Nụ Hôn Bánh Mì

Chương 3: Cuộc Chiến Baguette



Điện thoại réo vang. Tôi mắt nhắm mắt mở quờ quạng tìm cái di động.

- A lô?

- Ôi cha, sao giọng ngái ngủ thế? Ba giờ rồi mà còn ngủ trưa? Ê, ra ngoài đi dạo một vòng đi. Đi ăn kem. – Giọng cô bạn Hoa – lắm lời – í éo đầu bên kia.

- Không! Hôm nay tớ quyết không ra ngoài nữa đâu.

- Sao vậy?

- Hôm nay bị ám rồi. Ra ngoài có khi lại bị xe tông ngã chỏng ra đó.

- Ha ha! Vi An lạc quan của tớ trở nên mê tín từ khi nào vậy?

- Từ khi gặp cái gã tóc xoăn hàng xóm.

- Thế à? Hàng xóm của cậu? Đẹp trai không? Có gia đình chưa?

Thôi rồi, tôi đã vớ phải bà tám hạng nặng.

- Này! – Hoa cảnh cáo. – Khoan cúp máy. Dậy ngay nhé! Khi tớ đến là phải sửa soạn xong xuôi rồi đấy! Dậy đi!

Con bạn quý hóa cứ eo éo lên như thế thì tôi còn ngủ làm sao được nữa.

- Điếc tai quá, được rồi!

Chết tiệt, tôi đã ngủ thiếp đi khá lâu trong khi đang đọc một cuốn sách. Tôi chui vào nhà tắm vã nước lên mặt cho tỉnh táo.

Hoa nhấn chuông gọi tôi vào lúc ba giờ hai mươi lăm phút. Như vậy là cô nhỏ đã phi thân tới đây trong một thời gian nhanh kỷ lục, so với tính lề mề cố hữu. Đúng là ở đâu có chuyện cần tám, ở đó có Lại Thị Thu Hoa.

- Tới nhanh gớm nhỉ! – Tôi đứng đón ở cửa, nhìn con bạn cười tít mắt.

- Tớ quen đường mà. Tới chỗ này mấy lần rồi!

- Tới làm gì?

- À, tớ có người quen ở khu này. Tất nhiên là trừ cậu ra.

Hai đứa chúng tôi lạch cạch khóa cửa. Đi ngang qua căn hộ bên cạnh, tôi chỉ cho Hoa thấy nhà của gã tóc xoăn. Cánh cửa nặng nề đóng im ỉm, kiểu cửa cuốn phẳng lì như của mấy ga ra ô tô. Một cái khóa to tổ chảng nằm ở phía dưới.

- Con trai để tóc xoăn á? Đang “à-la-mốt” đấy!

- Hứ, cái tổ quạ đó kinh dị lắm. Loăn xoăn bù xù, giống như gã đội một bát mì vậy. Mặt thì đen sì.

- Ơ thế hàng xóm của cậu người châu Phi còn gì?

Hoa mỉm cười bí hiểm, ngoái lại đằng sau liếc nhìn cửa nhà gã hàng xóm.

- Thôi bỏ qua tên dở ấy đi.

- Thế còn buổi phỏng vấn?

- Ăn kem sẽ kể sau. – Tôi giục Hoa. Chúng tôi nhanh chóng đi xuống dưới. Tôi ngồi sau chiếc Vespa màu đỏ dán chi chít thứ hoa văn vuông tròn một cách đồng bóng của Hoa, vừa ôm eo cô nàng chặt cứng, vừa la oai oái trong khi nhỏ tài xế rú ga hết tốc lực.

- Chậm thôi! Khiếp quá! Á á á… Có người sắp lao vào mình kìa.

- Ngồi cho yên! – Hoa quát to. – Đồ nhát gan!

Cuối cùng khi được thả xuống trước cửa siêu thị, mặt tôi tái mét, còn chân thì ríu hết cả lại. Tôi tựa tay vào một cái cột thở dốc. Trên cột dán chi chít các loại quảng cáo giấy, từ cho thuê phòng, cần người ở ghép đến cắt bê tông, hút hầm cầu… Tờ mới chồng lên tờ cũ. Ở trên cùng cái đám hỗn loạn ấy là một tấm poster quảng cáo in màu. Khuôn mặt của nam diễn viên choán gần hết diện tích tấm poster khổ A3. Anh ta đang cười rạng rỡ với người qua đường. Nhưng lúc này, nụ cười ấy giống như là dành để nhạo báng chứng “sợ giao thông” của tôi thì phải.

- Dám cười ta này! – Tôi độc ác lấy tay gỡ một góc tấm poster rồi không tiếc thương xé roạt một cái, lòng nhủ thầm rằng tôi đã làm một việc tốt là trả lại vẻ thẩm mỹ cho phố xá.

Cùng lúc, đâu đó tại một phim trường, có một người tự nhiên mắt trái bị nháy liên tục.

* * *

Hoa nhìn tôi đang bặm môi xé tờ poster, lắc đầu ra chiều thương cảm.

- Cậu đang có một triệu chứng của “sốc văn hóa ngược”.

- Hử? – Mắt tôi âm u nhìn lên. – Có ”sốc văn hóa ngược” nữa hử?

- Sao không? Khi cậu ra nước ngoài, tiếp xúc với nền văn hóa bản địa hoàn toàn xa lạ, với một ngôn ngữ hoàn toàn khác ngôn ngữ mẹ đẻ và nhiều thứ lạ lẫm khác, cậu sẽ phải đối mặt với các cú sốc văn hóa. Này, nhiều người sốc đến nỗi ốm không gượng dậy được ấy chứ. Nhưng khi sống lâu ở nước ngoài, như cậu là hai năm chẳng hạn, thích nghi với lối sinh hoạt ở “bển”, đến lúc về nước lại không quen. Tớ gọi đó là ”sốc văn hóa ngược”.

- Chà, lý luận của cậu hay nhỉ.

- Có bằng chứng hẳn hoi chứ đùa à. Chả phải ngày trước cậu ngồi xe bình thường, giờ về lại cứ nhìn thấy xe máy là sợ? Còn ông bạn trai của chị tớ, du học năm năm về, quen thói ngủ là không mặc đồ. Tới nhà tớ chơi, ngủ chung giường với bố tớ, sáng dậy, bố tớ phát hiện ra tình trạng khỏa thân của chàng rể tương lai. Chà, lần đấy phải giải thích mãi ông mới nguôi.

- Đâu có! – Tôi cãi lại. – Tớ đâu có sợ xe máy. Chỉ sợ bị xe tông thôi. Mà này, chuyện khỏa thân là có thật à?

- Thật!

Vào bên trong siêu thị, chúng tôi đi window-shopping (chỉ ngắm hàng chứ không mua) hết quầy này đến quầy khác. Đến khi mỏi chân thì ra khu ẩm thực, mua hai cây kem tươi ốc quế vị sầu riêng. Tôi nhanh chân chiếm được hai chiếc ghế, ngồi phịch xuống, cầm cây kem mút lấy mút để.

- Cuộc phỏng vấn của cậu thế nào? Tốt chứ?

Tôi nhún vai, vừa mút kem vừa thuật lại cho Hoa nghe. Cô bạn chần chừ nhìn cây kem mịn màu vàng nhạt trên tay. Săm soi cây kem một hồi, chợt cô ngước lên nhìn tôi:

- Không ổn, Vi An. Điềm xấu rồi!

- Cái gì xấu? – Tôi vẫn hồn nhiên mút cây kem của mình.

- Buổi phỏng vấn của cậu! Bà giám đốc nhân sự đó toàn khen cậu, đúng không? Đấy, điềm xấu đấy!

- Ý cậu là vì không muốn nhận mình, nên người ta mới khen?

- Chính xác! Giống như đi mua đồ vậy. Người nào chê mới là người mua hàng. Chê càng nhiều, xác suất mua hàng của người đó càng cao. Còn người khen, thì thường là khen xong rồi cắp mông bỏ đi. Cái này nó thuộc về tâm lí giao tiếp, chỉ cần để ý một tí là thấy…

Khi Hoa đang huyên thuyên về mớ lý thuyết tâm lý học, mặc cho cây kem chảy nước nhỏ tong tong xuống nền gạch hoa, thì điện thoại của tôi réo vang.

- Số của khách sạn Green World! – Tôi kêu lên. Cái loa phát thanh bên cạnh lập tức nín re. Tôi mở máy ngay tắp lự:

- Vi An nghe!

- Chào Vi An. Tôi gọi từ bộ phận nhân sự của Green World. Chúng tôi vừa mới gửi cho bạn một email. Tôi gọi để chắc rằng bạn sẽ mở nó vào ngày hôm nay.

Giữa khu vực mua sắm ồn ào, tiếng nói bên tai tôi như vọng đến từ một thế giới khác.

- Chị có thể nói sơ qua cho em nội dung không ạ? Em đang ở bên ngoài. Email thông báo kết quả buổi phỏng vấn phải không?

Hoa nghe đến chữ “kết quả buổi phỏng vấn”, lập tức ghé cái đầu cô sát vào tôi, khiến tôi phải dùng cánh tay còn lại đẩy ra.

- Cũng có thể gọi nó là một dạng email thông báo. Tốt nhất là bạn nên tự đọc để nắm rõ thông tin hơn.

- Vậy đúng là tin xấu rồi! Nên họ mới không muốn báo trực tiếp với cậu. – Nhà “tâm lý học – giao tiếp học” ngồi bên cạnh tôi hớt leo. Tôi những muốn cầm cây kem nhét cả vào miệng cô bạn để nó không thể tiếp tục bình luận.

- Có một việc này tối quan trọng. Hãy xác nhận với tôi là bạn sẽ đọc nó trước mười hai giờ tối nay, bằng bất cứ giá nào. – Giọng đầu bên kia thúc giục. Tôi chẳng thể nói gì khác ngoài tiếng: “Vâng!”, mặc dù tôi không tin việc tôi đọc một cái email vào buổi tối hôm nay hay sẽ đọc nó vào buổi sáng ngày hôm sau sẽ có ý nghĩa với một ai đó.

- Chắc chắn chứ?

- Chắc chắn!

- Rồi, xin cảm ơn bạn. Chào!

Sau đó là tiếng ống nghe cúp trên giá. Tôi gập điện thoại, nhét vào lại trong ví.

* * *

Một mình tôi ngồi trong căn phòng khách hẹp, trước mặt là chiếc laptop và hộp mail mở sẵn. Hoa đã chở tôi về trên đường phố Sài Gòn với tốc độ của tên lửa lao lên dải ngân hà. Sau đó nằng nặc định kéo tôi chạy lên phòng, bằng vẻ sốt sắng tột độ, giống như cái email của Green World sẽ quyết định công việc của cô ấy, chứ không phải của chính tôi vậy. May cho tôi là cô có một cú điện thoại khẩn yêu cầu phải đi gấp. Vì thế tôi mới có thể ngồi trong phòng khách yên ổn một mình thế này. Tôi, dù hơi hồi hộp khi thấy email gửi từ phòng nhân sự của Green World đang nằm chễm chệ trong mailbox, nhưng vẫn không khỏi cười thầm khi nhớ lại khuôn mặt đang hồ hởi tự nhiên xìu xuống như bánh bao chiều nhúng nước của con bạn thân.

- Xem Green World gửi gì cho ta nào! – Tôi xoa xoa hai bàn tay vào nhau, rồi nhấp chuột vào tiêu đề: “Thông Báo Từ Phòng Nhân Sự Green World”. Những dòng chữ màu xanh lam xổ ra lấp lóa:

Gửi Vi An,

Cảm ơn bạn đã tới dự cuộc phỏng vấn sáng nay. Email này để thông báo bạn đã được chọn tham gia vòng thứ hai, là vòng chính thức của đợt tuyển dụng thợ bánh lần này. Có tất cả mười ứng viên cùng tham gia vòng thi quyết định và chỉ duy nhất một người được chọn. Vì vậy, hãy đọc kỹ những chỉ dẫn dưới đây để có sự chuẩn bị tốt nhất:

1. Thời gian tham gia dự thi: Đúng 08:00 sáng ngày mai, mùng 8 tháng 5. Không chấp nhận bất kỳ trường hợp chậm trễ nào.

2. Nội dung thi: Làm bánh mì Baguette. Các nguyên vật liệu và dụng cụ đã được chuẩn bị. Thí sinh không cần và không được mang theo bất cứ thứ gì. Mỗi thí sinh sẽ phải hoàn thành bài thi là làm hai ổ bánh mì Baguette, với yêu cầu là phải nhào bột bằng tay.

3. Hội đồng giám khảo sẽ định ra các tiêu chuẩn kỹ thuật làm tiêu chí chấm thi. Đồng thời kiểm tra và công bố kết quả ngay sau khi tất cả các thí sinh hoàn thành bài thi, nhằm đảm bảo tính khách quan của cuộc thi.

Chúc bạn may mắn.

Thân chào,

Phòng Nhân sự – Khách Sạn Green World

Tôi hài lòng ngả người trên ghế. Một cuộc đọ sức công khai! Kết quả sẽ thuộc về người nào giỏi nhất. Hóa ra cũng có rất nhiều thợ bánh nhòm ngó chiếc ghế Green World thơm tho đó, đâu chỉ có riêng mình tôi. Chà, mà tỉ lệ chọi là 1/10, cao hơn gấp đôi tỷ lệ chọi vào trường đại học cái hồi chúng tôi đi thi. Tôi giơ hai cánh tay lên, nắm chặt bàn tay lại, cúi xuống nhìn đôi tay mảnh khảnh. Cuộc thi yêu cầu phải nhào bánh bằng tay, mình cần tập chút thể lực mới được. Nghĩ là làm, tôi bật ngay dậy, chạy ra ban công, nắm lấy lan can, hì hục làm động tác chống đẩy. Được giải thoát khỏi những nghi vấn từ sau buổi phỏng vấn với Giám đốc Trang khiến cho tôi hứng chí, càng tập hăng hái. Nó lấn át cả sự hồi hộp – mà lẽ ra tôi nên có – trước khi bước vào “cuộc chiến Baguette” ngày mai.

* * *

Hôm nay là một buổi sáng bình thường như bao buổi sáng bình thường khác. Khách sạn Green World lộng lẫy án ngữ tại góc phố chính ngay giữa trung tâm quận Nhất, khoác lên mình nó một dáng vẻ kiêu hãnh, bình thản. Tuy nhiên, trong lòng khách sạn đang âm ỉ cháy một ngọn lửa. Các quản lý, nhân viên, phục vụ, lễ tân, tuy vẻ ngoài vẫn thanh lịch, tận tụy; nhưng thực tế tâm trí tất cả bọn họ lúc này đang hướng về một căn phòng rộng gần năm chục mét vuông ở kế nhà bếp khách sạn. Đúng tám giờ sáng, cánh cửa căn phòng ấy được mở ra trịnh trọng. Mười thợ làm bánh được hai nữ nhân viên mặc đồng phục vest màu đen đứng trước cửa phòng tươi cười chào đón. Trong phòng kê sẵn hai dãy bàn làm bằng thép không gỉ, mặt bàn được lót đá cẩm thạch đen sạch bóng. Mỗi dãy gồm năm chiếc đặt gần sát nhau. Trên mỗi bàn có một biển nhỏ đề tên người dự thi, cùng các dụng cụ bao gồm một cái chậu kim loại, một tay lăn, khăn tay, dao cắt và dao tỉa. Phía bên tay phải căn phòng là một kệ gỗ nhiều tầng để các thau nguyên liệu vun đầy. Sâu vào bên trong là những bồn rửa với đầy đủ hai vòi nước nóng lạnh. Phía bên trái là một dãy lò nướng xếp thành một hàng dọc theo chiều dài của căn phòng. Lần lượt từng người một được hướng dẫn ký tên vào bản danh sách, rồi được chỉ dẫn tới đúng bàn đã đề tên người ấy. Các ứng viên hùng dũng bước vào. Đi bên cạnh tôi đều là những đầu bếp đã nhiều tuổi, cao lớn, mặt người nào cũng hằm hằm như đang chuẩn bị bước vào đấu trường. Trong số mười người, chỉ có tôi và một ứng viên nữa trông như người Nhật là nữ giới. Quan sát kỹ, tôi nhận thấy có một vài đầu bếp to béo là dân châu Âu. Đứng ở chiếc bàn cuối cùng là một anh chàng trẻ măng, mắt một mí, da mặt trắng mịn như kem tươi có thể làm cho bất kỳ cô gái nào cũng phải nhỏ dãi ghen tị. Ồ, tôi thở dài, lại có cả người Hàn Quốc nữa! Sao bốn biển năm châu lại tụ cả vào đây trong một ngày đẹp trời như thế này nhỉ? Tên người Hàn Quốc bắt gặp ánh mắt của tôi, nhoẻn cười đáp lễ và nháy mắt một cái, trông đến là giống mấy tài tử điện ảnh xứ Kim Chi.

Đúng lúc đó, một dáng hình có phần quen thuộc xuất hiện ở trước cửa phòng: giám đốc nhân sự của Green World. Hôm nay chị ta mặc một chiếc váy công sở màu cỏ úa không tay, xếp nhiều nếp ở phần eo. Đợi khi tất cả mọi ánh mắt cùng đổ dồn về phía mình, vị nữ giám đốc mới uyển chuyển tiến lên hai bước. Cánh cửa sau lưng chị được nhẹ nhàng kéo lại.

- Xin chào các bạn. Hoan nghênh tất cả mọi người đã có mặt đông đủ ngày hôm nay, để tham dự một cuộc thi tuyển, nhằm giúp Green World chọn ra một thợ bánh tài năng. Các bạn đều đã biết tôi là ai, nên cho phép bỏ qua phần giới thiệu nhé. – Nói đến đây, chị Trang nở một nụ cười duyên dáng. – Các bạn hãy nhìn sang phía bên tay trái tôi, ở đó có mười lò nướng điện cùng một loại đã được kiểm định. Chúng tôi không đánh số thứ tự của lò, vì người nào xong trước sẽ tự chọn một lò bất kỳ.

Chị ta đột ngột dừng lại, nheo mắt chờ đợi. Mọi người hơi chưng hửng. Nhưng hóa ra chị dừng để cho người thư ký dịch lại những ý chị ta vừa nói sang tiếng Anh cho mấy ứng viên người nước ngoài hiểu, sau đó mới tiếp tục:

- Sở dĩ chúng tôi yêu cầu tất cả phải nhào bột bằng tay, là để muốn kiểm tra thể lực của các bạn. Một đầu bếp giỏi trước tiên phải là một người có sức khỏe tốt. – Chị ta vừa nói vừa đưa mắt nhìn hai nữ ứng viên, thầm cảnh báo phận “liễu yếu đào tơ” sẽ có đôi chút thiệt thòi.

- Thời gian sẽ kết thúc lúc bốn giờ chiều. Do thời gian làm bánh khá dài, nên chúng tôi đã chuẩn bị một bàn ăn nhẹ ngoài hành lang, cũng như một phòng nghỉ ở tầng dưới cho những ai có nhu cầu. Trong lúc các bạn nghỉ ngơi, có ba giám thị sẽ thay nhau túc trực ở đây.

Người thư ký trung thành dịch lại nguyên vẹn.

- Bây giờ, tôi xin bật mí với các bạn thành phần Ban giám khảo. Có ba vị giám khảo, trong đó có một người chắc các bạn cũng đã từng nghe qua tên tuổi: Đó là ông Frederick Leroy – chuyên gia ẩm thực, chuyên về bánh, ủy viên của hội ẩm thực Pháp. Vị thứ hai là ông Elton Trần – Giám đốc điều hành Khách sạn Green World Việt Nam. Vị cuối cùng là ông Mạnh Cường, chủ tịch của thương hiệu bánh MCB nổi tiếng ở Việt Nam.

Chị ta dặn dò đủ thứ nữa, nhưng tôi cá là chả ứng viên nào còn để tâm lắng nghe. Nội cái tên Frederick cũng đã khiến cho tâm trí của họ bị phân tán. Con người danh tiếng lẫy lừng trong giới làm bánh này đã từng là chủ của thương hiệu bánh mì L’ami nổi tiếng – thứ bánh mà những người giàu có trên khắp thế giới không ngại chi trả thêm cả tiền chuyên chở bằng máy bay để mong có nó trong bữa ăn sáng của họ. Hiện xưởng bánh ông đã giao lại cho người con trai, nhưng cứ nói đến bánh mì L’ami là người ta chỉ nghĩ đến ngài Frederick và ngược lại. Nên nếu quả thật Frederick là giám khảo chấm thi, thì đây là một cơ hội thật hiếm có để diện kiến ông. Và nếu như bánh của bạn được ngài Frederick chọn, thì đó sẽ là một vinh dự không gì sánh nổi. Tôi liếc một vòng quanh căn phòng. Chỉ trừ tên nhóc tài tử xứ Kim Chi đang ngoạc miệng ra cười, còn lại khuôn mặt tất cả mọi người đều lặng thing, kín bưng, thể hiện một nét quyết tâm sắt đá. Cô gái nhỏ đứng ở dãy bàn đối diện mím đôi môi mỏng, hai bàn tay hơi run rẩy nắm chặt vào mép bàn. Lúc này, căn phòng đã biến thành một chiến trường thực sự. Và các chiến binh đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến Baguette, để giành lấy vinh quang hoặc thất bại; thành công với chiếc ghế thơm của Green World và sự chú ý của Frederick trứ danh hoặc là không gì cả.

* * *

Người giám thị dùng một thanh dùi bằng kim loại gõ “Boong! Boong! Boong!” ba tiếng vào chiếc chuông nhỏ đặt ở trên bục, báo hiệu thời gian thi bắt đầu. Những người không liên quan đều lần lượt ra khỏi phòng, chỉ còn lại mười thợ làm bánh cùng ba vị giám thị. Tiếng chuông vừa dứt, các thí sinh ngay lập tức rời khỏi bàn của mình, lao vội ra kệ nguyên vật liệu. Có công thức làm bánh mì nào cổ xưa và đơn giản nhất thì đó có lẽ là công thức làm bánh mì Baguette. Chỉ cần bột mì trắng, men, muối và nước hay chính xác hơn là bắt buộc phải cần bột mì trắng, men, muối và nước. Nếu như bạn muốn thêm một thứ nguyên liệu nào khác vào, thì cứ việc. Nhưng chiếc bánh làm ra sẽ không được gọi là bánh mì nữa, mà phải dùng một cái tên khác. Ở Pháp, điều này đã được ghi chú thành luật. Vì thế, trên kệ chỉ có bốn loại nguyên liệu kể trên. Nhưng điều kỳ cục là tuyệt nhiên không có bất cứ dụng cụ đo lường nào, trừ những cái thìa bằng gỗ to một cách kỳ lạ dùng để xúc bột. Tôi thầm khâm phục người nào nghĩ ra được hình thức tổ chức cuộc thi tuyển này. Họ không cho dùng công cụ hỗ trợ để người thợ phải dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm và sự phán đoán cá nhân, những người non tay nghề sẽ dễ dàng bộc lộ sơ hở. Và chiếc bánh mì Baguette giản đơn, không bị bất cứ một thứ nguyên liệu hay thành phần màu mè nào làm biến đổi, sẽ là bằng chứng chân thật nhất đánh giá tài năng của người làm ra nó.

Tôi đã lấy đủ nguyên liệu mang về bàn của mình. Tỷ lệ men và bột cần phải ước lượng thật chuẩn, từ đó mới định ra được thời gian ủ bột. Nhiệt độ của khối bột nhào, thời gian nhào, quá trình lên men, độ nở của khối bột… Những yếu tố then chốt đó có liên quan chặt chẽ với nhau và tới mức độ thành công của mẻ bánh. Người thợ bánh, bằng con mắt, bằng bàn tay và cả trái tim nữa, phải xác định được chúng, phải thấu hiểu chúng, thấu hiểu sâu sắc và không hoài nghi. Tôi lấy một chiếc khăn, nhúng nước ấm để đậy lên khối bột đã được nhào kỹ và vo tròn gọn ghẽ. Bây giờ, tôi phải để cho bột nghỉ trong vòng bốn mươi lăm phút. Tranh thủ lúc được rảnh tay, tôi ra ngoài hành lang kiếm một tách cà phê. Một số thợ bánh khác cũng đang ăn lót dạ. Họ đứng riêng rẽ, mỗi người tìm một góc, im lặng ăn và liên tục nhìn đồng hồ. Tôi rót cà phê vào tách, thêm sữa, khuấy đều rồi nhấp một ngụm. Tên nhóc tài tử Hàn Quốc đang tiến lại gần. Tôi giơ một tay lên chào:

- “A-nhi-ô-hát-xê-ô”. You are Korean? No?

Thằng nhóc cười toe, lộ ra hai lúm đồng tiền sâu hút trên gò má trắng mịn, mũm mĩm.

- Ha ha! No, no! Em Vietnamese đấy chị!

Tôi suýt sặc ngụm cà phê đang ngậm trong miệng chưa kịp nuốt.

- Khụ khụ khụ…

- Khổ chưa. – Anh chàng nói vẻ thông cảm, vỗ tay bồm bộp vào lưng tôi.

- Được rồi, tôi không sao. Cảm ơn. Cậu làm gãy lưng tôi mất.

- A, xin lỗi! – Cậu ta rụt tay lại, gãi gãi đầu. – Chị là người thứ một ngàn nhầm như vậy đấy!

- Thế à? Nhưng mà nhìn cậu giống người Hàn Quốc một trăm phần trăm. Lúc mới vào thi tôi lại tưởng có cả đầu bếp Hàn Quốc với Nhật Bản tham dự cuộc thi nữa chứ.

Cậu chàng đẹp trai vui vẻ bắt chuyện:

- Em bị nhầm hoài thành ra quen rồi. Tháng trước em đi xem phim ở rạp, gặp một nhóm thanh niên, trông như người Hàn Quốc. Họ nhìn thấy em liền hỏi: “Hello! Are you Korean?”. Em nói: “No, I am Vietnamese.” Và cũng hỏi lại: “Are you Korean?”. Chị có biết câu trả lời là gì không?

- Là gì?

- Ha, chị không tin được đâu: “Tụi này cũng… Việt Nam!”. Người Việt cả đó, mà lại cứ nhận nhau là người Hàn Quốc. À, mà chị mới nói đầu bếp Nhật Bản nào kia?

- Thì cái cô tóc nhuộm vàng đang ngồi gần cửa phòng ấy.

- Chị ơi, cô ta cũng là ”Vietnamese” đó.

Tôi lại sặc thêm một ngụm cà phê nữa, ho đến đỏ cả mặt. Tên nhóc bên cạnh đập đập tay lên lưng tôi, lần này rất dịu dàng.

- Chị dễ thương thật! Chả bù cho bà chị của em. – Anh chàng tuyên bố tỉnh bơ.

Cô gái mà tôi nhận nhầm là người Nhật Bản liếc nhìn sang phía chúng tôi ngờ vực. Tôi thấy ánh mắt của cô gái lóe lên một tia bất bình lộ liễu. Nhưng nó nhanh chóng chuyển hướng sang đĩa thức ăn cô cầm trên tay. Rồi cô nàng chú tâm vào việc ăn uống, không ngẩng lên chút nào nữa.

- Chị cho em mượn điện thoại di động. – Mạnh chìa tay ra.

- Để làm gì vậy?

- Chị cứ đưa đây, nhanh lên. – Cậu ta cầm lấy điện thoại của tôi, hí hoáy một hồi rồi đưa trả lại. – Em lưu số của em vào máy chị. Đây này, – Mạnh chỉ cho tôi số điện thoại đã được lưu dưới cái tên “Manh Lovely”. – Em cũng đã có số của chị rồi. Em sẽ gọi cho chị.

- Ừ! – Tôi đáp bừa, vì nghĩ cậu ta sẽ chẳng gọi cho tôi. Có rất nhiều người sau vài câu trò chuyện đã vội xin số di động, nhưng rồi tuyệt nhiên chẳng bao giờ họ gọi đến cái số ấy, không một lần trong đời. Nhưng mà họ vẫn cứ xin, dù chính họ cũng biết rồi sẽ chả để làm gì. Vì vậy, việc anh chàng trẻ tuổi này xin số điện thoại của tôi có vẻ là một việc vô hại.

Thời giờ chậm chạp trôi qua. Giống như các ông bố đang ngóng chờ đứa trẻ chuẩn bị được chào đời, những người thợ bánh sốt ruột đi đi lại lại trước các cửa lò. Bánh đang được nướng trong đó, với nhiệt độ trên 400 độ F, qua một thời gian thử thách nghiêm khắc để biến đổi một cách kỳ diệu từ cục bột nhão thành những chiếc bánh mì hảo hạng. Cả mười cái lò đều đã được sử dụng, dù có cái được bật chậm hơn, hoặc nhanh hơn một chút. Như vậy có nghĩa là cuộc thi tuyển đã gần đi tới phần cuối.

Tôi đứng trước cửa lò, hít một hơi thật sâu. Thời gian nướng bánh đã đủ. Tôi đã hoàn thành bài thi của mình rồi. Ôi, hai “đứa con” bánh mì của tôi, hình hài của chúng ra sao đây? Tôi mở cửa, dùng bàn tay đeo găng kéo khay nướng bánh ra, xúc động suýt phát khóc khi nhìn thấy hai con bánh Baguette vàng rộm, phổng phao. Xung quanh tôi, các thợ bánh khác cũng bắt đầu tắt lò, chờ lò nguội trong vài phút để lấy bánh ra. Cả căn phòng rộ lên những tiếng xuýt xoa. Năm phút sau, lò nướng bánh cuối cùng cũng đã được mở. Các thí sinh đều hoàn thành bài thi làm bánh sau khoảng thời gian gần năm tiếng đồng hồ đánh vật với những khối bột. Chúng tôi được hướng dẫn đặt bánh của mình lên bàn, sau đó đứng xếp thành hai hàng trước cửa căn phòng. Những người giám thị đi thu lại các bảng tên thí sinh, thay vào các con số có thứ tự từ một đến mười.

Trong khi đó, từ phía xa tiến lại một tốp người. Dưới ánh điện vàng sáng ấm áp của dãy hành lang khách sạn, những bóng người màu đen nhấp nhô, trông quyền lực và nguy hiểm lạ lùng. Tốp người tới gần, dẫn đầu là dáng đi lả lướt của chị Trang – Giám đốc nhân sự, với một nụ cười tươi rói không lẫn vào đâu được. Theo sau là ba nhân vật quan trọng – ba vị ban giám khảo – những người sẽ quyết định kết quả của cuộc tuyển chọn ngày hôm nay. Chúng tôi đồng loạt vỗ tay khi những vị giám khảo tiến lại gần. Và kia, Frederick trứ danh, thần tượng của nhiều lớp thợ làm bánh, đang giơ tay lên đáp lại màn chào hỏi. Ông cao, gầy, mái tóc mỏng, xoăn được vuốt keo ốp sát vào da đầu. Đi ngay sát phía sau Frederick là một người đàn ông trung tuổi, dáng tầm thước, mắt một mí, da trắng như bột, dáng chừng là vị chủ tịch của thương hiệu bánh MCB. Bước cạnh ông ta là… “Mắt Địa Trung Hải”! Vậy ra anh ta là Giám đốc điều hành của cái khách sạn này. Thảo nào, anh ta có thể thoải mái hôn hít người yêu ở ngay trong phòng làm việc. Tôi gật gù thầm nghĩ. Mắt Địa Trung Hải, à không, ông Elton Trần đi ngang qua cửa phòng, đưa mắt nhìn tôi một cái. Đôi mắt màu xanh nước biển thăm thẳm, quyến rũ ánh lên như đang phát ra những tia cảnh báo: “Hãy cẩn thận với những suy nghĩ của cô đấy!”.

Sau khi tốp người đi vào, cánh cửa một lần nữa được đóng lại. Cái cánh cửa chết tiệt. Nó làm cho sự sốt ruột và tính tò mò của các thợ bánh tăng lên tột độ. Một vài người thử áp sát tai vào cửa gỗ, nhưng rồi cũng đành thất vọng bỏ cuộc. Không một âm thanh nào từ phía bên trong lọt được ra ngoài. Mười phút trôi qua… Cánh cửa đóng im ỉm. Hai mươi phút trôi qua… Cánh cửa đóng im ỉm. Ba mươi phút trôi qua… Cánh cửa vẫn đóng im ỉm. Những người thợ đi lại như điên dại ngoài hành lang. Chỉ riêng Mạnh vẫn tươi cười như không. Thái độ của cậu này rất lạ. Cứ như cậu ta không có chút áp lực nào. Cứ như Mạnh đã chắc chắn cậu sẽ dành phần thắng. Hoặc dường như là cậu ta chẳng hề quan tâm tới kết quả của cuộc tuyển dụng này một tí nào.

Và kìa, cánh cửa bật mở, một giám thị xuất hiện, giống hệt như vị thiên sứ đưa tin. Mọi người ùa lại. Vị thiên sứ nói một cách dõng dạc với đám thần dân đang mong chờ tin tức:

- Mời số báo danh 02 và 05, Nguyễn Khánh Vi An và Phan Mạnh vào trong phòng.

Mọi người dáo dác nhìn quanh. Tôi đưa mắt tìm Mạnh. Mạnh cũng nhìn tôi, nháy mắt một cách tài tử. Chúng tôi bước vào bên trong, nghe cánh cửa từ từ đóng lại, thật chậm, thật chậm…

Bên ngoài, người ta nháo nhác hỏi giám thị:

- Chuyện gì vậy? Sao lại gọi họ vào trong ấy.

- Tôi không biết. Hình như là sản phẩm của họ có chút khác biệt, hay phạm quy gì đó. Tôi cũng không rõ nữa.

* * *

Tôi có thể đoán được lý do vì sao họ gọi tôi vào trong này. Tôi đã làm hai chiếc bánh mì có kích thước khác nhau, một chiếc có chiều dài bình thường, còn chiếc kia ngắn hơn hai tấc. Tất nhiên tôi làm như vậy là phải có mục đích. Nhưng còn Mạnh? Cậu ta đã tạo ra điều khác biệt gì chăng? Và cái thái độ kỳ quặc của Mạnh từ đầu cuộc thi tới giờ. Thái độ đó có nghĩa là gì? Trong lòng tôi trào lên những dự cảm bất an. Trong khi Mạnh đi bên cạnh tôi vẫn giữ một nụ cười phớt tỉnh.

Hội đồng giám khảo đang đứng đợi xung quanh một chiếc bàn trên đó đặt hai khay bánh. Khuôn mặt mỗi vị giám khảo mang một sắc thái cảm xúc hoàn toàn khác nhau. Giống như là… tôi đang xem một triển lãm tranh chân dung của Van Gogh vậy! Ngài Frederick đang nhíu một bên mắt, cằm trễ xuống vẻ dò xét. Ông Elton Trần thì đặt ngón tay cái và ngón tay trỏ siết lấy cái cằm vuông vức đẹp đẽ, đôi mắt xanh lạnh lùng dường như thẫm lại nhìn chăm chăm xuống mặt bàn. Nổi bật nhất là bức chân dung của ông chủ tịch MCB. Khuôn mặt trắng như bột của ông đang đỏ ửng lên, đôi môi mím lại và những tia giận dữ, nhuốm một chút bi ai bị kìm nén trong tròng mắt ông, chỉ chực phóng ra ngoài. Nhìn ông giống hệt bức Chân dung tự họa đội nón rơm. Cái quái quỷ gì đang làm cho các vị giám khảo ở đây trông ai nấy lại tâm trạng đến như vậy?

- A, các bạn đây rồi! – Chị Trang reo lên. Những bức chân dung bắt đầu biến đổi. Frederick và Elton thì mỉm cười. Riêng ông Cường, sự giận dữ đang kìm nén bắt đầu bùng lên khi ông nhìn thấy hai chúng tôi. Môi ông giật giật, chứng tỏ là đang cố kìm cảm xúc rất mạnh.

Chị Trang tiếp tục:

- Chúng tôi muốn hỏi các bạn đôi chút về sản phẩm của các bạn. Đây là khay bánh của Mạnh. Còn đây là khay bánh của Vi An.

Tôi nhìn theo hướng bàn tay chỉ của chị Trang. Khay bánh của tôi thì không nói làm gì, nhưng khay bánh của Mạnh thì… Cậu ta không làm bánh mì Baguette!

- Nào, Mạnh trước. Chúng tôi muốn bạn giải thích về hình dạng khác thường của hai chiếc bánh này. Chúng không phải là bánh mì Baguette.

- Ồ, đúng như vậy. Tôi không định làm bánh mì Baguette. Đây là bánh mì Sài Gòn! – Mạnh cầm một chiếc bánh mì, bẻ đôi, chìa ra cho mọi người thấy và nói bằng giọng bông đùa một cách cố tình. – Đây quý vị xem, vỏ cứng, ruột rỗng, đúng tiêu chuẩn bánh mì Sài Gòn nhé! Chúng ta đang ở Việt Nam cơ mà. Đâu cần phải ăn bánh mì Baguette, phải không?

Frederick quay sang Elton hỏi:

- Cậu ta nói cái gì vậy?

Elton dịch câu trả lời của Mạnh sang tiếng Pháp cho Frederick. Ông lắng tai nghe, bật cười thích thú và lắc đầu. Đứng bên cạnh, khuôn mặt của vị chủ tịch thương hiệu bánh MCB chuyển từ đỏ sang tím tái.

- Ồ, bạn quả là một người có ý tưởng. Nhưng nên nhớ đây là cuộc thi làm bánh mì Baguette. Còn Vi An, bạn có thể giải thích về kích thước khác nhau của hai chiếc bánh này không?

- Dạ được chứ ạ. Hai chiếc bánh này tuy kích thước có khác nhau, nhưng chúng đều là bánh mì Baguette, được làm ra từ cùng một khối bột, đều cho mùi vị tuyệt hảo. Không phải ngẫu nhiên mà chúng có kích cỡ khác nhau, vì các vị đều biết rằng, chiều dài, chiều rộng, hay độ dày của chiếc bánh khi chúng ta nặn sẽ ảnh hưởng tới kết cấu của bánh sau khi nướng. Chiếc bánh dài và bề ngang nhỏ hơn này sẽ có phần vỏ bánh dày hơn, ruột ít hơn. Do đó sẽ dai hơn, nặng hơn. Chiếc nhỏ thì sẽ mềm, nhiều ruột hơn. Tùy cách ăn mà có thể chọn loại nào.

Im lặng.

- Nhưng chúng ta cũng không nên để tâm nhiều đến vấn đề này. Vì một mẩu bánh mì Baguette thực sự, dù là loại nào đi nữa, cứ ăn nó là ta đang thưởng thức một thú ẩm thực chân thật và tinh tế của cuộc đời.

Căn phòng đang im lặng chợt vang lên tiếng vỗ tay từ Mạnh. Cậu ta vừa vỗ tay vừa nói:

- Tuyệt lắm, chị An ơi!

Sau đó tôi thấy Frederick, khuôn mặt đôn hậu, giơ hai bàn tay xương xẩu của ông lên:

- Khá lắm, cô gái nhỏ!

Rồi mọi thứ tiếp diễn theo đúng trình tự của nó. Hội đồng giám khảo nếm sản phẩm, hý hoáy ghi chép nốt vào các bảng biểu chấm điểm. Những ứng viên khác được gọi vào trong phòng, nhận phiếu nhận xét cho sản phẩm của mình. Tôi không nhớ gì nhiều về những giây phút cuối cùng của cuộc thi ấy. Bởi vì… Niềm vui sướng khi tôi được biết mình là người chiến thắng đã lấn át đi tất cả. Trong tâm trí của tôi chỉ đọng lại nụ cười trìu mến của Frederick, người thợ làm bánh trứ danh. Ông đã bắt tay tôi thật chặt. Nhìn ông, tôi chợt thấy thầy Bertrand, đang đứng trước mặt tôi, nắm chặt lấy tay tôi, cười hạnh phúc: “Vi An, con thấy không? Làm bánh rất vui! Làm bánh sẽ mang tới cho con niềm vui”.

Đúng là trong tâm trí tôi chỉ còn đọng lại niềm sung sướng dạt dào ấy. Niềm vui đã khiến cho tôi không nhận thấy lúc đó, Mạnh tới gần bên tôi, đặt tay lên vai tôi siết mạnh. Tôi cũng không nhận thấy lúc đó, ánh mắt của Elton nhìn tôi không còn cái vẻ lạnh lùng kiêu ngạo nữa. Không nhận thấy ông Cường và Mạnh đang gườm nhau trong một cái nhìn dữ dội. Không nhận thấy vẻ ghen tị của các ứng viên khác cũng như thái độ của hai người phụ nữ còn lại trong phòng, đặc biệt là cô gái tóc uốn có ánh mắt như muốn thiêu cháy người đối diện.
Chương trước Chương tiếp
Loading...