Ruồi Trâu

Chương 6



Áctơ bị giải tới một pháo đài lớn thời trung cổ, ở ngay cạnh bến tàu. Đời sống trong tù thế mà cũng chẳng đến nỗi. Xà lim ẩm thấp và đen tối, nhưng Áctơ đã từng lớn lên trong toà nhà ở phố Cung điện, nên ngột ngạt, hôi thối và chuột bọ đối với anh cũng chẳng lấy gì làm lạ. Trong tù cho ăn rất ít và kém nhưng chẳng bao lâu Giêmxơ đã xin phép được gửi mọi thứ cần dùng đến cho cậu em. Áctơ bị giam một mình trong xà lim. Tuy canh gác chẳng nghiêm ngặt lắm nhưng anh vẫn không hiểu rõ mình bị bắt vì cớ gì. Dù sao từ khi vào tù đến nay tâm hồn anh vẫn bình tĩnh. Trong tù không được đọc sách nên anh luôn luôn cầu kinh và suy nghĩ về đạo, kiên nhẫn chờ đợi mọi việc xảy ra.

Một hôm, lính gác mở cửa xà lim và nói:

- Mời ra!

Áctơ hỏi lai hai ba lần nhưng chỉ nghe một câu trả lời: “Không có quyền nói chuyện”. Anh đành chịu phép, đi theo người lính đi vào mảnh sân, những hành lang và thang gác ngoắt ngoéo và hôi hám. Cuối cùng anh bị dẫn vào một căn phòng lớn sáng sủa, trong đó có ba người mặc binh phục đang ngồi tán chuyện uể oải sau một chiếc bàn dài chất đầy giấy. Thấy Áctơ bước vào họ liền ra vẻ quan trọng. Người cao tuổi nhất trong bọn họ là một viên đại tá có tuổi nhưng rất bảnh bao, ria mép đã bạc. Y chỉ cho anh chiếc ghế phía bên kia bàn rôi bắt đầu thẩm vấn.

Áctơ chắc họ sẽ doạ dẫm, rỉa rói chửi mắng nên đã sẵn sàng kiên nhẫn đối phó cho xứng với phẩm chất của mình. Nhưng sự thật thì ngược lại, và anh cảm thấy dễ chịu. Viên đại tá tỏ ra rất đường bệ, lạnh lùng một cách quan liêu nhưng lại vô cùng lễ phép.

Đầu tiên là những câu hỏi thường lệ: tên gì, bao nhiêu tuổi, quốc tịch gì, địa vị xã hội ra sao:

họ ghi đều đều từng câu trả lời một.

Áctơ đã bắt đầu thấy chán ghét và sốt ruột thì viên đại tá chợt hỏi:

- Nào, cậu Bớctơn, thế cậu biết gì về “Nước Ý trẻ”?

- Theo chỗ tôi biết thì đó là một đoàn thể chính trị, xuất bản báo tại Mácxây, phát hành báo ở

Ý để cổ động nhân dân khởi nghĩa và đánh đuổi quân đội Áo ra khỏi biên giới.

- Cậu có đọc báo ấy chứ?

- Phải, tôi có quan tâm đến vấn đề đó.

- Vậy khi đọc báo cậu có nghĩ mình đã làm điều bất hợp pháp không?

- Tất nhiên có,

- Mấy tờ báo thấy trong phòng cậu lấy ở đâu ra?

- Tôi không thể nói với ông được.

- Cậu Bớctơn, đây không phải chỗ nói “tôi không thể”. Cậu phải trả lời mọi câu hỏi của tôi.

- Nếu chữ “tôi không thể” không vừa ý ông thì tôi nói là “tôi không muốn” vậy.

- Nếu cậu cứ nói kiểu đó với tôi thì cậu sẽ phải lấy làm hối tiếc.

Không thấy Áctơ trả lời, y tiếp:

- Tôi có thể nói thêm rằng, theo tài liệu trong tay chúng tôi thì quan hệ giữa cậu với đoàn thể

đó gần hơn nữa chứ không chỉ đọc sách báo quốc cấm mà thôi đâu. Tốt hơn là cậu cứ thẳng

thắn thú nhận cả đi. Đằng nào chúng tôi cũng sẽ biết sự thật và cậu sẽ thấy rằng dù chống chế và chối cãi để ẩn núp thì không có ích gì.

- Tôi chẳng muốn ẩn núp. Các ông muốn biết điều gì?

- Trước hết, cậu hãy nói cho tôi biết: cậu là người nước ngoài thì cậu đã làm cách nào mà

dính dáng vào chuyện này?

- Tôi nghĩ nhiều về những vấn đề ấy và tôi đã đi đến những kết luận nhất định.

- Ai thuyết phục cậu vào đoàn thể này?

- Chẳng ai thuyết phục cả. Đó là do ý muốn của cá nhân tôi.

- Đừng giở trò loanh quanh với tôi – Viên đại tá xẵng giọng. Chắc y đã bắt đầu mất kiên nhẫn – Không có ai tham gia hội kia mà không có người giới thiệu. Anh nói với ai để xin vào tổ chức đó?

Im lặng.

- Anh có sẵn lòng trả lời không?

- Nếu ông hỏi kiểu đó thì tôi sẽ không trả lời.

Giọng Áctơ có vẻ bực bội. Một cơn giận kì lạ xâm chiếm Áctơ. Lúc ấy anh đã biết có nhiều vụ bắt bớ tại Livoócnô và Pidơ, mặc dầu chưa hình dung được phạm vi của tai hoạ đã thực sự lên tới mức nào. Nhưng những tin đến tai Áctơ cũng đủ làm anh bồn chồn lo lắng cho số phận của Giêma và các bạn khác.

Thái độ lễ phép giả dối của viên sĩ quan, cách nói ngoắt ngoéo, lối hỏi thâm độc tẻ ngắt và những câu trả lời đánh trống lảng làm cho Áctơ nôn nao bực tức. Thêm vào đó, tiếng giày đinh lộp cộp của tên lính gác ngoài cửa lại càng làm cho anh thêm khó chịu.

Bỗng viên đại tá hỏi:

- Vậy lần cuối cùng anh gặp Giôvani Bôla vào lúc nào? Ngay trước khi anh dời Pidơ phải không?

- Tôi không quen ai có tên như vậy cả.

- Sao? Không quen Giôvani Bôla hả. Anh quen hắn lắm chứ! Người thanh niên, cao lớn, râu cạo

nhẵn, hắn là bạn học của anh mà.

- Tôi quen làm sao với tất cả sinh viên được.

- Ồ, nhưng nhất định là anh biết Bôla. Nhìn đây, chữ hắn viết đây. Thấy không? Hắn quen anh lắm.

Và viên đại tá hờ hững đưa cho Áctơ một tờ giấu trên đề 2 chữ “Biên bản”, dưới kí “Giôvani Bôla”. Áctơ đưa mắt lướt nhanh từ trên xuống dưới – và bắt gặp tên mình. Anh ngước mắt nhìn một cách ngạc nhiên.

- Ông bắt tôi phải đọc ư?

- Lẽ tất nhiên. Việc đó có dính líu đến anh.

Áctơ bắt đầu đọc, các viên sĩ quan thì im lặng theo dõi nét mặt của anh. Tài liệu đó là những lời khai trả lời một loạt câu hỏi. Rõ ràng, Bôla cũng đã bị bắt! Những lời đầu tiên rất thông thường. Tiếp đó là một lời khai ngắn về quan hệ giữa Bôla với đoàn thể, về việc phát hành sách báo cấm tại Livoócnô và các cuộc họp sinh viên. Tiếp nữa, Áctơ đọc thấy: “Trong số những người theo chúng tôi có cả một thanh niên người Anh tên là Áctơ Bớctơn, con một chủ hãng tàu giàu có ở Livoócnô”

Máu trào lên mặt Áctơ. Thế là Bôla đã cung khai anh! Chính gã Bôla đã nhận trách nhiệm khởi xướng trọng yếu ấy, chính cái tay đã tổ chức Giêma… và đã yêu Giêma ấy! Áctơ buông tờ giấy và đăm đăm nhìn xuống sàn nhà.

Viên đại tá lễ phép nói:

- Tôi mong tài liệu nhỏ ấy có thể làm sáng trí nhớ anh ra.

Áctơ lắc đầu. Anh lạnh lùng và cứng cỏi nhắc lại:

- Tôi không hề biết người này. Chắc đây chỉ là một sự nhầm lẫn.

- Lầm lẫn ư? Láo! Anh Bớctơn, anh nên hiểu rằng phong độ hiệp sĩ và tinh thần Đông Kisốt (1) là rất tốt theo nghĩa của nó nhưng nếu đi quá mức thì lại chẳng có ích lợi gì. Đó là một sai lầm mà thanh niên các anh thường mắc phải. Anh thử nghĩ lại xem: có nên vì chuyện cỏn con ấy mà làm liên luỵ tới mình và phá hoại tương lai của mình không? Anh thương hại một kẻ cung khai anh. Anh thấy chưa? Khi đã khai thì nó có kiêng nể gì anh đâu!

Giọng viên đại tá nói như châm chọc. Một dự đoán chợt loé ra trong óc Áctơ, làm anh giật mình.

Áctơ thét:

- Đó là sự dối trá! Đó là một sự bịa đặt! Trông mặt các người ta đủ biết! Các người hèn nhát… Các người định hãm hại một trong những kẻ đã bị các người bắt hoặc là các người định đưa ta vào tròng! Đồ bịa đặt, đồ ăn gian nói dối, đồ khốn nạn…

- Câm ngay! – Viên đại tá điên cuồng bật khỏi ghế hét lên. Cả bè lũ hắn cũng đứng phắt dậy.

Viên đại tá nói với một tên trong bọn:

- Đại uý Tômaxi, gọi lính gác vào đây. Quẳng thằng này vào ngục tối, giam liền mấy ngày. Tôi phải cho nó một bài học đích đáng, phải dạy cho nó biết điều mới được.

Ngục tối là một chiếc hầm nhỏ âm u, ẩm ướt, bẩn thỉu, ở sâu dưới đất. Viên đại tá định dạy cho Áctơ biết điều, nhưng điều đó lại làm cho Áctơ tức giận đến cực độ. Sinh trưởng trong một gia đình giàu có, Áctơ quen tính sạch sẽ trong mọi việc. Viên đại tá bị xúc phạm kia hoàn toàn có thể thoả mãn về cảm giác đầu tiên mà những bức tường nhầy nhụa, lúc nhúc ròi bọ, mặt đất đầy rác rưởi bẩn thỉu, mùi rêu mốc, mùi nước cống rãnh và gỗ mục hôi thối đem đến cho Áctơ. Chúng đẩy Áctơ vào hầm rồi đóng sập cửa lại. Áctơ giơ hai tay lò dò bước về phía trước, anh rùng mình vì ghê tởm khi ngón tay đụng phải bức tường nhầy nhụa. Trong bóng tối,

anh lần mò tìm chỗ đỡ bẩn nhất để ngồi.

Suốt ngày Áctơ ngồi trong ngục tối im lìm không một tiếng động; đêm trôi qua mà chẳng thấy biến chuyển gì. Cách biệt hẳn với thế giới bên ngoai, Áctơ dần dần mất ý niệm về thời gian. Và sáng hôm sau, khi tiếng chìa khoá tra vào ổ kêu lách cách, những con chuột hốt hoảng chạy rúc vào chân, thì Áctơ bàng hoàng nhỏm dậy. Tim anh đập rộn ràng, tai ù lên như đã xa rời ánh sáng và tiếng động hàng mấy tháng ròng.

Cửa mở, một ánh đèn yếu ớt le lói rọi vào hầm cũng đủ làm cho Áctơ chói mắt. Cai ngục đem vào một mẩu bánh và một bát nước. Áctơ tiến lên chắc mẩm thế nào cũng được ra khỏi nơi này. Nhưng anh chưa kịp nói gì, thì người cai ngục đã giúi cho anh mẩu bánh mì với bát nước rồi quay người lặng lẽ bước ra và khoá chặt cửa lại.

Áctơ dậm chân. Lần đầu tiên trong đời anh cảm thấy mình điên tiết. Giờ phút càng trôi qua, ý niệm của anh về không gian và thời gian càng thêm mờ mịt. Đối với anh, bóng tối là vô cùng vô tận, cuộc sống như ngừng hẳn lại.

Chiều thứ ba cai ngục lại vào lần này có thêm một tên lính. Đầu choáng váng, mắt hoa, Áctơ nhìn lên, anh phải che lấy mắt để tránh làn ánh sáng không quen thuộc ấy. Anh cố tình xem mình đã ở trong nhà mồ này bao nhiêu tuần lễ, nhưng cảm thấy mờ mịt, không sao tính được.

Cai ngục lạnh lùng khô khan noi:

- Mời ra…

Áctơ đứng dậy bước theo như một cái máy. Anh choáng váng một cách kì lạ, chân nam đá chân chiêu như người say rượu. Cai ngục định dìu Áctơ leo lên cầu thang nhỏ và dốc ngược để chui ra khỏi hầm. Áctơ gạt tay y ra. Nhưng, đến bậc cuối cùng thì Áctơ bỗng thấy chóng mặt, lảo đảo. Nếu cai ngục không nắm vội lấy vai anh thì anh đã ngã lộn xuống.

*

* *

Một giọng vui vẻ cất lên:

- Không sao, khỏi ngay thôi. Anh nào chui ra cũng đều thế cả.

Khi được té nước vào mặt lần thứ hai, Áctơ cũng vẫn phải cố vùng vẫy rất khó nhọc mới thở

được. Đêm tối hình như đã bị rũ sạch khỏi mình anh, vỡ loảng xoảng ra từng mảnh một.

Áctơ tỉnh ngay. Anh gạt cai ngục ra, bước vững vàng ra hành lang và cầu thang. Họ dừng lại giây lát trước một cánh cửa. Khi cánh cửa mở ra, Áctơ bị dẫn vào căn phòng đèn đuốc sáng choang, nơi anh đã bị hỏi cung lần đầu. Nhưng Áctơ chưa nhận ra ngay. Anh bỡ ngỡ nhìn chiếc bàn giấy tờ đầy ngộn và những viên sĩ quan vẫn ngồi ở chỗ cũ.

Viên đại tá nói:

- A, cậu Bớctơn. Chắc lần này chúng ta nói chuyện với nhau dễ hơn nhỉ! Sao, cậu có thích ngục tối không? Chắc chẳng được sang trọng như phòng khách của ông anh cậu nhỉ?

Nhìn bộ mặt tươi cười của y, một ý muốn điên rồ xui giục Áctơ nhảy xổ vào lão ria bạc chải chuốt ấy mà cắn vào cổ y.

Chắc viên đại tá thấy được điều đó trên nét mặt Áctơ nên y đổi giọng ngay:

- Anh Bớctơn, ngồi xuống và uống nước đi. Anh đang xúc động lắm, tôi biết.

Áctơ đẩy cốc nước mà người ta đưa cho anh, tựa khuỷu tay vào bàn, tay bóp trán, anh cố định thần. Viên đại tá chăm chú nhìn Áctơ. Cặp mắt từng trải của lão ta nhìn thấy tay anh run lẩy bẩy, môi run rẩy, mái tóc ướt sũng và đôi mắt lờ đờ. Tất cả những cái đó chứng tỏ thể lực anh đã suy nhược, não cân anh đã rối loạn rồi.

Sau mấy phút im lặng, viên đại tá lại ôn tồn:

- Anh Bớctơn, bây giờ chúng ta trở lại vấn đề hôm trước. Lần ấy giữa chúng ta đã xảy ra một vài chuyện không vui. Nhưng bây giờ tôi phải nói ngay với anh trước rằng nguyện vọng duy nhất của tôi là khoan hồng. Nếu anh tỏ ra thoả đáng và biết điều thì tôi cam đoan là sẽ không có gì quá khắc nghiệt với anh cả.

- Các ông muốn gì tôi?

Áctơ nói với giọng cục cằn, uất ức khác hẳn ngày thường.

- Tôi chỉ muốn anh nói thẳng, nói thật những điều anh biết về đảng ấy và những đảng viên của đảng ấy. Trước hết, anh quen với Bôla từ bao giờ?

- Tôi chưa bao giờ gặp người ấy trong đời. Tôi hoàn toàn không biết một tí gì về anh ta.

- Thật chứ? Thôi được, ta trở lại vấn đề này sau. Vậy anh có biết người thanh niên nào là

Cáclô Bini không?

- Chưa bao giờ tôi nghe nói tới người ấy.

- Thế thì lạ thật. Còn Phơransetscô Neri, anh có biết không?

- Lần đầu tiên tôi nghe nói đến tên ấy.

- Nhưng chẳng phải bức thư chính tay anh viết gửi cho hắn là gì đây! Nhìn xem

Áctơ ngó qua bức thư rồi gạt qua một bên.

- Bức thư ấy anh biết chứ?

- Không.

- Anh chối không nhận là chữ của anh à?

- Tôi chẳng chối gì cả. Tôi không nhớ bức thư ấy là gì.

- Vậy anh có nhớ bức thư này không?

Chúng đưa bức thư thứ hai, Áctơ nhận ra đấy là thư mình viết cho một người bạn học dạo mùa thu vừa rôi.

- Không.

- Và anh cũng không biết người nhận thư là ai nữa à?

- Không biết.

- Trí nhớ anh kém lạ!

- Tôi mắc tật ấy từ lâu rồi.

- Thế à! Nhưng có hôm tôi nghe một giáo sư đại học nói anh chẳng có kém gì đâu, trái lại, thông minh nữa là khác.

- Chắc tại các ông xét trí thông minh của người ta bằng con mắt mật thám. Các giáo sư đại học dùng chữ nói trên theo một nghĩa khác.

Giọng bực tức mỗi lúc một tăng rõ rêt trong những câu trả lời của Áctơ. Đói, không khí ngột ngạt và những đêm mất ngủ đã hút kiệt sức khỏe của anh. Anh đau rời rã từng khớp xương một mà lời nói của viên đại tá thì không ngừng chà xát cân não anh, khiến hai hàm răng anh siểt chặt lại như phấn cứng xiết vào bảng đen.

Viên đại tá ngả lưng vào ghế nghiêm nghị nói:

- Bớctơn, anh lại quẫn rồi. Tôi cảnh cáo anh một lần nữa là kiểu nói ấy không tốt lành gì đâu.

Anh đã nếm mùi ngục tối, chắc không muốn nếm lần thứ hai nữa.Tôi nói thẳng cho anh biết: nếu xử nhũn không ăn thua thì tôi phải xử tệ. Anh nên nói rằng tôi có đủ chứng cớ và chắc chắn rằng một vài thanh niên trong số những người mà tôi đọc tên đã bí mật đưa sách báo cấm qua hải cảng này. Anh có liên lạc với bọn chúng. Vậy anh có tự khai hết ra không?

Áctơ càng cúi gục đầu xuống. Một nỗi uất ức điên cuồng, mù quáng cựa quậy trong người anh như một sinh vật. Và Áctơ sợ mình mất bình tĩnh hơn là sợ những sự hăm doạ. Lần đầu tiên Áctơ cảm thấy rõ rằng sự thận trọng theo lối quân tử và sự nhịn nhục kiểu đạo Thiên chúa có thể phản lại anh, nên anh đâm ra ghê sợ cả bản thân mình.

Viên đại tá nói:

- Tôi đợi anh trả lời.

- Tôi chẳng có gì trả lời ông cả.

- Vậy anh nhất định không chịu trả lời chứ?

- Tôi chẳng nói gì hết.

- Nếu thế thì tôi lại phải buộc lòng ra lệnh nhốt anh vào hầm tối cho tới khi nào anh tỉnh ngộ mới thôi. Nếu anh càng không chịu biết điều thì tôi sẽ hạ lệnh cùm anh lại.

Áctơ ngẩng đầu, toàn thân run lên, và chậm chạp nói:

- Các ông muốn làm gì thì làm nhưng đối xử với một kiều dân Anh như vậy lại không có chứng

cứ gì về tội lỗi của người ta thì liệu vị đại sứ Anh có để cho các ông yên không?

Sau cùng, Áctơ bị dẫn về xà lim cũ và anh lăn ra giường ngủ ngay một mạch đến sáng hôm sau. Chúng không cùm mà cũng chẳng nhốt Áctơ vào cái lỗ ngục tối đáng sợ ấy, nhưng qua mỗi lần thẩm vấn thì mối thù giữa anh và tên đại tá ngày một sâu thêm.

Mặc dù Áctơ luôn cầu xin Chúa cho anh đủ sức tự chiến thắng sự giận dữ trong lòng, mặc dù Áctơ suy nghĩ thâu đêm về đức nhẫn nhục và tính khiêm nhường của Đức chúa Giêsu nhưng đều vô hiệu quả. Mỗi khi người ta dẫn Áctơ vào căn phòng dài và trống trải nơi cái bàn phủ dạ xanh vẫn đứng nguyên chỗ cũ, mỗi khi Áctơ trông thấy bộ ria nhuộm của viên đại tá, thì tinh thần phi cơ đốc lại xâm chiếm lòng Áctơ, thúc đẩy anh thốt ra những câu trả lời hiểm hóc và khinh mạn. Áctơ ngồi tù chưa được một tháng mà anh và viên đại tá căm thù nhau đến nỗi cứ trông thấy nhau là nổi giận.

Cuộc chiến tranh nhỏ nhưng luôn luôn gay gắt ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến thần kinh Áctơ. Áctơ biết chúng theo dõi anh rất chặt. Áctơ nhớ lại những câu chuyện ghê gớm kể rằng người ta thường cho ngầm những kẻ bị bắt ăn cà độc dược (2) để nghe họ nói mê nên Áctơ hầu như không ăn ngủ gì cả. Đêm đến, hễ nghe tiếng chuột chạy bên mình, Áctơ lại toát mồ hôi vùng dậy tưởng chừng có kẻ manh tâm nào núp trong phòng để nghe ngóng xem anh có nói mê gì không.

Rõ ràng bọn sen đầm cố bắt nọn Áctơ để kết tội Bôla. Áctơ rất lo hớ hênh bị mắc lừa chúng đến nỗi thần kinh quá căng thẳng, làm anh rất có thể lại thực sự rơi vào nguy cơ đó. Tên của Bôla vang lên văng vẳng trong tai Áctơ suốt ngày đêm; Áctơ đọc ra tên Bôla ngay cả lúc cầu kinh. Đáng lẽ đọc “Maria” thì anh lại thốt ra “Bôla”. Nhưng nguy hơn cả là đức tin tôn giáo cùng với thế giới bên ngoài mỗi ngày một xa rời anh. Anh cầu nguyện suy tưởng hàng mấy tiếng đồng hồ liền để gắng hết sức bấu víu lấy chỗ dựa cuối cùng ấy. Nhưng ý nghĩ của anh lại càng luôn luôn trở về với Bôla và anh chỉ nhai đi nhai lại các câu kinh một cách máy móc.

Người cai ngục già là nguồn an ủi lớn nhất của Áctơ. Lúc đầu, ông lão người nhỏ bé, hơi béo và hói trán ấy cố làm ra vẻ nghiêm khắc. Nhưng tính hiền lành toả ra từ mỗi nét trên bộ mặt đầy đặn của cụ đã dần dần lấn át cả sự chăm lo về chức vụ. Chẳng bao lâu cụ đã chuyển giúp thư từ phòng giam nọ sang phòng giam kia.

Một buổi chiều giữa tháng năm, cai ngục bước vào phòng với vẻ âm thầm, buồn bực làm cho

Áctơ phải ngạc nhiên.

Áctơ hỏi:

- Cụ Enricô, cái gì thế? Hôm nay cụ làm sao thế?

- Chẳng sao cả.

Cụ Enricô cáu kỉnh trả lời rồi tới bên giường Áctơ lật đệm lên.

- Sao cụ lại lấy đệm của cháu đi? Chúng bắt cháu sang phòng khác à?

- Không, họ sắp thả cậu ra.

- Thả ra? Hôm nay à? Thả tất cả chứ?... Cụ Enricô?

Áctơ cảm động níu lấy tay cụ, nhưng cụ giận dữ gạt tay ra.

- Cụ Enricô, cụ làm sao thế? Sao cụ không trả lời cháu? Cụ cho bíết, chúng cháu có được thả ra cả không?

Cụ Enricô chỉ đáp lại một tiếng “sì” khinh bỉ.

Áctơ cười, nắm lấy tay cụ.

- Cụ nghe cháu, cụ đừng trêu cháu. Cháu chẳng tức đâu, cụ cứ nói cho cháu biết, các anh em khác thế nào?

Cụ Enricô đang gấp áo cho Áctơ bỗng đặt xuống bàn lẩm bẩm:

- Anh em nào khác? Bôla ấy ư?

- Vâng, Bôla và các anh em khác nữa. Cụ Enricô, cụ làm sao thế?

- À, một đồng chí đã phản anh ta thì làm sao anh ta được thả sớm thế được, thật đáng thương, hừ!

Và cụ Enricô bực dọc lại cầm chiếc áo lên.

Áctơ trợn tròn mắt:

- Một đồng chí làm phản anh ấy ư? Ồ, thật kinh khủng!

Cụ Enricô quay ngoắt lại phía Áctơ:

- Thế, không phải anh phản bội à?

- Cháu ư? Cụ Enricô, cụ tỉnh đấy chứ? Cháu mà phản bội ư?

- Hôm qua khi hỏi cung, người ta nói với Bôla như thế đấy. Nếu thật anh không phản bội thì tôi rất hài lòng. Xưa nay tôi vẫn cho anh là người thanh niên tốt. Thôi, chúng ta đi!

Cụ Enricô bước ra hành lang, Áctơ theo sau. Bỗng một tia sáng loé lên trong óc anh:

- Chúng nó bảo Bôla là cháu khai anh ấy! Lẽ tất nhiên là như thế, cụ Enricô ơi! Với cháu thì chúng lại nói là Bôla khai cháu ra. Nhưng Bôla chẳng đến nỗi khờ dại mà tin lời chúng đâu.

Cụ Enricô dừng bước bên cầu thang, nhìn Áctơ bằng con mắt thử thách:

- Thật không phải như thế chứ?

Áctơ nhún vai:

- Tất nhiên, đó chẳng qua chỉ là nói láo!

- Vậy à! Thế thì lão vui lòng lắm, con ạ. Lão nhất định sẽ tin cho Bôla nhưng con nên biết chúng nói với Bôla... rằng là... con khai Bôla vì con ghen. Hình như hai đứa chúng mày cùng yêu một người con gái thì phải.

Áctơ gấp gáp, khẽ nhắc lại:

- Chúng nó nói láo! Cùng yêu một người con gái!... Ghen! Tại sao chúng nó biết? Tại sao chúng nó biết hở cụ?

- Con đợi lão một chút! – Cụ Enricô dừng chân ở đầu hành lang dẫn tới phòng thẩm vấn và thì thào:

– Lão tin con, nhưng hãy cho lão hay một điều này nữa. Lão biết con theo đạo Thiên chúa.

Vậy lúc xưng tội con có nói gì không?

- Chúng nó nói láo! – Lần này giọng Áctơ như rít lên thành một tiếng nức nở.

Cụ Enricô nhún vai rồi lại tiến bước.

- Dĩ nhiên là con hiểu rõ hơn lão. Nhưng chẳng phải một mình con là người thanh niên dại dột

ăn phải bả của chúng nó đâu. Giờ đây người ta đang đồn đại rất nhiều về một tên cố đạo nào đó ở Pidơ. Anh em bạn con đang vạch mặt nó. Họ lại còn rải truyền đơn báo cho mọi người biết rằng đó là một tên mật thám.

Cụ mở cửa phòng thẩm vấn. Thấy Áctơ cứ đứng lặng, sững sờ nhìn về phía trước, cụ khẽ đẩy

anh bước qua cửa.

Viên đại tá nhoẻn miệng cười nhe cả hai hàm răng ra, nói:

- Chào cậu Bớctơn. Tôi rất vui lòng chúc mừng cậu. Phơlôrăngxơ đã ra lệnh thả cậu ra. Mời

cậu kí vào tờ giấy này.

Áctơ tiến lại gần viên đại tá. Anh cất giọng trầm trầm, khô khan:

- Tôi muốn biết kẻ nào đã khai tôi ra.

Viên đại tá nhướn mày, nhăn nhở cười:

- Cậu không đoán được à, thử nghĩ xem.

Áctơ lắc đầu. Viên đại tá giơ hai tay tỏ vẻ ngạc nhiên một cách lễ phép:

- Cậu mà không đoán ra thật à? Chính cậu đấy, cậu Bớctơn ạ! Còn ai mà biết được chuyện yêu đương của cậu?

Áctơ lặng lẽ quay mặt đi. Một cây thánh giá bằng gỗ lớn treo trên tường. Áctơ từ từ ngước

nhìn mặt Giêsu. Nhưng đôi mắt anh chẳng tỏ vẻ khẩn cầu, mà chỉ mờ mờ ngạc nhiên tại sao Đấng nhân lành và vô tư này không có sấm sét để quật chết tên thầy cả đã tiết lộ cả bí mật của phép giải tội ấy đi.

Viên đại tá nhã nhặn nói:

- Xin cậu kí nhận giấy tờ cho, chúng tôi sẽ không giữ cậu làm gì nữa. Chắc cậu muốn về nhà cho nhanh, mà tôi thì cũng rất bận. Cả ngày phải đánh vật với vụ thằng Bôla điên rồ này. Chính hắn đã làm cho lòng dạ khoan dung của người ngoan đạo như cậu phải qua một cơn thử thách tàn nhẫn. Chắc hắn sẽ bị kết án nặng... Thôi, chào cậu!

Áctơ kí nhận tờ giấy rồi bước ra không nói nửa lời. Anh lẳng lặng đi theo cụ Enricô ra tới chiếc cổng to lớn và nặng nề đó. Rồi cũng không cả một lời từ biệt cụ, anh bước xuống phía kênh đào có người lái đò đã chờ sẵn. Khi Áctơ đang bước lên bậc đá để ra phố thì một thiếu nữ mặc bộ đồ vải, đội mũ rơm, chìa tay lại đón anh:

- Áctơ! Ôi, sung sướng quá, sung sướng quá!

Áctơ run bắn lên, rụt tay lại.

Mãi sau anh mới cất tiếng gọi, giọng lạc hẳn đi:

- Dim! Dim!!

- Em đợi ở đây đã nửa tiếng rồi. Nghe nói đến bốn giờ thì chúng thả anh ra. Áctơ, sao cứ nhìn em chằm chặp thế? Có điều gì chăng? Làm sao thế? Kìa, anh hãy khoan đi chứ!

Áctơ quay lưng, chầm chậm bước trên đường phố. Thấy vậy, Giêma hốt hoảng chạy theo nắm lấy tay anh:

- Áctơ!

Áctơ dừng bước, ngước đôi mắt kinh hoàng nhìn Giêma.

Nàng khoác tay anh và hai người sánh bước cùng đi, không nói một lời.

Giêma dịu dàng bắt chuyện:

- Áctơ thân mến, nghe Dim nhé. Việc gì mà cứ phải khổ tâm về chuyện hiểu lầm vớ vẩn ấy?

Dim biết anh đau lòng lắm, nhưng mọi người đều hiểu cả...

Áctơ vẫn giọng trầm trầm khô khan:

- Chuyện hiểu lầm nào?

- Ấy, Dim nói bức thư của Bôla ấy mà.

Hai tiếng Bôla làm cho gương mặt Áctơ quắt lại đau đớn.

Giêma nói tiếp:

- Chắc là anh chưa được đọc bức thư ấy? Nhưng có lẽ họ đã nói với anh rồi. Nếu Bôla tưởng

tượng ra những chuyện đó thì thật điên rồ.

- Chuyện gì thế?

- Thế anh không biết thật à? Bôla viết thư nói rằng Áctơ đã lộ ra chuyện tàu bè làm Bôla bị bắt. Thật là bậy! Điều đó ai mà chẳng rõ. Chỉ có người nào không biết Áctơ thì mới tin. Chính vì thế mà Dim đến đây. Dim muốn nói để anh biết rằng trong nhóm của Dim chẳng ai tin bức thư ấy một tí nào cả.

- Giêma! Nhưng việc đó... việc đó có thật đấy!

Giêma từ từ lùi xa Áctơ và đứng lặng người; đôi mắt nàng trợn tròn và tối sầm lại vì sợ hãi.

Mặt nàng trắng bệch như chiếc khăn quàng ở cổ. Một làn không khí im lặng lạnh buốt bủa vây lấy họ như một bức tường bít kín không cho họ nghe tiếng ồn ào và nhìn thấy cảnh nhộn nhịp trên đường phố nữa.

Cuối cùng Áctơ khẽ nói:

- Phải. Tàu bè... Tôi có nói về tàu bè và cả tên Bôla nữa... Ôi! Trời ơi! Trời ơi! Làm thế nào

bây giờ?

Nhưng Áctơ chợt tỉnh và hiểu rằng người đang đứng chết lặng sững sờ nhìn anh là người nào. Dĩ nhiên là Giêma đang nghĩ rằng...

Áctơ bước lại phía nàng, kêu lên:

- Giêma! Giêma chưa hiểu tôi!

Nàng lùi lại, hét:

- Đừng có chạm vào người tôi!

Với một sức mạnh đột ngột, Áctơ nắm lấy tay nàng:

- Trời ơi, Giêma hãy nghe tôi, vì chúa! Không phải tại tôi! Tôi...

- Buông ra! Buông tay tôi ra! Buông ra!

Nàng giật tay ra khỏi tay Áctơ rồi tát vào mặt anh. Một màn sương bao phủ lấy mắt Áctơ. Trong giây lát, anh chỉ còn nhìn thấy bộ mặt tái xám, đau buồn vô hạn của Giêma và thấy nàng chùi tay phải vào váy áo. Rồi màn sương tan đi… Áctơ ngước nhìn chung quanh và chỉ thấy có mình đang đứng trơ ra đó.

Chú thích:

(1) Nhân vật chính trong tác phẩm nổi tiếng “Đông Kisốt” của nhà văn Tây Ban Nha Xécvăngtét (1547 – 1616)

(2) Cà độc dược: một thứ thuốc độc, nuốt vào thì thần kinh sẽ rối loạn, đồng tử trương to.
Chương trước Chương tiếp
Loading...