Phụng Vũ Trần Triều - Nguyên Ninh Truyện

Chương 13-2: Chính Thức Đắc Sủng (2)



Trong vầng nguyệt có cây quế đỏ, trong vầng nguyệt cũng có một nữ nhân cô độc tại cung Quảng Hàn. Cõi đời này bất hạnh nhất không phải là yêu một người không yêu mình, mà là yêu phải một người không nên yêu. Nhưng vốn dĩ có mấy ai kiểm soát được tình yêu? Bởi vì nó là thứ tình cảm chẳng chút rõ ràng. Nó bắt đầu thế nào, kéo dài bao lâu, chẳng ai biết được.

Có những thứ nếu không thử một lần, cả đời sau vĩnh viễn cũng không thể tìm lại. Vậy thì cứ như ngọn pháo hoa toả sáng trên bầu trời, dẫu có lúc lụi tàn, cũng đã từng rực rỡ.

Chỉ thấy trong mưa một người nâng khăn sửa áo, một người tỉ mỉ hoạ mi. Một đoá hoa điền giữa trán càng làm cho nét kiều diễm trên gương mặt của nữ nhân ở kia thêm phần thoát lệ. Nàng không nhanh không chậm, yêu kiều mà ôn nhu đáp lời: “Quan gia so sánh gương mặt thần thiếp như nguyệt diện, không phải là chê cười thần thiếp đầy đặn quá mức đấy chứ?”

Quan gia có chút buồn cười: “Trẫm lại thấy nàng có chút mảnh khảnh. Những món ăn của đám trù sư ở Ngự thiện phòng đem lên không hợp khẩu vị của nàng sao?”

Nguyên Ninh mỉm cười: “Không có!”

Quan gia xua tay: “Nàng phải biết bảo dưỡng thân thể của mình. Xem bộ lát nữa trẫm phải ở lại đây, giám sát việc ăn uống của nàng”

Nguyên Ninh có nét vui vẻ ở đuôi mắt: “Quan gia ở lại dùng thiện với thần thiếp sao?”

Quan gia cúi đầu nói: “Ngoài kia trời hãy còn mưa, nàng lại muốn đuổi trẫm đi hay sao?”

Nguyên Ninh xấu hổ mà cúi đầu: “Thần thiếp không có ý đó”

Quan gia mỉm cười, quay người gọi một tiếng “Thiên Lang” mà căn dặn hắn ta sắp xếp dạ thiện. Chiều đó trên bàn ngập tràn thức ăn, Nguyên Ninh cũng không nghĩ Quan gia sắp xếp nhiều món như vậy. Nguyên Ninh lướt mắt nhìn qua, món sau cùng đem lên là “Sâm cầm liên tử” đặt cạnh chỗ của nàng.

Sâm cầm này là loài chim nước ở phương bắc, tương truyền chúng ăn rất nhiều loại sâm quý nên thịt rất bổ dưỡng. Có điều chúng chỉ bay đến phương nam tránh rét vào mùa đông, bây giờ là đầu hạ mà trong cung vẫn có món này thì quả là trân quý. Quan gia nhìn Nguyên Ninh tư lự, liền tò mò hỏi: “Vẫn không có món nàng thích à?”

Nguyên Ninh lắc đầu: “Quá nhiều món trên bàn, thần thiếp đang đắn đo không biết ăn món nào trước”

Quan gia liền rời ghế mà bước đến bên cạnh nàng cầm lấy đôi đũa bạc. Nguyên Ninh cùng với Tố Liên nhất tề hốt hoảng. Quan gia dùng thiện vốn là phải có người hầu hạ, ai ngờ lúc này chàng lại đích thân cằm đũa gắp đồ ăn cho Nguyên Ninh, nàng theo đó mà hít vào một hơi do dự nói: “Quan gia...”

Quan gia xua tay, nhẹ giọng nói với Thiên Lang và Tố Liên: “Lui ra ngoài cửa trước đi”

Sau đó chàng đinh ninh cầm lấy đôi đũa bạc mà gắp ba cánh “Hải dương mẫu đơn” vào đĩa của Nguyên Ninh. Món “Hải dương mẫu đơn” này thực chất là làm từ thịt cá ngừ, tôm và mực. Mỗi cánh hoa từ trong ra ngoài bắt đầu từ màu đỏ của cá ngừ tươi, tiếp đến là sắc cam của thịt tôm và cuối cùng là ánh trong suốt của lá mực. Quan gia sau đó kéo tay áo lên cao, lấy chén của Nguyên Ninh mà múc mấy muỗng cháo “Cửu khổng bào ngư” đặt về chỗ của nàng: “Hai món này mùi vị rất tốt, nàng ăn vào chắc chắn sẽ cảm thấy ngon miệng”

Nguyên Ninh gật đầu mà bắt lấy cánh hoa mẫu đơn cho vào miệng, chỉ thấy mùi vị của nó rất đậm đà, là sự kết hợp giữa ba loại hải sản tươi ngon kia hoà quyện với nhau. Cánh hoa chưa đến cuối lưỡi mà đã tan hết cả, hậu vị ngọt ngào của nó làm người ta bất giác lại muốn ăn thêm một cánh nữa. Thức ăn trên bàn lúc này cũng đa phần là hải sản, hoàng tộc Đông A vốn xuất thân từ nghề chài lưới, cho nên trong mọi bữa ăn dẫu thế nào cũng phải có một vài món cá tôm sò mực.

Nguyên Ninh đưa mắt nhìn Quan gia, có chút buồn cười mà xuyến xao trong lòng. Tay trái chàng hiện đang cầm một chiếc đùi gà Đông Tảo, tay phải thì đem nửa con tôm nhúng vào nước chấm. Khác với phong thái trang nhã của bậc đế vương, Quan gia trên bàn ăn lúc này là một nam tử phóng khoáng phong trần. Ấy vậy mà lại có một tia cuốn hút lạ thường, so với tư thái từ tốn khi ăn quả là hào sảng hơn nhiều.

Quan gia dường như cũng bắt gặp được ánh mắt Nguyên Ninh đang nhìn mình, đôi mắt theo đó mà nheo lại mỉm cười: “Nhìn trẫm buồn cười lắm sao?”

Nguyên Ninh nhoẻn miệng cười để lộ hàm răng trắng như sương ngọc: “Không có!”

Quan gia cười khúc khích: “Thật ra ăn gà phải như thế này. Nếu để Thiên Lang hầu hạ, hắn sẽ dùng dao tách thịt để sang một bên, sau đó lại dùng kéo xé nhỏ số thịt đó để sang một bên, rồi lại dùng đũa gắp mớ thịt đã xé nhỏ ấy để sang một bên. Tốn nhiều công sức đến thế, trẫm chờ đến lúc được ăn mớ thịt xé nhỏ dành cho hài tử kia, ngao ngán đến chán chường!”

Quan gia vừa nói vừa giơ chiếc đùi gà ra làm minh hoạ, mỗi câu đều nhấn nhá mà làm ra vẻ mặt khôi hài, Nguyên Ninh theo đó mà buồn cười đến suýt nữa thì thất thố.

Bữa cơm hôm ấy tràn ngập tiếng cười, Nguyên Ninh không ngờ Quan gia lại có những mẫu chuyện phiếm thú vị như thế. Hai người mải mê trò chuyện cùng nhau, cho đến khi sắc trời bắt đầu tối dạng.

Cơn mưa cũng theo đó mà ngừng hẳn, Quan gia đưa tay nhúng vào chậu nước có rắc chút hoa thơm mà Thiên Lang chuẩn bị, từ từ quay đầu về phía Nguyên Ninh nói: “Trời cũng đã tối rồi, trẫm sẽ hồi cung rửa mặt thay y phục. Lát nữa lại đến thăm nàng”

Nguyên Ninh lắc đầu nói: “Quan gia đã dùng dạ thiện với thần thiếp, thần thiếp vui mừng không thể tả. Chỉ là hiện tại Nguyên Phi nương nương đang đổ bệnh, ngày mai lại là Tết Đoan Dương, thần thiếp nghĩ Quan gia nên ở lại Nghênh Xuân Cung đêm nay đi ạ”

Quan gia có chút suy tư rồi mỉm cười, chàng sau đó gật đầu rồi rời đi. Tố Liên quỳ dưới đất mà ngẩng mặt lên chờ đến lúc Quan gia khuất dạng sau cánh cổng thì vui mừng cầm tay Nguyên Ninh nói: “Chủ nhân toại nguyện rồi”

Nguyên Ninh mỉm cười lắc đầu nói: “Nói lớn như thế, muốn để người khác chê cười hay sao?”

Tố Liên hí hửng đáp lời: “Cuối cùng thì Quan gia cũng đã đặt chân đến viện của chúng ta, người còn đặt biệt quan tâm đến chủ nhân. Chẳng phải trên bàn lúc này toàn là sơn hào hải vị sao, đám người kia xem bộ sẽ ghen tị đến chết mất”

Thuỷ Linh nhẹ giọng tiếp lời: “Ngoài những những món ngon trên bàn lúc này, đan quế hoa điền hiện giờ trên trán chủ nhân mới đúng là thứ trân quý”

Tố Liên liền đáp: “Thuỷ Linh tỷ tỷ nói rất đúng, hoa điền này là do chính tay Quan gia vẽ lên trán chủ nhân. Lát nữa lúc chủ nhân tắm, nô tỳ sẽ cẩn thận không để nước làm phai nó. Đợi đến ngày mai thì mọi người sẽ được chiêm ngưỡng”

Nguyên Ninh ngồi xuống ghế mỉm cười: “Phô trương như thế làm gì, chuyện này ta biết, các muội biết là đủ! Nếu để người khác biết được, chúng ta muốn an ổn một chút xem chừng cũng không dễ dàng”

Tố Liên gượng cười mà nhẹ giọng nói: “Là do nô tỳ vui quá thôi ạ”

Nguyên Ninh vân vê tà áo nói: “Không còn sớm nữa, chúng ta đi tắm thôi, lát nữa hai muội ăn vận chỉnh tề một chút, chúng ta đến gặp một người”

Thuỷ Linh có chút thắc mắc: “Chủ nhân là đang muốn đến…”

Nguyên Ninh từ từ nói: “Đến cung của Huy Tư Hoàng Phi”

***

Thưởng Xuân Cung nằm khá xa cung Quan Triều của Quan gia, vị trí của nó so với các cung điện khác dành cho bậc Phi vị có phần yếu thế hơn nhiều. Nghe nói trước đây Thưởng Xuân Cung vốn có tên là Lệ Thiên, là cung điện của Lệ Trinh Nguyên Phi Lê thị dưới thời Thái tông Hoàng đế. Lê Nguyên Phi nhan sắc kiều diễm, ban đầu vốn chỉ là Lệ Thiên Phu nhân, nhưng vì nàng am tường ca vũ, cộng thêm hầu hạ Thái tông chu toàn, cho nên được Thái tông hết mực sủng ái. Ân sủng của nàng lúc đó chỉ xếp sau Thuận Thiên Hoàng hậu và Huệ Túc Thục Phi, có điều tất cả đã tan biến sau một đêm mưa giông nọ.

Nghe nói bấy giờ Yên Sinh Đại Vương Trần Liễu có việc vào chầu Thượng hoàng Thái tổ đến tận đêm. Yên Sinh Đại Vương lúc đó có phong hiệu Hiển Hoàng, đây là tước hiệu vô cùng cao quý, bởi vì nó chỉ được đặt cho bậc Hoàng đế, giống như Thái tông trước đó vốn có phong hiệu là Văn Hoàng. Bao nhiêu đó đủ thấy Hiển Hoàng được Thái tông hết mực tôn trọng và tin dùng.

Lại nói vào lúc Hiển Hoàng trên đường xuất cung bằng đường thuỷ, bỗng dưng sau đó trời mưa tầm tã làm nước lũ dâng cao, Hiển Hoàng theo đó mà không thể xuất cung được, đành sai thuyền phu bẻ lái quay đầu. Nước lũ càng lúc càng cao, đến nỗi tràn sang cả hậu cung, cho nên thuyền của Hiển Hoàng theo đó mà vô tình lạc đến Lệ Thiên Cung của Lê Nguyên Phi.

Nguyên Phi trong lòng hoảng sợ, nhưng thấy cả thuyền phu và Hiển Hoàng khắp người đều ướt sủng, cho nên mới để cả hai vào trong uống một tách trà nóng, sau đó cũng không dám giữ bọn họ ở lại lâu. Ai ngờ Hiển Hoàng lại động lòng trước nhan sắc của Nguyên Phi, dẫu rời đi nhưng trong lòng đã sinh ra ý đồ xấu. Nhân cơ hội lũ lớn được ở lại trong cung, Hiển Hoàng đêm đó lẻn đến phòng ngủ của Nguyên Phi giở trò bất chính.

Nguyên Phi là phận liễu yếu đào tơ, cung tỳ thân cận bấy giờ cũng chỉ là phường nữ nhân yếu đuối. Còn Hiển Hoàng là bậc nam nhân xông pha chiến trận, đương nhiên là dễ dàng chế ngự được Nguyên Phi nàng. Sau sự việc hôm đó, Hiển Hoàng bị gián chức làm Hoài Vương, còn Nguyên Phi thì từ đó không còn được gặp mặt Hoàng đế. Một chiều đông giá lạnh, sau nhiều tháng bị thất sủng, nàng gửi một bức tâm thư cho Thái tông Hoàng đế, trong đó có bốn câu thơ:

“Sưởng long triệu vũ ố phù vân

Chỉ đắc ngưỡng thiên vọng khiết thân

Nguyên lai nãi nhất tâm si tưởng

Bại liễu hoa tàn, oán tình quân”

(Rồng kia gọi mưa làm đen mây

Đành nhờ trời cao soi sáng thân

Thì ra chỉ là lòng si tưởng

Liễu rữa hoa tàn, trách tình quân)

Chữ “liễu” (cành liễu) trong bài thơ và chữ “Liễu” (cá leo) trong tên của Hoài Vương đồng âm với nhau, lại thêm câu đầu tiên cũng có nhắc đến “Sưởng long”, chính là khơi gợi lại nỗi oan tương tự của một vị Nguyên Phi Từ thị Nguyễn (Lý) triều. Tương truyền Từ Nguyên Phi cũng bị Thái tử Nguyễn (Lý) Long Xưởng làm ô danh mà mất hết ân sủng, giờ đây Lê Nguyên Phi cũng vì một nhánh “Bại liễu” mất hết thanh danh.

Thái tông đọc xong, biết mình đã cô phụ oan uổng một vị nữ nhân vốn chỉ là kẻ bị hại, liền tức tốc thân giá đến Lệ Thiên Cung. Thế nhưng chẳng còn kịp, trước mắt Hoàng đế bấy giờ là một nữ nhân lạnh lẽo vận tố y, nàng ở đó bay lượn giữa không trung, trên cùng là một dải lụa trắng mềm mại mà cay nghiệt.

Nàng ở đó nhắm mắt xuôi tay nhưng vẫn diễm lệ đến kinh người, Thái tông bất giác thốt lên một cái tên “Mạn Tuyết”, trong ký ức vẫn còn nhớ nét cười của nàng vào đêm thưởng xuân nọ, khoảnh khắc mà hai người lần đầu gặp mặt.

Lê Nguyên Phi sau đó được ban phong hiệu là Lệ Trinh, chữ “Trinh” là để an ủi và ca ngợi sự trinh trung của nàng. Lệ Thiên Cung sau đó cũng đổi thành Thưởng Xuân Cung, tất cả trang trí và vật dụng bên trong đều được giữ y như cũ để Thái tông tìm về kỉ niệm ngày trước của hai người. Mãi đến khi Thái tông băng hà, Thưởng Xuân Cung mới được trùng tu để phi tử đời sau cư ngụ, mà chủ vị bây giờ chính là Huy Tư Hoàng Phi.

Nguyên Ninh nãy giờ ngồi nghe Phong Tranh kể lại câu chuyện buồn của Lê Nguyên Phi, trong lòng bất giác có một tia áy náy: “Không ngờ chỉ một phút sai lầm của tằng tổ phụ, mà cuộc đời của Lê Nguyên Phi đã kết thúc thê lương thế kia. Bản thân ta tuy chỉ là hậu duệ đời sau, nhưng cũng không thể không cảm thấy bản thân mình có tội”

Phong Tranh mỉm cười đáp: “Nàng không cần phải cảm thấy tội lỗi như thế, Lê Nguyên Phi thật ra không hề trách nàng”

Nguyên Ninh nhẹ giọng nói: “Nàng đang an ủi ta đấy ư?”

Phong Tranh lắc đầu: “Ta hỏi nàng một câu, nàng có tin vào chuyện tâm linh hay không?”

Nguyên Ninh đưa mắt suy nghĩ, từng chữ lặng lẽ nói: “Nàng nói thế là có ý gì”

Phong Tranh không nhanh mà không chậm nói: “Bởi vì trước giờ ta vốn không tin vào chuyện này, có điều sau ngày hôm nay thì bản thân ta đã thay đổi suy nghĩ của mình”

Phong Tranh đứng lên, bước về phía cửa sổ vén tấm màn thêu cỏ lao mà nhẹ giọng nói tiếp: “Bên phía đó là Xuân Lê Đường, phòng ngủ của Lê Nguyên Phi, tất cả bày trí bên trong vẫn còn nguyên vẹn. Ở đó lại có một bức hoạ của Nguyên Phi. Kể từ lúc dọn vào Thưởng Xuân Cung, ta ngày ngày đều thắp hương thờ bái người, không phải là vì ta sợ chuyện quỷ thần, mà là vì đối với người có chút thương cảm đặc biệt. Có lẽ vì thế mà bản thân nhận được một mối tương giao với Nguyên Phi lúc nào chẳng biết!”

Nguyên Ninh đứng dậy bước lại gần nàng ta nhẹ giọng: “Có chuyện đó sao?”

Phong Tranh mỉm cười gật đầu: “Tối đêm trước khi ta còn ở vương phủ, nửa đêm bất giác nhìn thấy hình bóng của Nguyên Phi xuất hiện. Người đứng quay lưng về phía ta, hình dáng hệt như bức hoạ đồ. Nguyên Phi đứng đó hồi lâu, bất giác buồn bã mà thúc giục ta hồi cung. Người nói rằng trong cung sắp xảy ra biến sự, có lẽ sẽ có một nữ nhân sắp phải chịu nỗi oan ức ô danh, vì thế mà Nguyên Phi đến để báo mộng cho ta hồi cung cản trở Thục Phi, ngăn không cho nàng ta bắt nàng đến Đình Ngọ Thất! Mọi chuyện đúng là kỳ ảo như vậy!”

Nguyên Ninh trong lòng lan toả ấm áp, môi mấp máy một tia xúc động: “Nếu vậy… chẳng hay ta có thể đến đó thắp một nén hương cảm tạ Nguyên Phi?”

Phong Tranh liền gật đầu: “Đương nhiên là được”

Hai nàng theo đó mà đến Xuân Lê Đường, giữa căn phòng bấy giờ chính là bức hoạ của Lê Nguyên Phi. Trong tranh, Lê Nguyên Phi đứng đó xoay lưng về phía hai nàng mà lặng lẽ đưa tay hái hoa lê, bao quanh nàng là sắc thanh minh rực rỡ.

Nguyên Ninh nhìn hoạ đồ mà bất giác rơi lệ, nữ nhân yêu kiều như thế mà ra đi quá oan uổng. Thậm chí nàng ta đối với nàng không hề có một chút oán hận, mà thay vào đó lại là sự thương xót. Nguyên Ninh lặng lẽ lau nước mắt mà cùng với Phong Tranh tiến về phía chiếc bình sứ đựng hương, nhẹ nhàng thắp ba nén trầm bái lại cố nhân, bên khoé môi xúc động khấn vái: “Vãn bối là Trần Nguyên Ninh, lần này may mắn được Lệ Trinh Nguyên Phi cứu giúp, vãn bối thật sự đã chịu ơn rất lớn từ người. Lệ Trinh Nguyên Phi không vì sai lầm của tằng tổ phụ mà trách cứ vãn bối, lại lấy ân báo oán, chuyện này thật sự làm vãn bối kính phục đến rơi lệ. Ngày sau dẫu có bần hàn hay vinh diệu, Nguyên Ninh cũng nguyện cả đời thờ kính người!”

Nguyên Ninh theo đó mà bái lại thành tâm, Phong Tranh thấy nàng xúc động như vậy, liền thuận tay đỡ nàng đứng lên. Bất chợt trước mắt có con bướm trắng thật to không biết từ đâu bay đến, lặng lẽ đáp xuống bức hoạ đồ đôi lát rồi bay vụt đi. Phong Tranh và Nguyên Ninh lúc đó chỉ kịp xúc động mà thốt lên bốn chữ: “Lệ Trinh Nguyên Phi”

Cánh bướm theo đó mà mất dạng vào hư vô, để lại một đêm kỳ ảo và huyền diệu kết thúc tại đó, có khi lại là khởi nguồn của những mối nhân duyên nơi quá khứ vị lai chồng chéo lên nhau, kéo dài đến tận sau mà chẳng ai lường trước được.

***

Hôm sau là Tết Đoan Dương, khắp hậu cung ồn ào náo nhiệt, không khí vui vẻ không kém ngày Tết Nguyên Đán là bao. Buổi sáng hôm ấy Nguyên Ninh đã tranh thủ thức sớm để cùng chúng tần phi đến trước điện Thiên An ngồi chờ. Tia nắng tinh mơ không hề gắt gao, nhưng ánh kim phát ra từ chiến giáp của võ tướng đang đứng xếp hàng đông đúc ở sân rồng lại làm loá mắt các nàng. Các nhạc công ở đó ra sức đàn những bài vui vẻ, đương lúc Nguyên Ninh đang nghe bài Nam thiên nhạc thì bên tai chợt đâu đó vang lên tiếng của Đàm Hoa: “Nóng chết đi được”

Nguyên Ninh thở ra một tia nhẫn nhục, Đàm Hoa phạm lỗi là thế, nhưng cô ta dẫu sao cũng là sủng phi, lại là muội muội của Nhập nội hành khiển cận thần bên cạnh Thượng hoàng. Quan gia có phạt cô ta thì cũng không thể để cô ta vắng mặt vào vào ngày lễ hệ trọng này. Nàng đưa mắt nhìn cô ta một lần nữa, chỉ thấy cô ta khinh mạn nhìn mình. Đàm Hoa liếc nhìn Nguyên Ninh xong, liền buông một câu chán ghét nói: “Đúng là hồ ly tinh!”

Nàng nói xong câu đó, chợt thấy ánh mắt của Huyền Dao nhìn mình tỏ vẻ nghiêm nghị, liền lặng lẽ sờ búi tóc mà nhìn sang hướng khác.

Quan gia rốt cuộc cũng xuất hiện, chàng hôm nay ngự liễn kiệu ngọc am được trạm trổ tinh diệu, trên đó có cảnh rồng bay uốn lượn, khí thái hào hùng. Tuy nhiên nếu đem so với liễn kiệu của Thượng hoàng thì có phần đơn giản và nhỏ gọn hơn. Lại thêm kiệu của Thượng hoàng được làm từ gỗ hoàng đàn, giá trị quý hiếm hơn ngọc am nhiều lần. Quan gia sắp xếp như vậy, chính là thể hiện một điều rằng, dẫu chàng có là Hoàng đế Đại Việt, thì trong lòng vẫn toàn tâm kính trọng và nể phục Thượng hoàng. Thượng hoàng và trên dưới bá quan đương nhiên tinh ý nhận ra điều đó, trong lòng vì thế mà có một tia hài lòng.

Theo sau kiệu của Thượng hoàng là phượng liễn bằng thuỷ tùng của Thái hậu. Thuỷ tùng có màu đỏ, lại được trạm trổ cảnh phượng loan múa lượn trong thật vinh diệu vô cùng. Phượng liễn của Thái hậu đi giữa hai long liễn màu vàng của Thượng hoàng và Quan gia, càng vì thế mà thêm phần tôn quý và nổi bật. Theo sau liễn kiệu còn là đoàn nghi trượng tháp tùng, khí thái có phần uy nghiêm.

Đàm Hoa dõi mắt trông theo mà ngây dại, chẳng biết bao giờ mình có thể được sờ vào phượng liễn một lần. Bởi vì hậu cung có lệ, chỉ có bậc mẫu nghi chính cung mới được dùng phượng liễn và nghi trượng mà thôi. Đàm Hoa liếc mắt nhìn Huyền Dao, chẳng thấy thần sắc của nàng hứng khởi là mấy, trong lòng chợt thắc mắc tại sao nàng lại có thể dửng dưng như vậy.

Khi ba chiếc kiệu dừng lại, gần như đồng thanh mà trên dưới tất cả những người ở đó quỳ xuống hành lễ: “Thượng hoàng vạn tuế vạn vạn tuế! Quan gia thiên tuế thiên thiên tuế!”

Sau đó các quan văn tướng võ lần lượt làm lễ bái hạ, rồi đem ba tuần rượu kính dâng lên Thượng hoàng và Quan gia. Đến lúc tuần rượu thứ ba được mời xong, thì liễn kiệu cũng được hạ xuống để Thượng hoàng, Thái hậu và Quan gia tiến vào trong đại điện. Vương thất hoàng tộc cũng theo đó mà theo sau, các quan nội thần thì ngồi bên phía tiểu điện phía Tây, các quan ngoại thần thì được ngồi bên phía tiểu điện phía Đông, phân ra quan văn tướng võ ngay ngắn chỉnh tề.

Quan gia ngồi xuống long đẩu, liền sai Thiên Lang căn dặn mộc công lập tức xây Đài Chúng Tiên. Nhân lúc Chúng Tiên Đài được xây, yến tiệc theo đó mà được bày lên. Trên bàn tiệc bây giờ toàn là những món ngon vật lạ, có nem công chả phượng, sơn hào hải vị, những món mà các trù sư trong cung phải dốc công chuẩn bị từ lúc canh ba, vì thế mà có phần bắt mắt vô cùng.

Thượng hoàng vô cùng cao hứng, liên tục hỏi han tình hình sức khoẻ của các vị tông thất. Hoàng thất ở đó luận theo tuổi tác và thứ bậc mà ngồi. Hàng đầu tiên có hoàng bá của Thượng hoàng: Tĩnh Quốc Đại vương đến từ Diễn Châu và Hưng Đạo Đại vương đến từ Vạn Kiếp. Bên cạnh hai người bọn họ là phu quân của Trinh Túc Phu Nhân – Chiêu Văn Đại Vương, hoàng thúc của Thượng hoàng. Ngoài ra còn có Thuỵ Bảo công chúa là mẫu thân của Phong Tranh, người mà Thượng hoàng gọi bằng cô mẫu.

Hàng thứ hai ngoài hoàng thúc của Quan gia và cũng là phụ thân Thiên Tuyết: Tá Thiên Thái sư, còn có các biểu thúc Văn Túc Vương, Vũ Túc Vương - nhi tử của Chiêu Minh Đại Vương đã khuất, và các biểu bá Hưng Vũ Vương, Hưng Nhượng Vương – phụ thân của Nguyên Ninh.

Sau cùng mới là chỗ của hoàng đệ hoàng muội Quan gia, có Huệ Vũ Đại Vương, Thiên Trân, Thượng Trân và Huyền Trân công chúa. Ngoài ra còn có các thân vương và quận chúa khác ngồi cùng, Thánh An Quận chúa là một trong số đó.

Thái hậu đưa mắt nhìn Quận chúa thì thấy nàng có vẻ hiểu rõ lễ nghi, trong lòng theo đó mà có một tia bằng lòng. Lại thấy Quốc Chẩn sắc mặt lạnh lùng, dẫu ngồi cạnh nhưng không hề để ý đến nàng ta. Đến cả lúc được nàng kính rượu cũng chỉ uống một cách qua loa cho có.

Bên phía bên này trong số đám tần phi ở đó, chỉ có Thiên Tuyết và Nguyên Ninh được gặp mặt phụ thân. Lâu ngày gặp lại người nhà, cả hai không giấu được khoảnh khắc bồi hồi xúc động, cuối đuôi mắt dường như cũng theo đó mà có một tia ẩm ướt. Trái lại Phong Tranh dẫu được gặp mặt mẫu thân mình là Thuỵ Bảo công chúa, nhưng nàng cũng mới vừa trở về từ vương phủ không lâu, theo đó mà chỉ liếc mắt bông đùa với mẫu thân mình một lát.

Đàm Hoa vui vẻ dùng thiện, chỉ đợi đến thời khắc trình diễn ca vũ mà lặng lẽ lui vào trong thay xiêm y. Đàn vừa gảy vài âm, đã thấy vũ khúc của Đàm Hoa uyển chuyển tựa thiên nga bước ra, nàng ta ở đó cùng với các vũ công diễn vở Vương mẫu hiến bàn đào, nhập tâm đến động lòng.

Đàm Hoa sau chuyện hôm qua, chỉ sợ Quan gia sẽ không đoái hoài đến mình, liền chuẩn bị vũ khúc để hoá thân vào vai diễn Vương mẫu. Nàng ta cố gắng như vậy, cốt yếu là để lọt vào mắt của Quan gia, đâu biết là vì thế mà hạ thấp thân phận phi tử của mình.

Thái hậu có nét cười khinh mạn, đường đường là phi tử mà lại đích thân nhảy múa giữa chốn đông người thế này, quả thật không ra thể thống gì. Giữa lúc bà đang định buông một câu nhắc nhỡ, chợt nghe thanh âm của Tĩnh Quốc Đại vương hô vang: “Hay lắm!”

Việc ca múa mua vui cho người khác so với thân phận phi tử đúng chẳng là hay ho gì. Có điều vũ khúc của Đàm Hoa lúc này lại vô cùng thoát tục.

Thoắt ẩn thoắt hiện trong những chiếc vân phiến và phong lụa, Đàm Hoa xét về tư thái, dung mạo hay vũ nghệ đều không thể chê vào đâu được. Thái hậu quả là chán ghét nàng ta, nhưng cũng phải công nhận màn trình diễn này của nàng đúng là bất phàm.

Vương thất ở đó có Tĩnh Quốc Đại Vương và Chiêu Văn Đại Vương là người am hiểu ca vũ, trông thấy Đàm Hoa nhảy múa như tiên nữ mà bất giác thán phục. Thượng hoàng biết nàng ta là muội muội của cận thần bên mình, theo đó mà góp vui tán dương đôi ba câu. Đàm Hoa đương nhiên vì thế mà nở mặt, Quan gia cũng vì lẽ đó mà nguôi giận chuyện hôm qua.

Màn kịch vũ của Đàm Hoa cuối cùng cũng xong, Thiên Tuyết miễn cưỡng vỗ tay, điềm nhiên khẽ cười mà nhẹ giọng nói với cận tỳ: “Cô ta phí công như thế, xem bộ lần này lại có thể xoay chuyển tình thế rồi”

Cẩm Tú cười cợt: “Cũng có gì hay ho đâu ạ, so với đám vũ công kia, Thục Phi cũng chẳng hơn bọn họ là bao”

Thiên Tuyết theo lẽ đó mà đắc ý, liền dùng khăn tay che miệng mỉm cười. Giữa lúc đó thì Chúng Tiên Đài trước điện Thiên An cũng đã xây xong. Yến tiệc trong điện cũng đã đến những món cuối cùng, Thượng hoàng cao hứng, liền gọi mọi người ra trước đại điện xem thi đấu.

Đài Chúng Tiên lấp lánh ánh kim ngân, nhưng chỉ đủ chỗ cho Thượng hoàng, Thái hậu, Quan gia và các bậc Phi vị ngồi trên đó. Nguyên Ninh cùng với các Phu nhân và Ngự nữ được sắp xếp ngồi xuống ghế ở phía bên tả, nhường lại bên hữu cho các vị vương thất yên toạ. Ở dưới sân rồng lúc này đương lúc có võ sĩ đấu vật, người nào cũng cao lớn lực lưỡng, nổi bật bởi hai chữ “Sát Thát” (giết giặc Nguyên) trên cánh tay và tám chữ “Nghĩa dĩ quyên khu – Hình vu báo quốc” (Vì nghĩa liều thân, báo đền ơn nước) xăm trên bụng.

Các võ sĩ phân biệt nhau bởi màu khố, Thượng hoàng cùng với các vị vương thất theo đó mà cá cược với nhau, ai thua sẽ bị phạt rượu.

Đấu vật kết thúc, những trò thi đấu khác tiếp tục diễn ra, trong số đó có môn mã cầu là nổi bật hơn cả. Trò này cần kết hợp kỹ năng cưỡi ngựa và đánh cầu, là trò chơi quân đội nhà Trần rất ưa chuộng sau những buổi tập trận. Chỉ thấy quả cầu bằng da hươu thoắn thoắt di chuyển từ bên này sang phía bên kia, ẩn sau lớp bụi mù mịt phát ra từ sáu con ngựa trên sân đấu.

Gần hơn chục đội lần lượt bị loại, lúc này chỉ còn hai đội ứng đấu với nhau để phân thắng bại. Một là của Vũ Túc Vương, Văn Túc Vương và nhi tử của ông Uy Túc Công. Đội còn lại là của Huệ Vũ Đại vương, Văn Hiến Hầu và Hiển Duệ Bá.
Chương trước Chương tiếp
Loading...