Nhạc Phi Diễn Nghĩa
Chương 13: Hồi thứ mười ba
Ra khỏi giáo trường, anh em Nhạc Phi phóng ngựa thẳng đến dinh Tông Lưu Thú thì thấy cửa dinh đóng kín, mọi người xuống ngựa vào cổng dinh rồi gọi quân canh nói: - Xin làm ơn bẩm lại với lão gia rằng, Nhạc Phi này suốt đời đền ơn Ngài chẳng đặng, kiếp sau xin quyết làm thân khuyển mã để đền bồi. Rồi cùng nhau lên ngựa trở về quán trọ tính tiền trả cho chủ quán và từ biệt trở về quê. Lại nói chuyện các quan giám khảo trông thấy các cử tử bốn phương giải tán hết rồi, liền bảo bộ hạ của Sài Vương liệm hài cốt cẩn thận rồi vào Triều chầu thiên tử. Trương Bang Xương dập đầu dưới bệ tâu: - Muôn tâu bệ hạ, khoa này chốn võ trường có tên học trò của ông Tông Trạch tên Nhạc Phi đã đâm chết Tiểu Lương Vương nên các cử tử đều bỏ về hết. Tình trạng này xảy ra là do ông Tông Trạch đó thôi. Vua nghe qua vô cùng thương tiếc Tiểu Lương Vương và giận dữ quở mắng Tông Lưu Thú. - Thế thì tội khanh đáng chết nhưng ta cũng nể tình khanh là một quan đại thần có công với triều đình lâu nay nên trẫm tha chết cho. Phán rồi truyền quân lột áo mũ Tông Trạch đuổi về làm thường dân. Tông Trạch cũng muốn thanh minh nhưng trống đổ bãi triều, Vua và các quan ra về hết. Tông Trạch về đến dinh đã thấy quân giữ cửa quỳ thưa: - Lúc nãy có năm anh em Nhạc Phi đến cửa viên môn quỳ lạy và hứa xin chờ kiếp sau sẽ đền ơn. Tông Trạch nghe nói cảm động sa nước mắt, bèn vào dinh gói ghém một ít quần áo cùng vàng bạc ra đi một cách vội vã. Gia đinh không biết Tông Trạch đi đâu vội hỏi: - Lão gia đi đâu một mình mà gấp lắm vậy? - Ta đi theo anh em Nhạc Phi. - Bẩm mấy người ấy đã đi xa rồi, lão gia đi làm gì vô ích. Tông Trạch đáp: - Các ngươi đâu rõ lòng ta? Thủa xưa Tiêu Hà trong đêm tối, nhờ bóng trăng mà theo Hàn Tín, đến sau nhờ người ấy mà nhà Hán bền vững được bốn trăm năm, huống chi ngày nay Nhạc Phi tài trí thua gì Hàn Tín, vả lại trong lúc này quốc gia cần gấp người hiền, lẽ nào lại bỏ kẻ có tài sao? Vì vậy ta cần phải theo để căn dặn vài điều. Tông Trạch đem theo vài tên tuỳ tùng, giục ngựa buông cương quyết theo gót Nhạc Phi. Khi Nhạc Phi ra khỏi cửa thành, chàng ra roi cho ngựa phi nước đại, miệng thúc anh em chạy cho mau. Ngưu Cao nói: - Mình đã ra đến đây còn sợ ai nữa mà chạy dữ vậy? Nhạc Phi nói: - Vì Ngưu đệ chưa rõ lòng nham hiểm của bọn gian thần, nhất định không khi nào chúng chịu buông tha anh em chúng ta đâu. Chúng ta được may mắn ra đến đây là nhờ có ân sư giúp đỡ. Nếu mình không tẩu thoát cho mau thì chúng sẽ kiếm chuyện khác đuổi theo tróc nã, lúc ấy có ăn năn cũng chẳng kịp. Anh em nghe nói đều cho là phải rồi giục ngựa theo bén sát Nhạc Phi không dám chậm trễ. Trong đêm tối, nhờ bóng trăng soi lờ mờ, năm chàng tráng sĩ kẻ trước người sau vừa đi vừa chuyện vãn chỉ trong chốc lát đã vượt được hai mươi dặm đường, bỗng nghe phía sau có tiếng động, Nhạc Phi quay lại xem thì quả nhiêm có bóng người cưỡi ngựa đuổi theo. Nhạc Phi kinh hãi nói: - Hay là bộ hạ của Sài Quế theo chúng mình chăng? Vương Quới nói: - Sợ gì, chúng mình đi chậm lại chờ chúng nó đến, cho chúng toi mạng hết một lượt. Ngưu Cao tán đồng: - Phải đấy, chúng ta lại sợ lũ chuột nhắt ấy sao? Chi bằng cùng nhau quay lại Thành đô giết sạch lũ gian thần thâu đoạt Biện Kinh rồi tôn Nhạc đại huynh lên làm hoàng đế, còn lũ mình làm tướng thì sướng biết chừng nào, cần gì phải chịu khảo hạch chức Trạng võ cho mệt xác. Nhạc Phi trợn mắt quát: - Nói bậy, ngươi điên rồi sao? Từ nay về sau đừng có loạn ngôn như vậy nữa. Ngưu Cao hờn dỗi: - Thôi tôi chẳng thèm nói gì hết, để cho bọn nó đi đến đây rồi ngửa cổ ra cho chúng nó chặt chắc êm lắm! Thang Hoài nói: - Ngưu đệ chớ có nói vậy, anh em ta dừng ngựa lại chờ bọn nó đến xem sao. Nếu như chúng dùng lời lẽ ôn tồn thì chúng ta cũng dùng lời mà đối với chúng, bằng chúng hành hung thì chúng ta cho chúng một trận chí mạng chớ sợ gì? Bỗng thấy một người cưỡi ngựa lướt tới, gọi lớn: - Nhạc tướng công, hãy đi chậm chậm lại đợi lão gia với. Nhạc Phi reo lên: - Đúng là ân sư ta rồi, nhưng người theo ta có việc gì mà hấp tấp dữ vậy? Tông Trạch vừa đến nơi, năm anh em đều xuống ngựa quỳ bên đường. Tông Trạch vội bước tới đỡ dậy, Nhạc Phi nói: - Môn sinh nhờ ơn ân sư cứu thoát chết, chưa biết lấy chi báo đáp. Trong khi bất cập chẳng được diện kiến để bái từ, nay ân sư theo đến đây chẳng biết có điều gì dạy bảo? Tông Trạch nói: - Cũng vì việc ấy mà bọn Trương Bang Xương dâng sớ lên Thánh thượng cất chức ta rồi. Bọn Nhạc Phi nghe vậy lấy làm ái ngại, vội lạy mà xin lỗi. Tông Trạch khoả tay: - Không can chi đâu. Lâu nay ta cũng muốn từ quan, song sợ triều đình không cho ta nghỉ, nay được như vầy, lão gia càng được an nhàn lắm có sao? Rồi Tông Trạch quay lại hỏi hai tên tuỳ tùng: - Chúng bay biết gần đây có chỗ nào nghỉ tạm đỡ một đêm được không? Gia tướng bẩm: - Thưa lão gia, đi chừng nửa dặm đường nữa thì đến vườn hoa của quan Giám nghị, vườn ấy rộng rãi mát mẻ có thể nghỉ được. Tông Lưu Thú cùng Nhạc Phi lên ngựa đi ngay, chỉ trong chốc lát đã đến vườn hoa. Người coi vườn chào hỏi niềm nở và dẫn mọi người vào vườn. Ngồi nghỉ hồi lâu, Tông Lưu Thú hỏi người coi vườn. - Chúng ta đã đói bụng lắm rồi, chẳng biết gần đây có chỗ nào bán rượu không? Người coi vườn đáp: - Cách đây độ một dặm đường có chợ Chiêu Phong, bán đủ thực phẩm. Tông Lưu Thú liền sai kẻ tuỳ tùng xuống chợ mua thức ăn, rồi mở lấy một gói vải trao cho Nhạc Phi nói: - Lão phu chẳng có chi quí gí, chỉ còn một bộ khôi giáp đem theo tặng cho ngươi, hãy nhận lấy mà dùng. Nhạc Phi chưa có giáp nay được Tông Trạch cho, chàng mừng rỡ tạ ơn rối rít. Tông Lưu Thú nói: - Chư vị tướng công chớ thấy công danh chưa đạt được mà buồn lòng, thối chí. Chỉ sợ mình bất tài chứ đừng sợ mình vô dụng. Rồi đây mưu thâm, kế ác của bọn gian thần bại lộ ra rồi, lão phu sẽ ra sức mà tâu với triều đình, thế nào các ngươi cũng được trọng dụng. Bây giờ đây chữ trung chưa thực hiện được hãy trở về phụng dưỡng mẹ cha để làm tròn chữ hiếu. Còn việc văn chương, võ nghệ phải luôn luôn luyện tập chớ có xao lãng. Bọn Nhạc Phi đồng thanh nói: - Lão gia đã thương tình chỉ dạy cho mấy lời châu ngọc, chúng tôi nguyện khắc cốt ghi tâm. Câu chuyện vừa đến đây thì cỗ bàn đã dọn lên, anh em mời Tông Lưu Thú ngồi trước rồi anh em ngồi sau. Kẻ tuỳ tùng hầu hạ rót rượu thiết đãi. Tông Lưu Thú cùng năm anh em Nhạc Phi ăn uống chuyện vãn, đàm luận việc binh pháp, Vương Quới và Ngưu Cao ngồi cuối bàn, hai người này ăn cơm hồi đầu canh rồi suốt ngày ở tại giáo trường chẳng ăn uống chi cả cho nên trong bụng đói như cào. Bây giờ trông thấy rượu thịt ngon miệng, mặc cho ai nói năng gì thì nói, hai người cứ việc ăn uống như rồng khát thấy nước, cọp đói gặp mồi vậy. Ăn xong hai người không thèm uống trà mà dùng gáo múc nước suối uống cho đã khát. Bấy giờ tiếng gà trong xóm đã gáy vang, vừng đông ửng hồng hiện lên trăm nghìn hình tượng đẹp mắt. Bọn Nhạc Phi từ tạ Tông Lưu Thú ra đi, còn Tông Lưu Thú cũng trở về dinh. Trên đường đi, anh em Nhạc Phi nói nói cười cười ai nấy đều cảm mến ông Tông Lưu Thú, họ không biết ngày nào mới đền ơn cho ông ta được. Đang lúc trò chuyện, đột nhiên Vương Quới thình lình ngã nhào xuống ngựa, mặt mày tái nhợt, cắn răng, bất tỉnh nhân sự. Anh em hoảng hốt lật đật nhảy xuống ngựa bế xốc Vương Quới lên kêu gọi ầm ĩ. Nhạc Phi cầm tay xoa bóp cho Vương Quới, nước mắt chảy ròng ròng, mếu máo nói: - Vương đệ ơi! Vương đệ hãy tỉnh lại. Chữ công danh chưa đạt được nên phải trở về, mà về chưa đến nhà đã xảy ra cơ sự như vậy, nếu Vương đệ có bề gì thì ta biết nói thế nào với lệnh tôn đây? Nhạc Phi than khóc chẳng cùng, anh em ai nấy đều kinh hãi. Ngưu Cao nói: - Chư huynh đệ đừng khóc chỉ tổ hoang mang vô ích, để đệ tìm cách cứu chữa xem sao. Theo đệ biết thì hôm qua Vương huynh đói bụng lắm nên hôm nay ăn nhiều quá, lại uống nước lạnh nữa thì bảo sao không mang bệnh? Vừa nói, Ngưu Cao vừa sờ vào bụng Vương Quới, chàng cào qua cào lại nghe rột rột rồi nói: - Đúng rồi, bụng Vương ca thế này thì bị thương thực rồi chứ gì nữa. Ngưu Cao bèn lấy tay xoa tròn một hồi cho nóng rồi đặt trọn bàn tay nhận xuống bụng Vương Quới làm xổ ra nhiều nước tanh hôi. Tức thì Vương Quới tỉnh lại, nhưng vẫn còn ôm bụng rên xiết. Nhạc Phi nói: - Bây giờ anh em mình ở đây nghỉ đỡ, còn Thang đệ thì phải đi đến Chiêu Phong trấn tìm mướn một cái quán để đem Vương đệ đến đó thuốc thang. Thang Hoài vâng lệnh lên ngựa thẳng đến Chiêu Phong trấn tìm vào một chiếc quán khá rộng rãi. Người chủ quán ra tiếp đón niềm nở, Thang Hoài nói: - Chúng tôi có năm anh em đều xuống võ trường ứng thí, khi về dọc đường rủi có một người lâm bệnh nên phải tìm chỗ tá túc, thuốc thang. Người chủ quán vui vẻ đáp: - Được lắm, không hề gì đâu, các vị cứ việc đem người bệnh đến đây nghỉ và lo chạy thuốc men, quán tôi rộng rãi mát mẻ có đủ điều kiện cho người bệnh tĩnh dưỡng. Thang Hoài trở lại nói cho anh em hay rồi cùng nhau đến quán nghỉ ngơi và nhờ chủ quán đi đón thầy lang đến chẩn mạch bốc thuốc. Chẩn mạch xong, ông thầy thuốc bảo: - Bệnh này thuộc loại ẩm thực thương tỳ lại them ngộ cảm hàn khí, bây giờ phải đầu thang “thập thần” để tiêu trì hàn khí, đồng thời kiện tỳ tiêu thực rồi mới dám phục thuốc “quy tỳ” để bổ dưỡng tỳ trong ba thang. Làm thầy như tôi đã ba đời nối nghiệp kinh nghiệm có dư nên tuy bệnh trọng cũng chỉ vài thang thuốc là khỏi bệnh ngay. Nhạc Phi nghe nói mừng rỡ trao tiền cho thầy bốc thuốc, anh em đều ở lại quán chăm sóc Vương Quới. Lại nhắc đến Vương Thiện ở tại núi Thái Hành, sai người xuống kinh kỳ dò la tin tức, nên chỉ hai ngày sau có tin phi báo: - Nguy tai! Sài Quế đã bị Nhạc Phi đâm chết tại võ trường, triều đình đã cắt chức Tông Trạch. Vương Thiện vội nhóm họp các tướng sĩ cùng quân sư bàn bạc. Vương Thiện nói: Nay triều đình trọng dụng kẻ gian thần nên các tướng sĩ đều ngã long. Vì vậy tuy Sài Vương bị giết song Tông Trạch bị cách chức thì triều đình không còn người giỏi nữa. Chúng ta thừa cơ hội này khởi binh vào Biện Kinh đoạt lấy giang sơn nhà Tống các ngươi nghĩ sao? Quân sư Điền Kỳ nói: - Nay nhà vua đã làm cho dân tình ta than, bỏ kẻ hiền trọng dụng tôi gian, trong triều văn võ bá quan chẳng hoà nhau, cơ hội này không khởi binh thì còn đợi cơ hội nào nữa? Vương Thiện bèn sai Mã Bảo làm tiên phong và Hà Lục, Hà Thất làm phó tướng, dẫn ba nghìn tinh binh chia làm ba đạo kéo thẳng xuống Biện Kinh. Khi binh kéo đến cửa Nam Huân còn cách xa thành chừng năm mươi dặm thì an binh hạ trại. Tướng giữ thành này hay tin có giặc đến liền đóng kín các cửa thành phòng thủ rồi vào tâu cho Hoàng thượng hay. Vua Huy Tông lập tức khai triều, nhóm họp đủ mặt văn võ bá quan rồi phán hỏi: - Nay bọn cường khấu ở Thái Hành sơn kéo quân xuống đây, ai dám đem binh ra trừ khử? Các quan chỉ nhìn nhau không ai lên tiếng. Vua cả giận nhìn thẳng vào mặt Trương Bang Xương quát mắng: - Nuôi quân ngàn ngày chỉ nhờ một thuở. Các khanh ăn lộc nước đã lâu, nay giặc đến thành rồi mà chẳng ai biết bày một mưu chước, hay ra tay đẩy lui giặc, thế thì chẳng phải là uổng cơm của triều đình lắm sao? Bỗng có quan Giám Nghị quỳ xuống tâu: - Thần là Lý Can muốn tâu cùng thánh thượng điều này: Vương Thiện cso ý cướp ngôi thiên tử đã lâu, tuy hắn có binh hùng tướng mạnh song chẳng dám hành động là vì hắn sợ một mình ông Tông Trạch mà thôi, nay thánh thượng muốn đẩy lui giặc, chỉ còn cách là triệu ông ấy về cầm binh mới có thể xong việc được. Vua Huy Tông nghe lời hạ chỉ sai Lý Can đến triệu ông Tông Trạch vào triều, lãnh binh diệt giặc. Lý Can tuân mệnh thẳng đến dinh Tông lão thì thấy chỉ có con là Tông Phương ra nghênh tiếp. Lý Can hỏi: - Sao không thấy đại nhân ra tiếp chỉ? Tông Phương đáp: - Phụ thân tôi lâm bệnh nằm liệt trên giường không thể ra tiếp được, tội đáng chết, xin được rộng lượng. Lý Can vặn hỏi: - Tông đại nhân đau hồi nào và đau bệnh gì? - Thưa, phụ thân tôi lâm bệnh từ lúc võ trường bị phá đến nay. Lý Can liền đặt thánh chỉ giữa trung đường đi thẳng vào chỗ Tông Trạch nằm thì thấy Tông Trạch ngủ ngáy khò khò. Lý Can nhìn Tông Phương bảo: - May mà ta đến đây chứ nếu kẻ khác đến thấy vậy thì ắt mang tội khi quân rồi! Tông Phương vẫn một mực đáp: - Thật tình phụ thân tôi mang bệnh chứ không giả dối đâu, xin thượng quan chớ nghi ngờ. Bỗng Tông Trạch trở mình rồi lẩm bẩm nói: - “Phải giết hết lũ gian thần kia cho ta!” Nói rồi lăn qua ngủ nữa. Lý Can xem xét hồi lâu rồi nói với Tông Phương: - Lệnh tôn đau thật, để lão phu vào triều tâu lại. Lý Can trở về phục chỉ và tâu: - Tông Trạch lâm bệnh nên không thể lãnh binh được. Vua Huy Tông đang trông đợi, bỗng hay tin vậy thì lo sợ vô cùng, vội hỏi: - Đau bệnh gì? Để ta sai thái y đến chữa chạy. Lý Can tâu: - Hạ thần tin chắc thái y không thể nào chữa bệnh cho Tông Trạch được đâu. - Tại sao vậy? - Chỉ vì từ ngày Tông Trạch chứng kiến sự việc tại giáo trường trong lòng hoang mang, lại bị tước chức, nên càng căm phẫn sinh bệnh ngày ngày la lối mắng nhiếc bọn gian thần. Vì vậy bệ hạ chỉ cần bắt gian thần hạ ngục thì tự nhiên Tông Trạch hết bệnh chứ không phải thuốc men gì cả. Vua hỏi: - Gian thần là ai? Lý Can chưa kịp tâu thì Bang Xương đã quỳ tâu trước: - Gian thần chính là Binh Bộ thượng thư Vương Đạt vậy. Vua y theo lời, liền hạ chỉ bắt Vương Đạt giao cho Hình bộ giam lại. Vương Đạt và Trương Bang Xương vốn là bạn tâm giao, là phường gian nịnh cả, thế sao Bang Xương lại đổ tội cho Vương Đạt. Đó chính là xảo kế cảu kẻ gian nịnh. Nếu Bang Xương không nhanh miệng thì tất nhiên Lý Can chỉ đích danh cả thì khó gỡ, chi bằng y tâu đổ tội cho một mình Vương Đạt rồi thủng thẳng y kiếm kế gỡ ra. Sau khi Lý Can về, Tông Trạch sai người đến triều đình thám thính, mới hay triều đình đã bắt Vương Đạt cầm tù. Hôm sau Lý Can đến, Tông Trạch mới chịu ra tiếp chỉ. Lý Can nói: - Tôi biết ngài vì giận kẻ gian thần mà đau, nên tôi muốn tâu vua diệt trừ cả ba, thế mà Bang Xương đã nhanh miệng tâu trước thành thử chỉ có một mình Vương Đạt bị bắt mà thôi. Thế rồi hai người vào cung triều kiến, vua phục chức lại cho Tông Trạch để được lãnh binh ra trừ giặc. Trương Bang Xương thấy vậy quỳ tâu: - Vương Thiện là quân cướp đường, bọn lâu la ô hợp, Tông đại nhân đây là người binh pháp thần thông, xin bệ hạ phát cho Tông Trạch chừng năm ngàn binh cũng đủ thắng quân giặc rồi. Vua nghe theo, hạ chỉ phát cho Tông Trạch năm nghìn binh mà thôi. Tông Trạch nói với Lý Can: - Ông đánh cọp chẳng xong, nên để cho cọp cắn lại tôi. Lý Can nói: - Việc đã lỡ rồi, xin Nguyên Nhung cứ việc ra binh, rồi sáng mai tôi sẽ tâu cùng Thánh thượng thêm binh tiếp ứng. Hai người từ giã về dinh. Hôm sau, Tông Trạch đến chỗ giáo trường kiểm binh mã có dẫn công tử Tông Phương theo, rồi kéo binh đến Mâu Đà Cang giáp chiến. Tông Trạch thấy binh giặc đông đến bốn năm vạn, nghĩ thầm: - Địch thì quân lính hằng hà sa số còn ta chỉ có vỏn vẹn năm nghìn thì đánh sao cho lại? Rồi ra lệnh cho quân sĩ đi thẳng lên đỉnh Mâu Đà Cang hạ trại. Công tử Tông Phương lấy làm lạ hỏi: - Sao phụ thân lại đem binh đóng trên đỉnh núi thế này? Nếu quân giặc đến bao vây thì làm sao giải cứu? Tông Trạch thở dài đáp: - Ta há lại không biết thiên thời địa lợi sao? Nhưng chỉ giận gian thần ghen ghét cố hại ta, nên trong tay ta chỉ có năm nghìn người ngựa làm sao phá nổi bốn năm vạn lâu la? Cho nên cha quyết sẽ đơn thân độc mã vào sào huyệt giặc, nếu như không phá nổi chúng thì cha chịu chết để đền nợ nước. Lúc ấy con sẽ đem binh về bảo hộ gia quyến đưa về quê quán, chẳng nên ở chốn kinh thành mà mang hại. Nếu như ta làm cho binh tướng chúng rối loạn, dinh trại chúng hoang mang, thì con hãy đem ngay quân tiếp ứng thừa thế phá tan sào huyệt chúng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương