Phiêu Lưu Vào Mỏ Than Aberfoyle

Chương 1: Hai lá thư mâu thuẫn nhau



Cùng trong một ngày mà kỹ sư James Starr nhận được hai lá thư có nội dung hoàn toàn mâu thuẫn nhau.

Bức thư thứ nhất do một người thợ mỏ già vùng Aberfoyle tên là Simon Ford gửi tới. Trong thư ông này mời kỹ sư James Starr đến ngay mỏ than Aberfoyle nơi ông đã làm việc mấy chục năm về trước. Sẽ có nhiều điều kỳ lạ đáng để cho kỹ sư quan tâm. Cuối thư, người viết yêu cầu ông giữ kín về thông tin này.

Ngay chiều tối hôm đó, một bức thư thứ hai lại gửi tới tay kỹ sư James Starr. Lá thư này cũng mang dấu bưu điện vùng Aberfoyle nhưng người gửi không nêu rõ danh tính của mình. Đó là một lá thư nặc danh mà nội dung vừa có ý đe dọa, vừa khuyên ông đừng nên bận tâm tới lá thư thứ nhất nữa, bởi vì những thông tin đó chẳng có mảy may giá trị nào cả.

Vốn là một con người tò mò, ham khám phá những điều bí ẩn, kỹ sư James Starr cương quyết tới mỏ than như lời mời gọi của người thợ mỏ già Simon Ford. Khi tới mỏ than Aberfoyle, kỹ sư James Starr được gia đình thợ mỏ Simon Ford đón tiếp rất nồng nhiệt.

Họ cho ông biết về những hiện tượng kỳ lạ xảy ra trong mỏ than trong thời gian gần đây. Những hiện tượng đó cho phép ta hy vọng tìm ra một trữ lượng than khổng lồ trong khi mỏ Aberfoyle vốn được coi như một mỏ than đã được khai thác cạn kiệt từ mười năm nay.

Sự có mặt của kỹ sư James Starr nhằm khẳng định, bằng những luận chứng khoa học, sự tồn tại của trữ lượng than giàu có chưa từng được khai thác.

Có một điều kỳ lạ xảy đến với họ là hình như có một bàn tay bí mật nào đó đang tìm cách ngăn cản họ đi tới kết luận sau cùng.

Với một quyết tâm sắt đá, kỹ sư James Starr cùng gia đình nhà Simon Ford lao vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm, cuộc phiêu lưu mà họ có thể phải trả giá bằng mạng sống của mình, để khám phá ra những điều bí ẩn nói trên.

Liệu họ có đạt tới mục đích cao cả sau cùng? Với văn tài riêng biệt của ông về thể loại tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm, viễn tưởng, Jules Verne lại một lần nữa dẫn dắt chúng ta vào thế giới kỳ vĩ ẩn sâu trong lòng đất của vùng than Aberfoyle, một vùng mỏ giàu có của xứ Scotland thuộc vương quốc Anh.

Nhà xuất bản Trẻ

Kính gửi kỹ sư J.R.Starr

Số 30 Canortgate - Edimbourg

Nếu ngày mai, ông kỹ sư James Starr trở về khu mỏ Aberfoyle, hố Dochart, giếng Yarow, ông sẽ được biết một tin quan trọng. Ông kỹ sư sẽ được đón tại nhà ga Callander, trong suốt cả ngày. Người ra đón ngài là anh Harry Ford, con trai của người cựu đốc công Simon Ford.

Chúng tôi kính mong ngài giữ kín lời mời này đứng để người khác biết.

Trên đây là nội dung bức thư thứ nhất mà kỹ sư James Starr, nhận được ngày mùng 3 tháng Chạp năm 18.... Ngoài bì thư có đóng dấu bưu cục Aberfoyle, quận Stirling, xứ Scotland.

Trí tò mò của ông kỹ sư được kích thích cao độ. Ông không hề nghĩ là lá thư này chứa đựng một chuyện lừa phỉnh. Đã nhiều năm nay, ông quen biết Simon Ford, một trong những cựu đốc công của vùng mỏ Aberfoyle, nơi mà trong hai chục năm, ông từng làm giám đốc, hay còn gọi là quản đốc, theo cách gọi ở các mỏ than Anh quốc.

James Starr là một con người có thể tạng vững chắc, vì vậy, mặc dù đã năm mươi nhăm tuổi mà trông ông cứ như đang tuổi bốn mươi. Ông thuộc một dòng họ cổ xưa vùng Edimbourg, lại là lớp người ưu tú của dòng họ. Công việc của ông đã làm vẻ vang cho toàn thể các kỹ sư khai thác mỏ than ở Vương quốc Anh, cũng như ở Cardiff, từ New Castle cho đến các quận vùng Hạ Scotland. Tuy nhiên, chính ở trong lòng các mỏ than bí ẩn vùng Aberfoyle, tiếp giáp với vùng mỏ Alloa và chiếm gần hết diện tích quận Stirling, tên tuổi của kỹ sư James Starr mới được nhiều người nhắc đến. Chính tại vùng này, ông đã sống gần hết cuộc đời mình.

Người Anh đã gọi toàn thể các mỏ than rộng lớn của họ bằng một cái tên rất có ý nghĩa: “Các xứ Ấn Độ đen”; và các xứ Ấn Độ này có thể đã đem lại cho Vương quốc Anh sự giàu có khủng khiếp còn hơn sự đóng góp của nước Ấn Độ phương Đông. Tuy nhiên sự tiêu thụ năng lượng đã gia tăng một cách đáng kể trong những năm cuối của thế kỷ. Điều này dẫn tới sự khai thác đến mức kiệt quệ của vỉa than. Giờ đây các mỏ than gần như bị bỏ trống, trơ ra những lỗ giếng toang hoác và những đường hầm vắng lặng.

Đó chính là tình trạng của khu mỏ than Aberfoyle.

Mười năm về trước, chiếc xe ben cuối cùng đã bóc đi tấn than cuối của mỏ. Tất cả các công cụ dùng trong việc khai thác đã được kéo lên khỏi các giếng và được vứt chỏng trơ trên mặt đất. Mỏ than cạn kiệt nom giống như những bộ xương khủng long hóa thạch.

Trong số những dụng cụ đó, nay chỉ còn sót lại những chiếc thang bằng gỗ, dùng để đi xuống những hầm than sâu qua lối giếng Yarow - đó là lối duy nhất có thể dẫn vào những ngách hầm phía trong của hố Dochart, kể từ sau khi công việc khai thác mỏ đã ngưng nghỉ.

Phía bên ngoài mỏ, người ta còn thấy sót lại những ngôi nhà xưởng, nơi đặt những máy khoan, những cái giếng, miệng hố dẫn vào trong hầm. Những chỗ đó nay cũng bị bỏ hoang phế như toàn bộ khu mỏ Aberfoyle vậy.

Năm ấy, vào một ngày buồn, những người thợ mỏ đã từ giã mỏ than, nơi họ đã sống và làm việc trong nhiều năm tháng.

Vài ngàn người thợ mỏ đang tập trung, họ là những người tích cực và quả cảm nhất của khu mỏ. Những con người tốt bụng này, đã từ nhiều năm qua, cha truyền con nối, lao động tại đây, khu mỏ Aberfoyle. Giờ đây họ náu lại để nói lời từ biệt với ông kỹ sư, một lời từ giã không hẹn ngày tái ngộ.

Kỹ sư James Starr lúc này đang đứng chờ họ trước cửa những gian nhà xưởng, nơi đã bao nhiêu năm ông điều hành các cỗ máy với áp suất hơi nước cực lớn, dùng cho công việc khai thác.

Simon Ford, người đốc công của hố Dochart, năm đó đã năm mươi lăm tuổi, cùng vài người cai thợ đang đứng vây quanh ông kỹ sư. James Starr tiến về phía họ. Đám thợ mỏ, ngả mũ, đứng yên lặng chờ nghe ông nói. Cái cảnh chia tay này mới cảm động và cao cả làm sao.

- Thưa toàn thể các bạn, - Ông kỹ sư nói - giờ phút chia tay của chúng ta đã tới. Khu mỏ than Aberfoyle, nơi mà trong nhiều năm qua đã tập họp chúng ta lại vì công việc chung, nay đã cạn kiệt. Chẳng những chúng ta không khám phá ra được một vỉa than mới nào mà lại còn tiếp tục khai thác chỗ than cuối cùng của hố Dochart này! Giờ đây, tất cả đã cạn kiệt! Lời nói cuối cùng mà tôi dành cho các bạn là lời chào từ biệt. Tất cả chúng ta đã từng sống nhờ vào công việc khai thác than, giờ đây than đã hết. Đại gia đình của chúng ta sẽ buộc phải phân tán và trong tương lai cũng khó lòng có cơ may để tập họp lại những đứa con ly tán. Nhưng dù các bạn có đi đến bất cứ nơi nào, chúng tôi vẫn để mắt dõi theo bước đi của các bạn, và những lời dặn dò, tiến cử của chúng tôi vẫn đi theo các bạn. Giờ đây, xin từ biệt các bạn và cầu Chúa luôn ở bên các bạn!

Nói xong, mắt đẫm lệ, James Starr giang rộng vòng tay ôm lấy người thợ già nhất mỏ. Kế đó, những người đốc công của các giếng khác nhau, lần lượt đến siết chặt tay ông kỹ sư, trong lúc đám thợ mỏ, giơ cao nón và reo hò :

- Từ biệt ông James Starr, người giám đốc và cũng là người bạn của chúng ta!

Những lời từ biệt đó, rồi đây sẽ trở thành một kỷ niệm sâu sắc trong những trái tim quả cảm. Và lần lượt kẻ trước người sau, đám thợ rời khỏi mảnh sân rộng đó.

Chỉ còn lại duy nhất một người ở lại bên James Starr. Người đó chính là đốc công Simon Ford. Bên cạnh ông già là một thiếu niên, tuổi chừng mười lăm, cậu bé đó chính là Harry, con trai ông, người đã từ vài năm qua, bắt đầu học việc trong mỏ.

James Starr và Simon Ford quen biết nhau từ lâu, và càng hiểu nhau, họ càng quý trọng nhau.

- Từ biệt nhé, Simon - Ông kỹ sư nói.

- Từ biệt ông James, - Viên đốc công đáp lại - nhưng có lẽ ông cho phép tôi nói thêm. Tạm biệt ông!

- Đúng vậy, tạm biệt Simon! - James Starr tiếp lời - Chắc ông cũng hiểu là tôi sẽ vui sướng chừng nào khi gặp lại ông để ta cùng trò chuyện về khu mỏ Aberfoyle của chúng ta!

- Vâng tôi biết, thưa ông James.

- Đừng quên là cánh cửa ngôi nhà tôi ở Edimbourg luôn mở rộng với ông!

- Edimbourg quá xa vời! - Viên đốc công lắc đầu nói.

- Vâng! Thế ông dự tính sẽ cư trú ở đâu?

- Ngay nơi đây, thưa ông James! Chúng tôi sẽ không rời xa khu mỏ, nơi đã nuôi nâng đời tôi, dù cho nguồn sữa mẹ đó có cạn kiệt! Vợ tôi, con trai tôi và tôi, chúng tôi sẽ thu xếp sao cho mình luôn trung thành với khu mỏ này!

- Vậy thì vĩnh biệt Simon - Ông kỹ sư nói mà giọng đã nghẹn ngào vì cảm động.

- Không, không phải vĩnh biệt mà là tạm biệt, thưa ông! - Viên đốc công trả lời - Ông hãy tin lời Simon Ford này là vùng mỏ Aberfoyle sẽ gặp lại ông!

Đây là toàn bộ những gì đã xảy ra mười năm về trước, mặc dù ý muốn của người đốc công là sẽ sớm gặp lại, nhưng kể từ đó James Starr đã không còn nghe nói đến người đốc công này nữa.

Và thế là sau mười năm xa cách, lá thư của Simon Ford đã đến tay người kỹ sư, trong thư lại khẩn khoản mời ông tới ngay mỏ than Aberfoyle.

Một tin quan trọng! Nhưng tin gì mới được chứ? Hố Dochart, giếng Yarow à? Ôi! biết bao nhiêu kỷ niệm của quá khứ đã ùa về trong tâm trí ông? James Starr đọc đi đọc lại bức thư. Ông tìm cách lật đi, lật lại vấn đề theo mọi chiều hướng có thể được. Tại sao Simon lại không viết rõ thêm một chút. Ông thầm trách Simon Ford quá tiết kiệm lời nói.

Rất có thể là viên đốc công này đã khám phá ra một vỉa than mới có thể khai thác? Không!

“Không, ông tự nhắc lại lần nữa, không! Làm sao có thể tưởng tượng những gì mà ta đã hoài công tìm kiếm, giờ đây lại được Simon Ford phát hiện? Tuy nhiên, viên đốc công già này thừa biết trên đời này, ta chỉ quan tâm đến có một điều, rồi còn đề nghị ta giữ kín chuyện này nữa chứ...”

James Starr cứ loay hoay mãi với những ý nghĩ trên. Mặt khác, người kỹ sư hiểu rất rõ Simon Ford là một người thợ mỏ khéo léo, rất có ý thức về nghề nghiệp của mình. Ông chưa bao giờ gặp lại người đốc công này kể từ khi công việc khai thác ở mỏ Aberfoyle chấm dứt. Ông cũng không rõ viên đốc công già giờ đây ra sao, hiện làm gì, ở đâu cùng với vợ con. Tất cả những gì ông biết bây giờ chỉ là một cuộc hẹn ở giếng Yarow và người con trai của Simon Ford tên là Harry sẽ chờ ông ở nhà ga xe lửa Callander suốt cả ngày mai. Rõ ràng là họ muốn mời ông đến thăm khu hố Dochart.

“Ta sẽ đi, nhất định ta sẽ đi!” James Starr lẩm bẩm trong miệng, trong lòng như có lửa đốt khi thấy giờ hẹn càng đến gần.

Thế nhưng, một sự cố bất ngờ đã xảy ra. Nó giống như một dòng nước lạnh làm ngưng tụ nhất thời những giọt hơi nước bốc lên trong ấm nước sôi.

Thực vậy, vào khoảng sáu giờ chiều, người gia nhân đã mang đến cho ông một lá thư thứ hai. Lá thư này đựng trong một chiếc phong bì xấu xí, nét chữ đề ngoài phong bì được viết bởi một bàn tay ít khi cầm đến bút.

James Starr vội xé phong bì ra. Bên trong chỉ một mẩu giấy nhỏ đã bị thời gian làm ố vàng. Hình như nó được xé ra từ một quyển tập cũ.

Trên mẩu giấy đó chỉ vẻn vẹn một dòng chữ sau đây:

“Kỹ sư James Starr không cần bận tâm đến lá thư của Simon Ford làm gì. Lá thư đó giờ đây không còn nói lên điều gì nữa”.

Bức thư không có tên người gửi.
Chương tiếp
Loading...