Quán Trọ Hoa Diên Vỹ
Chương 9
Quả là một bữa trưa không bình thường. Vừa bước lên thềm tôi đã nhận ra bầu không khí khác với mọi khi. Cái không khí vẫn tỏa ra từ căn nhà này đã có chút thay đổi. Tôi không khó chịu, nhưng tôi cảm giác dẫu có làm cách nào đi nữa nó cũng không thể quay lại như trước.Dịch giả đang ninh gì đó bằng bếp ga. Bàn ăn trải khăn sọc xanh, hai bông hoa râm bụt nổi trong cái bát thủy tinh. Chén bát xếp chồng khít lên nhau. Trên chiếc xe đẩy để đồ uống là chiếc radio đang phát nhạc. Tôi không biết tên bản nhạc, nhưng có vẻ là nhạc cổ điển.Không biết mấy bông hoa ở đâu ra nhỉ? Tôi cứ đinh ninh trong căn nhà này không có thứ nào toát ra vẻ thanh lịch. Lại còn cả nhạc nữa. Ngoại trừ lúc nghe phong cầm trước đồng hồ hoa, giữa hai chúng tôi chưa hề có một bản nhạc nào vang lên, dù là thể loại nào đi nữa.Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là ở đây không chỉ có mình dịch giả.- Cảm ơn vì cô đã đến! Ngoài kia nóng lắm phải không? Nào, đi hướng này. Cô có trốn khỏi Hoa Diên Vỹ suôn sẻ không? Tôi rất muốn cô có thể thong thả tới đây. Để tôi mang cho cô thứ gì mát mát nhé!Dịch giả có vẻ rất vui. Ông ta nói chuyện liên tục. Ông không mặc áo khoác nữa mà chỉ mặc độc áo sơ mi. Ông nới lỏng cà vạt, tháo cúc tay áo và xắn lên.- Đây là thằng cháu tôi. Nó chỉ nghỉ lại đây có một tuần thôi.Gã “cháu” đang ngồi trên sofa vội đứng lên, mắt cụp xuống vẻ thẹn thùng, và hơi khom người chào.- Chào anh.Tôi nói, vẫn chưa hết ngạc nhiên.Hắn im lặng ngồi lại xuống ghế, đủng đỉnh tựa vào nệm rồi bắt tréo hai chân. Hắn cao, gầy, mái tóc gợn sóng dài che kín hai tai. Hắn mặc quần bó màu đen, và áo phông trắng không hoa văn họa tiết.Song cái mặt dây chuyền hình thù kỳ lạ đang toòng teng trên cổ hắn lại chẳng ăn nhập chút nào với bộ trang phục giản dị. Nó nổi bật hơn hết thảy. Trông có vẻ như một mẫu dây chuyền mới ra, cũng có vẻ giống như một cái bùa hộ mệnh hay bùa ngải gì đó.Im lặng bao trùm chúng tôi. Hắn chẳng nói nổi một câu “Rất hân hạnh”, cũng chẳng vâng dạ gì. Bản độc tấu piano bắt đầu vang lên cùng tiếng vung nồi lạch cạch.- À, quên mất. Đáng lẽ tôi phải nói ngay từ đầu. Thằng bé này từng mắc một căn bệnh nhẹ, sau đó nó đã bị câm. - Dịch giả nói.- Câm ..- Vâng, đúng vậy. Nhưng cũng chẳng phải chuyện gì to tát lắm đâu. Cô đừng bận tâm làm gì. Chỉ là không nói được thôi mà. Ôi, hình như trào mất rồi. Tôi phải đi xem thức ăn thế nào đây. Sẽ xong ngay thôi, cô đợi thêm chút nữa nhé!Khi dịch giả đi vào bếp rồi, tôi trở nên bối rối. Tôi không biết mình nên xử sự thế nào cho phải trước một người câm.Ngay chuyện có một người khác ngoài dịch giả ngồi trên ghế sofa đã là khó hiểu rồi. Liệu hắn có biết tôi đã bị làm cho ê chề đến thế nào trên cái ghế ấy, cái ghế sofa mà hắn đang tựa tấm lưng rắn chắc lên đó, đang bắt hai chân vào nhau một cách tao nhã hay không? Mối nghi ngờ ấy càng lúc càng khiến tôi hoảng loạn.Gã cháu nhẹ nhàng đưa tay ra mời tôi ngồi. Hắn không nhìn tôi lấy một lần. Cứ mỗi lần bốn mắt sắp sửa đụng nhau là lập tức hắn lại quay đi chỗ khác, mắt nhìn những vết xước trên bàn, vết sờn trên cái gối hoặc nhìn xuống chân. Hắn cứ cúi gằm mặt xuống như thể đã nhìn chăm chăm vào đó từ nãy giờ. Tôi ngoan ngoãn ngồi đối diện với hắn. Trong bếp, dịch giả có vẻ đang rất bận rộn. Tiếng piano vang lên giữa những âm thanh loảng xoảng của bát đĩa. Về sau còn hòa lẫn cả tiếng kèn sáo nữa.“Là Chopin.”Gã cháu nói. Không, không phải. Hắn không nói được kia mà. Thế nhưng tôi có cảm giác mình vừa nghe thấy tiếng hắn.“Bản concerto số 1. Cô có biết không?”- Không ạ. - Tôi trả lời.Mặt dây chuyền đeo trên cổ hắn là một cái hộp dẹp mạ bạc, giống bao thuốc lá. Trong cái hộp ấy có một tập giấy nhớ. Hắn xé ra một tờ, lấy cái bút mực ngắn kèm theo, kê tờ giấy lên cái hộp rồi viết. Cử chỉ của hắn rất mau mắn, khiến tôi có cảm giác chúng tôi đang nói chuyện với nhau như bình thường vậy.“Rất hay phải không?”- Vâng, rất tuyệt. Em cũng thấy thế.Tôi bị cuốn vào cuộc trò chuyên kỳ lạ này. Thực ra tôi chưa nghe Chopin bao giờ, nhưng vẫn gật đầu cho hắn vui. Khoảnh khắc hắn mở nắp hộp, tiếng móng tay cào nhẹ, những tờ giấy trắng xóa, tiếng bút chạy trên giấy, rồi tờ giấy ấy được chuyển đến tôi, chúng đóng vai trò như là tiếng nói. Hắn cho bút vào rồi đóng nắp hộp lại. Tôi khẽ ho một tiếng, và lấy mũi dép vạch lên thảm những hình vô nghĩa. Im lặng lại bao trùm. Tiếng sóng nghe rõ hơn mọi khi.Bỗng hắn đứng dậy đi vào bếp. Hắn khom người trước cái xe đẩy thức ăn, rồi chỉnh lại tần số trên đài. Cái đ đã lỗi thời. Nó to thế mà tiếng lí nhí, anten thì gỉ sét, một bên núm vặn bị bong mất lóp vỏ bọc bằng nhựa. Song nhờ hắn chỉnh nên tiếng phát ra đã rõ hơn.Có vẻ như hắn đã đến đây nhiều lần. Hắn không bị ngợp chút nào trước sự ngăn nắp quá đáng trong căn nhà này. Hắn mở cửa, chạm vào cái đài như đã thân thiết từ lâu. Hắn xử sự hết sức tự nhiên.Không chỉ hoa. Mà cả đài. Tôi không để ý là dịch giả lại có những thứ này. Chúng không có trong tủ quần áo. Tôi đã vục đầu vào từng góc tủ một nên biết rất rõ. Ừm, hay là trong ngăn kéo bàn làm việc nhỉ? Cũng có thể là trên tủ đựng bát đĩa. Nhưng tại sao chỉ vì có cháu đến chơi mà ông ta lại phải cắm hoa với bật đài nhỉ? Tại sao không phải vì tôi, mà lại vì gã đó? Những nghi vấn cứ dồn dập trong đầu tôi thành từng đợt.- Đã để cô phải chờ lâu. Chắc đói lắm rồi nhỉ? Cô vào ăn đi! - Dịch giả nói, không để ý đến những nghi vấn trong tôi.- Này, cháu dẫn cô ấy ngồi xuống cái ghế kia đi!Đây là lần đầu tiên dịch giả nói với cháu mình. Hơn nữa lại là một mệnh lệnh khác hẳn với những mệnh lệnh ông ta đã ra cho tôi. Nó khác hoàn toàn với những câu “Câm mồm đi, con đĩ!” hay “Làm bằng miệng hết!”Nghe vậy gã cháu kéo cái ghế ở chính giữa bàn ăn ra, rồi dùng mắt ra hiệu “Mời ngồi.” Tôi vo tròn ba tờ giấy nhớ hắn đã đưa cho rồi nhét vào trong túi.** *- Năm nào anh cũng đến đây à? - Tôi hỏi.- Không, không phải thế đâu. - Dịch giả trả lời.Tôi hỏi gã cháu, song ông ta lại trả lời thay hết cả.- Đã tròn ba năm rồi ấy nhỉ? Thằng bé này luôn bận rộn, kể cả khi nghỉ hè. Nào là đi tham quan nghiên cứu cho bài thảo luận, nào là giúp đỡ thầy giáo, rồi chuẩn bị luận văn nữa.- Anh học ngành gì ạ?- Kiến trúc, chuyên môn của nó là kiến trúc gothic. Từ bé nó đã thích những công trình kiến trúc. Nó toàn chơi xếp hình nhà thôi. Nó toàn tạo ra những ngôi nhà hình thù kỳ dị mà đến người lớn cũng nghĩ không ra. Rồi nó bắt đầu sưu tầm những tấm thiệp in hình nhà thờ Trung cổ, cũng được khá nhiều. Nhưng chỉ toàn thiệp nhà thờ thôi. Trên đời này chắc không có nhiều đứa trẻ tỏ ra thích thú với kiến trúc đến thế đâu nhỉ. Nếu nó thích ô tô, bóng chày hay truyện tranh thì còn hiểu được. Đằng này nó lại hơi khác người một chút.Dịch giả lau miệng, rồi lấy thìa trộn khuấy chỗ thức ăn trong đĩa.- Tốt nghiệp đại học xong anh định làm gì?- Nó sẽ ở lại phòng nghiên cứu và tiếp tục học.Gã cháu vừa đặt tay lên cái mặt dây chuyền, thì lập tức dịch giả chặn lại.- Được rồi. Cháu cứ ăn thong thả đi. Hai tay viết rồi thì còn ăn thế nào được nữa! Nhưng bác và cô đây vẫn có thể vừa ăn vừa chuyện trò thế này bao nhiêu cũng được.Nói rồi ông ta cứ thao thao một mình.Khi nhìn thấy thức ăn bày trên bàn, tôi không thể tưởng tượng nổi đấy lại là những thứ dùng để ăn. Tôi đã nghĩ chắc lại là những vật trang trí đặc biệt, giống như hoa râm bụt và bản nhạc của Chopin vậy. Không có thứ nào cứng. Mọi thứ thức ăn đều được xay nhão, như đồ ăn của trẻ nhỏ. Nó đặc vừa đủ để có thể xúc bằng thìa và cho vào miệng. Vì thế nên không có một con dao cái dĩa nào, trên bàn chỉ xếp mỗi thìa thôi. Đúng là ngoài thìa ra, những cái khác đều không cần đến.Và những món ăn đều có màu rất đẹp. Xa lát màu xanh đậm, thoáng mùi rau chân vịt và bơ. Xúp màu đỏ. Tôi nhận ra ngay đấy là cà chua, nhưng vì cho nhiều gia vị mạnh nên nó có vị hơi khó hiểu. Thức ăn trong cái đĩa to nhất có màu vàng chói lọi. Cứ như đầy sơn vậy, đến mức ban đầu tôi hơi lưỡng lự một chút khi nếm nó. Khi vừa nhúng thìa vào nó liền sủi tăm, hơi nước âm ấm bốc lên. Tôi không hiểu làm cách nào để ra được cái màu vàng như thế này. Nó có mùi như mùi lá rụng ngấm nước mưa, như mùi rong biển bị sóng đánh vào bờ.- Gothic là như thế nào ạ?Tôi hỏi thử một câu mà dịch giả không trả lời được.- Để sau nó sẽ cho cô xem mấy cái thiệp là biết ngay thôi. Có cả phác thảo nó vẽ trong những chuyến tham quan nữa. Thằng bé này còn có tài hội họa nữa đấy. Nó đến đây nghỉ cũng là để vẽ tranh mà.Quả nhiên dịch giả lại xen vào.Gã cháu vẫn im lặng đút từng thìa thức ăn vào miệng, không tỏ vẻ bất mãn gì. Hắn không có vẻ gì hồ nghi về những thứ thức ăn này, mà ăn chúng như thể đấy là điều tất nhiên vậy. Chúng tôi đang nói chuyện về hắn, vậy mà hắn chẳng gật gù cũng chẳng cười được một tiếng. Thỉnh thoảng cái mặt dây chuyền lại va vào bàn đánh cộp.Trong số các món ăn được bày ra thì chỉ có nước trong cốc là có vẻ bình thường. Tôi xin thêm nước. Dịch giả lấy bình nước để trên xe đẩy và rót cho tôi. Bản concerto ngừng trong giây lát. Tôi vừa thoáng nghĩ “chắc hết rồi” lập tức tiếng nhạc lại vang lên. Hình như đang vào một chương mới.- Có hợp khẩu vị cô không? - Dịch giả hỏi.- Dạ...Tôi gật đầu một cách vẩn vơ.- Thức ăn hơi lạ ạ.Tôi thành thật trả lời.- Tôi đi chợ mua thức ăn hôm qua, và bắt đầu chuẩn bị từ tối qua cơ. Đã lâu lắm rồi mới lại tất bật thế. Hiếm khi được một ngày như thế này mà.Ông ta nói, vẻ tự hào.- Thế lúc nào bác cũng ăn thức ăn kiểu này à, ý cháu là, thức ăn được nghiền nát ra ấy?- Ừ, khi ăn cùng thằng cháu...Hai bác cháu nhìn nhau bằng ánh mắt chỉ có họ mới hiểu.Tôi không thể quen được với chuyện giữa tôi và dịch giả lại có một người nào đó xen vào, rồi dịch giả lại chuyện trò và nhìn một người khác không phải tôi. Cảm giác khó chịu như thể bị bắt ngồi lên một cái vòng đu quay tròng trành vậy. Các món ăn rờn rợn cũng không khiến tôi khó thở bằng cái gã đang ngồi giữa tôi và dịch giả.Tôi ngồi thu vào một góc trên cabin đu quay, nín thở. Góc đối diện, gã cháu đang chìm đắm trong thế giới im lặng của riêng hắn. Chỉ có dịch giả ngồi giữa là vui vẻ. Ông ta càng vui đùa bao nhiêu cabin lại chao đảo bấy nhiêu.- Thi thoảng chúng tôi cũng đi ăn ở nhà hàng. Nhưng thằng bé này chỉ có thể gọi xúp hoặc món hầm thôi. Nên tôi cố bỏ công nấu cho nó món gì ngon ngon. Lúc nó sắp đến thể nào cũng có thư, và việc đầu tiên tôi làm là lấy cái máy xay ra khỏi tủ.- Sao phải làm thế ạ?- Vì nó không có lưỡi.Dịch giả lúc lắc đá trong cốc. Gã cháu đặt cái đĩa đã trống không sang bên cạnh, rồi với tay lấy một cái mới đặt trước mặt. Tôi đếm những giọt nước màu vàng nhỏ xuống từ thìa, để hiểu một cách chính xác những gì ông ta nói.- Hồi bé nó bị một khối u ác tính ở lưỡi, vì thế người ta đã cắt bỏ đi.- Có chuyện như thế cơ- Vâng, tiếc rằng chuyện lại là như thế.Câu chuyện về cái lưỡi kết thúc ở đó.Nhân lúc hai người kia không để ý, tôi liếc nhìn miệng gã cháu. Bề ngoài trông nó chẳng có gì khác lạ. Môi hắn cân đối, hắn nuốt nhẹ nhàng những thứ trên thìa. Không biết mình có lưỡi không nhỉ? Chẳng hiểu tại sao tự nhiên tôi lại thấy lo lắng, và lấy răng cắn nhẹ vào lưỡi minh.Dịch giả cứ thao thao bất tuyệt. Hầu như toàn chuyện gã cháu. Ông kể hết những chuyện từ nhỏ đến giờ của hắn, tự hào về những kết quả xuất sắc của hắn và vẽ ra tương lai của hắn. Nào là chuyện hắn sinh ra trong trạng thái chết lâm sàng vì bị dây rốn quấn chặt vào cổ, chuyện hắn đã từng đóng quảng cáo sữa bột, rồi chuyện hắn bị lạc trong cửa hàng bách hóa, cả chuyện hắn đã cứu một cô bé sắp chết đuối và được đăng báo... Những câu chuyện cứ tuôn trào như những con nhện con liên tục từ trong trứng chui ra. Rồi mỗi chuyện lại kéo theo vô số những dây mơ rễ má, như là kỷ niệm của ông ta, rồi vấn đề chính trị hay một lời độc miệng của ai đó.Song, bà vợ đã mất của ông ta, bà vợ đã chết vì bị thắt cổ của ông ta thì tuyệt nhiên không thấy xuất hiện, chỉ mỗi bà ta là bị bỏ rơi, bị chìm xuống đáy sâu câm lặng.Tôi hầu như không nghe ông ta nói gì. Tôi đã gắng hết sức để không tỏ ra chán ngấy. Gã cháu vẫn đắm chìm trong không gian riêng của hắn. Tới mức tôi đã nghĩ có khi cả màng nhĩ hắn cũng bị cắt luôn rồi cũng nên.Dịch giả dường như không nói chuyện với chúng tôi. Ông ta chỉ là đang hướng về khoảng không trước mặt và khạc ra những con nhện con mà thôi. Chắc tới khi trứng nở hết ông ta mới chịu ngừng.Ăn được chừng một nửa tôi bỏ thìa xuống. Tôi không muốn làm ông ta thất vọng, nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy buồn nôn. Váy tôi dính chặt vào hai bên mông đẫm mồ hôi.Ồ, hình bóng cơ thể ông ta không còn nguyên vẹn nữa rồi. Tôi nghĩ. Não, nội tạng, và xương thịt, chúng đang bị xáo trộn tanh bành. Có lẽ gã cháu cũng không biết làm cách nào để ông ta trở lại như cũ.Khi tôi nhận ra điều đó, dịch giả đã không nói nữa. Quả trứng cuối cùng đã nở. Ông ta nghiêng cái đĩa, vét nốt chỗ patê màu nâu sẫm còn sót lại một cách khó khăn. Cái thìa chạm vào đáy đĩa. Trong đài tiếng vỗ tay rộn lên, bản concerto đã kết thúc. Tiếng vỗ tay cứ vang mãi không dứt.- Hai người trông không giống nhau lắm nhỉ.Tôi nói. Có lẽ làm cách này tôi sẽ có thể chuyển đề tài trò chuyện sabà vợ đã mất của dịch giả. Song dịch giả không nói gì. Lúc trước, ông ta đã trả lời hết các câu hỏi của tôi, vậy mà giờ lại chỉ tập trung vào việc ăn nốt thức ăn.“Vì không cùng huyết thống mà.”Cuối cùng, gã cháu trả lời. Bàn bày đầy thức ăn vậy mà hắn cũng có thế viết được một cách dễ dàng. Sau một tràng nói chuyện của dịch giả, thì cử chỉ này của hắn thật kín đáo.“Vợ bác với mẹ tôi là hai chị em.”Tờ giấy nhớ lướt nhẹ trên mặt bàn.- Em đã nghe chuyện vợ bác anh mất rồi.Vừa trò chuyện với gã cháu, tôi vừa để ý phản ứng của dịch giả. Gã cháu lại xé ra một tờ nữa, cầm cái bút ngắn ngủn một cách khéo léo rồi viết một đoạn dài chưa từng thấy.- Ta ăn điểm tâm thôi chứ nhỉ? - Dịch giả nói. - Sinh tố đào và kem chuối. Chắc chúng đủ lạnh rồi. Trước đó phải thu dọn bàn cái đã. Nào, giúp bác một tay nhé?Gã cháu cho tờ giấy đang viết dở vào trong hộp, rồi giúp dịch giả dọn dẹp bàn ăn. Hai người làm thoăn thoắt như thể đã phân công công việc từ trước vậy. Họ hiểu nhau chỉ qua một cái khẽ đưa mắt hay cử chỉ ngón tay. Tôi không phải làm gì hết.Hoa râm bụt tươi rói như đang phát sáng. Trời vẫn nóng, song thi thoảng lại có gió thổi vào từ cửa sổ chỗ bồn rửa bát ra đến hiên nhà phía Nam. Mỗi lần như vậy những trang giấy trong cuốn tiểu thuyết có Marie lại bay loạt soạt. Trên đài đã bắt đầu phát một phần trình diễn mới. Lại là một bản nhạc tôi không biết.Sinh tố đào và kem chuối được mang ra. Không biết lúc nãy gã cháu định viết gì nhỉ. Tại sao hắn lại thân thiết đến thế với người đàn ông đã giết bác ruột mình? Toàn những chuyện tôi không hiểu nổi. Tôi đút thìa kem vào miệng, lập tức nó tan ra rồi trôi tuột xuống cuống họng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương