Sao Đen

Q.3 - Chương 6: Lựa Chọn



Jimi đã làm quen với cuộc sống gia đình cha mẹ nuôi. Cô gái hoàn toàn thấy tự do trong học hành, sống, vui chơi và làm việc. Tất cả đều là ham muốn, đều gây phấn hứng. Nhiều lúc Jimi lang thang trong thế giới nội tâm với nỗi cô đơn, buồn thương dịu dịu. Cô tắm mình trong mơ mộng, cô huyền hoặc mình bằng những viễn ảnh lung linh và cả những nỗi khiếp sợ, những bi kịch của cô bé quàng khăn đỏ cũng làm cho Jimi rời nước mắt. Thế mà trong cuộc đời cô đã phải chứng kiến những sự kiện khủng khiếp đẫm máu gấp trăm lần những gì cô tưởng tượng qua trang sách, Jimi đã khóc cạn nước mắt và cô trở nên cứng rắn hơn, tỉnh táo hơn. Khi nhìn nhận đánh giá thế giới bên ngoài cô thận trọng hơn, và tình yêu cuộc sống của cô đằm thắm, vững chắc hơn. Cô gái đã trưởng thành và hình như cô đã bắt đầu yêu Trước đây người tình mộng ước của cô là chấp chờn, hư ảo, biến động. Nhưng giờ đây nó đã được định hình, nó mang bóng dáng của một con người cụ thể. Ngắm bóng mình trong gương, cô gái mỉm cười, thấy đáng yêu quá mà cũng đáng thương quá.

Một bữa Jimi lần xuống thuyền một mình định tập bơi. Mặt hồ mùa hạ lôi cuốn cô gái. Mi đang tháo xích buộc thuyền thì có tiếng hỏi:

- Đã biết bơi chưa?

Cô giật mình quay lên. Quang Trung xuất hiện bên hàng diệp liễu.

- Mi định bơi thử... chưa bao giờ học bơi thuyền đâu.

- Sao không mang phao? Phải có đồ bảo hiểm chứ.

- Phao ở đâu?

- Chờ đấy.

Trung trả lời trống không rồi chạy vào nhà. Một phút sau chàng trai quay ra với chiếc phao, đưa cho Mi.

Cô gái vụng về du chiếc thuyền rời khỏi cầu. Động tác cầm chèo lóng ngóng làm con thuyền tròng trành quay tít. Quang Trung đứng trên cầu khoanh tay nhìn bạn mỉm cười. Mấy phút sau Mi quen dần. Cô điều khiển con thuyền men theo bờ nước rồi quay lại chân cầu.

- Mi muốn ra xa quá.

- Chưa bơi thạo không nên ra xa.

Mi nhìn Trung như muốn rủ bạn xuống bơi cùng nhưng không dám nói. Cô sẽ xấu hổ nếu Trung từ chối. Còn chàng trai cũng muốn được ngồi sóng đôi nhưng chẳng biết bắt đầu ra sao.

- Trung bơi thử cho Mi xem nhé!

Nói rồi cô định bám cầu leo lên nhưng cứ lúng túng vì con thuyền chao đảo. Trung đưa tay đỡ bạn lên cầu. Cái giây phút xúc động đó diễn ra quá ngắn ngủi. Trung nhảy xuống và con thuyền đã ngoan ngoãn lao vun vút ra mặt hồ dưới bàn tay điều khiển nhịp nhàng cửa cậu. Trung vòng một vòng rộng rồi quay về bến. Jimi vẫy vẫy.

- Trung bơi giỏi quá... đến lượt Mi nhé!

Trung ghé thuyền vào bên cầu, giơ tay đón bạn xuống.

- Thôi, Trung cứ ngồi đấy dạy Mi bơi được chứ?

Trung mỉm cười không nói gì. Cậu ngồi đối diện với cô gái rồi đưa mái chèo khua nước. Con thuyền nhẹ lướt trên mặt hồ xanh biếc. Khi ra khỏi bóng cây diệp liễu, nắng chiều trùm lên vai đôi bạn. Hai cặp mắt gặp nhau. Má Jimi bỗng ửng hồng, cô gái cúi xuống lấy tay che nụ cười e lệ. Niềm vui như rượu mạnh lan tỏa khắp mạch máu Quang Trung...

Phải chăng đây là bước đầu của tình yêu?

Từ bữa đó, chiều nào cũng thấy cô cậu rủ nhau bơi thuyền.

Bạch Kim bế bé Việt Dũng đứng trên ban công giơ tay vẫy vẫy và mỉm cười.

Một hôm Bạch Kim kéo tôi ra ban công chỉ một con thuyền bé tí đứng yên giữa mặt hồ khi hoàng hôn gần tắt.

- Anh trông có đẹp không?

- Đẹp lắm - Tôi khen - một buổi chiều tuyệt diệu.

- Không phải là phong cảnh mà em muốn nói đến con người, đến đôi uyên ương trên con thuyền vô định đó.

- Cũng rất đẹp! - Tôi nhìn vợ - Và tâm hồn em còn mơ mộng làm!

- Không phải mơ mộng mà là quan tâm. Chẳng lẽ người mẹ lại không cảm thụ nổi những diễn biến mới mẻ trong tâm hồn con trai mình?

- Sao? Em nói gì anh chưa rõ.

- Jimi và con trai anh đang trôi nổi trên con thuyền thơ mộng ấy đấy!

Tôi giật mình sửng sốt. Chẳng nhẽ con tôi đã yêu?

- Anh nghĩ Quang Trung chỉ dạy Jimi bơi thôi. Chị em giúp nhau chứ chàng có chuyện gì đâu!

- Học bơi gì mà con thuyền cứ đứng im hàng giờ thế! - Bạch Kim cười - ông sĩ quan tình báo hoàn toàn sai lầm khi xét đoán những giao động của con tim.

Tôi hơi bực mình:

- Yêu đùa hay yêu thật?

- Anh nhìn mắt con mà xem, nó yêu thật đấy.

- Nếu thật thì em phải bảo nó cần chấm dứt đi. Dù sao cũng coi như con chú con bác... Hơn nữa...

- Em nên khuyên nó thế nào đây.

- Bảo phải chấm dứt cái trò đùa dại dột đó đi.

- Sao anh không nói với con?

- Em nói tiện hơn. Tiếng nói của người mẹ dịu dàng hơn. Nó lại tin yêu em, nó nghe em. Đàn ông nói với nhau hay nổi nóng.

Bạch Kim ôm bụng cười rũ rượi:

- Người mẹ mà thốt ra những lời chia uyên rẽ thúy thì nghe cũng thẳng thấy dịu dàng nữa đâu.

- Mất lòng trước nhưng được lòng sau em ạ.

- Nhưng tại sao anh phải ngăn cản chúng yêu đương?

- Anh chị Ân sẽ nghĩ sao khi con mình lại tỏ tình với cô chị nuôi?

- Em tin là anh chị ấy không phản đối. Jimi là con gái nuôi mới vài tháng trời, có liên quan gì đến huyết hệ mà đáng ngại.

- Không phải chuyện huyết hệ mà là vấn đề đạo lý.

- Anh chị cũng chẳng quá cổ lỗ về cái thứ đạo lý hình thức ấy đâu. Trái lại chúng yêu nhau, anh chị Ân còn mừng là đằng khác.

- Có khi cả em cũng vui mừng nữa đấy! - Tôi cười chế giễu.

- Vâng! Jimi là cô gái ngoan, có nghĩa khí lại xinh đẹp. Em ước ao có cô con dâu như vậy.

- Trời ơi! Em định kết nạp một em gái như vậy vào gia đình mình sao?

- Thế nghĩa là gia đình mình đóng cửa, trai đến tuổi lấy vợ, gái đến tuổi lấy chồng đều cấm cung hết?

- Con trai chúng ta sẽ lấy vợ nhưng không thể là Jimi.

- Là ai vậy?

- Anh chưa nghĩ ra những thực tình anh rất ngại. Ông ngoại Jimi là nhà tài phiệt Trung Hoa Dân Quốc lưu vong. Mẹ Jimi là cộng tác viên của tình báo Bắc Kinh. Cha Jimi là chính khách tiêu biểu cho chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Bố dượng là đại tá cảnh sát ác ôn rồi trở thành thủ lãnh của một tổ chức vũ trang bạo loạn tay sai của CIA. Thật không tưởng tượng được con dâu chúng ta lại có cái lý lịch đẹp như vậy!

Bạch Kim cười.

- Còn anh và em thì một xuất thân là gia đình quan lại phong kiến, một tư sản mại bản nữa chứ! Ở đất Cali này mà anh định tuyệt đối hóa những quan điểm cực đoan của mình thì không kiếm nổi vợ cho con trai đâu.

- Anh không muốn một cô gái da trắng là thành viên của nhà ta.

- Em nghĩ người Cộng sản trước hết là người theo chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa nhân đạo. Nhưng có nhiều anh tự nhận là Cộng sản lại nhiễm phải chủ nghĩa sô-vanh, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa màu da, kỳ thị chủng tộc nữa đấy. Không phải chỉ anh trắng kì thị, đo đen mà anh vàng anh đen cũng kì thị anh trắng. Những quan niệm cực đoan thực chất là tối phản động hoàn toàn trái với tư tưởng vĩ đại của Marx.

- Anh không phải là một tay theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng công việc của chúng ta buộc phải ngàn lần thận trọng.

- Đúng là một hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng Quang Trung đến tuổi yêu đương, chúng ta cũng không lẩn tránh được hiện thực đó. Anh hướng con mình vào đối tượng nào? Thông gia với nhà Tôn Thất Hoàng hay nhà tướng Thiết Vũ? Hoặc xui con cầu hôn với tiểu thư Nguyệt Ánh con gái "sếp" của anh?

- Không phải là những nhà đó, nhưng Jimi thì anh cũng không thể tưởng tượng nổi.

- Thế thì bây giờ phai tưởng tượng. Đó cũng là cách đổi mới nếp nghĩ. Aymé viết một câu rất hay. "Nếu Chúa chì biết làm ra những cái gì ông ta nhìn thấy thì Người chẳng sáng tạo nổi cái gì". Anh là người Cộng sản. Anh luôn miệng nói chủ thuyết anh theo đuổi là chủ thuyết tiên phong đủ sức sáng tạo ra một thế giới mới. Thế mà tư duy anh lại cũ mèm, luôn luôn chờ đợi một tiền lệ rồi mới hùa theo. Té ra anh là một tín đồ chứ không phải là một chiến sĩ.

- Muốn gì thì cũng phải xem xét thận trọng, phải thử thách.

- Em đồng ý với anh. Anh đi Hồng Kông, đến tận nhà con bé anh hãy nhận xét một cách khách quan đi.

- Đó là một cô gái hồn nhiên, thông minh, dũng cảm, cao thượng, độc lập trong suy nghĩ, tâm hồn nhạy cảm. Một cô gái bất hạnh, cô đơn nhưng không tuyệt vọng...

- Xinh đẹp nữa chứ?

- Điều đó thì hiển nhiên.

- Trời ơi, em chỉ thấy anh toàn nói tốt cả thôi. Khuyết điểm tất nhiên là có, nhưng anh chưa thể tìm thấy trong một tuần, một tháng.

- Cần bao nhiêu thời gian để thẩm định, một đối tượng như Jimi thưa đồng chí trung tá tình báo.

- Anh chưa thể trả lời vì anh không có ý định coi Jimi là con dâu chúng ta.

- Bây giờ chúng ta phải xem xét vấn đề một cách nghiêm túc và tế nhị chứ không phải đơn giản là ngăn cấm tình yêu của chúng. Cha mẹ đâu có quyền này. Quang Trung không phải là người trong tổ chức, có nguyên tắc nào cản trở được nó. Nếu anh sợ ở gần chúng nó lộ công việc của mình thì cưới xong tống nó ở riêng ra - Bạch Kim cười - Nhưng có lẽ chúng ta đi thì hợp lý hơn. Jimi là con nuôi anh chị Ân, vợ chồng nó phải ở đây với anh chị ấy. Thế là ta mất luôn cơ sở ẩn náu!

- Vì thế tốt nhất là đừng để chúng nó lấy nhau.

- Thì Jimi sẽ lấy người khác. Ngôi nhà này sẽ có thêm một chàng trai xa lạ nữa. Sau đó đến lượt Quang Trung cũng mang về một cô gái khác mà chưa chắc gì đáng tin cậy hơn. Thế là từ chỗ kín đáo với một không thích lại muốn đối phó với ba? Hay đề nghị ông Đức gửi từ bên nhà sang cho cháu một người vợ đủ tiêu chuẩn thành phần lý lịch? Nó không ưng thì xin đổi người khác!

- Em cứ bới chuyện tùm lum cho vấn đề thêm phức tạp!

- Chủ trương của anh sẽ buộc sự kiện phát triển theo cái lô-gích khắc nghiệt đó chứ đâu phải em bới ra. Quan niệm của em thì rất giản dị. Cải tạo, tin tưởng thu phục con người chứ không phải nghi ngờ, cấm đoán, kỳ thị. Tư tưởng của ta là tiến công, tại sao biện pháp của anh hoàn toàn thúc thủ, lẩn tránh.

- Thì đấy việc dâu con anh nhường cho em. Mẹ con bàn bạc với nhau thế nào tùy nhưng phải đảm bảo cho nhiệm vụ. Hay dở ra sao tôi mặc kệ!

Nói rồi tôi đùng đùng quay về phòng mình nằm lăn ra giường vắt tay trên trán...

Năm phút sau thấy Bạch Kim vào, tôi xoay mặt vào trong.

Cô ngồi bên tôi, cúi xuống ôm lấy mái tóc đã điểm bạc, cô vuốt nhẹ nhàng rồi thì thầm:

- Đáng tuổi ông nội rồi mà lúc nào cũng như trẻ con ấy! Hơi một tý là dằn dỗi! Quay lại đây em dỗ vậy!

Thấy tôi không nói gì cô cười khúc khích và trêu thêm:

- Ôi nếu anh nhỏ bé như con mèo thì có lẽ em đến phải bế ẵm uốt ve anh suốt ngày mất thôi?

Tôi đành quay lại cười làm lành:

- Thì em cứ tự nhiên coi anh như chú mèo! Chú mèo sáu mươi kí-lô càng tuyệt diệu chứ sao!

Quang Trung đã bước vào giai đoạn chuẩn bị luận án thi tốt nghiệp. Chương trình của chàng trai rất chặt chẽ. Buổi sáng đến trường, đến phòng thí nghiệm, đi thư viện. Buổi chiều làm việc tại nhà. Năm giờ chiều đi bơi thuyền hoặc đánh bóng bàn mười lăm đến ba mươi phút. Tắm rửa xong bế em đi dạo quanh vườn hoặc đẩy xe nôi đưa em ra hoa viên rồi về ăn bữa chiều. Sau đó lao vào đọc sách đến khuya. Đôi lúc cậu mới ngó đến ti-vi ít phút, thường là những chương trình ca nhạc đặc sắc. Quang Trung bỏ tất cả để đạt kết quả cao cho kỳ thi quan trọng bậc nhất này.

Mặc dù bận rộn với con nhỏ nhưng Bạch Kim vẫn hỏi han săn sóc đến việc học hành của con lớn. Thường là khi đón Việt Dũng từ tay Quang Trung sau buổi đi dạo của hai anh em bao giờ Bạch Kim cũng hỏi qua công việc trong ngày và những nhu cầu mà chàng trai cần mẹ giúp đỡ. Lần này thì cô kéo Quang Trung vào buồng, khép cửa lại rồi thân mật hỏi:

- Con học thi có mệt lắm không?

- Thưa mẹ bình thường thôi ạ. Con nắm vững vấn đề ngay từ mỗi năm học nên những bước thang sau đều dựa trên căn bản vững chắc. Những phát kiến cho bản luận án tốt nghiệp đã hình thành từ một năm nay nên con đã thu thập được mọi dữ liệu. Bây giờ chỉ còn sắp đặt những luận điểm đó. Theo một kết cấu lô-gích chặt chẽ, biện chứng và sáng tỏ là được.

- Thế nghĩa là con đã có đề tài và ý đồ kết cấu.

- Vâng, con đi vào một đề tài có tính ứng dụng cho những vật liệu mới của kỹ thuật điện tử: "Magnetism and magnetic materials1 (Từ và vật liệu từ).

- Con nói thì mẹ nghe thôi chứ về lĩnh vực này mẹ chẳng hiểu gì.

- Dễ hiểu thôi mẹ ạ. Con nói thế này mẹ hình dung ra ngay.

Khi nghiên cứu chất điện môi trên sáp và polimer, nghiên cứu chỉnh lưu selicium thiên nhiên, vườn khoa học đã mọc lên một cây đại thụ nhận những thành tựu trên làm bộ rễ. Có thể gọi tên nó là cây "Ferrite transtor, silic, germanium". Đó là thành quả tổng hợp của lý thuyết chất rắn. Cây đó đã phân thành ba nhánh. Nhánh thẳng đứng lớn nhất là chất bán dẫn. Hai nhánh nhỏ hơn là vật liệu quang học và vật liệu từ. Con rẽ theo chi thứ ba. Người ta gọi vật liệu từ là máu của nền công nghiệp điện tử hiện đại đấy mẹ ạ. Dĩ nhiên con của mẹ cũng mới bước vào đây những bước đầu tiên của cả một chân trời rộng mở.

- Mẹ đã hình dung ra một phần và mẹ rất tự hào về con trai mẹ - Bạch Kim xoa đầu chàng trai như thuở nào cô bế ẵm nâng niu đứa bé mồ côi mẹ. Nay nó đã trưởng thành nhưng cô vẫn yêu thương nó bằng tỉnh cảm người mẹ, như chính nó là một phần máu thịt mình tách ra. Cô nói tiếp:

- Nhưng hôm nay, ngoài chuyện học hành mẹ muốn hỏi con một điều khác. Hình như con có một cái gì thay đổi lớn lao. Có chuyện gì thế con?

Quang Trung lúng túng mặt đỏ ửng:

- Không đâu mẹ ạ. Chẳng có chuyện gì xảy ra với con cả.

- Mẹ chẳng muốn tò mò làm gì. Con đã lớn rồi, con có "thế giới riêng" của con... Nhưng ba lại giao cho mẹ phải săn sóc con cả tâm hồn lẫn thể xác. Mẹ hỏi vậy là muốn xem con có cần đến một sự chia sẻ một lời khuyên bảo của mẹ không thôi. Nhưng nếu con cảm thấy hoàn toàn yên tĩnh thì mẹ chẳng có lý do gì để lo lắng cả.

Bạch Kim cười, còn Quang Trung thì bỗng nhiên gục đầu vào vai mẹ. Năm sáu năm nay chàng trai không còn chầm vập với mẹ như vậy rồi. Hành động này chứng tỏ có một nỗi xúc động mạnh mẽ đến mức Quang Trung muốn bíu lấy một điểm tựa.

- Mẹ ạ, thực sự thì chưa xảy ra chuyện gì. Mẹ không tin con sao?

- Mẹ tin chứ! Nhất định là chưa xảy ra chuyện gì con trai yêu quý ạ.

- Nhưng...

- Nhưng sao?

- Khó nói lắm mẹ ạ?

- Có thể ngoài đời chưa xảy ra chuyện gì nhưng trong tâm hồn con đã có nhưng biến đổi kỳ diệu - Bạch Kim thủ thỉ nói với con - ở tuổi các con mẹ cũng có những biến động tương tự. Chỉ có điều mẹ chẳng biết nói cùng ai. Bà thì mất sớm, con ông lại mải chuyện làm ăn, mải chuyện mạt chược, tứ sắc kermesse, loto... Thế là mẹ chỉ biết cô đơn cười khóc với chính mình.

- Thế mẹ nhìn thấy những gì xảy ra trong đầu óc của con nào?

- Mẹ chẳng nhìn nổi - Bạch Kim lắc đầu - Nhưng mẹ đoán mò, mẹ lấy kinh nghiệm trong cuộc sống, suy bụng ta ra bụng người và mẹ đã hỏi con.

- Cảm ơn mẹ, thực tình con không muốn giấu mẹ. Đúng là con có ngọn lửa đang âm ỉ cháy trong trái tim con. Nhưng con ngượng lắm.

- Mẹ hiểu. Con tôi đã yêu, đúng không?

- Thưa mẹ đúng. Nhưng xin mẹ đừng bao giờ nói chuyện này với ba nhé. Mẹ hứa với con đi!

Bạch Kim trìu mến nhìn con:

- Mẹ không dám hứa đâu vì chẳng có gì mẹ giấu nổi ba. Ba là một người mẫn cảm, lại là một sĩ quan tình báo, ba cũng có thể đoán ra mọi chuyện. Từ ngày lấy nhau ba mẹ luôn luôn mở rộng cánh cửa tâm hồn cho nhau, niềm vui, nỗi buồn, thành công, thất bại đều chung chịu, chia sẻ. Ba rất thương yêu con và tự hào về con. Nhiều lúc ba cũng muốn hỏi han tâm sự với con, nhưng rồi ba lại giao việc đó cho mẹ. Ba coi chuyện tâm tình với con cái, người mẹ thường nhẹ nhàng tâm lý hơn, tế nhị hơn.

- Thưa mẹ con hiểu. Không phải con muốn mẹ giấu ba mà chỉ muốn mẹ thư thư hãy nói. Để con thi cử xong mẹ nói cũng chưa muộn. Con sợ ba thấy con phân tán tư tưởng trong lúc này ba mắng con chết!

- Con đã tỏ tình chưa?

- Chưa mẹ ạ. Con đã nói là chưa có chuyện gì xảy ra. Tất cả mới nằm trong ý nghĩ của con thôi. Thế mà con đã thấy đau khổ, bồn chồn, lo sợ... Không biết người ấy có yêu con không!

- Ôi con trai tôi, tội nghiệp cho con. Con sẽ phải nhức nhối vì câu hỏi đó. Hạnh phúc bao giờ cũng trùm lên đau khổ mà. Hãy gắng mà chịu... thế người ấy của con là ai vậy?

- Mẹ chưa đoán ra sao?

- Mẹ đoán lơ mơ thôi, chắc gì đã đúng.

- Con tin là mẹ đoán đúng. Ý nghĩ của mẹ con mình hay gặp nhau lắm. Mẹ thấy cô ấy có đáng yêu không?

- Đáng yêu lắm. Nhưng đúng là mẹ mới nhìn phiến diện từ xa cũng mới là cái nhìn của người đồng giới.

- Mẹ có thể cho con một lời khuyên được không?

- Bao giờ mẹ cũng mong muốn con có hạnh phúc bền vững. Điều đó chỉ có được khi hai con có được sự đồng nhất gần như hoàn toàn về tình yêu, gia đình, Tổ quốc. Có một điều mẹ cần lưu ý con về hoàn cảnh gia đình nhà mình. Con có thêm người vợ cũng tức là con kết nạp thêm một thành viên cho gia đình mình và cũng tức là tuyển mộ cho Tổ quốc ta thêm một chiến sĩ. Rõ ràng đối với chúng ta love isn't everything, tình yêu không phải là tất cả đâu con ạ. Các con không thể là Roméo và Juliette được.

- Ôi nghe mẹ nói mà con lo lắng quá. Con không sao lường được con đường đi tới hạnh phúc của mình nữa.

- Con không nên nản lòng. Thượng đế không tạo riêng cho con một cô gái hoàn toàn như ý con. Nhưng con có thể cảm hoá, tạo dựng nên ý chung nhân của mình. Ba má con trước kia hay ba, mẹ sau này cũng thế. Mẹ nhớ hồi ba con yêu mẹ đâu đã hiểu hết mẹ, đâu đã đồng nhất được mọi dị biệt. Nhưng rồi chính tình yêu của ba đã cảm hoá được mẹ. Từ kính phục đến tin yêu mẹ đã hòa nhập vào lý tưởng của ba, mẹ nhẹ nhàng như được chắp cánh. Cái tận thiện tận mỹ chỉ có một. Lý tưởng của chung ta là hướng tới cái tận thiện tận mỹ. Nếu các con đều có ý định hướng tới cái đó thì sớm muộn cũng sẽ đồng điệu sẽ hòa nhập và mẹ tin là con sẽ đi tới hạnh phúc bền vững. ở đây có thể nói tình yêu quyết định hết thảy, love decides everything.

- Con vẫn lo lắng không biết mình có cảm hóa nổi người ấy không?

- Chuyện của mẹ con mình vui thật! Có cái tên mà cũng không dám gọi, cứ người ấy suốt! Con hãy dũng cảm định nghĩa người ấy là ai xem nào!

Bạch Kim mỉm cười, Quang Trung dụi mặt vào vai mẹ thì thầm:

- Người ấy là... Mi mẹ ạ.

- Là Mi thì mẹ hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

- Thật thế hả mẹ?

- Con trai mẹ có tất cả mọi điều kiện để "chinh phục" được trái tim Jimi. Nhưng trước mắt khuyên con hãy tập trung vào thi cử. Tốt nghiệp xong con sẽ có nhiều thời gian dành cho chuyện này.

- Dạ, con xin vâng lời mẹ.

Hai mẹ con chuyện trò cởi mở hơn một tiếng đồng hồ thì có tiếng gõ cửa. Quang Trung ra mở và thấy Jimi xuất hiện. Như thường lệ, giờ này Mi hay đến bế bé Việt Dũng. Cả hai bỗng thấy ngượng nghịu trước mặt mẹ. Bạch Kim bỗng bật cười khiến Quang Trung vội đẩy cửa chuồn luôn, Jimi đỏ bừng đôi gò má vội ôm lấy bé Việt Dũng mà nựng. Phong thái cô gái tóc vàng vẫn có cái gì đó gần với phương Đông. Cô là người da trắng phương Đông.

Một bữa luật sư Phan Quang Ân đang ngồi đọc ngoài vườn cây thì thấy có tiếng chuông gọi cổng. Nhìn qua hàng chấn song, ông thấy một bóng người lạ mặt chừng bảy chục tuổi, đầu hói nhẵn bóng, trong cặp kính lão là đôi mắt với hàng mì hùm hụp xệ xuống, mắt của những người ngày ngủ đêm thức, những người nghiện ngập và sống phóng . đãng ở tuổi đã cao.

Ông Ân ra mở cổng.

- Xin chào ông. Thưa ông tôi xin hỏi, có phải ông là luật sư Phan Quang Ân không ạ?

- Thưa cụ đúng là tôi đây ạ.

- May quá, thế là tôi đã đến đúng chỗ. Tôi là Hứa Vĩnh Thanh, ông ngoại của cháu Jimi.

- Ôi, cụ đã sang chơi! Xin mời cụ vào nhà. Cháu hiện đang sống ở đây với chúng tôi.

Luật sư dẫn ông Hứa vào phòng khách rồi gọi Jimi và cả nhà xuống.

- Ông ngoại sang thăm con đây, Jimi ơi!

Jimi chạy xuống nhìn thấy ông. Cô gái vừa xúc động vừa bất ngờ:

- Ngoại!

- Con.

Hai ông cháu ôm chầm lấy nhau. Ông già rưng rưng lấy khăn thấm nước mắt. Ông quay lại ghế ngồi rồi nói với mọi người:

- Trước hết tôi xin cảm ơn ông bà luật sư và toàn gia đình đã cưu mang nuôi dạy cháu. Ba cháu mất rồi, má cháu lại thiệt phận, cuộc đời cháu côi cút Chúng tôi thương cháu lấm. Gia đình tôi có ý định để cháu sống với chúng tôi nhưng cháu cứ nhất định đòi trở về với dòng họ Price. Cháu lớn rồi cháu biết nghĩ đến huyết tộc của mình thì là điều đáng quý. Không ngờ là cháu nói dối tôi, cháu sang đây làm nghĩa nữ cho ông bà.

- Thưa cụ, tôi và anh Vượng, người chồng cũ của chị Quế Lan là bạn thân. Tuy anh chị ly dị nhau nhưng gia đình tôi và chị Quế Lan vẫn là chỗ thân tình. Ở Sài Gòn trước đây ra sao thì khi rời quê hương ra đi, chúng tôi vẫn giữ trọn mối quan hệ đó. Vừa rồi chị và cháu sang đây viếng mộ tiến sĩ Price đã đến đây với chúng tôi. Chị Lan rất thích khí hậu Cali. Còn cháu Jimi thì cứ đòi mẹ sang đây sống với chúng tôi cho có bè có bạn. Chẳng may hai mẹ con gặp hoạn nạn, mẹ chết, cháu Jimi bơ vơ. Cháu đã tự nguyện ở lại đây với chúng tôi. Gia đình chúng tôi coi cháu như con đẻ của mình. Nhưng cháu cũng đã về xin phép cụ và cô bác rồi mới quyết định. Chúng tôi cũng có nguyện vọng là có dịp sẽ sang thăm viếng cụ và quý gia đình để hai nhà cảm thông nhau, thắt chặt thêm tình hữu hảo. Nhưng vì đường xá xa xôi mà chúng tôi chưa thực hiện được mong muốn đó. Nay cụ đến thăm cháu thì cũng là một dịp may để chúng tôi được hầu tiếp cụ. Xin cụ hiểu cho tấm lòng của chúng tôi.

- Cảm ơn ông luật sư. Chúng tôi không dám có ý trách móc gì ông bà. Chúng tôi chỉ giận cháu tôi là đã vô tình với ông ngoại, với họ hàng nhà mẹ. Suốt nửa năm xa cháu, chúng tôi rất mong nhớ cháu mà chẳng biết cháu ở đâu. Tôi phải tìm kiếm khó khăn mới đến được đây.

- Thưa ông, cháu đã hai lần viết thư về thăm ông và các cậu, các dì rồi chứ ạ. Thế mà cháu chẳng nhận được hồi âm.

- Có, cháu viết nhưng lại không cho ông địa chỉ là cháu ở chỗ nào.

- Cháu có đề địa chỉ để viết thư đấy thôi, ngoài phong bì mà.

- Địa chỉ đó chỉ để viết thư thôi hỏi đường thì khó quá. Ông phải nhờ cảnh sát mở danh bạ ra lần giúp mới đến được đây.

- Thế mà ngoại không viết thư hay điện sang cho cháu biết trước để cháu đi đón.

- Thôi, thế cũng là may rồi. Hôm nay ngoại sang đây có ý định thưa với ông bà luật sư xin phép đón cháu về Hồng Kông. Nếu cháu ở với dòng họ nhà Price thì chẳng sao, chứ để cháu đi làm nghĩa nữ thì người ta cười ông. Họ hàng bè bạn đều trách ông: Có đến nỗi nghèo khó gì mà mẹ nó vừa chết đã đẩy nó đi làm con nuôi người ngoài. Ngoại rất biết ơn ông bà Phan Quang ân rất tử tế, nhưng người đời đâu có hiểu cho ngoại.

Cả nhà đều sửng sốt và buồn rầu. Jimi thì tái mặt lo lắng và giận dữ.

- Thưa ông, cháu ở đây rất vui, cháu chẳng muốn về đâu.

- Đâu phải chỉ vui mà đủ. Cháu phải nghe ngoại quay về Hồng Kông ngay ngày mai. Cháu không có quyền bàn bạc chuyện đó.

Luật sư Phan Quang Ân nhẹ nhàng nói với ông Hứa:

- Thưa cụ, đây là việc trong gia đình cụ, nhưng cho phép tội được tham gia ý kiến. Trước hết, xin cụ không nên quan niệm cháu Jimi làm nghĩa nữ chúng tôi là chuyện xấu, một việc xúc phạm đến danh dự của quý gia đình. Chúng tôi quý trọng cháu, thương vêu cháu không có gì so sánh được vì quý nhất là con đẻ mà chúng tôi cũng không có thì biết lấy gì mà so? Cháu đã hai chục tuổi, về phương diện pháp luật, cháu hoàn toàn đủ quyền quyết định vận mệnh của mình. Nếu cháu muốn về Hồng Kông với cụ và bà con bên ấy, chúng tôi không dám giữ cháu. Nhưng nếu cháu muốn sống bên này với gia đình chúng tôi thì xin cụ cho phép cháu được lựa chọn và không ngăn cản cháu.

- Thưa luật sư, chúng ta phải kết hợp luật pháp với truyền thống nữa. Trong gia đình cũng còn có gia pháp. Phép vua thua lệ làng. Chúng ta có thể bàn thêm với nhau chứ không chỉ tùy thuộc vào hoàn toàn ý kiến của con trẻ.

- Thưa ông, ông cho phép cháu được nói. Khi sang đây, cháu đã xin phép ông. Ở Hồng Kông, ông đi vắng luôn, sống một mình cháu sợ lắm. Cháu chẳng có bè bạn, không được học hành. Một cuộc sống như vậy, cháu không sao chịu nổi.

- Sang đây thì cháu học được gì thêm? Tuổi cháu lớn rồi, đâu còn thời gian để học nữa.

- Thưa ông, cháu học tiếng Pháp. Học âm nhạc.

- Những thứ đó chỉ để trang trí cho tuổi trẻ thôi. Đi lấy chồng là quăng vào sọt rác hết. Nó đâu phải là một nghề có tương lai?

- Thưa cụ, cháu học nhạc tiến bộ lắm. Năm tới cháu có thể xin vào trường Điện ảnh. Đây gần kinh đô điện ảnh Hollywood, biết đâu ít năm nữa cháu lại chẳng thành ngôi sao màn bạc!

Bạch Kim nêu ra một ý kiến bất ngờ cốt để làm dịu lòng ông già, nhưng ông ta chẳng có chút gì xúc động. Cuộc đàm đạo diễn ra gần một giờ mà Hứa Vĩnh Thanh vẫn khăng khăng đòi Jimi phải đi theo ông.

- Thưa quý vị, tôi đã mất công lần đến đây để tìm cháu thì nhất định phải đem cháu về. Chúng tôi xin chịu mọi phí tổn mà quý vị đã nuôi dạy cháu bấy lâu. Xin quý vị cảm thông cho tôi, vì đây là ý nguyện của cả gia đình và thân tộc chúng tôi bên Hồng Kông. Còn Jimi cháu chuẩn bị mọi thứ, sáng mai ông đón.

Cả gia đình cố giữ ông Hứa nghỉ lại đây để bàn thêm, nhưng ông nhất định từ chối vì đã có hẹn với người bà con Hoa Kiều ở Ringbourne.

Khi ông Hứa đi rồi, bà Lệ Ngọc ôm mặt khóc rưng rức. Jimi ôm lấy bà:

- Má ơi, con không đi đâu cả. Con ở đây với má, xin má đừng buồn!

Và rồi chính cô gái cũng òa lên khóc theo.

Bà Lệ Ngọc bàn: Jimi phải giả vờ ốm, xin cụ Bảo cho cái đơn thuốc giả và ghi là bệnh nhân không được đi máy bay. Bạch Kim thì cho là chỉ cần đưa Jimi đi chơi một ngày. Nếu ông cụ có đến thì nói thẳng là Jimi không muốn theo cụ về Hồng Kông nên bỏ đi chơi đâu mất! Còn Quang Trung thì nêu ra sáng kiến: Nếu ông Hứa đến thì giấu Mi vào buồng tắm là ông chẳng thê tìm được!

Từ chuyện khóc thành chuyện cười, cả nhà vui vẻ. Cuối cùng luật sư Phan Quang Ân nói với mọi người:

- Hãy bình tĩnh, tình thế đâu đã đến nỗi tuyệt vọng? Việc gì phải bày đặt ra những màn kịch trẻ con vậy. Nếu Jimi vẫn muốn ở đây với chúng ta thì ta hoàn toàn có thể thuyết phục được ông già. Cả về tình lẫn lý, ông đều ở thế yếu. Cùng lắm thì ta nhờ luật pháp can thiệp. Điều mà ta không muốn sử dụng đến. Quyền cao nhất đi hay ở là do Mi quyết định.

Tối hôm đó Quang Trung rủ Jimi ra ngồi chơi ngoài vườn cây. Đây là lần đầu tiên hai đứa ngồi với nhau trong bóng tối của một vòm lá. Quang Trung tha thiết nói với Jimi:

- Đừng về Hồng Kông Mi nhé.

- Trung có muốn Mi ở đây không?

- Muốn lắm chứ? Mi đi là Trung buồn lắm đấy?

- Thật không?

- Trung thề là... như vậy.

- Thế thì nhất định Mi không đi đâu cả. Mi ở đây mãi mãi.

- Ôi! cảm ơn Mi, cả nhà đều quý Mi, yêu Mi.

- Còn Quang Trung?

- Mi không thấy tình cảm của Trung hay sao mà còn hỏi.

Jimi mỉm cười. Bàn tay Trung tìm đến bàn tay mềm mại của Jimi. Cô gái để yên... Cả hai im lặng. Gió từ hồ Green thổi vào lay động vòm lá. Những chấm sáng của cây đèn bên lối đi nhảy nhót trên đôi vai, trên mái tóc của đôi bạn trẻ.

...

Sáng hôm sau ông Hứa Vĩnh Thanh đến rất đúng hẹn. Sau khi mời ông an tọa trong phòng khách cả nhà lảng đi để ông nói chuyện với Jimi.

- Thế nào, cháu chuẩn bị xong chưa. Chúng ta ra xe được chứ?

- Thưa ông cháu không có ý định trở về Hồng Kông nữa. Cháu đã tử bỏ tất cả, nhà của, đồ đạc, quyền thừa kế những khoản tiền to lớn mẹ cháu để lại ở các ngân hàng để chọn con đường tự lập. Cháu sẽ không bao giờ phản đối ý định của mình.

- Cháu nông nổi lắm. Đi làm con nuôi thì đâu phải là đường tự lập và làm gì có tự do. Ông muốn cháu làm bà chủ kia. Quyền thừa kế của cháu vẫn còn nguyên đó. Ông thấy cháu còn nhỏ, cháu chưa quen những vấn đề pháp lý nên ông phải trông nom tất cả cho cháu. Sau này ông già chết thì lại chuyên đến tay cháu thôi. Hãy nghe ông và về với ông đi.

- Thế sao trước đây ông cứ khuyên má cháu nên trả cháu về cho tiến sĩ Price?

- À... là vì lúc đó mẹ cháu còn trẻ, dượng cháu không biết sống chết ra sao, ông muốn nó tự do để liệu mà bước đi bước nữa. Chẳng may má cháu bị hoạn nạn nên ông đã nghĩ lại.

- Bây giờ thì muộn rồi ông ạ.

- Sao! Thế nào là muộn? Cháu nói gì lạ thế. Cháu định để ông đơn độc một mình, ốm không ai hay, chết không ai biết hay sao?

- Ôi! Ông đừng nói thế. Ở bên ấy còn dì Hoa và các cậu. Tại sao ông không sống với họ mà ông cứ phải lùi lũi sống một thân một mình - Jimi xúc động ứa nước mắt.

- Ông không hợp tính với chồng dì Hoa. Cậu Hứa Thiết Hồ thì nghiện ngập, luôn luôn vào tù ra tội. Còn cậu Hứa Tiêu Long thì cờ bạc, thấy gì vơ nấy, ở chung để các cậu ấm phá thì nhanh lắm. Ông chỉ còn bà là người thân yêu nhất, nhưng bà vẫn kẹt ở Sài Gòn. Bà lại mù loà ốm yếu không muốn di tản đến xứ lạnh. Ôi cuộc đời ông thật là khốn khổ thế mà cháu lại nỡ bỏ ông cháu đi. Cháu tệ lắm Jimi ơi.

- Thôi ông nghe cháu, ông cứ về với dì Hứa ít tháng nửa xem sao. Nếu cháu không thi được vào trường điện ảnh thì cháu sẽ về với ông. Bây giờ có đi ngay cũng không được vì còn phải giấy tờ hộ chiếu lôi thôi lắm.

- Chẳng có gì ngại đâu, ông sẽ lo cho cháu tất. Nghe ông đi cháu ngoan của ông. Đừng để ông một mình trong lúc tuổi già. Đợi ông chết rồi cháu muốn đi đâu muốn ở với ai cũng được.

Khi luật sư Ân trở lại phòng khách thì hai ông cháu chẳng có gì để nói với nhau. Ông thì ngồi buồn rầu im lặng còn cháu thì ôm mặt khóc. Câu chuyện chưa đi đến giải pháp nào.

- Thưa cụ, xin cụ hãy để cho cháu suy nghĩ thêm. Chúng tôi hứa với cụ là không làm bất cứ áp lực nào đối với tình cảm của cháu. Tôi đồng ý là mọi giải pháp đều phai kết hợp luật pháp và truyền thống, do đó trong trường hợp này ta nên thu xếp sao cho tốt đẹp giữa hai nhà. Chị Quế Lan mất đi, chúng tôi mất một người bạn và tôi coi cháu Jimi như con. Chúng tôi nuôi dưỡng cháu không có mưu cầu tư lợi ngoài mong muốn làm cho tình cảm và tâm hồn của cháu được phát triển hài hoà. Những thứ cháu mang theo vẫn là của cháu và chúng tôi không hề nghĩ gì đến tổn phí nuôi dưỡng. Cháu là con chúng tôi nhưng vẫn có bổn phận làm cháu của cụ. Chúng tôi đâu dám vi phạm đến tình cảm thiêng liêng đó. Nếu cụ không cho phép chúng tôi nhận cháu làm nghĩa nữ thì cứ coi như là cháu du học bên này. Khi nào thành đạt cháu sẽ về với cụ cũng được.

Ông Hứa Vĩnh Thanh không thể xoay chuyển được tình thế. Cuối cùng hai bên đi đến một thoả thuận là: Ông Thanh đồng ý cho cháu Jimi ở bên này nhưng cháu phải có bổn phận với ông bà Hứa Vĩnh Thanh lúc tuổi già. Khi nào có công việc ông gọi điện thì ông bà Phan Quang Ân phải giúp đỡ cháu mọi phương tiện đi lại để thăm viếng ông bà, họ hàng.

Khi đã có lời giao ước, ông Hứa Vĩnh Thanh mới chịu ở lại dự bữa cơm thân mật của gia đình chủ nhân chiêu đãi.

Chiều hôm đó ông già cáo từ để đến thăm mộ người bà con khác. Hôm sau bay về Hồng Kông ngay.

Ông Thanh đi rồi không khí trong gia đình bỗng sôi động hẳn lên. Giống như một đám mây đen nặng nề che phủ bầu trời mây bay đi mặt trời lại toả nắng. Điều đó nói lên Jimi đã có một vai trò quan trọng trong đời sống tình cảm của gia đình này. Việc Jimi quyết tâm ở lại được mọi người coi như một thắng lợi thực sự. Trong cơn thử thách này, cô gái thấy rõ tình cảm của mọi người ở đây đối với cô sâu nặng biết nhường nào.

Tháng năm đó, Quang Trung bảo vệ luận văn tốt nhiệp ở đại học đường Berkley. Chàng trai đã chiếm được tấm bằng loại ưu.
Chương trước Chương tiếp
Loading...