Ta Là Tiên Phàm

Chương 3: Trên bến Tây Môn



Dịch giả: Hoa Gia Thất Đồng

Sông Tô như gương, phản chiếu đôi bờ non nước tú lệ. Sóng biếc lăn tăn gợn, vỗ về một bờ lau sậy khô héo.

Chiếc bè trúc con con xuôi theo lòng sông về hướng huyện thành Cô Tô, trên chuyến hành trình thỉnh thoảng bắt gặp cảnh thôn quê tịch mịch. Giữa trời đông tháng chạp giá rét, ngàn dặm điền viên trải dài, hiu hắt.

Tô Trần nghe đói, bèn lấy nửa ổ bánh ngô còn thừa ra ăn nốt, tạm lót dạ một chốc; lại vốc lấy hai vốc nước lạnh buốt từ dưới sông lên, ngậm trong miệng cho ấm rồi mới nuốt vào bụng giải cơn khát.

Chống sào đi suốt, lúc này đã mệt nên y cũng không vội, uống ít nước lại tiếp tục lên đường vậy; miễn đừng để bè dạt vào bờ hay va phải thuyền khác là được. Tuyến đường sông này, Tô Trần dạo trước hay đi qua nên quen thuộc quá rồi.

ooOoOoOoo

Qua mấy canh giờ, đường sông dần tấp nập lên. Ước độ giữa trưa, Tô Trần chống bè về đến bến Tây Môn của huyện thành Cô Tô.

Bến Tây Môn lúc chính ngọ, thuyền cá và thuyền hàng lớn nhỏ neo đậu khắp, cảnh tượng phồn hoa náo nhiệt dị thường.

Hiểu biết của Tô Trần về huyện thành Cô Tô không nhiều. Y chỉ đơn thuần nghe ngóng các ngư dân khác trong lúc đánh cá hoặc trong buổi trà dư tửu hậu nói chuyện rỗi với nhau, mới hay Cô Tô là huyện thành có phạm vi lớn nhất trong mười ba huyện thành thuộc Ngô quận. Địa hạt nơi đây mênh mông thiên lý, thành nội có đến mười vạn hộ dân đang cư trú, cũng là chốn phồn vinh bậc nhất Ngô quận, đẹp đẽ tú lệ tựa gấm hoa.

Bởi tuyến đường sông qua đây cực kỳ phát triển, nên Cô Tô trở thành đầu mối vận tải thủy của cả mười ba huyện thành. Thuyền cá từ các tiểu trấn thôn quê và các huyện lân cận đến đây tấp nập. Ngay cả tàu buôn lớn từ phương Bắc xuôi về Nam hay từ các quận miền Nam ngược ra Bắc cũng thường hay cập vào bến tàu bên ngoài huyện thành để tiến hành bốc dỡ và vận chuyển hàng hóa.

Dù đương lúc tháng chạp đông giá, trời đất lạnh lẽo, huyện thành Cô Tô vẫn hết sức nhộn nhịp. Người bản huyện rất nhiều, mà người từ nơi khác theo thuyền buôn đến bến Tây môn cũng không ít.

Trong số đó, có kẻ là khách thương hồ tay xách nách mang, dáng vẻ vội vội vàng vàng; có người là giang hồ hào sỹ, lưng giắt lợi đao, thân mang khí phách; còn có nghệ sỹ diễn tấu tạp kỹ, hý khúc các loại.

Không chỉ ngư dân đem cá đến đây bán, nông dân cũng đến bán hoa quả, tiều phu đến buôn củi, thợ săn buôn của ngon vật lạ từ rừng núi, lại có kẻ gánh gánh hàng rong cùng khắp, qua hết đường này đến ngõ khác. Người qua kẻ lại không ngớt.

Ngoài cổng Tây của huyện thành có một đoạn Phong Kiều(1) bằng đá. Trên bến sông ngay cạnh Phong Kiều, lắm hàng quán rong bày bán, hình thành nên một khu chợ phiên ngay bên ngoài cổng thành.

Từ bến này trông ra, có thể thấy ở cách đó không xa, chính là ngôi cổ quán nghìn năm, tiếng tăm lẫy lừng của huyện thành Cô Tô: Hàn Sơn Đạo Quán.

Rất đông phu khuân vác ở nơi này nhọc nhằn mưu sinh, trời chưa sáng đã quẩy đòn gánh đến chờ sẵn tại bến đỗ cạnh cầu đá, oằn lưng đợi thuyền cập vào để dỡ hàng. Công việc nặng nề như thế lại không dễ gì kiếm được.

Những phu xe, kiệu phu ở cách đó không xa lại đương đỏ mắt ngóng theo mấy chiếc thuyền khách kia, đợi chờ những hộ giàu có đến ngồi kiệu.

Tô Trần chống chiếc bè con đi gần nửa ngày trời, tay chân đều đã nhũn cả ra. Chợt thấy trước mắt mình là đoạn Phong Kiều bằng đá, y không kiềm được nỗi vui sướng trong lòng, liền cập bè vào bến, nhảy lên bờ.

“Bánh bao với màn thầu nóng hổi, thơm phức đây...! Một đồng một vỉ, bao no nha!”

“Lại đây ăn thử trái cây tươi ngon thượng hạng nè bà con ơi, mới hái ngoài ruộng xong luôn!”

“Củi khô, rơm khô chất lượng đây, năm đồng một gánh!”

Hàng quán ở chợ phiên Tây Môn có bán màn thầu, sữa đậu nành nóng, cả bánh quế hoa dùng làm điểm tâm sáng cũng có. Ngư dân đến buôn cá, nông dân gánh hoa quả, tiều phu bán củi… Hết thảy bọn họ đều lớn tiếng rao hàng kéo khách.

Tô Trần bước lần trên bến, hết ngóng đông lại ngó tây, trên gương mặt thơ ngây hiện rõ vẻ băn khoăn, ngơ ngác.

Phải khó khăn lắm y mới hạ quyết tâm bỏ nhà ra đi, định đến huyện thành tìm một công việc tự nuôi sống chính mình. Nhưng đến trước cửa Tây phồn hoa náo nhiệt này rồi, y mới chợt thảng thốt: biết phải đi đâu tìm việc đây?

Y ở huyện thành Cô Tô này không có lấy một người thân thích để nương nhờ, chỉ quen mỗi tên hảo huynh đệ là A Sửu ở Thiên Ưng khách sạn. Nhưng A Sửu chỉ là đứa nhóc làm thuê làm mướn, tiếp việc vặt trong khách sạn, cuộc sống quả tình chẳng khá hơn y được bao nhiêu, cũng hết sức khó khăn.

Y không muốn liên lụy A Sửu, chỉ mong ở đất huyện thành này tìm được một việc gì, dựa vào chính sức lực của mình nuôi lấy mình.

Tô Trần đi được một đỗi, lúc ngang qua một gánh hàng rong, thấy trên xửng hấp có vỉ màn thầu thô lương(2) đương lên hơi nghi ngút, thèm quá không nhịn được, nuốt nước miếng ừng ực mấy cái.

Y liếm môi, xoa xoa cái bụng đang đói cồn cào, rất muốn mua vài cái màn thầu nóng hổi, trắng bong bóc kia ăn.

Một đồng một vỉ màn thầu thô lương, cũng không quá đắt.

Nhưng y lần đến thắt lưng mới sực nhớ ra túi tiền đã bỏ lại thuyền chài, trên người chẳng còn một cắt, không mua nổi màn thầu rồi. Nửa ổ bánh ngô vừa lạnh vừa cứng y mang theo, giữa đường cũng đã ăn hết.

Tô Trần xoa cái bụng lép kẹp, có chút buồn phiền.

Y lớn lên ở vùng sông nước thôn Chu, chỉ hiểu chuyện mò tôm bắt cá. Rời nơi sông nước đến huyện thành Cô Tô phồn hoa này, y cũng chẳng biết phải dựa vào thứ gì để kiếm tiền nuôi cho no cái bụng ấy.

“Phải nhanh nhanh tìm được việc vặt gì để làm, kiếm được tiền, mới mong có thể sống yên ổn ở đất này.” Tô Trần nghĩ thầm, trong lòng lo lắng. Y rảo khắp chợ phiên Tây Môn, chạy đến từng hàng rượu, hàng thịt, quán trà, quán nước dọc theo con phố xin việc, nhưng chẳng có nơi nào cần y. Mấy hàng quán đó nếu không phải chê bai y còn bé, thì cũng cho là y quá yếu ớt, không dễ sai việc.

Tô Trần bị cự tuyệt liền mấy phen, thần sắc chán chường. Y không nghĩ ở nơi chợ phiên náo nhiệt này, tìm một việc vặt, theo phụ người ta thôi cũng khó khăn đến thế.

Y đã hơn nửa ngày chẳng có gì bỏ vào bụng, đói đến toàn thân rã rời, cứ tiếp tục như vầy, chưa đến hai ba hôm đã phải chết đói trên phố.

“Thuyền lớn đến rồi… Có việc làm rồi!” Đám đông phu khuân vác trên bến Tây Môn lập tức ồn ào hẳn lên.

Tô Trần đương rầu rĩ chợt nghe thấy tiếng huyên náo, kinh ngạc ngẩng đầu lên nhìn.

Chính vào lúc ấy, y trông thấy một con thuyền chở gạo rất lớn đang từ từ cập vào bờ, đỗ lại bên bến tàu gần cầu đá.

Tô Trần sửng sốt, trong lòng hết sức mừng rỡ. Thuyền gạo lớn đến thế, chắc chắn có rất nhiều gạo phải bốc dỡ, hẳn cần một lượng lớn nhân công!

Y trông thấy đứng lẫn giữa đám đông phu khuân vác có một đầu tử(3) mặt đen, cũng đang ngóng đợi con thuyền hàng lớn kia cập bến.

“Ta nữa! Đại ca ơi, tính cả ta nữa, ta cũng có thể dở hàng!” Tô Trần vội ba chân bốn cẳng chạy đến chỗ đầu tử mặt đen để xin một công việc. Muốn có chuyện làm trên bến này, tất phải theo chân quản đốc mới kiếm được chén cơm ăn.

Đám hán tử khuân vác lập tức cười rộ lên: “Chưa từng thấy thằng nhãi nào lắm mồm thế này, đang kêu gào hóng hớt cái gì đấy hử!”

“Đi đi! Thằng oắt con này ở đâu đến phá phách thế?” Đầu tử khuân vác mặt đen thấy Tô Trần bạt mạng chui vào trong đám người, một tay nắm lấy tấm thân gầy gò yếu ớt của y nhấc bỏ ra ngoài, lại vung tay xua đuổi, bắt y mau mau rời đi.

Bất kỳ người nào trong số thủ hạ của gã cũng có thể gánh ít nhất một, hai trăm cân. Tên tiểu tử này tay chân mảnh khảnh, ắt không gánh nổi mấy mươi cân.

Lại thêm, hiện giờ đương lúc trời đông tháng chạp, dân lưu vong nhiều, bến Tây Môn này không hề thiếu nhân lực. Vẫy bừa thôi cũng vẫy được mấy mươi tay hán tử đang đói rã ruột, đỏ mắt ngóng việc làm, đằng sau còn một nhà mấy miệng ăn phải chăm lo. Cần chi gọi một đứa con nít đến làm cái công việc thô trọng này?!

Tô Trần bất giác nóng ruột, mồ hôi vã ra đầy đầu. Nếu không kiếm được tiền, không mua nổi màn thầu, chỉ e y phải chết đói ở huyện thành này.

Chính lúc ấy, y thấy một thương nhân trung niên bước ra từ bên trong khoang thuyền, băng qua tấm ván gỗ đi vào bờ. Người này thân khoác ác da, nôm rất phúc hậu. Theo sau ông ta còn có một quý phu nhân vẻ ngoài đầy phúc khí, tay dắt một thiếu nữ hình mạo thanh tú.

Y phục của ba người bọn họ tinh xảo, đẹp đẽ, lộ rõ sự sang trọng, xa hoa, đương nhiên cách biệt hoàn toàn so với đám đông bình dân lẫn sai dịch trên bến.

Theo sát phía sau người thương nhân trung niên này còn có mười mấy tên gia đinh, tôi tớ tay cầm gậy gộc, thêm vài mụ già xách lỉnh kỉnh đồ đạc, hành lý.

Đây rõ ràng là một gia đình hào môn trong huyện thành.

Vị tiểu thư nhà giàu ấy khoác một tấm áo lông chồn rất dày, môi thật đỏ răng thật trắng, tuy mới khoảng mười một, mười hai tuổi mà đã là một tiểu mỹ nhân trời sinh. Khuôn diện nhỏ nhắn của nàng phớt phớt hồng trong làn gió đông, yêu kiều động lòng người.

Tô Trần giật bắn mình, vội lùi về một bên, không dám cản đường gia đình phú thương ấy.

Tiểu mỹ nhân nhà giàu bước xuống thuyền, vừa khéo trông thấy Tô Trần vì quá căng thẳng mà mồ hôi đã chảy thành dòng nhễ nhại trên mặt, giống hệt một con khỉ con đang sợ đến cuống quýt lên. Nàng không nhịn được nhoẻn miệng cười khúc khích, nụ cười rạng rỡ như hoa.

Nhưng rất nhanh, nàng ý thức được giữa hai người có sự cách biệt về thân phận, bèn nghiêm nét mặt, lạnh lùng “hừ” một tiếng, trên khuôn diện nhỏ nhắn lộ ra vẻ khinh miệt, không buồn ngó đến y.

Tô Trần nhận ra sự khinh bỉ trong ánh mắt của vị tiểu thư ấy, tự lấy làm hổ thẹn, lại lùi về sau một chút, mặt đỏ bừng như bị lửa thiêu đốt. Y cúi đầu, chẳng dám nhìn thêm.

Đầu tử mặt đen đang đứng đợi trên bến tàu liếc mắt đã nhận ra đấy là phú thương họ Lý, trong tay nắm những mấy cửa hàng gạo ở huyện thành Cô Tô. Hẳn ông ta vừa từ tiểu trấn thu gom lương thực trở về.

“Ai dô, Lý lão gia, ngài mới đi buôn gạo về đấy à, làm ăn phát đạt ha, mọi chuyện trên đường đều thuận lợi chứ hả...?!” Phu khuân vác mặt đen vội vàng tiến lên phía trước, khom mình chắp tay, ton hót bợ đít vị phú thương bán gạo kia một hồi, hy vọng xin được một chân bốc dỡ gạo.

“Ai, năm nay thế đạo gian nan quá, bên ngoài huyện thành khắp nơi đều có dã tặc thảo khấu. Bản lão gia chuyển một thuyền gạo đi tiểu trấn mà phải đem theo mười mấy gia đinh trong phủ hộ tống. Đi con đường này thực tình thấp thỏm không yên được!”

Phú thương họ Lý lắc đầu bước xuống bến, có vẻ khá thân với gã phu khuân vác mặt đen.

“Lý lão gia bình an quay về thì tốt rồi, đến huyện thành là yên ổn. Có quan sai canh giữ, đám giặc cướp trên sông cũng không dám đến gần huyện thành. Đợi qua mùa đông này bọn tặc khấu chết đói rồi, chắc sẽ ổn định thôi mà.”

“Quan sai? Ai da! Tốt nhất là chớ có dây vào. Mà thôi dẹp đi, đừng có ở đó nói tào lao nữa. Lão hắc đầu này, ngươi kêu người chuyển hết chỗ gạo này đến kho gạo của Lý gia trong huyện thành. Bản lão gia còn phải đi Hàn Sơn Đạo Quán một chuyến, thắp vài nén hương, làm chút chuyện.” Phú thương họ Lý chắp tay sau lưng, phân phó mấy câu, bảo phu khuân vác mặt đen cho người chuyển gạo đến nhà kho trong thành.

“Vâng vâng, tạ Lý lão gia!”

Đầu tử khuân vác mặt đen mừng rỡ, khom người gật đầu lia lịa. Gã liền ngoảnh lại, hướng về phía đám hán tử khuân vác hô lớn: “Các huynh đệ, Lý lão gia thưởng cho chén cơm ăn này. Các huynh đệ khẩn trương làm việc thôi!”

Đám phu khuân vác hết sức vui mừng, nhất loạt xông vào làm, kẻ gánh gạo, người dỡ hàng. Một đợt chuyển gạo này có thể kiếm được tiền cơm cho mấy ngày liền.

ooOoOoOoo

Phú thương họ Lý đích thân áp tải một thuyền gạo, tuy bình yên về đến huyện thành Cô Tô nhưng trong lòng vẫn nơm nớp lo sợ.

Lão thường niên vẫn ra ngoài mua gạo. Đi đi lại lại trên giang hồ, lão đương nhiên biết Cô Tô thành ngoại từ lâu đã chẳng còn thái bình, mỗi ngày một thêm bất ổn.

Mười hai mươi năm trở lại đây, Ngô quận liên tiếp gặp tai vạ, dân lưu vong từ tứ xứ đổ về, sơn tặc thảo khấu cũng dấy lên khắp nơi, kéo bè kết đảng, tác oai tác quái.

Duy có ngũ đại bang phái uy vũ ngang tàng, mới dám coi khinh đám giặc cỏ ô hợp ấy.

Đến cường hào ác bá của mười ba huyện Ngô quận cũng kéo nhau núp dưới trướng ngũ đại bang phái, hòng được bảo hộ. Thế lực của mấy bang phái giang hồ này mỗi lúc một lớn mạnh, đệ tử trong bang có đến hàng ngàn hàng vạn, tung hoành dọc ngang các huyện thành lẫn những vùng quê thôn dã.

Lão thái thú Ngô quận lẫn huyện lệnh các huyện có khi phải cậy nhờ các bang phái giang hồ này ra mặt, mới mong giải quyết nổi mớ sự tình nan giải ở các huyện thành.

Thế nhưng, mấy chuyện này cũng chưa khiến phú thương họ Lý phải lao tâm khổ tứ. Trong lòng lão còn một nỗi lo buồn khác.

Mấy năm nay lão nhọc tâm quán xuyến những mấy cửa hàng gạo lớn trong huyện thành. Nhân lúc các huyện ở Ngô quận mất mùa, tứ bề loạn lạc, lão đầu cơ tích trữ, thu mua lương thực với giá rẻ rồi bán lại với giá đắt, quả thực đã kiếm về không ít bạc, tích lũy được một cơ nghiệp đồ sộ.

Nhưng lão cưới vợ được hơn mười mấy năm, lại nạp liên tiếp mấy người thiếp mà vẫn không có mụn con nối dõi. Cuối cùng đến người tiểu thiếp thứ ba, mới sinh được cho lão đứa con gái Lý Kiều bảo bối này. Có điều con bé được nuông chiều từ nhỏ, thể chất yếu nhược, thường hay nhiễm phong hàn, uống bao nhiêu thuốc cũng không thấy khỏe hơn, khiến lão nóng ruột lắm.

Lão đương nghĩ có nên chăng đưa con bé đến các bang phái giang hồ bái sư học nghệ, rèn giũa một phen. Luyện võ cũng có thể cường kiện thể phách, trị được tận gốc bệnh tật.

Vả chăng trong mấy năm nay, thế lực của các bang phái giang hồ mỗi lúc một thêm lớn mạnh, so với mấy gian hàng gạo của nhà lão đương nhiên có tiền đồ hơn.

Quả là nhà họ Lý ở huyện thành Cô Tô này có đến mấy cửa hàng gạo, trải mấy mươi năm làm ăn kinh doanh mà tích lũy được một gia sản kếch xù, trong nhà lại nuôi mười mấy tên gia đinh, tôi tớ cùng vài mụ già giúp việc. Nhưng chớ thấy họ Lý khấm khá hơn một chút so với bá tính bình dân mà cho rằng địa vị của gia tộc lão ở huyện thành Cô Tô này cao.

Ngẫu nhiên vài tên nha dịch nào đó cũng có thể ở trước mặt lão giễu võ giương oai.

Rồi ngày thường lão theo thuyền buôn vận chuyển thóc gạo, nếu gặp phải người của mấy bang phái giang hồ, bị bọn chúng bắt chẹt, cũng chỉ có nước ói máu mà cúc cung hiếu kính.

Nếu nhi nữ của lão có thể đầu nhập một trong năm đại bang phái, tương lai ắt sẽ có được lối thoát tốt, chắc chắc tốt, ăn đứt mấy cửa hàng gạo của lão. Ngày sau con bé có thành tựu nhất định rồi, ở huyện thành này cũng chẳng có bao người dám bắt nạt kẻ buôn gạo như lão nữa.

Phú thương họ Lý ngẫm nghĩ một hồi, lại hướng về phía quý phu nhân kia, nói: “Phu nhân, bà nói xem, ta đưa Kiều Nhi đến bang phái giang hồ rèn giũa một thời gian thì sao? Ta đã suy đi tính lại mấy năm nay, một trong tứ đại bang phái của Ngô quận là Dược Vương Bang cũng được đấy, tiền tài lắm mà thế lực cũng mạnh, lại hay trị bệnh tích đức, thanh danh tốt đẹp.

Dược Vương Bang tháng chạp hàng năm đều sẽ chiêu mộ thêm một lượng lớn đệ tử ngoại môn cùng ít đệ tử nội môn, tính ra trùng đúng vào mấy ngày này.”

Gương mặt vị phu nhân ấy có hơi biến sắc. Trong thâm tâm, bà không mong con gái phải mạo hiểm dấn thân vào chốn giang hồ: “Lão gia, nhà ta dù gì cũng là gia đình hào môn trong huyện thành, có đến mấy hiệu gạo lớn, không phải lo cái ăn cái mặc. Chúng ta chỉ có mỗi mụn con gái này, mà giang hồ chém chém giết giết, ngộ nhỡ có bất trắc gì...?!”

“Bà đúng là đồ đàn bà chẳng hiểu gì, chỉ thấy trước mắt vài năm có thể sống tốt rồi nói bừa! Hiện thời thế đạo bên ngoài đã loạn, lời nói của nha môn không cần đếm xỉa đến. Nếu không có chỗ dựa, gia đình ta ngày tháng sau này sẽ rất khó khăn. Chuyện này ta làm chủ!

Kiều Nhi, cha tìm người đem lễ vật lót đường, đưa con vào Dược Vương Bang làm đệ tử nội môn!"

Phú thương họ Lý đã hạ quyết tâm, chuẩn bị đem số của cải kếch xù tích góp được trong mấy năm nay lo liệu việc này.

Đệ tử các bang phái giang hồ phân thành nội môn và ngoại môn.

Xuất phát điểm của đệ tử nội môn vốn đã cao hơn đệ tử ngoại môn, ngày sau càng có hy vọng trở thành nhân vật cao tầng trong bang phái.

Lão muốn dùng chỗ tiền tài kiếm được trong mấy năm nay dọn đường cho con gái trở thành đệ tử nội môn của bang phái lớn, có thế mới mong rộng đường tương lai.

“Nhưng mà lão gia, chúng ta trước nay nào có qua lại với giang hồ, biết đào đâu ra cách?”

“Hàn Sơn Chân Nhân của Hàn Sơn Đạo Quán là đệ nhất thế ngoại cao nhân trong mười ba huyện Ngô quận. Ngài ưa hành thiện tích đức, danh vọng cao ngất, cả quan phủ, lão bá tánh lẫn giang hồ nhân sỹ đều kính ngưỡng. Nếu cầu được ngài ấy ra mặt, chắc chắn sẽ không thành vấn đề. Nhưng Chân Nhân thường vân du tứ phương, như “thần long kiến thủ bất kiến vỹ”(4), không dễ gì gặp được.

Cũng may, đại đồ đệ của ngài là Thanh Hà đạo trưởng bình nhật đều ở trong đạo quán. Người này giao thiệp rộng rãi, quen biết không ít nhân vật cao tầng của các đại bang phái, mà tính cách cũng nhiệt tình.

Ta chuẩn bị một phần hậu lễ đến cầu đạo trưởng, nhờ ngài nói giúp một tiếng, việc này ắt có thể thành.”

Phú thương họ Lý chỉnh lại tấm áo khoác da dày trên người, dắt tay cô con gái thân nhiễm phong hàn, vẫy một chiếc kiệu lớn bốn người khiêng, cùng phu nhân lên kiệu.

Mấy người kiệu phu khiêng chiếc kiệu lớn, đám đông nô bộc cùng mấy mụ già túm tụm đi theo. Chiếc kiệu lắc lư đi về hướng cửa Tây huyện thành Cô Tô.

Cô Tô thành ngoại, cách bến Tây Môn không xa, chính thị Hàn Sơn Đạo Quán.

Phú thương họ Lý để lại hai tên gia đinh thân tín coi việc chuyển gạo, đem theo phu nhân, con gái với một đám gia đinh, nô bộc đến Hàn Sơn Đạo Quán cầu kiến Thanh Hà đạo trưởng.

ooOoOoOoo

Tô Trần vẫn ở suốt trên bến. Mắt thấy cả nhóm phu khuân vác đều đã có việc để làm, bản thân lại đói đến rã ruột, y hết sức nóng lòng. Lửa đã lem đến tận chân mày(5).

Y vô tình nghe được đoạn đối thoại của phú thương họ Lý với vợ trước lúc rời đi.

Mấy lời đó y chẳng để tâm mấy, chỉ lưu ý mỗi câu: “Dược Vương Bang tháng chạp hàng năm đều sẽ chiêu mộ thêm một lượng lớn đệ tử mới!”

Nghĩ đến đây, Tô Trần đánh trống ngực.

Dược Vương Bang sắp chiêu mộ đệ tử?

Cũng chẳng rõ lần chiêu mộ đệ tử này đòi hỏi những điều kiện gì. Kẻ xuất thân chài lưới như y, liệu có thể trở thành đệ tử bang phái?

Song mấy ý niệm này cũng chỉ vụt thoáng qua trong tâm thức Tô Trần.

Chén cơm đêm nay còn chưa có mà ăn, thì nước xa sao cứu được lửa gần?

Tô Trần tìm trên bến Tây Môn đã nửa ngày mà vẫn chưa có việc để làm, bụng thì đang réo ầm ầm. Ngước mắt thấy trời đã về chiều, vầng dương cũng tà tà ngả về Tây. Giờ y chỉ còn nước đi vào thành nội tìm vận may, nghĩ cách kiếm được cái ăn rồi hẵng tính tiếp vậy.

---------------------------------

Chú thích của người dịch:

(1) Phong Kiều: “Phong Kiều” được tác giả nhắc đến ở đây là tên gọi một cây cầu đá thuộc địa giới Tô Châu (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) ngày nay. Phong Kiều đã nhiều lần đi vào thi ca, trong đó có tác phẩm “Phong Kiều dạ bạc” nổi tiếc của nhà thơ Trương Kế đời Đường.

(2) Màn thầu thô lương: một loại màn thầu trong thành phần chính ngoài bột mỳ còn có bột ngô, đậu hoặc cao lương, khác với màn thầu thông thường chỉ có bột mỳ.

(3) Đầu tử: thủ lĩnh, người cầm đầu.

(4) Thần long kiến thủ bất kiến vỹ: ẩn dụ những người có bản lĩnh hoặc tài năng dị thường nhưng hành tung thần bí, không để lộ chân tướng. (Nguồn tham khảo: http://dict.revised.moe.edu.tw/cgi-bin/cbdic/gsweb.cgi?o=dcbdic&searchid=Z00000131405)

(5) Lửa đã lem đến tận chân mày (nguyên văn Hán Việt: “hỏa đáo mi mao”): thành ngữ, chỉ sự tình cấp bách, hàm nghĩa tương tự như “nước đến cổ”.
Chương trước Chương tiếp
Loading...