Nhật Ký Công Chúa
Q.1 - Chương 4: Thứ Sáu Ngày 3 Tháng 10 - Ở Nhà
Sáng nay lúc mình ngủ dậy, mấy chú chim bồ câu vẫn đậu ở cửa sổ phòng mình đã kéo nhau bay đi hết (Louie Mập thì đang ở bệ cửa sổ, nhìn theo lũ chim). Trời nắng to. Mình dậy kịp lúc, đỡ phải tắt cái chuông báo thức. Mình đi tắm và đã không làm sứt da khi cạo lông chân. Chọn cái áo sơ-mi được là phẳng phiu để dưới đáy tủ, thậm chì còn rẽ ngôi tóc ra làm đôi. Tâm trạng sáng nay của mình rất tốt. Hôm nay là thứ Sáu. Ngoài thứ Bảy và Chủ Nhật thì đây là ngày mình thích nhất trong tuần. Thứ Sáu có nghĩa là ngày xả hơi và chơi bời thoả thích – không phải lo nghĩ vì môn Đại số. Khi mình bước vào phòng ăn, ánh nắng chiếu vào làm khuôn mặt mẹ ửng hồng. Mẹ đang mặc bộ kimono đẹp nhất và làm bánh mỳ nướng kiểu Pháp. Mẹ dùng bột trứng chứ không phải quả trứng thật. Mặc dù mình ăn chay thật, nhưng mình vẫn có thể ăn trứng, vì theo mình trong trứng không hề có gà con. Mình đang tính cảm ơn mẹ vì đã lo lắng cho mình thì nghe thấy tiếng giấy sột soạt. BỐ đang ngồi ở bàn ăn (thực ra thì đó cũng không hẳn là bàn ăn, vì mẹ con mình làm gì có phòng ăn riêng, nhưng mà kệ), đọc Thời báo New York, và mặc vét. Một bộ vét. Vào lúc 7 giờ sáng. Và rồi mình nhớ ra một chuyện. Không thể tin nổi là mình đã quên nó. Mình là một công chúa. Giờ thì tất cả mọi dự định tốt đẹp cho ngày hôm nay của mình đã bay hết ra ngoài cửa sổ theo đàn chim rồi. Ngay khi nhìn thấy mình, bố thốt lên “A, Mia”. Lại có chuyện rồi. Bố chỉ nói “A, Mia” khi sắp lên lớp thuyết giảng cho mình một bài dài. Bố cẩn thận gập tờ báo lại và đặt xuống bàn. Bố lúc nào cũng gấp báo rất cẩn thận để giữ cho các mép luôn bằng nhau. Mẹ thì chẳng bao giờ, lúc nào cũng để các trang báo bèo nhèo và quăng lả tả mỗi nơi một tờ, từ sa lông tới kệ toa lét. Bố rất ghét điều đó, và có lẽ đó là lý do vì sao họ không bao giờ kết hôn. Mẹ đã dọn bàn xong. Đó là những chiếc đĩa K-Mart đẹp nhất của nhà mình có kẻ sọc màu xanh da trời ở chính giữa. Ở bên cạnh mẹ mấy cái cốc nhựa màu xanh lá cây hình xương rồng mua ở Ikea. Ở giữa bàn là một bình hoa giả màu vàng. Mẹ chuẩn bị như vậy là muốn mình vui, nhưng trái lại chúng chỉ khiến mình thấy buồn hơn mà thôi. Bởi vì mình cá là họ sẽ không dùng cốc hình xương rồng màu xanh trong bữa ăn sáng ở Genovia. “Chúng ta phải nói chuyện, Mia ạ”, bố luôn có một câu mở bài chán ngất ngây như thế. Nhưng vừa thấy mình bố đã bật cười hỏi: “Tóc con làm sao thế/”. Mình sờ tay lên đầu hỏi lại “Sao ạ?”, tóc mình nhìn khá đẹp khi mình đỏi sang kiểu này đó chứ. “Tóc con bé chẳng làm sao hết cả, anh Phillipe” mẹ đang muốn đánh trống lảng bài thuyết trình của bố với mình, nếu được. “Lại đây và ngồi xuống ăn đi Mia. Mẹ hâm nóng cả mứt để phết lên bánh mỳ cho con đấy”.Mình thực sự rất biết ơn mẹ vì hành động này. Nhưng không có chuyện mình sẽ ngồi xuống và bàn bạc về tương lai của mình ở Genovia. Không đời nào. “Con cũng muốn ăn lắm nhưng con phải đi học đây. Con có bài kiểm tra về các nền văn minh thế giới. Con đã hứa sẽ đến sớm để ôn bài với Lilly”. “Ngồi xuống”. “Trời ơi, với cái giọng đó bố giống như một thuyền trưởng tàu viễn dương vậy. Mình đành phải ngồi xuống. Mẹ để mấy miếng bánh mỳ nướng vào trong đĩa cho mình. Đành phải phết ít mứt lên trên rồi cắn một miếng cho nó có. Cứ như cắn phải bìa vậy. “Mia, mẹ biết con không vui vẻ về mấy chuyện vừa xảy ra. Nhưng mọi chuyện không hề xấu như con đang cố tạo ra đâu”. Mẹ vẫn đang muốn tránh cho mình bài thuyết giáo của bố. Vậy đó, tự dung nói với mình rằng mình là một công chúa và bắt mình phải cảm thấy hạnh phúc về điều đó sao?? Mẹ nói tiếp “Ý mẹ là hầu hết mọi người sẽ thấy rất hạnh phúc khi biết bố của họ là một hoàng tử”. Mình chẳng biết đứa nào như thế cả. Thực ra thì cũng không hẳn thế. Lana Weinberger chắc chắn sẽ mừng húm nếu được làm công chúa. Thì hiện giờ não nó vẫn mặc định nó là công chúa rồi mà. “Hãy nghĩ về những thứ tốt đẹp mà con sẽ có nếu đến sống ở Genovia”. Mắt mẹ sáng loé lên như vừa được bật công tắc, nhưng mà giọng nghe cứ khác khác, không giống mẹ chút nào. Nghe cứ giống mấy bà mẹ trên tivi vậy. “Ví dụ như là một chiếc xe ôtô chẳng hạn! Nếu sống ở đây thì khó mà mua được ôtô vì sẽ rất bất tiện. Nhưng mà ở Genovia, khi nào con đủ 16 tuổi, thì bố sẽ mua cho con một chiếc”. Mình hục hặc rằng Châu Âu đã đủ ô nhiễm vì xe cộ rồi không cần thêm cái ôtô của mình. Chất thải dầu diesel là một trong những nhân tố gây hại nhất đến tầng ozone. “Nhưng mà con luôn muốn có một con ngựa phải không? Ở Genovia, con có thể có một con. Một con ngựa lông xám có đốm chấm trên lưng rất xinh…”. Sao mình thấy đau lòng đến vậy. Nước mắt mình đột nhiên trào ra. “Mẹ, mẹ đang làm gì thế? Mẹ muốn con đến sống với bố thật sao? Mẹ không muốn ở cùng con à? Có phải mẹ muốn con đến sống với bố để mẹ và thấy Gianini có thể…có thể…”. Mình không thể nói thêm từ nào nữa, và bắt đầu khóc thút thít. Mẹ cũng khóc và đứng bật dậy khỏi ghế đi về phía góc bàn ôm choàng lấy mình nói, “Con yêu, sao con có thể nghĩ thế cơ chứ?”. Giờ nghe mới giống mẹ chứ. “Mẹ chỉ muốn điều tốt nhất cho con thôi”. “Bố cũng vậy”, bố nói, trông bố có vẻ bực mình. Bố ngồi khoanh tay trước ngực và tựa lưng vào ghế, nhìn hai mẹ con với vẻ mặt nhăn nhúm và khó chịu. “Điều tốt nhất cho con là ở đây và học xong trung học” – mình nói – “sau đó con sẽ tham gia Tổ chức Hoà bình xanh, và đi cứu bọn cá voi”. Nghe thấy vậy bố có vẻ càng bực mình hơn. “Con sẽ không được tham gia cái tổ chức Hoà bình xanh đó”. “Con còn…” lúc đó mình nói không ra tiếng nữa bởi vì đang khóc nức nở, “con còn phải đi Iceland để cứu bọn hải cẩu biển con nữa”. “Con sẽ không được đến đó”, giờ bố không còn khó chịu nữa mà là đang nổi điên lên: “Con sẽ phải đi học Đại học, trường Vassar hoặc là Sarah Lawrence gì đó…”. Câu nói đó của bố càng làm mình khóc to hơn. Đúng lúc đó mẹ đã giơ tay ra hiện với bố “Anh Philippe, đừng thế. Chúng ta sẽ chằng giải quyết được gì đâu. Mia phải tới trường. Muộn rồi”. Mình bắt đầu nhìn quanh để tìm balô và áo khoác, rồi cố nói với “Con còn phải đi đăng ký lại thẻ Metro nữa”. Bố càu nhàu gì đó bằng tiếng Pháp, nghe như Pfuit rồi nói “Chú Lars sẽ đưa con đến trường”. Mình đã nói là không cần, vì ngày nào cũng hẹn Lilly ở Astor để cùng đi tàu điện lúc 6 giờ, nhưng bố chốt hạ một câu “Chú Lars sẽ đưa cả bạn con đi cùng”. Mình quay sang nhìn mẹ. Mẹ quay sang nhìn bố. Lars là tên chú lái xe của bố. Bố đi đâu cũng có chú ấy đi cùng. Kể từ khi biết bố - tức là từ khi mình sinh ra tới giờ - lúc nào cũng thấy bố có lái xe riêng, thường là một ông beo béo từng làm việc cho tổng thống Israel, hay ai đó từa tựa như thế. Bây giờ nghĩ lại mới biết hoá ra họ chẳng phải là lái xe mà là vệ sĩ. Chứ sao nữa. Bị vệ sĩ của bố tháp tùng tới trường là điều không bao giờ mình mong muốn. Làm sao mình có thể giải thích điều này cho Lilly được? “Ồ, đừng để ý đến ông ta Lilly ạ, đó là quản gia của bố tớ í mà”. Đúng rồi, cứ nói thế đi. Đứa duy nhất của trường trung học Albert Einstein có tài xế riêng là một đứa con gái người Ả Rập Xê Út tên là Tina Hakim. Bố nó sở hữu một công ty dầu hoả lớn. Mọi người luôn cười nhạo Tina vì lúc nào bố mẹ nó cũng lo là nó sẽ bị ai đó buộc lại, cho vào túi rồi đem đi một nơi thật xa (bị bắt cóc đấy!) trên đường từ nhà tới trường. Nó còn có một vệ sĩ riêng, lúc nào cũng lừng lững đi theo nó từ lớp học này sang lớp học khác và liên lạc qua bộ đàm với viên tài xế. Thật hơi thái quá. Bố vẫn nhất quyết không chịu thay đổi ý kiến về việc xe cộ. Cứ như thể bây giờ mình đã chính thức là một công chúa và cần phải được bảo vệ vậy. Ngày hôm qua mình còn là Mia Thermopolis, thoải mái tự do đi học bằng tàu điện ngầm. Ngày hôm nay, mình đã là công chúa Amelia và không được phép bước chân lên đó. Mình mặc kệ, không hơi đâu cãi nhau với bố về cái chuyện cỏn con này. Còn ối chuyện tồi tệ hơn cần phải lo. Mình sẽ sống ở đâu trong thời gian sắp tới. Bố còn kêu chú Lars lên gác xép đưa mình xuống nữa chứ, thật xấu hổ! Rồi mình nghe thấy bố hỏi mẹ, “Helen, Mia vừa nói đến tay Gianini nào thế?”. Úi, lỡ miệng rồi. ab=a+b Tìm b ab-b=a b(a-1)=a b= a/(a-1)Lại một ngày thứ Sáu với môn Đại số. Vừa thấy mặt mình, Lilly đoán ngay ra là có chuyện. Cậu ấy không hề nghi ngờ gì câu chuyện mình kể về chú Lars: “Này, bố mình đang ở trong thành phố đấy, đây là lái xe riêng của bố…”. Nhưng mình không thể kể cho cậu ấy nghe về chuyện công chúa. Mình có thể hình dung ra sự phẫn nộ của Lilly qua cái cách cậu ấy cứ nhảy chồm chồm lên khi nói về mấy ông vua người Cơ Đốc giáo tự coi mình là người được Chúa trời lựa chọn để thực hiện các ý nguyện của Người. Vì thế họ chẳng có nghĩa vụ gì với nhân dân của mình mà chỉ phục tùng duy nhất một người – đó là đức Chúa. Nói thế chứ bố mình hầu như chẳng bao giờ đặt chân đến nhà thờ, trừ khi bà nội bắt phải đi. Tuy có tin vào câu chuyện về chú Lars, nhưng Lilly vẫn chau mày hoài nghe về chuyện mình khóc. Trong giờ học cậu ấy cứ hỏi choanh choách, “Sao mắt cậu đỏ thế? Cậu khóc à? Chuyện gì thế? Cậu lại bị điểm F môn gì à?” Mình chỉ nhún vai, và giả vờ nhìn ngắm mấy ngôi nhà cũ nát của khu phố Đông: “Chả có chuyện gì đâu. Mình đang trong “ngày ấy” thôi”. “Không phải. Cậu vừa “bị” tuần trước rồi cơ mà. Mình nhớ sau giờ thể dục cậu đã hỏi xin mình ít khăn ướt và sau đó còn ăn hết hai gói Yodel lúc trưa”. Nhiều lúc mình ước Lilly đừng có nhớ dai đến thế. Cậu ấy vẫn không chịu buông tha cho mình: “Cậu nói đi. Hay Louie lại nuốt thêm cái tất nào nữa à?”. Trời ạ, nói mấy cái chuyện “nguyệt san” ngay trước mặt vệ sĩ của bố thật chẳng hay ho chút nào. Mặc dù chú Lars vẫn đang tập trung lái xe, nhưng không biết liệu chú ý có nghe thấy câu chuyện của bọn mình không nữa. Ngượng chết đi được. “Chả có gì cả” - mình thì thầm. “Vẫn là chuyện của bố mình thôi, cậu biết rồi đấy…”. “Ồ” – cái giọng cậu ấy lúc nói chuyện bình thường sao to thế nhỉ - “Ý cậu là cái chuyện vô sinh đó hả? Bố cậu vẫn rầu rĩ về chuyện đó à? Có cần phải nghiêm trọng hoá vấn đề lên đến thế không?”. Lilly bắt đầu thao thao bất tuyệt về cái thuyết gọi là cây Tâm lý nhận thức về bản thân. Theo đó thì bố vẫn chỉ đang ì ạch ở phạm vi mấy nhánh câu phía dưới gốc mà thôi. Ông sẽ không bao giờ “trèo” lên được tới ngọn cây, chừng nào còn chưa chịu chấp nhận con người thực của mình, và hết ám ảnh về sự bất lực của mình trong việc sinh con nối dõi. Mình nghĩ đó cũng chính là vấn đề của mình. Có khi mình còn nằm tít ở dưới gốc cây ý chứ. Mình đang trong giờ Đại số. Nghĩ ra thì mọi chuyện cũng không đến nỗi tệ cho lắm. Mình đã suy nghĩ suốt buổi học và cuối cùng nhận ra một điều: Không ai có thể biển mình thành công chúa được. Không thể nào. Đây là nước Mỹ tự do cơ mà. Bạn có thể trở thành bất kỳ ai mà bạn muốn. Chí ít thì đó cũng là những gì cô Holland luôn nói với lớp mình hồi năm ngoái khi học về lịch sử nước Mỹ. Vì thế nếu mình có thể tự do lựa chọn thì mình sẽ không chọn làm công chúa. Không ai có thể ép uổng mình trở thành công chúa được, kể cả bố, một khi mình đã không muốn. Đúng không nhỉ? Vì thế, khi mình về nhà tối nay, mình sẽ nói lời cảm ơn bố và từ chối ngôi vị đó. Mình chỉ muốn là một Mia như trước thôi. Oái, thầy Gianini vừa gọi mình xong, có biết thầy nói gì đâu mà trả lời. Mình còn đang mải viết mấy dòng nhật ký này, đâu có nghe giảng gì đâu. Mặt mình đỏ ửng và chín bừng. Lana thì lập tức bật giọng cười hô hố lên để nhạo báng mình rồi. Đúng là đồ con bò! Nhưng mà sao thầy ấy lúc nào cũng chỉ chực gọi tên mình thế nhỉ? Thầy ấy nên hiểu rằng mình không quan tâm tí gì về mấy phương trình bậc hai đó cả. Chắc chắn thầy ấy gọi mình lên là vì mẹ thôi, để tỏ ra là không hề phân biệt đối xử với mình so với các bạn khác trong lớp. Rõ ràng mình khác với mọi người trong lớp này mà. Mà học đại số để làm gì cơ chứ? Trong tổ chức Hoà bình xanh người ta đâu có cần dùng tới môn Đại số. Nhất là khi đã là công chúa thì càng không cần dùng đến môn Đại số. Dù có chuyện gì xảy ra thì mình cũng sẽ chẳng bị làm sao! Tuyệt! Giải phương trình x = a + aby x –a + aby (x-a)/ab + aby/ab y + (x-a)/ab Tối muộn ngày thứ Sáu, trong phòng ngủ của Lilly Moscovitz Hôm nay mình đã trốn buổi học thêm sau giờ học với thầy Gianini. Đúng ra mình không nên như thế. Chính Lilly cũng khuyên mình không nên thế. Mình biết thầy tổ chức ra mấy lớp học thêm đó là để giúp những đứa thi trượt như mình một cách tự nguyện mà không kì kèo một đồng lương ngoài giờ nào. Nhưng công việc của mình sau này không cần dùng đến Đại số thì mình học làm gì cơ chứ? Mình đã hỏi Lilly có thể ngủ ở nhà cậu ấy tối nay không, và cậu ấy bảo chỉ đồng ý nếu mình chịu hứa không cư xử thiếu suy nghĩ như vậy nữa. Tất nhiên là mình đã hứa, nhưng mình chẳng hề thấy có vấn đề gì trong cách xử sự của mình cả. Lúc gọi điện về nhà xin mẹ cho ngủ lại ở nhà Moscovitz thì mẹ chỉ nói “Ừm, thực ra Mia ạ, bố con thực sự hy vọng con sẽ về nhà tối nay để chúng ta có thể nói chuyện với nhau”. Ối giời, hay thật! Mình nói lại với mẹ là mặc dù mình cũng rất muốn có thêm một buổi nói chuyện với bố mẹ, nhưng giờ mình đang lo lắng cho Lilly, vì cái gã chuyên theo dõi cậu ấy mới được thả từ Bellevue. Kể từ khi Lilly bắt đầu chương trình cáp truyền hình, một gã tên là Norman cứ liên tục gọi cho cậu ấy và đề nghị Lilly phải cởi giày ra. Theo tiến sỹ Moscovitz thì Norman là một kẻ theo đạo thờ vật. Vật anh ta thờ là bàn chân, mà đặc biệt là chân của Lilly. Anh ta gửi nhiều thứ liên quan đến chương trình, đĩa CD, thú nhồi bông…và nhắn nhủ rằng sẽ còn gửi tặng nhiều thứ nữa, chỉ cần Lilly chịu bỏ giày ra. Thực ra Lilly cũng có bỏ giày ra, nhưng lại phủ một tấm chăn lên chân, rồi đá qua đá lại bên dưới cái mền đó và nói “Nhìn đây, Norman, đồ dị hợm! Tao đã bỏ giầy ra rồi đấy! Cảm ơn về mấy cái đĩa CD nhé, đồ điên!”. Gã Norman này giận đến mức lật tung cả thị trấn để tìm Lilly. Mọi người đều biết Lilly sống trong thị trấn này, vì bọn mình đã từng quay một đoạn băng khá nổi tiếng ở đây. Nội dung là Lilly mượn một khẩu súng đắt tiền của hãng Grand Union và ngồi ở góc phố Blecker và La Guardia. Sau đó cậu ấy thông báo với các khách du lịch đến từ Châu Âu đang dạo quanh NoHo rằng nếu họ chịu dán miếng sticker của hãng Grand Union lên trán thì sẽ có thể uống sữa Dean và Deluca miễn phí. Một số lượng lớn khách du lịch đã tin vào lời của Lilly. Cách đây vài tuần, Norman - kẻ theo đạo thờ bàn chân - đã phát hiện ra bọn mình trong công viên, và hùng hục chạy đuổi theo hai đứa mình. Trên tay hắn còn vẫy vẫy tờ hai mươi đôla để dụ bọn mình cởi giày ra nữa chứ. Khung cảnh lúc đó buồn cười không chịu nổi, chẳng thấy sợ chút nào. Hai đứa bọn mình đã chạy thẳng tới sở chỉ huy trên đường Washington Square và phố Thompson, nơi cảnh sát đang giăng bẫy tóm những kẻ buôn thuốc phiện. Bọn mình nói với cảnh sát rằng gã kì dị này định tấn công bọn mình. Cảnh tượng lúc đó thật vô giá: gần 20 cảnh sát chìm (có mấy người mà mình cứ tưởng là vô gia cư hay ngủ gật ngoài công viên) nhảy bổ tới chỗ Norman và lôi xềnh xệch hắn đi tới bệnh viện tâm thần. Lúc nào đi với Lilly cũng có những chuyện bất ngờ và thú vị xảy ra. Sau khi cho Lilly biết là gã Norman đã ra khỏi Bellevue, bố mẹ cậu ấy còn dặn là nếu có gặp lại hắn cũng đừng có trêu chọc hắn nữa, bởi vì Norman chỉ là một kẻ tội nghiệp luôn bị ám ảnh và có triệu chứng tâm thần. Lilly dành trọn chương trình hôm sau cho đôi bàn chân của mình. Cậu ấy sẽ trình diễn tất cả những đôi giày mà cậu ấy có, nhưng không hề để lộ ra đôi bàn chân trần của mình. Cậu ấy nghĩ điều đó sẽ đẩy Norman đến hẳn đường cùng và anh ta sẽ làm một việc gì đó điên khùng tột độ, như kiểu lấy một khẩu súng và bắn vào bọn mình. Tuy thế nhưng mình chả sợ. Norman trông giống dân mọt sách, đầu to kính cận. Chắc chắn anh ta chẳng bao giờ đánh ai. Vì thế cho dù có mua được súng thì cũng chỉ là súng phun nước và để tưới cây thôi. Nhưng mẹ thì không hiểu điều đó. Mẹ quay lại với điệp khúc “Mia, mẹ đánh giá cao cách con quan tâm đến bạn, nhưng mẹ nghĩ là con còn nhiều nghĩa vụ quan trọng hơn ở nhà cần phải thực hiện”. “Nghĩa vụ gì ạ?” - mình ngơ ngác hỏi. Hay là mẹ đang nói về việc đổ rác nhỉ? Mình đã đổ cách đây 2 hôm rồi mà. “Nghĩa vụ đối với bố và mẹ”. Đến đó thì mình hoàn toàn không hiểu gì nữa. Nghĩa vụ gì chứ? Mẹ nói về đề tài nghĩa vụ cơ đấy? Lần cuối cùng mẹ giặt và phơi quần áo là bao giờ? Lần cuối cùng mẹ nhớ mua giẻ lau nhà, giấy vệ sinh và sữa là bao giờ? Và đã bao giờ trong suốt 14 năm qua, mẹ nghĩ đến việc một ngày nào đó sẽ nói cho mình biết mình có thể phải làm công chúa của Genovia chưa? Giờ mẹ lại thuyết giáo cho mình về nghĩa vụ và trách nhiệm cơ đấy. HA!!! Mình xém chút nữa là dập máy điện thoại, nhưng thấy Lilly với ánh mắt dò xét đang đứng lù lù gần đó nên lại thôi. Mình đã từng hứa sẽ không xử sự thiếu suy nghĩ nữa mà. Việc dập máy điện thoại khi đang nói với mẹ thể nào cũng bị liệt vào danh sách đó. Mình đã trả lời rất bình tĩnh “Mẹ đừng lo. Con sẽ không quên ghé qua Genovese trên đường về nhà ngày mai đâu, và con cũng sẽ mua một túi hút bụi mới luôn”. Rồi mình gác máy. Bài tập về nhà: Đại số: Bài 1 - 12 trang 119 Tiếng Anh: viết thư đề nghị Văn minh thế giới: câu hỏi cuối chương 4 Hình học và lượng giác: Không có bài tập Tiếng Pháp: dùng avoir trong câu phủ định, đọc bài một đến bài ba, pas de plus. Sinh học: Không có bài tập
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương