Ngân Hồ

Chương 11-1: Phương thức kỷ niệm ái tình (thượng)



Đến cuối xuân, mầm lê xanh biếc mà Vương Nhu Hoa trồng trước cửa đã kiên cường chui hẳn ra ngoài, rồi sau đó đâm chồi nảy lộc, vươn tán ra cành không hề ngừng nghỉ.

Còn Thiết Tâm Nguyên cuối cùng cũng thoát khỏi vận mệnh bị véo. Kể từ khi thấy mấy thím cứ săm soi qua lại giữa đôi chân mình, hắn quyết định từ giã quần yếm ngay tức khắc.

Những bàn tay dù thô ráp hay mềm mại khi véo thì đều vô cùng bạo lực, dường như nếu không làm thế thì không thể biểu lộ đủ sự yêu quý hài tử của bản thân vậy!

Chuyện này thật ra cũng có nguyên nhân. Số là, trong thành Đông Kinh bỗng xuất hiện một khổ hạnh tăng đến từ Tây Vực. Vì muốn chứng tỏ bản thân thành tâm, nguyện một lòng hướng Phật nên y dùng một con dao bạc đâm xuyên qua nơi yếu hại của mình, sau đó lại còn đi vòng vòng các phố phường trong thành. Mặc dù một đường máu chảy tràn đất nhưng y vẫn giữ bộ dạng thành kính, miệng vẫn tụng kinh, tay bắt Phật ấn, mặt còn mỉm cười. Nghe đồn, đây chính là gương mặt cười phúc hậu sau khi Phật tổ giảng kinh xong.

Lượn hết một vòng, lúc đi ngang qua Tây thủy Môn thì cố tình vào tiểu điếm của Vương Nhu Hoa xin một chén toan tương thủy* , trước khi đi còn chỉ vào Thiết Tâm Nguyên mà nói:

- Đây là một hài tử có phúc!

(*Toan tương thủy: nước chua sau khi làm đậu phụ).

Khi lối xóm xung quanh đến chúc mừng, vẻ mặt Vương Nhu Hoa vẫn lạnh te. Nàng chỉ nói:

- Ta chỉ cần con trai mình, những gì hòa thượng kia chém gió đều nhảm nhí tất!

Suốt ngày hôm ấy, Vương Nhu Hoa không thể yên tâm, rất nhiều lần làm sai món ăn khách yêu cầu. Cũng may, mọi người đều là khách quen nên không hề bắt chẹt, chỉ cười mắng vài tiếng nhưng vẫn nhận.

Chỉ có Thiết Tâm Nguyên biết, sau khi về nhà mẫu thân cũng không thèm đếm lại những đồng tiền mà nàng hằng yêu quý, ôm mình vào lòng rồi ngồi bần thần trước cửa sổ thật lâu.

Tiểu hồ ly cũng khó được một ngày không vào hoàng cung, phụng bồi hai mẹ con cùng ngủ trên giường.

Ngoài cửa vọng vào những âm thanh náo nhiệt của mùa xuân nhưng Thiết Tâm Nguyên cảm giác cả gian phòng như đang trong mùa đông khắc nghiệt.

Cũng may mẫu thân rất nhanh đã hồi tâm chuyển ý, kéo thùng tiền lại bắt đầu đếm. Thiết Tâm Nguyên thấy vậy lòng nhẹ bổng. Hắn không thích bộ dạng của mẫu thân như lúc nãy, một chút cũng không!

Một ngày nọ, đến thời điểm nấu nước dùng, khi mẫu thân ngồi trước bếp nhóm lửa thì hồ ly rất tinh mắt chợt khoan thai nhảy lên bếp rồi vất một bọc vải thô be bé vào nồi. Sau đó, nó lập tức chạy đến kể công với Thiết Tâm Nguyên.

Vương Nhu Hoa vội mò tìm rồi vớt túi vải bố trong nồi ra, ngửi ngửi với vẻ nghi hoặc. Sau khi phát hiệu nó là bao hương liệu bèn ngay lập tức chuyển ánh mắt ngờ vực về hướng Thiết Tâm Nguyên và tiểu hồ ly.

Thấy con trai vẫn vật lộn túi bụi với tiểu hồ ly một cách vô tư lự, lại chẳng phát hiện ra chuyện gì bất thường, bấy giờ nàng mới ném túi vải thô vào nồi nấu tiếp.

Ngày hôm sau, Vương Nhu Hoa chỉ phục vụ khách xong bữa sáng rồi vội vã dọn dẹp đóng cửa hàng, sau đó đưa Thiết Tâm nguyên và tiểu hồ ly đi thuê một chiếc xe bò, ra khỏi thành Đông Kinh.

Mặc dù đã độ cuối xuân nhưng vẫn có rất nhiều khách du xuân, cũng có rất nhiều chiếc xe ngựa được cắm đầy những nhánh liễu non. Chúng chính là những lời chúc chân thành nhất cho thân nhân và bằng hữu.

Thiết Tâm Nguyên không thích rời khỏi chân tường hoàng thành. Hắn cảm thấy đầy rẫy những mối nguy hiểm khó lường khi ra ngoài trong thời Đại Tống.

Chưa kể đến Đại Thụ - Thập Tự Pha, sườn núi Tôn nhị nương làm bánh bao nhân thịt người, hay chạm trán mãnh hổ trán trắng trên Cảnh Dương Cương có thật hay không, thì chuyện nào cũng đều xúi quẩy.

Nhưng điều tối thiểu hắn biết, trong thời đại lịch sử này, chuyện tạo phản xảy ra như cơm bữa.

Bản thân là một miếng thịt thơm mềm, bất kể là hấp hay kho Tàu thì đoán chừng mùi vị cũng chẳng kém là bao.

Xe bò chở rất nhiều hàng hóa nhưng đa số là bao lớn bao nhỏ lương thực và vải vóc. Nhìn dáng vẻ của mẫu thân, hắn đoán rằng nàng muốn trở về Thiết gia trang xem thử nhà mình đã còn hay mất.

Đi khỏi thành không lâu thì con sông lớn đã hiện ra trước mặt. Cơn lũ mùa xuân còn chưa dứt nên nước sông vẫn quay cuồng, sóng nước chồm lên gầm gừ không thôi.

- Đổi đường nữa à!

Vương Nhu Hoa thấp giọng, khẽ thở dài.

Lão già dắt xe trâu tiếp lời:

- Vị nương tử này, năm ngoái có một trận đại hồng thủy nên sụp đê, sông Hoàng Hà đã chôn vùi vị thuyền trưởng giỏi nhất là Nguyên Lý Ngư lẫn thuyền của ông ta, vậy mà cũng bít được lỗ hỗng. Cho nên… quan gia mặc kệ, để con sông này tự tìm đường thoát nên kết quả là nó đã chảy đến đây.

- Lão trượng vậy có biết Thiết gia trang ở thượng nguồn không?

Lão hán khẽ lắc đầu rồi đáp:

- Hiện giờ con sông này đã chảy qua Thiết gia trang rồi. Thiết gia trang ngươi muốn tìm chỉ e đã vùi dưới lòng sông.

Vương Nhu Hoa cũng lắc đầu:

- Lúc lũ lụt ập tới, cháu đã biết Thiết gia trang không trụ nổi. Nếu là người của Lưu gia doanh, vậy lão trượng có biết người của Thiết gia trang đi về đâu không?

Lão hán bèn lắc đầu, giọng buồn rầu:

- Điều này phải hỏi quan phủ mới được. Theo lý thì nạn dân như Thiết gia trang phi thường có khả năng đã bị bố trí huấn luyện, chuẩn bị sung quân rồi.

- Chí ít ra, tiểu lão nhi làm nghề kéo xe ở vùng này đã lâu nhưng chưa hề gặp được ai ở Thiết gia trang. Mẹ con ngươi chính là hai người đầu tiên.

Thanh âm Vương Nhu Hoa trở nên nghẹn ngào, thấp giọng nói:

- Xin lão trượng đưa mẹ con cháu đến nơi gần Thiết gia trang nhất. Bất kể thế nào, chúng cháu vẫn muốn tế điện một lần.

Lão hán thở dài rồi gật đầu, sau đó quát lớn thúc chiếc xe bò chạy về phía thượng du sông Hoàng Hà.
Chương trước Chương tiếp
Loading...