Nhật Ký Xuyên Thanh

Chương 46: Lý Văn Diệp Trúng Cử



Lý Vi thấy gần đây tâm trạng Tứ a ca hơi sa sút.

Ý đây không phải nói chàng lại nhốt mình trong thư phòng không gặp ai - dù sao cũng sinh cả con rồi, từ lâu nàng đã nhận ra Tứ a ca rất thích hờn thích dỗi. Mà là dạo này chàng thường xuyên chơi cùng Bách Phúc và Nhị cách cách hơn hẳn, nghe nói cũng thích Đại a ca của phúc tấn lắm cơ.

Hôm nay cũng vậy, sáng bảnh mắt, lúc Lý Vi còn nằm trên giường, chợt nghe thấy tiếng Nhị cách cách khóc bên phòng góc sát vách. Nhắc tiếng khóc thì phải nói rằng nàng uốn nắn dữ lắm mới luyện cho con gái khóc ra được thế này. Lúc trước mỗi khi khóc là Nhị cách cách lại gào giọng, gân cổ lên. Nhũ mẫu và nàng sợ con khóc vậy sẽ hại giọng, nhũ mẫu cứ lải nhà lải nhải "Cách cách khóc thế là không phải phép", "Phải gọi Liễu ma ma đến thôi".

Từ hồi tết được Liễu ma ma dạy vài phép tắc để vào cung, Nhị cách cách tới giờ vẫn hơi sợ Liễu ma ma.

Lý Vi thì lừa Nhị cách cách rằng khóc thế là khó nghe lắm, con gái cũng có kiểu khóc riêng của mình, con khóc vậy chẳng ra dáng con gái chút nào. Từ đó Nhị cách cách bèn học cách khóc khẽ tiếng. Có lần nọ con bé thử nghiệm kiểu khóc con gái này bị Tứ a ca gặp phải, cứ tưởng con chịu nỗi tủi thân gì, mặt sầm ngay lại làm mọi người trong phòng quỳ không dám ngóc đầu.

Lý Vi rất lấy làm hổ thẹn vì đã bịp bợm con gái, con nít đúng thực là một loài động vật nghiêm túc, người lớn không thể phát ngôn bừa bãi trước mặt con nít được.

Sáng ngày ra Nhị cách cách khóc dữ dội như này chính vì không thấy Bách Phúc đâu. Bây giờ Tứ a ca thường nghỉ tại thư phòng, vì chàng quen dậy lúc ba giờ sáng, ngủ chung với chàng chẳng khác nào cực hình. Trong đồng hồ sinh học của Lý Vi chưa bao giờ có khung giờ này, ngày xưa nàng còn được ngủ cho đẫy giấc cơ. Song Nhị cách cách vì bé nên sinh lực tràn trề, chàng bên đây vừa dậy, Nhị cách cách cũng thức giấc theo. Kỹ năng "mẫu tử liền tâm" của mẹ con Lý Vi nằm ở level max là khỏi bàn cãi, song Tứ a ca huấn luyện mấy năm mà nàng vẫn không tập thành thói quen ba giờ sáng dậy, vậy mà chỉ tốn nửa tháng đã rèn được cho Nhị cách cách rồi.

Cứ tình trạng ngày đêm đảo điên, làm Lý Vi ban ngày cứ vật và vật vờ, mà vừa tối một cái đã sáng bừng sức sống, khác xa giống loài ba giờ sáng dậy mà cả ngày vẫn bật tung năng lượng như Tứ a ca. Do vậy mới tạo nên sự chênh lệch múi giờ giữa hai người.

Bình thường chàng về hậu viện sẽ sang chỗ nàng là phần nhiều, thấy nàng như thế, cũng chỉ đành nghỉ ở thư phòng. Song vì thích Bách Phúc, nên sớm tinh mơ đã sai người ôm Bách Phúc lại thư phòng với chàng. Độ sáu, bảy giờ Nhị cách cách dậy, không thấy bóng dáng Bách Phúc đâu mới bắt đầu bù lu bù loa.

Nó khóc một hồi, Tứ a ca đã dẫn theo Bách Phúc sang dùng bữa sáng.

Lý Vi đương mặc quần áo cho Nhị cách cách, dỗ dành: "Bách Phúc kia rồi, không khóc nữa, không khóc nữa."

Đúng lúc Tứ a ca bước vào, Bách Phúc hân hoan chạy bên chân chàng, phóng ù vào Nhị cách cách như thể người thân quý xa cách nhau lâu lắm rồi mới được gặp lại. Nhị cách cách nay biết nói chuyện nghe vừa dễ thương vừa non nớt, phát âm cũng tròn vành rõ chữ hơn nhiều, nó dùng tiếng Hán nói một lần: "Bách Phúc, ta nhớ mày lắm, sáng nay dậy ta đã chẳng thấy tăm hơi mày đâu." Đoạn nói lại lần nữa bằng tiếng Mãn, "Bách Phúc, mày thật là oai phong, mày thật là xinh đẹp, mày thật là hùng tráng."

Nó mới chỉ học được đôi ba từ tiếng Mãn con con, ghép lại thành vẻn vẹn bấy nhiêu đấy.

Bên kia, mong mãi Tứ a ca mới sang, Lý Vi dắt Nhị cách cách ra chào a mã, rồi vào bàn. Chàng ngồi ở trên, Nhị cách cách cũng được nhũ mẫu dắt qua ngồi, vừa nhìn thấy Tứ a ca đã chạy ào lại hành lễ, làm nũng. Và cũng nói bằng tiếng Hán trước một lần: "A mã, con nhớ người lắm. Sáng dậy con đã muốn gặp a mã."

Rồi dùng tiếng Mãn nói lại lần nữa: "A mã, người thật là oai phong, người thật là hùng tráng, người thật là dũng cảm."

Tứ a ca cười tươi rói khen nó: "Nhị cách cách của a mã giỏi lắm, biết nhiều từ quá nhỉ."

Lý Vi hoàn toàn bị biến thành phông nền đằng sau hai cha con này. Hình như mấy bữa nay Tứ a ca toàn tảng lờ nàng, cứ cho là giận, nhưng ngày nào cũng sang kiểu này thì vô lý quá; dẫu ngủ chung với nhau, hai người cũng chỉ ngủ chay. Hay bảo chàng qua chỗ khác giải quyết rồi, thế cần gì một tháng có tới hai chục ngày là sang chỗ nàng?

Đến nỗi nàng phải thầm hoài nghi rằng chẳng có lẽ nào chàng... sụm nụ rồi?

Nghĩ tới đây, thoạt tiên Lý Vi thở phào. Họa mi ngừng hót thật thì hậu viện khỏi phải tranh sủng gì hết nữa, và phúc tấn cũng đã có con trai! Viễn cảnh về một thế giới hòa bình rốt cuộc có đến khum đây? Cả nhà ơi, hãy vui lên nào!

Mơ mộng rồi cũng phải tỉnh liền thôi. Sau đó nàng nghĩ nếu là vậy thực, Tứ a ca sẽ không yên nổi đâu.

Thế trăm phần trăm là bị ai đả kích nên tạm thời buồn rầu chán nản. Thấy lần này chàng không nhốt mình lầm lũi gặm nhấm cơn giận, chẳng biết cú đả kích này vốn không hề hấn chi (không hề hấn mà hết cả hứng lâm hạnh hậu cung!), hay tại quá là hề hấn nên đã khiến cơ chế phản ứng gặp trục trặc (không dỗi nữa lại chuyển sang vô tình với hậu cung à?).

Trường hợp trước thì khỏi lo, trường hợp sau nàng lại không lo nổi.

Vậy nên Lý Vi chỉ đấu tranh một nhoáng rồi gạt phắt ra khỏi đầu.

Thời gian biểu của Tứ a ca hiện giờ rất rõ ràng: bữa sáng ăn ở chỗ nàng; bữa trưa sang bên phúc tấn; buổi chiều thăm tiểu a ca xong sẽ về thư phòng; buổi tối sang chỗ nàng dùng cơm, rồi tùy theo tâm trạng mà chọn ở lại hoặc về thư phòng.

Ăn sáng xong, Lý Vi dắt Nhị cách cách ra đứng ở cửa viện dõi mắt nhìn Tứ a ca đi. Đoạn quay lại bảo với Nhị cách cách: "Sáng nay phải viết chữ, ngủ trưa dậy mới được chơi với Bách Phúc nghe chưa."

Bảng giờ giấc Liễu ma ma đặt ra cho Nhị cách cách quy định mỗi chiều phải học phép tắc, nhưng đã bị nàng lược bỏ. Một con bé tính cả tuổi mụ mới được ba tuổi thì học phép tắc quái gì. Bất kể là gì, khi bạn thực sự cần đến nó thì tiếp thu mới nhanh được. Hồi học tiểu học ở hiện đại, có lớp nào mà Lý Vi chưa kinh qua, song chưa một lớp nào học ra hồn. Lúc trưởng thành ra đời bươn chải, tự dưng nổi máu lên đi học vẽ vời, chỉ trong vòng một tháng trình đã ngon nghẻ. Thế mới thấy tầm quan trọng của sự hứng thú.

Nói chung, nhiệm vụ của con nít là chơi. Nhị cách cách kiếp này được làm cháu con giai cấp thống trị phong kiến là một việc chẳng dễ dàng gì, không lo hưởng thụ cuộc đời mới gọi là phí phạm suất đầu thai đấy.

Lý Vi quyết ý sẽ thực hiện mô hình giáo dục tiên tiến của phương Tây với Nhị cách cách, phải dạy con cách tận hưởng những điều đẹp đẽ tuổi thơ. Muốn lớn nhanh nhanh à? Nếu nhân sinh có một trăm năm, thì quãng đời thơ ấu chỉ chiếm mười năm, chín chục năm còn lại phải làm người lớn, cứ xoắn quẩy lên làm gì.

Nhưng lúc ngồi ở chái Tây nhìn Nhị cách cách đứng trước bàn học nâng tay viết chữ, nàng lại không kìm được nghĩ về a mã của con gái mình. Chắc hoàn cảnh của chàng mới gọi là không có tuổi thơ thực thụ? Nghe nói quy tắc ba giờ sáng phải dậy có từ năm chàng sáu tuổi, mà thực tế thì để chàng tập được thói quen này, ngay từ khi chàng lên năm, cứ hễ đến ba giờ là ma ma chăm sóc chàng sẽ gọi chàng dậy.

Năm tuổi đấy.

Nghĩ thôi Lý Vi cũng thấy lạnh người. Có điều nghĩ lại, hồi tiểu học nàng cũng sáu giờ hai mươi tới trường, ở nhà luôn dậy lúc sáu giờ, sau đấy cầm bánh mì sữa bò lao ra khỏi nhà để bố đưa đi học bằng tốc độ của gió.

Ai cũng có nỗi khổ của riêng mình. Nhưng ba giờ sáng dậy thì cũng bi thảm quá.

Nghĩ vậy, nay chàng phải chịu sự bức xúc to lớn quá (?), mình lại nhắm mắt làm ngơ liệu có hơi bị vô cảm chăng?

Vừa khéo Ngọc Bình đi tới hỏi bữa tối nàng muốn ăn gì. Nàng nghĩ hồi ở hiện đại, cứ thấy bức bối trong người là nàng sẽ được ăn đồ ngọt thoải mái, như bánh kem, kem và sô-cô-la các kiểu, những món bình thường nàng chẳng dám ăn nhiều, hễ tức bụng là ăn hết mình. Và cả, nàng còn mua những thứ đồ bình thường không nỡ mua, lên Taobao sung sướng càn quét một đống rồi chuyển khoản, và thường thì đồ chưa kịp ship về nhà mà nàng đã hối xanh ruột vì tiêu tiền quá trớn.

Hai kiểu giải tỏa này đều không phù hợp với Tứ a ca.

Lý Vi hỏi Ngọc Bình: "Có... hoa hồng không?" Ngọc Bình nghĩ ngợi, quyết định đoán theo thói quen nhất quán của cách cách, đáp: "Ý cách cách là hoa hồng ướp ạ?" Ở đây tức là cánh hoa hồng ướp, vị chua ngọt, pha nước uống rất ngon. Năm xưa Lý Vi từng thấy ở siêu thị, bèn mua một lọ về ăn với cháo.

Nàng nhớ hồi ấy mê món trà hoa, hình như có tác dụng thải độc gan, giảm căng thẳng, chưa rõ thực hư. Nhưng vì hoa hồng được mệnh danh là loài hoa của phái nữ, hiệu quả làm đẹp cao, nên nàng đã uống đều đặn suốt một học kỳ, tự thấy da dẻ đẹp lên rõ rệt. Và cũng vì thấy mình xinh xắn ra, nên cả học kỳ ấy tâm hồn cứ như thể nở hoa. Về sau nàng lại cuồng nước chanh ấm, thế là hoa hồng thất sủng.

Đây là thứ khả dĩ làm mát gan, xả stress duy nhất mà nàng biết, à ngoài ra còn kiểu gọi là ăn đâu bổ đấy, hay xào một đĩa gan lợn cho Tứ a ca? Nhưng chàng đâu ăn nội tạng...

Ngọc Bình tìm ra một lọ hoa hồng ướp và một lọ nước hoa hồng, trong hoa hồng ướp có cánh hoa, nước hoa hồng thì không, mùi vị tương đối khác nhau, đều dùng pha nước uống. Theo ý Ngọc Bình, hai lọ này đều là chế phẩm hoa hồng nguyên chất.

Lý Vi thử cả hai loại, và thấy có khả năng cả hai đều không quá hợp với khẩu vị Tứ a ca. Nghĩ rồi đành bảo người tìm một bầu rượu thủy tinh cổ dài thuần trắng, có chỗ là hơi nhỏ, trông cùng lắm rót được hai chén. Nhưng uống thứ này, không dùng cái chén cái bình trong suốt thì không tạo được cảm giác, thiếu mất cái thú về mặt thị giác.

Hôm sau, buổi sáng Tứ a ca lại sang dùng bữa, Lý Vi sai người pha sẵn nước hoa hồng đổ vào bầu rượu, đặt trên bàn nơi có ánh nắng chiếu vào. Bầu rượu trong suốt lung linh, nước hoa hồng bên trong ánh lên thứ ánh sáng nhạt màu như viên bảo thạch dưới nắng mặt trời.

Nàng muốn trông sao cho đẹp mắt một chút, thu hút được ánh nhìn của Tứ a ca thì chàng sẽ uống một chén.

Thực ra liếc cái là Tứ a ca đã thấy, chỉ không đoán ra đây là thứ gì. Rượu à? Giờ là giờ ăn sáng nên chắc không phải đâu? Chẳng đợi chàng lên tiếng, Nhị cách cách đã nói trước, trỏ ngón tay bé: "Con muốn cái đó, rót cho con một chén."

Cách cách khí phách ra phết nhỉ.

Lý Vi cầm lấy chén rượu thủy tinh chứa được nhiều nhất một ngụm rượu, rót cho mình và Tứ a ca mỗi người một chén. Đoạn cầm bảo với Nhị cách cách: "Đây là nước hoa hồng, không ngọt quá đâu."

Tứ a ca thoáng nhìn qua nàng, lòng biết rõ nàng đang nói với mình. Vậy là chàng gác đũa, nghe lời nàng bưng lên uống cạn. Từ đầu chí cuối nét mặt không một chút biến đổi. Nhị cách cách vẫn giàu tinh thần cổ vũ hơn, uống một chén bé xíu thì không nhấm ra được vị gì cả, bèn bảo: "Ngạch nương, con muốn nữa."

Khi Tứ a ca dùng bữa xong rời đi, Lý Vi bọc lọ nước hoa hồng lại đưa Tô Bồi Thịnh, dặn hắn pha cho Tứ a ca uống. Tô Bồi Thịnh nhận mà phát sầu, Tứ a ca có đời nào uống mấy thứ đàn bà con gái ưa chuộng thế này, Lý cách cách hầu hạ bao lâu hẳn phải biết chứ.

Quay về thư phòng, hắn tuy lăn tăn nhưng rồi vẫn pha một ấm, bưng vào phòng cùng trà. Ở thư phòng không có sẵn kiểu ấm thủy tinh như bên tiểu viện, cả hai ấm đều là ấm sứ bụng to. Tứ a ca thường quen tự châm trà uống, trừ phi là sữa nóng và trà nóng mùa đông, không thì chàng không thích cạnh mình lúc nào cũng có thái giám đứng chực hầu, làm như thể đến cái tay mà chàng chẳng nhấc nổi.

Thò tay xách ấm thì lại xách nhầm, lúc rót ra mới thấy sai sai. Song xuất phát từ việc không muốn lãng phí đồ ăn thức uống (và cũng không muốn người khác phát hiện chàng rót nhầm), nên chàng vẫn uống, chỉ là trông vẻ mặt không được tươi vui cho lắm.

Tô Bồi Thịnh định xách ấm này xuống, nhưng bị cái liếc mắt của chàng ngăn lại.

Tóm lại là thích hay không thích đây? Tô Bồi Thịnh khó xử.

Tứ a ca chậm rãi uống cạn ấm nước hoa hồng ấy thật, cảm tưởng toàn thân mình sực nức mùi hoa hồng. Chàng nghĩ: nếu chỉ một ấm nước hoa hồng thôi chàng cũng không nhịn được, thì còn làm gì nên hồn nữa đây?

Vả chăng, nước này Tố Tố cố ý đưa cho chàng, dẫu có ra sao thì đó cũng là tấm lòng của nàng, sao phụ lòng nàng đặng. Một người có thể nghĩ cho chàng, có thể nhận ra chàng đang không vui, chàng phải biết trân trọng.

Khi đã làm xong hết mọi công chuyện, trong sự tò mò, Tứ a ca bảo Tô Bồi Thịnh đi hỏi Lưu Bảo Tuyền xem Tố Tố tặng nước hoa hồng cho chàng nghĩa là sao?

Tô Bồi Thịnh đành ôm chai nước tìm tới Lưu thái giám, không tiện hỏi thẳng, chỉ nói: "Lý chủ tử thích uống nước này, có phải nước này có công dụng gì không?"

Lưu thái giám lập tức khen nước hoa hồng nức nở, nào là tốt cho việc làm đẹp, tốt cho phụ nữ, thường dùng hoa hồng thì cơ thể sẽ tự toát ra mùi hương, vân vân. Tô Bồi Thịnh kiên nhẫn lắng nghe, chỉ mong ông ta nói ra được vài công năng ổn áp đặng về báo cáo với Tứ a ca.

"Nước này còn có một cái hay nữa." Lưu thái giám thở dài, lão sống trong cung lâu năm, gặp nhiều biết nhiều, "Các nữ chủ tử trong cung thường bảo tức ngực, mời thái y về lại cứ kê thuốc hoài, có biết uống thuốc đắng khổ cỡ nào không? Những lúc thế sẽ được dùng ít nước hoa hồng, bánh ngọt hoa hồng các loại thay thế. Kiểu gì cũng dễ nuốt hơn thuốc."

Tô Bồi Thịnh cũng là hạng tài ba. Các nữ chủ tử ở hậu cung nói tức ngực, thường ý là đang bực tức đấy. Hắn nhìn chằm chằm nước hoa hồng, bụng nghĩ thảo nào Lý chủ tử tặng món này, người ấy là phụ nữ, mới biết được lợi ích của nước ấy.

Lưu thái giám tiễn Tô Bồi Thịnh đi, về làm bảy, tám loại bánh ngọt hoa hồng. Nếu Lý cách cách đương tụt hứng, thì lão cũng được dịp nịnh nọt chút đỉnh. Nếu có điều ẩn ý, thế thì lão phát tài rồi.

Buổi tối, Tứ a ca lại sang tiểu viện, thấy ngay bánh ngọt bữa nay là bánh hoa hồng, trên bàn ăn có một món tôm nõn hoa hồng, một món đậu hũ hoa hồng. Ăn bữa tối xong lại ăn thêm một bát sữa chua, bên trên rưới nước hoa hồng. Viết xong chữ thì uống trà, trên cái bàn thấp là nước hoa hồng.

Lý Vi cứ nói mãi, chủ đề của thực đơn thiện phòng làm hôm nay chắc chắn là hoa hồng rồi.

Đêm xuống, hai người nằm trong màn. Lý Vi tưởng đêm nay vẫn mạnh ai người nấy ngủ, vừa đắp chăn đã nhắm mắt, ngờ đâu Tứ a ca lại chồm sang.

Hử? Hôm nay có hứng rồi à?

Ánh mắt sửng sốt của nàng làm Tứ a ca buồn cười, hơi giận nhéo mông nàng một cái.

Thật là... mắt tinh cỡ ấy, lại còn to gan. Biết chàng đang bực mà vẫn dám sáp lại. Phúc tấn biết vậy, song cũng biết khi chàng không nhắc, thì nàng sẽ coi như không thấy.

Thật là...

Lý Vi tưởng như mình bị chàng thanh niên thoạt trông sầu muộn là Tứ a ca kích cho một cú. Đùa nhau à? Trưng bộ mặt dài thượt ấy đi làm chuyện thất đức kiểu này nghe có vừa bụng không?

Sau gần hai tháng trời dành dụm, đêm ấy Tứ a ca mạnh bạo lạ thường, đến cuối nàng đã chẳng còn hơi đâu màng tới sĩ diện nữa, níu tấm chăn mỏng quấn chặt vào người, chàng thở hổn hển giành chăn với nàng. Nàng đẩy chàng luôn miệng khuyên lơn: "Tứ gia... Tứ gia... giữ gìn sức khỏe... Giữ..."

Giữ hết nổi rồi.

Sáng ra, Ngọc Bình vừa vào đã thấy chăn gối nằm la liệt dưới đất, thứ bọc trên người Lý Vi lại là ga giường và nửa tấm màn.

Công lý ở đâu! Người hành sự là chàng, cuối cùng quẳng nàng một chỗ để một mình nàng bị bẽ mặt. Nàng cũng đến ngại phải giải thích với Ngọc Bình, thật tình không phải họ điên cuồng quá đâu.

U buồn suy sút hai tháng, Tứ a ca nay tươi tỉnh sáng láng hẳn. Dưới sự cảm động trước tấm "chân tình" Lý Vi dành cho chàng, chàng chợt sinh ra một niềm cảm khái "chẳng nhẽ mình còn không bằng một nữ tử?". Để một người con gái lo nghĩ cho chàng, phải đi đường vòng quan tâm chàng, vậy thì chàng có còn đáng mặt làm đàn ông đầu đội trời chân đạp đất nữa không đây.

Nhìn rõ con đường phía trước còn hơn ngập tràn trong mắt chỉ có lộng lẫy phù hoa. Dẫu chàng chẳng đi đầu, thì cũng không tụt lại nửa bước.

Thái tử của ngày hôm nay sẽ là tấm gương tày liếp cho chàng. Phải nhớ rằng muốn hầu hạ hoàng thượng, có cung kính bao nhiêu cũng chưa đủ.

Tứ a ca được phen mãn nguyện. Đương lúc thấy cả con người hừng hực máu lửa, Tô Bồi Thịnh lại đến báo ngoài cổng có một người tên Đới Đạc cầm thiếp tới xin gặp.

Nhận thiếp xong, Tứ a ca mới nhớ ra đây là liêu thuộc do một viên quan đi cùng giới thiệu cho chàng lúc chàng đến Hà Nam, Sơn Đông. Nhưng chàng năm đó trẻ tuổi nông cạn, chỉ một lòng dốc sức cho hoàng thượng và thái tử, nên mới chỉ muốn tập trung vào công cuộc của mình. Người xin nhờ giới thiệu là một liêu thuộc chuyên về luật pháp và thuế má. Thành thật mà nói thì mục tiêu hiện tại của người này và chàng có chênh lệch rất lớn.

Người ta đã lặn lội ngàn dặm xa đến đây, tuy chàng không cần, song cũng đâu thể đuổi người ta đi ngay. Tứ a ca đặt tấm thiếp sang bên, nói: "Sắp một tiểu viện cho Đới tiên sinh, cắt hai đầy tớ và một đứa sai vặt đi hầu cho những việc sinh hoạt thường ngày của Đới tiên sinh. Một tháng... phát hai mươi lượng bạc."

Sau đó chuyển hết sang chỗ Đới Đạc số công báo được sao trích mà hai năm trước chàng tốn bao công sức đem từ vùng Hoàng Hà về, để y đọc dần, khi nào sẽ viết tấu sớ các thứ dâng lên.

Đuổi Đới Đạc đi bằng một chồng giấy chất cao như núi, Tứ a ca gạt luôn y ra khỏi đầu.

Cuối tháng mười, hoàng thượng tuyên bố người Mãn phải tham gia khoa cử thì mới được bổ nhiệm làm quan. Nhân cơ hội này, Tứ a ca muốn tìm cách giành một suất cho a mã của Lý Vi. Có xuất thân mới dễ đề bạt ông, nếu chẳng phải tại các anh em của Lý Vi đều còn quá nhỏ dẫn đến việc dù thi xong cũng không lên làm quan ngay được, thì Tứ a ca cũng sẽ không đẩy Lý Văn Diệp ra làm gì.

Nhìn ông dùi mài kinh sử mấy chục năm mà vẫn chưa có bước tiến chi, làm Tứ a ca cảm thấy người này thực là không được sáng dạ cho lắm. Nhưng nếu muốn cất nhắc Tố Tố, chỉ có mỗi cách dựa vào ông. Chàng không còn biện pháp nào ngoài quan sát từ chỗ Tố Tố, tuy có lẽ Lý Văn Diệp không có bản lĩnh gì, song hẳn một điều rằng ông không phải hạng người hay sinh sự.

Phải tới năm sau khi cáo thị được công bố và hay tin a mã mình đã thành tiến sĩ, cằm Lý Vi thiếu điều rớt luôn xuống đất. Từ ngày biết nói chuyện là Lý Vi luôn đinh ninh rằng đường học hành của cha mình kiếp này sẽ không đi đến đâu. Nghe bà nội kể hồi ông nội còn tại thế, có đốc thúc cha học, mà học mãi tới lúc ông nội qua đời cũng chẳng thi nổi lên tú tài. Không nhờ gia đình thuộc Bát kỳ, có bổng lộc, có gạo, có bạc, có đất cho tá điền thuê, thì nhà họ đã rớt mồng tơi từ đời nào rồi.

Cả nhà chọn cách từ bỏ (không thì cần gì dồn sức bồi dưỡng nàng chứ), nhưng sao tự dưng lại tòi ra một bất ngờ thế này?

Mấy ngày sau hôm yết bảng, người Lý gia tới báo tin vui. Đây cũng coi như là lần đầu tiên Lý Vi gặp người nhà mình sau khi tuyển tú, và còn vì được nhờ phúc Lý Văn Diệp thành tiến sĩ. Ngạch nương Lý Vi là người Mãn chính cống, họ Giác Nhĩ Sát, thuộc dòng Chính Lam kỳ trong hạ ngũ kỳ. Hồi ấy Lý gia có đất, Lý Văn Diệp được trời ban khuôn mặt thanh nhã tuấn tú, ngạch nương vừa nhìn đã ưng, mới gật đầu cho cưới. Nhà ngạch nương tuy là người Mãn, song lại nghèo hơn Lý gia nhiều. Nghe nói áo cưới cũng do Lý gia chuẩn bị. Cơ mà người ta mang họ của tộc Mãn kia, cái ấy quý khỏi phải nói.

Trong số những người con ở Lý gia, tướng mạo Lý Vi giống a mã Lý Văn Diệp, đám đệ đệ lại giống ngạch nương, người lùn tịt, da ngăm đen. Vậy nên từ bé Lý Vi đã là đứa được cưng nhất nhà, a mã hễ nhìn dáng dấp lũ em nàng lại thấy đau đầu, sợ bọn nó không cưới được vợ.

Về làm dâu rồi, ngạch nương chẳng hề ra vẻ ta đây là người Mãn, bà khéo đẻ khéo nuôi, ngoài Lý Vi thì còn có bốn đứa con trai nữa. Nhưng bà cũng không phải kiểu người không mưu tính gì, tuy mới lần đầu vào phủ Tứ a ca, song hành xử rất mực thỏa đáng. Bà đi gặp phúc tấn trước, uống một chén trà với phúc tấn xong mới được dẫn sang tiểu viện của Lý Vi.

Bà khá lo cho đứa con gái này, trông thì thông minh chứ thực chất ngố lắm, giống ông a mã được mỗi cái mặt sáng láng của nó y như đúc. Con gái vào cung tuyển tú, cứ tưởng người như nó sẽ bị gạt thẻ bài nhanh thôi, đến nhà chồng tương lai cho nó bà cũng nhắm sẵn rồi, nào ngờ đâu nó lại tiến một mạch đến cuối, còn được chỉ cho một a ca!

Lý gia mừng phát điên, mẹ Lý Văn Diệp sắp bước qua tuổi tám mươi, vẫn uống say bí tỉ, vui không biết đường nào mà lần. Lý Văn Diệp ngoài mặt thì vui, tối về phòng lại lén trốn trong chăn khóc. Bà vốn cũng lo, mà còn phải dỗ ông trước, tức đau hết cả bụng.

Nếu Lý Văn Diệp không cưới bà, đến khi mẹ ông không còn nữa, khéo là bị người ra gặm chẳng chừa mẩu xương nào luôn rồi.

Ai ngờ Lý Vi chỗ nào cũng giống hệt a mã nó, không riêng gì mặt mũi mà còn cả vận số. Vào phủ Tứ a ca thì được sủng, lúc có phúc tấn cũng không thấy Tứ a ca quên lãng nó đi. Người ngoài ai cũng bảo Lý gia nuôi được một con hồ ly tinh, chỉ mình bà cười khẩy, nếu Lý Vi ghê gớm như hồ ly tinh thật, bà có nằm mơ cũng cười tỉnh ok?

Nhưng tới tận lúc Tứ a ca cử người về dạy Lý Văn Diệp học, đến bữa thi còn đưa ông đi thi, làm Lý Văn Diệp - một người thi trượt liên tục như bị ai cầm tay điều khiển - suôn sẻ vượt qua kỳ thi, bà mới phát hiện chắc mẩm Tứ a ca sủng con gái bà thật rồi.

Bên dưới sủng ái là đầy rẫy bụi gai, bà càng thêm lo cho con gái nhà mình. Nay hiếm lắm mới có dịp vào, phải dặn dò nó kỹ càng mới được.

(còn tiếp)
Chương trước Chương tiếp
Loading...