Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 8



Thưởng cúc

Gần Tết Trùng Cửu, thời tiết đột nhiên nóng lên.1

[1] 9/9 ÂL.

Nha hoàn mở một chiếc ô lá sen bồi giấy vàng, đón Đường phu nhân từ xe ngựa xuống. Đôi chủ tớ cùng nhau vào cửa hàng châu báu. Cửa hàng này là cơ nghiệp tổ tiên Đường gia truyền lại, nằm ở lối vào phía Đông của Toái Cẩm nhai. Qua cầu Thố Phường, đi khoảng hơn mười mét về phía Tây có một con hẻm tên là Thâm Viện, được đặt tên dựa trên mấy câu từ “Đình viện sâu sâu sâu biết mấy? Dương liễu chồng khói. Trướng rèm đếm không xuể2”. Ngay đầu hẻm là cửa hàng châu báu này.

Trong hẻm Thâm Viện có bảy tám cửa hàng nào là châu báu, nào là váy áo phấn son, bày bán suốt một dọc hẻm nhỏ.

Đường phu nhân không đến mua châu ngọc. Sắp đến Tết Trùng Cửu, bà tới cửa hàng để kiểm tra sổ sách. Công việc tốn khoảng một canh giờ, bà chốt sổ mùa hè với các quản lý của cửa hàng xong hẵng còn khá sớm, chưa đến buổi trưa.

Hai người rời khỏi cửa hàng, người hầu gái giương ô lên, nói: “Phu nhân, mình về thôi ạ.”

Đường phu nhân gật đầu. Ra cửa, bà nhìn dòng người tấp nhập giữa phố phường Toái Cẩm nhai. Sắp đến Tết Trùng Cửu, rất nhiều cô gái trẻ gài hoa bên tóc mai. Đường phu nhân bỗng nổi hứng đi dạo phố, bèn bảo nha hoàn: “Lâu rồi không đến Toái Cẩm nhai, chúng ta hãy đi ngắm nghía xung quanh một chút.”

Nha hoàn gật đầu thưa vâng.

Dân phong Đại Tống khá cởi mở, các cô gái ăn mặc không diêm dúa cầu kì nhưng vẫn xinh tươi phơi phới. Trên phố Toái Cẩm có khá nhiều thiếu nữ đi lại ngược xuôi, Đường phu nhân ở đầu Đông cầu Thố Phường ngắm nghía, chợt thấy xa xa có một nơi người đông nghịt, không rõ là có chuyện gì.

“Đằng kia có gì thế?”

Nha hoàn nhìn ngó, thưa: “Hình như là sạp bán quà sáng ạ. Giờ cũng sắp đến trưa, chắc bọn họ chuẩn bị dọn hàng rồi.”

Đường phu nhân nói: “Chỗ đó đông người quá, ta chưa bao giờ thấy nhiều người tụ tập như vậy.”

Nha hoàn đến tận nơi xem xét, lúc thấy rõ sự tình thì sửng sốt, quay về bẩm báo: “Thưa phu nhân, con nhìn thấy thiếu gia.”

Đường phu nhân ngạc nhiên: “Thiếu gia ư? Thiếu gia nhà nào?”

Nha hoàn: “Là Đường thiếu gia, Đường Thận từ thôn Triệu gia ạ. Tiểu thư cũng ở đó nữa.”

“Hai đứa chúng nó ăn sáng ở đó hả?”

Nha hoàn ấp úng: “Hình như… hình như họ là người mở sạp!”

“Bánh nóng hổi vừa thổi vừa ăn đây!” Tiếng rao vang rền giữa đám đông, kèm theo hương thơm ngào ngạt.

Đứng sau xe hàng nhỏ bằng gỗ, một thiếu niên dáng người cao ráo, gầy gò đang vung vẩy chiếc muôi lớn. Chiếc muôi lướt trên bề mặt chảo sắt, cậu chàng đều tay rót xuống thứ bột sệt. Thêm một cái lắc tay, bột thừa trong muôi lại rót về thùng bột. Chiếc muôi sắt lớn dàn đều hỗn hợp bột ngũ cốc thành một lớp bánh hình tròn. Lửa than bập bùng dưới mặt chảo, bột bánh được chiên nóng phồng lên những bóng khí nhỏ. Chiếc muôi lớn sẽ ấn xuống những bóng khí đó làm chúng nổ lép bép, dậy lên mùi thơm ngọt bùi của bột mì.

Quết một muôi tương ngọt, rải một lớp dưa muối, rau tề thái muối, rau thơm, hành thơm. Đường Thận mở nắp cái lọ gốm nhỏ, múc sốt thịt băm từ bên trong. Sốt thịt này được Diêu đại nương chế biến từ tối hôm qua, trong sốt trộn xì dầu, tương ớt và dầu vừng. Khi bánh rán đến độ “xèo xèo” là lúc phủ sốt thịt lên, hương thịt băm quyện với mùi tương đậm đà sẽ thơm lừng cả con phố.

Đường Thận nhanh tay dùng xẻng sắt nhỏ vén bốn góc miếng bánh, cuộn lại mấy vòng thành cuộn dài, thế là hoàn thành chiếc bánh chiên.

Diêu Tam lại cất tiếng rao: “Bánh nóng hổi vừa thổi vừa ăn đây!”

Đường Thận đưa bánh cho khách, cười nói: “Cẩn thận nóng.”

“Cảm ơn Đường tiểu lão bản.”

Thủ thuật marketing xếp hàng Đường Thận chỉ lặp lại trong hai ngày. Khi sạp quà sáng bánh chiên ngũ cốc đã có chút tiếng ở Toái Cẩm nhai rồi thì cậu không thuê người xếp hàng nữa. Tuy nhiên, cậu vẫn duy trì chiến thuật “đói bụng”, nhưng số lượng giới hạn đã tăng từ một trăm lên hai trăm chiếc bánh mỗi ngày.

Mỗi sáng sớm, Diêu Tam và Diêu đại nương sẽ đẩy xe đi bán bánh trước. Diêu Tam đã học được tay nghề rán bánh của Đường Thận, mẻ bánh một trăm chiếc đầu tiên trong ngày sẽ do anh đảm nhiệm. Sau đó khi Đường Thận và Đường Hoàng ngủ dậy, Đường Thận sẽ đến Toái Cẩm nhai bán tiếp một trăm cái sau.

Hai trăm suất bánh một ngày đã là số lượng tối đa bọn họ có thể bán được, muốn bán nhiều hơn cũng không có sức mà kham.

Bán hết hai trăm suất, Đường Thận nắn bóp hai cổ tay mỏi nhừ. Diêu Tam và Diêu đại nương bắt đầu dọn dẹp. Có bóng người đi đến trước sạp, Đường Thận không buồn ngẩng lên, vừa luôn tay thu gom đồ đạc vừa nói: “Hết hàng rồi, mai đến sớm nhé.”

Số người đến mua bánh chiên hàng ngày rất đông, hai trăm suất chẳng bõ bèn gì so với nhu cầu nên Đường Thận cho rằng đây chỉ là một thực khách xếp hàng muộn.

Không ngờ giây lát sau, người nọ cất tiếng hỏi: “Xin hỏi…cháu có phải Đường Thận ở thôn Triệu gia không?”

Đường Thận ngẩng đầu lên ngay. Cậu thấy một người phụ nữ đứng tuổi phục sức gấm lụa đang chăm chú nhìn mình, trên cổ tay bà đeo chiếc vòng phỉ thúy xanh biếc, đôi khuyên tai thậm chí còn là phỉ thúy thượng hạng với sắc xanh đế vương3, trông đã toát lên vẻ giàu sang. Đường Thận thoạt tiên không nhận ra bà là ai, đến khi nhìn thấy nha hoàn theo hầu sau lưng, cậu mới nghĩ ra: “Đường phu nhân?”

[3] Xanh đế vương là màu hiếm và quý nhất trong các loại phỉ thúy.

Đường phu nhân cười nói: “Ta là đại bá mẫu của cháu đây, cháu gọi bá mẫu là được rồi.”

Đường Thận nói: “Đại bá mẫu hôm nay đến Toái Cẩm nhai có việc ạ?”

Từ lần được tặng rương đồ đến nay, người hai nhà không chạm mặt nhau lần nào nữa. Đường Thận không đoán được mục đích tặng quà của Đường phu nhân nên cậu không hành động bộp chộp, cũng không quay lại Đường phủ bàn chuyện tách nhà ở riêng. Đường phu nhân cũng không xuất hiện lại.

Hôm nay phu nhân tới đây, Đường Thận không nghĩ rằng bà cố ý tìm gặp mình. Nếu muốn thật, bà đã đến tận nhà cậu rồi chứ chẳng đứng giữa đường thế này.

Đường phu nhân nhìn dáng vẻ gầy gò của Đường Thận, đôi mày khẽ chau.

Đường Thận mười ba tuổi, hẵng còn là tuổi tóc để chỏm. Đường phu nhân chưa từng gặp Đường Thận, nhưng so với đứa con trai cùng tuổi do người thiếp của Đường cử nhân sinh ra thì Đường Thận quá là ốm yếu, cảm tưởng một trận gió cũng có thể thổi bay.

Đường Thận nếu biết đọc suy nghĩ, nhất định sẽ kêu oan quá: Từ khi xuyên không đến giờ cậu đã cải thiện bữa ăn cho hai anh em bao nhiêu rồi đấy. Trong nhà dư giả, làm gì có chuyện ăn uống tằn tiện bao giờ? Nhất là gần đây chuyển đến phủ Cô Tô, hai anh em tha hồ đánh chén phủ phê. Đường Thận xuyên vào trúng thôn Triệu gia hẻo lánh chỉ có rau dưa đạm bạc, nỗ lực lắm mới tới được Cô Tô, đương nhiên phải hưởng thụ hết mình.

Ai ngờ, người ta ăn thì tăng bề ngang, cậu ăn thì tăng hết vào chiều dọc, tự dưng cao vống lên cả một cái đầu.

Thành thử, đến Diêu đại nương cũng phải xuýt xoa: “Tiểu đông gia cao quá, chưa gì đã lớn tướng rồi!”

Thời xưa khi chế độ dinh dưỡng còn hạn chế, mười bảy mười tám tuổi dậy thì mới là chuyện bình thường, thậm chí mọi người còn không thích phát triển sớm. Đường Thận mười ba tuổi đã bắt đầu trổ mã, chẳng phải là dậy thì quá sớm sao?

Cao lên hẳn một cái đầu mà thịt trên người không tăng theo kịp thì trông gầy là phải.

Đường phu nhân hỏi: “Các cháu mỗi ngày đều bán quà sáng ở Toái Cẩm nhai đó hả?”

Đường Hoàng lần đầu tiên gặp trưởng bối tử tế như thế này, hiếu kì núp sau lưng Đường Thận nhìn trộm Đường phu nhân. Đường phu nhân không phải trang tuyệt sắc giai nhân, nhưng tướng mạo bà đoan chính, cử chỉ dịu dàng, bộc lộ rõ cốt cách của một tiểu thư khuê các sinh ra và lớn lên trong gia đình thư hương. Đường Hoàng trả lời bà: “Vâng, mỗi ngày chúng cháu đều bán bánh chiên. Diêu đại ca và Diêu đại nương tới trước, cháu và anh ngủ dậy thì ra đây giúp một tay.”

Đường phu nhân nhớ lại hàng người đông đúc khi nãy, khen: “Sạp các cháu cũng đắt khách ghê!” Bà không nhiều lời, chỉ cười với Đường Thận: “Bá mẫu nhớ lần cuối gặp cháu là chín năm trước, hồi đó cháu mới bé bằng ngần này.” Phu nhân lấy tay áng chiều cao của Đường Thận, “Giờ gặp lại cháu đã thành thiếu niên. Thế cháu đã đi học chưa?”

Đường Thận thong thả đáp: “Lúc cha còn sống, cháu có đi học ở trường trong thôn ạ.”

“Đường gia nhà mình có lớp học riêng, hai anh của cháu đều theo học ở đó, ngoài ra còn có các anh họ em họ, cùng với trẻ con vài nhà xung quanh. Nếu cháu muốn có thể đi học cùng với các anh. Bọn chúng nó đi học quen quá rồi cũng thấy nhàm, mấy bữa trước nghe nói có em trai từ thôn Triệu gia mới đến Cô Tô, cứ mè nheo đòi cháu đến học cùng. Nếu cháu đến học, ba đứa có thể bầu bạn với nhau luôn.”

Nha hoàn nhìn xuống đất, nghĩ bụng: Hai tiểu thiếu gia còn chẳng biết Đường Thận là ai kia mà!

Đường Thận cười nói: “Đa tạ ý tốt của bá mẫu, để dịp nào thuận tiện cháu sẽ đến Đường phủ thăm bá mẫu ạ.”

Đường phu nhân gật đầu cười: “Được, ta chờ cháu.”

Đường phu nhân và nha hoàn ra về. Đường Thận nhìn theo đăm chiêu.

Đường Hoàng thở phào: “Đại bá mẫu thật là tốt bụng, nói chuyện cũng dịu dàng nữa. Em còn tưởng bà ấy sẽ coi thường chúng mình giống Đường cử nhân, không thèm đếm xỉa đến bọn mình. Anh, đại bá mẫu nói muốn cho anh đi học, anh có đi không kìa?” Cô bé mở to mắt, nhìn Đường Thận đầy mong mỏi. “Nếu anh đến đó, có thể học chung với hai anh nhà Đường cử nhân đấy, họ cũng muốn anh đến học cùng đó!”

“Muốn anh đến ư?” Đường Thận suýt nữa thì cười phá lên.

Đường Hoàng: “?”

“Đại bá mẫu là người tế nhị nên nói khách sáo thế thôi. Được rồi, chuyện học hành anh tự có tính toán, về nhà nào.”

Bốn người vừa về tới nhà đã thấy có người chờ ở cổng.

Đường Thận thấy người ta thì vội vàng đến chào hỏi.

Lương quản gia khom người chào, đưa một tấm thiệp cho Đường Thận: “Đường tiểu công tử, đại nhân nhà ta đã trở về từ Kim Lăng. Đây là thiệp mời, đại nhân nhắn công tử đến lúc ghi trong thiệp thì ghé phủ hàn huyên với ngài.” Dứt lời, ông ta nhanh chóng ra về.

Đường Thận mở thiệp mời ra xem.

Ngạc nhiên thay, tấm thiệp thêu chỉ vàng chỉ đề một bài thơ bốn câu viết bằng chữ Khải trâm hoa. Đường Thận đọc lên:

“Thiên tình nhật nguyệt định

Quả hương nghênh phong tiến

Nhập thất ngưỡng chí cực

Bả tửu đông song cúc.”

Đây là câu đố dạng thơ à?4

[4]Chém: Trời cho ngày đẹp mây lành, gió đưa hương quả ngọt lành mê tơi. Mến mời, bạn có ghé chơi? Cúc vàng song cửa, ta thời nâng li

Đường Thận nhíu mày, cẩn thận suy nghĩ.

Nghĩ một hồi nghĩ đến tận trưa.

Diêu đại nương bưng mâm cơm từ bếp ra, bốn người ngồi ngoài sân ăn trưa. Đường Thận tay trái cầm thiệp mời, tay phải cầm đũa, vừa gắp một miếng rau lên đã lại nhìn đăm đăm vào tấm thiệp, đặt đũa xuống. Hai ba lần như thế, Đường Hoàng sốt ruột bảo: “Kìa anh, anh xem cái gì mà say sưa thế? Ăn cơm đi đã.”

Đường Thận ngẩng đầu nhìn em gái, ánh mắt cậu chợt dừng ở bông hoa vàng cô bé gài bên thái dương.

Bị nhìn chằm chằm một lúc lâu, cô bé đỏ bừng mặt, giựt bông cúc xuống: “Thôi đi! Em thấy mọi người đều cài hoa nên mới cài theo. Ôi, đừng nhìn nữa, đồ xấu bụng!” Yêu cái đẹp là bản tính của con người, Đường Hoàng cho là Đường Thận muốn chọc ghẹo mình vì làm đỏm, ngượng đến phát cáu luôn.

Đường Thận giật mình hỏi: “Hoa cúc à? Diêu đại ca này, sắp đến Tết Trùng Cửu rồi phải không?”

Diêu Tam đáp: “Đúng vậy, ba hôm nữa là đến Trùng Cửu rồi, tiểu đông gia không biết à?”

Lịch thời xưa Đường Thận chẳng bao giờ nắm chắc, từ khi đến Cô Tô lại miệt mài lo kiếm tiền nữa, có chú tâm tới ngày tháng bao giờ.

Cậu cười nói: “Đãi đáo trùng cửu nhật, hoàn lai tựu cúc hoa.” [5]

[5] Hẹn nhau đến ngày Trùng CửuSẽ trở lại nơi này để ngắm hoa cúc. – trích bài thơ “Qua nhà bạn cũ” của thi sĩ Mạnh Hạo Nhiên thời Đường

Ba ngày sau, Tết Trùng Cửu, buổi trưa.

Lương quản gia mở cửa, nghênh đón Đường Thận vào Lương phủ. Ông cười nói: “Đường tiểu công tử, đại nhân vừa tự hỏi liệu công tử có biết phải đến hôm nay không, không ngờ công tử đã tới đây rồi.”

Xuyên qua hai cánh cửa hông, băng qua một hành lang lộng gió, ở ngôi đình có mái cong vút bên cạnh hồ sen, Lương đại nho ngồi quay lưng về phía Đường Thận, tự châm trà, phóng tầm mắt thưởng thức cảnh hồ sen động lòng người. Đường Thận tới gần mới thấy, hoa trong hồ đã tàn từ lâu, chỉ còn lại đôi ba cành khô lá úa, nhưng Lương đại nho vẫn ngắm nhìn say sưa, vừa nhâm nhi trà, vừa thưởng thức hoa.

Đường Thận chắp tay thi lễ: “Tiên sinh, tiểu tử đến bái phỏng.”

Cậu gọi “tiên sinh” chứ không gọi “đại nhân”, tức là tự đặt mình vào vị trí vãn bối trước một người trưởng bối, coi mình như một nho sinh đang ngước nhìn bậc đại nho được cả thiên hạ tôn sùng thay vì một thường dân cúi đầu trước mệnh quan triều đình.

Lương đại nho mỉm cười, ông ngẩng lên nhìn Đường Thận. Đôi mắt thâm thúy, ôn hòa của ông lướt qua rồi dừng lại trên đỉnh đầu cậu.

Lương Tụng nói: “Mấy tháng không gặp, cao lên nhiều quá. Ngồi đi.”

Đường Thận cung kính ngồi xuống.

Cậu hỏi: “Tiên sinh đang ngắm hoa ạ?”

Lương Tụng đáp: “Ồ? Ngươi nhìn quanh viện mà xem, có còn đóa hoa nào đâu.”

“Tiên sinh nói, “nhập thất ngưỡng chí cực, bả tửu đông song cúc”, chẳng phải là muốn tiểu tử đến ngắm hoa cúc cùng vào dịp Tết Trùng Cửu sao?”
Chương trước Chương tiếp
Loading...