Người Bình Xuyên
Chương 47: Bị Nghi Kỵ Mười Lực Trốn Về Thành Bảy Môn Cũng Theo Về Với Bảy Viễn
Chỉ đạo cuộc thanh trừng tại chỗ có bộ ba Nguyễn Đức Huy, Hai Vĩnh và Việt Hồng. Nhưng bộ ba này không ăn khớp với nhau. Hai Vĩnh bất ngờ lâm bệnh nặng, dù được hai bác sĩ Hoa, Trạch và y sĩ Đang tận tình thuốc thang vẫn nằm liệt. Căn bệnh quái ác này đã ngăn trở Hai Vĩnh tới gặp bộ máy thanh trừng để can thiệp cho Tư Hoạnh. Trong tảo thanh, có rất nhiều trường hợp tình ngay lý gian và có lắm người chết oan. Việt Hồng, chính ủy viên Trung đoàn 300 là người chịu trách nhiệm chính cuộc tảo thanh. Nhưng Nguyễn Đức Huy, bí thư phân khu Duyên Hải, nằm quyền sinh sát. Nguyễn Đức Huy không ưa Mười Lực và Bảy Môn. Hàng ngày Huy cứ làm Mười Lực hoang mang bằng những câu hỏi có tính chất điều tra "nguội", chẳng hạn như: - Anh với Bảy Viễn như tay mặt tay trái, lẽ nào hắn không cho anh biết ý định đầu Tây của hắn? Hay là hắn "gài" anh ở lại với kế hoạch nào đó?... Bảy Môn và Mười Lực là cặp bài trùng, lúc đi giang hồ cũng như khi đi kháng chiến, hai tay này không bao giờ rời nhau. Mười Lực bị Nguyễn Đức Huy ghìm thì Bảy Môn cũng chột dạ. Ngày kia, Tư Huỳnh bí mật gặp Mười Lực bảo: - "Thằng cha già râu kẽ" giao công tác cho tôi thật là ác. Nó biểu tôi giả đào ngũ chạy ra thành, tìm Bảy Viễn để kéo Bảy Viễn về khu. Mười Lực giật mình: - Như vậy là địch vận. Khó lắm! Làm địch vận thì ta phải "ăn trùm"với địch mới hy vọng thắng. Mày là em út của Bảy Viễn thì làm sao nói Bảy Viễn nghe? Tư Huỳnh gật lia: - Thì tôi cũng nói như vậy mà thằng chả có chịu nghe đâu! Bởi vậy tôi khổ lắm. Đi kháng chiến là mình cương quyết đoạn tuyệt cuộc đời cũ. Mình đã thề "một ra đi là không trở về"… Bảy Môn ái ngại dùm bạn: - Mày có quyền không nhận công tác nếu mày thấy không thích hợp. - Thì tôi đã từ chối, nhưng thằng chả đập bàn "chụp mũ" tôi vô kỷ luật. Khổ ghê! Chưa thấy thằng cha nào "quan cách mạng" bằgn cha già râu kẽm này. Vài ngày sau có tin Tư Huỳnh nhảy về thành đầu Tây. Chỉ có Mười Lực là biết Tư Huỳnh lãnh một sứ mạng vượt quá khả năng của mình. Vài tháng sau thấy Tư Huỳnh lò mò trở vô khu. Chừng đó thiên hạ mới biết Tư Huỳnh làm công tác thành. Chuỵên cũng bình thường nên chẳng ai chú ý. Một đêm Tư Huỳnh mời Mười Lực và Bảy Môn về nhà ăn nhậu. Rượu vào lời ra. Tư Hùynh vui miệng rỉ tai hai bạn: - Anh Mười tài thiệt! Anh nói thất bại thì đúng là thất bại. Em út thì làm sao nói cho anh Bảy Viễn nghe được? Hai anh biết không, vừa thấy mặt tôi là Bảy Viễn đã cười bảo: "Phải thằng già râu kẽm bảo mày ra đây thuyết phục tao trở vô trong đó không? Không đời nào! Cộng sản tưởng khôn với cái kế "điệu hổ ly sơn", nhưng thằng Bảy Viễn này con khôn hơn. Từ lâu tao muốn theo Tây cho sướng tấm thân, nhưng chưa có cách nào vừa ý. Nay Cộng sản tạo lý do cho tao đi mà uy tín vẫn không bị sứt mẻ. Thiên hạ đều biết Bảy Viễn không còn con đường nào khác. Nhưng mà thôi, không nói c hính trị nữa. Mày đã về đây thì cứ ở lại đây với tao. Mày sống với tao một thời gian thử coi Bảy Viễn có ngon hơn trong rừng không?". Đồ nhậu đem lên: Hột vịt Bắc Thảo, củ kiệu, tôm khô, vịt quay, muốn gì có nấy. Lâu la mang tới mấy két la-ve, nước đá. Trong khi nhậu, Bảy Viễn chụp bàn tay mặt Tư Huỳnh, nắm lấy ngón út, cười lớn: "Thẹo cắt máu ăn thề còn đây, có lẽ nào Tư Hùynh lại phản Bảy Viễn cho được, phải vậy không mày, Tư?" Trong lúc vui miệng Tư Huỳnh kể thêm: - Hai anh biết không, khi về thành, Bảy Viễn không có tới một trung đội. Cho nên Pháp và anh Bảy chưa vội làm lễ ra mắt. Trong thời gian này Năm Tài làm việc ngày đêm. Năm Bé cũng rất tích cực. Chính Năm Bé đã mộ lính cho Bảy Viễn. Có được bao nhiêu Tư Sang lo huấn luyện bấy nhiêu. Chỉ trong vòng hai tuần là Bảy Viễn và lực lượng Bình Xuyên có thể làm lễ ra mắt nhà cầm quyền Việt - Pháp tại chợ Phạm Thế Hiển. Đó là ngày 13-6-1948… Mười Lực kêu lên: - Hết ngày rồi sao mà chọn ngày 13? Tư Huỳnh cười: - Tôi cũng có để ý điều đó. Hỏi thì Bảy Viễn cười xòa: "Thằng Tây đâu có tin dị đoan. Còn mình thì lu bu quá. Ngày nào cũng được. Miễn bợ bạc sớm ngày nào khỏe ngày đó". Bảy Môn vụt hỏi: - Anh Tư trở về đây với ý định gì? Tư Huỳnh nghiêm nghị nói: - Trước hết về báo cáo cho thằng già râu kẽm biết là công tác đã thi hành nhưng không có kết quả… kế đến là… - Tư Huỳnh dòm bốn bề, hạ giọng xuống - chuyển lời anh Bảy nhắn hai anh… - Hả? - cả Bảy Môn và Mười Lực đều giật mình - Nhắn gì? - Anh Bảy nhắn hai anh nên tìm cơ hội nhảy đi. Sớm chừng nào tốt chừng ấy. Ở đây không yên thân với cha già râu kẽm đâu… Bảy Môn và Mười Lực mắc nghẹn. Phân vân đôi ngả: Ở, sợ không yên thân, đi thì không đành. Sau cùng cả hai cả hai đành chọn sự sống. Họ ngoéo tay, hẹn đêm ấy, đêm ấy… sẽ theo con nước từ bỏ Rừng Sác để về với Bảy Viễn. Đêm ấy, Mười Lực ray rứt không tài nào chợp mắt. Đã dứt khoát đi rồi, nhưng sao nghe xốn xang khó chịu? Thành thị có gì hấp dẫn đâu? Cả Sài Gòn Chợ Lớn Mười Lực chỉ thấy có một tòa nhà mang số 69, Larăndie. Hình ảnh xưa cũ như diễn ra lại trước mắt. Từng dọc tù nhân trần truồng như nhộng, quơ tay, múa chân, ẹo đít - trước mặt bọn thầy chú. Đó là điệu múa "Phụng hoàng" để thầy chú khám vàng đen giấu nhét ở hậu môn. Quần áo tù mốc cời, hôi hám cầm tay, chỉ được mặc vào khi múa xong điệu múa kỳ dị quái đản. Mười Lực rùng mình. Dĩ vãng xấu xa đó anh đã vung gươm chặt đứt từ mùa thù năm 45, nay lẽ nào anh lại quay về? Nhưng lão già râu kẽm "quan cách mạng" hàng ngày đang dòm ngó anh. Lão lăm le cây viết hai đầu "sinh, tử" trên tập giấy bìa đen. Chỉ lộn đầu bút là tiêu một mạng người. Mười Lực cố tìm một lý do để ra đi. Cố tìm thì cũng có. Vợ anh mới vừa chết trước đó, việc ma chay không đúng theo ý anh: Không có ván đóng hòm, dàn kèn của Chi đội bận rộn chuẩn bị về Quân khu, không giúp đưa linh người quá cố. Còn đứa con vắng mẹ, làm sao đây? Không lẽ ôm con đánh giặc? Thế là Mười Lực đã tìm được lý do: Về thành gửi con mồ côi cho bà ngoại. Lý do không vững lắm nhưng cũng tạm giúp người ra đi yên tâm. Riêng Bảy Môn thì việc đi hay ở không gây ray rứt nhiều như Mười Lực. Anh tin nơi số mạng mình bao giờ cũng được một chữ nhàn. Hồi làm ở hãng đóng tàu Caric ở Thủ Thiêm, anh sống khỏe hơn các bạn đồng nghiệp, có thì giờ rảnh đọc báo "Lao động" của hai tay cách mạng Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn Văn Nguyễn. Nhờ vậy mà sớm có ý thức chính trị. Đi kháng chiến lúc nào cũng có Mười Lực bên cạnh. Mười Lực nắm Chi đội thì Bảy Môn nắm đại đội. Bởi sự gắn bó khắn khít đó mà khi Mười Lực quyết định về thành thì Bảy Môn cũng gật theo: Miệt Ba Giồng coi vậy mà rất gần thành phố Sài Gòn. Chỉ một con nước là tới Phú Xuân Nhà Bè. Ghe Bảy Môn đi trót lọt, nhưng ghe Mười Lực thì gặp bọn "mặt gạch" (Malgache) chặn bắt dọc đường. Anh khai con đau đưa về thành hốt thuốc. Anh bồng đưa thằng nhỏ vừa qua "thôi nôi" mấy tuần cho bọn lính xem nhưng vô hiệu. Bọn lính được lệnh bắt tất cả những người trong Rừng Sác đi về thành. Mười Lực được giải về bộ chỉ huy. Túng thế anh phải khai thật và xin được liên lạc với Ngài Bảy Viễn càng sớm càng tốt. Thế mới biết định mệnh lá lay và số phận con người như chiếc lá giữa dòng. Mười Lực định "rửa tay gói kiếm" về nhà ở ẩn, nhưng dòng đời lại đưa đẩy về phái Bảy Viễn thêm lần nữa. Cũng đêm ấy, còn có một người bí mật rút về thành. Người đó là Tư Huỳnh. Sau khi thuyết phục được Mười Lực và Bảy Môn theo yêu cầu của Bảy Viễn, Tư Huỳnh cũng "lui ghe". Nhưng anh không ngờ tên "trạo" của anh chính là người của "ông già râu kẽm". Thế nên thuyền anh cứ loay hoay mắc cạn từ khuya đến sáng để trạm kiếm soát ở các ngã ra vô thành tóm bắt giải về bộ chỉ huy. Một tòa án quân sự đặc biệt được lập ra. Trên ghé xét xử có Năm Hà, Nguyễn Đức Huy. Trước vành móng ngựa có Tư Huỳnh và một đồng lõa: Ba Bay tức Huỳnh Văn Nên. Theo lời khai của Tư Huỳnh thì Ba Bay biết hết tất cả nội vụ nhưng không hiểu vì lý do gì mà Ba Bay không khai báo. Trước tòa, Ba Bay bình tĩnh khai: - Đúng là tôi biết nội vụ nhờ một sự tình cờ. Đi qua nhà Tư Huỳnh đúng vào đêm ba người ăn nhậu và tâm sự với nhau, tôi biết ba người sẽ về thành nhưng không khai báo. Tại sao? Tôi nghĩ rằng ba người này đều là cấp bộ chỉ huy, ăn học nhiều hơn tôi, họ có lý do nào đó để hành động mà tôi không biết được. Tôi là tay giết người, đã cho đi "mò tôm" mấy chục tên Việt gian nhưng tôi kỵ nhất là cái nghề mật báo. Nó đê hèn đốn mạt, không xứng đáng với người quân tử. Tôi thà lãnh án tử hình hơn đi khai báo ba vị đàn anh mà tôi mến mộ. Vì thái độ "quân tử Tàu" đó, Ba Bay lãnh án hai năm tù. Phải nói đây là bản án hết sức nhẹ bởi chánh án Năm Hà lại chính là "đại ca" của Ba Bay. Và thiêng liêng hơn nữa là hai người đã thề nguyền đồng sinh đồng tử nơi đình thần Tam Thôn Hiệp bên bờ sống Lòng Tàu… Tội của Tư Huỳnh nặng hơn. Lãnh công tác địch vận, làm không xong lại trở vô khu kêu gọi hai cán bộ cấp tiểu đoàn và trung đoàn nhảy ra đầu Tây. Bản án tử hình đã thấy trước mắt, khi công tố viên Nguyễn Đức Huy vểnh râu kẽm ra buộc tội. Tư Huỳnh lạnh lùng nói: - Tội tôi làm, tôi xin chịu. cho tôi xin tự xử… Nguyễn Đức Huy lắc đầu: - Không được! Đã có đội hành quyết. Tư Huỳnh lớn tiếng: - Các anh biết rõ Tư Huỳnh quá mà! Khi lâm trận, Tư Huỳnh đứng thẳng lưng chỉ huy. Tư Huỳnh không bao giờ tránh đạn mà trái lại, đạn né Tư Huỳnh. Bây giờ trước khi chết, Tư Huỳnh xin anh Năm cho một đặc ân cuối cùng: cho tôi tự xử. Lúc sống mình là anh hùng hảo hơn thì lúc chết, mình cũng phải anh hùng hảo hớn. Năm Hà chưa biết tính sao, Nguyễn Đức Huy đã ra lệnh thì hành bản án. Tòa án tổ chức tại Hàng Điều, Bàu Bông, điều mọc như rừng trên vùng cát trắng nóng bỏng dưới ánh mặt trời. Thiên hạ rủ nhau đi xem vụ xử rất đông. Trong một lúc, ta mất ba chiên sĩ Bình Xuyên cấp đại đội và chi đội. Ba tổn thất lớn lao này đều do một người gây nên: Nguyễn Đức Huy. Nhưng cả ba vụ đều năm trong bóng tôi nên chẳng ai biết mà kết tội lão già râu kẽm. Điều trớ trêu là chính kẻ đẩy nạn nhân vào con đường tội lỗi lại ngang nhiên ngồi ghế công tố viên lớn tiếng buộc tội này kia. Nhưng, dù ý đồ thâm độc đến đâu, thủ đoạn gian xảo cỡ nào, kẻ gian không tài nào che giấu trọn vẹn. Lão râu kẽm bị một người bí mật dòm ngó: Tám Tâm. Sau tảo thanh, Tám Tâm nhận thấy Nguyễn Đức Huy có nhiều thay đổi. Trước nhất, hắn sửa soạn "dung nhan mùa hạ" cạo gọt săc lẻm. Thì ra hắn bí mật "hốt ổ" Bảy Viễn để lại. Đám gái đẹp của Bảy Viễn được chuyển về công tác tại văn phòng Bí thư phân khu Duyên Hải. Nhưng chuyện gái chưa phải là điều lơn nhất. Tám Tâm nghi hắn hơn trong vấn để tiền bạc. Tất cả quĩ đen, quĩ trắng của Bảy Viễn, Tám Tâm sau khi tịch thu đều giao nạp cho bí thư Nguyễn Đức Huy. Để chắc ý, anh xin Huy tờ biên nhận, vì số tịch thu rất to: 15 ký vàng, 2,5 đông tiền Đông Dương… Huy cười: - Anh không tin Đảng sao? - Tin chớ - Tám Tâm vội trả lời. - Tin sao bắt Đảng phải làm biên nhận? - Xin lỗi! Đồng chí không phải là Đảng - Nhận thấy mình làm căng quá chỉ có hại, Tám Tâm đấu dịu - Tôi rất tin anh, nhưng người khác lại không tin tôi. Nên tôi cần phải có biên nhận để trình khi Đảng xét hỏi về vụ tảo thanh. Nguyễn Đức Huy cũng cười theo: - Tôi thử đồng chí đó thôi. Để tôi làm biên nhận cho đồng chí. Tám Tâm chỉ thủ tờ biên nhận về phần mình. Còn số tiền và vàng kia, anh không biết lão già râu kẽm sử dụng như thế nào?° ° °Bảy Rô cũng đã một lần "đụng tóe lửa" với quan cách mạng lão già râu kẽm. Lúc đó Bảy Rô là Ủy biên ban sản xuất Tình đội Bà Chợ 1, có nhiệm vụ thu xuất kho gạo cho tỉnh. Nhằm lúc địch phong tỏa kinh tế, cắt đức liên lạc tiếp tế, một hột gạo quý như một giọt máu, lão già râu kẽm căn dặn Bảy Rô: "Phải có chữ ký của tôi mới được xuất kho, nghe chưa?". Ngày kia có hai đại đội C2 và C3 từ khu Đông về đánh tàu tại sông Thị Vải. Đi đường mệt mỏi, đói bụng, liên lạc tới Bảy Rô xin xuất kho lấy gạo nấu ắn. Bảy Rô hỏi: - Phiếu lãnh gạo đâu? - Tụi tôi ở khu Đông được lịnh về cấp tốc, không kịp chờ phiếu… Bảy Rô lắc đầu: - Không có phiếu thì tôi không dám xuất kho. Ông già râu kẽm đã dặn kỹ. Anh liện lạc kêu lên: - Nhưng anh không thể bỏ đói tụi tôi, những người đang đánh giặc… Bảy Rô phân vân: xuất kho thì thế nào cũng bị lão già râu kẽm cự. Mà không xuất kho thì để bộ đội đói sao đành. Giữa hai cái phải chọn một. Anh nghe theo tiếng gọi của lẽ phải, xuất sáu chục ký gạo. Khi vô sổ, Bảy Rô lại lo: không có chứng từ hợp lệ, không có chữ ký của Hai Đại sẽ rắc rối đây! Đúng vào lúc anh tưởng tượng vẻ mặt cau có, đôi mắt trợn trừng, hàm râu kẽm vểnh lên thì súng ngoài sông cái nổ như bắp rang sau tiếng gầm rung rinh đất của thủy lôi. Hai đại đội mà anh vừa cho ăn đang săn tàu giặc. Mọi người hồi hộp lắng nghe tiếng súng nổ, đoán chừng diễn tiến ngoài sông cái. Chừng im tiếng súng, liên lạc về cho hay thủy lôi nổ chìm một chiếc lồng cu. Bảy Rô mừng "hết lớn". Nếu không "thí mạng cùi" mở kho tiếp tế cho bộ đội thì làm sao có được chiến công này!… Ngày hôm sau, lão già râu kẽm xét sổ, đập bàn vểnh râu cự Bảy Rô: - Ai cho phép đồng chí xuất sáu chục ký gạo này? Tôi đã căn dặn phải có chữ ký của tôi mới được phép xuất kho kia mà? Bảy Rô đã chuẩn bị trước nên trả lời trôi chảy: - Lúc nào tôi cũng nhớ lệnh của cấp trên: phải có chữ ký của đồng chí mới xuất kho. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt. Bộ đội từ khu Đông về đang đói. Sẵn kho ở gần, họ tấp vô. Lão già râu kẽm cắt ngang: - Đồng chí cho họ vay vô nguyên tắc như vậy sao? Làm việc gì cũng phải có nguyên tắc chớ! Bảy Rô cãi lại: - Sao lại vô nguyên tắc? Bộ đội đói thì mình phải cho ăn. Huống chi đây là bộ đội đang nằm kích tàu. Tôi xuất kho cho là đúng lắm chớ… Chợt thấy mình lên giọng với chính ủy Phân khu Duyên Hải, Bảy Rô dịu giọng: - Nhờ ăn no mà chiều hôm qua, bộ đội mình giựt mìn đánh chìm một tàu lồng cu đó đồng chí. Có ai báo cáo với đồng chí chưa? Nét mặt lão già râu kẽm giãn ra, tươi tỉnh: - Có. Tôi đã được báo cáo. Ông ta trả quyển sổ thu xuất kho cho Bảy Rô: - Đông chí làm đúng. Bảy Rô nhận sổ, đi như bay về kho, bụng nghĩ thầm: "rất may là bộ đội đánh thắng. Nếu đánh thua thì chưa chắc đã yên thân với cha già râu kẽm này". Từ cuộc đung độ này, Bảy Rô càng thêm tin tưởng nơi lẽ phải. "Không có nguyên tắc nào cao hơn lẽ phải". Cũng nhờ dám giỡn mặt với lão già râu kẽm mà Bảy Rô được cảm tình với anh em binh sĩ. Dù chỉ là một người giữ nhiệm vụ nhỏ, anh được mọi người mến và tặng cho anh danh hiệu "anh Bảy chịu chơi".--------------------------------1Bà-Chợ là hai tỉnh Bà Rịa - Chợ Lơn sát nhập năm 1949-1950
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương