Thành Phố Không Mặt Người

Chương 17. Van Gogh, Đàn Guitar Và Căn Gác Xép



17. Van Gogh, đàn guitar và căn gác xép

Truyện ngắn của Lê thị Tuyết Ngân

Tôi lặng lẽ bước chân vào hẻm. Con hẻm nhỏ bị bao trùm bởi sự yên tĩnh đến rợn người. Sau một tháng không quay trở lại, cái sự tuyệt đối yên tĩnh ấy càng khiến tôi như ngộp thở. Tôi bước chậm dần cho tới khi trước mặt mình hiện lên một ngôi nhà gỗ cũ kĩ. Ngôi nhà lùi lại so với mặt ngõ độ hơn một mét, vừa đủ để chừa ra phía trước một mái hiên dốc xuống. Cửa khóa ngoài. “Vẫn như mọi khi” Tôi nghĩ thầm.

Thay vì gõ cửa, tôi đứng dưới hiên, tựa lưng vào tường cạnh chiếc cửa gỗ. Tôi bắt đầu sắp xếp lại trong đầu những gì sẽ nói khi gặpa nàng.

Trời oi ả, tưởng như sắp có một cơn mưa ào tới cuốn trôi mọi thứ.

***

Lần đầu tiên tôi bước vào hẻm là một buổi chiều học ghita. Tôi không mấy hứng thú với âm nhạc. Ông anh vừa đi du học để lại cho tôi cây ghi ta xếp ở xó phòng, bỏ cũng tiếc, thằng bạn thân gạ gẫm “Học cái tài lẻ cho dễ kiếm người yêu An ạ” Ờ, cũng có lý, vậy là tôi xách đàn đi học.

Mùa hè nắng đổ lửa. Vậy mà vừa bước vào hẻm tôi như lạc sang một thế giới khác. Tất cả những âm thanh hỗn tạp bên ngoài bỗng chìm xuống một cõi hư vô nào đó, thế giới được thanh lọc lấy một sự yên tĩnh tuyệt đối, không tiếng người nói, không tiếng xe cộ, ngay tiếng hơi thở, tiếng bước chân của chính mình tôi cũng thấy lạc đi đâu mất … Một cơn mưa rào ào tới. Nước mưa đập xuống nền xi măng lộp độp rồi mỗi lúc một gấp hơn. Tôi cố chạy lên phía trên hi vọng tìm một chỗ trú, và rồi trước mắt tôi hiện ra mái hiên của căn nhà gỗ.

Tôi đứng dưới mái ngói nhìn những giọt mưa nhỏ giọt, 10 phút, 20 phút trôi qua… mưa không có vẻ gì sắp ngớt… “Muộn rồi” – tôi tự nhủ, cái sự muộn học ấy không hẳn làm tôi phiền lòng. Thỉnh thoảng con người ta hay có những chọn lựa vô thức như thế. Tôi có lý do học ghita và tôi đi học, giờ đây tôi cũng có lý do để bỏ một buổi học, đó là mưa, tất cả đều là những lý do khách quan chả liên quan gì đến cảm nhận của riêng cá nhân tôi, và với tôi thì tuân theo những lý do ấy còn đỡ phiền phức hơn việc đắn đo cân nhắc giữa “muốn” hay “ không muốn”.

Chuông điện thoại reo to điệp khúc All I need của One Republic. Tôi nhìn vào màn hình: số lạ. Có thể là công ty bán hàng qua mạng gọi điện xác nhận hóa đơn, cũng có thể là cô gái tôi mới quen tại lớp tiếng Anh hỏi về kế hoạch học nhóm … Sự băn khoăn ấy bắt đầu khiến tôi khó chịu, và để giải quyết nó, tôi chỉ cần làm một việc đơn giản là ấn OK rồi trả lời. Nhưng tôi không có ý định làm thế, ít nhất là vào lúc này. Nếu tôi nghe máy, đồng nghĩa với việc tôi sắp nhận thêm một thông tin mới, dù nó xấu hay tốt thì giờ đây tôi vẫn đang phải trú mưa, và chí ít cho đến khi trời tạnh tôi không có ý định làm bất cứ điều gì. Tôi để chuông kêu liên tục năm, sáu hồi rồi tự tắt.

- Có ai dưới đó phải không? - Một giọng nữ vang lên hòa lẫn với tiếng mưa, nhìn quanh không thấy ai, tôi bất giác rùng mình.

- Tôi ở trên này – vẫn chất giọng đó, tôi cảm giác như cô ta phải hét lên khá to vì trời mưa lớn - Trên gác buồn quá, người ở dưới nói chuyện với tôi nhé.

- Cô bao nhiêu tuổi vậy? – Tôi chỉ muốn tìm một cách xưng hô thích hợp, mặc dù cảm nhận được câu hỏi của mình có hơi khiếm nhã.

- 22

- Em 20 tuổi, gọi chị là chị nhé.

- Thế nào cũng được. Cậu vừa chia tay người yêu à?

- Sao chị hỏi thế?

- Vì cậu không nghe điện thoại.

- Chị hiểu sai rồi.

- Vậy ra không phải à? Sao cậu không nghe máy?

Tôi bắt đầu giải thích cái lý do lằng nhằng tại sao mình để chuông kêu liên tục. Thường thì tôi không có thói quen kể lể với bất kì ai những suy nghĩ bâng quơ trong đầu mình, nhưng ngay lúc này đây, việc kể ra những điều đó sẽ giúp tôi kéo dài câu chuyện trong lúc chờ cơn mưa tạnh hẳn, và quan trọng là chị ta nằm bên lề cuộc sống của tôi, dù cho chị ta nhận định tốt hay không tốt về tôi thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến thế giới mà tôi đang sống.

- Ra thế. Cậu có những suy nghĩ rất thú vị.

- Chị không cho rằng điều đó là vô tâm sao? Có thể đó là một cuộc gọi quan trọng, một công việc khẩn cấp không thể chậm trễ, và đứng về phía người gọi thì việc không nghe máy thật bất lịch sự.

- Cậu hiểu tất cả, vậy sao vẫn không nghe?

Ừ nhỉ, tôi đã bỏ qua cuộc gọi ấy, và lý do duy nhất để có thể giải thích chỉ đơn giản là tôi không muốn nghe, vậy thôi. Rốt cuộc thì đó vẫn chỉ là sự lựa chọn giữa “muốn” hay “không muốn”.

- Chà, sắp tạnh mưa rồi đấy – tiếng chị ta reo lên không có vẻ gì vui sướng.

Tôi nhìn lên trời. Những đám mây trắng dần dần xuất hiện.

- Này nhóc, cậu có nghĩ là cậu cần đến lớp không? – Chữ “nhóc” khiến tôi hơi khó chịu vì tôi chỉ kém chị ta hai tuổi, và tôi cũng không rõ mình đã kể cho chị ta nghe về việc học đàn khi nào - Nếu cậu thực sự muốn đến lớp thì ngay cả khi trời mưa cậu đã có thể tới kịp giờ học. Nhưng thay vào đó, cậu lựa chọn ở lại đây, dưới mái hiên này để trú mưa. Chẳng phải khi đó cậu đã chấp nhận một điều rằng cơn mưa có thể kéo dài mãi khiến cậu không thế tới lớp hay sao?.

- Này nhóc, cậu có nghĩ là cậu cần đến lớp không? – Chữ “nhóc” khiến tôi hơi khó chịu vì tôi chỉ kém chị ta hai tuổi, và tôi cũng không rõ mình đã kể cho chị ta nghe về việc học đàn khi nào - Nếu cậu thực sự muốn đến lớp thì ngay cả khi trời mưa cậu đã có thể tới kịp giờ học. Nhưng thay vào đó, cậu lựa chọn ở lại đây, dưới mái hiên này để trú mưa. Chẳng phải khi đó cậu đã chấp nhận một điều rằng cơn mưa có thể kéo dài mãi khiến cậu không thế tới lớp hay sao?.

- À …uhm có thể chị nói đúng.

- Vậy thì việc mưa bao lâu đâu còn quan trọng nữa. Cái quan trọng là cậu muốn hay không muốn đi thôi. Và theo như tôi thấy thì cậu chả có hứng thú gì với việc đến lớp, dù cho cậu thích chơi guitar.

- Em cũng không thích ghita.

- Ồ, thế thì thật thú vị.

Cách nói chuyện kì quặc của chị ta khuấy động một cái gì đó ẩn sâu trong tôi.

- Cậu nhóc tên là gì?

- An – tôi trả lời pha chút khó chịu. Lẽ ra đó nên là câu hỏi đầu tiên của mọi cuộc trò chuyện – Chị tên là gì?

- Chào An nhé, tôi đi ăn cơm đây, hẹn gặp cậu vào dịp khác.

Những tiếng cuối cùng nhỏ dần làm tôi hình dung ra cảnh chị ta vừa bước đi vừa nói vọng lại. Ăn cơm vào 4 giờ chiều? Dù sao thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Tôi tự nhủ rồi bước ra khỏi mái hiên.

Trời đã tạnh hẳn. Một vệt cầu vồng thẳng tắp treo lơ lửng trên những tán cây xa.

****

Lần thứ hai tôi bước vào ngõ hẻm cũng là một ngày mưa tầm tã và tôi có mang theo ô. Từ nhà tôi đến lớp ghita chỉ qua vài con ngõ nên tôi thường đi bộ, vừa đỡ phiền phức với chiếc xe suốt ngày chết máy, vừa là một cách tiết kiệm xăng trong thời kì giá cả leo thang.

Tôi đi sớm hơn 30 phút. Một cái gì đó khiến tim tôi đập nhanh hơn khi tôi rẽ vào con hẻm. Những bước chân chậm dần, tôi hướng mắt về căn gác lần trước. Bên khung cửa sổ, một cô gái trẻ đang ngồi hứng những giọt nước mưa. Khác xa với tưởng tượng của tôi, cô ta quả thực đẹp, đôi mắt to có phần tinh nghịch núp dưới hàng lông mi dài cong tưởng như lúc nào cũng đọng nước. Cũng có thể cơn mưa làm tôi hình dung ra nước đọng sâu trong đôi mắt ấy.

- Chào An! Nhận ra tôi không?

- Là chị trên gác lần trước phải không? – Tôi hỏi câu ấy hơi thừa vì tôi dễ dàng nhận ra giọng nói của cô gái trong một khung cảnh không khác trước là mấy, ngoại trừ việc tôi mang theo ô. Phải gọi thiếu nữ xinh đẹp trước mặt mình là chị khiến tôi có chút tiếc nuối - Chị không phải đi học ạ, hay đi làm? Ý em là trông chị có vẻ rảnh rỗi?

- Tôi cũng khá rảnh đấy – cô gái cười – cả ngày chỉ ngồi ở trong phòng, nhưng rồi thành quen. Dù sao thì với đôi chân này tôi cũng chẳng thể đi đâu được… Ồ, An đừng nhìn tôi như thế.

Câu nói khiến tôi giật mình. Có lẽ trên khuôn mặt tôi đang hiện lên hai chữ “thương hại”, sự bình thản của cô gái làm tôi hơi sửng sốt. Tôi đang không biết nên đáp lại ra sao thì cô đã lên tiếng trước.

- Cậu chơi được những bản nhạc nào thế? – cô tỏ ra háo hức.

Tôi thú nhận rằng đây mới chỉ là buổi đầu tiên tôi đến lớp học đàn, và tôi không có đủ hứng thú để tập thêm ở nhà. Cô gái không tỏ ra thất vọng. Cuộc trò chuyện như trầm xuống sau khi tôi biết được bí mật về đôi chân.

- Em phải đi thôi, nếu không chắc sẽ nghỉ thêm buổi thứ hai đấy? – Tôi cố tình cắt ngang.

- Vậy chúng ta có thể làm bạn không?

- Nếu chị muốn – dừng lại ở đây thì dường như hơi miễn cưỡng, tôi đành nói thêm – em rất vui khi làm bạn với chị.

- Cuối tuần này cậu rảnh không? Ghé qua nhà tôi chơi nhé. Tôi muốn nói chuyện với An nhiều hơn.

Tôi chưa cần đến ba giây để nhận lời mời của cô gái, dù cho tôi không thuộc tuýp con trai dễ làm quen với người lạ.

Đến tận khi đi xa ngôi nhà gỗ vài chục mét, tôi mới chợt nhớ ra mình quên hỏi tên cô.

****

****

Như đã hẹn, chiều chủ nhật tôi đến thăm ngôi nhà. Cửa khóa bên ngoài. Từ trên gác xép, cô gái thả cho tôi chùm chìa khóa chỉ có hai chiếc, tôi đoán một chiếc khóa cổng, một chiếc khóa phòng riêng của cô. Căn nhà chỉ có hai tầng, tầng dưới khá ẩm thấp dù không kê nhiều đồ, và cũng chả có mấy vật giá trị. Bụi và mạng nhện chăng đầy góc bếp. Tôi men theo cầu thang bằng gỗ để đi lên gác. Theo phép lịch sự, tôi vẫn đứng ngoài gõ cửa, giọng cô gái cất lên nhẹ hơn rất nhiều so với việc truyền qua một bức màn mưa “An vào đi”.

Căn phòng không khác xa với tưởng tượng của tôi là mấy, tuy nhỏ nhưng khá ngăn nắp. Cạnh cửa ra vào kê một giá sách khá thấp vừa tầm ột người ngồi xe lăn có thể với lên được, sau rồi đến tủ lạnh, cốc uống nước và bình hoa bách hợp đặt bên trên tủ như để tiết kiệm không gian cho phòng. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất chính là giá vẽ đặt bên cửa sổ.

- Chị là họa sĩ?

- Mình chỉ vẽ theo bản năng thôi. Ngày trước có đọc qua một số sách về hội họa nhưng không hiểu lắm. Mà An uống nước nhé.

Nói rồi cô gái đi về phía tủ lạnh rót cho tôi một thứ nước vàng vàng.

- Ồ, em rất thích vị chanh leo – tôi mỉm cười đón lấy cốc nước trong khi tay kia đang lật qua những bản vẽ, và như chợt nhớ ra điều gì, tôi tiếp tục – chanh leo nghĩa là lạc tiên, chị biết điều này không?

- Ra vậy. Cõi tiên và thiên đường liệu giống nhau không nhỉ?

- Hẳn là có gì đó liên quan.

- Người ta lên thiên đường khi đã chết.

Giữa chanh leo và cái chết liệu tồn tại một mối liên hệ nào đó theo suy luận của cô gái hay không? Ít nhất thì vào thời điểm này, tôi hoàn toàn không muốn nghĩ sâu về vấn đề ấy. Tôi tập trung vào những bức họa của cô, đa phần đều là chân dung làm tôi liên tưởng đến các bức tự họa của Van Gogh, tôi đặc biệt ấn tượng với bức tranh cô gái ngồi bên cửa sổ, đôi chân xếp gọn trên xe lăn, ngoài trời mưa trắng xóa. Cô gái đưa tay hứng những giọt mưa tí tách rơi bên ô cửa với một đôi mắt trong biếc không chút ưu lo, như thể toàn thân nàng đã hòa vào làn mưa ấy. Trong đầu tôi chợt hình dung ra lần thứ hai tôi gặp nàng, chỉ khác biệt với bức tranh kia là khi đó, đôi mắt nàng đọng nước.

- Chị ở đây một mình sao?

- Cũng có thể coi như vậy, hàng ngày chủ nhà vẫn mang đồ ăn đến nhưng hầu như là tôi ở một mình. Tôi cũng thích như vậy hơn.

Tôi định hỏi thêm về cha mẹ nàng, bất chợt nhớ lại cảm giác khi nàng nói với tôi về đôi chân, tôi quyết định dừng lại. Đến một lúc nào cẩn biết, hẳn tôi sẽ được biết.

Đột nhiên tôi nghe thấy tiếng cá quẫy nước, tôi nhận ra trên giá sách còn đặt một bể cá nhỏ. Tôi từ từ lại gần.

- An thử đoán xem chú cá ấy đang mong muốn điều gì.

- Một đôi cánh – đó là điều duy nhất nảy lên trong đầu tôi lúc này.

- Thật vậy à? Nhưng thử tưởng tượng nếu con cá có một đôi cánh nhé, thì làn da này vẫn không thể nào hô hấp mãi trong không khí, nó được sinh ra để sống với nước, và chỉ có thể là nước. Hẳn là nó cũng không được thế giới này chấp nhận vì nó chẳng thuộc một giống loài nào cả. Vậy thì một con cá, dù cho có thêm đôi cánh, nó có thể bay được bao xa?

- Nó chỉ cần ước được thêm một bộ lông vũ.

- Vấn đề là chẳng bao giờ có nhiều điều ước đến thế. Nàng tiên cá chỉ có một điều ước duy nhất là ở bên hoàng tử, nàng ta không thể đạt được điều ước thứ hai là có được trái tim chàng, vậy nên nàng ta đã chết. Nếu ông trời cho tôi một điều ước để mình có thể bước đi, chắc chắn tôi sẽ không nhận điều ước ấy, vì biết đâu khi đó tôi còn đánh mất nhiều thứ khác quan trọng hơn một đôi chân?

Câu chuyện dường như lạc sang một chủ đề khác, không đơn thuần là mơ ước của một con cá nằm trong bể. Tôi đã quen với kiểu nói chuyện kì quặc của nàng, nên chẳng lấy làm lạ. Cũng có thể từ lâu rồi trong đầu tôi đã tiềm ẩn cái cảm giác như thế, chỉ khác với nàng là tôi không sao diễn tả được nó, hoặc không bận tâm đến việc nên diễn tả nó hay không. Nàng tiếp tục:

- Ngày bé tôi sang nhà cô chú chơi. Căn nhà đó có một gác xép nhỏ. Cô tôi kể rằng chỉ cần bước qua cầu thang đi lên gác, tôi sẽ bước chân vào thế giới khác giống như cổ tích, ngồi vắt vẻo trên ông trăng, chạy giữa các đám mây hay hái sao cho vào giỏ… Tôi tin tất cả những điều cô tôi kể. Tôi chỉ ước ao được vào căn gác ấy. Nhưng tôi không dám bước qua những bậc thang gỗ vì dọc cầu thang treo đầy những con gấu, con khỉ da đen kịt chả khác nào lũ yêu tinh trong phim Tây du kí, tôi sợ chúng, mà diễn tả chính xác hơn là tôi căm hận chúng đã ngăn tôi đến với thế giới mà tôi hằng mơ ước.

- Sau bao lâu thì chị biết sự thật về căn gác?

- Tôi không rõ lắm, một năm, hai năm, hoặc lâu hơn nữa … Kể ra thì ngày ấy tôi còn quá nhỏ, cậu biết đấy, những băn khoăn của một đứa bé bốn, năm tuổi luôn dần dần biến mất như thế, cho đến một ngày gần đây căn gác ấy hiện về trong tâm trí và tôi tự hỏi không biết từ bao giờ mình đã chấp nhận rằng chẳng hề tồn tại một thiên đường trên gác … Nhưng vào lúc này, tôi lại thấy biết ơn đám “yêu tinh”… Giả sử như ngày đó tôi bước vào gác xép để rồi phát hiện ra nó không có gì hơn ngoài những vật dụng lỉnh kỉnh, thùng xốp và bao xi măng vứt xó, tôi sẽ thất vọng biết bao nhiêu, hẳn tôi sẽ khóc rất nhiều. Thật kì lạ, điều ước đạt được hay không đôi khi lại chả quan trọng mấy.

Thường những lúc thế này tôi hay chọn cách im lặng.

Vài giọt nước bỗng lộp độp rơi bên ô cửa, cơn mưa rào ào tới kèm theo tiếng sấm chớp từ đâu vọng lại.

Nàng đề nghị vẽ tặng tôi một bức tranh. Tôi đồng ý rồi đi về phía cửa sổ. Cửa không có chấn song và cũng khá thấp, tôi dễ dàng ngồi lên trên, một chân gấp lại, chân kia duỗi thẳng chạm vào chậu cây xương rồng. Tôi cố gắng giữ yên tư thế ấy một lúc lâu, mưa hắt từ bên ngoài làm cả tay áo bên trái của tôi gần như ướt nhẹp. Nhưng tôi hoàn toàn không bận tâm đến cánh tay bị ướt, toàn bộ tâm trí tôi dồn vào khuôn mặt cô gái ẩn hiện đằng sau giá vẽ. Thỉnh thoảng ánh mắt chúng tôi chạm vào nhau, tôi chợt nhận ra một cái gì đó thật vô hồn choán chợp đôi mắt nàng, hơi nước lạnh buốt thấm qua da khiến tôi bất giác rùng mình.

Nàng đề nghị vẽ tặng tôi một bức tranh. Tôi đồng ý rồi đi về phía cửa sổ. Cửa không có chấn song và cũng khá thấp, tôi dễ dàng ngồi lên trên, một chân gấp lại, chân kia duỗi thẳng chạm vào chậu cây xương rồng. Tôi cố gắng giữ yên tư thế ấy một lúc lâu, mưa hắt từ bên ngoài làm cả tay áo bên trái của tôi gần như ướt nhẹp. Nhưng tôi hoàn toàn không bận tâm đến cánh tay bị ướt, toàn bộ tâm trí tôi dồn vào khuôn mặt cô gái ẩn hiện đằng sau giá vẽ. Thỉnh thoảng ánh mắt chúng tôi chạm vào nhau, tôi chợt nhận ra một cái gì đó thật vô hồn choán chợp đôi mắt nàng, hơi nước lạnh buốt thấm qua da khiến tôi bất giác rùng mình.

-An chống tay lên đi, dựa về phía sau một chút.

Nàng đặt bút xuống, lăn xe về phía tôi. Có vẻ như nàng muốn giúp tôi chỉnh lại cách chống tay. Tôi bắt đầu thấy mỏi cổ.

- Không biết đến bao giờ mưa mới ngớt. Mỗi lần tôi và An gặp nhau thì trời đều mưa.

- Giờ vẫn đang là mùa mưa.

- Phải rồi – giọng nàng trầm xuống.

Thay vì giúp tôi chỉnh lại tư thế, nàng chợt đưa tay ra hứng lấy những giọt nước hắt lại từ ô cửa. Đôi mắt trong veo phản chiếu cả bầu trời. Và lần này tôi chắc chắn mình không nhầm, có nước đọng sâu trong đôi mắt ấy.

Một cảm giác tinh khôi rạo rực len lỏi vào trái tim, tôi bất chợt đưa tay nắm lấy bàn tay nàng lạnh toát dưới làn nước rồi luồn nó qua áo sơ mi chạm lên ngực trái của mình. Đôi tay tôi vòng ra đặt lên má nàng, ôm gọn lấy khuôn mặt trắng nhợt đẫm nước mắt. Và cứ thế, môi tôi nhẹ nhàng lướt đi trên khuôn mặt nàng, vầng trán cao, đôi mi dài đầy nước … môi nàng mềm mại như một nhành hoa trắng … Mùi hương dịu ngọt nhè nhẹ lan tỏa khắp gian phòng. Dường như thoáng qua có tiếng chậu xương rồng vỡ choang xuống sàn gỗ, nhưng tôi cũng không chắc lắm, tiếng vỡ đục ngầu hẳn đã tan vào làn nước mưa ào ào ngoài ô cửa.

***

Sau buổi chiều hôm ấy, tôi sợ phải đối diện với nàng , suốt một tháng trời tôi tránh đi qua ngõ, tôi bỏ tất cả các lớp tiếng anh, học nhảy, trừ những buổi bắt buộc phải đến trường, tôi hầu như ở nhà, ngồi một mình trong phòng. Cây ghita cũ đặt chỏng trơ một góc càng khiến tâm trí tôi rơi vào một cõi xa xăm vô định. Tôi bị ám ảnh bởi khuôn mặt đẫm nước, bởi những tiếng kêu đau đớn xen lẫn giữa hơi thở dồn dập, cả cái lạnh lẽo mơ hồ truyền từ cơ thể nàng sang tôi khi chúng tôi hòa vào nhau. Ở một thời điểm nào đó, tôi thậm chí không phân biệt nổi nước đang chảy ra từ mắt nàng hay chính đôi mắt tôi…

Tôi quay lại con hẻm sau khi đã trải qua tất cả các cảm giác đó, và tôi sẽ giải thích với nàng ra sao? Tôi nhìn chiếc ghita, nếu tôi chơi bản Romance tặng nàng, liệu nàng có tin hay không, liệu nàng có tha thứ cho tôi hay không?

- Cậu đang làm gì đấy?

Một người phụ nữ trung niên nhìn tôi vẻ dò hỏi, vừa nói, bà ta vừa soạn ra một chiếc chìa thọc vào ổ khóa của cánh cửa gỗ.

- Cháu tìm cô gái trọ trên gác.

Người đàn bà dừng lại, dò soát khuôn mặt tôi một làn nữa rồi đẩy cửa, mời tôi vào nhà. Tôi đoán bà ta là chủ ngôi nhà. Căn phòng bên dưới không có gì khác trước, bụi bặm và đầy mạng nhện. Bà ta dẫn tôi đi lên trên, mọi thứ vẫn y nguyên như lần cuối cùng tôi đến, chỉ thiếu cô gái.

- Cô ta chết rồi – Người chủ nhà bình thản.

- Sao lại chết? Chết từ khi nào ạ? – Tôi không nhận ra giọng chính mình.

- Tự tử. Chết cũng khổ sở lắm, phải cắt đến lần thứ ba mạch máu mới đứt. Cũng được gần một tháng. Cậu là bạn của cô ta phải không? Mấy thứ này cậu muốn giữ lại thứ gì thì giữ. Lát có người đến đây dọn đổ mang đi. Tôi cũng chả ham, của người chết đốt thì tiếc, giữ lại cũng xúi quẩy lắm.

- Vậy gia đình cô ấy đâu?

- Chết cả rồi. Nghe nói ngày trước cũng giàu có, về sau phá sản, ông bố say rượu nhỡ tay đâm chết bà vợ, tỉnh rượu lại thấy hối hận nên cũng tự tử luôn, bỏ lại cô con gái. Họ hàng thì tôi chưa bao giờ thấy nhắc đến.

Câu chuyện của người đàn bà ù đi bên tai tôi, tôi nhìn quanh nhà như kiếm tìm một thứ gì đó mà chính bản thân mình không rõ. Tôi đi về phía giá vẽ, bức họa cô gái bên cửa sổ còn đó. Tôi lật thêm vài trang nữa, bất chợt thấy bức tranh vẽ chính mình, là tôi, một thằng nhóc ngồi bên cây đàn, dưới mái ngói của căn nhà, ngoài trời, những giọt mưa nhảy lốp đốp trên nền xi măng trắng xóa. Tôi tháo hai bức tranh đặt cạnh nhau, bức tranh cô gái bên trên, bức họa vẽ tôi đặt dưới, tôi sững sờ nhận ra đó là hai mảnh ghép hoàn hảo của ngôi nhà gỗ, cũng một gam màu nâu nhạt, nhưng cảm giác như chúng tôi đang ở hai thế giới hoàn toàn xa lạ.

Có khi nào chính sự xuất hiện của tôi đã đẩy nàng đến cái chết? Tôi trở thành tấm gương phản chiếu thế giới thực tại mà con cá nhỏ hằng mơ ước, cái thế giới mà càng lúc nó càng thấy mình không bao giờ với tới được. Nó đau khổ, tù túng, ngột ngạt, nó trốn trong vỏ bọc để tiếp tục sống. Một lần nữa, tôi xuất hiện, xé toang vỏ bọc ấy, tôi bảo với nó rằng: “A, con cá nhỏ. Mày thật đáng thương.”

Và sự biến mất hèn hạ của tôi chính là nhát dao cuối cùng đâm chết con cá ấy.

Tôi vùng chạy khỏi căn nhà gỗ.

Trời đổ mưa. Lộp độp, lộp độp… Từng giọt nước tát vào mặt tôi đau rát. Lẫn vào trong tiếng sấm chớp giọng một người đàn bà từ xa gọi í ới:

“Cậu gì ơi, bỏ quên cây đàn này”.
Chương trước Chương tiếp
Loading...