Nụ Hôn Của Samire

Chương 5: Tôi Rất Để Ý Một Cô Gái



“Cậu làm cái quái gì ở đây thế?”

Hai giờ sau, khi sắc trời tối mù, Bill và Heine cùng đến quán rượu, vừa đưa mắt đã trông thấy tôi đứng trên quầy rượu.

“Ngài Jonathan đã hứa với mình, chỉ cần bắt chước tiếng chó sủa bốn giờ thì sẽ trả dây chuyền vàng của mẹ lại cho mình.” Tôi nói.

Bill không vui, lẩm bẩm: “Cậu làm gì thế hả? Mất mặt quá đi.”

Từ nãy tới giờ Mike vẫn cứ ngồi bên cạnh uống rượu, hắn ta hỏi Bill: “Cậu biết con bé đó à?”

Bill bĩu môi: “Nó là bạn nữ trong lớp bọn em, có mẹ bỏ chạy theo trai.”

“À, hóa ra là người quen...” Mike nhìn tôi, “Cún con, đã kêu đủ chưa? Đủ rồi thì về nhà đi.”

“Tôi có thể lấy lại dây chuyền không?”

“Chỉ e là không.” Hắn nhếch mép.

Tôi im lặng một lúc, sau đó lại kêu tiếp.

“Quả là cô gái bướng bỉnh, đúng không?” Mike chớp mắt với cặp sinh đôi.

Bill bật cười rồi bỏ đi ra ngoài, Heine cũng đi theo.

Tôi không biết mình đã kiên trì bốn tiếng đồng hồ thế nào, lúc trèo xuống bàn, chân tôi run run, giọng cũng khản đặc.

Tôi đi tới chỗ người pha chế đòi lại sợi dây chuyền, Mike vẫn chưa đi, đang tựa vào quầy rượu hút thuốc, hắn cười với tôi rồi nhận lấy sợi dây chuyền từ người pha chế, vờ như đưa cho tôi, nhưng hắn lại giơ cao lên, làm tôi kiễng chân cũng với không tới.

Mike cúi xuống, nhìn thẳng vào mắt tôi: “Nhóc cảm thấy tôi sẽ thực hiện lời hứa à? Nếu tôi không đưa thì sao?”

“Nhưng các anh đã hứa...” Tôi tủi thân nói.

“Mike, đưa lại cho nó.” Một gã tay chân ở bên cạnh nói, “Ngài Hegar đã dặn rồi.”

Mike liếc người nọ, nhún vai rồi trả lại sợi dây chuyền cho tôi: “Nó là của nhóc, nhóc có gan hơn lão bố của mình đấy.”

Tóc tôi ướt sũng, tóc mái dính bết vào trán, trong chớp mắt rời khỏi quán rượu, gió lạnh phả tới, cơ thể tôi nhẹ nhàng hẳn đi.

Trời tối đen như mực, tôi hòa vào dòng người qua lại. Dúm lửa trong những ngọn đèn măng-xông bên đường bập bùng nhảy múa, phản chiếu bóng người qua đường dưới đất, như những bóng ma sắp bị tiêu diệt đang lang thang trên con đường dài bất tận.

Nhìn sợi dây chuyền trong tay, cuối cùng tôi cũng đã lấy lại nó, nhưng không hề vui vẻ như tưởng tượng.

Đây là món đồ tôi phải bắt chước tiếng chó sủa bốn giờ, là sợi dây chuyền của mẹ.

Là người không hề ngoái đầu nhìn tôi lấy một lần, dứt khoát vứt bỏ tôi. Vậy mà tôi lại bán rẻ tôn nghiêm của mình chỉ vì món đồ của bà, liệu sau này tôi sẽ bán mình vì thứ gì nữa đây?

Nước mắt ứa trào, tôi lau rồi lại lau, nhưng không cách nào lau sạch.

Cuối cùng tôi cắm đầu chạy nhanh, chạy tới bên bờ sông, ném thật mạnh sợi dây chuyền đó đi...

Chẳng biết đã bao lâu trôi qua, gió đêm đã hong khô nước mắt, tôi quay về ven đường, giơ cao chai rượu rồi ném xuống đập vỡ.

Nhìn đống hỗn độn dưới đất, tôi cảm thấy như được giải thoát.

Khi về tới nhà, William lo lắng hỏi tôi: “Em đi đâu mà giờ mới về nhà!”

Tôi đi tới chỗ bố, lay gọi ông ấy.

Mắt ông hằn đầy tia máu, vừa mở miệng ra, mùi rượu hôi thối nồng nặc ập tới.

“Về rồi à, có mua rượu không?”

“Không có, con đập vỡ rượu rồi.”

Bố chíu mày: “Cái con đần này, sao lại bất cẩn thế hả.”

“Là con cố ý đập vỡ, nếu lần sau bố còn uống say, con thấy lần nào sẽ đập vỡ lần đó.”

Bố nổi xung, giơ tay tát thẳng vào mặt tôi.

“Mày nói gì! Mày nói chuyện với bố mày thế hả!”

Tôi bụm má nóng rát, nhìn thẳng vào mặt ông: “Đúng, nếu bố còn tiếp tục như vậy nữa, dù bị bố đánh chết con cũng phải đập hết rượu.”

“Mày y hệt mẹ mày, y hệt mọi người! Đều xem thường tao! Tao thế nào không tới lượt mày giáo huấn! Cút!” Ông đẩy tôi, lại giơ tay toan đánh tôi.

Nhưng lần này, cái tát không giáng xuống mặt tôi mà rơi xuống đầu William, anh ấy đã lao tới ôm tôi.

“Đúng thế, nếu bố cứ thế nữa thì con cũng sẽ đập hết rượu! Bố muốn đánh thì đánh con trước đi!” William nói to.

“Được lắm, cả mày cũng cãi lại tao!” Bố nổi cơn tam bành, đấm túi bụi vào William.

Tôi òa khóc, hét lớn: “Bố đừng uống rượu nữa mà! Con sẽ học nấu ăn, học giặt quần áo, con sẽ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, con sẽ cố gắng! Sẽ cố gắng mà!”

Lần này nắm đấm không còn rơi xuống, bố sững người, một lúc sau ông ngồi thụp xuống khóc.

Ngày hôm sau, bố không uống rượu nữa, ông nói mình mất việc rồi, thời buổi này tìm việc rất khó, ông định về nhà phụ ông nội làm nông.

***

Mùa đông năm nay rất lạnh, bầu trời âm u, tuyết rơi nhiều đóng thành lớp dày, vạn vật chìm vào lặng thinh.

Cô giáo đứng trên bục bảo: “Tháng Ba năm sau trường sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi đầu vào cấp hai, những trò nào muốn học cấp hai, đề nghị các trò hãy học tiếng Latinh, tuy trường ta không dạy ngôn ngữ này, nhưng vì nội dung của kỳ tuyển sinh trung học, đối với những trò hoàn cảnh gia đình cho phép thì tốt nhất nên mời giáo viên hướng dẫn.”

Cứ hễ thời tiết u ám là lớp học lại chìm vào bóng tối, thật lạ lùng, hoàn cảnh ấy lại đem tới cho tôi cảm giác yên tâm, rằng như khi bóng tối bao trùm, nỗi lo âu trong lòng cũng được trút bỏ.

Tôi nghiêng đầu nhìn các bạn trong lớp, bọn họ ngồi ngay ngắn, nửa người ngoài sáng, nửa người bị bóng tối nuốt chửng, như những pho tượng điêu khắc phủ đầy bụi nằm trên hành lang, trong khoảnh khắc trở thành vĩnh hằng.

Cô giáo đếm những người thi tốt nghiệp và thi đầu vào, hầu như ai cũng thi tốt nghiệp nhưng chỉ có vài người đăng ký thi lên cấp hai, trong số những người đăng ký thi chỉ có hai cô gái, là Lillian và tôi.

Hôm ấy sau khi tan học, tôi nói với bố mình muốn lên trung học.

Ông bận rộn ở nông trường mấy ngày nay, thoạt nhìn có vẻ thấm mệt, uể oải nói: “Lý do? Đi học nhiều cũng vô dụng, bố định đưa con đến nhà máy dệt học việc, đấy mới là chính sự, đợi mấy năm nữa con cũng phải kết hôn thôi.”

William nhìn tôi, nói với bố: “Hay cứ để em ấy đi học đi, Annie vẫn còn nhỏ, hơn nữa em ấy thích đọc sách cũng không phải chuyện xấu.”

Bố châm thuốc: “Có đóng học phí không?”

“Chưa rõ ạ, có lẽ sẽ đóng tiền đồng phục và phí kiểm tra.” Tôi bé giọng nói.

“Con còn nấu nướng rồi làm việc nhà, có bận không?”

“Con sẽ không bỏ bê việc nhà.”

Trong căn phòng tối tăm, đốm lửa đầu thuốc lúc sáng lúc tắt, không khí nồng mùi thuốc khét lẹt. Cuối cùng bố thở dài: “Không tiêu xài hoang phí thì con có thể đi học thêm hai năm.”

Ngày hôm sau, tôi tới thư viện mượn vài cuốn sách liên quan đến tiếng Latinh, miệt mài học tập không biết ngày đêm.

Tôi rời giường vào lúc 6 giờ sáng, vừa làm bữa sáng vừa học thuộc lòng, có những câu cực kỳ khó hiểu mà tôi không tài nào hiểu nổi, chỉ có thể học thuộc trước.

Rồi sau đó, bất luận là rửa bát hay giặt quần áo, thậm chí những khi ăn cơm hoặc đi vệ sinh, tôi vẫn luôn cầm sách đọc. Buổi tối tôi lại chong đèn học đến khuya, thường là học tới nửa đêm.

Vào ngày thi tôi phát huy rất tốt, trả lời trôi chảy mọi câu hỏi, cuối bài kiểm tra tiếng Phổ, chúng tôi được yêu cầu viết một bài luận ngắn: Hãy viết về mùa mà em yêu thích và cho biết lý do tại sao.

Cảm ơn quãng thời gian ở thư viện, tôi nhớ được một vài bài thơ, thế là đã trích một bài thơ về mùa đông vào bài viết.

“Giữa cái run rẩy của mùa đông, một bông hoa chớm nở.

Trong bóng tối lạnh căm,

Bất chấp gió sương và bão tuyết,

Bông hoa ấy nở rộ,

Bung cánh thật rực rỡ.

Hoa, tuổi thơ tôi của đó.

Bạn có muốn xem không?

Gió lặng, tuyết rơi, riêng hoa vẫn nở, vấn vít hương thơm.”

Không hiểu vì sao mà khi đọc được bài thơ này tôi lại cảm thấy rùng mình, như thể bản thân chính là bông hoa ấy, tuy yếu đuối nhưng vẫn có thể lấy hết dũng khí để sống sót qua mùa đông giá rét.

Ít hôm sau, cô giáo thông báo với tôi là đã có thành tích.

Tôi đứng nhất kỳ thi, bất kể là kỳ thi tốt nghiệp hay kỳ thi tuyển sinh, môn nào cũng xuất sắc.

Trong lớp có bốn người thi đậu trung học, tôi, Lillian, Heine và Hank. Heine và Hank có điểm số suýt soát vừa đủ đậu, Liliane cũng thi rất tốt, có 4 môn xuất sắc.

Sau khi có điểm, tôi tung tăng trên đường như một chú chim hạnh phúc, gió xuân vuốt ve, hòa lẫn chút se se nhưng không hề lạnh lẽo, gió như nâng tôi lên hóa thành một chú chim thật sự, để tôi bay bổng giữa bầu trời.

Có một chuyện nữa khiến tôi càng vui hơn, trong kỳ thi tôi đã thi tốt hơn Lillian.

Đó là khoái cảm thầm kín mà tôi không thể nói ra.

Cậu ấy đẹp hơn tôi, cao hơn tôi, thông minh hơn tôi, được chào đón hơn tôi, lại còn có gia đình hạnh phúc, dường như cậu ấy dễ dàng có được điều mà mọi người ao ước. Kinh thánh nói ghen tị là tội lỗi, nhưng làm sao có thể kiểm soát được mình không ghen tị với người khác kia chứ?

Tôi đã hiểu nguyên nhân ngày trước cậu ấy làm bạn với tôi, bởi vì các bạn nữ khác trong lớp đều phớt lờ cậu ấy, cậu ấy giỏi đến mức khiến những cô gái khác trông như đá xám, mà bây giờ tôi cũng nằm trong số những cô gái đó, cho nên tôi cũng không thích cô ấy nữa.

Thật kỳ lạ khi tôi quan tâm đến cậu ấy nhiều như vậy, nhiều hơn bất cứ người nào khác.
Chương trước Chương tiếp
Loading...