Người Đọc

Chương 29



Tôi quyết định nói chuyện với bố. Không phải vì chúng tôi gần gũi đến mức ấy. Bố tôi là người hướng nội, ông không bộc lộ tình cảm với chúng tôi là các con ông, mà cũng chẳng biết đón nhận tình cảm do chúng tôi mang lại. Một quãng thời gian dài tôi vẫn phỏng đoán đằng sau tính cách kín đóa ấy là một kho báu tiềm ẩn. Nhưng về sau tôi tự hỏi, liệu ở đó có gì thật không. Có thể lúc bé và mới lớn lên, bố tôi giàu tình cảm nhưng không thể hiện ra, qua nhiều năm tháng những tình cảm ấy đã khô kiệt và tàn lụi đi.

Song chính vì khoảng cách giữa hai chúng tôi mà tôi muốn trò chuyện với ông. Tôi muốn nói chuyện với một triết gia đã từng chấp bút về Kant và Hegel mà tôi biết rằng đó là những người nghiên cứu về vấn đề đạo lý. Ông cũng có khả năng bàn về vấn đề của tôi ở mức trừu tượng, chứ không như các bạn tôi cứ vướng víu vào những ví dụ hạn chế mà tôi đưa ra.

Khi các con muốn nói chuyện với bố, ông hẹn giờ như hẹn tiếp chuyện sinh viên vậy. Ông làm việc ở nhà, chỉ đến trường đại học khi giảng bài hay hướng dẫn thảo luận. Các đồng nghiệp và sinh viên muốn nói chuyện với ông thì đến nhà. Tôi nhớ là sinh viên xếp hàng trong hành lang, đứng dựa lưng vào tường chờ đến lượt. Vài người đọc sách, những người khác ngắm tranh thành phố treo ở hành lang, người khác nữa nhìn vào hư vô, tất cả im lặng, chỉ lúng túng chào khi bọn trẻ chúng tôi vừa chào vừa đi qua hành lang. Chúng tôi thì không đợi ở hành lang khi bố hẹn giờ, nhưng cũng phải gõ cửa phòng làm việc đúng giờ đã hẹn trước và được gọi vào.

Tôi biết hai phòng làm việc của bố. Phòng thứ nhất là nơi Hanna vừa đi qua vừa lấy ngón tay đếm gáy sách, có cửa sổ nhìn ta phố và dãy nhà. Cửa sổ phòng thứ hai quay ra sông Rhein. Ngôi nhà nằm ở sườn nói phía trên thành phố, chúng tôi chuyển đến đây đầu những năm sáu mươi và bố mẹ tôi còn ở lại đó khi các con đã lớn. Các cửa sổ ở cả hai phòng không mở rộng không gian ra thế giới, mà biến thế giới thành bức tranh treo lên tường. Phòng làm việc của bố tôi là một cái vỏ bọc mà trong đó sách ở, giấy má, tư tưởng, khói thuốc lá và xì gà tạo ra một bầu khí quyển khác với thế giới bên ngoài. Đối với tôi vừa quen lại vừa lạ.

Bố bảo tôi hãy trình bày vấn đề của mình, ở dạng trừu tượng và ở dạng thí dụ. “Chuyện liên quan đến phiên tòa, đúng không?” Nhưng ông lắc đầu để cho tôi hiểu là ông không đợi câu trả lời, không gặng hỏi tôi, không muốn biết bất cứ điều gì mà tôi không tự muốn thổ lộ. Rồi ông ngồi nghiêng đầu, hai tay bám chặt vào thành ghế và suy nghĩ. Ông không nhìn tôi. Tôi ngắm bố, ngắm mái tóc bạc, gò má luôn luôn cạo dối, nếp nhăn sau giữa hai mắt và từ cánh mũi xuống khóe miệng. Tôi chờ.

Rồi ông nhập đề từ xa. Ông giảng cho tôi về cá nhân, tự do và phẩm giá, về con người là chủ thể, và không được phép biến con người thành khách thể. “Con có nhớ hồi bé con đã nổi cáu ra sao, khi mẹ biết rõ hơn con là cái gì tốt cho con? Được phép làm việc đó với trẻ con đến mức độ nào, thật sự đã là một vấn đề. Một vấn đề triết học, nhưng triết học không quan tâm đến trẻ con, mà đẩy chúng sang cho sư phạm là lĩnh vực không hay lắm cho chúng. Triết học đã bỏ quên trẻ con”. Ông mỉm cười với tôi, “vĩnh viễn bỏ quên chúng, chứ không thỉnh thoảng như bố đối với các con đâu”.

“Nhưng…”

“Nhưng đối với người lớn thì bố tuyệt đối không thấy lời biện hộ nào cho việc đánh giá một điều tốt đối với người khác cao hơn là người đó tự đánh giá điều gì tốt cho mình”.

“Kể cả khi người ấy về sau thấy thỏa mãn?”

Ông lắc đầu. “Chúng ta không bàn đến thỏa mãn, mà bàn đến phẩm giá và tự do. Lúc nhỏ con đã biết sự khác biệt ra sao. Con không bằng lòng đâu, khi mẹ lúc nào cũng đúng”.

Dạo này tôi ưa nhớ lại cuộc nói chuyện với bố. Tôi đã quên nó cho đến sau khi ông qua đời, lúc tôi lục lọi trong đáy sâu hồi ức để tìm ra những lần gặp gỡ, kỷ niệm và trải nghiệm đẹp đẽ với ông. Khi đã tìm thấy, tôi ngạc nhiên và sung sướng chiêm ngưỡng. Hồi đó, thoạt tiên tôi bối rối trước sự trộn lẫn trừu tượng và cụ thể. Sau đó tôi suy diễn lời ông nói, rằng tôi không nhất thiết phải nói chuyện, hoàn toàn không được phép nói chuyện với ông thẩm phán, và thấy thanh thản trong người.

Bố tôi đọc ra ý nghĩ ấy. “Con thích kiểu triết học đó à?”

“Không hẳn, trong tình thế mà con vừa kể lại thì con không biết là có phải hành động không, và thật ra con không bằng lòng với ý nghĩ người ta phải hành động. Giờ thì người ta hoàn toàn không được phép hành động. Con thấy thế là…” Tôi không biết nên nói gì. Thanh thản? Yên tâm? Dễ chịu? Nghe không có vẻ đạo đức và trách nhiệm. Con thấy thế là tốt - nghe có vẻ đạo đức và trách nhiệm, nhưng tôi không thể nói rằng tôi thấy đó là tốt, là hơn cả thanh thản.

“Dễ chịu?” bố tôi gợi ý.

Tôi gật đầu và nhún vai.

“Không có giải pháp dễ chịu cho vấn đề của con. Tất nhiên là người ta phải hành động, khi tình thế mà con vừa kể là tình thế đẩy đến cho ta một trách nhiệm hay buộc ta đảm nhận trách nhiệm đó. Khi ta biết điều gì tốt cho người khác mà người ấy vẫn không biết, ta phải tìm cách khiến họ mở mắt ra. Ta phải dành cho họ quyết định cuối cùng, nhưng phải nói chuyện với họ, nói thẳng với họ chứ không nói sau lưng họ với người khác”.

Nói chuyện với Hanna? Tôi phải nói gì với cô? Rằng tôi đã nhận ra sự dối trá của đời cô? Rằng cô đang sắp hy sinh cả cuộc đời mình cho sự dối trá ngu xuẩn ấy? Rằng sự dối trá ấy không đáng để hi sinh? Rằng lẽ ra cô nên đấu tranh để không phải ngồi tù lâu hơn mức cần thiết, rồi sau đó còn nhiều việc trong đời cần làm nữa? Nhưng việc gì cơ chứ? Dù ít hay nhiều - cô còn việc gì trong đời? Liệu tôi có được phép loại bỏ sự dối trá khỏi đời cô mà lại không mở cho cô một viễn cảnh sống? Viễn cảnh dài hạn thì tôi không biết, tôi cũng chẳng biết đứng trước mặt cô ra sao để nói cho cô biết rằng, đúng thôi, dối với những gì mà cô đã làm thì viễn cảnh ngắn hạn và trung hạn sẽ là nhà giam. Tôi không biết nên đứng trước mặt cô ra sao để nói với cô bất cứ điều gì.

Tôi hỏi bố: “Còn nếu không nói được với họ thì sao?”

Ông nhìn tôi nghi hoặc, và tôi tự biết là câu hỏi đi chệch sự việc. Chẳng có gì để nói về đạo lý nữa. Tôi chỉ còn phải hạ quyết định nữa mà thôi.

“Bố đã không giúp con được”. Bố tôi đứng dậy, tôi cũng đứng lên theo. “Không, con không phải đi, bố chỉ đau lưng thôi”. Ông lom khom ép hai tay vào vùng thận. “Bố không thể nói rằng đáng tiếc không giúp con được, nghĩa là với tư cách một triết gia đã được con hỏi. Đối với người bố, không giúp được con mình thì buồn quá”.

Tôi chờ, nhưng bố không nói tiếp. Tôi cho rằng ông đã đơn giản hóa sự việc; tôi biết khi nào ông lẽ ra có thể chăm sóc con cái nhiều hơn, lẽ ra có thể giúp được các con nhiều hơn. Rồi tôi nghĩ rằng có thể chính ông cũng biết điều đó và cảm thấy đau lòng. Nhưng dù sao chăng nữa, tôi không thể nói ra câu gì với bố. Tôi thấy khó xử, và linh cảm rằng ông cũng thấy khó xử.

“Vậy thì…”

“Con có thể đến đây lúc nào cũng được”. Bố nhìn tôi. Tôi không tin ông. Và gật đầu.
Chương trước Chương tiếp
Loading...