Thám Tử Kỳ Duyên
Chương 49
Thư Ngọc Diệp gửi sơ Bình --- Con chạy vào buồng, phi lên giường, kéo chăn đắp kín người. Nỗi sợ hãi dâng lên mắt. Những anh chị phòng bên chạy qua xem thử có chuyện gì xảy ra. Nghe tiếng gọi của họ, con định đứng dậy ra mở cửa; nhưng kịp nhận ra mình chưa mặc gì trên người, bọt xà phòng còn dính trên da thịt mình chưa gột rửa hết. Con khẩn trương khoác lên mình chiếc áo măng tô dài đến gối. Chạy ra mở cửa. Những người cùng chung dãy trọ đã giúp con khắc phục sự cố. Chẳng là, lúc con đang tắm, có một con rắn lục đuôi đỏ theo đường ống thoát nước chui vào. Quýnh quá, con mới tháo chạy, lúc đó chẳng ai nghĩ đến chuyện mặc đồ nữa; lo bảo toàn tính mạng mình trước. Những anh thanh niên trong dãy trọ vào phòng tắm tìm đuổi con rắn, nhưng nó đã chạy mất. Sự cố đó khiến con vô cùng bất an. Con rắn đang lẩn trốn ở ngóc ngách nào đó, nó có thể bất ngờ tấn công con. Mọi người khuyên con đừng quá lo lắng, vì theo họ, con rắn đã chui ra lại theo lối mà nó chui vào. Kể từ lúc gặp rắn, con không được yên lòng. Tắm cũng sợ, nấu nướng cũng sợ, mặc đồ cũng sợ, làm gì cũng sợ. Con lại bị ám ảnh với những suy nghĩ tâm linh, điều đó như một điềm báo chẳng lành. Người ta nói, rắn vào nhà báo trước gia chủ sẽ gặp hiểm họa. Đó có thể là bệnh tật, tai nạn… vân vân và vân vân, đủ thứ tai ương trên đời để con tưởng tượng. Khi mọi người đã về hết, mới là điều cực hình đối với con. Con buộc phải vào phòng tắm mở nước ấm, để cọ rửa cho hết sự rít rát trên người. --- Con nằm thao thức, thật là khủng khiếp sơ Bình à! Con không thể ngủ, nói cách khác là con không dám ngủ. Đầu óc con đã suy nghĩ quá nhiều những chuyện gây ra nổi ám ảnh kinh hồn đã ăn sâu bám rễ. Tinh thần con đang rơi vào trạng thái suy sụp. Lúc này, con nghĩ về Khôi Nguyên; giá như có anh ấy bên mình thì hay biết mấy. Con đã nghĩ rất kỹ rồi, con yêu anh ấy, và, chẳng có lý do gì để con phải có khoảng cách với anh ấy. Nếu anh ấy muốn chiếm đoạt thể xác của con, con cũng chấp nhận; vì con yêu anh ấy mà. Anh ấy muốn làm gì con cũng được, hôn con, ôm con, hay hơn nữa… chỉ cần anh ấy luôn ở bên con, quan tâm con, che chở cho con, con chỉ cần vậy thôi sơ Bình ơi! Tiếng chim heo cắt ngang nền trời, làm con lạnh điếng người. “Tai họa! Đúng là điềm báo tai họa. Không thể có nhiều sự trùng hợp như vậy được.” - Con lẩm bẩm trong miệng. Nằm vật vờ khổ sở, chẳng biết con đã thiếp đi từ lúc nào. Chỉ biết lúc con giật mình tỉnh giấc, mồ hôi lấm tấm trên trán, hơi thở nặng nhọc; nhìn đồng hồ đúng 3 h sáng. Con lại gặp ác mộng. Lần này, con nằm mơ thấy mụ phù thủy đó. Mụ ta đến bên giường ngủ của con, bàn tay nhỏ xíu của mụ bóp chặt lấy cổ Ngọc Diệp. Sức mạnh của mụ thật khủng khiếp! Con cố vùng vẫy la hét nhưng vô ích, giọng nói của con như bị chìm dưới vực sâu thăm thẳm. Mụ ta vừa bóp cổ con, vừa cười he he. Trên tay của mụ cầm một mảnh chai bén ngót, mụ muốn làm gì? Khi mụ vừa đặt miếng mảnh chai lên cổ con, thì con la hét vùng vẫy. Kể từ đó, con không thể ngủ lại được nữa, con thức đến sáng, cơ thể mệt nhoài, con đã kiệt sức rồi. Không phải chỉ một đêm như vậy, mà đã rất nhiều đêm rồi con bị mất ngủ. Con sợ sệt, e rằng, với đà này sức khỏe vốn đã yếu ớt của mình, sẽ không thể chóng chọi được. Trong lúc nguy khốn, con nhớ tới lời Khôi Nguyên từng nói: “Dù đứng trước bất kì đối thủ nào, cô cũng không được run sợ, vì khi run sợ cô sẽ bị đánh bại.” Con dùng hết tất cả ý chí và nghị lực còn lại để tiếp tục chiến đấu. Con phải ngủ, phải ngủ cho bằng được; có gặp ác mộng đi nữa con cũng phải ngủ. Sau khi vệ sinh cá nhân xong, con tìm thứ gì đó để cho vào bụng. “Mày phải duy trì sự sống bằng mọi giá Ngọc Diệp, mày nhất quyết không được đầu hàng, bỏ cuộc”. Con quyết định, đã không ngủ được vào buổi đêm, thì con sẽ ngủ vào buối sáng. Thế là, con lên giường nhắm mắt lại thư giãn, từ từ đi vào giấc. --- 2 h chiều. 2 h chiều. Tuy còn mệt mỏi, hai mắt còn cay xè; nhưng dù sao cũng còn tốt hơn trạng thái hồi sáng. Con ngáp dài, muốn nhắm mắt lại làm thêm một giấc nữa nhưng đành chịu. Cũng đúng lúc có điện thoại của anh Quốc Việt gọi đến hỏi thăm tình hình. Ảnh nói, muốn được gặp con. Con mừng quýnh, bảo ảnh đến phòng trọ chỗ con ngay. - Em bảo sao? Có rắn vào nhà ư? - Dạ, em sợ chết khiếp được. - Không được rồi, em hãy về nhà anh mà ở. Khôi Nguyên trước khi đi đã dặn dò anh phải chăm sóc cho em đó. Nghe anh Quốc Việt nói vậy, lòng con vui sướng, con rất cảm động. Thì ra, Khôi Nguyên vẫn quan tâm đến con, chẳng qua là anh ấy không thể hiện ra mặt thôi. - Anh Nguyên bảo với anh vậy ạ? - Ừm, từ lúc em dọn đi, cậu ấy lúc nào cũng dõi theo em. - Anh ấy đã luôn ở sau để bảo vệ cho em sao? - Còn phải hỏi, cậu ấy xem em như viên trân châu, bảo ngọc của cậu ấy. Lần đầu tiên anh thấy bạn mình như vậy đó, không nói rõ thì em cũng biết rồi còn gì. Em cũng vậy đúng không? - Em...em... - Con ấp úng. - Thôi, đừng nghĩ ngợi nhiều nữa. Ngay hôm nay, hãy thu dọn hành lý về với anh luôn. Lỡ em ở đây có bị chuyện gì, thì anh không biết phải ăn nói làm sao với Khôi Nguyên. Thật lòng con đã không muốn ở trong căn phòng này thêm giờ phút nào nữa. Nên khi anh Quốc Việt đề nghị như vậy thì con đi ngay lập tức. Lúc trước, Quốc Việt có nói về căn nhà ở đầu đèo Mimosa. Về đến đó, mới thấy mình đã ngu ngốc như thế nào khi không chịu theo Khôi Nguyên về đây. Căn nhà đẹp, ấm áp, tạo cho người ta một cảm giác an toàn. Sau khi, đã cất xong hành lý. Anh Quốc Việt “bàn giao” căn nhà lại cho con. Ảnh nói con cứ tự nhiên như nhà của mình, bởi ảnh thường hay vắng nhà, có khi không về nhà được phải ở tại cơ quan, nên con chỉ hơi buồn khi ở nhà một mình. Đợi đến khi Khôi Nguyên về, mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa. - Khôi Nguyên chưa đến đây luôn hả anh Việt? - Chưa em. Cậu ấy vẫn ở lại căn nhà ma quái đó. - Anh ấy gan vậy sao anh? - Em không biết đó thôi, xưa giờ cậu ấy nổi tiếng là một kẻ liều lĩnh. - Nhưng em không hiểu sao anh ấy không chịu rời đi, mà còn ở lại đó làm gì? - Cậu ấy đang tìm kiếm manh mối đấy. - Manh mối gì ạ? Anh Nguyên có cho anh Việt biết không? - Không Ngọc Diệp ơi. Tính cách cậu ấy là vậy, thích làm việc độc lập; đó là lý do mà cậu ấy không bao giờ chịu thi vào ngành an ninh. Cậu ấy giống như một nghệ sĩ hơn, thích tự do bay nhảy và không muốn chịu sự chi phối của người khác. - Ảnh bướng bỉnh thật đấy anh Việt. - Khà khà khà...em cũng thấy a. - Dạ, người ta nói đúng chớ bộ, “có tật có tài”, em thấy ảnh có cả một đống tật xấu đấy! - Khà khà, cậu ấy đúng là con ngựa chứng thật. - À, phải rồi. Anh Nguyên có tìm đến anh Quốc Việt nhờ anh điều tra gì nữa không? - Có, cậu ấy có nhờ anh liên hệ với bên giám định pháp y. - Pháp y? - Cậu ấy muốn tìm gặp một chuyên gia, người đã từng khám nghiệm tử thi cô Hoàng Lan. - Anh ấy định làm gì làm vậy nhỉ? - Anh cũng chịu, những gì cậu ấy làm đều mang yếu tố bất ngờ cả, rồi em sẽ thấy ngạc nhiên thôi, anh bị nhiều lần rồi. - Còn ông Bính Lù thì sao rồi anh? - Tụi anh thả ông ấy ra rồi. Ông ta chỉ phạm vào tội đánh bạc và đánh người gây thương tích, nhưng chưa đến mức phải truy tố trách nhiệm hình sự. Chỉ phạt hành chính thôi. - Dạ. Cũng mong cho mọi việc suông sẻ. - Khôi Nguyên thì không thích vậy. Vụ án càng hóc búa chừng nào càng kích thích cậu ấy chừng đó. Không chỉ cậu ấy, mà cả nhóm cậu ấy đều như vậy, đúng là một tổ phượng hoàng. - À, phải rồi anh Quốc Việt. Có chuyện này em muốn hỏi anh... - Em muốn hỏi chuyện gì? - Mà thôi... - Em cứ nói đi, đừng ngại. - Em... – Con ngập ngừng. - Nói đi Ngọc Diệp. Con dồn hết can đảm hỏi anh Quốc Việt: - Anh có biết quan hệ giữa Khôi Nguyên và Ngọc Trinh không? Em thấy tình cảm của họ không... không bình thường. - Ây dà... tưởng chuyện gì chứ. Sao em không hỏi anh sớm hơn, anh tưởng Khôi Nguyên đã nói với em rồi. - Không, anh ấy có đã nói gì với em đâu. - Quan hệ của họ là anh em. - Em ruột sao anh? Nhưng, hình như gia đình Khôi Nguyên không còn ai cả. Nét mặt anh Quốc Việt đằm xuống. - Năm 15 tuổi, cậu ấy mất cha mẹ và em gái trong một tai nạn máy bay. Người thân không còn một ai cả. Vì sợ bị đưa vào trại mồ côi, nên cậu ấy đã nhập băng với bọn trẻ cơ nhỡ ở xóm chợ. Cậu ấy làm đủ việc để kiếm sống, từ đánh giày, bán báo, bán vé số đến cả việc ăn xin cũng làm. Vì cậu ấy lớn tuổi nhất trong bọn nên được bầu làm anh cả, vừa làm việc để nuôi thân vừa dẫn dắt em út, thời gian đó Khôi Nguyên rất cực khổ. - Thế mà anh ấy không bao giờ kể với em chuyện đó. Anh ấy kín đáo quá! - Trong số những anh em bụi đời của Khôi Nguyên, có một cô bé rất xinh đẹp, có biệt danh là lọ lem hè phố. Cô bé ngày ấy là Ngọc Trinh bây giờ. Hai anh em họ rất yêu thương nhau, đặc biệt là Khôi Nguyên, cậu ấy thương người em kết nghĩa của mình còn hơn cả bản thân mình. Có thời gian bọn trẻ bụi đời ở xóm chợ bị bắt đưa vào trại mồ côi. Cả Ngọc Trinh cũng bị bắt đưa đi. Khôi Nguyên ngay từ nhỏ đã có máu phiêu lưu, một lần, cậu ấy đột nhập vào trại mồ côi, cứu Ngọc Trinh mang đi trước khi cô bé rơi vào tay một tên đại gia khét tiếng ở Sài Thành. Sau khi lẩn trốn một thời gian, hai anh em họ bắt đầu kiếm sống bằng nghề đàn ca tài tử. Ngọc Trinh đi hát từ hồi còn rất bé, cô ấy hát rất hay, nhưng lại không theo nghiệp ca sĩ. Cũng giống như Khôi Nguyên, đàn rất cừ, nhưng không theo nghiệp văn nghệ. Họ đi hát một phần là đam mê, một phần là chén cơm manh áo. Niềm đam mê thật sự của họ là trinh thám. Anh em họ dành dụm được số vốn nho nhỏ sau những ngày tháng bôn ba đàn ca xướng hát, thuê lại một mặt bằng ở phố hàng đào, mở văn phòng thám tử tư. Kể từ đó đến nay chính thức cũng hơn mười năm rồi. Mặc dù, trước đó, hồi còn ở với gia đình và trở thành đứa trẻ mồ côi; Khôi Nguyên đã nhận điều tra và phá được rất nhiều vụ án lớn, nhỏ. - Thì ra, họ là cặp thanh mai trúc mã. - Mặc dù họ không máu mủ gì nhưng quan hệ của họ thì còn hơn thế nữa. Đến thời điểm này mà họ vẫn giữ thói quen thời thơ ấu. Đó là, Khôi Nguyên vẫn thường đút cơm cho cô em gái của mình ăn đấy! - Dụ này thì em tận mắt chứng kiến rồi. - Nhưng họ chỉ là anh em thôi. Ngọc Trinh sắp lấy chồng rồi. - Sắp lấy chồng ư? Không thể nào... làm sao mà... - Tiếc quá đúng không? Một cô gái son trẻ, tuyệt sắc như vậy mà lại sắp sửa “theo chồng bỏ cuộc chơi”. - Ngọc Trinh sẽ lấy ai vậy anh? - Lấy cậu Vũ (cũng là đồng nghiệp của cô ấy). Cậu Vũ cũng là em kết nghĩa của Khôi Nguyên hồi còn ở xóm chợ. - Ra là vậy. (...) Con và anh Quốc Việt ngồi nói chuyện với nhau cả buổi. Tranh thủ cơ hội, con muốn điều tra thêm một số thông tin vô cùng quan trọng, không phải là về vụ án mà về “người ấy”, người con đã yêu say đắm. Con không thể lý giải được con bắt đầu yêu ảnh từ khi nào. Chỉ biết kể từ khi vắng anh, con thấy nhung nhớ không nguôi. Con nghĩ đến ảnh ngày đầu tiên gặp gỡ, thái độ cao ngạo lạnh lùng của ảnh, những câu nói hài hước của ảnh; lúc ảnh hôn con lần đầu tiên, ảnh chở con đi trên chiếc cào cào màu xanh lá cây-chiếc xe chỉ có duy nhất một chiếc ở Việt Nam. Nhớ ảnh lúc nhìn con ăn cà ri, khi ảnh bị té cây mận, những cái nắm tay ấm áp, áp mặt vào lưng Khôi Nguyên để ảnh cõng về. Đi công viên thả diều, thi giải câu đố, lúc ảnh trang điểm, chải tóc cho con. Đêm trăng rằm thay đồ mới, chèo xuồng ra giữa hồ, ngắm trăng, ngâm thơ. Chạm tráng với đám giang hồ, bị bộ lạc ăn thịt người vây bắt. Những nụ hôn, những nổi hờn ghen... Và... không thể tránh khỏi ấn tượng của buổi tối hôm đó, buổi tối đã gây ra mâu thuẫn, để con và anh ấy đến nước, mỗi người một nơi, khổ sở đau đớn. Đôi môi mỏng gợi tình của ảnh, men rượu nồng nàn phả vào mặt khi ảnh hôn con cuồng nhiệt; ảnh đã chẳng e ngại để tiến xa hơn, để được thỏa mãn trọn vẹn hơn... nhưng tất cả những khát khao đó đổ vỡ nhanh chóng, bởi tâm lý khó hiểu của một cô gái chưa có kinh nghiệm tình trường. --- Vậy là, sự chờ đợi khắc khoải bắt đầu từ ngày hôm đó. Từng ngày... từng giờ... từng phút.. từng giây... Con ngóng chờ tin tức của Khôi Nguyên. Ảnh đã đi đâu? Ảnh đang làm gì? Nhiều lúc con muốn phát điên với kiểu cách làm việc của ảnh. Anh Quốc Việt đã nói đúng. Khôi Nguyên rất mê Sherlock Holmes, tính cách của ảnh cũng khá giống Holmes. Chỉ khác Holmes ở những điểm: anh ấy là người thật, anh ấy đẹp trai hơn Holmes, anh ấy lãng mạn hơn Holmes, và độ lì của anh ấy thì hình như nhỉnh hơn Holmes một chút. Điều khiến con cảm thấy bất an nhất là những cơn ác mộng. Con cứ tưởng chuyển nơi ở thì những cơn ác mộng cứ theo đó mà biến mất. Nhưng không phải vậy. Càng ngày còn càng gặp nhiều ác mộng hơn. Lúc thì thấy cô Hoàng Lan, lúc thì mụ Thùy Dung, khi lại là những con mèo đen, và bóng ma áo trắng tóc dài đen, mặt đỏ, vất vưởng trên đồi trà. Cơ thể con gầy rạp đi một cách thảm hại. Anh Quốc Việt cũng đâm ra lo sợ. Con cũng không giấu ảnh rằng mình thường xuyên bị mất ngủ do gặp ác mộng. Ban đầu, con khắc phục bằng cách dùng thuốc ngủ và thuốc an thần, nhưng càng về sau những thứ đó hình như đang mất dần tác dụng. Anh Quốc Việt muốn đưa con đi khám bác sĩ nhưng con không đồng ý. Con thừa biết căn bệnh của mình không phải bình thường như người ta, có chữa cũng vô ích. Chỉ có một cách duy nhất để chấm dứt tình trạng khổ sở đó, là phải phá được vụ án, giải được nỗi oan cho cô Hoàng Lan. Nhưng thời gian ngày một cấp bách, tình hình của con ngày một trở nên trầm trọng. Sức khỏe suy sụp quá nhanh, đến mức con phải chua xót nghĩ đến cái chết. “Có thật là con sẽ chết hay không? Con sẽ không qua nỗi hay sao vậy sơ Bình? Bây giờ con mới hiểu được cảm giác của Kiều Oanh khi phải sống khổ sở như vậy, rất có khả năng cô ấy chết là do đã không thể chịu đựng nỗi những cú sốc về mặt tâm lý, kéo dài nặng nề và day dẳng bởi những cơn ác mộng. Phải rồi, đó chính là động cơ đưa đến việc cô ấy phải tự tử. Nếu đúng như vậy, Kiều Oanh chết không phải bởi thất tình mà do bị ma ám, dẫn đến bế tắc. “Không... không thể...” con nhớ lại lời nói của Khôi Nguyên: “Ma cũng có ma tốt, ma xấu; cô Hoàng Lan không phải người xấu, chắc chắn vậy.” Thế thì, nguyên nhân do đâu, những cơn ác mộng đó ẩn giấu điều gì? Có khi nào.... --- Đã một tuần trôi qua, không có tin tức gì của Khôi Nguyên. Con lo lắng hỏi anh Quốc Việt: - Anh Nguyên có gọi điện thoại hay nhắn tin cho anh không? - Không, Ngọc Diệp ơi! Anh có gọi cho cậu ấy nhưng thuê bao không liên lạc được. - Có khi nào... xảy ra chuyện gì rồi không anh? - Em đừng nghĩ ngợi quá! Cậu ấy nhất định không gặp chuyện gì đâu. Quốc Việt nói để trấn an con thôi, chứ con biết anh ấy cũng đang rất sợ Khôi Nguyên gặp phải chuyện không hay. - Anh Quốc Việt, anh đừng giấu em nữa. Anh đã biết chuyện gì rồi phải không? Những bộ hài cốt đó có liên quan đến một tổ chức bí mật, chẳng phải anh đã từng nói vậy sao? Khôi Nguyên đi điều tra những kẻ đã gây ra tội ác, anh ấy đang gặp nguy hiểm, anh Quốc Việt ơi! Chúng ta không thể bị động ngồi chờ như vậy được.... không... phải đi tìm anh ấy thôi... - Con đã không còn giữ được bình tĩnh nữa. - Ngọc Diệp à! Hãy tin anh đi mà, sẽ chẳng có gì xảy đến với cậu ấy đâu. Được rồi, để em yên tâm, nếu ngày hôm nay nữa mà cậu ấy không trở về thì anh sẽ đi tìm. Yên tâm nhé Ngọc Diệp. - Anh Quốc Việt đặt tay lên vai con để động viên tinh thần. Bỗng dưng tim con nghẹn lại, cảm thấy khó thở, cổ họng nghèn nghẹt khó chịu, “khộc” con ho một tiếng. Có cục đờm trôi ra từ cổ họng, khiến con không thể nói chuyện tiếp. - Em bị làm sao vậy Ngọc Diệp? - Ưm... - Con chạy thẳng ra ngoài, nhổ cục đờm. Anh Quốc Việt cũng chạy theo con. - Trời ơi! Máu sao? - Anh Quốc Việt thốt lên. Con nhìn xuống đất thấy một cục máu đặc lẫn trong đờm, người tái đi, rơi vào trạng thái hoang mang. - Đi! Đi với anh! Nhanh lên! – Anh Quốc Việt hối thúc. - Đi đâu hả anh? Vô ích thôi! – Con tuyệt vọng, muốn buông xuôi mọi thứ. - Đi bệnh viện chứ con đi đâu nữa. Em hãy vào nhà lấy áo ấm mặc vào, anh chở đi, lẹ lên em! - Cứ để mặc đi anh, em không sao đâu mà. - Con cố chấp, lì lợm không chịu nghe lời. - Đừng có bướng!- Anh Quốc Việt mắng con, - nhỡ em có bề gì Khôi Nguyên sẽ ra sao hả? Em không nghĩ cho bản thân mình thì cũng nghĩ cho cậu ấy chứ! Trước khi đi, Khôi Nguyên đã căn dặn anh rất kỹ, phải chăm sóc cho em; bây giờ em lại không chịu nghe lời anh, anh phải ăn nói sao với cậu ấy đây? Không nói nhiều nữa, đi với anh ngay! - Đó là mệnh lệnh của một chỉ huy cao cấp, con buộc phải tuân theo. --- Vào phòng khám, được bác sĩ cho làm xét nghiệm. Mọi thứ xong xuôi con mới thở phào nhẹ nhỏm. Theo như lời của bác sĩ, nguyên nhân khiến con ho ra máu là do lao tâm, lao lực quá sức mà sinh ra. Bác sĩ khuyên con nên tịnh dưỡng, hạn chế suy nghĩ nhiều và ăn uống điều độ sẽ tốt cho sức khỏe. Nhưng bác sĩ đâu có biết rằng, con đang bị ma ám; con có muốn hạn chế suy nghĩ để tốt cho sức khỏe cũng không được, điều này nằm ngoài khả năng của con. Thế nhưng, con tuyệt đối không được buông xuôi, con phải chiến đấu đến cùng để sinh tồn. Không gì có thể thui chột ý chí và lòng ham sống của con được. Con có chết thì cũng phải chết cho oanh liệt như lời Tâm Đan đã từng nói. Con còn anh hai, còn Tâm Đan, còn sơ Bình và... phải rồi... còn “anh ấy” nữa. Con phải sống để được kết tóc se duyên cùng anh ấy, để tận hưởng giây phút đó cùng ảnh, con còn rất trẻ, rất xinh đẹp; không thể cứ chôn vùi thân xác mơn mởn này dưới lòng đất để dòi bọ đục khoét, không... không bao giờ. Con trở nên lạc quan khác thường, điều đó làm cho anh Quốc Việt càng tỏ ra không yên tâm hơn về con. - Em đừng làm gì cả, muốn ăn gì thì cứ nói với anh, phải nghe lời bác sĩ thì bệnh mới chóng khỏi. - Em không sao đâu mà, - Con cười rất tươi - Hôm nay, để hôm nay em đi chợ nấu cho anh một bữa ăn ra trò; Khôi Nguyên rất thích những món ăn do em nấu đấy! Không ai có được diễm phúc như các anh đâu. - Để khi nào em khỏe lại, có cả Khôi Nguyên nữa, anh em mình cùng ngồi lại ăn với nhau sẽ vui hơn. Lòng anh Quốc Việt trổi lên cảm xúc gì đó làm con khó hiểu, chỉ thấy mắt ảnh rưng rưng; hình như ảnh đang thương cảm cho con. Những ngày sống bên con, ảnh là người quan sát con được rõ nhất, những biểu hiện xuống cấp về mặt sức khỏe rất trầm trọng; cơ thể gầy gò xanh xao, mắt thâm quầng, môi khô khốc nức nẻ, da mặt bợt bạt... toàn là những giấu hiệu của người sắp chết. Tình hình của con đã kíp lắm rồi, mà Khôi Nguyên thì vẫn biệt vô âm tín. Chắc chắn trong lòng Quốc Việt đã kết luận chín mươi phần trăm Khôi Nguyên gặp chuyện rồi. Nhưng anh Quốc Việt vẫn phải đóng kịch để che giấu đi nỗi bất an trong lòng. Ảnh tưởng con là một con ngốc có thể dễ dàng qua mặt hay sao? Ảnh đã lầm rồi! Con biết, biết hết... Cũng tốt thôi, nếu Khôi Nguyên đã không còn trên đời này nữa, thì con về dưới âm tào địa phủ để gặp ảnh cũng có đôi có cặp vậy. Con nghĩ thật bậy bạ phải không sơ Bình? Con hư lắm! Không được nghĩ như vậy, anh Nguyên của con, chàng thám tử đẹp trai, tài giỏi của con không thể dễ dàng bị đánh bại như vậy được, không... Anh Quốc Việt dậy đi từ rất sớm, ảnh đi mua đồ ăn sáng về cho con. Tội nghiệp ảnh, mấy ngày nay phải bỏ bê rất nhiều việc để chăm sóc cho con. Lúc này, ảnh phải đến cơ quan để tiếp tục làm việc; trước khi đi anh dặn dò con rất kỹ lưỡng; chủ yếu là về chuyện sức khỏe của con. - Buổi tối anh sẽ về, nhớ lời anh dặn đó; ở trong nhà, không được ra ngoài lạnh nghe không. - Dạ! - Anh đi nha! Bye em! - À, anh Quốc Việt ơi... - Tôi biết rồi, khổ quá đi cô nương, tôi sẽ mang về cho cô tin tức tốt lành. Anh Quốc Việt đã biết con muốn nói với ảnh chuyện gì, đó là; chuyện điều tra về tin tức của Khôi Nguyên. Anh ấy đi rồi, con mới vào nhà. Con quyết định sẽ ra ngoài, đi chợ mua đồ về nấu cho ảnh một bữa tối ngon lành! Trước khi đi con lục tìm một thứ rất cần thiết, nhưng tìm hoài chẳng thấy đâu cả. “Quái lạ! Nó đâu rồi nhỉ?” Con tiếp tục lục lọi, bới tung cả hành lý, áo quần lên! Nhưng không thấy thứ đó đâu cả. - “Ôi, hỏng rồi, nhất định là mình đã bỏ quên ở đó.” Ghi chép của Khôi Nguyên --- Gần hai mươi năm, đến hẹn lại lên, tháng tám, là Thế Anh vắng nhà, hơn mười ngày sau mới trở về. Thế Anh đã đi đâu và làm gì? Đó mới là điều tôi quan tâm. Thông tin người xe ôm cung cấp xem vậy mà rất đắc giá. Trên đường về lại thành phố, tôi không ngừng suy nghĩ. Nói về ngày tháng liên quan đến vụ án cũng có nhiều sự trùng hợp. Thí dụ: Hai cha con ông Trịnh Vỹ mất cùng ngày, và rơi đúng tháng tám. Những nạn nhân mất tích trong vụ án cũng vào tháng tám. Kiều Oanh mất vào tháng tám. Nói riêng về số hài cốt tìm thấy trong tầng hầm cũng là số tám. Trong trường hợp này, số tám có bí ẩn gì không? Chắc chắn là có, tôi vẫn trung thành với câu nói: “sự khác thường luôn chứa đựng bản chất không tầm thường” Nhiệm vụ của tôi là tìm ra điều không tầm thường đó. Thế Anh có liên quan đến cái chết của ông Trịnh Vỹ và Hoàng Lan không? Những xác chết dưới tầng hầm và những vụ mất tích, hung thủ là kẻ nào? Động cơ của hắn là gì? Tôi lập tức gọi điện cho bà Hiền, để hỏi bà về ngày mất của hai cha con ông Trịnh Vỹ. Sau đây là nội dung cuộc điện thoại: - Alo, cháu Khôi Nguyên đây ạ. - Chào cháu Khôi Nguyên. - Bà vẫn khỏe chứ? - Mấy hôm nay thời tiết mưa nắng thất thường, nên căn bệnh đau nhức nó quấy cháu à. - Cũng khổ bà nhỉ! - Riết rồi cũng quen, bà lờn luôn rồi. Khôi Nguyên gọi cho bà chắc muốn hỏi bà điều gì phải không? Bà không làm mất thời gian của cháu đâu, cứ đi thẳng vào vấn đề đi cháu. - Dạ, cháu muốn hỏi bà về ngày mất của cô Hoàng Lan. - Cô ấy mất ngày mười bốn tháng bảy. - Dạ, cám ơn bà. Cháu cần biết vậy thôi. Cháu không làm phiền bà nữa, cháu cúp máy đây ạ, chúc bà sức khỏe. - Ừm, chào cháu, bà chúc hai đứa thành công. Khi nào rảnh lại đi cùng Ngọc Diệp đến nhà bà chơi. - Dạ. Tôi thất vọng, chào bà Hiền. Rồi tắt máy điện thoại. --- Như vậy, suy đoán của tôi trật lất. Tôi lục lại hồ sơ những vụ mất tích, theo ghi chép những vụ mất tích xảy ra vào tháng tám và ngày rất gần nhau; đó là điều bất thường. Hung thủ đã có toan tính sắp đặt từ trước. Có một quy tắc nào đó giữa những con số, đâu là chìa khóa của bài toán. Phải giải được phương trình đó thì mới mong tìm được Thế Anh. Tôi tiếp tục suy nghĩ và suy nghĩ… đầu óc tôi vận hành hết công suất. Vò đầu, bóp trán, căng thẳng đến cao độ suốt mấy tiếng đồng hồ. Tôi đứng lên, ngồi xuống… hút thuốc như điên, đi qua đi lại trong phòng trong bộ dạng như rất bồn chồn, nóng ruột. Đầu tôi đến ngưỡng rối như tơ vò, các tình tiết vụ án đang xen như mê cung, tôi chỉ muốn bứt hết tóc trên đầu mình. Đến mức thần kinh của tôi rơi vào trạng thái cứng, nặng như chì, rơi vào bế tắc, tôi ngã người xuống ghế sofa, cổ họng vừa nóng rát vừa đắng nghét như người đang bị cảm cúm. Tôi bị mắc chứng bệnh, suy nghĩ quá nhiều là khó thở (căn bệnh là một trở ngại đối với nghề nghiệp của tôi, nếu không bị bệnh khó thở, chắc sự nghiệp của tôi đã thành công hơn nhiều rồi; đôi lúc tôi ghen với Holmes, tôi ước gì mình có được sức khỏe như ông ấy.) Bệnh khó thở đã đành, mỗi lần như vậy lại kéo theo chảy máu cam. Nhiều lúc chán nản với sức khỏe của mình, đâm ra tôi buông thả, bỏ mặc, đến đâu thì đến. Nhiều khi máu chảy ròng ròng tôi cũng chẳng thèm quan tâm. Tôi muốn hủy hoại mình, tôi là vậy. Nhưng, bây giờ thì khác rồi, vì tôi đã có Ngọc Diệp, cô ấy muốn tôi khỏe, nếu thấy bộ dạng của tôi như bây giờ chắc cô ấy buồn lắm. Tôi phải nằm xuống cầm máu, tắm rửa, nghỉ ngơi, rồi đi ăn uống bồi bổ. Tôi phải có sức khỏe tốt thì mới làm việc được. --- Sau khi tắm rửa xong, tôi lên phòng ngồi với ánh đèn mờ và chai rượu vodka. Tôi rót rượu vào chiếc cốc chuyên dùng, ngồi nhâm nhi. Uống rượu mà không suy tư về cuộc đời thì uổng lắm. Tôi ngồi nghĩ về đời mình, về ba mẹ, về em gái; những người thân đã cùng lúc rời bỏ tôi mà đi. Ngọc Trinh sẽ về nhà chồng một ngày không xa, Vũ và muội ấy đã quyết định sẽ chuyển nghề vì lý do mưu sinh, để xây dựng gia đình. Đường nào rồi cũng về La Mã, con đường mà mỗi người đã chọn cho riêng mình liệu có đi cùng họ đến suốt cuộc đời. Đam mê cũng có ngày tàn phai, ngọn lửa nhiệt huyết cũng có ngày tàn lụi. Một ngày nào đó người ta nhận ra, mình đã sai lầm khi lựa chọn, họ làm lại và tiếp tục nhận ra sai lầm, cho đến ngày gần đất xa trời họ thấy quyết định đầu tiên là đúng nhất, nhưng họ đã đánh mất nó chỉ vì công cuộc mưu sinh, áp lực và ngộ nhận. Tôi không muốn theo lối mòn của họ, tôi đã hiểu được mình, thấy được tố chất của mình, đam mê của mình; tôi sống để đốt cháy mình trong đam mê với công việc, tôi yêu nghề và sẽ không bao giờ từ bỏ nghề dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Tôi là một kẻ cô đơn? Chính phải. Không ai cô đơn như tôi. Cô đơn hàng đêm khi phải đối diện với bóng tối, sự trống trải. Cô đơn khi bên đời có rất nhiều người nhưng vẫn thấy hiu quạnh. Tôi không thể mở lòng với bất kỳ ai ngoài bản thân tôi. Tôi sợ những khoảng trống vắng, những thời gian ngồi với sự lặng lẽ, đơn điệu. Một ngày không có gì ý nghĩa để làm, không có vụ án nào căng não để suy nghĩ, không có sự sáng tạo… ngày đó, với tôi như sống mà đã chết. Nhưng, tôi đã quen rồi. Cảm xúc đã chai sạn, đã lìm lợm kể từ ngày người thân của tôi mất đi. Nỗi đắng cay của đời người, bị phản bội, bị chà đạp, bị đánh đập, bị coi thường, bệnh tật, đau khổ… tôi đã bị đóng đinh quá nhiều lần, đến mức tôi coi thường cả sự bình lặng, êm ấm. Tôi giống một con bệnh tự kỷ, thích những đòn roi bầm da thối thịt, hơn là, những dịu hiền ngọt ngào. Bác sĩ Trung nói rất phải: “Ở trên đời này, người điên nhiều hơn người tỉnh” Tôi là một thí dụ. Tôi điên, và thừa nhận cái điên của mình. Rượu là nguồn cảm hứng bất tận dành cho những nghệ sĩ, tôi tự xem mình là một nghệ sĩ. Tôi không cần ai phong tặng, mà chính tôi phong tặng cho mình danh hiệu cao quý đó. Tôi đến với rượu như một người bạn, một người anh em có thủy có chung, có nghĩa có tình. Dù đôi lúc rượu làm tôi trào máu họng. Nói tôi uống ít rượu lại thì còn nghe được, chứ bảo tôi bỏ rượu thì còn khuya. Tôi coi trọng rượu như vậy đó, thế mà, rượu lại phản bội tôi. Rượu ăn mòn những tế bào sự sống của tôi đã đành, rượu còn gián tiếp gây ra mâu thuẫn giữa tôi và Ngọc Diệp. Mà, cô ấy cũng thật là… Chuyện nhỏ như con thỏ, lại thích xé ra to. Nói đến lỗi phải tại ai lúc này còn có ích gì. Cũng tôi gây ra một phần, nếu tôi đặt mình vào hoàn cảnh của cô ấy thì tôi đã không hành động như vậy. Nếu là chuyện tình cảm thì không nói làm gì, cô ấy giận một thời gian rồi lại thôi, tôi sẽ có cách chủ động làm lành với cô ấy. Nhưng, lần này liên quan đến chuyện sống chết. Tôi không thể hàng ngày túc trực bên cạnh để bảo vệ cho cô ấy. Cái gã Đình Văn kia, rõ ràng, chỉ là kẻ ăn chơi, nhà giàu, khoe của. Cô ấy đi với gã, tôi không an tâm chút nào. Không phải tôi đang ghen đâu, tôi nhận xét rất khách quan. Trực giác mách bảo tôi như vậy. Thế mà, Ngọc Diệp không nhận ra, cô ấy còn bênh vực cho gã. Cũng may là Quốc Việt đã đưa Ngọc Diệp về nhà, có cậu ấy cũng an tâm phần nào. --- Ngọc Diệp trước khi đi, có để lại cây đàn guitar. Tôi nâng đàn chơi một vài bản Classic của Tarrega, hát đôi bản nhạc Trịnh để tâm hồn mình lắng đọng, như hạt cát thả vào bể nước trong. Âm nhạc là người tình chung thủy của tôi, người tình ấy làm tôi vui, cho tôi buồn, nâng tôi lên vườn địa đàng, hạ tôi xuống vực sâu thăm thẳm; người tình lãng mạng ấy đáp ứng mọi yêu cầu của tôi, và quan trọng nhất người tình ấy không bao giờ phụ rẫy tôi. Âm nhạc không như con người, âm nhạc rất dễ chịu… Tôi thả mình trong giai điệu du dương nhẹ nhàng, dâng trào cảm xúc, tôi hát: “Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi. Tình yêu mật đắng, mật đắng trong đời. Tình yêu như biển, biển rộng hai vai… biển rộng hai vai. Tình yêu như biển, biển hẹp tay người… biển hẹp tay người, lạc lối… (…) Làm sao ru được tình vơi… À… ơi… nỗi đau này người… Tình yêu vô tội, để lại cho ai Buồn như giọt máu, lặng lẽ nơi này Trời cao đất rộng, một mình tôi đi… một mình tôi đi… Đời như vô tận, một mình tôi về… một mình tôi về… với tôi.” --- Sau giấc ngủ, tôi tỉnh dậy với tinh thần sảng khoái. Tôi tự tay xuống bếp chuẩn bị bữa ăn sáng. Trong lúc dùng bữa điểm tâm, một ý tưởng bất ngờ lóe lên trong đầu… tôi vui sướng trong bụng. Vội lục tìm hồ sơ, ghi lại ngày tháng cụ thể xảy ra những vụ mất tích. Rời khỏi nhà, khẩn trương vào việc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương