Nỗi Bất Hạnh Tình Yêu

Chương 40 - End



-Vâng. Tôi cũng tin như thế… Bà đã gặp cô Nứa chưa ạ?

-Hai vợ chồng cô ấy có đến đây tìm tôi. Cô ấy cho tôi địa chỉ của chị Loan, vợ bác sĩ Tâm. Đấy là một người chị nó rất kính trọng.

-Chị ấy cũng đang gặp hạn. Tôi nói. Chị Loan cho biết Linh có ra tìm chị. Anh đã chống nạng đi gõ khắp các cửa kêu oan cho bác sĩ Tâm. Nhưng cuối cùng người ta vẫn làm theo ý người ta… Anh ấy buồn quá và đã ra đi…

-Người cuối cùng mới đến nhà tôi hôm qua đây là bác Phương. Bà tiếp lời tôi. Bác Phương cho biết anh con trai của bác đã về nhận công tác ở tỉnh quê chồng tôi – anh Châm ấy. Bác có hai người con trai. Châm học ở Nga. Cậu em đi vào chiến trường và hy sinh ở Lò Gò năm 1972. Bác ấy an ủi tôi: “Thằng Châm nó đã vào cấp Ủy ở đấy rồi, chị ạ. Tôi tin, nó không phải chỉ là nhân chứng như thế hệ tôi và chị. Nó đủ bản lĩnh và năng lực làm sáng tỏ mọi điều mờ ám mà những người thuộc thế hệ chúng ta đã làm. Chính nó sẽ đưa ra ánh sáng mọi cái mà tôi và chị chịu bó tay”.

“Chị có tin những điều tôi nói không?”

Tôi im lặng. Tôi nghĩ rằng mỗi thế hệ đều có những trách nhiệm trước lịch sử.

Có tiếng chuông đồng hồ gõ 11 tiếng. Bà Trang cố giữ tôi ở lại ăn một “bữa rau” với gia đình. Thái độ lịch sự và nhã nhặn rất Hà Nội của bà làm tôi cảm động. Nhưng vì đã lỡ hẹn với một người bạn, tôi thành thật cảm ơn và xin bà một dịp khác.

-Tôi còn đến nữa bà ạ… Cũng như gia đình, tôi muốn biết số phận anh Linh, con trai của bà. Sau khi khắc bia chịu tội với bố, anh sẽ tổ chức cuộc đời mình như thế nào.

Lặng lẽ chia tay với bà Trang, lòng tôi tự nhiên nhức nhối. Tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ Ba Tư của Oma Khayam:

Ở đời này không dễ tìm sự thật

Ở đời này không dễ tìm sự thật

Không dễ thấy công bằng trên trái đất

Đừng tưởng anh thay đổi được đời này

Đừng ngồi trên cành cây anh định chặt.

Gần nghìn năm đã trôi qua, câu thơ vẫn còn như mới… với chủ nghĩa duy ý chí vẫn đang tàn phá đất nước… đang tàn phá thế giới… ai cũng nghĩ mình có quyền lực mình mong muốn: ấm no, hạnh phúc, công bằng, bác ái… mà quên đi cái quy luật khắt khe của cuộc sống, của xã hội…

Rời khỏi căn nhà bà Trang ở đường Phan Thanh Giản, tôi đi bộ ngược lại phía đường Công Lý(6) qua đường Tự Do(7)… Tôi đi, im lặng, cúi đầu xuống… Trước mắt tôi bao nhiêu cuộc đời đang dở dang ở phía trước, bao nhiêu số phận chưa thể nào kết thúc ngày hôm nay. Dù có phải theo dõi thêm năm năm, hay mười năm, tôi vẫn không nề hà. Tôi coi đây là món nợ mà thế nào tôi cũng phải trả trước độc giả quý mến của tôi.

Hà Nội mùa hoa sữa 1972

Thành phố Hồ Chí Minh hè 1989

Chú thích:

(1) Nhân vật trong “Những người khốn khổ” của Victo.Hugo, một con người nhân đạo, luôn giúp kẻ khó.

(2) Nhân vật trong tiểu thuyết Ruồi trâu của nhà văn nữ Ê.L. Vôinits.

(2) Nhân vật trong tiểu thuyết Ruồi trâu của nhà văn nữ Ê.L. Vôinits.

(3) Truyền thuyết về hòn Vọng Phu ở Bình Định.

(4) Bây giờ là đường Điện Biên Phủ (xin độc giả thông cảm, tôi muốn giữ không khí và cả tên đường lúc tôi đi tìm người đàn bà bất hạnh.

(5) Bây giờ là QL 22.

(6) Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa

(7) Đường Đồng Khởi

HẾT
Chương trước
Loading...