Sát Phá Lang - Priest

Quyển 2 - Chương 38: Gặp lại



Trần Khinh Nhứ trách một câu, nhưng trên mặt không có vẻ gì là giận, trái lại như là bị những vị khách không mời này xông vào quen rồi. Nàng vào nhà bỏ thảo dược trong tay xuống, chào mấy người lạ trước: “Tiểu nữ họ Trần, là một lang trung giang hồ.”

Nàng tự xưng là lang trung giang hồ, nhưng giơ tay nhấc chân rất có khí chất tiểu thư khuê các, lại không cười, vẻ mặt lạnh băng, phụ nhân kia thấy thế hơi câu nệ, lúng ta lúng túng hồi lâu, chẳng giỏi nói năng, chỉ biết ra sức cúi chào. Trần Khinh Nhứ nhìn thoáng qua Trường Canh đang thi châm, nói: “Y cũng xem như nửa đồ đệ của ta, khởi tử hồi sinh là không thể, nhưng chứng bệnh tầm thường cũng ứng phó được, đại tỷ cứ yên tâm.”

Ngoại hình nàng khó nhận ra tuổi tác, ăn mặc lại như cô nương, tiểu tướng sĩ bên cạnh thấy thế tim đập như nổi trống.

Một cô nương chưa lập gia đình, cho dù là đại phu, điện hạ nhà mình không nói tiếng nào tùy tiện vào nhà người ta… có thích hợp không? Xem dáng vẻ như xe nhẹ đường quen ấy, không chừng đã tới bao nhiêu lần rồi.

Nếu là ở kinh thành, trong một số nhà chú trọng lễ phép, giữa phu thê gặp nhau cũng phải phái hạ nhân đi nói một tiếng trước.

Tuy là nhi nữ giang hồ không câu nệ tiểu tiết…

Tiểu tướng sĩ lần đầu một mình đi theo Trường Canh, không ngừng phỏng đoán quan hệ của nữ tử xa lạ này với tứ điện hạ, lại không biết việc này nếu để Cố Quân hay sẽ giận dữ cỡ nào, trong lòng lo sốt vó, không nghĩ ra phải bẩm báo làm sao với Đại soái, thiếu điều phát khóc.

Đang nói chuyện thì lão nhân trên sập rên một tiếng, nặng nề ho vài cái, từ từ tỉnh lại.

Trường Canh cũng không ngại bẩn, lấy cái ống nhổ để bên cạnh giúp ông lão nhổ đàm.

Phụ nhân thấy thế mừng vô cùng, ngàn ân vạn tạ, Trần Khinh Nhứ đưa cho Trường Canh một chiếc khăn, sai: “Ngươi đi kê thuốc đi, ta kiểm tra cho.”

Nàng nói chuyện ngữ khí nhẹ nhàng chậm rãi, nhưng nội dung lại khá có ý ra lệnh, Trường Canh không ý kiến gì, trải giấy bút ra, hơi trầm ngâm, đoạn viết phương thuốc.

Tiểu tướng sĩ Huyền Thiết doanh suýt nữa trợn lồi mắt ra, lúc đi theo Cố Quân, gã từng nghe Cố đại soái nhắc tới không chỉ một lần, nói tứ điện hạ lớn rồi, không quản nổi nữa – nhưng đây rõ ràng là chỉ đông không đi tây, so với học trò nhỏ trong học đường còn ngoan ngoãn hơn, nào có một chút bất tuân từ nhỏ đã cãi nhau với An Định hầu?

Gã đang hoang mang thì Trần Khinh Nhứ đã bắt chuyện với phụ nhân kia.

Thấy người bệnh ổn hơn, phụ nhân thả lỏng không ít, vừa trò chuyện mới biết, nguyên là sau khi khôi lỗi trồng trọt phổ biến khắp bản địa, mọi người đều không có đất cấy cày, tuy triều đình có quy định hương thân địa chủ không được bạc đãi điền hộ, nhưng sau thời gian dài, mấy ai muốn nuôi kẻ ăn không ngồi rồi? Khất nợ thiếu cân đều thường có, trong bụng những kẻ có khôi lỗi làm việc dần dần cũng khó chịu. Sau đó, nông dân một phái, trường tý sư một phái, những người buôn bán nhỏ, coi đất lại là một phái, đều cảm thấy mình bị thiệt, không vừa mắt lẫn nhau.

Trượng phu của phụ nhân kia không muốn ở nhà ăn không ngồi rồi để bị trút giận, cùng đồng hương về phương Nam tìm việc làm, nào ngờ vừa đi liền bặt vô âm tín, cha chồng lại bệnh, con thì còn nhỏ, không thể nhờ cậy, thầy lang trong thôn chê cả ngày không có việc làm, sớm bỏ xứ đi mất rồi, bấy giờ nàng mới đành phải cố gắng tự mình cõng cha chồng, lặn lội đường xa đi tìm thầy.

Trần Khinh Nhứ nghe vậy chau mày: “Phương Nam? Phương Nam năm nay vừa có lũ lụt, chẩn tai còn không kịp, việc đâu ra mà tìm?”

Phụ nhân kia vẻ mặt hoang mang, hiển nhiên là quanh năm ru rú ở sơn thôn, trừ mảnh đất một mẫu ba trước cửa ra, cũng không biết thiên hạ có nơi khác, hoàn toàn không có khái niệm gì.

Trường Canh đang viết phương thuốc hỏi: “Thế lương thực phân phối năm nay đại thẩm được nhận chưa?”

Phụ nhân nghe vậy nhìn lão nhân thoi thóp trên sập một cái, vẻ mặt sầu khổ: “Không giấu gì công tử, vẫn chưa hề, tôi… tôi ngần này tuổi rồi, cũng không tiện tới nhà người ta gây chuyện, may mà năm nay giá lương thực thấp, trong nhà còn ít tiền để dành, ra ngoài mua một ít cũng được.”

Nàng nói như vậy, nhưng Trường Canh hiểu, những người này nhiều thế hệ cấy cày, tiết kiệm quen rồi, sẽ không dễ dàng tiêu tiền, tiêu một lần tim như dao cắt, nếu không thì sao nàng lại thà cuốc bộ thật xa, cõng cha chồng đi từng bước một, cũng không chịu thuê xe?

Trần Khinh Nhứ: “Không phải có đất công của triều đình à? Ta nghe nói đất công của triều đình mỗi năm nộp đủ quốc khố, phân cho quan viên, còn lại phàm là người nhập tịch ở bản địa đều có thể lĩnh một ít.”

Phụ nhân cười khổ nói: “Đất công của chúng tôi không trồng gì, bỏ hoang hai năm rồi.”

Trường Canh: “Vì sao? Là do đất không tốt à?”

Phụ nhân: “Nghe nói là vì rất gần quê của một quan lão gia nào đó, Huyện thái gia muốn chiếm hai mẫu đất ấy xây từ đường, bên trên chẳng biết vì cớ gì không đồng ý, cứ thế giằng co, rồi chẳng ai nói rõ mảnh đất này phải dùng làm gì, vậy là bỏ hoang luôn.”

Lời này vừa nói ra, ba người trong nhà đều im lặng.

“Tam sơn lục thủy, tổng cộng được mỗi một mảnh đất, mà còn phải bỏ hoang,” Trần Khinh Nhứ thở dài nói, “Những người này thật là…”

Trường Canh không lên tiếng, không biết đang nghĩ gì, y mau chóng viết xong phương thuốc, đưa Trần Khinh Nhứ kiểm tra, Trần Khinh Nhứ nói: “Ừm, cũng được – đại tỷ đi theo ta, ở chỗ ta còn cất ít thuốc thường gặp, không cần mua nữa.”

Nói xong, nàng dẫn phụ nhân ngàn ân vạn tạ đến hậu viện.

Vừa thấy nàng đi, tiểu tướng sĩ Huyền Thiết doanh bấy giờ mới thở phào nhẹ nhõm, lê bước đến trước mặt Trường Canh, cũng không lên tiếng, chỉ theo trước theo sau, thấy Trường Canh muốn làm gì, liền chẳng rằng chẳng nói xắn tay áo làm trước, chỉ chốc lát gã đã nhanh nhẹn rửa xong ống nhổ, dọn dẹp giấy bút, lúc này rốt cuộc mới chuẩn bị xong câu đầu tiên, lắp bắp nói: “Thiếu gia rất quen thuộc nơi này.”

Trường Canh đáp một tiếng: “Ừm, khi đến Thục Trung thường xuyên nghỉ chân ở đây.”

Cái gì? Cô nam quả nữ!

Tiểu tướng sĩ nhịn đến đỏ bừng mặt, sâu sắc cảm thấy nhiệm vụ trọng đại, nếu không làm rõ việc này, không khéo trở về mình sẽ bị Hầu gia gọt thành một cái ống nhổ luôn.

Trường Canh thấy biểu cảm như bị sét đánh của gã, mới hiểu gã đang nghĩ gì, vội cười nói: “Nghĩ đi đâu vậy? Đây tuy là nhà Trần cô nương, nhưng nàng thường xuyên đi vắng, nhà toàn bỏ không, các bằng hữu giang hồ ai vừa vặn đến đây thì ở vài ngày. Nếu tình cờ gặp nàng ở nhà, nữ thì ở lại, nam thì tự đi tìm chỗ khác – lần này vốn định dẫn ngươi đến ở nhờ vài hôm, nhưng nàng đã về, thì hai ta nên đi tìm khách điếm thôi.”

Tim tiểu tướng sĩ trước tiên thả xuống phân nửa, nghĩ: “À.”

Song phân nửa này còn chưa thả xong, lại nhanh chóng treo lên, tiểu tướng sĩ xót xa nghĩ thầm: “Đường đường tứ điện hạ, mà một chút tiền ở trọ cũng phải tiết kiệm.”

Lại nhìn áo bào rách rưới của Trường Canh, tiểu tướng sĩ buột miệng nói: “Đại… chủ nhân nếu biết thiếu gia ở bên ngoài sống như thế, trong lòng chắc sẽ khó chịu lắm.”

Gã không giỏi ăn nói, có phần giỏi hành động kém miệng lưỡi, bởi vậy thỉnh thoảng nói một câu như thế, tạo cảm giác đặc biệt chân thành.

Trường Canh sững lại, nhất thời không thể tiếp lời.

Chính lúc này, Trần Khinh Nhứ lấy thuốc xong, dẫn phụ nhân kia ra, liếc sắc mặt Trường Canh một cái, nhíu mày nói: “Bình tâm tĩnh khí, ta đã nói gì với ngươi?”

Trường Canh định thần lại, hơi cười khổ.

Trần Khinh Nhứ là nửa lão sư của y, lời này không sai.

Hai năm trước Ô Nhĩ Cốt phát tác, bị sư phụ bắt gặp, bí mật nặng nề chỉ có trời đất và bản thân y biết rốt cuộc có một lối ra khác, sư phụ nói mình không rành về y lý, dẫn y lặn lội khắp nơi, cuối cùng tìm được Trần Khinh Nhứ ở Đông Đô. Chỉ tiếc Ô Nhĩ Cốt là bí mật bất truyền của vu nữ Bắc man, Trần thần y kiến thức rộng rãi nhất thời cũng không có manh mối, đành phải vừa kê cho y ít thuốc bình tâm tĩnh khí, vừa chậm rãi nghiên cứu.

Trong lúc này, Trường Canh từng tìm nàng thăm dò chuyện Cố Quân, vòng vo hỏi: “Trần cô nương, trên thế giới liệu có một loại người, tai và mắt khi linh khi không?”

Trần Khinh Nhứ dĩ nhiên biết ý của y, nhưng không tiện lắm miệng, vì thế chỉ đơn giản trả lời: “Có.”

Trường Canh lại hỏi: “Thế tai mắt mất linh kiểu nào thì có thể dùng thuốc giảm bớt?”

Trần Khinh Nhứ đáp: “Trời sinh thì không được, tầm nhìn ảnh hưởng do lớn lên bị thương tạo thành thì tùy tình huống mà định, trúng độc có lẽ có thể.”

Nàng cho rằng Trường Canh vòng vo như vậy, kế tiếp sẽ hỏi thẳng chuyện Cố Quân, nhưng y không hề, nàng phát hiện hình như mình đã xem nhẹ sự thông minh nhạy bén của thiếu niên này.

Trường Canh nghe thế chỉ im lặng hồi lâu, sau cùng khẩn cầu nàng nhận mình làm đồ đệ.

Trần gia nhiều đời xuất thần y, vừa chú trọng vừa không chú trọng, gia huấn chỉ có bốn chữ “hành y tế thế”, ai mà như những “thần y” tính tình cổ quái trong thoại bản, chỉ nhận nghi nan tạp chứng, “khán bệnh hạ điệp(1)”, tất bị trục xuất khỏi gia môn, trọng thương trọng bệnh, kì độc tuyệt chứng nàng chữa, trẻ con phong hàn, phụ nhân khó sinh tìm đến, nàng cũng vui vẻ tiếp nhận, với sở học bình sinh đương nhiên cũng không chổi cùn tự quý, không có quy củ “gia học không thể truyền cho người ngoài”, có người cầu nàng sẽ dạy, chỉ là Trần cô nương nói mình cũng chưa tính là xuất sư, không dám danh chính ngôn thuận nhận đồ đệ, cho nên chỉ có thể tính là nửa sư phụ thôi.

Trần gia ở phủ Thái Nguyên, đến mùa thu đông Trần Khinh Nhứ thường không ở phương Nam, Trường Canh đoán nàng lúc này còn ở Thục Trung, nhất định là có việc, liền lấy túi tiền cất trong ngực đưa cho tiểu tướng sĩ Huyền Thiết doanh kia, phái gã thuê xe đưa lão nhân và phụ nhân về.

Tiểu tướng sĩ đâu chịu nhận tiền của tứ điện hạ nghèo rớt mồng tơi, vội vàng từ chối, hấp tấp chạy đi.

Chờ những người không liên quan này đi hết rồi, Trần Khinh Nhứ mới lấy một cái túi ra: “Gặp ngươi khéo quá, đây là an thần tán ta mới điều chế, ngươi mang về dùng thử xem.”

Trường Canh cảm ơn, nhận thuốc cất đi, lấy một ít nhét vào hà bao của mình.

Trần Khinh Nhứ vô tình liếc thấy hà bao kia, mắt sáng rỡ, chỉ thấy bên trên không thêu mấy cái như “uyên ương nghịch nước”, “hồ điệp song phi” rối mắt, trong bằng lụa sạch sẽ, ngoài bao một lớp da mềm được mài cực mỏng, trên da dùng dao khắc một vòng hoa văn nhỏ, như là thiết oản khấu, cơ quan nối kết, mũi còn lộ ra một bên lưỡi đao, cơ hồ muốn bay ra, cực kỳ tinh xảo.

Trần Khinh Nhứ thuận miệng khen một câu: “Hà bao ở đâu ra vậy? Trông thật độc đáo.”

Trường Canh: “Tự làm đấy, cô có muốn không?”

Trần Khinh Nhứ: “…”

Dù là Trần thần y trong thiên quân vạn mã bình tĩnh như thường, lúc này cũng không khỏi lộ ra một chút kinh hãi.

“Rất chắc đấy,” Trường Canh giới thiệu, “Đúng rồi, vẫn chưa hỏi cô, Trung thu qua rồi, mà sao cô còn ở Thục Trung?”

“An Định hầu về Nam đi ngang qua Thục Trung, hẹn ta ở đây,” Trần Khinh Nhứ hỏi ngược lại, “Sao thế, ngươi không biết à?”

Trường Canh: “…”

Phong thủy luân lưu chuyển, lần này người kinh hãi đã thay đổi.

Một lúc lâu, Trường Canh mới nhờ dư hương an thần tán, khó khăn tìm lại giọng nói: “Không, không biết, nghĩa phụ ta… y về Nam làm gì?”

Trần Khinh Nhứ lấy làm lạ nói: “An Định hầu rời khỏi Tây Bắc đương nhiên là có quân vụ, ta chẳng qua nhờ bóng tổ tiên mà nói chuyện với y vài câu thôi, y muốn làm gì cũng không nói với ta đâu.”

Trường Canh: “Nhưng vừa rồi vị tiểu huynh đệ Huyền Thiết doanh kia bảo là, cuối năm y sẽ về kinh…”

Trần Khinh Nhứ nghe thế càng không hiểu: “Giờ còn chưa tới Trùng dương, Hầu gia cuối năm có về kinh hay không, có liên quan đến y hiện tại ở nơi nào à?”

Trường Canh: “…”

Y im lặng giây lát, rốt cuộc không nhịn được bật cười, đại khái chỉ có y mong cực kỳ cũng sợ cực kỳ như vậy, mới không coi ba bốn tháng là gì.

“Ta còn cho là ngươi biết việc này nên mới đến, hóa ra chỉ là đúng dịp đi qua,” Trần Khinh Nhứ nói, “Trên thư y nói ước chừng chính là mấy hôm nay, nếu ngươi không vội đi, chi bằng ở lại chờ y luôn.”

Trường Canh lơ đãng đáp một tiếng, mạch suy nghĩ sớm đã bay đi ngàn dặm.

“Trường Canh, Trường Canh!” Trần Khinh Nhứ quát khẽ một tiếng vào tai y, Trường Canh chợt định thần lại.

Trần Khinh Nhứ nghiêm mặt nói: “Ta từng nói với ngươi, nếu không phải giải dược, phương thuốc an thần hơn chung quy cũng chỉ là phụ trợ, Ô Nhĩ Cốt tối kị tâm thần không yên, mỗi một đoạn suy nghĩ lan man trong lòng ngươi đều là chất dinh dưỡng cho mầm độc, hôm nay chỉ một lúc, mà ngươi đã thất thần hai lần, rốt cuộc là có chuyện gì?”

Trường Canh nói “Hổ thẹn”, thần sắc thản nhiên hạ mắt xuống, không muốn nhiều lời, một cách tự nhiên mà dời đề tài lên phương thuốc mình vừa kê.

Thiết nghĩ nàng hành y thiên hạ, đao đâm kiếm chém trên nhục thể, bệnh nặng lâu ngày đã chữa nhiều vô kể, nhưng cũng không biết nên trị liệu lòng một người như thế nào đâu nhỉ?

Không bao lâu, tiểu tướng sĩ Huyền Thiết doanh đưa người về nhà vội vã chạy về, thấy Trường Canh không bỏ mình lại mất tích lần nữa, lập tức thở phào nhẹ nhõm.

Trường Canh mượn mấy quyển “Dược kinh”, cáo từ Trần Khinh Nhứ, dẫn tiểu tướng sĩ vào một khách điếm trong trấn lân cận nghỉ trọ.

Đất Thục côn trùng mùa thu càn rỡ, đêm khuya vắng vẻ càng ồn ào hơn, Trường Canh để an thần tán mới phối chế bên gối, cảm thấy thuốc mới của Trần cô nương thật sự chẳng ra làm sao, chẳng những không an thần, ngược lại rất tỉnh thần, khiến y nửa đêm không ngủ được, đành phải bò dậy chong đèn đọc sách, thắp hết một bát dầu, ba quyển “Dược kinh” đọc hết hai rưỡi, mới đến hừng đông, vẫn chưa buồn ngủ chút nào.

Trong ngực y giống như tự dưng có thêm một cái hộp vàng, bốc khói trắng mà đốt tử lưu kim vĩnh viễn không thấy đáy.

Vô luận Trường Canh nhủ thầm mấy vạn lần “bình tâm tĩnh khí”, lấy tâm thái bình thường đối đãi Cố Quân chẳng mấy chốc sẽ đến, thậm chí cố hết sức không suy nghĩ chuyện này như thế nào – sự sốt ruột và nôn nóng vẫn thành đôi cuốn lấy xương cốt y, mỗi thời mỗi khắc đều cầm dây mây đầy gai nhọn quất vào tim y, lúc đau lúc tê, lừa mình dối người cũng không hữu dụng.

Sáng sớm hôm sau, Trường Canh liền gọi vị tiểu tướng sĩ Huyền Thiết doanh kia lại: “Tiểu huynh đệ, các ngươi nếu muốn qua Thục Trung về Nam đến Nam Cương, thường đi như thế nào?”

Tiểu tướng sĩ trả lời: “Công vụ đương nhiên đi quan đạo, việc khác có thể phải tùy nghi hành sự, không nói chắc được, từ khe suối bò vào cũng có khả năng.”

Trường Canh im lặng gật đầu.

Không bao lâu, tiểu tướng sĩ kinh ngạc phát hiện, Trường Canh lại cởi tấm áo bào rách rưới mặc khi hành tẩu giang hồ, thay quần áo mới, dù không hoa quý lắm, nhưng rất cầu kỳ, cũng mơ hồ có thể nhìn ra không phú thì quý.

Trường Canh lắc mình biến hóa, từ thư sinh nghèo biến thành giai công tử chính cống, đến cả chưởng quầy khách điếm nói chuyện với y cũng không tự chủ được khá cung kính.

Y cứ thế ăn mặc kiểu thiếu gia, mỗi ngày dắt ngựa đi rong trên quan đạo, chẳng biết là chờ người hay triển lãm.

Quần áo thiếu gia không khỏi bẩn, sau một ngày đường phố náo động, buổi tối trở về phải dính một lớp bụi, Trường Canh không chịu làm phiền người khác, đều tự mình giặt giũ sạch sẽ – y không thể không giặt, bởi vì “đồ thiếu gia” mang theo chỉ có hai bộ, không chịu khó thì không kịp để tắm rửa.

Mỗi ngày chớp mắt khi lên ngựa, Trường Canh đều nghĩ: “Hay là mình đi thôi.”

Hơn bốn năm không gặp Cố Quân, tư niệm ngày qua ngày chất thành núi, y nhìn ngọn núi ấy không khỏi lo lắng hãi hùng, sợ gió nhẹ thổi qua là nó sẽ đổ rầm xuống.

Y vừa muốn chạy vừa không nỡ chạy, dọc đường ở trong lòng đánh nhau với chính mình, còn chưa đánh xong thì đã đến quan đạo. Trường Canh đành phải “kí lai chi tắc an chi”(2), cả ngày đi loanh quanh hít gió cát, thông thường ngay cả con thỏ cũng chẳng đợi được, buổi tối lúc về, y liền nghĩ: “Sáng mai mình tính tiền rồi chạy lấy người thôi.”

Song sáng hôm sau lại nuốt lời, vẫn đi đến ven quan đạo.

Điên rồ như vậy bốn năm ngày, chạng vạng Trường Canh quay đầu ngựa về khách điếm, thấy phương Tây tà dương rực như máu, trông rất đẹp mắt, không khỏi chậm lại, để ngựa vừa đi vừa ăn cỏ, thong thả hồi tưởng những việc đã làm mấy ngày qua, dở khóc dở cười nghĩ bụng: “Việc này nếu như bị Liễu Nhiên biết, chắc khiến hắn cười thành cao tăng không răng luôn quá.”

Đúng lúc này, Trường Canh bỗng nghe thấy phía sau vọng đến tiếng vó ngựa, tựa hồ có đội xe ngựa đi qua, y quay đầu ngựa lui sang bên nhường đường, vô thức ngoảnh lại, thấy mấy thớt ngựa tốt cao to chớp mắt liền lao tới, phía sau còn kéo một cỗ xe ngựa.

Nhìn từ xa, những kỵ sĩ đó đều vận thường phục, không hề khác biệt với các lữ nhân đi vội khác, nhưng tim Trường Canh chẳng biết vì cớ gì mà bắt đầu đập như điên.

Bắt nguồn từ câu khán nhân hạ thái điệp, xem người mà bưng thức ăn, phân biệt đối xử.

Xuất xứ từ Luận ngữ – Quý thị, nghĩa là đã đến rồi thì cứ để nó yên.
Chương trước Chương tiếp
Loading...