Người Đọc

Chương 43



Đến tận mùa thu tôi mới hoàn thành được việc Hanna giao. Cô con gái sống ở New York, và tôi nhân dịp đi họp ở Boston để đem tiền đến cho cô: một tờ ngân phiếu với số dư trong sổ tiết kiệm và hộp trà đựng chỗ tiền mặt. Trước đó tôi đã viết thư tự giới thiệu mình nghiên cứu lịch sử ngành tư pháp và nhắc đến vụ án. Tôi xin phép được gặp mặt cô, và cô mời tôi đến uống trà.

Tôi đi tàu từ Boston đến New York. Rừng cây bừng sắc nâu, vàng, cam, nâu đỏ, và ánh đỏ rực lửa của lá phong. Tôi liên tưởng đến những bức tranh thu trong phòng Hanna. Mệt vì tiếng bánh xe lăn và tàu lắc, tôi mơ thấy Hanna và tôi ở trong một ngôi nhà giữa những quả đồi đầy sắc thu mà tàu hỏa đang đi qua. Hanna già hơn so với khi tôi mới quen cô, và trẻ hơn khi tái ngộ, già hơn tôi, đẹp hơn ngày xưa, ở tuổi này lại có dáng điệu thanh thản hơn và tự tin hơn với cơ thể mình. Tôi thấy cô ra khỏi ô tô và ôm các túi đựng đồ vừa mua, thấy cô đi qua vườn vào nhà, thấy cô đặt túi và lên cầu thang trước tôi. Khát vọng về Hanna mạnh đến đau đớn. Tôi chống lại khát vọng ấy, phản biện rằng nó đi lệch với thực tế của tôi và của Hanna, lệch với lứa tuổi và hoàn cảnh sống của chúng tôi. Hanna không nói tiếng Anh, làm sao sống ở Mỹ được? Và cô cũng không biết lái ô tô.

Tôi tỉnh dậy và biết Hanna đã chết. Tôi cũng biết rằng khát vọng ấy xoay quanh cô nhưng không xuất phát từ cô. Đó là khát vọng được trở về nhà.

Cô gái sống ở New York, trong một phố nhỏ gần công viên Central Park. Hai bên đường là dãy nhà liền kề bằng sa thạch sẫm màu cũ kỹ, cầu thang lên tầng trên cũng làm từ loại sa thẫm màu đó. Trông khắc khổ, nhà nối tiếp nhà, mặt tiền từa tựa nhau, cầu thang nối tiếp cầu thang, cây bên đường mới trồng cới khoảng cánh đều đặn, vài chiếc cây trên cành khẳng khiu.

Cô gái mời tôi uống trà trước cửa sổ lớn nhìn cuống các mảnh vườn nhỏ trong khuôn viên, nơi thì đủ màu, có nơi chỉ toàn đồ lộn xộn. Sau khi ngồi xuống và rót trà, cô không nói tiếng Anh như lúc chào tôi mà chuyển sang tiếng Đức. “Ông có việc gì gặp tôi?” Cô hỏi không thân mật mà cũng không sỗ sàng, giọng hoàn toàn công việc. Tất cả vẻ ngoài của cô - dáng đi, cử chỉ, trang phục - đều mang vẻ công việc. Khuôn mặt không tuổi tác. Như những khuôn mặt đã được căng da. Song cũng có thể nó đã cứng đờ bởi khổ nạn ngày xưa. Tôi cố nhớ lại mặt cô trong phiên tòa nhưng không nhớ nổi.

Tôi kể cô nghe về cái chết của Hanna và nhiệm vụ được giao.

“Tại sao lại là tôi?”

“Tôi đoán vì cô là người duy nhất còn sống”.

“Tôi nên lấy tiền làm gì?”

“Làm bất cứ gì mà cô cho rằng có ý nghĩa”.

“Và qua đó ban phép xá tội cho bà Schmitz?”

Thoạt tiên tôi muốn từ chối. Nhưng quả thật Hanna đòi hỏi nhiều. Những năm ở tù không chỉ là sự trừng phạt, Hanna muốn cho chúng một ý nghĩa, và cô muốn hành vi ấy của cô được thừa nhận. Tôi nói ý đó ra.

Cô lắc đầu. Tôi không hiểu là cô định bác bỏ cách suy luận của tôi hay cự tuyệt không chịu nhận Hanna.

“Cô có thể thừa nhận mà không xá tội được không?”

Cô cười. “Ông yêu bà ấy, đúng không? Thật ra thì quan hệ giữa hai ông bà ra sao?”

“Tôi là người đọc truyện cho bà ấy. Chuyện bắt đầu khi tôi mới mười lăm tuổi, và tiếp tục khi bà ấy ngồi tù”.

“Làm thế nào mà ông…”

“Tôi gửi băng Cassette cho bà. Gần như cả đời bà Schmitz mù chữ, vào trong tù mới học đọc và viết”.

“Tại sao ông làm những việc ấy?”

“Hồi tôi mười lăm tuổi, chúng tôi có quan hệ…”

“Ông định nói là hai người ngủ với nhau?”

“Vâng”.

“Bà này là người vô cùng tàn ác. Ông có chịu nổi chuyện bà ấy hồi ông mười lăm tuổi đã… Không, ông tự nói rồi, lúc bà ấy trong tù ông đã bắt đầu đọc truyện lại. Ông có lập gia đình bao giờ chưa?”

Tôi gật đầu.

“Rồi hôn nhân ngắn ngủi và bất hạnh, còn đứa con, nếu có, đang ở nội trú”.

“Hàng nghìn người như thế, đâu phải viện đến một bà Schmitz”.

“Trong những năm cuối mà ông có liên lạc với bà ấy, ông có cảm giác rằng bà ấy hiểu ra đã gây ra tai họa gì cho ông?”

Tôi nhún vai. “Tối thiểu thì bà ấy đã hiểu ra mình gây tai họa gì cho người khác ở trại tập trung và trong chuyến đi. Bà ấy không chỉ nói ra với tôi, mà còn nghiên cứu kỹ đề tài ấy trong tù”. Tôi kể cho cô nghe những gì bà giám đốc trại đã cho biết.

Cô đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng với những bước dài. “Có bao nhiêu tiền trong đó?”

Tôi quay lại nơi đặt túi ở giá treo áo và quay lại với tờ ngân phiếu và hộp đựng trà. “Đây”.

Cô nhìn tờ ngân phiếu rồi đặt xuống bàn. Cô mở hộp, đổ ra, đậy trở lại và cầm trong tay, mắt chăm chú nhìn chiếc hộp. “Hồi còn nhỏ tôi có một hộp trà để đựng những đồ quý giá của mình. Không giống kiểu hộp này, mặc dù hồi đó đã có rồi, mà có ký tự Kyrill, nắp không ấn vào trong mà đậy úp ra ngoài. Tôi đem chiếc hộp vào tận trại giam, ở đó nó bị đánh cắp mất”.

“Có gì trong đó?”

“Có gì đâu, một lọn tóc lông của con chó xù ở nhà, vé xem nhạc kịch mà bố tôi cho đi cùng, một cái nhẫn được thưởng hoặc tìm thấy trong hộp nào đó. Chiếc hộp không bị đánh cắp vì các thứ bên trong. Mà chính cái hộp hoặc mục đích sử dụng của nó rất giá trị trong trại tập trung”. Cô đặt chiếc hộp lên tờ ngân phiếu. “Ông có đề nghị gì về mục đích dùng tiền? Dùng nó cho mục đích gì liên quan đến vụ thảm sát người Do Thái thì tôi thấy không khác gì ban phép xá tội, đó là chuyện mà tôi không được phép và cũng chẳng muốn”.

“Cho người mù chữ muốn học đọc và viết. Thế nào cũng có những quỹ bất vụ lợi hay hiệp hội để đóng tiền cho họ”.

“Chắc chắn là có”. Cô suy nghĩ.

“Có những hiệp hội kiểu ấy của người Do Thái?”

“Ông tin rằng nếu đã có hiệp hội nào trên đời thì người Do Thái cũng có hiệp hội ấy. Tuy nhiên nạn mù chữ không hẳn là một vấn đề Do Thái”. Cô đẩy tờ ngân phiếu và tiền sang phía tôi.

“Ta hãy làm như sau. Ông hỏi xem có tổ chức Do Thái nào kiểu ấy, ở đây hay ở Đức, và chuyển tiền vào tài khoản của tổ chức mà ông tin tưởng nhất. “Ông có thể”, cô cười, “chuyển tiền dưới tên Hanna Schmitz, nếu ông rất chú trọng đến sự thừa nhận”.

Cô lại cầm lấy chiếc hộp. “Tôi giữ lại chiếc hộp này”.
Chương trước Chương tiếp
Loading...