Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Chương 49: Hồi thứ bốn mươi chín



Khi Nhạc Vân cùng Trương Hiến ra khỏi dinh. Nhạc Nguyên soái ngồi một mình trong lòng buồn bã nằm dựa thành ghế ngủ thiếp đi bao giờ không hay biết. Bỗng thấy quân tiểu hiệu chạy vào báo:

- Có Dương lão gia đến thăm.

Nhạc Nguyên soái nghĩ thầm:

- Tại sao lại có Dương lão gia đến thăm ta trong giờ phút này?

Nhạc Nguyên soái nhìn ra ngoài quả nhiên trông thấy một người đi vào đầu đội kim khôi, mình mang kim giáp, mặt vuông tai lớn râu năm chòm suông đuột tướng mạo oai phong khí phách hơn người.

Người ấy bước vào chào hỏi Nhạc Nguyên soái rồi phân ngôi chủ khách ngồi tề chỉnh nói:

- Tôi là Dương Kiển có đứa cháu huyền tôn tên Dương Tái Hưng bị lưu lạc nơi đây nên phải gửi gắm cho Nguyên soái xin thu dụng nó làm bộ hạ để nó có dịp lập công danh hậu thế. Được như vậy tôi lấy làm cảm kích vô cùng.

Nhạc Nguyên soái nói:

- Tôi rất mến trọng Dương Tái Hưng và có lòng ấy đã lâu ngặt vì võ nghệ y cao cường tôi không thắng y nổi thì làm sao thu phục được?

Dương Kiển nói:

- Thương pháp của dòng họ Dương lợi hại lắm, chỉ có ngón sát thủ giản mới trừ được, để tôi truyền lại cho Nguyên soái để thu phục hắn mới được.

Nói rồi liền đứng dậy cầm thương nơi tay, Nhạc Nguyên soái cũng cầm thương. Hai người đánh với nhau hơn mấy hiệp, bỗng Dương Kiển bỏ chạy dài. Nhạc Nguyên soái đuổi theo, Dương Kiển tay tả cầm thương quay mình lại trở thương đâm ngay giữa bụng Nhạc Phi, Nhạc Phi đưa thương ngăn đỡ, Dương Kiển tay trái rút giản ra, nói lớn:

- Hãy nhớ lấy cái ngón này nhé.

Vừa nới vừa nhắm ngay lưng Nhạc Nguyên soái vụt một giản, Nhạc Nguyên soái té nhào xuống ngựa giật mình thức dậy mới hay mình vừa chiêm bao, trong lòng lấy làm lạ liền lấy thương giản lén tập ngón ấy cho thuần thục.

Sáng hôm sau Nhạc Nguyên soái cũng ra binh y như thường lệ. Dương Tái Hưng cũng dẫn binh xuống núi, hai người không nói chi cả cứ việc vung thương đánh vùi nhau hơn mấy mươi hiệp, Nhạc Nguyên soái giả thua quay ngựa chạy dài, Dương Tái Hưng cả cười:

- Sao hôm nay ngươi dở quá vậy?

Vừa nói vừa giục ngựa đuổi theo, Nhạc Nguyên soái quay nhanh ngựa lại tay phải vung thương nhắm ngay giữa bụng Dương Tái Hưng đâm thẳng, Tái Hưng đưa thương ngăn đỡ không kịp đề phòng nên bị Nhạc Nguyên soái lẹ tay rút cây giản vụt nhằm lưng. Tuy rất nhẹ nhàng nhưng cũng đủ cho Dương Tái Hưng trật yên té nhào xuống ngựa.

Nhạc Nguyên soái vội nhảy xuống ngựa hai tay đỡ Dương Tái Hưng dậy và ôn tồn nói:

- Bổn soái cam chịu lỗi với tướng quân, xin hãy lên ngựa chúng ta cùng đánh lại.

Dương Tái Hưng hổ thẹn trăm chiều vội quỳ xuống nói:

- Nguyên soái quả nhiên võ thuật cao cường, tôi đành phải cam tâm kính phục và tình nguyện quy hàng.

Nhạc Nguyên soái nói:

- Nếu tướng quân bằng lòng ra phò nhà Tống thì tôi nguyện kết nghĩa huynh đệ với tướng quân.

Dương Tái Hưng khiêm nhường đáp:

- Tôi tình nguyện theo Nguyên soái cầm cương, hầu roi cũng đủ rồi dám đâu làm quá phận?

Nhạc Nguyên soái không chịu quyết kết nghĩa anh em cho bằng được, nên hai người cùng lạy nhau tám lạy kết dây thân hữu.

Xong rồi, Dương Tái Hưng nói:

- Xin Nguyên soái hãy về dinh trước, đệ còn phải lên núi thu gom binh mã và lương thảo rồi mới về sau.

Nhạc Nguyên soái trở về dinh, Dương Tái Hưng trở lên núi tập trung hết lâu la tuyên bố phò nhà Tống rồi truyền chở hết lương thảo xuống núi, đoạn nổi lửa đốt sạch dinh trại.

Dương Tái Hưng dẫn lâu la vào ra mắt Nhạc Phi, ai nấy đều mừng rỡ, Nhạc Phi truyền dọn tiệc, tướng sĩ cùng nhau ăn mừng.

Sáng hôm sau Nhạc Nguyên soái truyền lệnh kéo quân về triều đình tấu hiệp. Ba quân, chư tướng mừng rỡ reo vang kéo đi rầm rộ. Khi đi đến Giang Châu bỗng thấy Hàn Nguyên soái sắm thuyền đón sẵn đại binh của Nhạc Nguyên soái xuống thuyền đưa qua đại giang.

Đại binh qua khỏi sông, Hàn Nguyên soái lưu giữ Nhạc Nguyên soái ở lại đó ba ngày nghỉ ngơi rồi mới chia tay, Nhạc Nguyên soái trở về kinh.

Khi đi gần đến Lâm An bỗng nghe quân thám tử phi

báo:

- Bọn thủy khấu Thích Phương dẫn binh đến phá Lâm An rất nguy cấp.

Nhạc Nguyên soái bèn truyền lệnh đóng binh tại Giáp Thành rồi sai Dương Tái Hưng dẫn ba nghìn binh mã gấp rút đi ứng cứu.

Dương Tái Hưng nhận lệnh dẫn quân ra đi, vừa đi được nửa đường bỗng gặp đại binh mã của Thích Phương kéo đến như ong. Dương Tái Hưng không để cho quân của Thích Phương đồn trú cứ việc vung thương lướt tới đánh, bên kia Thích Phương cũng đưa thương đón đỡ.

Thích Phương lớn tiếng hỏi:

- Ngươi là ai dám cản đường ta?

Dương Tái Hưng đáp:

- Loài cường đạo, ta cho ngươi biết rằng ta chính là thủ hạ của Nhạc Nguyên soái, Đại tướng Dương Tái Hưng là ta, còn ngươi tên chi hãy xưng danh để rồi từ giã đời.

Thích Phương nói:

- Ta là Thái Hồ Thủy trại bá vương Thích Phương đây ta khuyên ngươi đầu hàng ta cho sớm để bảo tồn giọt máu trong người.

Dương Tái Hưng chiếu hai luồng nhỡn tuyến vào mặt Thích Phương, hét như chuông đồng:

- Loài cẩu đầu chớ khoe môi múa mỏ, hãy xem cây thương của ta đây.

Vừa nói vừa múa cây thương bạt gió kêu vun vút, nhắm ngay các yếu huyệt đối phương đánh tới, Thích Phương cũng đưa thương ngăn đỡ. Hai ngựa giao kề đánh nhau ước vài mươi hiệp. Dương Tái Hưng, tay phải cầm thương, tay trái rút giản ra đánh xuống một giản, ngón võ vô cùng lợi hại, nhưng Thích Phương cũng lanh lẹ vô song, quay mình tránh khỏi ngọn giản. Rủi thay ngọn giản giáng xuống trúng nhằm giữa đỉnh đầu con ngựa bể não chết ngay. Dương Tái Hưng thừa thế lẹ tay chộp Thích Phương ném xuống đất hô quân trói lại.

Bên kia trận, La Cang trông thấy Thích Phương bị bắt rồi, trong lòng cả giận giục ngựa lướt ra vung đao chém mạnh không nói nửa lời. Tái Hưng vung thương đỡ văng đao ra rồi mới bắt sống La Cang trên mình ngựa đoạn hô quân trói chặt giải về dinh nạp cho Nhạc Nguyên soái.

Lúc ấy Hích Tiên ở phía sau yểm trận nghe quân phi báo Thích Phương và La Cang đều bị Dương Tái Hưng bắt hết, nổi giận giục ngựa xốc tới vung đao chém bổ Dương Tái Hưng. Dương Tái Hưng cũng đỡ hất đao ra rồi vung thương đâm bảy tám nhát một lượt, làm cho Hích Tiên không biết đường nào đỡ, mồ hôi toát ra ướt cả áo thối lui hơn một trượng, Tái Hưng lướt tới với tay ôm ngang lưng bắt được Hích Tiên hô quân trói chặt.

Bao nhiêu lâu la bị ba nghìn quân Dương Tái Hưng vừa giết một trận, lớp chết lớp bị thương, lớp chạy tản lạc mất hết. Dương Tái Hưng thu binh về dinh ra mắt Nguyên soái báo công.

Nhạc Nguyên soái rót chén rượu thưởng Tái Hưng và nói:

- Chỉ trong một ngày, hiền đệ bắt luôn ba hổ tướng, quả là anh hùng cái thế, thế thì lo chi quân Phiên chẳng bị tiêu diệt? Đón Nhị Đế về không phải là chuyện khó nữa.

Dương Tái Hưng tỏ vẻ khiêm nhường nói:

- Đó chẳng qua nhờ oai phong của Nguyên soái chứ đệ tài cán chi?

Nhạc Nguyên soái truyền lệnh dẫn hết ba người vào dinh cho quì trước trướng và hỏi:

- Tuy các ngươi bị bắt nhưng ta khuyên các ngươi đừng vội thất vọng, miễn các ngươi biết cải tà qui chánh, ta sẽ thu dụng để phụng sự Tống trào lập chút công danh cho phong thê, ấm tử.

Ba người đồng thanh nói:

- Chúng tôi mang ơn Nguyên soái tha mạng, nguyện theo hầu dưới trướng giúp sức Nguyên soái báo đáp ơn sâu.

Nhạc Phi vội truyền mở trói cho cả ba rồi nói tiếp:

- Các ngươi đã quyết tâm qui thuận thì cũng góp với ta một tay, nên cần phải kết tình anh em, ta không muốn các ngươi từ chối.

Ba người một mực khiêm nhường không dám nhận, song được biết trong hàng chư tướng đều là anh em với Nguyên soái cả nên mới xin chịu làm lễ với Nguyên soái rồi ra mắt cùng chư tướng.

Sau đó ba người trở về thâu góp hết lương thảo rồi dẫn lâu la đến ra mắt Nguyên soái.

Nhạc Nguyên soái thu hết binh mã nhập vào quân Tống rồi sai quan chánh ti thu góp lương thảo nhập vào kho, đoạn thu binh về triều rồi cho đồn trú tại ngoại thành.

Nhạc Nguyên soái một mình đi vào Triều. Đến Ngọ môn xuống ngựa bước vào điện Kim Giai kiến giá tung hô. Đoạn đem hết việc bình phục Dương Tái Hưng, Thích Phương, La Cang và Hích Tiên đầu đuôi tâu rõ cho Cao Tông nghe, Cao Tông mừng rỡ khôn cùng liền truyền chư tướng tập trung hết vào triều hạ chỉ phong cho Dương Tái Hưng làm chức ngự tiền Đô Thống. Còn bọn Thích Phương, cả ba đều được nhậm chức Đô Thống. Vua lại hứa ngày sau có công sẽ thăng thưởng thêm.

Chư tướng tạ ơn, Cao Tông lại hỏi Nhạc Nguyên soái:

- Khanh có biết rõ hành động phá rối của Dương Ma tại Động Đình hồ không? Không biết tình hình ở đó ra sao mà quan địa phương dâng bổn về trào cáo cấp khanh cần phải chỉnh tu binh mã đến đó cho gấp để tiêu trừ bọn thảo khấu cứu vãn sinh linh.

Nhạc Nguyên soái lãnh chỉ, từ giã Cao Tông. Cao Tông hạ chỉ sai quan binh bộ phát binh phù và hỏa bài cấp tốc để điều động hết các đạo binh mã giao cho Nhạc Nguyên soái sử dụng, lại khiến quan Bộ Hộ cấp phát lương thảo bổ sung.

Mọi việc sắp đặt xong xuôi, Nhạc Nguyên soái chỉnh điểm binh mã phát pháo tiến quân.

Ba quân, chư tướng rầm rộ kéo đi khỏi Lâm An nhắm Đàn Châu thẳng tới.

Đi dọc đường, các quan địa phương mang lễ vật ra dâng không thiếu món chi, nhưng Nhạc Nguyên soái không chịu nhận của ai một mảy, chỉ lấy lời dịu ngọt giảng dụ các quan:

- Phàm làm quan cần phải liêm chánh, biết thương dân như con và phải lo tròn trách nhiệm triều đình giao phó.

Ngoài ra Nhạc Nguyên soái còn tuyên bố.nghiêm khắc với ba quân:

- Kẻ nào động đến của cải dân chúng ta sẽ chiếu theo quân pháp trị tội.

Lệnh truyền ra, ba quân không dám động đến một mảy may của dân, nên đi đến đâu dân chúng đều cảm phục, yêu mến!

Chẳng mấy ngày đại quân đã kéo gần đến Đàn Châu, quan Tiết Đạt sứ Đàn Châu là Từ Nhân chính là tri huyện Thang Âm khi trước, nay được thăng chức và lưu nhậm tại đây.

Hôm ấy Từ Nhân nghe quân Nhạc Nguyên soái đến vội kéo hết các quan địa phương cùng quan Tổng Binh ra ngoài thành nghênh tiếp, Nhạc Nguyên soái biết có Từ Nhân là ân sư của mình, lấy theo lẽ tất nhiên bất tiện trong lúc ra mắt nhau, vì vậy Nguyên soái sai quan ra nói với Từ Nhân xin hẹn ngày khác sẽ ra mắt, còn các quan địa phương đều được vào làm lễ ra mắt.

Khi Nhạc Nguyên soái vào Đàn Châu, ba quân an dinh hạ trại đâu đó xong xuôi, Nguyên soái vào trong soái phủ nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau chư tướng vào tham kiến, Nhạc Nguyên soái cho gọi quan Tổng Binh Trương Minh vào hỏi:

- Bọn thủy khấu ấy hiện nay hành động ra sao?

Tổng Binh Trương Minh bẩm:

- Lực lượng bọn thủy khấu ngày nay sánh với ngày trước khác nhau xa lắm. Chúng nó ở trong Động Đình hồ đã xây dựng cung điện vô cùng kiên cố rồi xưng vương. Hiện trên ấy có tên Dương Phàm tự xưng Tiểu bá vương sức mạnh đánh muôn người. Quân sư chúng tên Khuất Nguyên Công, Nguyên soái chúng tên Lôi Hanh có năm đứa con trai dữ như năm con cọp tên: Lôi Nhân, Lôi Nghĩa, Lôi Lễ, Lôi Trí và Lôi Tín. Vì vậy chúng tự xưng là ngũ hổ tướng.

Ngoài ra còn có Thái úy là Hoa Phổ Phương, Nguyên soái thủy binh là Cao Lão Hổ và em hắn là Cao Lão Long. Phía bên Đông Nhĩ Mộc trại có Đông Thành hầu là Vương Tá, còn Tây Nhĩ Mộc trại có Tây Thành hầu là Nghiêm Kỳ, còn Đàn Châu Vương là Chung Hiếu, Kỳ Vương là Chung Nghĩa, Đức Châu Vương là Thôi Khánh em là Thôi An, quân sư là Dư Thượng Văn, phó sư là Dư Thượng Kỉnh, Nguyên soái là Ngũ Thượng Chí, lại thêm Trường Sa Vương là La Diên Khánh có binh lâu la hơn mấy mươi vạn, chiến tướng hàng ngàn viên, lương thảo vô số, chiến thuyền không biết bao nhiêu mà kể, lực lượng chúng vô cùng hùng hậu.

Lúc trước Vương Tuyên Phủ mang quân đến chinh phục, bị thất cơ, vong mạng. Nếu Nguyên soái đến trễ một chút thì chắc chắn xứ Đàn Châu này vào tay chúng rồi.

Nhạc Nguyên soái nghe nói thở dài than:

"Công phu ta chinh phục mấy năm, không dè nuôi dưỡng một mối đại họa như vậy?''.

Than rồi kêu Trương Minh đến bảo nhỏ:

- "Hãy làm như vầy. . . như vầy. . . "

Trương Minh vâng mệnh đi ngay, Nhạc Nguyên soái truyền cho ba quân phòng thủ các cửa thành cho nghiêm ngặt.

Sáng hôm sau, Nhạc Nguyên soái thăng trướng, chư tướng đứng hầu hai bên, Nguyên soái bèn sai Trương Bảo đem thiếp mời qua Đông Nhĩ Mộc trại trao cho Vương Tá.

Trương Bảo vâng lệnh ra khỏi thành đi dọc theo mé hồ, độ ba mươi dặm mới đến Đông Nhĩ Mộc trại.

Trương Bảo nói với quân canh:

- Xin người làm ơn vào báo trại chủ rằng tôi là người của Nhạc Nguyên soái đem thư đến.

Quân sĩ chạy vào báo với Vương Tá, Vương Tá truyền cho vào.

Trương Bảo vào quỳ xuống dâng bức thư, Vương Tá mở ra xem mới biết Nhạc Nguyên soái mời qua dự yến, liền kêu tả hữu căn dặn:

Hãy dắt người này ra Nhĩ Phòng dùng cơm, phải đối đãi tử tế nhé Để ta có thì giờ suy nghĩ rồi trả lời sau. Trương Bảo liền theo kẻ tả hữu ra Nhĩ Phòng dùng cơm uống rượu còn Vương Tá ngồi một mình thầm nghĩ:

- Năm trước ta kết bạn với Nhạc Phi là cái kế của ta, sao hắn lại thật tình với ta, khờ khạo đến thế? Nay Nhạc Phi gửi thư như vậy, nếu như đại vương ta hay được chắc chắn ta mang hại.

Nghĩ đến đây, Vương Tá vội mang bức thư bước ra khỏi trại đi thẳng đến thủy khấu, xuống thuyền tuốt qua đại trại rồi lên bờ đi đến Đoan Môn. Quân sĩ vào phi báo, Dương Ma truyền lệnh triệu Vương Tá vào.

Vương Tá vào tham bái xong xuôi rồi tấu:

- Nguyên ngày trước, tôi có giả kế kết bạn với Nhạc Phi, nay Nhạc Phi sai người đem thiếp đến mời tôi qua Đàn Châu dự yến, tôi chẳng dám tự tiện nên đến tâu cho chúa công hay để chúa công định đoạt.

Vừa tâu vừa dâng bức thư lên cho Dương Ma, Dương Ma xem thư xong quay lại hỏi Khuất Nguyên Công:

- Quân sư có ý kiến gì trong việc này?

Khuất Nguyên Công nói:

- Chúa công cứ việc cho phép Đông Thành Hầu qua Đàn Châu dự yến, lúc trở về tôi sẽ có kế hay.

Dương Ma nói với Vương Tá:

- Bây giờ hiền khanh cứ việc đi dự yến, đợi khi hiền khanh trở về, quân sư sẽ hiến kế.

Vương Tá lãnh chỉ vội vã xuống thuyền trở về dinh trại thì Trương Bảo cũng vừa ăn cơm xong, liền cho gọi Trương Bảo vào thưởng cho hai mươi lượng bạc và nói:

- Ngươi hãy trở về bẩm lại với Nhạc Nguyên soái ngươi hay, ngày mai ta sẽ qua dự yến.

Trương Bảo tạ ơn lui ra đi thẳng về Đàn Châu vào ra mắt Nhạc Nguyên soái, bẩm:

Vương Tá hứa ngày mai sẽ qua dự yến.

Nhạc Nguyên soái vội cho đòi các quan vào, lo sắm sửa yến tiệc nội trong một đêm phải cho xong.

Qua bữa sau, vừa đến giờ tị đã thấy quân thủ thành chạy vào bẩm:

- Vương Tá đã đến bên thành rồi.

Nhạc Nguyên soái bèn dẫn hết chư tướng ra thành nghênh tiếp. Hai người vừa gặp mặt nhau, Nhạc Nguyên soái lên tiếng trước.

- Thật lâu lắm rồi huynh đệ lại được gặp nhau.

Vương Tá cũng nói:

- Cách nhau mấy năm trời, không dè hôm nay lại được tương hội, thật là may lắm.

Nhạc Nguyên soái lại truyền đem kiệu lớn rước Vương Tá vào thành. Vương Tá ngồi trên kiệu thấy dân chúng trong thành đều đốt hương bái vọng rất tề chỉnh.

Kiệu khiêng Vương Tá đi thẳng vào viên môn rồi đến đại đường. Sau khi bước xuống kiệu, hai người làm lễ với nhau một lần nữa rồi mới phân ngôi chủ khách ngồi.

Nhạc Nguyên soái mời Vương Tá vào bàn tiệc, lại nhường cho Vương Tá ngồi trước. Rượu được vài tuần, Vương Tá trầm giọng nói:

- Tôn huynh ơi, nay sự nghiệp của chúa tôi đã kết quả được hai phần ba rồi. . .

Vừa nói vừa đến đây. Nhạc Nguyên soái vội ngắt lời:

- Hôm nay ngu huynh mời hiền đệ đến đây chẳng qua là vì nghĩa kim bằng ngày trước mà thôi, vả lại người xưa có nói: uống rượu chớ nói việc công ' Không phải ngu huynh muốn ngăn cản lời nói của hiền đệ làm gì, ngặt vì dưới trưởng của ngu huynh rất có nhiều người trung nghĩa, e chúng nó nóng nảy sinh ra việc bất bình thì ắt ngu huynh mang điều không phải.

Vương Tá nghe Nhạc Nguyên soái nói vậy không dám nói thêm nửa lời, cứ việc ăn uống cho đến khi mãn tiệc rồi đứng dậy tỏ lời cáo từ:

- Đệ sợ ở đây lâu chúa tôi hay được khó xử, vậy xin cáo từ ngay bây giờ.

Nhạc Nguyên soái nói:

- Nếu vậy, ngu huynh cũng chẳng dám lưu giữ.

Nói rồi mời Vương Tá lên kiệu đưa ra khỏi thành mới từ biệt trở lại.

Bọn tùy tùng của Vương Tá vừa đi về vừa bàn tán với nhau.

- Nhạc Nguyên soái đãi người rất hậu, thật đời ít ai bì kịp.

Về đến trại, Vương Tá vội vàng lên điện phục chỉ.

Dương Ma hỏi quân sư Khuất Nguyên Công:

- Đông Thành hầu đi dự yến đã về đó. Quân sư hiến kế ra sao?

Khuất Nguyên Công nói:

- Tôi đã định sẵn một kế rồi. Ngày mai này chúa công sai Vương Tá cho người qua mời Nhạc Phi đến đây dự yến trả lễ lại, lẽ nào Nhạc Phi không đến? Hễ Nhạc Phi đến rồi thì lựa một người võ nghệ rất giỏi sai hắn múa gươm giúp vui rồi thừa cơ giết phắt Nhạc Phi. Nếu như kế ấy không thành thì chuẩn bị mai phục thêm bốn trăm lực sĩ, chờ cho Vương Tá ném chén rượu xuống đất làm hiệu lệnh, võ sĩ ào ra một lượt, dù cho Nhạc Phi có biết độn thổ, thăng thiên cũng khó mà thoát khỏi. Bên ngoài ta phải bỏ cây gỗ làm chướng ngại vật đồng thời sai quân sĩ leo lên mái nhà ném gạch đá xuống, một mặt dàn binh chặn đường về của Nhạc Phi thì dù y có cánh cũng không bay về Đàn Châu được.

Dương Ma vỗ tay khen hay rồi sai Vương Tá phải làm y kế. Vương Tá lãnh chỉ lui về Mộc Trại nghĩ thầm:

- Việc này cũng tại Nhạc Phi khờ dại nên tự hại lấy thân.

Hôm sau, Vương Tá sai tên gia tướng Vương Đức qua Đàn Châu mời Nhạc Nguyên soái. Vương Đức lĩnh mệnh đi thẳng đến Đàn Châu kêu quân giữ cửa nhờ báo giùm. Quân canh hỏi cặn kẽ nguyên do rồi vào bẩm cho Nhạc Nguyên soái hay, Nhạc Nguyên soái truyền cho vào Vương Đức vào trong soái phủ quỳ lạy thưa:

- Tôi vâng mệnh chủ tôi qua đây mời Nguyên soái sang dự yến, vừa nói vừa dâng thiếp mời lên. Nguyên soái sai Trương Bảo dắt Vương Đức ra hậu đường đãi rượu thịt.

Vương Đức ăn xong trở vào đợi lệnh, Nguyên soái nói:

- Ta chẳng cần viết thư phúc đáp, ngươi cứ về bẩm lại với chủ ngươi hay, ngày mai ta sẽ qua dự yến.

Nói rồi sai Trương Bảo lấy ra bốn mươi lượng bạc thưởng cho Vương Đức, Vương Đức tạ ơn lui ra trở về Đông Nhĩ Mộc trại báo tin cho Vương Tá hay.

Khi Vương Đức về rồi, chư tướng kéo đến hỏi Nhạc Nguyên soái:

- Chẳng hay Vương Tá sai người đem thư đến có việc chi?

Nhạc Nguyên soái đáp:

- Vương Tá mời ta đi dự yến đấy.

Chư tướng lại hỏi:

- Chẳng hay Nguyên soái có đi không?

Nhạc Nguyên soái thản nhiên đáp:

- Anh em đã mời nhau sao lại không đi?

Ngưu Cao vùng cười ha hả, nói:

- Tiền lương của đệ tháng này còn nguyên chưa lãnh mà.

Nhạc Nguyên soái hỏi:

- Tiền lương của đệ dành dụm còn lại thì đệ cứ việc tiêu xài chứ có can hệ gì trong việc này mà Ngưu đệ nói vậy?

- Có can hệ lắm chớ? Đệ sẽ trích ra chừng năm mươi lượng.

. Trích ra năm mươi lượng để làm gì?

Ngưu Cao đáp:

- Để mua sắm bữa tiệc ngon lành cho Nguyên soái dùng, còn cái tiệc của Vương Tá mời đó xin Nguyên soái chớ đi vì Nguyên soái mà đi dự tiệc này chúng đệ lo sợ lắm.

Nhạc Nguyên soái nói:

- Hiền đệ nói như vậy là lầm rồi, chẳng lẽ ta ham việc ăn uống sao? Chẳng qua là ta muốn thương nghị việc lớn của triều đình đó thôi. Nay đã hứa lỡ rồi, lẽ nào lại thất tín sao?

Ngưu Cao nói:

Nguyên soái đi cũng được, nhưng hãy cho đệ đi với.

- Được, Ngưu đệ sẽ cùng đi với ta.

Rồi ai về dinh nấy, qua hôm sau Nhạc Nguyên soái thăng trướng thay y phục văn quan, chư tướng đều tham kiến đủ mặt. Nhạc Nguyên soái sai Thang Hoài và Thi Toàn tạm tạm giữ chưởng ấn, Ngưu Cao cùng đi với Nguyên soái, còn Dương Tái Hưng theo sau tiếp ứng.

Nhạc Nguyên soái lại gọi công tử Nhạc Vân đến dặn:

- Con cũng phải theo, nhưng ẩn mặt, chờ có xảy việc gì bất trắc sẽ ra tiếp ứng.

Nhạc Vân vâng lệnh đi ngay, Nhạc Nguyên soáicùng Ngưu Cao lên ngựa, Trương Bảo đi bộ theo sau, chư tướng đưa ra khỏi thành mới trở lại. Ba người nhắm Đông Nhĩ Mộc trại thẳng tới.

Khi Vương Tá hay tin Nhạc Nguyên soái đến, vội vã ra ngoài trại nghênh tiếp, Nhạc Nguyên soái xuống ngựa vào đến đại dinh. Sau khi làm lễ xong, quân sĩ dâng trà, Nhạc Nguyên soái vừa uống trà vừa nói:

- Hiền đệ có lòng nghĩ tưởng đến ngu huynh, thật ngu huynh cảm kích vô cùng.

Vương Tá nói:

- Ngu đệ vẫn một lòng kính trọng tôn huynh, nhưng không biết làm cách nào phải mời tôn huynh ăn uống chơi để tỏ tấm lòng của mình cho tôn huynh rõ.

Yến tiệc đã bày sẵn, Vương Tá mời Nhạc Nguyên soái ngồi lại ăn uống với nhau, Ngưu Cao ở ngoài nói nhỏ với Trương Bảo:

- Ngươi hãy ở ngoài này trông coi mấy con ngựa cho tử tế để ta vào trong bảo hộ cho Nguyên soái.

Nói rồi chạy thẳng vào trong lớn tiếng nói:

- Sao không thấy mời tôi ăn uống gì cả vậy?

Vương Tá trông thấy tướng mạo Ngưu Cao trong lòng hơi khiếp đảm. Nhạc Nguyên soái nhanh miệng giới thiệu:

- Hắn là gia tướng của ngu huynh tên là Ngưu Cao, tính tình hắn lỗ mãng lắm, mong hiền đệ chớ chấp hắn làm chi.

Vương Tá sai quân mang rượu thịt và đồ điểm tâm ra, Ngưu Cao nói:

- Tôi ngồi trong này ăn uống được không?

Vương Tá nói:

- Được, cứ việc ngồi đó ăn uống tự nhiên.

Ngưu Cao ăn rất nhanh rồi bưng bầu rượu uống hết một hơi, đứng phắt dậy bước lại hầu sát bên Nhạc Nguyên soái.

Cuộc rượu đến đây, Nhạc Nguyên soái đứng dậy nói với Vương Tá:

- Tửu lượng ngu huynh kém lắm, xin phép kiếu vậy.

Vương Tá nói:

- Sao tôn huynh lại làm vậy? Rượu chưa uống bao nhiêu đã vội kiếu từ thì mất vui rồi. Đệ muốn dâng một cuộc vui cho tôn huynh bằng cách bảo một người ra đây múa cây lang nha bổng giúp vui, tôn huynh có bằng lòng không.

Nhạc Nguyên soái nói:

- Thế thì hay lắm, hãy gọi hắn ra đây múa thử xem.

Vương Tá liền sai tả hữu gọi Ôn Kỳ ra, Ôn Kỳ chạy ra cúi đầu vái một cái rồi đứng sang bên.

Vương Tá nói:

- Nhạc Nguyên soái muốn ngươi múa một hồi lang nha bổng cho thật hay, nếu ngươi làm vừa lòng Nguyên soái ta sẽ trọng thưởng.

Ôn Kỳ nói:

- Để đem hết tài năng ra biểu diễn cho Nguyên soái xem, tôi xin phép dẹp hết bàn ghế cho rộng rãi tôi mới có thể múa được.

Vương Tá cũng phụ họa:

- Hắn nói đúng đấy, nếu để bàn ghế chật chội hắn múa sao được?

Nhạc Phi gật đầu:

- Hiền đệ nói đúng, hãy truyền dọn dẹp bàn ghế cho hắn biểu diễn.

Vương Tá sai tả hữu dẹp bàn ghế qua một bên. Ôn Kỳ vung cây lang nha bỏng' múa tít, ban đầu hắn múa còn xa rồi dần dần xích sát trước mặt Nhạc Nguyên soái Ngưu Cao thấy vậy rút giản ra bước tới hét lớn:

- Hãy dãn ra.

Ôn Kỳ chỉ dãn ra trong giây lát rồi lại áp sát Nhạc Nguyên soái như lúc nãy. Ngưu Cao phải nạt luôn đôi ba phen, Ôn Kỳ không ra tay được tức giận dừng tay lại nói:

- Sao tướng quân cứ la lối hoài làm sao tôi múa cho hay được.

Ngưu Cao cười gằn nói:

- Xe tơ một sợi sao cho nên chỉ, một cây sao cho nên rừng? Múa một mình làm sao hay nổi? Để ta múa với ngươi chắc là hay hơn.

Vừa nói vừa vung giản nhảy ra múa, chạm với cây roi của Ôn Kỳ kêu chan chát. Ôn Kỳ càng giận dữ hơn nữa, muốn đánh Ngưu Cao một roi cho nát óc mới hả dạ, ngờ đâu song giản của Ngưu Cao .vô cùng lợi hại, chàng hất vạt cây lang nha bổng ra rồi dáng cho một giản, Ôn Kỳ ngã ngửa chết tươi.

Tình huống đã thay đổi, Vương Tá thấy vậy ném chén rượu xuống đất làm hiệu lệnh rồi bỏ chạy ra sau. Lập tức mấy trăm lực sĩ từ bên ngoài ào vô một lượt vây chặt lấy Nhạc Phi và Ngưu Cao.
Chương trước Chương tiếp
Loading...