Pokemon: Thế Giới Đi Đến Hồi Kết

Chương 60: Ký Ức Bị Phong Ấn (Phần 1): Thôn Angas Và Đền Thờ Thần (3)



...

Triệu Phong đang dựa vào tay lái chiếc xe đạp của nó ở lối vào một bãi đất hoang có cây cỏ và bụi rậm vây bọc chung quanh. Nó liếc nhìn đồng hồ đeo tay và lần nữa quyết định chỉ chờ Nguyễn Tuấn Tú thêm năm phút thôi, chứ không lâu hơn nữa. Nó đang lãng phí thời giờ quý báu.

Mảnh đất này là một trong những thửa đất bị bỏ quên ở vùng ngoại ô bất cứ thành phố nào. Mảnh đất này chưa được xây dựng nhà cửa, có lẽ vì nó nằm kế bên bãi rác của thành phố và những núi rác cứ mọc lên rồi xẹp xuống một cách đều đặn đáng ngán. Dân địa phương gọi nơi này là “Đám Hố” nhờ vô số cái hố khoét lõm bề mặt mảnh đất, có cái sâu gần tới cả mét.

Đây là địa điểm đua xe đạp khoái nhất của bọn trẻ, cả xe gắn máy chôm, càng ngày càng nhiều. Những chiếc xe chôm đó được chạy vô khu này, rồi bị luộc, bộ khung xe đen như than thành phế thải vất bên mép mấy cái hố xa, cỏ mọc xuyên qua bánh xe, quanh mấy cái vỏ máy gỉ sét. Thỉnh thoảng chỗ này cũng là hiện trường giải trí của những đứa mới lớn dở hơi chơi trò săn chim hay bắt nhái. Hầu như mọi lần, những sinh vật khốn khổ đó bị hành hạ từ từ đến chết và những cái xác nhỏ bé tội nghiệp của chúng bị xiên bằng những cái que trong sự reo hò hân hoan trẻ trung ác độc.

Khi Nguyễn Tuấn Tú quẹo qua khúc quanh về phía khu Hố, mắt nó chợt bắt gặp một ánh kim loại sáng chói lóe lên. Đó là cái lưỡi xẻng được đánh bóng của Triệu Phong mà nó đeo chéo trên lưng, tựa như bảo kiếm của võ sĩ Nhật.

Nó mỉm cười, đi nhanh hơn, kẹp chặt cái thuổng làm vườn bình thường của nó vào ngực và nhiệt tình vẫy tay với cái hình dáng đơn độc xa xa, một hình dáng không thể nào nhầm lẫn được nhờ vẻ mặt tái nhợt một cách đáng chú ý, lại đeo kính râm và đội mũ kết. Thực ra, toàn bộ bề ngoài của Triệu Phong hơi kỳ: nó đang mặc “bộ đồ đào đất” gồm một cái áo len to quá khổ có hai miếng vá bằng da ở cùi chỏ, một quần nhung sọc cũ lấm lem bụi bặm, không xác định được màu sắc vì một lớp bùn khô bao phủ đều khắp. Vật mà Triệu Phong giữ sạch bóng là cái xẻng yêu dấu và mũi giày được bọc kim loại của đôi giày bảo hộ lao động nó đi.

- Mày mắc cái gì mà trễ vậy?

Triệu Phong hỏi khi Nguyễn Tuấn Tú tới gần. Triệu Phong không thể hiểu sao lại có bất cứ điều gì khiến bạn nó chậm trễ, sao lại có bất cứ cái gì có thể quan trọng hơn chuyện này.

Đây là cột mốc quan trọng trong cuộc đời Triệu Phong, lần đầu tiên nó để một ai đó ở trường - bất kể là ai - được xem một trong những dự án của nó. Nó còn chưa yên tâm là nó đang hành động khôn ngoan; nó vẫn chưa biết rõ Nguyễn Tuấn Tú lắm.

Nguyễn Tuấn Tú phùng má cáo lỗi:

- Xin lỗi nghe, bị xì lốp, nên phải bỏ cả xe đạp ở nhà chạy bộ tới đây - trời nóng xì khói.

Triệu Phong liếc nhìn mặt trời khó chịu, nhăn mặt. Mặt trời không thân thiện với nó lắm: vì nó mắc chứng thiếu sắc tố nên ngay cả ánh sáng yếu ớt vào ngày râm mây cũng thiêu đốt da nó. Chứng bạch tạng khiến nó có mái tóc trắng như cước chĩa ra dưới vành mũ, và đôi mắt xanh lợt của nó lúc này đang bồn chồn ngó đăm đăm về phía trong khu Hố.

- Thôi được, tụi mình đi thẳng tới đó. Mất toi quá nhiều thì giờ rồi.

Triệu Phong nói giọng cộc lốc. Nó đạp dấn chiếc xe đạp của nó tới trước, không thèm liếc Nguyễn Tuấn Tú tới một cái. Nguyễn Tuấn Tú đành chạy theo nó, nhưng không tài nào theo kịp. Nó bằng tuổi với Triệu Phong, nhưng rõ ràng là nó được nuôi kĩ hơn hoặc được thừa hưởng di truyền thể hình của lực sĩ cử tạ.

Mặc dù giữa Triệu Phong và Nguyễn Tuấn Tú không có vẻ gì có thể phát triển một tình bằng hữu thắm thiết, nhưng điểm chung duy nhất đã khiến hai đứa tụi nó gắn bó với nhau chính là đặc điểm đã khiến tụi nó lạc lõng trật chìa ở trong trường: làn da khác thường của hai đứa. Da của Nguyễn Tuấn Tú bị những vết chàm trầm trọng khiến cho da bóng vẩy và khi bong ra thì da non ngứa ngáy cực kỳ. Nó được giải thích một cách vô tích sự là bệnh này do căng thẳng thần kinh hay dị ứng gì đó không xác định được tác nhân. Cho dù nguyên nhân là gì đi nữa, nó cũng đã phải chịu đựng sự chọc ghẹo và nhạo báng của lũ bạn, mà dã man nhất là bị gọi “con gì đó có vẩy lẩy ra vàng”, hoặc “đít rắn”. Đến khi hết chịu đựng nổi, nó đánh trả và nhờ ưu thế thể lực, nó dần cho bọn thối mồm những trận ra trò.

Đồng cảnh ngộ, vẻ tái nhợt và trắng ngà của Triệu Phong khiến nó bị tách ra khỏi bọn trẻ bình thường, và có những lúc nó đã chịu đựng dàn đồng ca độc địa rống gọi nó là “Phấn” và “Người tuyết pha sương”. Nó còn khốn khổ hơn cả Nguyễn Tuấn Tú, vào một buổi chiều mùa đông nó đã phát khùng khi bọn đầu bò phục kích nó trên đường nó đi đào hầm. Thật không may cho bọn chúng, Triệu Phong đã sử dụng cái xẻng của nó hết sức hiệu quả, và trận chiến đẫm máu mà chỉ một bên có vũ khí đã diễn ra với hậu quả là những cái răng bể và những cái mũi gãy thê lương.

Sau những vụ đó, dễ hiểu là cả Triệu Phong và Nguyễn Tuấn Tú bị tẩy chay và xa lánh một thời gian, bị đối xử với ít nhiều nể nang ngán sợ dành cho mấy con chó điên. Tuy nhiên, cả hai đứa vẫn không thể tin cậy lũ trẻ, biết tỏng là nếu mình mà bỏ vũ khí xuống thì chắc chắn trò hành hạ khủng bố sẽ tái diễn ngay lập lức. Vì vậy, mặc dù có thể lực ngon lành, nhưng Nguyễn Tuấn Tú vẫn không được cho vào đội thể thao của trường, mà bị gạt ra rìa, làm kẻ cô độc ở bên lề sân chơi. Ẩn náu trong sự cô lập của mình, hai đứa chẳng nói chuyện với ai khác, và cũng chẳng ai trò chuyện với chúng.

Kể ra thì cũng phải trải qua nhiều năm trời hai đứa mới bắt đầu nói chuyện với nhau, mặc dù trong suốt thời gian dài tụi nó đã thầm ngưỡng mộ nhau qua cách thức mỗi người tự kháng cự lại trò hiếp đáp của lũ trẻ. Hai đứa từ từ nhích lại gần nhau mà không thực sự hay biết điều đó, chỉ ở bên cạnh nhau mỗi lúc một lâu hơn trong thời gian ở trường. Triệu Phong đã từng cô độc không bạn bè một thời gian quá lâu đến nỗi nó phải thừa nhận có bạn thật là dễ chịu, nhưng Triệu Phong biết là nếu tình bạn phát triển thì sớm muộn cũng đến lúc nó phải chia sẻ với Nguyễn Tuấn Tú niềm đam mê vĩ đại của nó - những cuộc khai quật. Và bây giờ là lúc đó.

Triệu Phong cưỡi xe đạp chạy giữa mấy mô đất mọc đầy cỏ luân phiên những hầm hố và những đống rác mà mấy xe xúc rác bỏ lại, khi đến được mé tuốt bên kia nó dừng xe một cách thiện nghệ. Nó xuống xe, giấu chiếc xe đạp vào một cái hố đào bên dưới một cái vỏ xe hơi bỏ phế, bị gỡ đồ và gỉ sét, nên không dễ bị phát hiện.

Khi Nguyễn Tuấn Tú chạy kịp tới nơi, Triệu Phong tuyên bố:

- Tới rồi.

Nguyễn Tuấn Tú thở hổn hển vừa ngó lom lom qua chỗ đất dưới chân nó hỏi:

- Tụi mình sẽ đào chỗ này hả?

Triệu Phong nói:

- Không, lùi lại một tí.

Nguyễn Tuấn Tú lùi cách Triệu Phong hai bước, ngước nhìn nó với vẻ kinh ngạc:

- Tụi mình sắp đào một cái mới hả?

Triệu Phong không thèm trả lời, thay vào đó nó quỳ xuống và có vẻ dò dẫm gì đó trong đám cỏ mọc dày. Nó đã gặp cái mà nó tìm - một đoạn dây có thắt nút - bèn đứng dậy, cầm đoạn dây kéo mạnh. Nguyễn Tuấn Tú ngạc nhiên thấy một kẽ hở lộ ra trên mặt đất và một ô ván gỗ được lật lên, đất cát rơi rớt ra cho thấy bên dưới ô ván đó là một cửa hầm tối thui.

Nguyễn Tuấn Tú hỏi Triệu Phong:

- Mày che giấu nó chi vậy?

Triệu Phong đáp với thái độ chủ nhân ông:

- Chẳng lẽ để cho lũ cặn bã quậy tùm lum công trình khai quật của tao à?

Nguyễn Tuấn Tú bước tới gần, dòm vô lỗ hổng, hỏi:

- Tụi mình đâu cần chui xuống dưới hả?

Nhưng Triệu Phong đã bắt đầu thòng người nó xuống thấp qua miệng hầm, sau khi xuống sâu cỡ một hai mét, tiếp tục xuống sâu hơn, rồi tới một góc ngoặc.

Từ bên trong miệng hầm, Triệu Phong bật ngọn đèn soi gắn trên đỉnh trước cái mũ bảo hộ màu vàng của thợ hầm mỏ mà nó đang đội trên đầu, và nói vọng lên:

- Tao có một cái giống như vầy để dành cho mày.

Ánh đèn chiếu vào gương mặt của Nguyễn Tuấn Tú. Nó đang dùng dằng bên miệng hố. Triệu Phong gắt:

- Mày có xuống hay không? Tin tao đi, tuyệt đối an toàn.

- Mày có chắc không?

- Dĩ nhiên.

Triệu Phong khẳng định, biểu diễn một màn vỗ mạnh vào một trụ chống bên cạnh và mỉm cười tin tưởng để cổ vũ thằng bạn của mình. Trong bóng tối đằng sau nó, khuất tầm nhìn của Nguyễn Tuấn Tú, một đám bụi đất rơi rào rào như mưa xuống lưng nó, nó vẫn giữ nguyên nụ cười:

- An toàn như cái nhà. Thật mà.

- Thôi được...

Khi đã lọt vào bên trong, Nguyễn Tuấn Tú ngạc nhiên đến nỗi gần như á khẩu. Một đường hầm, rộng chừng hai thước và cao cũng cỡ đó, chạy khuất vào bóng tối, vách hầm được tấn bằng những súc gỗ cách đều nhau. Nguyễn Tuấn Tú nghĩ, có vẻ giống y như mấy hầm mỏ trong mấy bộ phim cao bồi xưa mà người ta chiếu trên tivi vào mỗi buổi trưa chủ nhật.

- Cái này hay! Một mình mày đâu thể làm nổi, đúng không?

Triệu Phong nhe răng cười đắc chí:

- Một mình tao chứ ai. Tao bắt đầu từ hồi năm ngoái. Mày còn chưa thấy tới một nửa mà. Đi lối này.

Nó đóng ô ván đậy kím miệng hầm lại. Nguyễn Tuấn Tú quan sát với những cảm xúc lộn xộn khi thẻo trời xanh cuối cùng biến mất. Hai đứa bắt đầu đi dọc một hành lang, ngang qua những gian chứa ván và gỗ làm trụ chống chất lộn xộn hai bên.

Nguyễn Tuấn Tú thì thào:

- Quao!

Hoàn toàn bất ngờ, hành lang mở rộng thành một không gian có kích thước một căn phòng khá rộng, ở đầu và cuối phòng là hai đường hầm rẽ nhánh. Ở giữa phòng là một núi nho nhỏ những cái xô, một cái bàn thô và hai cái ghế bành, gỗ ốp trần được chống đỡ bằng những cột sắt hiệu Việt Sin, loại cột có thể điều chỉnh, chúng đã loang lỗ vết sét gỉ.
Chương trước Chương tiếp
Loading...