Suối Nguồn (The Fountainhead)

Phần 2 - Chương 05 A



V.

Dominique đã trở lại New York. Cô trở lại mà chẳng có mục đích gì, chỉ vì cô không thể ở lại ngôi nhà nông thôn quá ba ngày sau chuyến thăm mỏ đá lần cuối cùng. Cô phải ở trong thành phố – điều này đột ngột trở thành một nhu cầu thiết yếu, không thể cưỡng lại được và không thể cắt nghĩa. Cô chẳng trông đợi gì ở thành phố. Nhưng cô muốn có cảm giác về đường phố và những tòa nhà bao quanh cô ở đó. Vào buổi sáng, cô tỉnh dậy và nghe thấy tiếng xe cộ ở xa xa phía dưới, âm thanh đó là một sự lăng mạ, một sự nhắc nhở về việc cô đang ở đâu và tại sao. Cô đứng cạnh cửa sổ, hai cánh tay dang rộng, mỗi tay nắm lấy một bên khung cửa như thể cô đang ôm một phần của thành phố – ôm tất cả những con đường và mái nhà hiện lên trong khuôn kính giữa hai tay cô.

Cô ra ngoài một mình để đi bộ thật lâu. Cô đi nhanh, hai tay đút trong túi chiếc áo khoác cũ, cổ áo bẻ dựng lên. Cô tự bảo mình rằng cô không hề hy vọng được gặp anh. Cô không tìm kiếm anh. Nhưng cô phải đi ra đường, trống rỗng, không mục đích, mỗi lần hàng giờ liền.

Cô đã luôn luôn căm ghét những đường phố của một thành phố. Cô nhìn những khuôn mặt trôi ngang qua, những khuôn mặt trông giống nhau vì sự sợ hãi trên đó – sự sợ hãi như một mẫu số chung, sợ chính họ, sợ tất cả và sợ nhau. Sự sợ hãi làm cho họ sẵn sàng đạp lên bất kỳ cái gì được một người khác coi là thiêng liêng. Cô không thể định nghĩa được bản chất hay lý do của nỗi sợ đó. Nhưng cô đã luôn luôn cảm nhận được sự có mặt của nó. Cô đã giữ mình sạch sẽ và tự do bằng một ham muốn duy nhất – ham muốn không chạm vào cái gì hết. Cô đã thích đối mặt với họ trên đường phố, cô đã thích sự thù hận đầy bất lực của họ, bởi cô chẳng có gì để cho họ làm tổn thương.

Bây giờ, cô không còn tự do nữa. Bây giờ, mỗi bước cô đi trên đường đều làm cô tổn thương. Cô đã bị buộc vào anh – như anh bị buộc vào từng phần của thành phố. Anh là một công nhân vô danh làm một công việc vô danh nào đó, bị mất hút trong những đám đông này, phải phụ thuộc vào họ, có thể bị bất kỳ người nào trong số họ làm tổn thương, và cô phải chia sẻ anh với cả thành phố. Cô căm ghét ý nghĩ về việc anh đi trên những vỉa hè mà người ta đã đi. Cô căm ghét ý nghĩ về việc một người bán hàng đưa cho anh một bao thuốc lá qua quầy hàng. Cô căm ghét những khuỷu tay chạm vào khuỷu tay anh trên tàu điện ngầm. Cô về nhà, sau những chuyến đi bộ này, người run lên như sốt. Hôm sau cô lại ra ngoài.

Khi kỳ nghỉ kết thúc, cô đến tòa soạn tờ Ngọn cờ để xin thôi việc. Công việc và mục báo của cô chẳng còn gây hứng thú gì với cô nữa. Cô cắt ngang lời chào mừng nồng nhiệt của Alvah Scarret. Cô nói: “Tôi về đây chỉ để bảo anh rằng tôi bỏ việc, Alvah ạ.” Ông nhìn cô một cách ngớ ngẩn. Ông chỉ nói: “Tại sao?”

Đó là âm thanh đầu tiên từ thế giới bên ngoài đến được với cô sau một thời gian rất dài. Cô đã luôn luôn hành động một cách tức thời theo cảm hứng, tự hào vì sự tự do thoát khỏi mọi lý do hành động của mình. Thế mà bây giờ cô phải đối mặt với câu hỏi “Tại sao?” – câu hỏi hàm chứa một câu trả lời mà cô không thể chạy trốn. Cô nghĩ: Tại vì anh, tại vì cô đang để anh thay đổi cuộc sống của cô. Đó sẽ là một sự vi phạm nữa; cô có thể nhìn thấy anh đang mỉm cười như lúc anh đã cười trên con đường mòn trong rừng. Cô không có lựa chọn nào khác. Dù có chọn thế nào chăng nữa thì sự lựa chọn cũng là do bị cưỡng bức: cô có thể bỏ công việc, vì anh đã bắt cô muốn bỏ nó; hoặc cô có thể ở lại dù căm ghét nó, để cho cuộc đời cô không bị thay đổi, để chống lại anh. Phương án thứ hai khó hơn.

Cô ngẩng đầu lên. Cô nói: “Đùa thôi mà, Alvah. Chỉ để xem anh nói gì. Tôi không bỏ việc đâu.”

*

* *

Cô trở lại công việc được vài ngày thì Ellsworth Toohey bước vào phòng làm việc của cô. “Chào Dominique,” ông ta nói. “Vừa nghe nói cô đã về.”

“Chào Ellsworth.”

“Tôi rất mừng. Cô biết đấy, tôi luôn có cảm giác là một buổi sáng nào đó cô sẽ bỏ chúng tôi đi mà chẳng có nguyên cớ gì.”

“Tôi rất mừng. Cô biết đấy, tôi luôn có cảm giác là một buổi sáng nào đó cô sẽ bỏ chúng tôi đi mà chẳng có nguyên cớ gì.”

“Cảm giác à Ellsworth? Hay là hy vọng?”

Ông đang nhìn cô với ánh mắt nhân từ và nụ cười hiền hậu muôn thuở; nhưng có một thoáng tự giễu mình trong vẻ hiền hậu đó, như thể ông biết rằng cô không ưa nó; và có một thoáng tự tin, như thể ông muốn thể hiện rằng ông sẽ luôn giữ cái vẻ nhân từ và hiền hậu đó.

“Cô biết đấy, cô sai ở chỗ đó rồi,” ông ta nói, mỉm cười bình thản. “Cô đã luôn sai về điểm đó.”

“Không. Tôi không phù hợp, Ellsworth. Đúng không?”

“Tất nhiên tôi có thể hỏi: Phù hợp với cái gì? Nhưng cứ cho là tôi không hỏi đi. Cứ cho là tôi chỉ nói rằng những người không hợp cũng có tác dụng của họ, cũng như là những người phù hợp có tác dụng của họ. Cô có thích như thế hơn không? Tất nhiên, đơn giản nhất thì tôi sẽ nói là tôi đã luôn luôn rất ngưỡng mộ cô và sẽ luôn luôn ngưỡng mộ cô.”

“Đó không phải là một lời khen.”

“Không hiểu sao tôi luôn nghĩ là chúng ta sẽ không bao giờ trở thành kẻ thù của nhau, Dominique ạ, nếu đó là cái cô muốn.”

“Không, tôi không nghĩ chúng ta sẽ có lúc nào đó trở thành kẻ thù của nhau, Ellsworth ạ. Ông là người dễ chịu nhất mà tôi từng biết.”

“Tất nhiên.”

“Theo ý mà tôi muốn nói?”

“Theo bất kỳ ý nào cô muốn nói.”

Trên bàn làm việc trước mặt cô là phần tranh ảnh của tờ Tin Hàng ngày Chủ nhật. Trên đó có in hình vẽ thiết kế Tòa nhà Enright. Cô nhặt bức hình lên và đưa nó cho ông, hai mắt cô nheo lại thành một câu hỏi. Ông nhìn bức hình, rồi ánh mắt chuyển sang khuôn mặt cô và quay trở lại bức hình. Ông thả trang báo trở lại trên bàn.

“Độc lập như một lời lăng mạ, đúng không?” ông nói.

“Độc lập như một lời lăng mạ, đúng không?” ông nói.

“Ông biết đấy Ellsworth ạ, tôi nghĩ rằng người thiết kế tòa nhà này lẽ ra nên tự tử thì hơn. Một người mà có thể tạo ra được một thứ đẹp như thế này thì không bao giờ nên cho phép nó được dựng nên cả. Anh ta không nên muốn cho nó tồn tại. Nhưng rồi anh sẽ để cho nó được xây dựng, để rồi đàn bà có thể phơi tã lót trẻ con trên các hàng hiên mà anh ta xây, để đàn ông nhổ trên các bậc thang của anh ta và vẽ những hình thù bẩn thỉu trên các bức tường của anh ta. Anh ta đã biếu nó cho họ và anh ta đã làm nó trở thành một phần của họ, một phần của mọi thứ. Anh ta lẽ ra không nên đưa nó cho những người như ông xem. Cho những người như ông bàn tán về nó. Anh ta đã làm ô uế công trình của mình bởi lời nói đầu tiên mà ông sẽ nói về ngôi nhà. Anh ta đã tự biến mình thành kẻ còn tồi tệ hơn ông. Ông sẽ chỉ phạm phải một sự khiếm nhã nho nhỏ, nhưng anh ta thì đã phạm tội báng bổ. Một người đã biết những điều đủ để giúp anh ta có thể tạo ra một thứ như thế này thì lẽ ra không thể sống được mới đúng.”

“Cô sẽ viết một bài về cái này chứ?” ông hỏi.

“Không. Như thế sẽ là lặp lại tội ác của anh ta.”

“Thế còn nói chuyện với tôi về nó?”

Cô nhìn ông. Ông mỉm cười một cách dễ chịu.

“Đúng, tất nhiên,” cô nói, “đó cũng là một phần của tội ác đó.”

“Hôm nào đó chúng ta hãy đi ăn tối cùng nhau, Dominique,” ông ta nói. “Thực sự cô không cho tôi được gặp cô đủ.”

“Được thôi,” cô nói. “Bất kỳ lúc nào ông muốn.”

*

* *

Vào phiên xử vụ tấn công Ellsworth Toohey, Steven Mallory từ chối không tiết lộ động cơ của mình. Anh ta chẳng nói câu nào. Anh ta có vẻ thờ ơ với bất kỳ bản án nào có thể được đưa ra. Nhưng Ellworth Toohey gây ra một sự giật gân nho nhỏ khi ông xuất hiện, một cách tự nguyện, để bào chữa cho Mallory. Ông xin thẩm phán hãy độ lượng; ông giải thích rằng ông không muốn thấy tương lai và nghề nghiệp của Mallory bị hủy hoại.

Mọi người trong phòng xử rất xúc động – ngoại trừ Mallory. Steven Mallory lắng nghe và ngắm nhìn mọi thứ như thể anh ta đang chịu đựng một cuộc tra tấn đặc biệt dã man nào đó. Thẩm phán tuyên phạt anh ta hai năm tù, cho hưởng án treo.

Người ta bàn tán rất nhiều về sự rộng lượng phi thường của Toohey. Ông gạt đi mọi lời khen ngợi – một cách vui vẻ và khiêm tốn. “Các bạn của tôi,” ông nói – với tất cả các tờ báo – “Tôi từ chối làm kẻ đồng lõa trong việc sản xuất ra những kẻ tử vì đạo.”

Người ta bàn tán rất nhiều về sự rộng lượng phi thường của Toohey. Ông gạt đi mọi lời khen ngợi – một cách vui vẻ và khiêm tốn. “Các bạn của tôi,” ông nói – với tất cả các tờ báo – “Tôi từ chối làm kẻ đồng lõa trong việc sản xuất ra những kẻ tử vì đạo.”

*

* *

Vào buổi gặp mặt đầu tiên của hội kiến trúc sư trẻ tương lai, Keating kết luận rằng Toohey có khả năng tuyệt vời trong việc lựa chọn những người phù hợp với nhau. Mười tám người tham dự mang một vẻ gì đó mà anh không thể định rõ, nhưng cái vẻ ấy cho anh một cảm giác thoải mái, an toàn mà anh chưa bao giờ có được khi ở một mình hoặc trong bất kỳ một cuộc hội họp nào; và một phần của sự thoải mái đó nằm ở việc anh biết rằng tất cả những người khác cũng cảm thấy như thế, với cùng một lý do không thể giải thích được như thế. Đó là một cảm giác về tình bằng hữu, nhưng, theo một cách nào đó, không phải là một tình bằng hữu mang tính thần thánh hay cao quý; và chính cái sự thoải mái này là cái làm người ta cảm thấy không cần phải thần thánh hay cao quý nữa.

Nếu không có tình bằng hữu này thì Keating đã cảm thấy thất vọng với buổi họp mặt. Trong số mười tám người ngồi trong phòng khách của Toohey, không ai là kiến trúc sư nổi tiếng, ngoại trừ chính anh và Gordon L. Prescott, người mặc một chiếc áo len cổ lọ màu be và trông hơi kẻ cả, nhưng háo hức. Keating chưa bao giờ nghe đến tên của những người còn lại. Hầu hết bọn họ là người mới bước vào nghề, trẻ, ăn mặc vụng về và hiếu chiến. Một số người chỉ là thợ vẽ. Có một nữ kiến trúc sư đã từng xây một vài ngôi nhà nhỏ cho tư nhân, chủ yếu là những bà góa giàu có; cô này có một phong cách xông xáo, một đôi môi mím chặt và một bông hoa dã yên thảo cài trên tóc. Một cậu bé với đôi mắt trong sáng, thơ ngây. Một ông thầu khoán vô danh tiểu tốt với khuôn mặt béo phị vô cảm. Một phụ nữ cao, khô đét, làm công việc trang trí nội thất, và một người phụ nữ khác chẳng có nghề nghiệp gì rõ ràng.

Keating không thể hiểu được mục đích chính xác của hội này là gì, nhưng mọi người thảo luận khá sôi nổi. Buổi thảo luận chẳng có nội dung gì chặt chẽ, nhưng tất cả hình như có chung một dòng chảy ngầm bên dưới. Anh cảm thấy rằng dòng chảy này là thứ duy nhất rõ ràng giữa tất cả những thứ chung chung mờ nhạt có mặt, mặc dù chẳng ai chịu đề cập đến nó. Nó giữ anh ở đó, cũng như giữ những người khác, và anh cũng chẳng muốn tìm hiểu nó là cái gì.

Những thanh niên trẻ nói chuyện nhiều về sự bất bình đẳng, sự bất công, về sự độc ác của xã hội đối với tuổi trẻ, và cho rằng mọi người cần phải được đảm bảo công ăn việc làm khi tốt nghiệp đại học. Vị nữ kiến trúc sư thì nói một cái gì đó ngắn gọn về tội lỗi của những người giàu có bằng một chất giọng the thé. Ông thầu khoán thì oang oang tuyên bố rằng đây là một thế giới khó khăn và rằng “mọi người cần phải giúp đỡ nhau.” Cậu bé với đôi mắt ngây thơ thì cầu khẩn rằng “chúng ta có thể làm nhiều điều tốt...” Giọng của cậu mang một vẻ chân thành tha thiết khiến nó dường như không thích hợp và làm người ta bối rối. Gordon L. Prescott tuyên bố rằng hội A.G.A là một đám những người cổ hủ chẳng có ý thức gì về trách nhiệm xã hội và chẳng có một tí nhiệt huyết đàn ông tử tế nào, và rằng đã đến lúc phải tung hê bọn họ đi rồi. Người phụ nữ không có nghề nghiệp rõ ràng thì nói về những lý tưởng và sự nghiệp, mặc dù chẳng ai hiểu đó là những cái gì.

Peter Keating được bầu làm chủ tịch hội, với sự tán đồng tuyệt đối. Gordon L. Prescott được bầu làm phó chủ tịch và thủ quỹ. Toohey từ chối không nhận bất kỳ chức danh nào. Ông ta tuyên bố rằng mình chỉ đóng vai trò là một cố vấn không chính thức. Mọi người quyết định rằng tổ chức này sẽ được đặt tên là Hội Những nhà Xây dựng Hoa Kỳ. Họ cũng quyết định rằng các thành viên không bắt buộc phải là kiến trúc sư, mà hội sẽ mở rộng cho “các nghề nghiệp tương tự” và cho “tất cả những ai mang trong tim mình một mối quan tâm tới ngành kiến trúc vĩ đại.”

Rồi Toohey phát biểu. Ông phát biểu khá dài. Ông đứng, chống người vào một bàn tay đang đặt trên bàn. Giọng nói tuyệt vời của ông nhẹ nhàng và đầy thuyết phục. Nó ngập tràn căn phòng, nhưng lại khiến cho những thính giả của ông nhận thấy rằng nó hẳn là có thể ngập tràn cả một đấu trường La Mã nữa; điều này làm cho những thính giả của ông cảm thấy được tâng bốc một cách khéo léo và cái giọng nói đầy sức mạnh kia làm cho họ càng yên tâm.

“... và vì thế, hỡi các bạn của tôi, điều mà ngành kiến trúc còn thiếu là sự thấu hiểu tầm quan trọng của chính nó đối với xã hội của chúng ta. Sự thiếu sót ấy là do một nguyên nhân kép: do bản chất phản xã hội của toàn thể xã hội của chúng ta và do sự khiêm tốn cố hữu của chúng ta. Các bạn đã quen với việc nghĩ về bản thân chỉ như những trụ cột gia đình, những người không có mục đích gì cao hơn là lấy tiền công và nuôi sống bản thân. Chẳng phải đã đến lúc, hỡi các bạn của tôi, phải ngừng lại và định nghĩa lại vị trí của các bạn trong xã hội rồi sao? Trong số các ngành nghề thì ngành của các bạn là quan trọng nhất. Quan trọng, không phải ở số tiền bạn có thể kiếm được, không phải ở trình độ kỹ năng nghệ thuật mà các bạn có thể thể hiện, mà ở sự phục vụ các bạn đem đến cho đồng loại của mình. Các bạn là những người cung cấp nơi trú ẩn cho nhân loại. Hãy nhớ lấy điều này và rồi nhìn ngắm các thành phố của chúng ta, các khu nhà ổ chuột của chúng ta, để nhận ra nhiệm vụ cực lớn đang chờ đón các bạn. Nhưng để vượt qua thử thách này, các bạn cần được vũ trang bằng một tầm nhìn rộng lớn hơn về bản thân và về công việc của mình. Các bạn không phải là những đầy tờ làm thuê cho những người giàu có. Các bạn là những người đấu tranh cho sự nghiệp của những người bị thiệt thòi và những người không có nhà cửa. Chúng ta sẽ được phán xét không phải qua việc chúng ta là ai, mà qua việc chúng ta phục vụ ai. Chúng ta hãy đoàn kết lại trong tinh thần này. Chúng ta hãy – trong tất cả các vấn đề – trung thành với triển vọng mới mẻ, rộng lớn, cao cả hơn này. Chúng ta hãy thực hiện – ồ, thưa các bạn của tôi, tôi có thể nói – một giấc mơ cao cả hơn không nhỉ?”

Keating lắng nghe một cách háo hức. Anh đã luôn nghĩ mình là một trụ cột gia đình, gò lưng kiếm tiền thù lao, trong một chuyên môn mà anh đã chọn vì mẹ anh đã muốn anh chọn nó. Thật là hài lòng khi phát hiện ra rằng anh còn hơn như thế nhiều; rằng các hoạt động thường ngày của anh mang lại một tầm quan trọng cao cả. Thật là dễ chịu và mê ly. Anh biết là tất cả những người khác trong phòng cũng cảm thấy thế.

“... và khi hệ thống xã hội của chúng ta sụp đổ thì công trình của những nhà xây dựng sẽ không bị cuốn đi, mà nó sẽ được nâng lên một vị thế nổi bật hơn và một sự công nhận vĩ đại hơn...”
Chương trước Chương tiếp
Loading...