Ở Nơi Nào Có Cây Dẻ Gai

Chương 23



Di muốn nghe điện thoại. Bởi cô muốn nói với đầu máy bên kia rằng hãy nói “A lô”, hãy hỏi: “Có phải Di đang nghe máy không?”. Một cuộc đối thoại thì nên như thế. Đừng chỉ là những tiếng thở quen thuộc bên cạnh tiếng gió xa lạ đến thảng thốt. Nhưng Di cũng đã im lặng trước câu hỏi của Vũ sáng nay. Sao người khác lại làm cho tâm trí Di xáo trộn như vậy? Di không phải là người có thể trả lời câu hỏi nên ở lại hay ra đi của Vũ. Người duy nhất có thể trả lời sẽ còn một đêm nay nữa để suy nghĩ. Sáng mai cô ấy có tới hay không với bản thân Di cũng là một điều bí ẩn. Nhưng nếu Vũ ở lại thì Di mong Vũ sẽ có điều mà anh muốn chứ không phải ở lại để rồi một hôm nào đó, Di lại tìm thấy anh đứng trân trân trước cánh cổng sắt của ngôi nhà hai tầng ở ngoại ô hay vui vẻ kể với Di lúc uống cà phê rằng tối hôm qua anh đã say mềm. Dù chỉ là một lý do bâng quơ sẽ đưa cô quay lại khoảnh đồng hoa, Di cũng không muốn việc anh ở lại, tiếp tục sống theo cách như vậy có liên quan đến sự tồn tại của cô.

Ban công nhà đối diện sáng đèn cả đêm. Có lẽ nào anh ta cũng như Di, đang chờ đợi quyết định của một người? Di không muốn ra ban công ngồi, cái khăn quàng cổ màu xanh Di đã giặt rồi. Hôm nay vẫn là một ngày lạnh. Bó hoa Di cắm nguyên cành lòa xòa trên bàn phấn đã rụng những cánh đầu tiên. Đôi lần, qua cửa sổ Di thấy Vũ đứng hút thuốc trầm ngâm. Cô thiếp đi khi đang ngồi dựa lưng vào bàn phấn, dưới những cành hoa mảnh khảnh vươn ra khoảng không trên đầu.

Không biết Di đã ngủ bao lâu nhưng khi cô cựa mình tỉnh dậy thì cô đang nằm trên giường. Bên cạnh gối là một tờ giấy gấp tư. “Chào Di!” Di đọc xong dòng đầu tiên thì cơn ngủ cũng tan biến. Cô nhìn sang ban công nhà bên cạnh. Lối cửa ra ban công và cửa sổ đều đóng kín. Vội vàng, Di chạy xuống cầu thang, bỏ quên cả áo khoác. Cửa phòng Vũ đã khóa. Trên tấm thảm chùi chân trước cửa nhà vẫn còn một vệt giày, không biết là cũ hay mới nữa. Di chạy xuống đường, ra đến tận đầu con dốc, vừa chạy vừa nghĩ tới hình ảnh những cái bánh xe va li nho nhỏ lăn trên đường và Vũ ở đâu đó ngay trước mặt. Sương vẫn còn giăng trên nóc nhà, chỉ có mấy người đi tập thể dục sớm đi ngược đường với Di. Di giữ chặt tờ giấy trong tay cho đến khi trở về nhà. Phố nhỏ sau lưng cô bỗng trở nên xa lạ. Di quay trở lại chỗ mình nằm, kéo chăn đắp ngang người một lúc rồi mới mở tờ giấy ra.

“Chào Di,

Lần sau nếu không ốm thì nhớ ngủ trên giường nhé!

Tôi muộn tàu mất rồi, phải đi thôi, không đánh thức Di dậy được. Hôm trước để Di phải chờ, tôi chưa có nói xin lỗi. Bây giờ tôi nói đây. Hôm đó tôi đã đi tìm cho Di một thứ. Đáng lẽ phải nên có nhiều kiểu để Di chọn nhưng khắp thành phố chỉ có một chỗ này bán thôi. Hy vọng Di sẽ thích và cho xanh da trời nghỉ ngơi một chút”

Di mở cái hộp ở cuối giường. Những cái khăn len màu sữa, màu đen, màu đỏ, màu hồng được cuốn tròn trong hộp. Di đặt bàn tay mình lên những sợi len mềm mượt, những sợi len duy nhất ở thành phố này không làm cho gương mặt cô ửng đỏ.

“Quên nữa, tôi gửi Di một cái phong bì. Khi nào bạn tôi tên Phong tới tìm thì Di đưa cho nó hộ tôi nhé! Đêm hôm trước chia tay, hai đứa uống say quá nên tôi chưa đưa cho nó được. Nhưng nhớ này, đừng để nó nhìn thấy cái chậu cây đặc biệt của Di nhé, tuyệt đối không đấy!

Đừng tò mò nhiều về người sẽ ở đối diện nhà Di, người đó không hiền như tôi đâu. Tôi nghĩ ở gần bên Di và mọi người, Thu sẽ ít bị phiền phức hơn.

Chào mọi người hộ tôi nhé!

P/s: Tôi chắc cũng sẽ nhớ Di nhiều đấy.”

Vũ không ký tên. Bức thư kết thúc ở đó. Dưới đáy cái hộp đựng khăn là bức ảnh Di ở cánh đồng hoa, một cơn gió vô tình đã làm tóc Di bay che kín một nửa gương mặt, chỉ còn để lộ khuôn miệng cười. Bức ảnh chắc được Vũ chụp bằng di động.

Ngày cuối cùng ở lại thành phố này, Vũ dành để đi tìm những chiếc khăn len.

Khoảnh đồng hoa tím của Di đã tàn hết. Trước khi dỡ những thân cây sắp héo rụi đi, ông lão xanh chòi gọi Di tới. Ông gom cho Di khóm hoa cuối cùng. Những bông hoa cuối mùa nên sắc tím xanh đã nhạt, cánh càng mỏng hơn. Di ngồi trên đồng hoa một mình. Những ký ức cũ chưa kịp quên đi thì Di đã góp nhặt cho mình những ký ức mới. Di không biết phải sắp xếp tất cả trong tâm trí mình ra sao. Cô nhận ra rằng bản thân mình mới chính là điều khiến cô phải băn khoăn. Khi hai người đã bước ra khỏi ranh giới xa lạ rồi thì sẽ không bao giờ quay trở lại từ đầu được nữa, chỉ có thể là một trong hai điều, tình yêu hay vết sẹo mà thôi. Một người đã mang sẵn vết sẹo cũ như cô lấy gì để đảm bảo sẽ không làm tổn thương người khác?

Điện thoại của Di lại rung bần bật trong túi áo. Di đặt bó hoa sang bên cạnh rồi bắt máy. Vẫn là tiếng thở quen thuộc và tiếng gió ở đâu đó vọng lại xa xôi.

“A lô.” Di lên tiếng.

Tiếng thở như nín lặng.

“Anh phải không?”

Yên lặng một hồi rồi đầu máy bên đó trả lời: “Anh đây.” Tiếng nói của anh vang lên ấm ấm, trầm trầm. Lồng ngực Di nhẹ bẫng.

“Em sao rồi?”

Di không trả lời, ôm bó hoa trên tay và bước chông chênh trên bờ ruộng.

“Em sống có tốt không?” Anh hỏi thêm.

“Không anh ạ, tệ lắm!” Di trả lời.

Còn tròn một tháng nữa là đến sinh nhật Di. Thằng Phương đề nghị sẽ đóng cửa quán, tự mở party. Năm nay Di hai mươi sáu, chính thức hướng về đầu ba, nó kiên quyết phải tổ chức thật trọng đại. Di bảo nó chẳng có cái party nào trọng đại khi tổng số cả khách lẫn chủ chỉ có bảy người, tính cả Hiền và Nam. Năm nay Di muốn tổ chức ở nhà, ăn lẩu rồi xuống quán nghe Kimora hát. Đứa nào tốt thì buổi sáng dậy mua cho Di cái bánh mì. Thế là cả bọn đùn đẩy nhau xem đứa nào sẽ là người tốt. Khó mà làm người tốt được lắm khi phải thức dậy sớm trong những đợt rét cuối mùa se sắt. Cuối cùng thì Kimora xung phong. Thu và thằng Vinh được thể bĩu môi chê bôi người ngoại quốc còn ngây thơ quá, đắp chăn đến chính giờ nên chưa biết mùi sáu giờ sáng mùa lạnh ở thành phố này. Kimora chỉ cười, mái tóc mới dài ra được một chút đã bị cắt ngắn ngủn, nhìn vừa ngộ nghĩnh vừa đáng yêu.

Mọi người phân công nhau chuẩn bị. Thi thoảng, lúc gặp chuyện gì mà chẳng đứa nào biết làm thì lại có đứa chẹp miệng, thở dài thườn thượt: “Nhớ ông Vũ quá!” Bạn bè mới tốt làm sao, nhớ đến như thế nhưng thật ra chẳng đứa nào có nổi cái số đối tượng. Chỉ quen đứng từ ban công bên này ngong ngóng sang bên kia. Di đã quen với việc chốc chốc lại có ai đó nhắc đến Vũ. Lúc ăn canh bị mặn, thằng Phương than: “Nhớ ông Vũ quá!” Lúc hát bài You’ve Gonna Make Me Lonesome When You Go trên sân khấu, Kimora trầm ngâm nói luôn vào mic: “Nhớ anh Vũ quá!” Lúc thèm ăn xúp cua, thằng Vinh chán đời: “Nhớ ông đầu bếp quá!” Lúc gửi tiền cho ông bố tai quái của mình, Thu cũng kêu ca: “Nhớ ông Vũ quá!” Lâu dần, chẳng cần lý do chuẩn xác, trời mưa cũng có đứa nói: “Nhớ ông Vũ quá!”, say rượu cũng có đứa lè nhè: “Nhớ ông Vũ quá!” Chỉ mới gặp nhau mà có nhiều thứ cho chúng nó nhớ quá, Di quen thì quen nhưng cũng có nhiều lúc thấy sốt ruột. Di cập nhật thêm một sở thích là xóa số mới trong lịch sử cuộc gọi. Nhiều lúc đang ngồi canh quán, bỗng Di la oai oái rồi lên nhà lục điện thoại ra xóa số làm mấy đứa bạn hết hồn. Chúng nó chửi Di hâm. Nhưng nếu không xóa nhanh thì những số cũ sẽ trôi đi mất.

“Này!” Thằng Phương đưa điện thoại cho Di trong lúc cô đang dáo dác tìm trên sofa trước khi đóng cửa quán. Cả bọn chia tay nhau ở cửa. Vinh có việc nhà đã về từ sớm. Di bảo Phương đưa Kimora về.

“Tới bây giờ đây.” Nó cúp điện thoại rồi nói với Di mà không nhìn Kimora. “Tao có việc rồi.”

Thu liếc nhìn Di rồi lắc đầu. Nó quay mặt sang một bên, chẳng muốn nhìn thằng Phương nữa.

“Kimora có đi xe tới mà”, Kimora nói chen vào.

“Tay như vậy đi xe làm sao được.” Thằng Phương nói cộc cằn rồi rút điện thoại ra gọi taxi.

“Em đi xe về, ngày mai còn mấy việc phải đi”, Kimora nhẹ nhàng giải thích.

“Vậy thì mai gọi taxi mà đi.” Thằng Phương nói cộc lốc. Thấy không khí căng thẳng, Thu ân cần nói với Kimora: “Tay còn yếu lắm, nếu không đi taxi thì ở đây với Thu, với Di. Mai đi đâu, Thu chở.”

Kimora vội xua tay: “Không cần đâu mà. Kimora chạy xe máy bình thường mấy hôm rồi, đâu có sao, đi thôi.”

Cô nói rồi lôi chùm chìa khóa ra, định đi tới chỗ gửi xe ở đầu đường nhưng đã bị thằng Phương giữ lại.

“Anh làm cái gì thế?”

“Đứng đây đợi taxi.”

“Em không muốn.”

Thằng Phương chẳng trả lời, nó nắm chắc cổ tay Kimora, mặc kệ cô có vẻ khó chịu. Điện thoại của thằng Phương lại đổ chuông. Nó không nghe máy. Không khí vô cùng ngột ngạt. Di và Thu bối rối nhìn nhau. Tiếng chuông điện thoại vẫn vang lên không ngừng. Kimora như sắp khóc nhưng vẫn cố mở ta đôi mắt vẻ thách thức. Di vỗ vai thằng Phương rồi cô và Thu bỏ lên nhà trước. Lên đến nửa chừng cầu thang thì Thu kéo áo Di lại.

“Gì vậy?” Di hỏi.

“Ngồi đây.” Thu chỉ bậc thang chỗ mình đang đứng.

“Không tiện đâu.” Di nhăn mặt.

“Tao lo cho Kimora lắm và chẳng có tí lòng tin nào vào thằng Phương cả. Nếu nó bỏ đi, còn xuống với Kimora kịp.” Nó kiên quyết ngồi xuống. Di cũng ngồi xuống theo. Lần này cũng giống hệt lần trước Di và nó ngồi canh thằng Phương nói chuyện với Nhã. Mà lần đó nó nói đúng, cuối cùng Nhã đi mất, bỏ lại thằng Phương đứng chơ vơ một mình.

“Anh nghe điện thoại đi”, Kimora nói nhỏ. Thằng Phương không trả lời.

“Đừng làm em muộn thêm nữa.”

Thằng Phương giằng lấy chìa khóa xe của Kimora: “Anh đưa em về.”

“Em đã bảo là không cần”, Kimora lặp lại.

“Không nói nhiều nữa!” Thằng Phương gằn giọng.

Kimora rút mạnh tay cô ra khỏi tay nó, giọng bình tĩnh: “Em không muốn đi về với anh. Lý do: em có thể tự đi về được. Đừng làm phiền em vì mấy tiếng chuông điện thoại liên hồi đó.”

Thằng Phương ngắt điện thoại, chắc hẳn nó đã rất bối rối và tức giận. Cầu thang tối quá, Di không nhìn rõ mặt nó.

“Em không dằn dỗi và kiếm cớ làm khó bản thân mình. Nếu đó là điều mà anh đang nghĩ.”

Kimora quay người bước đi. Được vài bước thì thằng Phương lên tiếng: “Em quay lại đây làm gì?”

Thu thở dài.

Tiếng bước chân Kimora đi xa mãi…

Thằng Vinh tới quán vào buổi chiều ngày hôm sau và thấy chiếc xe của Kimora vẫn ở chỗ gửi. Nó mang xe tới cho cô. Kimora ở nhà, nhìn cô có vẻ mệt mỏi, bộ đồ và đôi giày của ngày hôm qua vẫn ở nguyên trên người. Cô không có ý muốn mời nó vào nhà, chỉ cười thật tươi và cảm ơn nó. Di và Thu không cản được thằng Vinh. Nó tới tận nơi thằng Phương đang ở, người bạn của Phương đang nấu ăn trong bếp còn thằng Phương nằm trên sofa lơ mơ ngủ. Nó dựng cổ thằng Phương dậy, chẳng nói năng gì, tung một cú đấm khiến cho anh nó, ông chủ của nó ngã lăn xuống sàn, miệng bật máu. Nó nhìn thằng Phương trong giây lát, ánh mắt đầy giận dữ. Thằng Phương không phản ứng lại, chỉ ra hiệu cho người bạn của nó không cần lo lắng. Xong xuôi, mặc thằng Phương vẫn đang nằm trên sàn nhà, thằng Vinh chào người bạn, xin lỗi vì đã làm phiền, đóng cửa rồi mới rời đi.

Thu và Di theo nó về. Cả đoạn đường dài trên taxi không đứa nào dám lên tiếng. Gương mặt nó đầy vẻ căng thẳng. Về tới nơi, nó lên thẳng phòng Di, vơ ngay cái cốc trên mặt bàn ném choang ra cửa. “Thằng khốn đó biết!”

Thêm một cái cốc nữa. “Nó biết!” Suýt chút nữa, nó quăng cả cái bàn của Di ra ban công. Cuối cùng, nó ngồi xuống góc giường, cố bình tĩnh lại, hai mắt hoe đỏ giận dữ.

Thu rót cho nó một cốc Jack, Di thì mở lon tonic rồi cả hai ngồi xuống bên nó.

“Kimora sao rồi?” Thu hỏi.

“Ngồi ở cửa cả đêm”, nó trả lời.

“Rõ ràng cũng tốt mà.” Thu lấy cốc của thằng Vinh uống trước rồi nhăn mặt. “Sao tao vẫn phải uống cái thứ nhạt nhẽo này nhỉ?”

Di không trả lời, cô uống tonic trong lon.

“Còn giận không?” Di hỏi thằng Vinh.

Thằng Vinh gật đầu.

“Nó sống như vậy lâu quá rồi, bây giờ bản thân nó cũng chẳng biết nó là ai nữa”, Di nói.

“Nhưng thằng khốn đó biết nó cảm thấy cái gì… Nếu nói là đáng ăn đòn thì cả tôi và hai bà đều đáng ăn vài cú đấm.”

Thằng Vinh nói đúng. Giá Kimora có thể đánh cho bọn Di một trận thì tốt biết bao. Bao nhiêu hy vọng về thằng Phương, tất cả dồn cho Kimora. Mỗi ngày trôi qua, chứng kiến sự thay đổi dù rất nhỏ của thằng Phương, cả bọn đều vui mừng, thậm chí là huyễn hoặc bản thân. Cả bọn đã vô tình đẩy Kimora tới quá gần thằng Phương, tới nơi đầy những lạnh lùng, cô độc và mệt mỏi mà nó đã xếp thành hàng gai nhọn để làm ranh giới. Kimora càng tiến sâu hơn thì sự tổn thương cũng sâu hơn. Bọn Di không biết hay giả vờ không biết, để cô gái bé nhỏ đó chịu đựng một mình. Nếu như Di nghĩ tới Kimora như nghĩ tới thằng Phương thì có lẽ cô đã nằm ngay xuống đất để cản đường, không đời nào cô thấy mái tóc ngắn cũn cỡn đó là dễ thương. Kimora là cô ca sĩ với làn da ngăm đen, mái tóc xoăn dài xõa tung dưới vành mũ amish.

Mỗi người đều có một hình ảnh riêng mà chúng ta không thể quên khi nhớ tới họ. Như thằng Phương với bên tai trái xỏ khuyên đen, cây guitar với chữ N khắc trên cần đàn và món canh sườn khoai tây. Như Thu với bộ đồ lóng lánh kim sa, đôi mắt to dài và cháo trứng muối… Khi một người mất đi rồi thì đó là tất cả những gì mà ta sẽ giữ gìn trong tâm trí, dù cho những kỷ niệm hay những câu chuyện trong quá khứ chẳng còn hình dáng rõ ràng. Những băn khoăn, dằn vặt, suy tính thiệt hơn hay thậm chí là yêu thương, hận thù mà ta dành cho người đó cũng phút chốc chẳng còn ý nghĩa. Người ta chỉ có thể làm cho nhau yêu thương hay làm cho nhau đau khổ khi còn có cả hai người. Dù là chân trời góc bể hay gần ngay trước mắt, chỉ cần biết người đó còn tồn tại trên cõi đời này thì tất cả những yêu thương hay giận dữ đó của ta mới còn ý nghĩa. Thằng khốn đó biết như vậy, nó biết rằng chỉ trong một giây phút ngắn ngủi thằng Vinh đã mất đi tất cả ý nghĩa của tất cả những cảm xúc mà nó có. Tuyệt vọng…

Vậy thì tại sao lại đẩy người mình yêu thương ra xa mình khi vẫn còn dù chỉ là một mảnh hy vọng nhỏ nhoi.

Có lẽ lúc đó, khi nhìn thằng Vinh, Thu đã nghĩ tới mẹ, ngón tay nó chạm nhẹ vào cái nhẫn của bà trên tay, bàn tay kia nắm lấy tay Vinh.

Cây xương rông trong chiếc giày treo ở ban công lay lay trong gió.

Kimora không trở lại nữa, không để lại cho ai một lời nhắn hay một lời chào. Giống như mưa bụi của mùa xuân, mới vương trên áo đây nhưng giờ đã không còn dấu vết. Đó có lẽ là một phần trong những việc cô bảo đã suy nghĩ thông suốt trước đó mà Di chưa được biết. Cô từng nói với Di, dù có chuyện gì xảy ra thì cũng hãy hiểu cho cô. Lời tạm biệt mọi người có lẽ cô đã nói lúc ấy rồi. Đó chỉ là một cuộc cãi vã thông thường, một đêm trong rất nhiều đêm cô đi về một mình và thằng Phương tìm đến với thằng bé của nó. Những quan tâm nhỏ nhặt và những lạnh lùng dài lâu, tưởng đâu Kimora đã quen. Có lẽ cô từng rất cô đơn trên con đường trở về nhà mỗi đêm… giữa thành phố này và mùa đông lạnh giá. Nỗi băn khoăn tại sao cô trở lại nơi này có lẽ cũng gặm nhấm cô ngày qua ngày nhưng cô đã kiên nhẫn chờ đợi đến một lúc thằng Phương có thể trả lời cho cô biết.

Tiếc rằng thằng Phương không có câu trả lời nào cả, nó chỉ có sự hoang mang.

Mỗi lần nó đứng so dây đàn trên sân khấu hay vô tình nhìn ra ngoài cửa quán, cô biết nó đang nghĩ tới Kimora. Nhưng nó không hối hận. Kimora là người bạn duy nhất mà nó không cho phép “Được ngu ngốc theo cách mà họ muốn”. Nếu nó còn nhìn thấy Kimora như nhìn thấy một tảng đá lạnh thì nó đã giữ cô ở bên mình. Thế giới của nó giờ đây sẽ bao gồm đàn ông, phụ nữ, bạn bè là phụ nữ và Kimora, một Kimora với mái tóc xoăn dài xõa tung dưới vành mũ amish, một Kimora với nụ cười hồn nhiên khi hát bài dân ca về cô bé ngốc nghếch đi lạc mẹ dù đó là một Kimora ở rất xa xôi.

Ngày mai là sinh nhật Di rồi. Vào ngày sinh nhật, sẽ không còn ai là người tốt để thức dậy mua cho cô một cái bánh mì nữa. Di bỗng cảm thấy hẫng hụt.

“Ngày mai tính sao đây?” Thu uể oải hỏi khi đang kiểm tra lại sổ sách trước khi đóng cửa quán.

“Kế hoạch vẫn như cũ thôi”, thằng Vinh trả lời. “Năm ngoái cũng chỉ có từng này người nhưng sao vui thế, năm nay thì…”

“Tại người ta cứ kéo nhau đến rồi kéo nhau đi hết đấy chứ.” Thu phẩy phẩy cái bàn vẻ chán nản.

“Toàn bị đuổi đi chứ có phải người ta tự đi đâu.” Thằng Vinh nói rồi nó với Thu lườm lườm nhìn Di và thằng Phương.

Di quay đi ủ dột, gục đầu vào quyển sách trên gối. Số điện thoại trong lịch sử cuộc gọi cô đã xóa cẩn thận rồi. Nhìn Di, thằng Phương cáu kỉnh: “Muốn gì đây?”

“Sáng mai mày qua mua bánh mì cho tao”, Di mè nheo.

“Tao bận rồi.”

“Mai sinh nhật tao.”

“Sinh nhật thì liên quan gì đến ăn? Để ngày kia đi.”

“Ngày kia tao đi chụp từ sớm rồi.” Di gườm gườm nhìn nó như thể nó không biết vì nó mà người tốt của Di đi mất ấy. Cô tức khí cầm cái điện thoại lên, bấm một dãy số không lưu tên mà cô không ngờ mình nhớ. Thằng Vinh đứng sau lưng Di, vừa lau cốc vừa cằn nhằn: “Còn thiếu một số.”

Thằng Phương khó chịu ra mặt, giằng lấy cái điện thoại của Di, bấm tít tít, chẳng kịp để Di nói gì.

“A lô!” Nó nói vào điện thoại. “Tôi đây. Sáng mai tôi bận, ông sang mua hộ nó cái bánh mì.” Nó cúp máy, mặt tỉnh bơ, ném cái điện thoại về chỗ Di.

“Này!” Di gọi với theo nó.

“Đồng ý rồi, đừng lằng nhằng nữa, tao đi đây.”

Nó đi mất, bỏ Di, Thu và Vinh ngồi ngơ ngác trên ghế.

Vũ đồng ý ngay lập tức vì lúc thằng Phương gọi thì anh đã đang tìm chỗ ngồi của mình trên xe rồi. Sau khi yên vị với đống đồ đạc, anh gọi lại cho Di.

Di bắt máy, Thu và thằng Vinh ngồi ép sát hai bên.

“A lô…” Di ngập ngừng.

“Di hả? Tôi đây. Chắc tôi đến nơi cũng đã quá nửa đêm rồi. Tôi sang nhà bạn ngủ. Sáng mai gặp nhé!”

“Ừm…” Di gật đầu với cái điện thoại. Thu huých cô một cái.

“Vũ… ờ… Tôi…” Chẳng đợi Di nói hết câu, thằng Vinh đã giằng máy, còn Thu thì mắng cô: “Sốt ruột quá!”

Hai đứa “Tra hỏi” cái điện thoại một hồi rồi Thu vừa thở dài vừa buông một câu nghe thắm thiết: “Tôi nhớ ông đấy” làm cả Vinh và Di bật cười.
Chương trước Chương tiếp
Loading...