Nửa Đoạn Duyên

Chương 6



Khi mà tôi muốn buông xuôi tất cả thì đột nhiên cánh cửa phòng mở toang ra, rồi tiếng bà chủ nhà hàng tru tréo lên:

– Đcm chúng mày, chúng mày làm cái gì trong phòng tao thế này?

Lão già kia thấy vậy lập tức khựng người lại, hắn ta ngước mắt nhìn bà chủ nhà hàng xong loạng choạng đứng dậy, lúng túng hỏi:

– Sao…sao em lại về giờ này?

– Tôi không về giờ này thì làm sao chứng kiến được cái cảnh ghê tởm này hả anh Phúc?

Đột nhiên hắn ta chỉ tay về phía tôi, lắp bắp:

– Là nó…nó mồi chài gạ gẫm anh. Mà em biết rồi đấy, đàn ông khi bị mồi chài gạ gẫm thì khó ai cưỡng lại được.

Lão ta vừa dứt lời, chưa để tôi nói lời nào thì bà ta đã tiến tới lôi tôi xềnh xệch ra bên ngoài, mặc kệ quần áo trên cơ thể tôi vẫn đang xộc xệch. Nỗi ám ảnh kinh hoàng vừa nãy khiến tôi choáng váng, toàn thân không còn chút sức lực nào để chống cự. Chỉ có thể gào lên những âm thanh vừa đủ nghe:

– Cô làm gì vậy? Buông cháu ra. Cô hiểu nhầm rồi, là lão già kia muốn hiếp cháu đó.

Tôi vừa dứt lời thì bà ta như điên dại, hai mắt long sòng sọc ghì tôi xuống nền nhà, nơi chính giữa cửa ra vào của nhà hàng. Dường như máu điên trong người bà ta đang nổi lên nên không còn nghe lọt tai bất cứ lời nào tôi nói, chỉ biết gào thét chửi rủa vào đánh liên tiếp vào mặt tôi:

– Đm con đĩ cái này, mày dám mồi chài người đàn ông của tao hả. Tao nhìn mày đáng thương nên mới nhận mày vào nhà hàng làm, trả lương cao cho mày mà mày đếch biết điều. Đm con đ.ĩ, con c.h.ó chết này. Hôm nay tao đập nát cái bản mặt mày ra xem mày còn dám quyến rũ ai. Con khốn, tao đúng là nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà mà. Ôi giời ơi là giời…!!!

Tôi bị đánh liên tiếp đến mức máu mồm chảy ra tanh ngòm. Giờ này nhà hàng không có khách, chưa kể nhân viên đã ra về gần hết chỉ còn 1-2 người. Mà hai người này thấy bà chủ như vậy nên cũng không dám can thiệp, trơ mắt để tôi bị đánh và sỉ nhục. Thực ra bị đánh bầm dập đau nát người cũng không bằng nỗi nhục và oan ức. Tôi nhìn bà ta, cố gắng thoát khỏi nhưng sức cùng lực kiệt không thoát nổi chỉ còn cách lý nhí van xin:

– Cô…cô đừng đánh nữa, cháu không có quyến rũ ông ta.

– Im mồm…lý lẽ của mấy con đ.ĩ như mày tao còn lạ đếch gì nữa.

Thế rồi mặc kệ sau đó tôi có nói gì đi nữa thì bà ta cũng không thèm trả lời, chỉ biết nghiến răng dùng hết sức đánh thật mạnh vào người tôi. Đánh chán chê thì bà ta dùng sức nắm tóc giựt mạnh, khi mà tôi đang cảm giác như một mảng da đầu lớn sắp bong tróc thì một tiếng quát vang lên mới khiến bà ta dừng tay lại. Giọng nói kia rất uy lực, nghe cũng rất quen tai nhưng tạm thời tôi không thể nhớ ra được chính xác đó là ai. Cả người tôi giờ đây đã không còn chút sức lực nào, do bị bà ta tác động lên đầu quá lâu khiến tôi choáng váng, mọi thứ trước mặt như đảo lộn và quay cuồng. Cả cơ thể nhếch nhác nằm trên sàn nhà lạnh lẽo.

Tiếng cãi vã bắt đầu vang lên, hai tai tôi ù đi không nghe rõ bà ta nói gì, người kia nói gì. Tôi cố gắng chống tay ngồi dậy nhưng khi vừa ngóc đầu lên chưa được bao lâu thì trời đất tối sầm trước mắt tôi, bóng tối như thuỷ triều ập đến khiến tôi ngã quỵ xuống rồi không còn biết gì nữa.

Không biết tôi đã ngất bao nhiêu lâu, chỉ biết đến khi tỉnh lại đã thấy mình nằm trong một căn phòng trắng, mùi thuốc sát trùng xộc thẳng vào hai hốc mũi. Nỗi ám ảnh khiến tôi giật mình, miệng vô thức thốt lên:

– Tôi không có quyến rũ ông ta.

– Chị Nhi, chị tỉnh dậy rồi sao?

Tiếng nói của cái Ly vang lên làm tôi như bừng tỉnh. Tôi đẫn đờ mất vài giây rồi quay đầu về hướng cái Ly, ngạc nhiên hỏi:

– Sao…sao em lại ở đây?

– Chị còn hỏi em nữa, sao chị dại thế để người ta đánh cho bầm dập mà không biết phản kháng thế hả? Nếu như anh kia không cứu chị thì con mụ đó đánh c.h.ế.t chị mất.

Nghe đến đây tôi mới chợt nhớ ra trước khi ngất đi đã có tiếng quát của một người đàn ông vang lên khiến bà ta phải dừng tay lại. Nhưng mà tôi chưa kịp nhìn thấy gương mặt người đàn ông đó như thế nào. Tôi hỏi cái Ly:

– Vậy người cứu chị đâu?

– Em không biết, lúc em đến thấy mỗi mình chị thôi. Mà sao bà ta lại đánh chị, em chỉ nghe anh kia nói qua trong lúc gọi điện thoại nên chưa biết rõ câu chuyện.

Tôi thở dài kể cho cái Ly nghe toàn bộ câu chuyện. Nghĩ lại toàn thân tôi run lên, run vì sự căm phẫn đến tột cùng. Nước mắt tôi cũng rơi, tôi khóc vì thương cho số phận của chính mình, thương cả cho những số phận của những người nghèo không tiếng nói như tôi. Khi bị oan ức, bị đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần cũng không có quyền đòi lại công bằng cho chính mình. Tất cả vì một chữ “NGHÈO”!!!

Cái Ly tức giận bảo:

– Mẹ cái lũ khốn nạn đó, tưởng mình có tiền là muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói à? Chị…hay là mình kiện đi.

– Giờ kiện mình cũng không theo lại. Với lại người ta có tiền, người ta sẽ biết đường giúp mình vô tội. Huống hồ chị em mình, tiền ăn còn chẳng đủ, tiền đâu để theo kiện.

– Má nó. Nghĩ mà tức vãi.

Tôi thở dài không nói gì nữa. Tôi nằm viện đến sáng hôm sau thì chủ động xin bác sĩ cho mình xuất viện. Vì thứ nhất tôi cảm thấy sức khỏe cũng ổn hơn hôm qua, chưa kể nằm viện tốn kém, mà mai còn là giỗ bố tôi rồi. Bác sĩ khi nghe thấy tôi xin xuất viện thì liền nói:

– Cô cảm thấy trong người ổn chưa mà đã đòi về?

– Dạ tôi cảm thấy ổn rồi thưa bác sĩ.

– Vậy được rồi, tôi sẽ kê thêm cho cô mấy loại thuốc bổ. Cô bị suy nhược cơ thể nữa đấy.

– Dạ thôi bác sĩ cứ cho tôi xin giấy ra viện, không cần thuốc bổ cũng được.

– Thuốc bổ và tiền viện phí của cô đã có người thanh toán rồi.

– Sao cơ ạ? Ai thanh toán cho tôi vậy bác sĩ?

– Tôi không biết, họ thanh toán các khoản cho cô từ lúc tối qua cô nhập viện.

Nghe bác sĩ nói vậy tôi vừa thấy mông lung và mơ hồ. Cái Ly thì chắc chắn không phải rồi, mà bác sĩ nói thanh toán từ lúc tôi nhập viện, có lẽ nào là người đàn ông kia? Tôi rất tò mò người đó như thế nào nhưng nghĩ mãi chẳng ra câu trả lời nên đành thôi. Xuất viện xong tôi bắt xe ôm về thẳng nhà trọ. Cơ thể vẫn mệt mỏi và bải hoải nên tôi nằm đến chiều. Khi khi cái Ly đi học về thì hai chị em bắt xe về quê. Thời gian từ Hà Nội về đến nhà tròn 1 giờ 20 phút. Từ ngày tôi bắt đầu đi học đại học cho tới lúc ra trường đến nay thấm thoát cũng 5 năm nay xa nhà. Nghĩ đến việc bao nhiêu năm mẹ vất vả chắt chiu từng đồng dành dụm cho mình đi học, vậy mà bây giờ không biết còn cơ hội đứng trên bục giảng nữa không, lòng tôi lại quặn thắt vì thương mẹ, vì thương cho chính những cố gắng của bản thân. Suốt dọc đường đi tôi chỉ chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn hai ven đường, nhìn từng hàng cây vụt qua, nhìn sắc trời chuyển màu cho đến khi chiếc xe dừng lại ở bến xe của huyện.

Lúc chúng tôi bước đến cổng thấy mẹ đang ngồi ăn cơm giữa căn nhà cấp 4. Dưới ánh đèn vàng hắt hiu, bóng lưng mẹ rất gầy, đầy nỗi cô đơn. Cái Ly gọi lớn:

– Mẹ, hai cô công chúa của mẹ về rồi đây.

Mẹ vội vã đặt bát cơm đang ăn dang dở xuống, đi về phía chúng tôi trách:

– Mẹ tưởng hai đứa mai mới về? Về mà cũng không báo mẹ một câu để mẹ chờ cơm.

Cái Ly vất vội cái balo xuống hiên nhà:

– Con đói quá, con vào ăn cơm trước.

Tôi nhìn mẹ, dạo này mẹ gầy đi nhiều so với đợt trước, ngay cả cái nước da cũng không còn hồng hào mà trở lên xanh xao. Ngày trước nước da mẹ đẹp lắm, dù thế nào thì lúc nào cũng trắng hồng. Nhà có hai chị em, tôi may mắn thừa hưởng nước da của mẹ, còn cái Ly nước da ngăm ngăm giống bố. Tôi hỏi mẹ:

– Dạo này mẹ không khỏe hay không ăn được sao?

– Đâu có, mẹ vẫn khỏe mà, ăn cũng khỏe nữa.

– Sao da mẹ xanh thế hả?

– Trời ạ cái con bé này, mẹ già rồi làm sao da đẹp mãi được. Cứ lo xa.

Mẹ tôi vừa dứt lời thì tiếng cái Ly từ trong nhà vọng ra:

– Ui cơm không có gì ăn hả mẹ? Sao có mỗi bát canh với mấy hạt lạc rang thế. Về nhà ăn còn khổ hơn chúng con trên kia.

Mẹ tôi cười gượng đáp:

– Có thịt cá trong tủ nhưng chiều nay mẹ đi ra mộ bố con về muộn nên chưa kịp nấu ấy chứ.

Tôi biết thừa tính mẹ, thịt cá mua sẵn để tủ cũng là để phần chị em tôi vì nghĩ hai chị em mai mới về. Cả cuộc đời mẹ, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, lúc nào cũng nghĩ cho con cái. Nếu có kiếp sau, dù nghèo đói tôi vẫn muốn làm con của mẹ. Tôi không nói gì nữa, vui vẻ cùng mẹ ngồi vào mâm cơm. Ăn xong ba mẹ con đi dạo một lúc rồi lên giường ngủ. Mẹ nằm giữa, hai chúng tôi nằm hai bên. Cái Ly thì ngủ trước nên chỉ còn tôi và mẹ nằm kể lại những câu chuyện ngày xưa, kể về lúc bố còn sống. Bố tôi là người đàn ông rất yêu thương gia đình, giá như bố còn sống thì cuộc đời mẹ con tôi bớt khổ. Hình như người hiền chóng già, bố sống tốt như vậy mà sao ông trời lại khiến bố c.h.ế.t trong đau đớn vì thịt nát xương tan. Người gây tai nạn cho bố tôi đã nhận tội nhưng bao năm qua tôi cứ có cảm giác không phải là người đó. Hay chắc có lẽ nhà người ta cũng nghèo, hoàn cảnh cũng đáng thương nên tôi cảm giác vậy chăng?

Sáng hôm sau tôi dậy từ rất sớm đun nước thịt gà, vết bầm trên mặt vẫn còn nên tôi phải trang điểm mấy lớp phấn rất dày mới che đi được. Nhà tôi giỗ năm nào cũng chỉ làm mâm cơm canh thắp hương, xong có ba mẹ con và mời thêm bác cả và chú ba nữa thôi. Ăn uống dọn dẹp xong thì cái Ly phải về lại trên Hà Nội để đi học. Còn tôi thì ở lại quê với mẹ thêm 2-3 ngày. Mẹ thấy vậy liền hỏi tôi:

– Con không phải đi dạy học à?

Tôi không dám nói cho mẹ biết sự thật vì sợ mẹ lo lắng nên đành nói dối:

– Dạ vâng, con xin nghỉ phép được 3 hôm mẹ ạ. Con dạy hợp đồng nên xin nghỉ dễ ấy mà.

– Ừ thế thì được, chứ mẹ sợ không nghỉ được mà cứ cố nghỉ là không được đâu.

– Dạ vâng, con biết rồi mà.

3 ngày ở quê, đó là khoảng thời gian yên bình nhất với tôi trong suốt những tháng ngày qua. Nhiều lúc tôi chỉ muốn bỏ tất cả những xô bồ ở thành phố để về quê với mẹ, sống một cuộc sống đơn giản, nhưng vì cái Ly vẫn đang học trên thành phố, tính khí nó lại nông nổi nên tôi không thể yên tâm để lại nó một mình trên đó được. Trưa đó ăn cơm xong thì tôi bắt xe trở lại Hà Nội. Lần nào về quê cũng thế, tay xách nách mang đủ thứ, nào thì thịt gà, trứng vịt, rau dưa, số đồ ăn này cũng giúp chúng tôi tiết kiệm được 1 tuần tiền ăn uống.

Khi tôi vừa về đến khu nhà trọ thì bất ngờ thấy bóng dáng bà chủ nhà hàng đứng trước cửa phòng tôi ở. Nhất thời tôi kinh ngạc đến mức hai mắt tròn xoe nhìn bà ta, chân như bị chôn chặt một chỗ chẳng thể nhúc nhích. Bà ta đến đây làm gì, đánh tôi một trận thừa sống thiếu chết vẫn chưa đủ hay sao. Tôi vừa chuyển trọ tới đây nên không muốn phiền phức, vừa định quay đầu bỏ đi thì giọng bà ta vang lên, khác hẳn giọng nói the thé hôm trước, ngược lại rất êm tai:

– Nhi…Nhi, cháu về rồi hả? Cô đợi cháu nãy giờ.

Nói xong bà ta khuôn mặt niềm nở đi về phía tôi, tơi tả nói tiếp:

– Cô đợi cháu hơn tiếng đồng hồ rồi đấy.

Tôi dù rất hoang mang bởi độ khác thường của bà ta nhưng vẫn bình tĩnh hỏi:

– Cô tìm cháu có chuyện gì không?

– À…có gì cô cháu mình vào trong nhà nói chuyện được không?

Tôi gương mặt trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi thở dài gật đầu. Vào đến nhà tôi rót ra một cốc nước lọc mời bà ta. Còn bà ta đặt một túi quà màu đỏ xuống đầu giường rồi bảo tôi:

– Cô có chút quà tặng cháu bồi bổ.

– Quà này cháu không nhận được đâu, cô cầm về đi.

– Ơ kìa, cháu vẫn giận cô chuyện hôm trước đó à?

Nực cười, tất nhiên là tôi phải giận chứ, không những giận còn tức thấy mẹ đi được. Đánh tôi một trận bầm dập rồi giờ hỏi tôi một câu nhẹ bẫng như lông hồng. Tôi cười nhạt đáp:

– Nếu cô là cô, cô có giận không?

Bà ta ngập ngừng một hồi rồi đáp:

– Thực ra hôm nay cô đến đây là để xin lỗi cháu. Mấy ngày qua cô suy nghĩ rất nhiều, hôm đó là cô sai, là cô nóng giận quá nên mất khôn. Cô thành thật xin lỗi cháu nhiều lắm, có gì cháu làm ơn làm phước bỏ qua cho cô lần này nhé. Cô cũng xem lại camera rồi, là lão già kia khốn nạn trước. Cô….

Thực ra sau khi bị đánh, tôi cũng không hi vọng gì sẽ được nghe lời xin lỗi của bà ta, nhưng hôm nay tận tai nghe được những lời này tôi cũng thấy nhẹ lòng phần nào. Tôi không phải là người cao thượng đến mức sẽ quên đi hết mọi chuyện, sẽ vui vẻ như chưa từng xảy ra chuyện gì, chỉ là chuyện qua rồi tôi cũng không muốn nhắc lại. Tôi chậm rãi đáp:

– Vâng, lời xin lỗi của cô cháu xin nhận. Nhưng để mà quên thì cháu không quên được. Cháu mong cô từ nay về sau trước khi làm việc gì hãy suy nghĩ cho kỹ, hãy điều tra cho rõ. Vết thương ngoài da sẽ lành nhưng vết thương bị chà đạp nhân phẩm và danh dự thì không thể lành được đâu.

– Ừ cô biết mà. Nên hôm nay cô đến đây mang tất cả lòng thành đến xin lỗi cháu. Hay là cháu nói đi, cháu muốn cô bồi thường bao nhiêu. Chỉ cần trong khả năng của cô, cô sẽ đáp ứng được.

– Cháu đúng là rất cần tiền nhưng trong việc này cháu không cần cô ạ. Cái cháu cần là sự trong sạch mà thôi.

– Vậy cô phải làm sao?

– Cháu đã chấp nhận lời xin lỗi của cô rồi thì chuyện này chấm dứt ở đây được rồi cô ạ.

Bà ta nghe tôi nói vậy thì thở phào nhẹ nhõm một hơi, cười cười đáp:

– Cảm ơn cháu nhiều. À nếu được, cháu nói giúp cô tới cậu Quân một câu nhé.

“Cậu Quân” bà ta nói đến đây khiến cả người tôi khựng lại. “Quân” mà bà ta nhắc đến có phải là cảnh sát Phạm Thiếu Quân không? Chắc có lẽ không trùng hợp đến thế chứ? Nhưng ở cái đất Hà Nội này, tôi chẳng quen biết người đàn ông nào tên Quân ngoài anh cả. Tôi hỏi lại:

– Cô đang nhắc đến anh cảnh sát Phạm Thiếu Quân sao?

– À đúng là cậu ấy đó. Cô không nghĩ cháu lại quen cậu ấy. Có gì cháu nói giúp cho cô với cậu ấy một câu nhé, cô đội ơn cháu nhiều lắm.

Nhân cơ hội đó tôi hỏi bà ta chuyện xảy ra tiếp theo ngày hôm đó. Hoá ra người đàn ông ấy là Quân, người đưa tôi vào viện là anh, người thanh toán viện phí cho tôi là anh, và chắn chắn người mà khiến bà ta đến đây xin lỗi tôi cũng là anh. Trái đất này tròn thật ấy, đi một vòng trong khoảng thời gian ngắn ngủi thôi mà anh lại giúp tôi quá nhiều, vậy mà ngay đến lời cảm ơn tôi cũng không thể nói với anh. Bà ta nói chuyện với tôi thêm vài câu nữa thì đứng dậy ra về, tôi có trả lại túi quà cho bà nhưng bà ta kiên quyết không nhận rồi chạy vội vào trong chiếc xe ô tô phóng đi mất.

Buổi tối tôi nấu cơm xong mà cái Ly vẫn chưa về, tôi đợi cơm đến 8 giờ tối vẫn không thấy nó, lấy điện thoại ra tôi gọi cho nó mấy cuộc đều thuê bao. Cái con bé này, chắc có lẽ nó không biết hôm nay tôi lên Hà Nội nên mải chơi không biết đường về luôn sao? Thời gian cứ thế trôi qua, đồng hồ điểm 9 giờ tối rồi vẫn không thấy bóng dáng nó đâu. Cuối cùng tôi sốt ruột định phóng xe đi tìm thì nhận được điện thoại của cái Ngân gọi đến, giọng nó gấp gáp vọng ra:

– Mày đang ở đâu thế? Đã lên Hà Nội chưa?

– Tao lên chiều nay rồi.

– Mày phóng xe đến ngay quán bar Shin đi. Tao vừa đi cùng sếp qua quán bar đó thấy cái Ly cùng mấy đứa vào bar đấy. Tao mà không vội đi ký hợp đồng với sếp thì tao xuống lôi cổ nó về rồi.

Chân tay tôi lập tức bủn rủn, quán bar Shin nổi tiếng dành cho tụi ăn chơi trác táng mà cái Ly đâm vào đấy làm gì? Tắt điện thoại xong tôi mặc vội cái áo khoác mỏng phóng xe đi thẳng đến quán bar. Lần đầu tiên trong đời tôi bất chấp luật lệ giao thông, cứ nghĩ đến cảnh tụi nó bay lắc trong đó mà người tôi rực lửa, chỉ biết phóng xe thật nhanh đến đó càng sớm càng tốt. Lúc tôi bước vào đến cửa quán, nhân viên bảo vệ liền chặn lại hỏi:

– Đi đâu đây?

Từng tốp cô gái bước qua tôi, người nào người nấy đều ăn áo hai dây, váy ngắn, váy cúp ngực. Nhìn xuống bản thân mình, quần bò áo phông, đã thế còn khoác thêm áo ngoài nên bảo sao bị chặn lại. Tôi ngập ngừng vài giây rồi bình tĩnh đáp:

– Em vào trong bar, đám bạn em đang chờ trong đó.

– Bạn của anh Hổ à?

Hổ nào? Tôi đâu biết anh ta là ai nhưng để được vào trong tôi cứ nhận liều:

– Dạ vâng. Em trốn bố mẹ đi nên không dám mặc váy ngắn. Vào trong đó em thay sau được không?

Người bảo vệ nhíu mày nhìn tôi, định nói gì đó thì một người khác đi tới thì thầm vào tai anh ta cái gì đó. Anh ta liền hất tay ý nói tôi vào trong. Đây là lần đầu tiên đến bar, những tiếng nhạc đinh tai nhức óc kèm theo những ánh đèn đủ sắc màu chớp nháy khiến tôi có chút loạng choạng khi mới bước vào. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh, ở đây rất đông người, trai gái đủ cả nên rất khó để xác định cái Ly đang ở đâu. Trên sân khấu thì mấy cô gái đang uốn éo theo tiếng nhạc, thỉnh thoảng lại một tiếng rú lên khiến tôi giật mình. Sau một hồi đưa mắt tìm kiếm, tôi lơ ngơ hệt như đứa trẻ lạc mẹ. Tôi tìm các góc quanh bar, tìm muốn mờ mắt vẫn không thấy cái Ly đâu. Lúc tôi định bước lên tầng 2 để tìm kiếm thì bị chặn lại, người đàn ông áo đen sắc mặt hầm hầm quát:

– Đi đâu lên đây? Mau cút xuống!

Tôi liếc mắt nhìn về phía tầng 2, có chút chần chừ định xin anh ta cho mình lên đó thì chưa kịp mở miệng anh ta lại quát:

– Còn chưa cút?

Anh ta vừa dứt lời thì một giọng nói phía sau tôi vang lên:

– Tránh đường!

Tôi giật mình quay đầu lại, ngàn vạn lần tôi không nghĩ người đang đứng trước mặt tôi bây giờ chính là Quân. Lúc này, anh không hề giống bất kỳ hình ảnh nào trong ký ức của tôi. Anh mặc cả một cây màu đen, mái tóc chia 7-3 gọn gàng nhưng nhìn anh lúc này mặt lạnh lùng, không rõ cảm xúc. Tác phong của anh dứt khoát và có một vẻ cao ngạo không dễ tiếp cận. Tôi đã nghĩ sau khi gặp lại anh sẽ có rất nhiều điều muốn nói với anh, nhưng giờ phút này anh giống như một vị hoàng đế trên thiên hạ, còn tôi như một người dân ở đáy của xã hội nên không biết nói gì.

Mãi cho đến khi giọng nói của người đàn ông kia vang lên mới khiến tôi bừng tỉnh:

– Anh Quân, anh Hổ đang chờ anh ở trên.

Quân khẽ gật đầu, rồi ra lệnh:

– Đuổi cô ta ra ngoài!
Chương trước Chương tiếp
Loading...