Thành Phố Trong Mơ

Chương 02 Phần 1



Trong lúc đợi tháng 11 đến gần, tôi được tận mắt chứng kiến một trận hoả hoạn ở nhà máy hoá chất. Tôi và Đại ca vội vàng thanh toán tiền ăn rồi lao ra ngoài. Thật ra, vốn dĩ tôi không ham chen chân vào những nơi nhộn nhạo đông người, tôi không góp thêm một cái đầu thế tục nghiêng ngó cùng vô vàn những cái đầu của thiên hạ. Nhưng về sau tôi nhận ra nghĩ vậy là sai. Có một lần, trên đường đạp xe tới trường, tôi thấy một đám đông xúm xít quanh một đống đồ. Trong số những cái đầu nghiêng ngó, tôi nhận ra thầy chủ nhiệm lớp, thầy giáo Chính trị, và thầy giáo dạy Lịch sử đáng kính. Thế là tôi cũng thò đầu vào qua đám đông, và phát hiện ra trong đó là một bãi máu. Trong lúc tôi vô cùng kinh ngạc, máu thì đâu có gì đáng xem đến vậy, đằng sau lưng tôi bị một áp lực lớn dồn lên phía trước, và tôi không thể rút đầu về được nữa, trên đầu tôi đã có đến hơn mười cái đầu khác. Tôi phủ phục trên chiếc xe đạp, bị đè đến nỗi suýt nôn ra máu. Tôi thầm nghĩ, biết đâu kia chính là máu những bậc tiền bối xúm đến nghiêng ngó đầu tiên?

Vụ việc ngày hôm nay không hoàn toàn giống thế, hôm nay là một vụ “sự cố an toàn nghiêm trọng”. Không hiểu sao người Trung Quốc gọi thiên tai hay tai vạ do con người gây nên trong sản xuất là “sự cố an toàn”. Theo cách hiểu của tôi, chẳng hạn lùi xe húc nhẹ vào cột điện mới gọi là “sự cố an toàn”.

Rốt cuộc sự cố xảy ra ở đâu nhỉ? Khung trời phía xa đã đổi màu, màn trời đen kịt trông rất đáng sợ. Rồi một màu xanh khủng khiếp dần dà bay lên, trong phút chốc quanh tôi bao trùm màu xanh hoà bình. Mọi người đột nhiên cực kỳ hưng phấn. Những bà nội trợ vừa đi chợ mua thức ăn về chạy vội về hướng xảy ra hoả hoạn như đuổi theo minh tinh. Một đoàn xe cứu hoả lướt qua, phía sau kéo theo rất nhiều xe ô tô. Nhiều người hạ cửa kính xe, nhấn còi ầm ĩ ra chiều kích động. Nhiều người đứng đầy kín nóc xe buýt công cộng. Dãy chung cư bên đường mở toang cửa sổ, cả gia đình đứng ra cửa chỉ trỏ. Người nào bất chợt tỉnh giấc vào lúc ấy hẳn sẽ nghĩ rằng Trung Quốc vừa giành được quyền đăng cai cả Olympic năm 2012.

Tôi và Đại ca Kiện không có phương tiện đi lại, lúc đó trên đường tịnh không còn bóng tắcxi và xe buýt. Bỗng có một người đầu bù tóc rối hiện ra trước mắt chúng tôi, hai tay anh ta dắt hai chiếc xe đạp hỏi:

- Lấy xe không? 20 tệ!

- Đắt quá! – Tôi đáp.

Người đó cuống lên:

- 10 tệ một cái đắt nỗi gì nữa!

Đại ca Kiện đứng bên cạnh rút trong túi ra 20 đồng bảo:

- Để đấy!

Thế là chúng tôi ngồi lên xe, phi như bay đến hiện trường. Lúc ấy, bầu trời đã đổi sang màu tím thẫm, bóng đen khổng lồ của ngành công nghiệp nặng dẫn đường cho chúng tôi thẳng tiến trong màn lửa.

Mất khoảng 20 phút, đến khi màn trời dần dần chuyển sang màu xanh ngắt chúng tôi không còn đâu ra sức đạp tiếp. Nhưng ống khói đen kịt dường như vẫn còn cách rất xa. Chung quanh màn đêm đã buông xuống, thành phố đang bị hun đốt rực rỡ. Thường ngày, giờ này là lúc mọi người ngồi bưng bát ăn cơm và xem thời sự, cả thành phố đáng lẽ chìm trong chiều tà buồn ngủ. Thế mà lúc này sau lưng tôi là không dưới 200 chiếc xe đạp điên cuồng lao về phía trước. Đột nhiên, tôi cảm thấy mình như thể Luis Amstrong, tôi quay sang bảo Đại ca:

- Nhanh lên nào!

Chẳng mấy chốc, chúng tôi đạp qua trước cổng trường Đại học Công nghiệp. Đột nhiên, có hơn 50 chiếc xe đạp lao từ trong trường ra ngoài, và tranh giành nhau quyết liệt để vượt qua khúc quành thứ nhất. Ngoái đầu lại nhìn thấy cảnh tượng ấy, tôi hú vía. Tôi thở hổn hển:

- Điên cả rồi, những gã này điên hết rồi!

Đại ca Kiện vẫn mải miết đạp xe trước tôi chừng nửa mét, đôi bàn toạ nhấc hẳn lên khỏi yên xe. Tôi không biết mình muốn đến hiện trường vụ cháy để làm gì, nhưng tôi biết chắc mấy trăm người đằng sau lưng tôi đều là bệnh nhân tâm thần. Trong phút chốc, quang cảnh quanh tôi trở nên hoành tráng khôn tả. Mặc dù vài trăm người cùng đạp xe một lúc tôi đã thấy nhiều, nhưng quang cảnh mấy trăm người cùng lao về phía đám cháy thì có lẽ cả đời này tôi chỉ gặp một lần. Hoặc nói trừu tượng hơn một chút, được nhìn thấy mấy trăm con phượng hoàng cùng đạp xe quả là khiến tôi mở mang thêm rất nhiều.

Đột nhiên, có một tiếng nổ lớn vọng đến. Một đám mây hình nấm nhỏ vươn lên giữa bầu trời. Rồi có tiếng kêu “nổ rồi, nổ rồi”, mọi người cổ vũ rất hào hứng. Năm xưa, khi Hiroshima bị trúng bom nguyên tử dân Trung Quốc cũng không vui đến mức này. Tôi và Đại ca Kiện đang ở vị trí “đầu tàu”, đột nhiên chúng tôi cảm thấy một áp lực vô cùng nặng nề, bởi những người phía sau chúng tôi đang tăng tốc rõ rệt. Mấy trăm người đằng sau chúng tôi giống như những cỗ máy, mà không, giống những con dã thú. Mục đích của tất thảy bọn họ chỉ là tiếp cận đến mức gần nhất có thể mà không bị nổ vào người. Dĩ nhiên, trong số đó có lẽ có rất nhiều sinh viên đại học bị kích động không biết đang có chuyện gì, chắc họ sẽ hăm hở đạp về phía trước cho đến khi bị nổ rồi chết. Thậm chí, những kẻ làm việc không hề suy xét thực tế như mấy tên cán bộ lớp chắc chắn sẽ lao thẳng vào đống lửa ngùn ngụt. Cảm thấy hơi sờ sợ, tôi giảm tốc độ xuống, lập tức tôi bị mấy chục cái xe đạp vượt qua, đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng. Cảm thấy mình như một bắp ngô bị đàn châu chấu tràn qua, trong giây lát chỉ còn trơ lõi.

May sao, vào giây phút then chốt nhất, chính quyền đưa ra một quyết định chuẩn xác và quen thuộc nhất: phong toả đường phố. Mọi người tiếc hùi hụi. Tôi dần dần bình tĩnh lại, tìm thấy cái lõi ngô kia – Đại ca Kiện. Tôi bảo:

- Bây giờ không đi được nữa.

- Đi vòng! – Đại ca Kiện bảo.

- Nhưng khó đấy, làm sao biết ngõ ngách nào thông đến phía trước. – Tôi bảo.

- Cậu nhìn kìa, đằng kia có một con sông, xưởng chế biến hoá chất công nghiệp chắc chắn ở ven sông.

Tôi cảm thấy cậu ta nói có lý, chúng tôi bèn quyết định tiếp tục đi men theo bờ sông.

Tôi và Đại ca đẩy xe đến sát bờ sông, lúc định khoá xe đi bộ cho tiện, chúng tôi mới phát hiện ra ổ khoá đã bị bẻ gãy. Vậy tức là đây là xe ăn trộm. Tôi bèn nói:

- Thôi thế là xong, hai phạm nhân đi xe ăn cắp, tội sẽ càng nặng thêm!

Đại ca Kiện đáp:

- Ai hơi đâu để mắt đến chúng ta lúc này! Kể cả bây giờ đi tự thú cũng chẳng ai quan tâm đâu! Sự cố to bằng này chắc chắn các ban ngành đang bận chỉ đạo hiện trường, tất cả lực lượng cảnh sát đang tập trung giữ gìn trị an rồi.

- Nhưng… thế này thì xe của chúng ta bị lấy trộm mất. – Tôi tiếp.

Đại ca Kiện lắc đầu:

- Chưa chắc, mọi người đang bận ngắm hoả hoạn. Với lại họ cũng đều đạp xe mà.

Chúng tôi đi dọc theo con sông đào tiến về phía trước, thấy một cô gái ngồi trên bờ đê kè. Tôi và Đại ca bước đến trước mặt cô ta:

- Có chuyện gì vậy?

Cô gái không buồn ngẩng đầu lên. Tôi bảo Đại ca:

- Tình cảm trục trặc định tự sát chắc?

- Tình cảm trục trặc định tự sát chắc?

- Làm gì có chuyện ấy! Đang lúc lãng mạn thế này, đằng kia còn có pháo hoa lộng lẫy, không thể nào chia tay vào thời điểm này được. – Đại ca đáp.

- Hay cô ta bị trầm uất?

- Trong khung cảnh này, có mà trầm uất hơn thế nữa cũng thấy vui. – Đại ca đáp.

- Thế thì ta đi thôi! – Tôi liền bảo.

Chúng tôi đi men theo đường bờ sông chừng một cây số thì không còn đường. Công trình kiến trúc ảm đạm hiện ra trước mắt. Chúng tôi đã đến bên hông khu nhà xưởng. Thật đáng tiếc vì hoả hoạn xảy ra ở phía trước. Nhưng ở chỗ này cũng có một chiếc xe cứu hoả phun nước. Trên nền lửa rần rật phía không xa, khu nhà trước mắt càng ảm đạm xám xịt.

Đột nhiên tôi có một cảm giác rất lạ lùng, loài người vốn rất giàu trí tưởng tượng, tại sao họ không thiết kế toà kiến trúc xấu xí đáng sợ này một cách ngộ nghĩnh đáng yêu hơn nhỉ?

Có hai tầng lưới sắt ngăn cách trước mắt. Có rất nhiều cây dây leo bám chằng chịt. Tôi và Đại ca Kiện đứng ngẩn ra gần nửa tiếng. Tôi nghĩ, có lẽ không nên đứng đây mãi, lửa càng ngày càng ác liệt, nếu cứ đứng đây không khéo chúng tôi sẽ thành hai nạn nhân duy nhất thiệt mạng trong vụ hoả hoạn, chết vì đói. Tôi bảo:

- Về Trường Giang thôi, Đại ca!

Đại ca đứng ngây ra mất một lúc rồi bảo:

- Về… cái gì?

- Nhà trọ Trường Giang.

Lúc ấy Đại ca Kiện mới kịp định thần:

- Ờ, tuởng cậu biến thành cá tầm rồi chứ ! Về thôi!

Chúng tôi men theo đường cũ về nhà, tôi nói:

- Chắc phải cháy mấy ngày nữa nhỉ!

- Ừ, trừ phi có mưa. – Đại ca đáp.

Lời nói vừa buông ra khỏi miệng, lập tức có giọt mưa rơi xuống. Tôi liền bảo:

- Đồ mồm thối! Đợi về đến nhà trọ rồi hãy nói có hơn không!

Đại ca đáp:

- Mình tốt bụng nên mới cầu mưa chứ!

- Nhưng mưa bé thế này cũng chả ăn thua gì! – Tôi bảo.

- Ừ, mưa thật to thì may ra!

Cậu ta vừa dứt lời, lập tức có tiếng sấm nổi lên, mưa đổ xuống như trút nước.

Tôi chạy cật lực về phía trước. Trên trời loé lên một tia chớp. Trong nháy mắt, thế giới quanh tôi sáng bừng lên như ban ngày. Xem ra sức lực của con người quả là nhỏ bé, trận hoả hoạn hừng hực thiêu đốt rụi những chất hoá học – thành quả của bao nhiêu con người cũng chỉ có thể chiếu sáng một góc nhỏ xíu của bầu trời.

Tôi và Đại ca Kiện cắm đầu chạy, tí nữa chúng tôi đá phải cô gái ngồi bên bờ đê lúc nãy. Tôi cúi người bảo:

- Mưa to thế này về thôi chứ!

Cô gái vẫn không phản ứng gì. Tôi mặc kệ, tiếp tục chạy. Chúng tôi trao đổi với nhau rất chật vật trong mưa.

- Chắc chắn đầu óc cô ta có vấn đề! – Tôi nói.

- Trông cũng xinh gái đấy chứ, chắc là đọc truyện Quỳnh Dao nhiều quá. – Đại ca bảo.

- Sao cậu biết? – Tôi hỏi.

- Những cô gái hay đọc Quỳnh Dao thường thích chạy ra ngoài mỗi khi trời mưa.

- Nhưng lỡ cô ta định tự tử?

- Thôi kệ đi!

- Thôi kệ đi!

- Trông cô ấy có vẻ trầm uất. – Tôi tiếp.

- Cậu yên tâm! Trầm uất không đến nỗi chết người đâu! Trương Quốc Vinh bị trầm uất nặng thế có chết đâu!

- Nhưng con gái tự tử dễ lắm! – Tôi vẫn không thôi.

- Thế thì chúng mình cũng chả ngăn được, sớm muộn sẽ xảy ra mà.

- Hay… mình quay lại khuyên cô ta? – Tôi nói.

- Cậu nói sớm có phải hơn không, chạy xa mấy trăm mét rồi… – Đại ca đáp.

Chúng tôi bèn dừng bước. Vừa quay người lại… chúng tôi thấy cô ta ở ngay sát đằng sau. Tôi và Đại ca Kiện bủn rủn cả người, tí nữa đổ vật xuống sông.

Đến một phút sau tôi không thốt nên lời. Cô ta mở lời trước:

- Chạy mau lên, không thấy mưa to à?!

Chúng tôi tiếp tục chạy thêm một phút nữa đến chỗ đỗ xe. Cô gái cắm đầu cắm cổ đi trước, tôi và Đại ca Kiện chẳng thằng nào dám đi dấn lên bắt chuyện. Nhưng xe đạp đã biến mất. Bỗng có một bóng người to lớn hiện lên trong đám khói bụi. Tôi và Đại ca toát mồ hôi hột.

Bóng đen bước lại gần, hoá ra là một người đẩy hai chiếc xe đạp.

- 50 tệ hai xe.

Đại ca Kiện bảo:

- Chả còn xu dính túi, đành ăn cướp vậy!

Vừa nghe dứt lời, gã kia sợ quá kêu toáng lên, vứt cả xe bỏ chạy. Chúng tôi nhảy lên xe, đạp như bay. Thật kinh ngạc, duy nhất chỉ có con đường này nhưng chúng tôi không hề thấy cô gái. Không khí nghẹt thở bao trùm khắp xung quanh. Đạp đến giáp ranh nội thành và ngoại thành, tôi định bụng nói đùa làm giãn không khí một tí:

- Đại ca này, cậu không thấy nặng à? – Tôi hỏi.

- Hơi nặng, chắc ngược gió.

- Chở thêm một người, nặng là phải. – Tôi bảo.

Đại ca kêu “Á” một tiếng rồi lăn tòm xuống rãnh nước ven đưòng.

Thế là gãy xương.

Một tháng sau đó, tôi đẩy Đại ca đi dạo trong sân vận động truờng Đại học Công nghiệp. Đại ca thích thể thao. Hồi bé cậu ta mơ làm vận động viên bóng rổ. Lớn lên một chút, căn cứ vào chiều cao, cậu ta quyết định chuyển sang bóng đá. Lớn lên chút nữa, căn cứ vào thể lực, cậu ta chuyển hướng ước mơ sang làm vận động viên bóng bàn. Nhưng rốt cục không thể trở thành vận động viên, như mọi người khác, cậu ta chỉ đủ sức chơi nghiệp dư.

Vận động viên nghiệp dư Kiện nằm bệt trên giường một tháng mới được ra ngoài. Tình trạng thương tật của Đại ca Kiện hơi kỳ quặc, gãy xương mác ống chân, đồng thời cổ cũng bị thương. Suốt một thời gian dài không thể đặt cậu ta ngồi lên xe đẩy, phương tiện giao thông tốt nhất cho cậu ta là giường bệnh. Nhưng nếu đẩy giường ra đường chắc chỉ vài chục mét sẽ bị cảnh sát giữ lại. Phương tiện giao thông 4 bánh ấy đã không nộp phí giao thông, trông lại giống xe đẩy xác chết, chắc chắn sẽ bị ngăn lại.

Đại ca Kiện nằm bẹp gần một tháng, không biết làm gì cho khuây khoả. Tôi rất áy náy, nếu tôi không đùa dại bây giờ cậu ta vẫn còn là một sinh vật tươi tắn trẻ khoẻ. Đại ca không hề trách tôi, suốt 15 ngày cậu ta không quy kết trách nhiệm. Tôi thầm khâm phục nhân cách của Đại ca. Cho đến ngày thứ 16, cậu ta bảo:

- Giá lúc ấy cậu đừng doạ mình…

Sau đó, Đại ca không thể kìm mình, cậu ta rền rĩ liên tục hai ngày hai đêm.

Nhưng Đại ca cảm thấy đó là ý trời. Ngã từ từ xuống đường, lăn từ từ xuống một chỗ thấp như vậy mà đau nặng thế này chắc là do Trời phạt. Đến bây giờ vẫn chưa xác định được có phải chúng tôi chém chết gã xấu số hồi nọ không, nhưng dầu sao chúng tôi vẫn hơn hắn, còn được sống, hít thở và suy nghĩ.

Đại ca Kiện thán phục nhìn đám người nhộn nhịp trước mắt. Họ đá bóng trên sân vận động đất nện. Một gã đá phạt góc, quả bóng cao đến không tưởng tượng nổi. Đến gần cầu môn bóng vẫn cao hơn khung thành gần ba tầng nhà, và phi ra khỏi sân vẫn với độ cao đó. Đại ca Kiện hét lên với tiền vệ trong vùng cấm:

- Đánh đầu!

Trong giây lát, tất cả mọi người, bao gồm tôi, đều quay lại nhìn người phát ngôn không suy nghĩ.

- Người cao đến 10 mét cũng không với tới! – Tôi bảo.

Đại ca Kiện rất nghiêm túc:

- Sao không tới, nhảy cao lên!

- Đại ca, chắc là cậu quan sát dưới góc độ không giống mọi người.

- Đại ca, chắc là cậu quan sát dưới góc độ không giống mọi người.

Đại ca đáp:

- Có gì mà không giống! Mình ngồi xem càng oai, cậu không thấy trọng tài bóng đá cũng toàn ngồi đấy à?

- Huấn luyện viên mới ngồi…

- À…! – Đại ca vỡ lẽ, rồi ngồi yên lặng xem tiếp.

Đài phát thanh trường bật bài “Năm tháng huy hoàng” của Beyond. Tôi nghĩ đây là bài hát phản đối kỳ thị chủng tộc, nhưng đến câu “đón chào năm tháng huy hoàng” Đại ca bất giác ngửa mặt 45 độ nhìn trời, nước mắt đầm đìa.

Đại ca giữ nguyên tư thế đó khoảng 10 giây. Gió nổi lên, chiếc lá đầu tiên báo hiệu mùa hè đã qua từ tốn rơi xuống đùi. Giá tôi là con gái, cảnh tượng thật là mùi mẫn kiểu Quỳnh Dao. Tôi bất giác cho tay vào túi, tiến lên 3 bước, đưa mắt nhìn về phía trước. Đại ca thốt lên sau lưng tôi:

- Cuộc đời…

Đột nhiên, tôi cảm thấy cơn gió lạnh, có tiếng “cạch” kèm theo tiếng “rắc”, rồi Đại ca Kiện kêu “á” một tiếng. Mọi người không nỡ mở mắt nhìn, ai nấy đều há miệng, nhắm hờ mắt, rụt cổ. Cuối cùng, trong yên tĩnh vang lên tiếng “rầm”.

Tôi quay đầu lại, xe đẩy của Đại ca bị lật.

Thực là một chuyện đau thương, nhưng tôi không kìm nổi bật cười thành tiếng. Lúc tôi nhấc xe lên, Đại ca run rẩy nói nốt:

-… không lường trước được!

Gã đá quả phạt góc chạy đến, ra vẻ quan tâm:

- Anh hai, có sao không?

Đại ca đáp:

- Tay, tay, tay!

Lúc đó tôi mới nhìn ra, xe đổ đè lên tay Đại ca, chỗ bị đè sưng lên rất to.

Mọi người xúm lại, tíu tít hỏi han. Thấy cánh tay sưng quá to, đội trưởng bảo:

- Vương Siêu, cậu đưa người ta vào viện!

Đám người tản dần ra, có người lầu bầu:

- Đá kiểu gì không biết, không tha cả người tàn tật.

Trên đường đến bệnh viện, tôi hỏi:

- Này, cậu trong tuyển quốc gia đấy à?

- Đừng có giễu mình, đội nhà trường thôi. – Vương Siêu trả lời.

- Khoẻ phết đấy chứ! Cái xe này đế cực vững, trọng tâm thấp, thế mà cậu đá một phát là đổ.

Vương Siêu cười, không nói gì, cậu ta rút ví đếm tiền. Môi tái nhợt, Đại ca vội nói:

- Không cần cho tiền, cậu đưa tôi đi khám.

- Ờ, đang đếm xem còn bao nhiêu. – Vương Siêu đáp.

Đại ca nói:

- Chắc không hết bao nhiêu đâu, chụp phim là xong. Tay tôi không nhúc nhắc được.

Tôi an ủi:

- Không sao đâu, sẽ ổn thôi.

Kết quả chụp phim: Đại ca gãy xương tay trái.
Chương trước Chương tiếp
Loading...