Phượng Hồng Vô Tâm - Tiếng Chuông Gió

Chương 25



Đêm Giao thừa, lúc tôi về đến nhà thì vừa đúng 10h15, trông thấy tôi, bố hỏi:

- Ghê nhề! Hôm nay lại chuẩn bị Trừ tịch cho nhà người ta cơ đấy. Thế bao giờ định chuẩn bị Trừ tịch cho cả nhà anh nhà em, để bố mẹ kiếm thằng cháu kháu khỉnh nào?

Tôi nóng bừng tai, cười cười với bố rồi phóng như tên bắn lên phòng. Ở dưới, bố tôi vừa xem củ thủy tiên vừa cười ha hả, còn mẹ thì gạt đi, kêu:

- Cái ông này. Con nó bé tí, biết cái gì mà. Toàn tiêm nhiễm vào đầu nó cái lăng nhăng!

Đứng trên sân thượng lộng gió, tôi nhìn về bốn phía xung quanh nhà. Nhà hàng xóm đã đang tíu tít gọi nhau bày biện cỗ cúng, dưới đường, lác đác vài người đi muộn giờ mới ì ạch ra Bờ Hồ xem bắn pháo hoa, trên vỉa hè, các cụ mặc áo dài đỏ, nhà này nhà nọ đội mâm lễ lên đình, trẻ con chạy tung tăng đằng trước. Hường mắt ra xa hơn, tôi thấy hình như phía xa xa có một đứa con gái đang đứng khóc, còn một thằng con trai thì đang chạy vòng quanh cố dỗ cho nó nín thì phải. Bất giác thấy hai đứa bé này giống hệt tôi và con An, tôi mỉm cười, lại mông lung suy nghĩ về cái lý do mà con An khóc. Lắc đầu thở dài ngao ngán, tôi vẫn chẳng tìm ra được một lý do thích hợp cho chuyện này. Tạm gác lại một bên, tôi cố gắng tìm sự bình yên trong tâm hồn, để thanh thản đón chờ giờ khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Khi cái sự tĩnh tâm nó sắp đến với tôi thì tự nhiên chuông điện thoại réo ầm ĩ, tôi hít một hơi dài, nhấc máy nghe bằng cách bình tĩnh nhất có thế:

- A lô ai đấy ạ!

- Tao Việt đây! Chúc thằng bất tài sang năm mới hết bất tài nhé!

- Cậu Vàng hôm nay mạnh miệng nhể. Anh cũng chúc chú năm mới thành công, học được lắm món mới, thoát khỏi cành củ riềng mắm tôm!

- Tốt tốt tốt! Anh kết….à mà thằng bốn mặt, mày xỏ lá bố!

- Thế mà còn mở mồm tốt. Cho tao gửi lời chúc đến bố mẹ mày, Ngọc Anh, thằng đột biến nữa.

- Ừa ừa, được, qua câu chuyển lời khuông vàng thành ngọc của anh, đảm bảo lời chúc bẩn bực của chú sẽ đẹp như mơ! Mải nói chuyện, tý thì quên. Bao giờ đón giao thừa thì mày đứng trên sân thượng, nhìn về hướng Nam nhé, cho nó tốt phúc.

- Rồi rồi! Cơ mà đằng nào tao chẳng nhìn hướng Nam, pháo hoa ở hướng đó mà.

- Thế nhé. Thôi tao với con em tao cùng nhà thằng Dũng đi đội lễ đây.

Bên kia đầu dây chuẩn bị cúp máy thì có tiếng quát vọng ra của thằng Việt:

- Thằng phàm ăn! Mày nhòm nhòm gì con gà cúng đấy, tránh xa 3m cho tao. Hit hít cái….! Thầy ơi, thằng Dũng nó định ăn trước Thành hoàng.

Tôi phì cười, tưởng tượng đến cái cảnh thằng Dũng đàng thèm thuồng nhìn vào con gà béo ngậy, thằng Việt sẽ chạy ra sân, tay vớ đại một món đồ nghề nào đó để rượt. Đuổi mãi không kịp, thằng đột biến nó vẫn khỏe re, nhăn răng cười, cậu Vàng thì thở hồng hộc, khoát tay kêu:

- Năm hết Tết đến, Tao đại xá cho cái mạng lợn của mày!

Chỉ còn nửa tiếng nữa là đến Giao thừa, tôi nhìn xuống đường, dõi mắt theo những người đang ào ào tiến đi hái lộc, chính xác là cướp lộc thì đúng hơn. Hai đứa bé dỗ dành nhau góc kia đã đi mất, chắc giờ này chúng nó vui lắm, trẻ con dễ giận, dễ làm lành mà.

Thời khắc sang năm mới chỉ còn cách có vài phút, tôi quay người ngoảnh mặt về hướng Nam theo lời thằng Việt. Các cụ bảo đêm Giao thừa là đêm hai ông hành khiển chuyển giao công việc cho nhau, chư thần đứng thành hàng dài trên bầu trời. Tôi ngước nhìn lên bầu trời đen kịt đêm nay, tự hỏi liệu có vị thần nào trên kia thấu nỗi tơ lòng tôi bây giờ? Bỗng tiếng pháo hoa nổ ì oành, tôi giật mình trở về thực tại, mắt ngước ra xa nhìn pháo bắn lên từ công viên Thủ Lệ. Hồi này nước mình toàn tự sản xuất pháo hoa nên chất lượng còn chưa ổn, trước dùng pháo Tàu bắn bay cao cứ gọi là, mà màu sắc cũng tươi tắn sặc sỡ hơn, bông pháo rơi cũng chậm hơn. Nhưng người Việt dùng hàng Việt vậy, cái gì tự làm thì mình dùng, lâu dần ắt nó sẽ tốt. Chẳng rõ năm nay tại pháo bắn chán hay vì lý do nào khác mà năm nay tôi xem pháo hoa không có cái cảm giác vui sướng, háo hức như mọi năm. Nhìn từng bông pháo rơi, tôi lại liên tưởng đến một khuôn mặt thân thương mà không tài nào định hình nổi đó là ai.

Bên cạnh tôi, tiếng bố tôi đang lầm rầm khấn cúng Giao thừa:

- Gia chủ là….Ngụ tại:…..Phút thiêng Giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới. Kính lạy các vị chư thần, thổ địa thành hoàng, cao tằng tổ khảo, bà cô ông mãnh,…..

Cẩn cáo!

Cẩn cáo!

Mùi hương trầm nghi ngút, phảng phất quanh tôi, chẳng biết tại sao mà mỗi khi ngửi mùi hương trầm, tôi lại tĩnh tâm được. Từ từ dõi mắt xuống đường, nhìn nhưng người đi hái lộc về, kẻ mang cành, người mang lá, người đi chùa về nhà xông đất. Bỗng dưới kia, lọt vào tầm mắt tôi là một dáng người quen thuộc, mặc cái áo khoác có mũ to lù lù, lúc lắc người chạy lon ton, trên vai vác một cây mía dài ngoằng, trông chẳng cân xứng với dáng người gì cả, đã thế không vác dựng lên lại còn vác xuôi ra sau nữa, tồ thế không biết. Định gọi to: "An hâm không biết cầm mía!" nhưng thôi, mình mà gọi, nó lại ngô nghê quay lưng lại, ngước lên trên này. Cây mía cồng kềnh kia nó sơ ý quật vào ai thì đúng là tai họa. Ở trên, tôi tựa vào ban công, mắt dõi theo bóng dáng ngộ nghĩnh đó tới khi nó đi khuất dần, đến hết khúc quanh, tôi mới mỉm cười an tâm trở vào, lòng thấy vui hơn lạ thường.

Thấy hơi đoi đói, tôi xuống dưới nhà làm chéo bánh chưng, lại tu thêm nửa chai Coca, khề khà vác bụng leo lên gác, tôi nằm dài ra salon, bật TV xem có chương trình gì mới không. Đêm nay HBO chiếu chẳng có phim nào ra hồn, toàn chém giết, máu me, mở sang Starmovie thì cũng tương tự, đành ngồi bật Hoàng Phi Hồng lên xem. Chán chê mê mỏi, tôi lên phòng, thả lưng xuống giường là ngủ luôn. Sáng mùng 1, tôi dạy muộn hơn mọi ngày, 7h sáng mới dậy. Xuống nhà ăn bánh chưng rán chấm tương ớt, của nếp ăn vào no lâu thật, ăn có hai miếng mà đến trưa vẫn no, ăn cơm trưa có tý xong lại lên máy ngồi chat với lũ bạn. Chuông điện thoại lại reo, đầu dây bên kia là giọng con An véo von:

- Hưng biến thái! Chúc mừng năm mới! Tao vừa tỉnh giấc nồng xong!

- Ghê nhỉ! Dậy sớm quá cơ! Lúc nãy tao gọi sang nhà mày mà chẳng thấy ai nghe máy.

- Tao ngủ say quá. Anh tao thì đi chúc Tết rồi, khóa cửa nhốt tao ở nhà này!

- Ăn lắm, ngủ nhiều cơ! Mày mà đi chúc Tết cùng anh mày thì có phải là có tiền mừng tuổi rồi không. Sáng giờ tao được 200k tiền mừng tuổi này!

- Sướng thế! Lớn rồi còn được mừng tuổi! Mày ơi tao đói!

- Ơ thế có cần Hưng ngố sang không ?

Con An im lặng không nói gì, chắc mặt lại đỏ bừng lên, lúng búng không mồm mép tép nhảy nữa rồi. Lúc sau, tôi hỏi:

- Ê con ngẫn! Mày bị mèo ăn lưỡi rồi à?

Giọng nó lại tươi lên:

- Tao hát mừng tuổi mày nhé!

- Biết hát cơ à?

- Thế có nghe không nào?

- Có có có!

Rồi tôi áp chặt ống nghe vào tai, người đung đưa theo giọng hát của nó. Con An hát hay thật, thảo nào mọi người bảo năm lớp 9 nó nổi vì hoạt động tập thế, giọng hàng ngày nghe léo nhéo mà giờ nghe cao, trong y như Fiona Fung, nó hát bài Pround of you, tôi cá là nó hát còn hay hơn ca sĩ chính nữa. Nghe từng thanh âm, từng câu hát nhẹ như gió thoảng, cảm giác như tiếng chuông gió làm bằng thủy tinh vậy, trong sáng và thuần khiết hơn hết thảy mọi thứ tôi từng biết.

Hát hết bài, tôi vẫn im lặng, mắt lim dim cảm nhận giai điệu thì lại có tiếng con An e dè hỏi:

- Tao hát có hay không?

Tôi đáp như điên:

- Hay hay hay! Nghe còn hơn Fiona, bao giờ biểu diễn cùng tao nhé, tao đánh đàn ày hát.

- Ừ! Thôi tao đói rồi, đi lục xem còn gì ăn đây! Chào mày nhé!

- Chào!

- Chào!

Tôi thẫn thờ, gác máy, lúc nãy đã định nói gì đó với nó nhưng lời nói như bị chặn lại bởi một rào cản không tên. Ngày mùng 2 Tết của tôi trôi qua đều đều như nhau, chỉ có tiếp họ hàng, thăm hỏi vài câu, đi quanh xóm chúc Tết. Sang mùng 3, tôi như được sổ lồng, mặc vội quần áo rồi bay luôn ra ngoài đường. Hôm nay đường Hà Nội vắng tanh vắng ngắt, mãi mới có một vài chiếc xe máy đi qua, không còn cảnh chen chúc nhau trên đường, xe cộ để bừa bãi nữa. Hôm qua con An nó rủ mình đi chơi, hôm nay phố xá vắng tanh thế này, biết tìm đâu ra chỗ hàng quà cho nó nhỉ? Thôi cứ sang đã rồi tính sau! Đi vào thì thấy nó đang chơi nhảy dây ở đầu ngõ với mấy đứa trẻ con, gớm, nhìn lẫm chẫm như con nít mà nhảy hăng thế, lại còn tháo cả giày dép ra nhảy chân đất nữa chứ. Thấy tôi đến, nó nhón chân chạy ra, cười toe toét:

- Hưng biến thái! Đến nhanh thế! Vào chơi với tao!

- Chơi nhảy dây á?

- Thằng đần! Vào nhà chơi! Mà nếu thích mày chơi nhảy dây cũng được!

- Thế đầu năm đã có ai vào xông đất chưa đấy? Không tao vào cả năm dông thì lại "thằng Hưng"!

- Đầu năm tao đi lấy lộc, về xông đất luôn rồi!

Nhớ lại cái cảnh con nhóc ngố ngố vác cây mía dài ngoằng, tôi lại buồn cười. Con An lon ton chạy trước, một tay xách giày, một tay mở cổng vào. Tết nhất gì mà nhà cửa bề bộn, chỗ này gói mì, chỗ kia gói khoai tây ăn dở, trên kệ TV là cái bát gì gì không rõ nữa. Mọi khi con này mắc bệnh sạch sẽ mà sao giờ nó để bẩn thế! Tôi chỉ tay vào cái đống bừa bộn hỏi:

- Mày đã làm gì với căn nhà của mày?

- Mày hâm à? Tết kiêng không quét nhà đấy!

- Quét thì cứ quét, không hắt rác ra đường là được. Bẩn thế này mà hai anh em mày cũng chịu được!

- Hì! Thế à?

Nói xong, nó bay vào cầm cái chổi, dọn nhanh như gió, tôi còn chưa quét xong nửa gian ngoài nó đã dọn hết cả tầng 1 rồi. Đúng là sức mạnh của đứa bị bệnh sạch sẽ quá mức. Lau dọn hết cả 4 tầng thì tôi và nó mệt phờ người, ngồi trên bậc cầu thang thở phì phò. Con An lặc lè đứng dậy, lấy một chai Fanta to đùng ra, mỗi đứa uống hết mấy cốc mà vẫn không hết khát. Nghỉ một lúc, tôi quay sang hỏi nó:

- Thế bây giờ mày định đi đâu chơi?

- Tao không biết! Nhưng đói rồi, mày làm cái gì cho tao ăn đi! Hai hôm nay toàn ăn cơm anh tao nấu. Tao sợ lắm rồi! Mai bố mẹ tao mới ra Hà Nội, tao không muốn ăn thêm bất cứ cái gì lão ý làm nữa đâu, món nào cũng như than với cháo ý!

Khổ thân nó, tâm hồn ăn uống mà bị đúng phải ông anh cái gì cũng cạp được. Tôi đứng dậy, vào bếp xào gói mì cho nó, làm cả một đĩa to đùng. Nó hỏi tôi:

- Mày không ăn hả Hưng?

- Không! Mày ăn đi cho béo!

- Thế tao ăn nhá!

Nói rồi nó ngồi ăn ngon lành, chắc mấy hôm nay nuốt lắm than qua nên ăn mì xào cũng thấy ngon hơn. Ăn xong, nó rửa bát rồi lên nhà thay quần áo, khoác cái balo hình con thỏ, rủ tôi đi chơi. Tôi hỏi đi đâu thì nó ngồi tót lên xe, túm mũ tôi giật giật, kêu:

- Cứ đi đi! Tao tìm được chỗ này chơi hay lắm!

Tôi đành làm xe ôm bất đắc dĩ, nó chỉ đâu thì rẽ đó, có lúc nó nhớ nhầm đường, lại vòng ngược lại nữa. Đi mãi, có khi phải ra tận ngoại thành rồi, nó kéo ngược tôi ra sau, hét toáng lên:

- Kia kìa! Chỗ ngã rẽ có thằng bù nhìn rơm kìa!

- Kia kìa! Chỗ ngã rẽ có thằng bù nhìn rơm kìa!

Nó chỉ vào một con đường đất, tôi lặc lè đi theo hướng nó chỉ, con đường này một mặt là cánh đồng rộng bạt ngàn, một mặt là rặng bạch đàn rì rào, đi ở đây tôi lại thấy nhớ nhớ, cảm giác như đang đi trên đường ruộng quen thuộc ở quê.

Càng đi càng vào sâu hun hút, chẳng thấy điểm cuối đâu, gió từ đồng thổi ù ù, rét cóng tay. Con An bắt đầu lạnh, nó kéo mũ len xuống thấp hơn, rướn người lên trước đội mũ áo khoác lên cho tôi, thấy tôi ăn mặc phong phanh, nó lôi đâu ra một cái khăn len trắng tinh, quàng vào cổ tôi, quấn mấy vòng. Đi theo hướng nó chỉ, đến chừng giữa con đường thì tới một cái điếm kiểu cũ, là một cái nhà ngói, tường quét vôi trắng đã bong tróc nhiều mảng. Chỗ này mà nó cũng tìm ra được thì giỏi thật, con gái mà đi xa gớm. Dựng xe vào cạnh tường, nó lấy trong cái balo bé tí ra một tấm nilon to chừng 3m vuông, xong lại lôi ra 3 túi thịt bò khô với 4 lon bia. Bày biện xong, nó đập đập tay vào cái chỗ bên cạnh, ra ý tôi ngồi xuống. Tôi hỏi:

- Mày bày ra cái trò gì thế?

- Ngồi đi, hôm nay tao mang bia uống này!

Con này ngộ thật, tự dưng hôm nay lại điên điên, thích uống bia. Uống bì thế nào với mình được. Tôi bật một lon, nó cũng bật một lon, hai đứa vừa uống bia vừa xé bò khô ra nhai. Chợt con An bảo tôi:

- Hôm nay mày mang sáo à?

- Ừ!

- Thế thổi cho tao nghe đi!

Chẳng biết từ bao giờ, tôi sinh ra thói quen mang theo cây sáo mỗi khi đi chơi cùng nó. Đặc biệt là từ hồi tôi biết thổi nhiều bài hơn, trình độ thổi cao hơn thì tôi chỉ mang sáo ra ngoài mỗi khi đi chơi với con An, ngoài nó ra, hiếm ai nghe được tôi thổi sáo, lắm người con chẳng biết tôi có thổi sao được hay không.

Thổi bài Tình nhi nữ, Hoa bằng lăng, con An vừa ăn vừa nghe, uống hết 1 lon nó không uống thêm được nữa, chỉ ngồi ăn bò khô. Nghe xong, nó ngước lên nhìn tôi, mắt hoe đỏ:

- Hưng! Mày vẫn chưa quên được chuyện đó à?

- Chắc thế!

- Ngay cả hôm ăn Tất niên, tao nghe mày thổi cũng thấy thế!

Tôi sững người. Hôm đó tôi cười phớ lớ, dù buồn nhưng giấu hết cả trong cái mặt nhăn nhăn nhở nhở. Vậy mà khi tôi thổi sáo, nó cũng đoán ra được. Chắc trên đời người hiểu rõ ruột gan tôi chỉ có nó. Đến thân thiết nhất trong đám bạn như thằng Việt mà có những lúc tôi còn khó khăn khi thổ lộ, vậy tại sao lúc ở bên cạnh con An tôi lại thấy thanh thản, thoải mái đến thế? Một thứ cảm xúc mơ hồ không rõ ràng cứ quấn lấy tôi, bao lần tôi tìm câu trả lời cho cảm xúc đó, để rồi khi tôi có câu trả lời thì lại muộn mất rồi.

Tôi uống sạch 3 lon, thấy người hơi chếch choáng nhưng vẫn còn tỉnh táo lắm. Con An chợt than buồn ngủ rồi than lạnh, tôi đứng dậy kéo tấm phên phía sau điếm lại, vậy là gió không lọt vào được nữa. Bỗng dưng nó níu lấy người tôi, nói;

- Hưng ngố! Tao mượn mày một tý!

- Con hâm! Mượn mõ cái gì!

- Ki bo thế! Mượn tý thôi. Đang lạnh lắm mà tao không mang gối!

Rồi chẳng đợi tôi đồng ý, nó chui tọt vào sát, rúc người vào trong lòng tôi, gối đầu lên đầu gối tôi ngủ. Định đánh thức nó dậy, nghĩ thế nào lại thôi. Chắc nó đang buồn, mình làm cái gối cũng được. Con An cuộn tròn người, rúc vào trong lòng tôi ngủ ngon lành. Nhìn con An bây giờ khác xa con An tôi thấy hồi đầu năm. Không còn cái ương bướng, bất cần nữa, thay vào đó là đứa con gái ngố tàu, ham ăn ham ngủ. Nhìn nó ngủ hiền lành như thiên thần nhỏ, đôi môi chúm chím lại, đỏ tươi. Hai má phúng phính nhìn như em bé, hàng mi dài cong vút, lim dim ngủ. Tôi khẽ ôm nó, sợ nó ngủ say lại lăn ra, đập đầu xuống sàn mất. Nhưng cái tôi sợ nhất là nếu tôi không ôm chặt, nó sẽ lăn dần, lăn dần cho đến khi tuột khỏi vòng tay, tôi sẽ vĩnh viễn không giữ lại được nữa. Lúc lâu sau, con An vẫn ngủ say, tôi ngắm nó ngủ mà quên cả thời gian. Rốt cục giữa hai đứa là cái gì? Bạn bè, tri kỉ, người yêu, hay là một cái gì đó không rõ ràng? Tôi ngắm nó rất lâu, nhìn cái mũi nhỏ xinh phập phồng thở. Tôi lấy ngón trỏ khẽ chạm lên mũi nó, cái mũi chun chun lại như sắp hắt xì, tôi vội bỏ tay ra, sợ làm nó tỉnh ngủ. Sau đó, chẳng hiểu nghĩ thế nào, sẵn có chút hơi men trong người, tôi đánh bạo thơm vào má nó một cái. Khi cúi sát mặt, hương thơm từ tóc nó toát ra, mùi hương thực dịu nhẹ, xao xuyến!
Chương trước Chương tiếp
Loading...