy cũng phải kể cho chúng tôi nghe mọi chuyện. Thật ra tôi vẫn luôn thắc mắc Quốc Tảng tại sao lại đổi ánh nhìn với chị An Hoa, thật làm tôi ngờ vực rằng nếu như tôi không xuất hiện ngay lúc đó, thì tình cảm của chị An Hoa đối với Quốc Tảng có thể mưa dầm thấm lâu chứ không phải kéo dài tới tận bây giờ hay không? Nhưng cũng có một cách giải thích khác là anh ấy dùng chị An Hoa để lấp đầy khoảng trống trong lòng, nhưng lý do đó thì tôi nghĩ rằng với tính cách anh ta sẽ không có khả năng xảy đến.

Tôi nghĩ thế bèn lo lắng hỏi:

- Chị An Hoa, nếu như cuộc hôn nhân này không tình nguyện, thì chị cứ nói... bây giờ vẫn còn cứu vãn được!

- Bậy này – Chị Trinh cắt lời tôi – Hôm nay là ngày vui, sao lại không tình nguyện?

Chị An Hoa hiểu ý tôi muốn nói gì, chị cười dịu dàng, một tay đặt lên tay chị Trinh, một tay đặt lên tay tôi rồi nói:

- Ai nói là chàng ấy không tình nguyện?

Lời kể của chị An Hoa vang lên bên tai như một điệu nhạc êm đềm giữa đêm xuân se lạnh, khiến tôi giống như được tận mắt chứng kiến cái kết đẹp của chị sau gần mười bảy năm chờ đợi một người.

- Ngày ấy sau khi trở về Vạn Kiếp để khôi phục lại mọi thứ sau cuộc chiến, rồi đến lúc anh ấy trở về đất phong. Lúc đó chẳng biết sao chị lại có đủ dũng khí để leo lên yên ngựa đuổi theo, khoảnh khắc nhìn thấy chị chật vật trên lưng ngựa, có lẽ anh ấy đã mềm lòng. Sau đấy...

Chị An Hoa kể đến đây thì bất ngờ dừng lại, tôi nhìn vẻ thẹn thùng trên mặt chị, trong lòng tò mò không thôi. Lúc này chị Anh Nguyên ngồi bên cạnh liền lên tiếng:

- Sau đấy anh ba xuống ngựa bước đến bên cạnh chị An Hoa, nở nụ cười ôn nhu trìu mến, rồi lấy ra chiếc vòng hổ phách đã chuẩn bị từ lúc nào trong túi áo ra đeo lên tay chị ấy và nói: "Không cần đi theo ta, để ta nói với cha mẹ xin rước em về thái ấp!". Ây dà, lúc ấy nắng và gió đẹp như một bức tranh, chính chị là người chứng kiến hết thảy!

Chị Anh Nguyên vừa nói vừa giả giọng Quốc Tảng làm bọn tôi cười rộ lên, chị An Hoa lại càng thẹn thùng. Chị Anh Nguyên lại được nước làm tới, tiếp tục trêu:

- Chị dám cá mười phần là anh ba đã quay đầu từ lâu, chỉ là ngại không dám nói vì trước đây đã từ chối người ta, rồi bỗng nhiên thấy chị An Hoa chủ động thì nắm bắt ngay tức khắc mà không cho người ta cơ hội từ chối luôn. Đúng là cô gái ngày xưa ta từng xua đuổi, nhưng nhiều năm sau nhìn lại thì thấy cô ấy từ lâu đã chiếm một chỗ trong trái tim ta!

Chị Anh Nguyên nói hay như hát khiến bọn tôi mở mang tầm mắt một phen. Không hổ là Quốc Tảng, dù trong hoàn cảnh nào cũng không thể làm anh ta thất thế.
Chương trước Chương tiếp
Loading...