Quỷ Sai

Chương 22: Mối Hận Trăm Năm



Bách tính trong thành Phụng Dương ngoài kiểu tóc và trang phục, trang sức ra, chẳng có gì khác hai trăm năm về trước, cuộc sống bận rộn hằng ngày vẫn diễn ra, ban ngày đi làm, ban đêm về nghỉ. Hồi Xuân đường so với lúc tôi rời đi đã được xây dựng thêm rất nhiều, từ hai cửa như trước đây, đến giờ đã xây thành tám cửa, bên phải là để chẩn bệnh, bên trái là để bốc thuốc.

Trong sảnh đường đồ đạc lộn xộn, rõ ràng vì quá bận rộn nên không có thời gian sắp xếp. Cứ theo cách người dưới xưng hô với đại phu, thì y quán này đã được giao cho Âu Dương gia nối đời coi sóc. Bệnh nhân của Hồi Xuân đường đông nghịt, đương nhiên cũng chẳng ai để ý tới một người chẳng liên quan như tôi, huống hồ người không liên quan cũng đâu chỉ có mình tôi.

Chỗ trang trọng, bắt mắt nhất trong sảnh đường có treo hai bức hoạ, rất đông người vây lại để xem. Người trong bức hoạ vô cùng thân thuộc, từng đường nét của y từ khi còn nhỏ cho tới lúc trưởng thành, trở nên nổi bật, tuyệt thế trên đời, tôi đều không quên.

Bên cạnh treo một bức hoạ nữ nhân, nhưng người này tôi không quen biết.

“Tại sao Tô đại phu và Tô tiểu muội lớn lên lại khác nhau như vậy?” Một cô nương đứng trước hai bức hoạ hỏi a hoàn của mình.

“Tiểu thư, rất nhiều người trong thành đều nói thế, có thể Tô tiểu muội là nghĩa muội do Tô đại phu nhân nhận về. Với lòng dạ thiện lương như Tô đại phu, việc đó cũng không phải là không thể.”

“Tại sao bản triều lại không có vị đại phu nào tuấn kiệt như thế chứ?”

Cả đám người cùng gật đầu đồng ý.

Hoá ra cô gái trong bức hoạ này chính là tôi, chợt nhớ trước đây tôi từng miêu tả cho Tô Dục:

“Tô Dục… mắt ta không lớn… là mắt một mí… sống mũi hơi gẫy… môi không căng mọng… nhưng cũng chẳng mỏng…”

“Ta không xinh đẹp… cũng không nổi bật giữa đám đông… thích mặc y sam màu xanh… đi hài màu trắng… tóc dài quá vai một chút sẽ cắt… chỉ để vừa đủ buộc lại như đuôi ngựa…”

Trên đời vô số người có ngũ quan tương tự như vậy, y vẽ không ra được là vì thế, thảo nào tôi nhìn kiểu gì cũng không thấy giống, chỉ riêng nỗi cô đơn trong ánh mắt kia thì ngược lại, thật xuất thần. Y cũng chẳng biết thế nào là tóc đuôi ngựa, nên vẽ tóc chổng hết lên trên đỉnh đầu, trông rất kỳ quái, rất giống một đứa bé gái, lẽ nào mọi người đều nghĩ rằng tôi là được y thu nuôi?

Một vị cô nương muốn đưa tay chạm vào bức hoạ của Tô Dục, người làm trong Hồi Xuân đường vội vã chạy tới ngăn lại, “Tiểu thư, bức hoạ này đã treo hơn hai trăm năm rồi, ban ngày treo lên, đêm đến gỡ xuống, mới giữ gìn được tốt như vậy, mời đứng từ xa nhìn, chớ chạm vào”.

Vị tiểu thư kia liền ngượng ngùng rụt tay lại, mặt đỏ bừng.

“Nếu tiểu thu nhà ta muốn bức hoạ của Tô đại phu, ra khỏi cửa phủ, rẽ trái, ở phía cuối đường có vị sư phụ vẽ rất nhiều, có thể đến đó mua về.”

“Ai nói tiểu thư nhà ta muốn bức hoạ của Tô đại phu, tiểu thư ta băng thanh ngọc khiết, rất giỏi thư hoạ, chỉ là muốn xem tài hoạ chân dung của bức hoạn này mà thôi.” A hoàn lớn tiếng bảo vệ chủ nhân.

Người làm trong Hồi Xuân đường đáp: “Bức hoạ này là bút tích thực của Tô đại phu. Thuở ấy, ngài từng bỏ ra hai năm học vẽ, cuối cùng chỉ vẽ đúng hai bức hoạ này để lưu truyền hậu thế, cũng đủ để giới hội hoạ kinh thành phải khiếp đảm. Mấy đời nay, các hoạ gia phỏng hoạ vô số, người mua phỏng hoạ của Tô đại phu, đa phần cũng là để gia trạch bình an”.

Đây là tôi trong mắt Tô Dục, bức hoạ này không biết đã làm bạn cùng y bao nhiêu năm tháng rồi.

***

Hơn hai trăm năm nay không gặp, Tử Cấm Thành được xây dựng ngày một nguy nga tráng lệ, tứ hợp viện của Thái y viện mà Tô Dục từng ở giờ chẳng biết đã đi đâu rồi, bị phá huỷ hay được xây dựng lại, hay là do hoả lực tiêu huỷ, chẳng thể nào suy đoán được.

Sau hơn hai trăm năm, tôi lại quay về nơi này. Kinh thành đối với tôi mà nói, nếu không có Tô Dục, chẳng qua cũng chỉ là một trạm dừng chân, nghỉ ngơi đủ rồi sẽ lại tiếp tục hành trình.

Quỷ sai cứ như con thoi xoay qua xoay lại thế gian, trải qua bể dâu, mãi đến một ngày, khi bản thân cũng trở nên vô cảm vô dục thì sẽ lặng lẽ rời đi. Đây là điều Quỷ đầu đại ca từng nói với tôi, cũng là lời một Quỷ sai quyết định đi đầu thai nói với huynh ấy. Ví von chức phận của Quỷ sai với công việc của người sống là cách hình dung gần gũi nhất, nhưng lại tầm thường nhất, sau mấy trăm năm ngoảnh mặt làm ngơ, rồi cuối cùng con tim cũng hoá băng.

Nay thử ngẫm kỹ, làm tử hồn thì được nếm trải những gì? Kể từ ngày đó, A Bát cũng biến đâu mất dạng.

Vốn tưởng mộ phần của Tô Dục sẽ ở bên thành Phụng Dương, nhưng tôi đi khắp một vòng lại chẳng thu được kết quả gì. May mà nghe được người trong tửu lâu nhắc đến, mới biết mộ phần của Tô Dục nằm tại kinh sư.

Tại sao lại ở kinh sư?

Quan viên bình thường dù là quan cực cao dưới chân thiên tử, cuối cùng cũng sẽ được mai táng ở quê hương cùng mộ phần tổ tiên. Tổ tịch của Tô Dục chẳng biết ở nơi nào, nhưng chắc chắn không phải là kinh sư, năm đó y làm Viện phán, là lần đầu đặt chân đến nơi này.

Chẳng biết sau khi đi, kinh sư đã xảy ra chuyện gì. Ở kinh thành này nếu thực sự có chỗ nào đáng để tôi tưởng nhớ nhất, thì hiện tại chỉ có một nơi.

Tôi bước từng bước trên những bậc thềm đó, sơn lộ sớm đã được sửa sang rồi, trải qua thời gian, thềm đá cũng trở nên bóng loáng, người đi trên sơn lộ cũng rất đông, cầm theo nhang đèn, trong lòng thành khấn, giống như tôi và Tô Dục của hai trăm năm về trước.

Trước miếu Nguyệt Lão có dọn ra một khoảng đất rất rộng, bao quanh là tường gạch đỏ, mái lưu ly. Hoàng đế tiền triều ngự ban tấm bia khen ngợi dựng ngay trước của, bên trong chỉ là một ngôi mộ cực kỳ đơn sơ.

Tô Dục chi mộ.

***

Y được mai táng ở chỗ này sao? Tôi sờ lên tấm bia đá.

Thật khó tưởng tượng được dưới tay tôi lúc này là bia mộ của Tô Dục, khi tôi đi, y mới chỉ là một chàng thanh niên.

Bài minh ca ngợi trên bia mộ, tôi đọc không hiểu, là một bài cổ văn dài, chỉ có ngày mất là tôi thấy rất rõ, y chết vào năm ba mươi chín tuổi.

Ba mươi chín tuổi vẫn còn phong nhã hào hoa.

Ba mươi chín tuổi, tôi còn có thể được ở bên cạnh y mười bốn năm nữa.

Đi quanh một vòng, ngoại trừ ngày giờ sinh, mất đơn giản trên tấm bia, không còn bất kỳ manh mối nào khác.

Khi định trở ra tôi mới phát hiện, mặt sau tấm bia ca ngợi công lao kia có khắc chữ, vả lại còn rất đơn giản.

“Miếu Nguyệt Lão, chỗ đệm quỳ.”

Đây là manh mối mà Tô Dục để lại?

Miếu Nguyệt Lão đã từng nhiều lần được sửa sang, xây dựng thêm lầu hai, có thể thấy hương hoả đỉnh thịnh đúng là rất tốt đẹp.

Lúc tôi đi vào, chỉ thấy duy nhất một chiếc đệm quỳ đơn giản, cạnh đó còn có rất nhiều văn nhân mặc khách, có lẽ cũng đang lưu lại để phỏng đoán về câu đố trên mặt sau tấm bia.

“Chiếc đệm quỳ rõ ràng không có chữ gì, tại sao chỗ mộ Tô Dục lại chỉ rõ, bên trong có huyền cơ gì đây?”

“Không đúng, không đúng, miếu Nguyệt Lão chỉ có ở đây, thiên hạ bao nhiêu là miếu Nguyệt Lão, Tô Dục chẳng qua chỉ cố làm ra vẻ huyền bí để lừa bịp mà thoi.”

“Chẳng lẽ phải đến từng nơi để tìm sao?”

“Làm gì có ai rỗi việc như thế.”

“Nghe nói triều Minh cũng có một cô gái si tình từng đặt chân qua khắp các miếu Nguyệt Lão trong thiên hạ, chỉ để tìm được chân nghĩa lời của Tô Dục.”

“Kết quả thế nào?”

“Ai biết được.”

Đám thư sinh này chẳng biết đến cầu nhân duyên hay ngứa mồm ngứa miệng tào lao cả nửa ngày trời, cuối cùng mới theo các vị hương khách rời đi, miếu lớn như thế này lai không có đến một ni cô hay hoà thượng để coi sóc.

Tôi sờ tay lên hương án, ngày qua ngày lại như thế, vậy mà ngay một hạt bụi cũng không có, ắt là dùng pháp thuật. Tôi ngồi xổm xuống, di chuyển chiếc đệm quỳ, phía dưới đúng thật chỉ có một tấm đá phẳng, không tìm được bất kỳ dấu tích nào. Nhưng nếu ai đó đã có thể tuỳ ý sử dụng pháp thuật trong miếu, thì tấm đá phẳng này, chưa biết chừng cũng đã bị làm phép để che mắt rồi.

Ngầm dùng pháp thuật khôi phục tấm đá trở lại trạng thái ban đầu, tấm đá dưới tay tôi lồi lõm, lần sờ kỹ càng, tôi thở ra một hơi khí lạnh.

“Tìm được rồi?” Giọng A Bát phía sau chợt vang lên, mang chút giận dỗi, “Cục diện này ta đã sắp đặt hơn hai trăm năm rồi, giờ nàng mới đến, làm ta đợi muốn chết”.

Giọng nói của người sống và người chết thường sẽ có đôi chút khác nhau, tôi nhớ giọng nói trước đây của Tô Dục, đây hẳn là giọng y sau khi chết.

“Thực ra không chỉ dưới đệm quỳ, toàn bộ nền đất trong miếu đều như vậy, nàng sờ thử xem.” Giọng dần trở nên băng lạnh, sắc bén.

Tôi quay đầu gọi y, “Tô Dục”.

Tô Dục vẫn mang dung mạo mê người như xưa, nhưng khoé mắt lai không còn vẻ ấm áp khi nhìn tôi nữa.

Trải khắp trên đất, chỉ có một chữ “Hận”.

“Chàng hơn hai trăm năm rồi, lại chỉ muốn nói với thiếp, chàng hận thiếp?”

***

“Hận…”

Tô Dục ngồi xuống, dấu tích trên mặt đất đều mập mờ hiện rõ, chạy khắp trong miếu đường, chẳng cần dùng đến pháp thuật, cứ từng nét từng nét vạch trên nền đất.

Tôi cúi đầu nhìn y, “Tô Dục, năm năm sau thiếp có trở về, sau khi chàng hai mươi lăm tuổi, rốt cục đã xảy ra chuyện gì? Tại sao?”.

Y chỉ ngồi đó, dựa vào cửa miếu, nhìn vào miếu đường trống trải.

“Hoá ra mấy trăm năm nay, ta lại khắc nhiều chữ ‘Hận’ đến vậy.” Ngón tay thon dài của y sờ lên những vết khắc kia, “Khi khắc chúng ta nghĩ đến điều gì? Đại khái, ta chỉ tưởng tượng tới vẻ kinh hãi của nàng khi phát hiện và đứng bên cạnh mà trông vẻ thoả mãn của ta”.

Tôi khuỵu xuống trên chiếc đệm quỳ, hỏi lại lần nữa, “Tại sao? Thiếp không hiểu?”.

“Thất Thất, nàng có nhớ khi còn sống, câu cuối cùng ta nói với nàng là gì không?”

“Nàng nhất định nàng phải trở về, ta sẽ đợi nàng, năm năm… mười năm… ta vẫn sẽ đợi nàng.”

“Để có thể khiến ta hận nàng như thế, chỉ có một nguyên nhân: Nàng chưa từng quay lại.”

Tôi cứng người, thảng thốt nhìn y.

“Tô Dục hai mươi lăm tuổi, đang ngồi trong gian phòng xép của Hồi Xuân đường, trước mặt là rượu và đồ ăn, đợi một đêm, một ngày, một tháng.” Y nói như đang kể câu chuyện của một người khác, vẻ mặt bình thản như chưa từng nhuốm nỗi đau.

“Tô Dục ba mươi tuổi, chế ra loại rượu mới, đợi mấy đêm liền, đổ bệnh.” Giọng điệu chuyển sang trầm uất.

“Tô Dục ba mươi lăm tuổi”, y nở nụ cười tự giễu, nỗi chua xót cùng cực, “vẫn chờ nàng”.

Y vung tay, chữ bên cạnh đệm quỳ liền biến đổi, mơ hồ hiện sắc xanh lam, “Dưới đệm quỳ này vốn không phải chữ ‘Hận’”.

“Năm năm rồi… ta đợi nàng. Tô Dục”

“Mười năm rồi… Ta đợi nàng. Tô Dục”

“Mười lăm năm rồi… Ta đang đợi nàng. Tô Dục”

“Ta sẽ đổ một canh bạc, nếu vẫn chưa được gặp nàng, vậy chỉ có thể duyên kiếp này đã tận. Tô Dục đợi nàng.”

Y đứng dậy, đi đến trước mặt, nâng cằm tôi lên, khoé mắt lộ vẻ cay nghiệt, “Biết Tô Dục chết như thế nào không?”.

Cơ thể tôi run rẩy không ngừng.

“Năm Tô Dục ba mươi bảy tuổi học hội hoạ, hoạ ra dung nhan năm hai mươi sáu tuổi của mình, hắn sợ cứ tiếp tục chờ đợi thế này, dù nàng có trở về cũng sẽ chê hắn không còn trẻ trung, mắt mờ chân chậm.” Y hừ lạnh, “Thật ngu ngốc!”.

“Năm ba mươi chín tuổi, đã xảy ra chuyện gì?” Trực giác mách bảo tôi rằng canh bạc y đề cập là một chuyện cực kỳ hung hiểm.

“Năm đó, phía nam của một thành trấn bùng phát bệnh dịch hạch, quan binh trấn giữ cổng thành, nội bất xuất, ngoại bất nhập, kẻ nào dám ra khỏi thành sẽ bị giết không nương ta.” Y nâng lọn tóc rủ trước ngực tôi, ánh mắt u tối, “Tô đại phu tế thế cứu người, một mình lặng lẽ vào thành”.

“Tại sao? Đó là bệnh dịch hạch mà.” Chàng thân là đại phu, chắc chắn biết bệnh này đáng sợ thế nào.

“Sao ta phải quản những chuyện đó ư? Nàng thật sự cho rằng ta có trái tim Bồ Tát?” Y lầm bầm, “Thất Thất, nàng hiểu rõ ta, sao ta có thể hy sinh bản thân để đi cứu những người đó chứ”.

“Rốt cục là tại sao?” Chợt như bừng tỉnh, tim tôi nhanh chóng bị kéo căng, chỉ ngây người nghe tiếp.

“Khi đó ta chỉ nghĩ… người chết nhiều như thế… không chừng chỗ đó sẽ là nơi nàng làm việc…” Nước mắt y từng giọt rơi xuống khuôn mặt tôi, “Hay nói cách khác, là đến đó ta có thể tìm thấy nàng”.

“Thiếp…” Rõ ràng chỉ rời đi năm năm, sao chớp mắt lại trở thành trăm năm?

“Tô Dục từ trước đến nay chưa từng được chôn cất, dù có mộ phần cũng như không. Hoàng đế triều Minh không quản sự sống của bách tính trong thành, ra một đạo thánh chỉ hạ lệnh đốt thành. Hắn ngay đến thi thể cũng chẳng còn, thành một đám tro tàn.”

Miếu đường tĩnh lặng trở lại, mãi đến khi giọt lệ trên mặt tôi đã được hong khô.

Tô Dục buông cằm tôi ra, dựa vào tôi đang ngồi trên đệm quỳ.

“Hai trăm năm nay, ngày nào ta cũng tìm kiếm, chỉ là muốn hỏi nàng lý do.” Y như tự nói với chính mình, “Lúc đầu khi gặp nàng, còn khéo léo hỏi han, muốn dụ nàng nói ra gì đó, không ngờ… Nàng chỉ là từ triều Minh đến triều Thanh, còn tại sao không quay lại, ngay cả bản thân nàng cũng không biết”.

“Thất Thất, ta luôn chờ đợi nơi này, bất luận khi còn sống hay là đã chết. Bút tích trên tấm đá này là ta xoá đi, chữ ‘Hận’ cũng do ta khắc, ngoài từ này ra, ta chẳng còn tìm được từ nào để thể hiện rằng mình không hèn mọn.”

“Không lâu sau đó, ta cơ hồ cho tất cả chỉ là giấc mộng, nàng không có dung nhan, không tên tuổi, vậy ta nhớ ai đây? Nhớ dung nhan nào đây?”

“Thất Thất, nguyên nhân vì sao nàng không trở về, ta đã chẳng còn muốn truy cứu. Ta chỉ muốn hỏi nàng một câu, ngày đó chúng ta từ biệt, có phải nàng bất đắc dĩ mới làm như vậy, hay đó là điều nàng lựa chọn?”

Cuộc chia ly của hai trăm năm trước.

Tôi nhớ Tô Dục khi ấy hai mươi tuổi, lặng lẽ cô đơn quỳ một ngày trước tượng thần, tôi nhìn dung nhan chàng lần cuối rồi mới quay đầu, tôi đã không đánh cược cùng Diêm vương, là chính bản thân tôi lựa chọn triều Thanh.

Tôi khó khăn mở miệng: “Tô Dục, xin lỗi, là chính thiếp lựa chọn”.

Dù đó là cơ hội hiếm có, nhưng tôi đã không đánh cược, mà lựa chọn bỏ lại y.

***

Cho tới khi y đi rồi, tôi vẫn một mình ngồi đó, tưởng tượng về Tô Dục của hơn hai trăm năm trước đang khẩn cầu trong tuyệt vọng.

Chuyện nhân gian vốn luôn như vậy, yêu hay không yêu, rốt cuộc chỉ quẩn quanh giữa cho đi và nhận lại. Bước tới một bước, liền hy vọng đối phương cũng tiến lên một bước. Nếu không cảm nhận được sự gần gũi của đối phương, nhất định sẽ tự trách mình hấp tấp mà thu chân về. Và không phải sau mỗi lần lui bước như vậy, lại có thể dũng cảm tiến thêm bước nữa.

Tôi lùi một bước, nhưng lại dồn ép Tô Dục tiến tới một bước, đời này y đã phải bỏ ra hai trăm năm rồi.
Chương trước Chương tiếp
Loading...