Thanh Triều Ngoại Sử 2

Chương 18: Đông Nga cách cách



Lúc này mặt trời vừa mới mọc, mây mù trên không trung tựa như bị một bàn tay to lớn xua tan. Muôn ngàn tia nắng lan tỏa khắp Yên Sơn, trên không trung vẫn còn vài áng mây đỏ.  Cảnh núi rừng đang yên tĩnh đột nhiên có tiếng vó ngựa vang lên, một thiếu nữ xuất hiện, nàng vận bộ võ phục trắng, trong tay cầm một cây nhang, lưng đeo một thanh đại đao.  Đôi chân cô gái tuy không bó nhưng vẫn nhỏ, còn hài mang rất chật.  Mái tóc đen mượt và dài của nàng được tết thành một bím xõa sau lưng.  Những lúc rời kinh thành cô gái này đều ăn mặc gọn gàng thế này, xong quay về nàng có thể thay trang phục Bát kỳ.  Tuy đang vận y phục đơn giản nhưng trông cô gái ấy vẫn đẹp vô cùng, đôi mắt to bên dưới hai hàng lông mày cánh cung, mũi dọc dừa và môi trái tim.  Nàng cho ngựa chạy đến gốc bạch dương, xuống ngựa cắm cây nhang vào gốc cây, quỳ xuống lạy ba lạy.  Hằng năm nàng đều tới viếng gốc cây này… 

…Mười ba năm trước cũng ở tại ngọn núi này, binh khí sáng chói dưới ánh mặt trời, một đội quân mã phóng lên Yên Sơn rầm rập.  Ngọn núi nhanh chóng chìm trong hỗn loạn.  Đội quân mã khôi giáp sáng ngời đó là Cấm vệ quân của triều đình, chuyên bảo vệ cho Thuận Trị hoàng đế, tinh nhuệ hơn Ngự lâm quân rất nhiều.  Tay phải bọn chúng cầm binh khí, tay trái cầm thiếc thuẫn, hễ gặp binh khí chém tới thì giơ thuẫn lên đỡ rồi đâm binh khí ra, chỉ nghe tiếng keng keng vang lên chấn động lỗ tai, trong khoảnh khắc đã bao vây cả nhà Ái Tân Giác La Đa Nhĩ Cổn.  

Đa Nhĩ Cổn vừa cầm trường đao vừa cõng đứa con gái tám tuổi vượt khỏi vòng vây.  Đa Nhĩ Cổn luồn bên trái lách bên phải, lúc trước lúc sau, chợt trái chợt phải, kẻ địch ở xa thì phóng ám khí, kẻ địch ở gần thì tấn công bằng đao, lanh lẹ như ly miêu, cuối cùng cũng thoát ra ngoài được nào ngờ đến gốc cây này chợt nghe tiếng quát: 

- Chạy đi đâu cho thoát!

Rồi một thanh kiếm đâm tới nhanh như điện xẹt.

Đa Nhĩ Cổn hụp người xuống, cây kiếm chém vù qua đầu.  Đa Nhĩ Cổn vươn người dậy, thanh đao chợt hất lên chém vào ngực kẻ địch.  Chiêu này rất hiểm hóc, không ngờ võ công của kẻ địch cũng cực kỳ thâm hậu, không thèm rút kiếm về chống trả mà đưa cổ tay có đeo hộ oản ra đỡ.  Keng!  Hai người vừa chạm nhau đã phân ra, mỗi người đều lấy công làm thủ để né tránh hiểm chiêu.

Đứa bé gái nhìn thấy kẻ địch của cha nó trông hiên ngang, thân hình cao lớn, biết đó chẳng phải là nhân vật tầm thường, đang lo lắng thì chợt nghe tiếng hỏi:  

- Ngô Lương Phụ!  Ngươi nhất định làm theo lời Thuận Trị, đuổi tận giết tuyệt cả nhà ta?

Đứa bé nghe Ngô Lương Phụ cười đáp: 

- Phải thì thế nào?

Ngô Lương Phụ dứt lời xông tới.  

Cây trường đao trong tay Đa Nhĩ Cổn càng đánh càng gấp, nhưng Ngô Lương Phụ võ nghệ cao cường, Đa Nhĩ Cổn vừa đánh trả vừa bảo vệ con gái, bị đâm một kiếm vào đùi đau nhói.

Lúc này Ngao Bái đã phóng tới đánh ra một đao khiến Ngô Lương Phụ thoái lui, kêu lên: 

- Để hạ quan cầm chân hắn, Nhiếp chính vương hãy lui trước!

Đa Nhĩ Cổn trừng mắt nhìn Ngô Lương Phụ, bên tai nghe tiếng vó ngựa vẳng đến, biết rằng khó thắng nổi trong tình thế như thế này nên trao con gái cho Ngao Bái, bảo Ngao Bái cứu đứa trẻ trước.

Đứa bé gái nằm trên lưng Ngao Bái quay đầu lại nhìn chỉ thấy một đội Cấm vệ quân phóng vào cha nó rất hung mãnh.

Ngao Bái cõng đứa bé gái trên lưng chạy xuống chân núi, đứa trẻ cứ khóc không thôi.  Ngô Lương Phụ nhận lệnh đuổi theo.  Ngao Bái vừa đánh lại cứ phân tâm bảo vệ cho đứa trẻ nên toàn thân toát đầy mồ hôi, rất mất sức.  Chỉ là đao pháp của Ngao Bái rất cao cường, cứ đứng vững như núi, hễ thấy thức phá thức, thấy chiêu phá chiêu, thanh đao quét ngang bổ dọc, chém trái đâm phải, chẳng hề lui bước.  Hai người càng đánh càng gấp, càng lúc càng nguy hiểm.  Một hồi sau Ngô Lương Phụ đột nhiên dời bước lướt đi như sao xẹt, phóng ra sau lưng Ngao Bái giơ kiếm chém ngang đứa trẻ.

Ngao Bái cả kinh, xoay người đánh vào kiếm Ngô Lương Phụ, từ dưới tạt lên, mượn thế của Ngô Lương Phụ, Ngao Bái chỉ hất một cái thì cây kiếm ấy đã vuột ra khỏi tay Ngô Lương Phụ bay vào một bụi cây.  

Ngô Lương Phụ bị hất văng mất cây kiếm, thế là rút một thanh chủy thủ nhảy bổ tới.  Đứa trẻ phía sau lưng lại thét lên một tiếng, lần này thanh âm của nó nghe khàn đặc.  Ngao Bái hoảng hốt, chưa kịp né tránh thì ngực đã trúng chủy thủ, còn cây đao thuận thế đẩy về phía trước đâm vào be sườn của Ngô Lương Phụ lút đến cán. 

Ngao Bái đâm xong một nhát đao cũng chẳng thể cầm cự được nổi, chỉ cảm thấy mắt hoa lên, trời xoay đất chuyển, vội vàng phục người xuống đất để khỏi ngã ra sau đè đứa trẻ.

Ngô Lương Phụ cũng trọng thương ngã xuống đất, đôi mắt đỏ ngầu trợn trừng.  Hai người cách nhau chỉ khoảng bốn năm thước nhưng cũng chẳng thể nhảy bổ tới nhau được nữa. Thế là cả hai cứ trợn mắt nhìn nhau, trong gió đông văng vẳng tiếng khóc khàn đặc của đứa trẻ, cảnh tượng ấy thật khiến cho người ta kinh tâm động phách.  

Mấy lần Ngao Bái thử nhúc nhích nhưng toàn thân mềm nhũn, chỉ hơi dùng kình thì máu từ dưới ngực dội ngược lên miệng.  Ngô Lương Phụ luôn tẩm độc lên binh khí, Ngao Bái bị một nhát trúng ngực, vết thương bởi chất độc nặng hơn vết thương bởi đao.

- Đông Nga cách cách chạy đi – Ngao Bái nói với đứa trẻ - Tại sao cách cách còn ở đây?  Không chạy đi!

Đôi mắt đứa trẻ sưng đỏ vì khóc, nói: 

- Ngao đại nhân ra nông nỗi này, bổn cung không thể bỏ mặc ngài!

Ngao Bái chống tay xuống đất lắc đầu nói: 

- Bây giờ cách cách không chạy đi chỉ có chết thôi, bọn chúng đã sắp đuổi kịp tới đây, cách cách hãy mau chạy đi, tìm cách báo thù cho Nhiếp chính vương!

Vẻ mặt Ngao Bái rất nghiêm nghị, giọng nói nghe phều phào nhưng mỗi câu nói đều như tiếng trống chiều chuông sớm, chấn động cõi lòng đứa trẻ.

Đứa trẻ nhìn Ngô Lương Phụ, rồi nhìn Ngao Bái, đối với nó Ngao Bái là một bậc đại hiệp đã sức cùng lực kiệt sắp chết tới nơi vẫn còn lo nghĩ cho nó.  Đứa trẻ rút chủy thủ trên ngực Ngao Bái, cầm chủy thủ đi đến bên Ngô Lương Phụ.

Ngô Lương Phụ thấy đứa trẻ cầm chủy thủ từ từ đi về phía mình mà chẳng có cách nào đối phó. 

Phập!

Chủy thủ đâm xuống cổ Ngô Lương Phụ, một dòng máu bắn vụt lên mặt đứa trẻ, hai mắt Ngô Lương Phụ khép lại, đầu ngẹo sang một bên…  

Đó là lần đầu nàng giết người.

Cô gái áo trắng đứng dậy, đặt tay lên thân cây bạch dương, rồi rút thanh đao đeo sau lưng ra, mũi đao chấm đất.

Cô gái giữ vững tư thế, đầu tiên đưa mắt nhìn xuống, kế ngước mắt lên, anh khí ngời ngời, nàng bắt đầu sử đao pháp.  Trước tiên nàng múa đao ra thế Thiên Long Đao.  Chiêu này là chiêu tấn công, chân phải đinh tấn, mũi đao đâm thẳng ra phía trước, thế đao đi linh hoạt, mau lẹ.  Nàng dùng kình lực mạnh từ hông đâm thẳng thấu ra tận đầu mũi đao, rồi thu đao về, thế đao thu vào và đâm ra kỳ ảo như phi long ẩn hiện.  Tiếp đến cô gái sử Bạt Kích Đao, chiêu phản công này nàng né người sang trái, rút chân phải ra sau đứng trảo mã phải, hai tay cầm đao hất từ dưới đất lên như đang hất đi binh khí của đối phương.  Sau đó nàng lại bước chân phải lên trước đứng trảo mã trái, hai tay cầm đao xuất thế Trảm Long Đao, đâm đầu đao ra trước như đang đâm vào sườn kẻ địch.

Một người đàn ông khoảng ngoại lục tuần, tướng tá dềnh dàng vận đồ gấm đỏ cho ngựa chầm chậm tiến đến xem nàng luyện đao.  Đao pháp của cô gái vô cùng ngoạn mục, thân hình xinh đẹp của nàng uốn theo thanh đao.  Lúc nãy ngồi trên ngựa từ phía xa, người đàn ông nhìn thấy bộ đao pháp này lúc khởi thế bình bình, nhưng bây giờ đã biến thành Bát Kỳ tuyệt kỹ đao pháp, hành gia có nói Bát Kỳ đao pháp thế vô song, đường đao biến hóa như rắn rồng.  Lúc thu đao lại, cô gái vẫn không thở gấp, người đàn ông đó lại tự nhủ “đao pháp của nó không kém mình chút nào, khi tiến thì dũng mãnh, lui thì nhanh nhẹn. Thế hiểm vô cùng, bất động thì vững như núi, động thì mau như sấm chớp.  Tốt lắm!”

Người đàn ông nghĩ đoạn mỉm cười cất tiếng:

- Ái chà!  Đao pháp của cách cách tiến bộ vượt bậc, hạ quan trông nãy giờ thật hoa cả mắt, hư hư thực thực, kỳ kỳ chính chính, không biết phải đỡ bên nào!

Cô gái áo trắng dừng tay, thu chiêu lại nhẹ nhàng trả đao vào vỏ.  Người đàn ông xuống ngựa, bước đến cúi mình hành lễ:

- Hạ quan tham kiến Đông Nga cách cách.

- Xin đừng hành lễ.

Đông Nga đỡ lấy tay người đàn ông.

- Người từng cứu mạng Đông Nga, sau đó nuôi dưỡng và truyền thụ võ công, đối với Đông Nga và những huyết trích tử người vừa là thầy vừa là cha.  

- Nhưng cách cách có thân phận đặc biệt -Người đàn ông lắc đầu - Không giống với những nghĩa tử khác của hạ quan.

Đông Nga cười cay đắng:

- Hoàng đế Thuận Trị đã tước bỏ danh hiệu cách cách đó từ lâu, cũng đã sai người hủy mộ phần phụ thân.

- Sẽ có ngày chúng ta trả thù cho Nhiếp chính vương!

Người đàn ông nói, rồi cũng đến bái lạy gốc bạch dương.  Sau khi người đàn ông đó rời đi, Đông Nga múa đao thêm một lúc nữa rồi đi dạo trong rừng.  Nàng cứ thẫn thờ bước về phía trước, lúc này sương đêm vẫn chưa khô hẳn, gió sớm phả vào mặt.  Nàng đang đi chợt nghe tiếng nai kêu, từ xa nhìn thì thấy một con nai đốm uống nước bên dòng suối, thầm nhủ “con nai nhỏ này chắc chắn đã lạc mẹ, thật đáng thương.”  Rồi nàng chậm rãi bước tới lẩm bẩm:

- Nai nhỏ ơi nai nhỏ, ta cũng không có mẹ, nếu ngươi không chê chúng ta hãy kết thành bằng hữu nhé?

Chợt Đông Nga nghe một tiếng gầm lớn, ở phía sau một tảng đá có một con báo gầm rú phóng ra nhảy bổ về phía con nai nhỏ.  Nàng cả giận mắng:

- Con nai đã mất mẹ, đáng thương như thế, ngươi còn bức hiếp!

Đông Nga nói rồi cũng vọt đến mấy trượng, phóng ra cây đao, có điều khoảng cách quá xa, con báo phóng đi cũng rất nhanh nhưng cây đao vẫn cắt một đường trên đùi nó.  Da của con báo dày, tuy đau song cũng chẳng hề hấn gì.  Con nai đã bị nó ngoạm trúng chân sau, nhưng con nai nhỏ vẫn kịp thời bỏ chạy đi.  Con báo đã trúng đao nhưng cũng không buông tha con nai mà vẫn đuổi sát theo.  Đông Nga thi triển khinh công đuổi theo sau.  Đuổi một hồi con nai tựa như chẳng còn đường, chui tọt vào một hang đá nhỏ.  Con báo cũng đuổi theo vào trong hang.  Đông Nga chạy ở phía sau, khoảng cách đã gần hơn, nàng lại cho tay vào áo phóng một đoản đao vào mông con báo. Con báo kêu rống lên bổ nhào xuống đất, vừa chạm đất đã bị Đông Nga phóng tới dùng một đoản đao khác đâm vào cổ.

(còn tiếp)
Chương trước Chương tiếp
Loading...