Tan Băng Rồi Đó Anh

Chương 5: Sĩ diện đàn ông



Chiếc xe con màu đen bóng loáng sang trọng đỗ xịt trước sân ngôi biệt thự to lớn. Màn đêm bị phá bĩnh bởi các ánh điện được thi nhau bật lên sáng rực qua các ô cửa sổ. Ngôi biệt thự trở lên lộng lẫy lung linh.

Cửa xe mở, Phúc áo phông quần jean giầy thể thao trông rất ăn chơi bước ra, đóng ụp cửa xe lại, rồi khật khưỡng bước về cửa lớn ngôi biệt thự.

-Mày định thế này đến bao giờ đấy hả!

Căn phòng khách trang hoàng ấm cúng đã được ủ sẵn bầu không khí nặng nề. Người đàn ông trung niên mặc fijama gầm lên giận dữ khi nhìn bộ dạng Phúc bước vào. Thái độ ấy không làm cho Phúc run sợ, ngược lại còn dũng khí nhìn ông thách thức:

-Bố ạ, con đã lớn và con cũng không tiêu tiền của bố.

Ông bố giận tím mặt đứng yên nhìn. Phúc khật khưỡng leo lên cầu thang. Từ trên gác một phụ nữ trung tuổi mặc váy ngủ, tóc bồng bềnh buông xõa lật đật đi xuống đỡ lấy Phúc, lo lắng.

-Con à, sao con chơi khuya thế? Lại còn tắt máy nữa, con làm bố mẹ lo quá, lại còn uống say thế này nữa. Đã thế lại còn lái xe là sao. Trời ơi, con ơi là con.

Người mẹ rên rỉ vì xót con. Phúc lè nhè:

-Con say đâu mà say. Mẹ đừng có lo. Con về đây rồi còn gì. Thôi mẹ đi ngủ đi. Đừng mệt vì con nữa.

-Nhưng mẹ phải xem con thế nào đã, đi cẩn thận nhé. Nào, để mẹ đỡ con.

-Con đã bảo là con không sao mà. Con không làm sao hết mà. – Phúc cố bước cho vững nhưng toàn thân vẫn cứ la đà, phải bám vào tay vịn cầu thang.

-Để mẹ, để mẹ đưa con lên phòng. – Người mẹ cố đỡ lưng đứa con trai cao lớn.

Hai mẹ con đã đến khúc quanh cầu thang. Người mẹ nhìn xuống phòng khách, thấy người cha vẫn đang sốt sắng nhìn lên, bà nhìn ông bằng ánh mắt trấn an.

***

Đồng hồ chỉ 10h, ánh sáng mặt trời chiếu qua khe cửa. Phúc hé mắt, cơ thể mỏi rã rời. Căn phòng vẫn để đèn ngủ, các cửa vẫn đóng, tất cả đang phục vụ cho sự nghỉ ngơi này. Chỉ những ánh nắng vàng lọt qua khe chiếu lên tường nhà là chống lại. Phúc nhận thấy đầu mình đau nhức, anh đưa tay day day hai thái dương.

Cửa phòng mở, mẹ Phúc vội bước vào với khuôn mặt hơi hốc hác, bà đến bên Phúc nhìn với ánh mắt còn chưa hết lo lắng:

-Con tỉnh rồi. Đừng lo, mẹ đã xin thầy cho con nghỉ. Đau đầu phải không. Nằm yên, để mẹ bóp đầu cho.

Bà kéo tay Phúc ra và bắt đầu day hai thái dương cho Phúc, rồi bóp trán, bóp đầu, bóp bả vai, cánh tay cho Phúc. Phúc nằm yên, mắt nhắm thư thái. Chợt một bàn tay ấm nắm lấy chân Phúc và nắn nắn. Phúc mở mắt. Bố Phúc đã ngồi đó từ lúc nào, khuôn mặt cũng không kém phần hốc hác.

-Anh cứ đi làm đi. Em đã bảo là con không sao mà. Con tỉnh rồi, nó khỏe mà, chỉ là uống quá chén thôi, có sao đâu.

Nhưng bố Phúc vẫn ngồi yên, khuôn mặt điềm đạm nét ngày thường nhìn Phúc thở dài. Phúc rút chân khỏi tay bố, mặt hầm hầm giận dỗi ngoảnh đi. Mẹ Phúc lo âu nhìn cả hai bố con rồi lay tay bố Phúc.

-Em đã nói là anh đi làm đi. Việc công ty cũng rất quan trọng. Còn con ở nhà đã có em rồi. Hôm nay em sẽ ở bên nó.

Bố Phúc gật nhẹ đầu, quay sang Phúc, giọng trầm lắng mà chất chứa cả một tâm can.

-Phúc. Bố muốn nói với con điều này. Con dù có làm gì đi chăng nữa thì con vẫn là con của bố mẹ. Chúng ta là gia đình, là tổ ấm, không phải là chiến trường. Nếu con cứ giữ mãi cuộc chiến này thì sẽ chẳng có ai là người chiến thắng ở đây cả. Tất cả sẽ cùng suy tàn mà thôi.

Nói rồi ông lặng lẽ đứng lên, bước những bước chân nặng nề ra ngoài. Mẹ vẫn ân cần nắn vai cho Phúc. Bà thủ thỉ khuyên Phúc hãy cố hiểu bố mẹ, bố mẹ chỉ muốn điều tốt cho con, ôi những triết lý muôn đời đã được lặp đi lặp lại từ người mẹ dịu dàng.

Thì ra cuộc vui đêm qua đã lấy đi thời gian quý báu trong buổi sáng hôm nay của tất cả mọi người. Bố Phúc là Tổng giám đốc một công ty xây dựng nổi tiếng trên thương trường. Ngày 24 giờ thì ông đã dành cho cơ quan đến 12 tiếng, chưa kể những khi có sự vụ. Mẹ Phúc làm giám đốc một trung tâm thư giãn rất đông khách. Cả hai đều bận rộn nhưng sáng nay đều phải gác tất cả mọi việc lại để theo dõi thằng quý tử duy nhất. Suốt đêm họ thao thức vì cảnh Phúc hết nôn mửa đến vật vã rồi lại ngủ say mèm. Khuôn mặt hốc hác thiếu ngủ của mẹ như tố lên tội lỗi của Phúc.

Vũ trường, nơi suốt mấy ngày qua Phúc đã cố nhấn chìm mình trong đó để khẳng định sức mạnh bản thân. Nhưng rồi, những ánh đèn màu, những ly rượu mạnh, những nàng vũ công bốc lửa, những người bạn cuồng nhiệt và tiếng nhạc cuồng say, cả thế giới ấy rốt cục giờ đây chỉ đọng lại trong anh sự day dứt. Bởi bên cạnh nó luôn là nỗi lo cháy ruột của đấng sinh thành. Nhưng trái ngược với nỗi ân hận đang hiện hữu lúc này, khi đó anh đã cảm thấy thật là hả lòng hả dạ.

Phúc còn nhớ như in khuôn mặt rạng ngời của cái kẻ có tên Đặng Ngọc Phan hiện trên màn hình laptop của bố. Hôm ấy bố Phúc đã đại diện công ty đến trao giải cho những sinh viên đoạt giải hàng năm do công ty tài trợ, một hoạt động của công ty liên kết với trường Đại học xây dựng hàng năm. Đặng Ngọc Phan là một trong những sinh viên hiếm hoi đoạt giải lần thứ ba. Sau lễ trao giải, ông đã có buổi phỏng vấn riêng Phan.

Cuộc chiến giữa hai cha con Phúc châm ngòi từ đây, khi ông hết lời ca ngợi Phan và ao ước Phúc cũng được như vậy. Đối với Phúc, không có sự so sánh nào khó chịu như thế.

-Đặng Ngọc Phan, tên hay thật, cậu ấy đúng là một viên ngọc. Một viên ngọc quý. Chẳng lẽ trên đời này, thật sự có mối liên hệ giữa cái tên và sự thành đạt của một con người sao?

Hôm ấy câu chuyện bắt đầu từ như thế.

-Bố lạ thật. Cái tên chỉ là cha mẹ đặt, tên ai chả hay mà vẫn có người này người nọ đấy thôi.

-Ây dà, đúng thế. Cha mẹ nào cũng cố đặt cho con cái tên thật đẹp, nhưng con cái không chịu phấn đấu thì cái tên cũng thành vô nghĩa mà thôi. – Bố Phúc thở dài.

Lúc đó Phúc đã thấy rất cay mũi, hằm mặt ngay:

-Tên con là Nguyễn Hoàng Phúc, con thấy con đã sống đủ với ý nghĩa của nó. Tên của con không hề vô nghĩa.

-Thật ra con chưa xứng đáng nhận thế đâu – Bố Phúc e hèm nghiêm giọng chấn chỉnh – Con cho là bố mẹ kỳ vọng con là người như thế này sao? Như bây giờ sao?

-Bố lại thế. - Phúc nổi cáu – Cái kỳ vọng của bố là làm khổ con chứ không làm con hạnh phúc. Bố muốn cái gì nữa đây. Con đã thi trường Xây dựng vì bố, con học đến ngày hôm nay cũng là vì bố.

-Con thôi đi. Một giám đốc tương lai không thể nói câu thiếu chí hướng đó. Một giám đốc tương lai cũng không thể hành động vì người khác. Con xem đây, cậu ta mỗi câu trả lời phỏng vấn đều xứng đáng để người khác nghe và học tập. Còn con, tại sao con không nói nổi được một câu như thế mà hở cái là lại vì bố, vì bố!

Bố Phúc vừa nói vừa chỉ vào mặt Phan trên màn hình laptop, lớn tiếng.

-Cậu ta nghèo đến không có tiền đi học, phải nghỉ ngang giữa chừng mà vẫn quyết tâm quay lại trường lớp và còn thi đỗ đại học. Vừa học vừa làm thế mà vẫn đoạt hết giải thưởng này đến giải thưởng khác. Còn con thì thế nào. Chỉ có mỗi việc học thôi. Suốt mấy năm đại học, bao nhiêu là cuộc thi rồi, con đều không tham gia. Bao nhiêu giải thưởng đem trao cho con người ta. Còn con nhà mình đến cái giải bét cũng không có cơ hội.

-Con không cần cái giải thưởng nào hết. Giải thưởng với con không để làm gì cả. – Phúc ngang ngạnh

-Cái gì? Mày nói cái gì? – Bố Phúc hỏi gắt lên.

-Người ta kiếm giải để ghi điểm đi xin việc. Còn con, cái ghế giám đốc chờ sẵn đấy, con còn kiếm giải làm gì!

-À, mày nghĩ thế hả? – Bố Phúc trợn mắt – Thật đúng là tức chết. Cho nên mày mới chẳng chịu làm cái gì hết. Chỉ biết chờ qua ngày qua tháng rồi ngồi vào cái ghế giám đốc có phải không. Mày tưởng ngồi vào rồi đơn giản đấy hả. Nghĩ xem vì ở công ty này toàn những người giỏi như thằng Phan. Cỡ mày suốt ngày chỉ chơi bời không chịu tu dưỡng rèn luyện thì rồi điều hành người ta thế nào đây.

-Bố nghĩ là con không biết điều hành sao? Thế hai cái quán cà phê của con tự dưng mà đông khách à? – Phúc quắc mắt.

-Mới thế thôi mà đã huyênh hoang. Việc tép riu đó mà cũng đem ra so sánh. Thế đủ biết là đầu óc con chưa trưởng thành xứng tầm một giám đốc. Con ạ. Nên xa dần lũ bạn con ra. Chúng không giúp được gì cho con cả. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Hãy học hỏi từ những người như cậu Phan này, nếu có cơ hội làm bạn với nhau là tốt nhất. Cậu ta sẽ giúp suy nghĩ của con thay đổi. Lại đây, bố mở bài phỏng vấn này cho con đọc, có nhiều câu cậu ta trả lời nghe đáng khâm phục lắm.

-Con không đọc. Nó giỏi thì mặc kệ nó. Đừng có lôi con vào!

-Đồ ngang ngược! – Bố Phúc gầm lên – Thế thì đi mà tìm mấy thằng bạn chỉ biết ăn chơi với gái gú của mày đi. Chúng mày có biết làm gì ngoài việc tiêu xài tiền của bố mẹ không!

-Nhưng con không tiêu tiền của bố. – Phúc gằn giọng, nghiêm mặt nhìn bố sâu cay.

Bố Phúc khựng lại. Phúc nghiến răng tiếp:

-Bố đừng có động vào cuộc sống của con kiểu như thế. Con rất ghét. Cái ghế giám đốc à, quan trọng đấy, nhưng vẫn vậy thôi. Con không việc gì phải thay đổi cách sống của mình vì nó cả.

Phúc lầm lì quay đi khỏi phòng.

-Mày … mày…sao mày lại cứ như thế chứ. Giờ mày lại đi với lũ kia hả. Đã thua kém lại còn tinh tướng. Cậu ta rồi sẽ vào công ty này làm, và sẽ cười vào cái mặt thằng giám đốc như mày cho mà xem.

Rầm! Phúc trút cơn nóng giận vào cánh cửa phòng. Anh lấy xe ô tô và phóng vút đi để tự giải phóng mình khỏi cơn ức chế.

Kể từ hôm ấy, cứ tối đến Phúc là chìm đắm liên miên trong các vũ trường. Phúc biết cách này sẽ khiến ông bất lực và cắn rứt lương tâm. Nhưng Phúc vẫn cố quậy hết cỡ cho hả cơn tự ái. Cũng đôi lần Phúc trùng lòng lại khi thấy ánh mắt xót xa của cha, lúc ấy Phúc đã nghĩ tới việc dừng cuộc chiến lại. Nhưng không hiểu sao lần nào cũng tình cờ gặp phải Phan, thế là lòng Phúc lại sôi lên nỗi cay cú không rõ đầu đuôi.

Từ lâu rồi, cái tương lai kế nghiệp bố đã trở thành gánh nặng với Phúc, nó là cái đích mà dù có vùng vẫy thế nào Phúc vẫn phải về đúng chỗ đó. Chân lý không ấy không còn gì bàn cãi. Bởi anh là con một, bởi cha mẹ anh là những nhân vật tuyệt vời, và công ty lớn mạnh này không thể trao cho ai khác ngoài anh.

Phúc đã được cha mẹ thay nhau nuôi dưỡng bồi đắp để vươn tới mục tiêu đó. Nhiều khi Phúc cảm thấy chán ngán với trọng trách này và rơi vào thái cực đối lập. Phải tỏ ra tệ hại để cho họ đừng kỳ vọng vào anh nữa, đừng kiềm kẹp anh nữa. Anh không thể để đời trai trẻ của mình bị gò bó trong cái khuôn vô hình kia. Anh muốn tận hưởng mọi niềm vui trên đời. Bởi vì, anh là người có tất cả, danh phận, tiền bạc, học vấn, sự nghiệp, và diện mạo hấp dẫn. Anh hãnh diện vì luôn là hoàng tử trong mộng của các cô gái, là cái tên mà bạn bè giới thượng lưu nhắc tới ai cũng phải nể. Thế mà, cái thằng học sĩ nghèo ấy - Đặng Ngọc Phan, nó lại dám dẫm đạp lên sự cao ngạo của anh.
Chương trước Chương tiếp
Loading...