Tên Của Đóa Hồng

Chương 35



KINH XẾ TRƯA

Tác giả: Umberto Eco

William nói với Adso về chức năng

của quần chúng trong Giáo hội,

nỗi hoài nghi của mình

về khả năng hiểu biết luật trời đất.

Và nói thêm cách ông đã giải mã

các dấu hiệu đồng cốt do Venantius để lại.

Tôi thấy thầy William nơi lò rèn đang say sưa bàn việc với Nicholas. Trên bàn có bày một số tròng kính nhỏ. Thầy William đưa chúng lên xem thử. Còn Nicholas thì chỉ vẽ cho thợ rèn làm một chiếc gọng để ráp tròng kính vào.

Thầy William đang càu nhàu bực bội vì cặp kính được nhất tự nãy giờ có màu xanh lục, mà thầy thì không muốn bản da hiện ra như cánh đồng trước mắt mình. Nicolas đi ra và giám sát các thợ rèn. Trong khi thầy thử mắt kính, tôi kể thầy nghe câu chuyện của Salvatore.

Thầy nói: - Người ấy có nhiều kinh nghiệm. Có lẽ Huynh ấy đã ở với dòng Dolcino. Tu viện quả thực là một thế giới thu hẹp, khi nào sứ giả Giáo hoàng John và Sư huynh Michael đến đây thì đúng là đầy đủ các giới.

Thầy William yên lặng một lúc, đưa cặp kính lên đèn quan sát. Rồi thầy đặt kính xuống bàn và bảo tôi nhìn xuyên qua mắt kính để xem xét dụng cụ - Xem này, con thấy gì đây?

- Dụng cụ trông lớn hơn một chút

- Đấy, giỏi lắm (thế?) là chúng ta có thể nhìn sát hơn

- Nhưng dụng cụ trông vẫn như vậy mà!

- Nhưng bản chép của Venantius cũng vẫn nguyên trạng thôi, nhưng nhờ có kính, thầy mới đọc nó được. Có lẽ khi đọc nó xong, thầy sẽ biết rõ hơn một phần sự thật. Và có lẽ ta sẽ làm đời sống ở tu viện này tốt hơn.

- Nhưng như thế cũng chưa đủ!

- Adso ạ, thầy đã nói hơi nhiều. Đây không phải là lần đầu tiên thầy nói với con về Roger Bacon. Có lẽ ông ấy không phải là người khôn ngoan nhất ở đời, nhưng thầy luôn luôn bị mê hoặc bởi nguồn hi vọng đã làm khơi dậy niềm say mê học hỏi của ông ta. Bacon tin vào sức mạnh, vào nhu cầu và tinh thần sáng tạo của quần chúng. Nếu ông không nghĩ rằng những người nghèo, những người bị ruồng bỏ, những người dốt nát và thất học thường kính Chúa tại tâm, thì ông đã không thể là một tu sĩ Francisco tốt được. Quần chúng có một cái gì đó hay hơn các học giả uyên thâm, những người hay lạc lối trong công cuộc tìm kiếm những quy luật tổng quát, bao la. Quần chúng nắm vững một chân lý của chính họ, có lẽ còn chân chính hơn chân lý của các học giả trong Giáo hội, nhưng rồi họ lại tiêu diệt nó một cách vô thức. Thế phải làm gì? Giáo dục quần chúng ư? Dễ quá hay khó quá đây. Những thầy dòng Franciso đã suy ngẫm về vấn đề này. Bonaventura vĩ đại (1) đã nói rằng, người khôn phải làm nổi bật các quan niệm trong sáng bằng chân lý tiềm ẩn trong hành động của quần chúng…

Bacon nghĩ rằng nền khoa học tự nhiên mới phải là một công trình vĩ đại mới, đầy táo bạo của giới trí thức, để kết hợp với các nhu cầu căn bản tượng trưng cho hàng loạt kỳ vọng, tuy hỗn độn nhưng chân chính, của quần chúng, bằng một con đường hiểu biết khác về các quy trình tự nhiên. Nền khoa học mới sẽ là một phép lạ tự nhiên mới. Theo Bacon, sự nghiệp này phải do Giáo hội lãnh đạo, Nhưng thầy tin rằng ông nói thế vì thời ấy cộng đồng tăng lữ được đồng hóa với cộng đồng giới trí thức. Ngày nay thì không phải như vậy nữa: giới trí thức trưởng thành bên ngoài các chủng viện và giáo đường, thậm chí bên ngoài đại học nữa. Vì thầy và bằng hữu của thầy ngày nay tin rằng Giáo hội không nên ban luật quản lý việc đời, mà nên để đa số quần chúng quyết định. Rồi trong tương lai, cộng đồng của giới trí thức sẽ phải đề xướng một nền thần học mới đầy tính nhân đạo, đó sẽ là một triết lý tự nhiên và một phép lạ tích cực.

- Quả là một sự nghiệp tuyệt vời, nhưng có thể thực hiện được không?

- Bacon nghĩ được.

- Còn thầy?

- Thầy cũng nghĩ thế. Nhưng nếu tin như vậy, chúng ta phải chắc chắn răng quần chúng có quyền sở hữu ý thức cá nhân, vốn là điều thiện duy nhất. Tuy nhiên, nếu ý thức cá nhân là điều thiện duy nhất thì làm thế nào khoa học có thể thành công trong việc sắp xếp lại các luật trời đất, mà nhờ chúng, phép lành mới thực hiện được chức năng của mình.

- Vâng, làm thế nào nhỉ?

- Thầy cũng chẳng biết. Tại Oxford, thầy đã tranh luận với bạn thầy là William xứ Occam, hiện đang ở Avignon. Người ấy đã gieo vào tâm trí thầy nhiều mối hoài nghi. Nhưng, nếu chỉ có ý thức cá nhân là chính đáng thì rất khó chứng mình giả thuyết các nguyên nhân tương tự sẽ phát sinh hậu quả tương tự. Một cá nhân có thể khi thì lạnh lùng, khi nóng bỏng, khi ngọt ngào, khi cay đắng, khi ướt át, khi khô cằn, ở nơi này – chứ không phải ở nơi kia. Làm sao thầy có thể khám phá mối liên hệ trong vũ trụ đang chi phối mọi vật thể, nếu thầy không nhắc ngón tay mà không tạo ra vô tận những thực thể mới. Vì với một động tác như thế, tất cả sự tương quan giữa vị trí ngón tay thầy với tất cả các vật thể khác sẽ thay đổi. Mối tương quan này là cách mà tâm trí thầy nhận thức được sự liên hệ giữa các thực thể đơn lẻ, nhưng cái gì bảo đảm rằng điều này có tính ổn định và chung nhất?

- Nhưng thầy biết kính có độ dày nào đó sẽ tương ứng với một độ mắt nào đó, và vì thầy biết được như thế nên thầy có thể làm bất kỳ cặp kính nào giống như cặp kính thầy đã mất.

- Adsom con đối đáp rất sắc sảo. Thực ra, thầy đã luận ra giả thuyết này: độ dày của kính nhất thiết phải tương ứng với độ mắt. Mọi tròng mắt làm theo nguyên tắc này đều tăng thị lực theo một mức độ như nhau. Nền khoa học mà Bacon nói đến, chắc hẳn phải dựa trên cơ sở của những giả thuyết này. Con biết không, Adso, thầy phải tin rằng giả thuyết của thầy đúng, vì thầy đã rút tỉa được nó từ kinh nghiệm; nhưng để tin nó, thầy phải cho rằng có luật trong vũ trụ. Thế nhưng thầy không thể lên tiếng về những luật này vì chính quan niệm về sự hiện hữu của quy luật trong vũ trụ và một trật tự sẵn có sẽ hàm ý nói rằng Thượng đế là tù nhân của chúng, trong khi đó Chúa là một cái gì đó tuyệt đối tự do, và nếu Ngài muốn, chỉ cần nhấc một ngón tay là có thể biến đổi cả thế giới.

- Và như thế, nếu con không lầm, thầy hành động và hiểu tại sao mình lại hành động, nhưng thầy không biết tại sao mình biết rằng mình biết việc mình làm?

Tôi phải tự hào nói rằng thầy William thán phục nhìn tôi:

- Có lẽ như thế đấy. Dầu sao, nó cho con thấy tại sao thầy vẫn thấy hoài nghi chính cái chân lý thầy tin tưởng.

- Thầy còn bí hiểm hơn cả Ubertino!

- Có thể. Như con biết, thầy nghiên cứu sự vật trong tự nhiên.. Trong cuộc điều tra chúng ta đang tiến hành, thầy không muốn biết ai thiện, ai ác, nhưng muốn biết đêm qua ai ở trong phòng thư tịch, ai trộm cặp kính của thầy, ai để lại dấu vết một người kéo một người khác trên tuyết, và Berengar ở đâu. Đấy là những dữ kiện. Sau đó, nếu có thể thầy sẽ cố liên kết chúng lại với nhau. Một sự can thiệp siêu nhiên cũng đủ làm thay đổi mọi thứ và dù mình luôn cố gắng như bây giờ đi nữa thì chẳng lạ gì nếu không thể chứng minh việc này là nguyên nhân của một việc kia.

- Đời thầy vất vả quá.

- Nhưng thầy đã tìm ra Brunellus, - thầy William la lên, hồi tưởng lại chuyện con ngựa cách đây hai ngày.

Tôi đắc thắng reo lên: - Như thế có nghĩa là có một trật tự trong thế giới!

- Như thế có một ít trật tự trong cái đầu đáng thương của thầy.

Đến đây, Nicholas trở lại, tay cầm một chiếc gọng làm gần xong, giơ nó lên cao với vẻ đắc thắng – Thầy William bảo:

- Khi chiếc gọng này nằm trên chiếc mũi đáng thương của tôi, có lẽ cái đầu của tôi cũng trở nên trật tự hơn.

Một tu sinh đến, bảo Tu viện trưởng mong gặp thầy và đang đợi trong vườn. Khi chúng tôi dời gót, thầy William vỗ trán như thể chợt nhớ ra một điều gì đó. Thầy nói:

- À, thầy đã giải mã được các dấu hiệu thần bí của Venantius.

- Giải hết tất cả à? Khi nào thế?

- Khi con đang ngủ. Cũng còn tùy con hiểu chữ “tất cả” như thế nào. Thầy đã giải mã các dấu hiệu hiện lên nhờ ngọn lửa mà con sao lại. Còn các ghi chú bằng tiếng Hy Lạp thì phải đợi đến khi thầy có kính mới.

- Sao? Có phải đó là bí mật của “Tận cùng Phi Châu” không?

- Phải, và cách giải cũng khá dễ. Venantius đã dùng mười hai dấu hiệu hoàng đạo và tám dấu hiệu khác: gồm năm hành tinh, hai thể sáng và quả đất. Tất cả có hai mươi dấu hiệu. Đủ để liên hệ với các mẫu tự La tinh, vì mình có thể dùng một mẫu tự để diễn tả âm thanh của hai chữ đầu của “unum” và “velut”. Chúng ta biết trật tự của các mẫu tự. Thế thì trật tự của những dấu hiệu thì sao? Thầy đã nghĩ đến trật tự của trời đất, nên đặt một phần tư vòng hoàng đạo ở cạnh xa nhất. Vậy ta có: Quả đất, Mặt trăng, Sao Thủy, Sao Kim, Mặt trời, v.v…và sau đó, đặt những dấu hiệu hoàng đạo theo thứ tự thông thường, như Isidore xứ Seville đã sắp xếp chúng. Bắt đầu bằng Dương Cưu và Xuân Phân, chấm dứt với Song Ngư. Bây giờ, nếu con thử cách giải này thì thông điệp của Venantius sẽ có nghĩa.

Thầy đưa tôi xem bản da, trên đó thầy đã dùng mẫu tự La tinh để phiên nghĩa: “Secretum finis africae manus supra idolum age primum et septimum de quatuor ” (2). Thầy hỏi:

- Có rõ chưa?

- Đặt tay lên thần thứ nhất và thứ bảy của thứ tư - tôi lập lại, lắc đầu – Chẳng rõ chút nào cả!

- Thầy biết. Điều đầu tiên chúng ta phải biết là Venantius muốn nói gì với từ “Idolum ”. Một hình ảnh, một hồn ma, hay một nhân dạng? Và “cái thứ tư” là cái gì mà có “cái thứ nhất” và “cái thứ bảy”? Chúng ta phải làm gì với chúng? Di chuyển chúng, đẩy chúng hay kéo chúng?

Tôi nản lòng nói: - Như thế chúng ta vẫn chưa biết gì, cứ như lúc mới khởi sự.

Thầy William dừng bước và nhìn tôi với vẻ hơi khe khắt và nói: - Con này, trước mặt con là một tu sĩ Francisco đáng thương, với sức học khiêm tốn và chút tài mọn được sức mạnh bao la của Thượng đế ban cho, trong vài giờ đồng hồ đã giải được một mật mã mà người viết đoán chắc trừ mình ra sẽ không ai đọc được… Còn con, anh chàng phàm phu dốt nát tồi tệ, lại dám nói chúng ta vẫn còn như lúc mới khởi sự ư?

Tôi vụng về xin lỗi thầy. Tôi đã làm tổn thương tính tự cao của thầy, thế nhưng tôi biết thầy tự hào biết bao về tài suy diễn nhanh chóng và chính xác của mình. Thầy quả thật đã hoàn thành một việc đáng nể. Và nếu anh chàng Venantius xảo quyệt không những đã che dấu những phát hiện của mình bằng những mẫu tự hoàng đạo mờ ảo, mà còn chế thêm một câu đố không giải đáp, thì đó không phải là khuyết điểm của thầy.

Thầy William cắt lời: - Không sao, không sao, chớ xin lỗi. Dẫu sao, con cũng có lý. Chúng ta vẫn còn biết quá ít. Đi thôi.

Chú thích:

(1) Bonaventura (1221- 1274): Hồng Y người Ý, một học giả, một nhà văn.

(2) “Bí mật của tận cùng Châu Phi. Đặt tay lên thần thứ nhất và thứ bảy của thứ tư ”
Chương trước Chương tiếp
Loading...