Suối Nguồn (The Fountainhead)
Phần 4 - Chương 02 A
II. Một tấm biển treo trước cửa ra vào – tấm biển mang tên tờ báo:NGỌN CỜ NEW YORK Tấm biển nhỏ bé – như một tuyên ngôn về một danh tiếng và quyền lực quá lớn, đến mức chúng không cần được nhấn mạnh. Nó giống như một nụ cười đẹp và ngạo nghễ, biện hộ cho sự xấu xí trơ trụi của tòa nhà. Tòa nhà như một cái nhà máy, khinh thường mọi thứ đồ trang trí, ngoại trừ những ngụ ý của tấm biển mang tên nó. Tiền sảnh của tòa nhà giống như miệng của một lò luyện kim. Những chiếc thang máy hút một dòng nhiên liệu người và truyền nguồn năng lượng ấy đi khắp tòa nhà. Mọi người không chạy đi chạy lại hối hả, nhưng dáng vẻ của họ đều ẩn chứa vẻ vội vã; họ đang bị thúc đẩy bởi một mục đích nào đó; không có ai la cà dưới tiền sảnh. Những cánh cửa thang máy mở ra đóng vào lách cách như những chiếc van, theo một nhịp đều đặn. Những đèn màu xanh đỏ nhấp nháy trên tấm bảng gắn trên tường, báo vị trí chuyển động của các thang máy trong không gian. Dường như mọi thứ trong tòa nhà này đều được điều khiển từ những bảng điều khiển nằm trong tay một ông chủ, người nắm rõ từng chuyển động của tòa nhà, cứ như thể có một luồng năng lượng đang tỏa khắp trong tòa nhà này, làm cho nó vận hành trơn tru, không hề có tiếng động, như một cỗ máy khổng lồ không gì có thể phá hủy nổi. Không có ai để mắt tới người đàn ông tóc đỏ vừa dừng lại dưới tiền sảnh trong chốc lát. Howard Roark nhìn lên mái vòm nhiều tầng của tòa nhà. Anh chưa bao giờ căm ghét bất kỳ một người nào. Nhưng đâu đó trong tòa nhà này có người chủ của nó – người đàn ông đã làm anh thấy tiệm cận gần nhất với sự căm ghét. Gail Wynand liếc nhìn chiếc đồng hồ nhỏ trên bàn làm việc. Vài phút nữa, ông có một cuộc hẹn với một kiến trúc sư. Ông nghĩ rằng cuộc phỏng vần này sẽ chẳng có gì là khó khăn. Ông đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn như vậy trong đời mình. Ông chỉ cần phải nói – ông biết mình muốn nói gì; còn người kiến trúc sư thì chẳng phải làm gì cả, chỉ cần thốt ra vài từ để biểu thị là anh ta nắm được ý ông. Ánh mắt ông rời khỏi chiếc đồng hồ và chuyển tới những bản tin thử đặt trên bàn. Ông đang đọc một bài xã luận của Alvah Scarret về việc công chúng cho sóc ăn trong Công viên Trung tâm và một bài báo của Ellsworth Toohey về những giá trị to lớn của một cuộc triển lãm các bức tranh do những nhân viên của Ban bảo vệ Thành phố vẽ. Chuông trên bàn ông vang lên cùng với giọng của người thư ký: “Ông Howard Roark đã đến, thưa ngài Wynand.” “Được rồi” Wynand nói và tắt công tắc. Khi rút bàn tay về, ông để ý tới hàng nút bấm phía cạnh bàn, những nút bấm nhỏ với các màu sắc được quy định sẵn, mỗi nút là điểm cuối cùng của một đường dây nối tới bộ phận nào đó trong tòa nhà, mỗi sợi dây điều khiển một người nào đó và mỗi người này lại điều khiển những người khác dưới quyền anh ta, mỗi nhóm người đó đóng góp vào bộ mặt hoàn chỉnh của tờ báo và sẽ có mặt trong hàng triệu căn nhà, trong đầu óc của hàng triệu con người – những nút bấm nhỏ bằng nhựa màu này, chúng ở ngay đó dưới những ngón tay ông. Nhưng ông không có thời gian để vui thú với suy nghĩ này; cửa phòng làm việc của ông vừa mở ra; ông rời tay khỏi những nút điều khiển. Wynand không chắc có phải là ông đã lỡ mất một nhịp, có phải ông đã không lập tức đứng lên chào khách theo phép lịch sự thông thường, mà ông đã ngồi yên, nhìn vào người đàn ông vừa bước vào phòng. Có thể ông đã đứng dậy ngay lập tức, có điều là khoảng thời gian tiếp sau cử động đó của ông kéo dài quá lâu. Roark không chắc liệu có phải anh đã dừng lại sau khi bước vào văn phòng, rằng anh đã không bước thẳng tới mà đứng tại chỗ nhìn người đàn ông ngồi sau bàn. Mà cũng có khi anh đã tiến thẳng về phía người đàn ông, chỉ có điều là anh đã tưởng là anh dừng lại. Nhưng rõ ràng đã có một khoảnh khắc mà cả hai người đều quên đi những quy tắc của thực tại trước mắt, khi Wynand quên bẵng mất mục đích của ông khi gọi người đàn ông này tới văn phòng, còn Roark quên bẵng người đàn ông này là chồng của Donimique; khi trước mặt họ không có cửa ra vào, không có bàn làm việc, mà cũng chẳng có những tấm thảm. Giữa họ chỉ có sự nhận biết trọn vẹn đối với mỗi người về người đàn ông đối diện, chỉ có hai ý nghĩ gặp nhau ở giữa phòng – “Đây là Gail Wynand” – “Đây là Howard Roark.” Rồi Wynand đứng dậy; bàn tay ông khoát một cử chỉ đơn giản để mời khách ngồi xuống chiếc ghế bên bàn; Roark tiến lại gần và ngồi xuống. Họ không nhận ra là họ đã không chào hỏi nhau. Wynand mỉm cười và nói điều mà ông đã không bao giờ định nói. Ông nói một cách giản dị: “Tôi không nghĩ là anh sẽ muốn làm việc cho tôi.” “Tôi muốn làm việc cho ông,” Roark nói mặc dù anh đã đến đây với dự định từ chối. “Ông đã xem những gì tôi xây dựng?” “Đúng vậy.” Wynand mỉm cười, “Lần này là một việc khác. Công trình này không dành cho công chúng. Nó dành cho tôi.” “Ông chưa bao giờ xây cái gì cho ông?” “Chưa bao giờ, ngoại trừ cái chuồng cọp trên mái nhà và cái nhà máy in cũ kỹ này. Anh có thể nói cho tôi biết tại sao tôi chưa bao giờ xây dựng một công trình nào cho riêng tôi, mặc dù nếu tôi muốn thì tôi có đầy đủ phương tiên để xây dựng cả một thành phố? Tôi không biết tại sao. Tôi nghĩ có lẽ anh biết.” Ông quên mất rằng ông không cho phép những người ông thuê làm được quyền suy đoán về cá nhân ông. “Bởi vì ông chưa bao giờ hạnh phúc.” Roark nói. Anh nói điều đó một cách đơn giản, không chút xấc xượt, như thể rằng anh không thể làm gì khác ngoài việc bộc lộ một sự chân thành tuyệt đối. Đây không phải là phần đầu của một cuộc phỏng vấn mà là phần giữa, giống như là tiếp nối của một cái gì đó đã được bắt đầu từ lâu lắm rồi. Wynand nói: Anh nói điều đó một cách đơn giản, không chút xấc xượt, như thể rằng anh không thể làm gì khác ngoài việc bộc lộ một sự chân thành tuyệt đối. Đây không phải là phần đầu của một cuộc phỏng vấn mà là phần giữa, giống như là tiếp nối của một cái gì đó đã được bắt đầu từ lâu lắm rồi. Wynand nói: “Giải thích đi.” “Tôi nghĩ ông hiểu.” “Tôi muốn nghe anh giải thích điều đó.” “Hầu hết mọi người đều xây nhà như cách họ sống – giống như một việc phải làm hàng ngày, một sự kiện vô nghĩa. Nhưng một số ít hiểu rằng một công trình kiến trúc là một biểu tượng vĩ đại. Chúng ta thực sự sống bằng đầu óc của chúng ta, và sự tồn tại chỉ là một cố gắng để làm cho cuộc sống đó hiện hữu, để tuyên bố về cuộc sống ấy bằng ngôn ngữ của cử chỉ và hình thể. Với những người hiểu được điều này thì ngôi nhà anh ta ở là một tuyên ngôn về cuộc sống của anh ta. Nếu như anh ta không xây nhà, khi anh ta có đủ điều kiện để làm việc đó, thì đó là vì cuộc sống của anh ta không phải cái anh ta từng mong muốn.” “Anh không thấy phi lý khi nói điều đó với chính tôi chứ không phải ai khác à?” “Không.” “Tôi cũng vậy.” Roark mỉm cười. “Nhưng anh với tôi là hai người duy nhất sẽ nói ra điều đó. Nói một trong hai phần của nó: rằng tôi không có được cái tôi mong muốn và rằng tôi có thể nằm trong số ít người có thể hiểu được cái loại biểu tượng vĩ đại. Anh không rút lại phần đằng sau chứ?” “Không.” “Anh bao nhiêu tuổi?” “Ba mươi sáu.” “Tôi đã sở hữu hầu hết những tờ báo tôi có hiện nay khi tôi ba mươi sáu tuổi.” Ông nói thêm: “Tôi không có ý nói điều đó như một lời tự khen. Tôi không biết tại sao tôi lại nói thế. Tôi chỉ chợt nghĩ đến điều đó.” “Ông muốn tôi xây cái gì cho ông?” “Ngôi nhà của tôi.” Wynand cảm thấy rằng những từ này có một tác động nào đó tới Roark, ngoài ngữ nghĩa thông thường của chúng. Ông cũng không biết lý do vì sao ông thấy như thế, bởi Roark chẳng bộc lộ ra bên ngoài bất cứ điều gì. “Anh đã đúng,” Wynand nói, “bởi vì anh thấy đấy, bây giờ tôi thật sự muốn xây một ngôi nhà của riêng tôi. Bây giờ tôi không sợ cái hình dáng hữu hình của cuộc đời tôi. Nếu anh muốn nói thẳng như anh nói, thì bây giờ tôi đang hạnh phúc.” “Ông muốn một ngôi nhà như thế nào?” “Một ngôi nhà ở vùng nông thôn. Tôi đã mua đất. Một khu đất rộng năm trăm mẫu ở Connecticut. Một ngôi nhà ra sao à? Anh sẽ quyết định điều đó.” “Có phải bà Wynand đã chọn tôi làm người thiết kế?” “Không. Bà Wynand không biết gì về chuyện này. Chính tôi muốn chuyển ra ngoài thành phố, và cô ấy đồng ý. Tôi đã hỏi cô ấy về việc chọn kiến trúc sư – vợ tôi tên trước khi lấy chồng là Dominique Francon. Cô ấy từng viết chuyên về lĩnh vực kiến trúc. Nhưng cô ấy muốn để tôi lựa chọn. Anh muốn biết tại sao tôi lại chọn anh à? Tôi đã dành nhiều thời gian để quyết định việc này. Ban đầu tôi cảm thấy khá lúng túng. Tôi chưa bao giờ nghe về anh. Tôi không biết bất kỳ một kiến trúc sư nào cả. Tôi nói theo đúng nghĩa đen đấy – và tôi tính cả những năm tháng kinh doanh bất động sản, những thứ tôi đã xây dựng và những kẻ ngớ ngẩn đã xây dựng chúng cho tôi. Lần này thì không phải là Stoneridge, mà là… anh đã gọi nó là gì nhĩ? – một tuyên ngôn về cuộc sống của chính tôi? Rồi thì tôi nhìn thấy Monadnock. Đó là thứ đầu tiên làm tôi nhớ tên anh. Nhưng tôi đã tự kiểm tra rất lâu. Tôi đã đi vòng quanh các vùng nông thôn, ngắm nhìn các căn nhà, khách sạn, đủ loại công trình. Bất cứ khi nào nhìn thấy một công trình tôi thích, tôi đều hỏi xem ai đã thiết kế công trình đó, và luôn nhận được một câu trả lời: Howard Roark. Vì thế tôi đã gọi điện cho anh.” Ông nói thêm: “Tôi có nên nói với anh là tôi ngưỡng mộ các công trình của anh đến thế nào không?” “Tôi có nên nói với anh là tôi ngưỡng mộ các công trình của anh đến thế nào không?” “Cám ơn ông,” Roark nói. Anh nhắm mắt trong giây lát. “Anh biết đấy, tôi đã không muốn gặp anh.” “Tại sao?” “Anh đã nghe nói về gallery của tôi rồi chứ?” “Tôi đã.” “Tôi không bao giờ gặp tác giả của những tác phẩm mà tôi yêu thích. Những tác phẩm ấy có ý nghĩa quá lớn đối với tôi. Tôi không muốn những người này làm hỏng nó. Mà họ thì thường làm như thế. Họ là chướng ngại vật đối với chính tài năng của họ. Anh thì lại không phải là người như vậy. Tôi không ngại nói chuyện với anh. Tôi nói với anh điều này chỉ bởi vì tôi muốn anh biết rằng tôi tôn trọng rất ít thứ trong cuộc đời này, nhưng tôi tôn trọng những tác phẩm trong gallery của tôi, và những công trình của anh, và cái năng lực của những người đã tạo nên những tác phẩm như vậy. Có lẽ đó là thứ tôn giáo duy nhất của tôi.” Ông nhún vai: “Tôi nghĩ rằng tôi đã hủy hoại, bóp méo, và làm biến chất tất cả mọi thứ tồn tại trên đời này. Nhưng tôi chưa bao giờ chạm tới những thứ kia. Tại sao anh lại nhìn tôi như vậy?” “Xin lỗi ông. Xin ông nói cho tôi biết về ngôi nhà mà ông muốn.” “Tôi muốn nó phải là một cung điện – chỉ có điều tôi không nghĩ cung điện là một nơi xa hoa. Chúng quá rộng, như một chốn công cộng hỗn tạp. Một ngôi nhà nhỏ mới là sự xa hoa thực sự. Một nơi ở chỉ cho hai người, vợ tôi và tôi. Ngôi nhà ấy không nhất thiết phải thiết kế đủ ột gia đình, chúng tôi không định có con cái gì cả. Cũng không cần chỗ cho khách khứa, vì chúng tôi không định mua vui cho ai. Một phòng khách – để đề phòng trường hợp cần thiết – nhưng chỉ cần một phòng thôi. Phòng khách, phòng ăn, thư viện, hai phòng làm việc, một phòng ngủ. khu ở cho người giúp việc, ga-ra ô-tô. Đó là ý tưởng tổng thể. Tôi sẽ cung cấp cho anh các thông tin chi tiết sau. Chi phí – bất kể anh cần bao nhiêu. Bề ngoài của nhà tôi thì…” Ông mỉm cười, nhún vai. “Tôi đã nhìn các công trình của anh. Nếu một ai đó muốn bảo cho anh biết cách thiết kế một ngôi nhà, thì hoặc anh ta phải có khả năng thiết kế nó đẹp hơn, nếu không thì anh ta nên im miệng đi. Tôi chỉ nói rằng tôi muốn ngôi nhà của tôi có chất lượng của Roark.” “Đó là cái gì vậy?” “Tôi nghĩ là anh hiểu.” “Tôi muốn nghe ông giải thích điều đó.” “Tôi thấy rằng một vài tòa nhà phô trương một cách rẻ tiền, tất cả đều trưng hết ra mặt tiền. Một vài cái thì hèn nhát, như thể mỗi viên gạch đều đang cuối đầu thanh minh về bản thân nó. Một vài tòa nhà khác thì lại có cái vẻ bất hợp lý cố hữu, vá víu, nanh nọc và nhầm lẫn ở đâu đó. Những tòa nhà của anh mang đến cho người ta một cảm giác hoàn toàn khác – một cảm giác hân hoan. Không phải là một sự hân hoan dễ dãi mà là niềm vui bao trùm và khó có được. Như thể nó làm cho người ta cảm thấy rằng đạt được niềm vui ấy là một thành công. Người ta nhìn ngắm tòa nhà và nghĩ rằng: ta sẽ là một người tốt hơn nếu ta có thể cảm nhận được niềm hân hoan đó.” Roark nói chậm rãi, không phải bằng âm điệu của một câu trả lời: “Tôi đoán việc này là không thể tránh khỏi.” “Việc gì?” “Việc ông nhận ra những điều ấy.” “Tại sao anh nói như thế… anh tiếc rằng tôi nhận ra những điều đó?” “Tôi không tiếc.” “Nghe này, đừng lấy những thứ mà tôi đã xây dựng trước đây để chống lại tôi.” “Tôi không làm như vậy.” “Tất cả những Stoneridges, khách sạn Noyes-Belmont – và các tờ báo Wynand – tất cả những cái đó đã làm cho tôi có khả năng để có được một ngôi nha do anh thiết kế. Đây hẳn là một sự xa xỉ đáng vươn tới, đúng không? Nếu thế thì việc tôi có được sự xa xỉ ấy bằng cách nào đâu có ý nghĩa gì. Chúng là phương tiện. Anh là mục đích.” “Ông không phải thanh minh với tôi.” “Ông không phải thanh minh với tôi.” “Tôi không hề thanh… Phải, tôi nghĩ là tôi đang thanh minh.” “Ông không cần làm thế. Tôi không nghĩ về những thứ mà ông đã xây.” “Anh đang nghĩ gì?” “Rằng tôi hoàn toàn bất lực trước một người có thể nhìn thấy những gì mà ông ta đã nhìn thấy trong các tòa nhà của tôi.” “Anh cảm thấy anh cần được giúp đỡ để chống lại tôi sao?” “Không. Có điều, về nguyên tắc, tôi không bao giờ cảm thấy bất lực.” “Về nguyên tắc, tôi cũng không bao giờ phải thanh minh. Vậy thì mọi chuyện ổn cả đúng không?” “Đúng thế.” “Tôi phải nói với anh thêm về ngôi nhà tôi muốn có. Tôi cho rằng một kiến trúc sư giống như một linh mục nghe xưng tôi – anh ta phải biết tất cả mọi điều về những người sẽ sống trong căn nhà đó, bởi vì cái mà anh ta làm ra, đối với họ, sẽ có tính riêng tư hơn cả cơm ăn áo mặc. Xin hãy cân nhắc về điều này, và bỏ qua cho tôi nếu anh thấy rằng nói ra những điều này, đối với tôi, là rất khó khăn – tôi chưa bao giờ đi xưng tội. anh biết đấy, tôi muốn có căn nhà này bởi vì tôi thật sự yêu vợ tôi… Anh sao thế? Anh thấy điều này không liên quan gì?” “Ồ không. Ông tiếp tục đi.” “Tôi không thể chịu đựng được khi nhìn thấy vợ tôi ở giữa những người khác. Đó không phải là sự ghen tuông. Nó còn nhiều hơn và tệ hơn thế. Tôi không thể nhìn cô ấy đi dạo trên đường phố. Tôi không thể chia sẻ cô ấy, ngay cả với các cửa hàng, nhà hát, taxi, hay hè phố. Tôi phải mang cô ấy đi xa. Tôi phải đặt cô ấy ra ngoài tầm với, để không gì có thể chạm vào cô ấy dưới bất kỳ hình thức nào. Ngôi nhà này là một pháo đài. Kiến trúc sư sẽ là người bảo vệ tôi.” Roark ngồi nhìn thẳng vào ông. Anh phải giữ ắt mình nhìn vào Wynand để có thể lắng nghe. Wynand cảm thấy sự cố gắng trong ánh mắt anh của anh, nhưng ông không nhận ra đó là một sự cố gắng, mà chỉ nghĩ rằng đó là một sức mạnh. Ông thấy cái ánh mắt ấy nâng đỡ ông; ông không còn cảm thấy việc xưng tội là khó khăn. “Ngôi nhà này sẽ là một nhà tù. À không, không hẳn như vậy. Nó sẽ là một cái kho báu – một căn hầm để bảo vệ những đồ vật quý giá khỏi mắt nhìn của thiên hạ. Nhưng còn hơn thế nữa, ngôi nhà ấy phải là một thế giới tách biệt, phải đẹp đến mức chúng tôi sẽ không bao giờ nhớ nhung cái thế giới chúng tôi đã bỏ lại. Một nhà tù bằng quyền lực từ sự hoàn hảo của chính nó. Không phải những chấn song hay tường rào, mà chính tài năng của anh sẽ như một bức tường ngăn giữa chúng tôi với thế giới. Đó là điều tôi mong đợi ở anh. Và còn nhiều hơn thế. Anh đã bao giờ xây một ngôi đền chưa?”Trong một khoảnh khắc, Roark không đủ sức để trả lời, nhưng rồi anh thấy câu hỏi này là chân thành. Wynand không biết gì cả. “Rồi,” Roark nói. “Vậy thì hãy nghĩ về công trình này như là xây một ngôi đền. Một ngôi đền dành cho Dominique Wynand… Tôi muốn anh gặp cô ấy trước khi thiết kế nó.” “Tôi đã gặp bà Wynand vài năm trước.” “Anh đã gặp à? Vậy thì anh hiểu.” “Tôi hiểu.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương