Nhạc Phi Diễn Nghĩa
Chương 39: Hồi thứ ba mươi chín
Một người một ngựa vừa đến trước dinh Hồ Hãn, Ngưu Cao đã hét như sấm: - Hãy chừa đường cho ông qua thì khỏi chết! Vừa hét vừa vung cặp giản đánh thẳng vào dinh Phiên. quân Phiên kinh hãi vội chạy đi phi báo cho Hồ Hãn. Hồ Hãn hỏi: - Nó là thằng nào mà hung hãn vậy. Quân lính thưa: Hắn chính là tướng tiên phong của Nhạc Phi tên gọi Ngưu Cao. Hồ Hãn cả giận xách cây lưu kim côn lên ngựa xốc ra. Vừa gặp Ngưu Cao đã bị Ngưu Cao đánh tiếp bảy tám giản một lượt, Hồ Hãn ngăn đỡ không nổi phải quay ngựa chạy dài. Thế là Ngưu Cao thoát ra khỏi dinh Phiên một cách dễ dàng nhằm Tương Châu phi ngựa như bay biến. Hồ Hãn sai quân chôn cất các tử thi rồi sai người đi thôi thúc các vương đệ kéo đến Ngưu Đầu sơn cho mau để trợ lực. Hôm ấy, Nhạc Nguyên soái vừa mới thăng trướng, bỗng có quân thám tử vào báo: Phía dưới chân núi có thêm một đạo quân Phiên nữa kéo đến. Cứ như vậy quân thám tử tiếp tục báo đến bốn năm lượt Nhạc Nguyên soái nghe tin quân Phiên kéo đến quá đông, nghĩ thầm: Tuy Ngưu Cao thoát ra khỏi dinh Phiên được rồi, song đến lúc chở lương về thật khó mà vào đây được. Càng nghĩ trong lòng càng buồn bực, không vui. Nhắc việc Ngưu Cao ra khỏi dinh Phiên rồi, ngày đêm đi không nghỉ thẳng đến Tương Châu đến dinh Tiết Đạt sứ đứng ngoài viên môn kêu lớn: - Quân lính đâu? Hãy đi thông báo cho lão gia bay mau lên. Vừa nói vừa lấy giản đánh trống ầm ầm, vì cây giản quá nặng nên mấy cái trống đều thủng nát. Quân sĩ vào phi báo, quan Tiết Đạt sứ là Lưu Quan Thế cho mời Ngưu Cao vào ra mắt. Ngưu Cao vào đại đường quỳ xuống nói: - Đại nhân hãy xem văn thư cho mau. Lưu Quan Thế xem văn thư xong nói: - Hạn kỳ bốn ngày nữa nay mới hơn ba bữa có hề chi đâu tướng quân lại gấp lắm vậy? Hãy vào trong dùng cơm đã. Ngưu Cao nói: - Ăn cơm thì ăn, song lương thảo là việc cần kíp, thế nào sáng sớm cũng phải có để giải đi. Lưu Quan Thế đáp: - Đó là việc đại sự của triều đình, ta dám đâu trễ nải. Nói rồi truyền quân sắm sửa lương thảo cho sẵn sàng, lại điểm ba ngàn binh theo hộ tống. Đêm ấy Lưu Quan Thế lo kiểm điểm lương thảo và binh mã nên không ngủ được, trời vừa rạng sáng đã thấy Ngưu Cao vào thôi thúc. Lưu gia nói: - Quân lương đã đủ rồi, ta xin gửi một đạo bổn chương và một phong thư cho Nguyên soái xin tướng quân vui lòng mang về giùm. Ngưu Cao thâu lãnh rồi từ biệt Lưu gia lên ngựa ra đi Giữa đường rủi gặp trận mưa lớn, Ngưu Cao muốn tìm chỗ trú mưa, thoáng thấy phía trước có ngôi chùa bốn vách tường màu đỏ, chàng đoán chắc là ngôi miếu võ gì đây nên hối thúc quân đến đó cho mau để trú mưa. Ngờ đâu khi đến nơi thì không phải đền miếu mà là một tòa vương phủ. Ngưu Cao cũng mặc kệ cứ việc sai quân đẩy xe lương vào trú mưa. Nguyên vương phủ này là của một người thuộc dòng họ Nhữ Nam Vương Trịnh ân, tên là Trịnh Hoài, mình cao một trượng, tay dùng cây thiết côn sức mạnh vô cùng rất giỏi nghề đánh bộ. Lúc ấy gia tướng chạy vào báo: - Không biết binh mã ở đâu lại đẩy xe lương vào trước điện la ó om sòm, nên tôi phải vào đây bẩm lại. Trịnh Hoài nói: - Kẻ nào lại ngang tàng như vậy? Chỗ này là chỗ tiên Vương ngự tứ, ai lại dám cả gan đến quấy rầy? Nói rồi xách cây côn chạy ra trước điện nạt lớn: - Loài gian tặc ở đâu dám đến đây nạp mạng? Ngưu Cao thấy Trịnh Hoài tướng mạo dữ dằn tưởng là tên bất lương định cướp lương thảo nên chẳng thèm hỏi căn do chi cả cứ việc vung giản xốc vào đánh, Trịnh Hoài cũng vung côn đón đỡ. Đánh chưa được bốn hiệp Trịnh Hoài đã hất văng song giản của Ngưu Cao ra bắt sống, hô quân sĩ trói lại rồi nạt to: - Mi là thằng ăn cướp ở xứ nào lại dám đến chỗ Vương Điện tung hoành như thế? Ngưu Cao mắng lại: - Sao ngươi dám mắng ta là quân ăn cướp? Ngươi quả là kẻ đui mù đến nỗi không thấy cờ hiệu trên xe lương của ta. Ta đây chính là Ngưu Cao vâng lệnh Nhạc Nguyên soái đi vận lương đem lên Ngưu Đầu sơn bảo giá. Lỡ đường gặp mưa nên phải ghé vào đây trú mưa, ngươi cả gan dám bắt ta thì có phải là tội đáng lăng trì hay không? Trịnh Hoài giật nẩy người nói: - Té ra Ngưu tướng quân, sao lại không nói sớm cho ta biết? Vừa nói vừa cởi trói cho Ngưu Cao mời vào nhà trong ngồi, xin lỗi và nói: - Tôi đây là dòng họ của Nhữ Nam Vương Trịnh Ân tên là Trịnh Hoài, vẫn mến danh tướng quân đã lâu, nay gặp đây tôi nguyện kính tướng quân làm anh, đặng theo lên Ngưu Đầu sơn bảo giá lập công, chẳng hay tướng quân có bằng lòng không? Ngưu Cao nói: - Thật ra ta không thích, song ta thấy ngươi cũng có chút tình nghĩa, nên ta phải thu nhận ngươi làm em. Bây giờ ta đói bụng, hãy đem cơm rượu thịt ra đây cho ta ăn đã rồi sẽ đi với nhau. Trịnh Hoài vâng lời đem rượu thịt ra cho Ngưu Cao dùng, đoạn hai người cùng lạy trời đất kết nghĩa anh em. Trịnh Hoài còn đem mười hũ rượu ra khao thưởng ba quân. Mọi việc xong xuôi, Trịnh Hoài gom góp hành lý hiệp cùng Ngưu Cao ra đi. Lúc ra đi Ngưu Cao có một người một ngựa, nên chạy mau, nay đi về phải đẩy những xe lương ỳ ạch, ngày đi đêm nghỉ nên không thể đi mau được. Một hôm đi đến một hòn núi kia bỗng nghe trên núi có tiếng thanh la đánh vang rồi hơn năm sáu trăm lâu la chạy ào xuống núi, cầm đầu là một gã thiếu niên, đầu đội ngân khôi tay cầm trường thương, hét lớn: - Nếu biết điều hãy giao hết mấy chục xe lương này cho ta thì tính mạng sẽ bảo toàn, bằng chứng lại thì họa sẽ đến với các ngươi không biết đâu mà lường. Ngưu Cao cả giận muốn giục ngựa lướt tới ra tay nhưng Trịnh Hoài vội cản lại nói: - Để đệ ra tay bắt hắn cho. Vừa nói vừa vung côn lướt tới, thiếu niên kia cũng vung thương đánh lại, hai tướng ấy đánh với nhau hơn ba mươi hiệp không phân thắng bại. Ngưu Cao thấy thế thầm nghĩ: "Trịnh Hoài đánh với ta chưa đầy bốn hiệp đã bắt được ta, nay hai đưa nó đã đánh ba mươi hiệp vẫn chưa phân thắng bại, thật là một cặp anh hùng". Nghĩ rồi bước tới lớn tiếng gọi hai người: - Hai người dừng tay lại, cho ta nói chuyện đây. Trịnh Hoài vội gài thương đối phương lại và nói: - Hãy nghỉ một chút đã vì sư huynh ta muốn nói chuyện với ngươi. Thiếu niên rút thương lại hỏi: - Có chuyện gì hãy nói cho mau. - Ta đây là Ngưu Cao, vốn là bằng hữu của Nhạc Nguyên soái, nay thấy ngươi tuổi còn nhỏ mà võ nghệ cao cường, hơn nữa lúc này triều đình đang dụng người tài sao chẳng cải tà quy chánh, quy thuận triều đình lập chút công danh cho rỡ mặt nam nhi, sống làm gì chốn thâm sơn cùng cốc này làm nghề bất lương cho nhơ danh nam tử? Thiếu niên ấy nói: - Thì ra tướng quân là Ngưu Cao đó sao? Thế sao không nói cho sớm? Nói đến đây thiếu niên vội bỏ thương, xuống ngựa nói: - Nếu tướng quân sẵn lòng bỏ qua cho, thì tôi xin kính tướng quân làm anh đặng theo Nhạc Nguyên soái lập công. Ngưu Cao cười ha hả, nói: - Thế mới đáng mặt háo hán chứ! Song chẳng biết ngươi tên họ là chi? Thiếu niên đáp: - Tôi vốn dòng họ Đông Chánh Vương tên Trương Khuê chỉ vì thấy gian thần loạn quốc nên chẳng muốn làm quan, thà ở đây ăn cướp còn hơn, nay nghe lời nói phải mới chịu đi. Ngưu Cao nói: - Nếu vậy Trương hiền đệ nên sửa soạn đi gấp lên kéo việc quân lương không thể bê trễ. Trương Khuê mời Ngưu Cao và Trịnh Hoài lên núi kết làm anh em, bày tiệc ăn uống với nhau rồi chở hết lương thảo hiệp binh ra đi. Đi được một ngày lại nghe quân sĩ báo: - Phía trước đây có độ bốn ngàn binh mã đóng dinh hạ trại, nhưng không biết quân xứ nào nên chúng tôi trở lại phi báo. Ngưu Cao vội truyền quân đóng trại nghỉ ngơi rồi sai quân đi thám thính. Hồi lâu quân thám mã về báo: - Có một người đứng trước dinh bảo lão gia phải đem lương thảo đến nạp. Ngưu Cao giận lắm dắt Trịnh Hoài và Trương Khuê đến trước xem thì thấy tướng kia mình cao tám thước, đầu đội kim khôi, mình mang kim giáp, cưỡi ngựa thanh tông, tay cầm kim hổ đầu thương, vừa thấy đã nạt lớn: - Ngươi có phải là Ngưu Cao đó không? Ngưu Cao ngạo nghễ đáp: - Phải dấy, chính ông đây, còn mi là ai lại dám ngăn trở binh lương của ông? Tên ấy nói: - Thôi đừng nói nhiều lời vô ích, nếu chịu nổi trăm hiệp với ta thì ta tha cho đi ngay. Trịnh Hoài nghe tướng ấy buông lời ngạo mạn giận quá vung côn lướt tới đánh. Tướng kia vung thương hất mạnh cây côn Trịnh Hoài ra rồi đâm tiếp bảy tám thương một lượt băng thế võ cực kỳ hung hiểm, làm cho Trịnh Hoài phải tránh né đã hết hơi, há hốc mồm thở hổn hển. Trương Khuê thấy vậy vung thương vào tiếp chiến, đánh đã hai mươi hiệp, Ngưu Cao đứng ngoài nhận thấy hai người vẫn đánh không xuể, bèn vung giản nhảy vào đánh túi bụi. Thế mà ba người dù ráng sức đến đâu cũng vẫn đánh không lại. Trong lúc đang nguy cấp, bỗng thấy người ấy nhảy ra ngoài, chống thương xuống đất nói: - Hãy nghỉ một chút đã. Ba người dừng binh khí, đứng thở ồ ồ. Tướng ấy lại nói: - Ta là dòng dõi Cao Bình Vương, họ Cao tên Lũng, năm trước ta ở với mẹ ta tại Hồng Đào sơn có một đạo quân Phiên kéo qua Sơn Tây bị ta giết hết binh tướng, giựt được kim khôi kim giáp và vàng bạc mấy xe để dành nay hãy còn, lại nghe triều đình bị khấn tại Ngưu Đầu sơn nên vâng lệnh mẹ ta đến đó bảo giá, nay gặp nhau đây trước tiên phải biểu diễn võ nghệ cho các người biết để rồi quy thuận sau. Ngưu Cao mừng rỡ nói: - Hay lắm, võ nghệ tướng quân mà kết làm anh em với chúng ta là xứng lắm, sao không nói cho sớm để đánh nhau mệt nhoài ra mới nói vậy? Sau đó mấy người kết làm anh em với nhau, hợp quân lại một chỗ ăn uống, rồi tiếp tục đi áp tải xe lương. Cao Lũng đi trước dẫn lộ, Ngưu Cao, Trịnh Hoài và Trương Khuê đi sau thôi thúc binh mã nhắm Ngưu Đầu sơn thẳng tiến. Lại nói về việc dưới chân núi Ngưu Đầu sơn, Ngột Truật kéo đại binh đã đến, Hồ Hãn đem hết việc Trương Bang Xương và Vương Đạt thuật hết lại cho Ngột Truật nghe. Ngột Truật nói: - Nếu Khương Vương và Nhạc Nam man ở trên núi thì chúng ta phải phân binh vây chặt bốn phía, tuyệt đường lương thảo của chúng thì không cần đánh cũng có thể bắt trọn ổ được. Nói rồi lập tức cắt đặt các chúa công lãnh binh đi bốn phương, tám hướng xây cất dinh trại. Tính ra hơn bảy tám vạn quân vây Ngưu Đầu sơn có thể nói là nước chảy qua cũng không lọt. Cách mấy hôm sau, bọn Ngưu Cao mới về đến Ngưu Đầu sơn. Cao Lũng thấy quân Phiên đóng dinh trại liên tiếp hơn mười dặm, nói với Ngưu Cao: - Ta phải đánh thẳng vào dinh Phiên mở một đường máu mà đi. Ngưu Cao bèn sai Trương Khuê và Trịnh Hoài đi hai bên tả hữu yểm hộ, còn mình thì đi hậu vệ. Cao Lũng giục ngựa lướt tới hô lớn: - Có Cao tướng quân đến phá dinh bay đây. Vừa nói vừa vung thương giục ngựa lướt tới xông vào dinh Phiên đâm chém như xẻ dưa, cắt rau, mở đường máu mà đi không còn một sức mạnh nào cản cho nổi. Bên tả Trương Khuê bên hữu Trịnh Hoài, một cây thương và một cây côn như rồng vào biển cả. Ngưu Cao ở sau múa giản, đột phá chẳng khác hùm nọ nhập sơn lâm. Quân tướng Kim Phiên bị chết quá nhiều, cùng hô lên một tiếng thất thanh vỡ chạy tán loạn. Ngột Truật hay tin vội sai bốn vị Nguyên soái, một người tên Kim Hoa Cốt Đô, một người tên Ngân Hoa Cốt Đô, một người là Thiết Hoa Cốt Đô, và người thứ tư là Đồng Hoa Cốt Đô. Bốn người này đều cầm binh khí vây đánh, nhưng bị cây thương của Cao Lũng quét qua một lượt chết cả bốn người. Bỗng thấy một người mặt mũi vàng khè tên Kim Cổ Lục vung lang nha bổng đánh tới, cũng bị Cao Lũng đâm một thương trúng ngay giữa ngực rồi vít cái thây vất ra xa lắc. Bấy giờ binh tướng của Phiên thảy đều mất vía kinh hồn; lại thêm hai cây thương công của Trịnh Hoài và Trương Khuê giết chết quân Phiên thây chất thành núi, máu chảy thành sông, phá nát mấy tòa dinh trại Kim Phiên nhắm Ngưu Đầu sơn thẳng tiến. Ngột Truật nuốt hận nhặt các thây đem chôn rồi cho xây cất đinh trại trở lại. Nói về Nhạc Nguyên soái đang ngồi trong trướng suy nghĩ lo buồn, bỗng nghe quân thám tử vào báo: - Trong dinh quân Phiên cờ xí rối loạn lại thêm tiếng la hét om sòm nhưng không hiểu có chuyện gì? Nhạc Nguyên soái suy nghĩ hồi lâu rồi nói: - Hay là chúng thấy ta án binh bất động nên lập kế dụ chăng? Ngươi hãy đi xem xét lại cho rõ ràng mới được. Mấy phút sau quân lại vào báo: - Ngưu tướng quân đã giải lương về đến Hà Diệp lãnh rồi. Nhạc Nguyên soái mừng rỡ, nói: - Quả là triều đình ta có phúc lắm. Rồi chẳng mấy chốc Ngưu Cao đốc quân đẩy xe lương lên khỏi Hà Diệp lãnh đến chỗ đất bằng bèn đồn binh lại đó, nói với ba người kia: - Để ta vào trước nói với Nhạc Nguyên soái hay rồi sẽ rước chư đệ vào ra mắt. Cao Lũng nói: - Việc ấy là lẽ tất nhiên, Ngưu huynh cứ tự tiện. Ngưu Cao vào dinh ra mắt rồi dâng bổn chương và thư của Lưu Thế Quan. Nhạc Nguyên soái nói: - Nhờ có hiền đệ tải lương lên núi được, ấy là công thứ nhất đấy. Ngưu Cao lại nói: - Đâu có phải là công của một mình đệ? Nhờ có ba người anh em mới kết bạn, một người tên Cao Lũng, một người tên Trịnh Hoài, một người tên Trương Khuê. Ba người đều võ nghệ cao cường, ráng sức bình sinh xông pha chiến trận mới khai được đường máu bảo hộ lương thảo lên đến đây. Nay họ còn đang ở ngoài giữ gìn lương thảo, chờ lệnh. Nhạc Nguyên soái nói: - Vậy thì xin mời cả ba vào đây. Ngưu Cao liền trở ra dắt ba người vào quỳ lạy ra mắt. Nhạc Nguyên soái vội đứng dậy nói: - Xin ba vị tướng quân hãy đứng dậy. Rồi hỏi thăm gia thế ba người, bọn Cao Lũng liền bẩm hết đầu đuôi, Nhạc Nguyên soái nói: - Nếu mấy vị đều là hậu duệ của Phan Vương, vậy để bổn soái tâu với thánh thượng phong chức cho. Sau khi bố trí cất giữ lương thảo xong, Nhạc Nguyên soái dắt ba người vào đền Ngọc Hư triều kiến vua Cao Tông, lại đem hết việc ba người đó cố tìm đến bảo giá kể cho vua nghe một hồi. Vua Cao Tông nghe rồi hỏi Lý Can: - Theo ý khanh những người này đáng phong chức gì? Lý Thái sư tâu: - Nay cứ phong theo hàng Đô Thống, chờ cho thái bình rồi sẽ nối chức của tổ phụ thuở xưa. Cao Tông y lời, ba người tạ ơn lui ra theo Nhạc Nguyên soái về dinh. Ngưu Cao nói: - Ba người anh em của tôi xin để ở chung với tôi. Nhạc Nguyên soái chấp thuận rồi khao thưởng ba quân chuẩn bị lương thảo- cho đầy đủ, chọn ngày xuất quân đánh với Ngột Truật. Hôm sau, Nhạc Nguyên soái thăng trướng, chư tướng đứng hầu bên nghe lệnh. Nhạc Nguyên soái cao giọng nói: - Nay lương thảo tuy đã đến, song quân Kim vây chặt quân ta, e một mai lương cạn thì khó tiếp tế cho được thường xuyên. Vậy chúng ta phải đánh một trận cho tan vỡ chúng để đưa thiên tử về triều, bây giờ có ai dám đến dinh Phiên hạ chiến thư không? Nói vừa dứt lời đã nghe Ngưu Cao lên tiếng: - Tôi xin đi cho. Nhạc Nguyên soái nói: - Hôm nọ Cao tướng quân giết binh tướng của chúng quá nhiều, chúng căm thù không đội trời chung thì đến đó làm sao cho tiện? Nhưng nếu không để cho tướng quân đi thì chắc chắn không ai can đảm bằng. Nhạc Nguyên soái nói đến đây ra vẻ suy nghĩ rồi kêu Trương Bảo lấy y phục Văn quan ra cho Ngưu Cao thay đổi. Ngưu Cao thay đổi y phục xong tạ Nguyên soái ra đi Nguyên soái trong lòng bùi ngùi thương xót vì e Ngưu Cao chuyến này khó sống được mà về. Bọn anh em cũng đưa đi xuống nửa núi, lại dặn dò: - Hiền đệ có đi thì phải cẩn thận, ăn nói phải dè dặt nhé. Ngưu Cao thản nhiên đáp: - Đã là đại trượng phu thì tùy cơ ứng biến, có gì mà phải lo sợ? Duy có một điều tôi xin gửi gắm cho mấy anh em, tôi có ba người em mới kết nghĩa, nếu như tôi có sơ sẩy điều chi thì chư huynh nên đối với họ cũng như tôi vậy tôi xin cảm ơn vô cùng. Anh em ai nấy đều sa nước mắt nói: - Đã là anh em cả thì ai cũng vậy, khỏi phải dặn dò làm chi, chúng ta chỉ cầu trời phù hộ cho hiền đệ an toàn mà thôi. Nói rồi từ biệt nhau kẻ trở về núi, người đến thẳng đến dinh Phiên. Ra đi chuyến này, Ngưu Cao cũng rưng rưng ngấn lệ, nhưng chàng vội lau đi ngay, vì chàng sợ xuống đến dinh Phiên chúng nó cho mình nhát gan sợ chết. Vừa đi vừa nhìn xuống y phục của mình, chàng tức cười, lẩm bẩm: - "Hôm nay ta mặc bộ đồ xúng xính trông giống ông Phán Quan trong miếu thành hoàng". Nói rồi thúc ngựa đi nhanh thẳng đến dinh Phiên. Bọn Bình chương vừa thấy đã nạt lớn: - Mi là Ngưu Cao Nam man sao lại ăn mặc đồ như vậy? Ngưu Cao đáp: - Đã là đại trượng phu văn võ phải song toàn, lúc ta ra oai thần võ thì ăn mặc theo võ tướng, còn lúc này ta đi hạ chiến thư ấy là việc tân chủ giao tiếp ta phải mặc đồ quan văn chớ sao? Các ngươi hãy vào báo giùm cho ta đi. Quan Bình chương thấy vậy cũng tức cười, bèn vào trong bẩm: - Nay có Ngưu Nam man đến hạ chiến thư. Ngột Truật bảo: - Hãy gọi nó vào đây. Bình Chương trở ra nhìn vào mặt Ngưu Cao, bảo: - Chúa công ta cho gọi ngươi vào. Ngưu Cao trợn mắt quát mắng: - Quân vô lại, sao không mời ta lại nói cho gọi? Thiệt là vô lễ quá. Nói rồi xuống ngựa xăm xăm đi thẳng vào trướng. Những kẻ hầu hạ thấy Ngưu Cao mặt mũi như vậy mà mặc quan văn ai nấy đều che miệng cười thầm. Ngưu Cao vào đến nơi ngước mặt nhìn Ngột Truật bảo: - Hãy xuống đây làm lễ với ta. Ngột Truật cả giận nói: - Ta là Kim trào Hoàng tử lại là Xương Bình Vương, lý ra ngươi đến trước mặt ta phải làm cho trọn lễ, sao lại bảo ta xuống làm lễ với ngươi? Ngưu Cao nói: - Ngươi nói gì Xương Bình Vương? Ta đây cũng đã từng làm Công Đạo Đại vương, có thua kém chi ngươi. Nay ta trên là vâng lệnh Thiên tử, dưới là vâng lệnh Nhạc Nguyên soái đến đây hạ chiến thư. Vả lại người xưa có nói, hễ là thượng bang khanh tướng thì bằng hạ quốc Vương hầu, học trò của nước lớn là đại phu của nước nhỏ, ta đây đường đường một vị sứ thần của Thiên tử, lẽ ra phải lấy lễ tân chủ mà đãi nhau có đâu ta lại phải quỵ lụy ngươi? Ngừng một lát, Ngưu Cao lại tiếp: - Ta đây là Ngưu Cao không phải như bọn tham sống sợ chết, nếu ta sợ chết ta đã không dám đến đây. Ngột Truật suy nghĩ mấy lời thấm thía của Ngưu Cao rồi gật đầu nói: - Nếu vậy thì lỗi tại ta chưa thấy được kẻ anh hùng đang đứng trước mặt. Thôi để ta xuống làm lễ với ngươi. Ngưu Cao cười ha hả nói: - Ha, ha... Thế mới đáng mặt anh hùng hảo hán. Hôm nào có đánh nhau tại giữa chiến trường, ta đánh với ngươi mới là xứng đáng. Ngột Truật bước xuống đứng trước mặt Ngưu Cao, nói: - Ngưu tướng quân, tôi xin làm lễ. Ngưu Cao cũng nói: - Lang chúa, tôi xin làm lễ. Hai đàng làm lễ với nhau xong rồi, Ngột Truật hỏi: - Chẳng hay tướng quân đến đây có việc chi? Ngưu Cao đáp gọn: - Tôi vâng lệnh Nguyên soái đến đây hạ chiến thư. Vừa nói vừa trao thư ra, Ngột Truật cũng đưa hai tay tiếp lấy xem rồi lật qua phía sau phê hẹn ba ngày giao chiến. Phê xong giao thư lại cho Ngưu Cao. Ngưu Cao lại nói: - Tôi đến đây nếu đãi khách chưa trọn lễ, nghĩa là chưa đãi một bữa không dễ gì tôi ra về đâu. Ngột Truật gật đầu: - Đúng đấy, đó là lẽ phải có vậy. Rồi sai bọn Bình chương mời Ngưu Cao qua phía tả dọn việc thết đãi. Ngưu Cao uống say sưa rồi mới từ tạ Ngột Truật ra về. Khi về đến Ngưu Đầu sơn, anh em trông thấy đều mừng rỡ dắt nhau ra nghênh tiếp và nói: - Ngưu đệ chịu cực khổ quá. Ngưu Cao nói: - Có cực khổ gì đâu, nó mời tôi ăn cơm uống rượu, nhưng ăn no cơm không được, chỉ uống chơi ít chén rượu rồi mới về đây. Nói rồi cùng dắt nhau vào đại dinh, Nhạc Nguyên soái nghe báo cả mừng vội truyền cho vào. Ngưu Cao vào trướng làm lễ rồi dâng bức thư phúc đáp lên. Nhạc Nguyên soái sai quan chánh tư ghi công cho Ngưu Cao rồi bảo về dinh an nghỉ. Sáng hôm sau, Nhạc Nguyên soái thăng trướng, chư tướng làm lễ xong xuôi, Nhạc Nguyên soái nói: - Lần này bổn soái xuất đại binh đánh một trận sống mái với quân Phiên. Trước lúc xuất quân, sẽ làm lễ tế cờ Nay bổn soái giao cho Tướng quân Vương Quới một cây lệnh tiễn, phải lập tức xuống núi vào dinh Phiên bắt một con lợn đem về làm lễ. Nói rồi lại quay sang Ngưu Cao, nói: "Bổn soái cũng giao cho Ngưu tướng quân một cây lệnh tiễn nữa. Tướng quân hãy xuống dinh Phiên bắt cho được một con dê đem về đây tế cờ". Hai tướng Vương Quới, Ngưu Cao vâng lệnh lên ngựa phóng thẳng xuống núi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương