Suối Nguồn (The Fountainhead)
Chương 13 Part 1
Vào một ngày tháng Mười, khi biệt thự Heller gần hoàn thành, một người đàn ông trẻ, gầy, cao lêu nghêu trong bộ quần áo bảo hộ lao động bước ra từ một nhóm ít người đang đứng quan sát ngôi nhà từ phía đường. Anh ta tiến lại gần Roark. “Anh chính là người đã xây cái nhà thương điên này à? “anh ta hỏi khá rụt rè. “Nếu anh muốn nói căn nhà này, thì đúng,” Roark trả lời. “Ồ tôi xin anh thứ lỗi. Chỉ là vì mọi người xung quanh đây gọi nó như vậy. Chứ không phải tôi có ý gọi nó như thế đâu. Anh thấy đấy, tôi có một dự án xây dựng... thật ra thì không hẳn là một dự án, nhưng tôi đang chuẩn bị xây một trạm bán xăng của riêng tôi cách đây mười dặm, dưới đường Post. Tôi muốn nói chuyện với anh.” Lát sau, trên một cái ghế dài trước gara nơi anh làm việc, Jimmy Gowan giải thích một cách chi tiết. Anh nói thêm: “Và tôi tình cờ nghĩ đến anh, anh Roark ạ, vì tôi thích nó, căn nhà ngồ ngộ của anh ấy. Tôi không biết tại sao nhưng tôi thích nó. Tôi thấy nó hợp lý. Và rồi tôi lại nhận thấy mọi người há hốc miệng nhìn nó và bàn luận về nó; dĩ nhiên, đối với một ngôi nhà thì điều đó chẳng có lợi gì, nhưng đối với một cơ sở kinh doanh thì như thế lại tốt; cứ để cho họ cười khúc khích, nhưng hãy để họ bàn luận. Cho nên tôi đã nghĩ tôi sẽ mời anh xây nó, và khi đó mọi người sẽ bảo tôi là một gã khùng, nhưng ai mà thèm quan tâm? Tôi không hề quan tâm.” Jimmy Gowan đã làm việc như một con la trong mười lăm năm để tiết kiệm tiền cho công việc kinh doanh của riêng mình. Người ta tỏ ý phản đối kịch liệt vì sự lựa chọn kiến trúc sư của anh; Jimmy không đưa ra một lời giải thích hay biện minh nào; anh nói lịch sự: “Có thể như vậy, các vị, có thể như vậy,” và vẫn tiến hành thuê Roark xây trạm xăng của mình. Trạm xăng khai trương vào một ngày cuối tháng Mười hai. Nó nằm ở rìa đường Boston Post; hai kết cấu nhỏ bằng kính và bê tông tạo nên một hình bán nguyệt giữa những cái cây: văn phòng có hình trụ dài, nhà ăn có hình bầu dục bẹt, những máy bơm xăng đặt thành những trụ ở khoảng sân giữa văn phòng và nhà ăn. Nó là một công trình của những đường tròn; không hề có cạnh hay đường thẳng nào. Trông nó giống như những khối vật chất được đông cứng lại trong lúc đang chảy, được giữ bất động vào chính cái thời điểm chúng được đổ xuống, ở chính cái thời khắc mà chúng đang tạo nên một sự hài hòa – quá hoàn hảo đến nỗi không thể do người ta cố tình tạo ra. Trạm xăng trông như một chùm bong bóng treo thấp phía trên mặt đất, không thật sự chạm đất và có thể bị cuốn bay ngay lập tức bởi một cơn gió mạnh; trông nó vui vẻ – một sự vui vẻ tự tin và thoải mái do hiệu quả bố trí mang lại – giống như một động cơ máy bay mạnh vậy. Roark đã ở trạm xăng vào cái ngày nó được khai trương. Anh uống cà phê trong một cái cốc trắng sạch sẽ bên quầy của quán ăn, và anh quan sát những chiếc ô-tô dừng lại trước cửa. Anh rời trạm xăng khi trời đã khuya. Anh nhìn lại nó một lần trong lúc lái xe dọc con đường dài vắng vẻ. Ánh đèn của trạm xăng nhấp nháy, chạy xa dần anh. Trạm xăng đứng đó tại chỗ giao của hai con đường, và những chiếc xe hơi sẽ chảy qua nó ngày và đêm, những cái xe đến từ những thành phố nơi mà không có chỗ nào dành cho những kiến trúc như vậy, và sẽ đi tới những thành phố cũng không có những kiến trúc như thế này. Anh quay về phía con đường trước mặt, và giữ ắt mình không nhìn vào chiếc gương vẫn đang phản chiếu những đốm sáng lấp lánh nhẹ nhàng cứ lùi dần lại phía sau anh... Anh lại quay trở về với những tháng dài nhàn rỗi. Anh ngồi ở văn phòng mình mỗi sáng, bởi vì anh biết rằng mình phải ngồi ở đó, để nhìn cánh cửa không bao giờ mở, để những ngón tay lãng quên trên chiếc điện thoại không bao giờ rung chuông. Cái gạt tàn thuốc lá mà anh đổ hàng ngày khi anh rời văn phòng, không có gì ngoài những mẩu thuốc lá của chính anh. “Anh định thế nào về chuyện này, Howard?” Austen Heller hỏi anh trong một bữa ăn vào một buổi tối nọ. “Không gì cả.” “Nhưng anh phải làm gì chứ.” “Tôi chẳng thể làm gì.” “Anh phải học cách đối đãi mọi người.” “Tôi không thể.” “Tại sao chứ?” “Tôi không biết. Tôi sinh ra đã thiếu một giác quan nào đó.” “Cái đó người ta học dần dần.” “Người tôi không có bộ phận nào để chứa nó. Tôi không biết liệu có phải do tôi thiếu thứ gì đó; hay là một cái gì đó thừa ra đã luôn ngăn tôi lại. Ngoài ra, tôi không ưa những người lại cần người khác đối đãi.” “Nhưng bây giờ anh không thể cứ ngồi một chỗ và không làm gì cả. Anh phải theo đuổi các dự án thầu.” “Tôi có thể nói với người ta cái gì để nhận được các công trình? Tôi chỉ có thể chỉ cho họ thấy công trình của mình. Nếu như họ không nghe thấy cái đó, họ sẽ không nghe thấy bất kỳ cái gì tôi nói. Tôi chẳng là gì đối với họ, trừ công trình của tôi – công trình của tôi là tất cả những gì chúng tôi có chung. Và tôi không có mong muốn nói với họ về bất kỳ cái gì khác.” “Vậy anh định làm gì? Anh không lo lắng à?” “Không. Tôi đã biết trước rồi. Tôi đang chờ đợi.” “Chờ cái gì nào?” “Chờ kiểu người của tôi.” “Chờ kiểu người của tôi.” “Kiểu người nào đây?” “Tôi không biết. Thực ra, tôi biết nhưng tôi không thể nào giải thích được. Tôi thường ước là mình có thể làm được. Phải có một nguyên lý cơ bản nào đó bao trùm kiểu người đó nhưng tôi không biết đó là cái gì.” “Sự trung thực?” “Vâng... à không, chỉ một phần thôi. Guy Francon cũng là một người trung thực, nhưng kiểu người của tôi không phải như vậy. Can đảm ư? Ralston Ho be có sự can đảm theo theo cách riêng của ông ấy... Tôi không biết. Tôi không mù mờ về những thứ khác như thế này. Nhưng tôi có thể nói được kiểu người của tôi thông qua vẻ mặt họ. Nhờ một cái gì đó trên mặt họ. Sẽ có hàng nghìn người đi qua nhà ông và đi qua cái trạm xăng đó. Nếu như trong hàng nghìn người này, một người dừng lại và nhìn thấy – đấy là tất cả điều tôi cần.” “Thế thì rốt cuộc anh có cần những người khác, đúng không hả Roark?” “Tất nhiên rồi. Ông đang cười gì thế?” “Tôi luôn nghĩ rằng anh là nhân vật bài trừ xã hội nhất mà tôi từng có hân hạnh được gặp.” “Tôi cần người ta giao cho tôi công việc. Tôi không xây lăng tẩm. Ông có cho là tôi nên cần họ theo một cách nào đó khác? Theo một cách gần gũi hơn, riêng tư hơn?” “Anh chẳng cần bất kỳ ai theo cách riêng tư cả.” “Đúng vậy.” “Anh thậm chí không khoe khoang về điều này.” “Tôi nên ư?” “Anh không thể. Anh quá kiêu ngạo để khoe khoang.” “Đó là con người tôi sao?” “Anh không biết anh là người như thế nào sao?” “Không. Không theo kiểu mà ông hay người nào khác nhìn nhận tôi.” Heller ngồi lặng lẽ, cổ tay ông vẽ nên những vòng tròn với điếu thuốc lá. Sau đó Heller cười to, và nói: “Thật đúng kiểu của anh.” “Cái gì?” “Việc anh đã không hỏi tôi xem tôi nhìn nhận anh thế nào. Bất kỳ ai khác có lẽ cũng đã làm điều này.” “Tôi xin lỗi. Đó không phải là sự thờ ơ đâu. Ông là một trong số những người bạn ít ỏi mà tôi muốn giữ. Tôi chỉ không nghĩ đến việc hỏi.” “Tôi biết anh đã không nghĩ đến. Đó chính là vấn đề. Anh là một con quái vật tự ình là trung tâm, Howard ạ. Mà càng quái đản hơn vì anh hoàn toàn ngây thơ về điều đó.” “Điều đó đúng.” “Điều đó đúng.” “Anh nên tỏ ra quan tâm một chút khi anh thừa nhận điều đó.” “Tại sao?” “Anh biết không, có một điều tôi không hiểu. Anh là người lạnh lùng nhất mà tôi biết. Và tôi không hiểu lý do tại sao – mặc dù tôi biết anh thực sự là một người tai quái theo cái kiểu lặng lẽ của anh – tại sao tôi lại luôn có cảm giác, khi tôi nhìn thấy anh, rằng anh là người sống nhiệt tình nhất mà tôi từng gặp.” “Ý của ông là gì?” “Tôi không biết. Chỉ như thế thôi.” Hàng tuần lễ trôi qua, Roark đi bộ tới văn phòng của anh mỗi ngày, ngồi tám tiếng ở cái bàn của mình và đọc rất nhiều. Vào lúc năm giờ anh đi bộ về nhà. Anh đã chuyển tới một căn phòng tốt hơn ở gần văn phòng; anh chi tiêu rất ít; anh có đủ tiền ột quãng thời gian dài phía trước. Một buổi sáng tháng Hai chuông điện thoại trong văn phòng của anh rung lên. Một giọng nói phụ nữ dứt khoát và linh lợi yêu cầu một cuộc hẹn với kiến trúc sư Roark. Buổi chiều hôm đó, một phụ nữ nhỏ bé, nhanh nhẹn, có nước da sẫm màu bước vào văn phòng; bà mặc một cái áo khoác lông chồn và đeo những đôi khuyên tai kỳ lạ cứ kêu leng keng mỗi khi bà lắc mái đầu. Bà hay lúc lắc cái đầu, bằng những cái giật ngắn rõ nét như của loài chim. Bà là Wayne Wilmot ở Long Island và bà muốn xây một trang viên. Bà giải thích bà chọn Roark để xây nó vì anh đã thiết kế căn nhà cho ông Austen Heller. Bà ngưỡng mộ Austen Heller; bà nói ông là đấng tiên tri trong tất cả những người giả vờ – dù chỉ là một chút ít – sùng bái danh hiệu trí thức tiến bộ – “phải không anh?” – và bà làm theo Heller như một tín đồ, “đúng đấy, theo đúng nghĩa đen, giống như một tín đồ.” Cậu Roark rất trẻ, phải không? – nhưng bà không bận tâm về điều này, bà là một người tân tiến và bà vui mừng được giúp đỡ những người trẻ tuổi. Bà muốn có một ngôi nhà rộng, bà có hai con, bà tin tưởng vào việc để những đứa trẻ bộc lộ cá tính – “anh có tin không?” – và mỗi đứa có một phòng trẻ riêng, bà muốn có một thư viện – “Tôi đọc sách đến phát điên.” – một phòng nhạc, một nhà kính trồng cây – “chúng tôi trồng hoa lan chuông, bạn bè tôi bảo đó là loài hoa của tôi” – một phòng nhỏ làm việc riêng cho chồng bà, người tin tưởng bà hoàn toàn và để cho bà thiết kế căn nhà – “bởi vì tôi khá thành thạo việc này, nếu như tôi không phải là phụ nữ tôi cam đoan là tôi đã là một kiến trúc sư rồi” – các phòng cho những người giúp việc và những thứ tương tự, một garage cho ba xe ô-tô. Sau một tiếng rưỡi giải thích cặn kẽ, bà nói: “Và tất nhiên về mặt phong cách của ngôi nhà thì sẽ là phong cách Tudor[1] của Anh. Tôi mê kiến trúc Tudor của Anh.” Anh nhìn bà. Anh hỏi một cách chậm rãi: “Bà đã nhìn thấy ngôi nhà của ông Austen Heller chưa?” “Chưa, mặc dầu là tôi rất muốn nhìn thấy ngôi nhà, nhưng làm sao tôi có thể? – Tôi chưa bao giờ gặp ông Heller, tôi chỉ là một người hâm mộ ông ấy, chỉ vậy thôi, một người hâm mộ bình thường và đơn giản, ông ta là một người như thế nào về mặt cá nhân? – anh phải nói cho tôi, tôi khao khát được nghe điều này – không, tôi vẫn chưa nhìn thấy ngôi nhà của ông ấy, nó nằm ở đâu đó phía trên Maine phải không?” Roark lấy những tấm ảnh từ ngăn kéo bàn ra và đưa chúng cho bà. “Đây,” anh nói, “là ngôi nhà của Heller.” Bà nhìn những bức ảnh, cái nhìn lướt qua của bà giống như nước trượt qua bề mặt bóng loáng của những tấm ảnh vậy, và bà ném những bức ảnh xuống mặt bàn. “Rất thú vị,” bà nói. “Thật khác thường. Khá ngạc nhiên. Nhưng tất nhiên đó không phải là thứ tôi muốn. Một ngôi nhà như vậy sẽ không thể hiện được cá tính của tôi. Những người bạn của tôi nói với tôi rằng tôi có một cá tính kiểu Elizabeth.”[2] Lặng lẽ, kiên nhẫn, anh cố giải thích cho bà tại sao bà không nên xây một ngôi nhà theo kiến trúc Tudor. Bà ngắt lời anh ở giữa câu. “Xem này, anh Roark, anh không cố dạy bảo tôi điều gì, đúng không? Tôi khá chắc rằng mình có một thị hiếu tốt, và tôi biết rất nhiều về kiến trúc, tôi đã từng tham gia một khóa học đặc biệt ở câu lạc bộ. Những người bạn của tôi nói rằng tôi còn hiểu biết hơn nhiều kiến trúc sư khác. Tôi quyết định là tôi sẽ xây một ngôi nhà mang kiến trúc Tudor của Anh. Tôi không muốn tranh luận về vấn đề này.” “Bà sẽ phải đến chỗ một kiến trúc sư nào khác, bà Wilmot ạ.” Bà nhìn anh chằm chằm một cách hoài nghi. “Ý của anh là, anh đang từ chối công trình này?” “Vâng.” “Anh không muốn công trình của tôi?” “Không.” “Nhưng tại sao?” “Tôi không xây những thứ như thế.” “Tôi không xây những thứ như thế.” “Nhưng tôi cứ nghĩ là những kiến trúc sư thì...” “Vâng. Những kiến trúc sư sẽ xây bất cứ cái gì bà yêu cầu. Bất kỳ một kiến trúc sư nào khác trong thành phố sẽ làm thế.” “Nhưng tôi đã cho anh cơ hội đầu tiên.” “Bà làm ơn giúp tôi một việc! Bà có thể nói cho tôi biết vì sao bà gặp tôi nếu tất cả những gì bà muốn là một ngôi nhà kiểu Tudor?” “À, tôi đã nghĩ một cách chắc chắn là anh sẽ đánh giá cao cơ hội này. Và sau đó, tôi nghĩ tôi có thể nói với các bạn tôi là tôi đã thuê kiến trúc sư của Austen Heller.” Anh cố gắng giải thích và thuyết phục bà. Anh biết, trong khi anh nói, rằng điều này vô ích bởi vì những lời nói của anh như thể đạp vào chân không vậy. Không hề có bà Wayne Wilmot; chỉ có một lớp vỏ bao gồm những quan điểm của những người bạn của bà, những tấm bưu thiếp ảnh mà bà đã từng nhìn thấy, những tiểu thuyết về các điền trang nông thôn mà bà từng đọc; đấy chính là những thứ mà anh đang tiếp chuyện, thứ phi vật chất không thể nghe thấy anh nói, hay trả lời anh, điếc đặc và vô cảm như một miếng bông gòn vậy. “Tôi xin lỗi,” bà Wayne Wilmot nói, “nhưng tôi không quen làm việc với một người hoàn toàn không biết điều. Tôi chắc chắn mình sẽ tìm được khối người tài giỏi hơn vui vẻ làm việc ình. Chồng tôi đã phản đối ý định chọn anh thiết kế căn nhà, ngay từ đầu, và tôi rất tiếc nhận thấy là chồng tôi đã đúng. Chúc anh một ngày tốt lành, anh Roark.” Bà bước ra với một vẻ cao thượng, nhưng bà lại đóng sầm cánh cửa. Anh vứt những bức ảnh trở lại ngăn kéo bàn của mình. Ông Robert L. Mundy– người tới văn phòng của Roark vào tháng Ba – đã được Austin Heller gửi tới. Giọng nói và mái tóc của ông Mundy xám như thép, nhưng mắt ông lại màu xanh nước biển, dịu dàng và đăm chiêu. Ông muốn xây một căn nhà ở Connecticut, và ông nói về nó một cách rụt rè như một chú rể trẻ, như một người đàn ông đang sờ soạng tìm mục tiêu bí mật cuối cùng của mình. “Nó không chỉ đơn thuần là một ngôi nhà,” ông nói rụt rè, như thể ông đang nói chuyện với một người nhiều tuổi hơn và nổi tiếng hơn bản thân ông, “nó giống như... giống như là vật biểu tượng của tôi. Nó là một cái gì đó tôi đã chờ đợi và làm việc cho nó trong suốt những năm vừa qua. Đã quá nhiều năm trôi qua... Tôi phải kể với anh điều này để anh hiểu. Giờ đây, tôi có rất nhiều tiền, nhiều hơn mức tôi buồn nghĩ đến. Tôi không phải luôn có nhiều tiền như thế. Có thể điều này tới quá muộn. Tôi không biết. Những người trẻ tuổi nghĩ rằng anh sẽ quên những gì đã xảy ra trên con đường anh đi đến thành công. Nhưng không phải như vây. Một số điều vẫn lưu lại. Tôi sẽ luôn nhớ mình đã là một cậu bé sống như thế nào – ở một vùng nhỏ thuộc Georgia, vậy đó – và tôi chạy việc lặt vặt ột người làm yên ngựa như thế nào, và những đứa trẻ cười nhạo khi xe ngựa đi qua và làm bắn bùn lên cả cái quần của tôi. Chính từ lúc đó tôi quyết định rằng một ngày nào đó tôi sẽ có một ngôi nhà của chính mình, kiểu nhà mà các xe ngựa phải dừng trước nó. Sau đó, dù đôi khi có khó khăn đến thế nào đi chăng nữa, tôi luôn nghĩ về ngôi nhà đó và nó đã giúp tôi. Về sau, có nhiều năm tôi đã lo sợ về căn nhà – tôi lẽ ra đã có thể xây được nó nhưng tôi lo ngại. Và bây giờ thì thời khắc đó đã đến. Anh có hiểu không Roark? Austen nói rằng anh chính là người sẽ hiểu được.” “Vâng,” Roark hào hứng nói, “Tôi hiểu.” “Có một ngôi nhà lớn,” ông Mundy nói, “dưới đó, gần thị trấn quê tôi. Biệt thự lớn nhất toàn hạt này. Ngôi nhà Randolph. Một cái nhà đồn điền cũ, vì họ không còn xây chúng nữa. Trước đây thỉnh thoảng tôi mang đồ đến đó, theo lối cửa sau. Đó chính là ngôi nhà tôi muốn, anh Roark ạ. Giống như thế. Nhưng không phải ở Georgia. Tôi không muốn trở lại. Ngay đây, gần thành phố này. Tôi đã mua đất. Ông phải giúp tôi bài trí nó giống hệt như nhà Randolph. Chúng ta sẽ trồng cây và cả những khóm cỏ bụi, giống như loại ở Georgia, rồi cả hoa nữa, mọi thứ. Chúng ta sẽ tìm cách giúp chúng sinh trưởng được tại đây. Tôi không quan tâm việc sẽ mất bao nhiêu chi phí. Tất nhiên giờ chúng ta sẽ phải có đèn điện và gara ô-tô chứ không phải xe ngựa. Nhưng tôi muốn đèn điện phải được làm giống như nến và gara phải trông y như những chuồng ngựa. Mọi thứ đều phải giống như trước đây. Tôi có những tấm ảnh chụp ngôi nhà Randolph đây. Và tôi cũng đã mua một ít đồ đạc cũ của họ.” Khi Roark bắt đầu nói, Mundy lắng nghe với vẻ ngạc nhiên lịch sự. Nhưng ông không có vẻ gì tức giận trước những lời này. Những lời này chẳng lọt vào đầu ông. “Ông không thấy sao?” Roark nói. “Đó là một tượng đài ông muốn xây dựng nhưng không phải cho bản thân ông. Không phải cho cuộc sống của chính ông hay cho những thành tựu của riêng ông. Mà là cho những người khác. Cho ưu thế áp đảo của họ đối với ông. Ông không hề thách thức cái uy quyền này. Ông đang làm cho nó trở nên bất tử. Ông không vất bỏ nó mà ngược lại vẫn cõng nó theo mãi mãi. Chả lẽ ông sẽ hạnh phúc khi ông niêm phong mình, trong suốt quãng đời còn lại, vào trong một hình dáng vay mượn? Hay là ông sẽ vùng thoát ra, dù chỉ một lần thôi, và xây ình một ngôi nhà mới, của chính ông? Ông không hề muốn ngôi nhà Randolph. Ông muốn cái mà nó đại diện. Nhưng thứ mà nó đại diện cho lại chính chính là cái mà ông đã chống lại suốt cuộc đời.” Mundy lắng nghe một cách trống rỗng. Và Roark lại cảm thấy một sự bất lực trước cái-không-có-thực: không hề có cái người gọi là Mundy; chỉ có tàn tích của những người đã từng cư ngụ tại khu Randolph; và người ta không thể van nài hoặc thuyết phục những tàn tích được. Cuối cùng Mundy lên tiếng: “Không. Có thể anh nói đúng nhưng đó không phải điều tôi muốn. Tôi không nói là anh không có những lý do của anh, và những lý do này nghe có vẻ hợp lý, nhưng tôi thích nhà Randolph.” “Tại sao?” “Chỉ vì tôi thích nó. Chỉ vì đấy là cái tôi muốn.” Khi Roark nói rằng Mundy sẽ phải tìm một kiến trúc sư khác, Mundy bất ngờ nói: “Nhưng tôi thích anh. Tại sao anh không thể xây nó cho tôi? Làm như thế cũng có khác gì cho anh đâu?” Roark không giải thích. Sau đó, Austen Heller đã nói với anh ta: “Tôi cũng đã thấy trước điều này. Tôi đã e rằng anh sẽ từ chối ông ta. Không phải tôi đang trách anh đâu, Howard. Chỉ là ông ta quá giàu. Công việc này đáng lẽ đã có thể giúp anh nhiều lắm đấy. Suy cho cùng thì anh cũng cần phải sống chứ.” “Không phải bằng cách đó” Roark nói.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương