Thần Chiến Triều Trần

Quyển 1 - Chương 3: Ma Thị Cao Sơn



Để đến được bản Man, đoàn người phải trèo đèo, lội suối, tiến sâu vào trong vùng núi rừng trùng điệp nhất ở bên bờ Đông dòng sông Đà. Đường đi quanh co, khúc khuỷu, khi lên núi thì mệt nhọc, lúc xuống thì hiểm nguy. Hai bên đường đá sắc như dao, dốc đứng như vực. Ngay cả bờ cây, bụi cỏ cũng sẵn rắn độc ẩn nấp chỉ chực cắn người.

Đi đường mệt nhọc lại luôn bị hai nàng Ban Mai kè kè hai bên như lính canh áp giải tù nhân, Nhật Duật tức mình quyết tìm cách đối phó. Chàng kiếm cớ trò chuyện với lũ người Man về phong cảnh sản vật rồi bất ngờ xoay sang nói về những điều thô tục của cánh đàn ông khiến hai chị em Ban Mai phải vội vã bịt tai. Thấy vậy Chiêu Văn Vương được đà lấn tới, nói tiếp về những chuyện à ơi với mấy nàng vũ công Chiêm Thành khi còn ở Thăng Long. Bọn người Man được nghe kể về gái đẹp thì mắt sáng rực, cười hố hố thay nhau bình phẩm tục tĩu. Hai chị em Ban Mai vừa tức vừa ngượng mà không làm gì được, đành phải bỏ đi chỗ khác. Ban định rút dao găm khoét cho Chiêu Văn Vương mấy lỗ nhưng Mai đã kịp can thiệp, khuyên can chị chịu khó đóng vai người hầu cho trọn. Và từ sau vụ đó, hai nàng không dám bám theo Nhật Duật sát sao quá nữa.

Sau năm ngày đường gian khổ, đoàn người mới tới gần dãy núi nơi bản Man kia cư ngụ. Khác với các bản Man thông thường hay ở chỗ gần sông suối hoặc khu thung lũng dưới chân núi, cái bản Man mà đoàn người tìm đến lại nằm trên đỉnh một trong những ngọn núi cao nhất vùng.

Chiều hôm đó, đoàn người vào nghỉ trong một bản Man khác dưới chân ngọn núi kia. Khi nhìn thấy bọn bộ hạ của Trịnh Giác Mật tiến vào, cả bản như náo loạn, đích thân quan tạo(1) già lụ khụ phải ra tận nơi tiếp đón. Nhưng dù vô cùng sợ sệt và e ngại Giác Mật cũng như bọn thủ hạ của y, khi nhắc tới việc sáng mai đoàn người muốn tìm lên bản lạ ở trên núi, người dân dưới chân núi đều lắc đầu quầy quậy. Và chỉ tới khi lũ thủ hạ của Giác Mật rút đao sáng choang kề cổ quan tạo, cả bản mới cùng nhau bàn tính và cử ra tay thanh niên gan dạ nhất để lúc sáng sớm đưa đoàn người đi.

Sáng hôm sau, cả đoàn lại tiếp tục hành trình. Đường lên núi dốc dựng đứng, mọi người phải bỏ lại lũ ngựa bên dưới. Sau nửa ngày trời leo trèo mệt nhọc, cuối cùng cái bản Man kỳ lạ nọ cũng hiện ra trong tầm mắt.

Bản Man có vài chục nóc nhà sàn nằm trên sườn ngọn núi hình móng ngựa trông xuống bên dưới thung lũng. Đoàn người tới bản lúc cuối giờ Thìn(2), khi mà dù nắng đã lên vàng rực rỡ vẫn không thể xua hết sương mờ và mây ở trên núi. Nắng hòa lẫn mây, ánh vàng chiếu qua sương trắng tạo thành một vẻ đẹp ma mị thần tiên.

Giác Mật trông thấy bản làng thì vô cùng mừng rỡ, vội vã sai bọn thủ hạ vào bên trong gọi người tiếp đón. Tên thanh niên dẫn đường thấy vậy khuyên can, bảo không nên vô lễ với dân bản này nhưng chúa đạo Đà Giang nào có nghe, gã giơ chân đạp tên thanh niên ngã lăn sang một bên.

Sau thời gian độ tàn nửa nén hương, bọn thủ hạ của Giác Mật quay trở lại dẫn theo một lũ tầm chục người. Đám người chủ yếu là trung niên và già lão, thoạt trông thì bình thường như bất kỳ người Man nào khác nhưng Nhật Duật nhận ra ngay có sự lạ. Đó là đám người tuy bị lũ thủ hạ hung dữ của Giác Mật với mã tấu và đao dài áp tải hai bên mà nét mặt vẫn bình thản như không, khác hẳn với thái độ khiếp sợ của dân Man ở dưới chân núi.

Đứng đầu đám dân bản là một trung niên dáng người cân đối với đôi vai rộng ngang. Trên khuôn mặt rám nắng của ông ta có vết vuốt thú cào sâu ở gò má trái khiến cho khóe miệng bị kéo lệch về một bên, hợp cùng những vết chân chim đoạn cuối đôi mắt và mái tóc muối tiêu khiến người khác dễ mường tượng ra một đời sống thăng trầm nhiều biến cố.

“Đây hẳn là kẻ mà hai nàng Ban Mai bắt ta cùng Giác Mật vất vả tìm kiếm”, Nhật Duật đang nghĩ thầm trong bụng thì trung niên bất chợt lên tiếng:

- Tôi là quan tạo của bản này. Chẳng hay các vị tìm tới nơi nghèo túng có việc gì?

Trung niên vừa nói dứt lời, Trịnh Giác Mật mặt mũi đã tối xầm. Giác Mật vốn xưng hùng xưng bá xứ Đà Giang kể ra cũng là một kẻ có thực tài. Gã tính tình hung dữ, thủ đoạn ghê gớm, tay không có thể đấm cả hổ. Không ít bản làng hứng chịu cơn thịnh nộ của gã đã tan hoang trong một buổi. Suốt cả vùng Đà Giang, không ai nghe đến tên Trịnh Giác Mật mà không sợ mất hồn mất vía. Khi chúa đạo và quân thuộc hạ xuống đến bản dù bất kể là dân tộc nào đều phải ra chào hỏi từ xa, nói năng khúm núm lễ độ. Nếu không đón tiếp chúa đạo ân cần thì rất có thể phải hứng chịu cơn thịnh nộ khủng khiếp của Giác Mật bất cứ lúc nào. Tại Đà Giang, Mật là vua, là chúa thậm chí còn là thiên lôi, thần thánh. Vậy mà quan tạo của cái bản Man con con này lại dám hỏi ông thiên lôi bằng thái độ dửng dưng không mấy quan tâm.

Mật nén giận, trước mặt Chiêu Văn Vương gã cũng không muốn gây thêm chuyện:

- Hừ, chúng ta có việc mới tới tìm các ngươi. Sao các ngươi không lo chuẩn bị tiếp đón?

- Xin các vị thứ lỗi, hiện tại bản nghèo này đang có việc quan trọng. Mời các vị khách rời bước, chúng tôi thực không thể đón tiếp.

Giác Mật vốn đã nhẫn nhịn lắm rồi, nay nghe quan tạo nói thế thì lập tức nổi cơn tam bành. Nhưng không phải chỉ mình gã nổi tam bành, chúng thuộc hạ của gã vốn hung dữ và ngang ngạnh thành tính. Nay thấy một tên quan tạo cỏn con mà dám cãi lời chúa đạo thì bọn thuộc hạ đứng gần liền bước tới, vung đao hươ trước mặt người đứng đầu bản Man đe dọa.

Quan tạo thấy thái độ của bọn thuộc hạ Giác Mật thì cười khẩy. Ông lấy từ trong chiếc túi vải thổ cẩm đeo ở trước ngực ra mấy mảnh giấy con rồi ném về phía trước. Mấy mảnh giấy như bị thứ gì đó hút mạnh, bay thẳng về phía lũ hung thần ác sát rồi dính chặt lên trán chúng. Bọn này chợt cả người đờ ra, thả rơi đao và mã tấu xuống đất tạo thành một tràng loảng xoảng. Rồi sau đó cả lũ như bị ma làm, đồng loạt ngã ngồi xuống, thi nhau vò đầu bứt tóc, gào rú khóc lóc ầm ĩ.

Trịnh Giác Mật trông thấy cảnh đấy thì tái mặt. Mấy mảnh giấy mà quan tạo vừa ném ra hẳn là bùa phép không sai. Mật tuy thế lực lớn mạnh, là chúa đạo hùng cứ một phương nhưng đối với bùa phép và huyền thuật(3) thì vô cùng úy kị. Ở vùng thâm sơn cùng cốc này có khá nhiều người luyện bùa ngải, âm binh và phép thuật nên cũng nhiều truyền kỳ và sự tích. Tự nhiên người Man luôn coi những người này như thần thánh.

- Chúa đạo, mời người dời bước. Tôi sẽ giải bùa cho mấy tên này. - Quan tạo điềm nhiên nói.

Giác Mật thầm tính toán trong đầu. Nếu như là việc quan trọng, gã có thể huy động toàn quân thì dù một bản nhiều thầy phép cũng khó lòng chống cự. Nhưng hiện tại do tính bí mật của sự việc nên gã chỉ mang theo chưa đầy chục người. Hơn nữa dù sao đây là việc của Chiêu Văn Vương nhờ, vốn không phải việc riêng của Mật nên gã cũng không muốn liều mạng vì người khác. Tuy thế theo triều đình được một thời gian mà nhiệm vụ đầu tiên Chiêu Văn Vương giao phó đã làm không xong thì gã cũng mất hết mặt mũi. Giác Mật tính tới tính lui không biết làm thế nào. Vốn là chúa đạo quyết đoán, nóng tính, hét ra lửa mà lần này Mật lại lẫn lữa đứng đực mặt ra trông rất hài hước.

Giữa lúc Giác Mật đang luống cuồng thì trong đoàn người lại vang lên tiếng cười mỉa mai. Tiếng cười vừa cất lên, tức thì mọi ánh mắt đều đổ dồn vào tên hầu nhỏ bé mặc áo nâu, chân đi đất đứng bên cạnh một tay thanh niên tuấn tú tướng mạo vương giả:

- Hừ, không ngờ thầy Luông lại dùng đến cái loại bùa loạn trí hạng bét này.

Tên hầu nói dứt lời thì vung tay. Một vật màu đen từ lòng bàn tay của tên hầu phóng ra bắn thẳng vào mặt quan tạo. Quan tạo thấy vậy thì vội vàng lầm rầm đọc lời chú. Ngay lập tức từ trong túi thổ cẩm của ông bay ra một đạo bùa vàng chặn lại vật đen giữa không trung. Vật đen bị cản thì phát ra tràng tiếng rít chói tai. Quan tạo nghe vậy vội phẩy tay, khiến cả vật đen lẫn đạo bùa đổi hướng cắm thẳng vào thân cây gần đó. Mọi người định thần nhìn kỹ, chỉ thấy vật đen kia là một thanh dao găm. Con dao ghim đạo bùa vàng ngập sâu vào thân cây gần đến chuôi.

Quan tạo nhìn vào con dao găm rồi e dè hỏi tên hầu kỳ lạ:

- Không hiểu quý thầy đây từ đâu tới? Tại sao lại biết cái tên thầy Luông?

Tên hầu nghe quan tạo nói vậy thì cười dài, rồi đáp bằng giọng đầy kiêu ngạo:

- Ma Thị Cao Sơn, bốn từ này chắc thầy Luông chưa quên chứ?

Tên hầu vừa nói ra bốn từ “Ma Thị Cao Sơn” tức thì trên mặt ai nấy đều lộ vẻ khiếp đảm. Theo truyền thuyết của người Man, bà Ma Thị vốn là chúa các động Man có phép thuật cao siêu nên được người Man suy tôn làm tổ mẫu. Bao đời nay, người Man thờ cúng bà Ma Thị và coi bà như người bảo hộ cho dân tộc Man. Nhiều dân tộc tại vùng núi Tây Bắc cũng xem bà Ma Thị như thần thánh. Đối với người Man, bà Ma Thị không những là đấng siêu nhiên ở trên cõi trời mà còn có thể hiển linh thực sự. Bà với phép thuật cao cường thường cứu giúp dân nghèo, trừ yêu diệt ma. Ngoài ra dưới tay bà còn có phủ Cao Sơn gồm các thầy phép huyền thuật siêu phàm có thể hô mưa gọi gió, dời non lấp bể. Mấy chục năm nay tuy người Man chưa được thấy bà Ma Thị hiển linh lần nào nhưng những câu truyện thần bí về phủ Cao Sơn thì lại đầy rẫy. Những câu truyện huyền ảo và lạ thường này khiến cho bất kỳ ai có thể nói ra bốn từ “Ma Thị Cao Sơn” đều được coi như sứ giả nhà trời.

- Tên nhãi kia, ngươi đừng tưởng tùy tiện nói ra mấy từ “Ma Thị Cao Sơn” là có thể dọa bọn ta. Ta không tin tên ranh tí tuổi đầu như ngươi mà cũng là người của phủ Cao Sơn.

Người vừa nói là một trong bốn trung niên luôn đứng đằng sau lưng quan tạo. Trung niên trên tay hữu có cầm cây gậy gỗ hình thù uốn éo rất lạ mắt. Nói dứt lời trung niên liền ném cây gậy xuống đất. Gậy gỗ phình to và dài ra, biến hình thành một con trăn lớn. Con trăn ngóc đầu bò tới trước, chính là hướng về phía tên hầu kỳ lạ. Tên hầu thấy vậy cười khẩy:

- Hóa ra là ngươi biết dùng phép gọi trăn? Được, để xem trăn của ngươi và rắn của ta con nào hơn.

Tên hầu nói đoạn rút từ trong áo ra ba thanh dao găm, phi thẳng về phía con trăn. Ba thanh dao găm bay tới trước lại đột nhiên biến thành ba con rắn đen, nhắm hướng con trăn dưới đất mà mổ. Con trăn bất ngờ, chưa kịp phản ứng thì đã bị lũ rắn đen, dù bé hơn nhưng nhanh nhẹn hơn nhiều, cắm ngập răng nanh lên người. Con trăn rít lên đau đớn, vặn vẹo thân thể hòng né tránh. Bọn rắn đen được đà càng cắn mạnh hơn. Trăn to trúng đòn quằn quại lăn lộn trên mặt đất. Tay trung niên chủ của con trăn cũng bị ảnh hưởng lây. Chỉ thấy y sùi bọt mép, người giật đùng đùng. Bọn xung quanh phải vội vàng đỡ lấy tránh cho y ngã lăn ra đất. Quan tạo bản Man trông thấy trung niên nguy cấp thì sợ hãi hô:

- Xin quý thầy hãy nương tay!

Tên hầu điều khiển rắn đen mặc kệ quan tạo, chỉ đứng cười khành khạch. Quan tạo thấy vậy vội vã lấy trong túi thổ cẩm ra một quả bầu khô. Ông ngửa đầu lên, dốc ngược quả bầu vào mồm tu một hơi rồi lầm rầm niệm chú. Sau đó ông phun ngụm nước đang ngậm trong mồm vào lũ trăn và rắn ở dưới đất. Đám chất lỏng vừa đổ xuống, bọn bò sát liền như bị tạt nước sôi, rít lên những tiếng đau đớn rồi tách rời nhau ra, co quắp uốn éo trên mặt đất. Lát sau lũ bò sát đã hóa trở lại thành cây gậy gỗ và ba chiếc dao găm. Quan tạo phun nước xong thì quát lớn:

- Quý thầy đã không nể mặt thì đừng trách tôi!

Nói xong quan tạo rút từ trong túi ra một lá cờ vàng tung lên cao. Lá cờ đón gió, tự động trải rộng ra. Chỉ thấy giữa lá cờ có thêu hình một khuôn mặt dữ tợn bằng chỉ kim tuyến. Khuôn mặt có sừng, có nanh, miệng há rộng thè chiếc lưỡi dài thòng đầy đe dọa. Từ khuôn mặt phát ra những tia sáng rất chói mắt hắt về phía đám người vừa lên núi. Mọi người tự dưng thấy đầu đau như bị dùi trống gõ vào, mắt thì bị tia sáng kia chiếu phải khiến cho nhức nhối khôn tả.

Đúng lúc đó chợt có tiếng gió như có người cầm gươm chém mạnh vào không khí, sau đó là tiếng gào thét rất chói tai. Tiếng gào thét chấm dứt cũng là lúc ánh sáng khó chịu kia tắt hẳn. Mọi người mở mắt ra nhìn thì thấy lá cờ vàng của quan tạo đã bị chém đứt làm đôi, rơi xuống đất cháy phừng phừng. Và ở bên cạnh tay tả tên hầu ném dao găm đã có thêm một tên hầu khác cầm trong tay thanh gươm lưỡi xanh biếc trông rất lạ mắt.

Tên hầu ném dao găm trông thấy tên hầu cầm gươm thì cất lời, giọng bực tức:

- Mai, ai cho ngươi can thiệp vào?

- Ban, chị làm mất nhiều thời gian quá. - Tên hầu mới xuất hiện chẳng cần chờ tên hầu đầu tiên trả lời. Y nói xong liền giơ gươm lên chém về phía đám người Man.

Thanh gươm trên tay tên hầu rạch một đường trong không trung. Và mặc dù cả thanh gươm lẫn cái đường đó cách bọn dân bản Man một quãng xa, quan tạo vẫn tỏ vẻ sợ hãi. Ông vột rút từ trong túi vải ra một đạo bùa vàng chi chít chữ đỏ ném về phía trước. Đạo bùa vàng hóa lớn, che chắn trước mặt đoàn người bản Man. Rồi một tiếng nổ lớn vang lên, đạo bùa bị đường gươm kia phá tan thành nhiều mảnh vụn nhỏ. Quan tạo sau khi ném bùa ra cản phá đường gươm thì bị vụ nổ quật lại, loạng choạng suýt ngã may được bọn dân bản đứng đằng sau đỡ.

Quan tạo mặt mày tím tái, ông thở hổn hển rồi sợ hãi kêu lên:

- Thanh gươm trong tay vị thầy phép này… phải chăng chính là gươm Thanh Bạch?

- Chính là nó, thầy Luông thật tinh tường. -Tên hầu mới xuất hiện thản nhiên nói, đoạn thu gươm lại đút vào trong ống tay áo. Thanh gươm dài hơn cả cánh tay của tên hầu mà y vẫn nhét được vào trong một cách gọn gàng, trọn vẹn, không để lộ ra tí nào kể cả phần chuôi gươm được đính hai viên ngọc to, một xanh một trắng.

- Bây giờ các vị đã tin chúng tôi là người của phủ Cao Sơn chưa? – Tên hầu nhẹ hàng hỏi.

Quan tạo thở dài, đáp:

- Gươm Thanh Bạch là báu vật rất nổi tiếng của phủ Cao Sơn. Các vị phép thuật cao cường, mang theo vật báu thì chắc trong phủ phải giữ vị trí quan trọng. Xin hỏi hai vị tên gọi là gì để tiện xưng hô?

- Tôi là Vi Mai, đây là chị Vi Ban. - Tên hầu có thanh gươm xanh vừa nói vừa chỉ vào tên hầu đầu tiên. - Bọn tôi gọi là Ban Mai sứ giả.

Quan tạo nghe vậy thì gật đầu:

- Các vị ở phủ Cao Sơn đến tìm tôi chắc chắn chỉ vì vật kia mà thôi. Quả là tôi đang giữ nó, nhưng bản tôi cũng đang có việc quan trọng. Nếu hai vị có thể giúp tôi việc trong bản, tôi nguyện hai tay dâng lại vật kia để hai vị mang trở về phủ.

Ban và Mai đưa mắt nhìn nhau rồi cùng gật đầu. Ban nói:

- Thầy Luông khi xưa có chút thanh danh trong phủ, lời nói kể cũng đáng tin. Chúng ta đồng ý cùng thầy thương lượng.

- Được, vậy tôi thay mặt bản xin cảm ơn hai vị trước. – Quan tạo nói đoạn phẩy tay. Mấy đạo bùa nhỏ dính trên trán lũ thủ hạ của Trịnh Giác Mật liền rơi xuống đất rồi cháy phừng phừng. Lát sau bọn này lồm cồm bò dậy, mặt mày ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra.

- Mời mọi người theo tôi vào bản bàn chuyện. - Quan tạo nói đoạn quay người bước về phía mấy nóc nhà sàn.

Bọn Giác Mật và bộ hạ đang đứng lừng khừng thì bị Vi Ban lườm cho một cái liền cun cút đi theo đoàn người Man. Còn về phần Trần Nhật Duật thì sau khi thấy hai nàng Ban Mai thể hiện tài phép thái độ cũng trở nên cẩn thận hơn, không còn trêu chọc quá đà như trước. Chiêu Văn Vương lẳng lặng vác gươm lên vai, đi cùng cả bọn vào trong bản.

* * * * *

* Chú thích:

- (1) Quan tạo: chức trưởng làng hoặc trưởng bản trên vùng cao;

- (2) Giờ Thìn: tức từ 7 – 9h sáng;

- (3) Huyền thuật: tức là phép thuật hoặc ma thuật.
Chương trước Chương tiếp
Loading...