Thanh Triều Ngoại Sử

Chương 10: Tình huynh đệ



Bình minh ló dạng hạt sương tan

Chướng phong thổi rụng lá hàng hàng

Tình duyên hợp rã nương bèo nước

Lững lờ mây đặc quoánh - thu sang

Ánh tà dương chỉ còn le lói, rải rác những tia vàng vọt đang còn luyến tiếc dương trần nên cố bám chót ngọn mấy hàng thông.  Một vài con chim chưa kịp di cư về phương khác tránh lạnh, đang bay về tổ vui mừng đoàn tụ, xao xác trên các cành cây trụi lá. Loài ăn đêm chuẩn bị đi săn, chập chờn vỗ cánh. Trong tâm chợt phát mối cảm hoài man mác, Tiểu Tường bâng khuâng nghĩ ngợi, chuyện nọ liên tưởng chuyện kia.

Hồi sáng hôm kia nàng ngỡ ngàng bởi cảnh trước mắt.  Nàng vừa nhìn thấy cái gì thế nhỉ?  Họ lại có thể tự nhiên ôm nhau bên bờ hồ thế ư?  Nghĩ rồi nàng lại thắc mắc rằng không biết họ bắt đầu từ khi nào?  Rồi còn Lâm Tố Đình...?

Khi đó Tiểu Tường định mở miệng hỏi Cửu Dương, cuối cùng lại thôi, vì thấy chàng hoài im lặng, mắt nhìn về một hướng xa xăm.  Nàng nghĩ chắc chàng cũng sửng sốt không kém nàng.

Mấy đêm rồi Cửu Dương cũng không về Hắc Viện, mà ở luôn trong kho rượu của nàng.  Nàng thấy chàng thức trắng cả đêm ngồi trơ trơ nhìn chiếc bóng hai người in lên bức tường trong kho rượu.

Hiện giờ chàng cũng đang bên cạnh nàng, hai người bước đi trên còn đường mòn đằng sau chùa Thanh Tịnh.  

Có đến một lúc lâu, Tiểu Tường lặng lẽ đi bên cạnh ý trung nhân đang buồn bã của nàng. Nhiều lần muốn buột miệng một câu gì đó để phá tan bầu không khí nặng nề nhưng rốt cuộc nàng không biết phải nói gì.  Thà là chàng hét lên, la lối, mắng chửi, chứ mấy ngày trôi qua rồi chàng không mở miệng nói câu gì hết, khiến nàng thật lo lắng.  

Không biết phải làm gì đây?  Tiểu Tường biết điều chàng cần trong lúc này không phải là những lời khuyên giải hay an ủi qua loa. 

Tiểu Tường biết rõ điều đó, cho nên mới lẽo đẽo theo Cửu Dương, đếm từng bước chân, ngực nặng như chèn đá.

Giá như…

Tiểu Tường tiếc nuối vì Giang Nam giấu chàng kỹ quá, đến khi nàng tìm ra thì trái tim chàng đã thuộc về người ta mất rồi.  Và vì chàng quá chung tình với người con gái đó nên ban đầu nàng đành nén tình cảm của mình sâu trong tim.

Mà nàng đối với chàng lại là gì đây?  Hai người chẳng qua là bèo nước gặp nhau, một dạng của sự cô đơn cần được lấp đầy.  

Một giọt nước đọng nơi khóe mi Tiểu Tường, xuýt rơi xuống, Tiểu Tường vội dùng tay áo đưa lên gạt đi, sực nhớ giờ phút này kẻ đau lòng nhất không phải là nàng.  

Nàng lại nghĩ tới ngày đầu tiên gặp chàng, nàng mới biết cảm giác nhớ day dứt một người là như thế nào.  Nàng không thể giải thích được tại sao hình ảnh của chàng, giọng nói, lẫn nụ cười đó luôn trong tâm trí nàng. Khi biết chàng yêu thích ai, cũng là lúc nàng biết nàng đã xuất hiện trễ rồi nhưng sao không thể quay lại được? Tình cảm là một cái gì rất khó nói, nó là cảm xúc mà người ta không thể kìm nén được. Lời chàng nói với nàng hôm bữa trong quán rượu nàng hiểu hết chứ, vậy nên đã rất can đảm để nói rằng "muội chúc phúc cho huynh," điều mà nàng chưa từng làm với một ai trước đây.  

Tiểu Tường nghĩ đến đây khẽ liếc mắt sang Cửu Dương, ánh mắt rưng rưng như chừng muốn nói chàng biết không, đến bây giờ nàng vẫn không ngừng yêu chàng, nàng đã tìm đủ mọi lý do để bảo bản thân đừng yêu chàng nữa nhưng không thể.  Nàng phải làm sao mới được đây?

---oo0oo---

Cửu Dương đi một hồi cũng dừng chân ngồi lên phiến đá dưới một gốc cây bồ đề lớn.  Tay rút cây quạt cất trong ngực áo ra, Cửu Dương dùng nang quạt khắc mấy dòng chữ trên mặt cát.  

Trời mưa bong bóng phập phồng

Em đi lấy chồng để khổ cho anh

Anh về ôm mối thương đau

Em đi có nhớ mưa nào hôm xưa

Phải chi hôm ấy đừng mưa 

Phải chi hôm ấy đừng đưa em về

Em đi son sắc lời thề

Vẹn nguyên tình nghĩa, toàn lời chân quê

Hứa về trọn nghĩa phu thê

Giờ quên nguyện ước não nề thế nhân…

Ngày xưa đưa em sang sông

Lệ rơi thấm đẫm vào lòng

Ngày nay tiễn bước theo chồng

pháo hồng đỏ rực rựou mời giao bôi...

Lòng tự bảo lòng lời hẹn năm xưa chàng vẫn còn nhớ mà nàng đã quên rồi sao?  

Cảnh xưa hiện ra dần dần trong trí chàng….

Năm đó có hai đứa bé dẫn nhau ra Tây hồ chơi, bàn chân son nhỏ như búp sen của đứa bé gái nghịch làn nước trong hồ.

-Thất ca à – Bé gái ngồi bên bờ buông thỏng hai chân xuống nước, nói – Tố Đình tỉ tỉ nói đợi lớn lên thì tỉ ấy sẽ biến thành tân nương.

Đứa bé trai đang bận vẫy vùng với làn nước mát mẻ trong hồ, vẻ lơ đãng như không nghe gì.  Bé gái nhặt một viên sỏi ném xuống hồ, mím môi bảo: 

-Muội cũng muốn làm tân nương!

Nhưng khi ngẫm nghĩ lại, bé gái bỗng nhăn nhó: 

-Mà muội không có hôn phối với ai hết á.

Đứa con trai nghe sư muội tự dưng vòi làm tân nương mãi, mới ngừng chơi đùa trong nước mà bơi lại gần, nhướng mày hỏi với vẻ kì quặc: 

-Muội muốn làm tân nương thật á?

-Phải đó! – Bé gái kia gật đầu lia lịa.

-Vậy... – Đứa con trai bối rối gãy đầu thật lâu, cuối cùng cũng lên tiếng -  Vậy muội làm tân nương của huynh là được.

Đứa bé gái nhe răng sún cười toe, trông yêu ơi là yêu.

- Ôi!  Thế thì còn phải đợi lâu lắm, đến bao giờ thì muội mới có thể lớn lên đây?

Cũng chỉ vì câu nói trẻ con này mà khiến chàng không sao quên nàng được!  

Đó là lần đầu tiên hai người hứa hẹn với nhau, một câu nói ngây ngô.  Lúc đó, nữ thần y cũng gọi là lên tám. 

Cửu Dương cũng nhớ hồi còn nhỏ chàng rất thích chọc cho sư muội mỉm cười.  Nàng cười đẹp lắm, mỗi lần nàng cười là như làm cả một khoảng trời bừng sáng lên, hoặc như đang đi giữa trời mưa, bỗng thấy một vườn cúc vàng rực rỡ.  Nhưng giờ đây, nụ cười đó, khiến chàng nghe mà nhói cả lòng.  Đã tự bao giờ rồi nụ cười dễ thương đó không thuộc về chàng nữa.  Mãi mãi, nó chỉ là hình ảnh trong những giấc mơ!

Khi này có tiếng chân người từ xa vọng đến, Cửu Dương nhanh chóng dùng chân xóa đi mấy dòng chữ dưới đất.  

Quả nhiên Tiểu Tường nói đúng, Khẩu Tâm, Tần Thiên Nhân, Trương Quốc Khải, và Tàu Chánh Khê vừa bước qua khỏi chỗ quẹo, bốn người đã nhìn thấy Cửu Dương. Nhưng trái với sự hình dung của bốn người họ, Cửu Dương đang ngồi thừ ra trên phiến đá chứ không bay nhảy đấm đá như mọi ngày.

Tứ bề của mảnh sân phía sau chùa Thanh Tịnh được tre bao bọc, trong sân treo lủng lẳng toàn những bao cát, khúc cây, hình nộm rôm, đó chính là luyện võ đường của các đương gia.  Hằng ngày, vào những giờ rãnh rỗi, Cửu Dương thường ra đây ôn quyền luyện cước. Lần nào bắt gặp Cửu Dương ở phía sau chùa, bốn người cũng thấy thất sư đệ tay đấm chân đá huỳnh huỵch vào các bao cát, mồ hôi mồ kê nhễ nhại.

Vậy mà hôm nay cái người siêng luyện võ đó lại ngồi im ru trên tảng đá, dáng điệu rù rù như… con gà chết, lạ thật!

Trương Quốc Khải huýt chỏ vô hông Tàu Chánh Khê một cái, đồng thời cũng hất đầu về phía Cửu Dương, cười nói:

-Chắc là đệ ấy lại bị đại muội chọc phá chuyện gì nữa rồi.

Nói xong nhíu mày thêm lời:

-Mà đại muội từ hôm qua tới giờ cũng mất cả hành tung, kỳ thật!

Nói rồi Trương Quốc Khải là người đầu tiên nhanh chân rảo bước tiến lại.

Cửu Dương thấy các sư huynh đến liền đứng dậy, vừa mở miệng định chào hỏi, Trương Quốc Khải đã nhanh nhẩu hỏi trước: 

-Thất đệ, sao đệ ngồi đây một mình vậy?

Lúc này Tần Thiên Nhân, Khẩu Tâm và Tàu Chánh Khê cũng tới.

Tàu Chánh Khê nháy mắt nói:

-Tối qua không thấy đệ về trường học?  Bọn huynh lo lắng lắm, may là khi nãy gặp Tiểu Tường cô nương, cô ấy bảo đệ ở chỗ cô ấy cả đêm.

Tàu Chánh Khê dứt lời thì cười khà khà.

-Tiểu Tường là một cô gái tốt - Tần Thiên Nhân cũng cười nói - Đệ không được chơi qua đường, phải có trách nhiệm với người ta.  

Cửu Dương gật đầu, nghĩ dạo gần đây các đương gia rất hiếm khi đi chung với nhau, vì mỗi người đều có một nhiệm vụ riêng, ai cũng rất bận rộn.  Cửu Dương nghĩ chắc là họ có chuyện gì cần bàn luận với mình.  

Quả nhiên Tàu Chánh Khê nói: 

-Thất đệ à, đệ đi vắng mấy ngày nay chắc chưa hay biết bọn người nha môn đang bắt ép cống sinh nhập kinh? 

Vương triều Thanh là do một dân tộc thiểu số phương bắc kiến lập sau khi chinh phục vùng Trung nguyên.  Vì thế, họ đặc biệt chú ý tới việc đề phòng tình cảm dân tộc của các phần tử trí thức nguời Hán, thường bắt bớ những nguời có câu chữ khác thường trong văn chương, phát động “Văn tự ngục,” tiến hành các cuộc trấn áp tàn khốc đối với người Hán.  

Văn tự ngục là tên chung dùng để chỉ những vụ án do chữ nghĩa mà ra, vô cùng thịnh hành vào thời hoàng đế Thuận Trị tại vị, nhất là ở những vùng miền Nam xa kinh thành, văn tự ngục đã xuất hiện và hoành hành rất nghiêm trọng.  

Một số lượng lớn các văn nhân vì viết sai một hai câu, có liên quan đến triều đình trong các tác phẩm của mình là ngay lập tức rước họa diệt môn.  Cống sinh nào không nhập kinh thi cử để phò trợ triều đình, hoặc thường dân nào có lời lẽ phỉ bán triều đình đại Thanh, cũng sẽ bị phạt thống quân.  Thống quân là hình phạt mà nguời phạm tội bị đưa tới vùng biên viễn làm lao dịch, có các mức một ngàn dặm, hai ngàn dặm, ba ngàn dặm, bốn ngàn dặm, hoặc nặng hơn nữa là bị xử trảm, nặng nhất là tru di cửu tộc.

Lại nói tiếp chuyện cống sinh bị buột phải đi kinh thành, Tần Thiên Nhân kể qua một vài tên học sinh trong danh sách của các cống sinh, Cửu Dương nghe xong nói:

-Những người này đều là những học sinh xuất sắc nhất của trường học.

Đoạn chàng hỏi:

-Thế họ phải ứng thế nào?

Tàu Chánh Khê nói:

-Đương nhiêu là họ không chịu vào Quốc tử giám, có mấy người phản đối kịch liệt bằng cách ngồi thiền trước cửa phủ huyện không chịu đứng dậy, đã hai hôm rồi, lão Trần, Nghị Trung, Nghị Chánh đều mang cơm nước tới, họ cũng nhất quyết chống đối lại nha môn, không chịu ăn không chịu uống, nhịn đói nhịn khát như kiểu tuyệt thực ấy, mấy ngày này bá tánh ngoài đường sá ai nấy cũng đều kéo đến coi, bàn tán xôn xao lắm.

Rồi Tàu Chánh Khê kể cho Cửu Dương nghe lúc thị học đại nhân đến Nam Hải thư viện, đã nói với các cống sinh rằng:

-Hồi nãy, tên của các học sinh mà bản quan đã có gọi đó, đều là những học sinh giỏi văn thơ nhất của trường này, cũng có hạnh kiểm tốt đối với quý thư viện.  Ba tháng trước, quan huyện Hàng Châu đã đem văn chương của các vị cho thị học ti ở Kinh Thành, và sau khi trải qua cuộc bình thẩm trong ba tháng, bây giờ đã có kết quả.  Tất cả các vị đều được tiếp nhận vào trong sĩ bản của Thiên Môn.  Đây là việc rất hiếm có, khi mà toàn bộ những bài văn của trường này khi nộp lên đều được tuyển chọn.  Chờ cho đến cuối tháng này, thì sẽ được đưa từ Thiên Môn vào kinh đô quốc tử giám ở kinh thành, chờ đến ba năm sau, chỉ cần các vị chuyên tâm học hành, các vị có thể nhậm chức huyện lịnh, trở về quê nhà làm cha mẹ nở mặt nở mày, tạo phước cho muôn dân, như vậy sẽ không làm phụ lòng đào tạo của triều đình.

Các cống sinh nghe vậy rất bất bình, một người nói:

-Tại sao kỳ vậy?  Như vậy chẳng khác nào bắt ép tụi mình đi làm chó săn chứ?

Những người khác cũng nói:

-Tại sao vậy chứ?

-Nếu nhỡ mình không muốn đi thì sao?

Một người ra vẻ già dặn nhất trong nhóm cống sinh nói:

-Chúng tôi không muốn làm con chó của Mãn Thanh!

-Ừ!  Đúng rồi!  Chúng tôi không muốn làm Hán gian!

Quan tri huyện Hàng Châu vội nạt:

-Đừng ồn, tụi bây chủ yếu là nghe lời của thị học đại nhân đi, được vào bản công sĩ khỏi lo ăn khỏi lo ở, còn muốn nghị luận gì nữa?

Nhưng các học sinh có tên trong danh sách cống sinh vẫn nói:

-Chúng tôi không muốn rời khỏi nơi này!

-Đúng!  Chúng tôi muốn ở lại đây theo viện trưởng học!

-Còn ai dạy học hay hơn ngài được đây?

Quan tri huyện chỉ vào mặt họ:

-Không được nói nhiều, con bà tụi bây!  Tụi bây mau đi về thu xếp hành lý, chuẩn bị lên đường đi Thiên Môn!

-Chúng tôi không đi!

-Im miệng!  Cái tụi chết bầm này!  Tụi bây không được phép cải lệnh vua, mau về thu xếp có nghe không? 

Tàu Chánh Khê kể tới đây quay sang Tần Thiên Nhân hỏi:

-Nhị ca à, huynh nghĩ chúng ta phải làm sao bây giờ?

Vị trí của Tàu Chánh Khê trong hội thấp hơn Tần Thiên Nhân, khi gặp chuyện khó phân giải thì phải theo qui luật mà thỉnh thị người trên.  Nhưng Tần Thiên Nhân cũng không biết tính sao, quay sang Cửu Dương:

-Thất đệ nghĩ sao?

-Chúng ta có thể tìm cách sắp đặt, dẫn họ trốn đi.  

-Làm vậy được sao?

Cửu Dương gật đầu:

-Họ đều là những cô nhi, nếu có trốn đi cũng không liên quan tới ai.

Tần Thiên Nhân nghe vậy, gục gặc đầu.

Khẩu Tâm nãy giờ vẫn giữ im lặng, không dưng lên tiếng:

-Dầu gì thì họ cũng là người của trường học chúng ta rồi, tuy không cùng chung máu mủ nhưng đã là người trong hội tức là người thân trong gia đình, vậy nên, theo huynh nghĩ một người trong đám chúng ta nên đích thân đưa họ đi để đảm bảo an toàn cho họ, khi xảy ra chuyện cũng có người gánh vác, vậy mới phải đạo.

Mọi người nghe Khẩu Tâm nói thấy rất có lý, nhưng không biết ai sẽ đưa cống sinh đi rời khỏi Hàng Châu?

Khẩu Tâm nói tiếp:

-Thất đệ, đệ là viện trưởng của trường học, họ tin tưởng vào đệ nhất, hay là đệ đưa họ đi?

Cửu Dương lặng người, đó cũng chính là điều chàng mong đợi, một nơi bình yên như suy nghĩ của chàng cần. Nhưng tại sao lại cảm thấy có sự chạnh lòng như vậy? Lý trí nói rằng chàng  không nên gặp nàng nữa, nhất định là không nên gặp, nhưng sự yếu đuối nơi con tim và nỗi nhớ lại khao khát thôi thúc được chuyện trò với nàng, hay chỉ đơn giản là được đứng từ xa nhìn nàng, dầu là một chút, để biết được rằng nàng vẫn khỏe mạnh, vẫn bình an, vậy là được. 

Cửu Dương lại khẽ nhìn Tần Thiên Nhân, nhủ bụng nếu chàng ở lại nơi này, những khi nhớ nàng, đành phải kìm nén nhiều lắm.  Mà càng kìm nén nỗi nhớ trong lòng thì càng thêm tấy đau tê tái hơn.  Chàng phải tự biết chàng là ai.  Chàng không còn là kẻ thích nhớ nàng lúc nào cũng được, không được thân mật với nàng nữa. 

Mọi thứ cảm xúc đang trải qua thực sự đối nghịch lấy nhau một cách tồi tệ.  Cửu Dương chỉ muốn thoát khỏi sự bế tắc trong tâm hồn ngay lúc này.  Biết thế nào được nhỉ?  Buồn, nhưng chàng vẫn còn rất yêu nàng. Có lẽ sẽ rất lâu sau đó chàng mới bình tâm và quên được nàng.  Rời xa nơi này, có phải là sự lựa chọn đúng đắn cho chàng hay không?  Liệu đây có là thử thách cuối cùng cho tình yêu này hay là một sự chấm dứt vĩnh viễn để có một bắt đầu mới tươi đẹp hơn?  Xa nhau, khoảng cách địa lý, liệu tình yêu chàng dành cho nàng có nguôi ngoai được không, hay lại khiến trái tim chàng vì quá yêu nàng mà không thể một lần rung động nơi đất khách quê người?   Nàng vốn dĩ là một làn gió.  Đúng hơn là một cơn giông bão, mang tới bao nhiêu cuồng nhiệt nhưng cũng chứa đựng bao nhiêu sự tổn thương cho người đón nhận.

Cửu Dương suy nghĩ một lát cuối cùng cũng gật đầu làm theo lời Khẩu Tâm.

Nhưng Tần Thiên Nhân vừa mới được hội ngộ cùng Cửu Dương, nhất là sau trận hành thích Khang Hi, tưởng rằng không còn cơ hội gặp lại người em trai này nữa, cho nên Tần Thiên Nhân không nỡ xa Cửu Dương.

-Không biết đệ phải đi bao lâu? - Tần Thiên Nhân nói.

Cửu Dương đáp:

-Chắc phải là một thời gian dài, chờ cho chuyện im rồi mới trở về nơi này.

Tần Thiên Nhân lại nói:

-Nhưng đệ là viện trưởng, không dưng mất tích, hình như có gì đó không được ổn cho lắm.

Điều Tần Thiên Nhân nghĩ tới Trương Quốc Khải cũng có nghĩ tới, bèn nói:

-Thường ngày đệ ý cũng ít khi xuất hiện trong trường, chắc sẽ không sao đâu, nhỡ có người hỏi đến lão Trần có thể nói viện trưởng theo lịch trình đi sang các tỉnh lân cận để dạy học rồi, hay là đi nghiên cứu tài liệu ở nơi khác là được rồi.

Tần Thiên Nhân lắc đầu:

-Như vậy chỉ giải quyết được vấn đề tạm thời thôi, không giải quyết được lâu dài đâu.

-Vậy lão Trần có thể nói rằng viện trưởng đã từ chức rồi - Cửu Dương nói.

Tần Thiên Nhân hỏi:

-Từ chức?  Với lý do gì mới được chứ?

-Thì... - Cửu Dương trả lời - Lý do là tấm ngự biển, cứ bảo rằng vật khâm thí bị mất đi, chuyện lớn như vậy xảy ra tuy là đã tìm lại được nhưng viện trưởng tự thấy hổ thẹn nên đành từ chức.  Cứ nói vậy là được.

Cửu Dương lấy lý do này, Tần Thiên Nhân không biết phải nói gì thêm.

Tàu Chánh Khê chợt nhớ tới một chuyện, vội nói:

-Thế còn cống sinh, nếu binh lính tới trường hỏi tìm cống sinh phải làm sao đây?

-Cứ bảo bọn họ không muốn lên kinh nên về quê hết rồi - Cửu Dương nói.

Tần Thiên Nhân nói:

-Nhỡ mà triều đình buột chúng ta phải chịu trách nhiệm...

Cửu Dương nói:

-Làm gì có chứ, tại sao lại bắt trường học phải gánh trách nhiệm?  Chúng ta mở trường, học sinh đến đăng ký theo học, không học có quyền đi về, chúng ta đâu phải nha môn mà bắt giam họ lại được?

-Nghĩ cũng phải…  

Tần Thiên Nhân cuối cùng cũng đành để Cửu Dương đi, tuy trong lòng rất buồn, chàng nói:

-Được rồi, mọi việc theo quyết định của đệ.

Trương Quốc Khải thình lình lên tiếng:

-Vậy tất cả cống sinh đêm nay hẹn gặp nhau tại Thanh Tịnh tự chứ?  Để đệ đi chuẩn bị ngựa.

Cửu Dương nghe vậy, bấm mấy lóng tay, gật gù nói:

-Nếu tất cả đi chung cùng một lúc như vậy, thì phải cần đến hơn trăm bộ quần áo bông, vì mùa đông sắp tới rồi, thêm vào đó họ đều là sức trai trẻ cả, nên phải mang theo năm chục bao gạo trắng nữa, đi di cư mà, có cơm còn phải có đồ ăn chứ, nên cũng phải vác luôn theo ba trăm cân thịt khô.  Sau đó, nhỡ có đụng chuyện đánh nhau với triều đình lại phải cần dùng tới tám chục cây cung, tám trăm cây tênh, ba mươi cây đao bén, ba mươi chiếc xe to và ba chục con tuấn mã để kéo xe.  Tất cả tính nhẫm đi nhẫm lại thì là hai trăm ba mươi sáu lượng bạc…

Trương Quốc Khải vốn không quen kiểu nói chuyện lung khởi thường gặp này của Cửu Dương, không biết Cửu Dương đưa ra một lượt các liệt kê về những con số để làm gì?  Trương Quốc Khải không ngừng giơ tay lên vò đầu.

Tàu Chánh Khê và Khẩu Tâm thấy vậy bật cười.

Té ra là vậy, Trương Quốc Khải sực hiểu, hóa ra tên thất sư đệ này nói chuyện dông dài cố ý chọc cái tính tình hồ đồ và ưa hấp tấp này của chàng.  Cửu Dương thường hay đùa chàng cùng họ Trương giống như Trương Phi, gặp chuyện gì Trương Phi cũng hấp tấp nóng lòng đến độ mũi sắp thở ra khói.

Truơng Quốc Khải há hốc miệng, không dè Cửu Dương lại đùa chàng trong lúc này, liền thu nắm tay lại, đấm vào vai trái Cửu Dương một phát. 

Cửu Dương đảo mình sang phải rất nhanh, cùng lúc cũng khua chân chạy đi.  Trương Quốc Khải rượt theo sau lưng Cửu Dương.

Tần Thiên Nhân nhìn hai sư đệ một người đánh một người né, cũng cười nói:

-Không đi chung được thì nên chia nhau đi vào ban đêm, khác ngày càng tốt, theo từng nhóm người, rồi hẹn tụ tập ở một nơi nào đó.

Cửu Dương vừa khua chân liên tục chạy thoát khỏi tầm đánh của Trương Quốc Khải, vừa lấy một vật tròn tròn trong lưng quần ra, vẫy trả ra sau.  Cửu Dương không dùng kình lực, cái vật tròn nhỏ đó từ từ bay về trước ngực Tần Thiên Nhân.

Tần Thiên Nhân bèn đưa tay đón lấy:

-Đệ đưa đồng xu này cho huynh làm gì?

Cửu Dương ngoảnh đầu lại nói:

-Đồng xu này được cái gì đúc thành?

-Dĩ nhiên là đồng.

-Không - Cửu Dương xua tay - Sáu phần là đồng, bốn phần là chì.

-Thì ra đại Thanh đúc tiền mà cũng là giả sao? - Tần Thiên Nhân tròn mắt.

-Không  - Cửu Dương tiếp tục xua tay nói -  Vì khó kiếm được đồng, nên người nào tìm được thì sẽ phát tài.

Tàu Chánh Khê và Khẩu Tâm đưa mắt ngó nhau, không biết hai huynh đệ nhà họ Tần đang nói với nhau những gì.

Đến khi nghe Tần Thiên Nhân nói, họ mới à lên một tiếng:

-Thì ra đệ muốn đi đến Đồng Sơn tỉnh Tứ Xuyên?

-Đúng rồi - Cửu Dương đáp, lúc này chân chàng có hơi chậm lại - Đệ muốn hẹn gặp các cống sinh ở Tứ Xuyên, bọn họ có thể giả làm nhân công giúp đệ lên núi tìm đồng, đệ hóa trang thành một thương gia khai thác mỏ đồng, trên tay cầm theo quyển Đồng Sơn Chí thì không ai nghi ngờ gì được.

Tần Thiên Nhân nghe Cửu Dương nói, cho là phải. Dù sao mấy cỗ xe ngựa cùng hành tẩu giang hồ trong một thời điểm như Trương Quốc Khải nói đương nhiên sẽ khiến người ta nghi ngờ. Như vậy sẽ không phải là thượng sách trong kế hoạch trốn chạy này.

-Chỉ e - Tần Thiên Nhân vẫn còn phân vân - Các học sinh ra dáng thư sinh như vậy, da vẻ trắng trẻo không rám nắng như những người thợ đồng...

-Không sao đâu, tới đâu hay tới đó vậy, khi đó đệ sẽ nghĩ thêm ra cách nữa, chuyện bây giờ là đưa họ rời khỏi Hàng Châu trước đã.

Khi Cửu Dương nói câu này thì Trương Quốc Khải đã bắt được tay áo chàng.

Cửu Dương dừng chân hẳn lại.  Lúc nãy chàng chỉ thuận miệng nói đùa một câu trêu sư huynh thôi, chứ không có tâm tình tỉ võ với Trương Quốc Khải, nên vội xá một cái nói:

-Rồi, rồi, đệ xin thua!

-Mau tạ lỗi đi!

-Xin lỗi tam ca!

-Vậy mới được chứ!

Trương Quốc Khải cũng chỉ đùa chơi thôi, chàng cũng thu quyền lại bật một tràng cười sảng khoái.

Tàu Chánh Khê thấy hai người kia so tài cao thấp cũng vui nhộn, bước ra nói với Trương Quốc Khải:

-Lúc nãy đệ thấy thần khí của tam ca thật đã khôi phục hoàn toàn cả rồi ha, mà cũng lâu lắm rồi chúng ta không luyện võ với nhau, vậy xin tam sư huynh cho đệ thọ giáo vài chiêu?

-Hảo! 

Trương Quốc Khải nói, cả tháng nay chàng bị nữ thần y buộc phải nằm trên giường dưỡng bệnh, “tù cẳng” chết được, nghe vậy thấy phấn khởi trong lòng.

-Vậy đệ không khách sáo đâu!

Tàu Chánh Khê nói rồi phóng lại trước mặt Trương Quốc Khải, xuất chiêu thức đầu tiên trong bộ Phiên Tử Quyền, thu nắm tay phải lại đấm vào mặt Trương Quốc Khải.  

Phiên Tử Quyền là một bộ môn quyền thuật chú trọng kỹ pháp tấn công thay vì phòng thủ bằng các chiêu thức thủ pháp và có nguồn gốc từ Ưng Trảo Quyền của Thiếu Lâm, tục gọi Phiên Tử Quyền là loại quyền thuộc dòng đánh gần, giáp lá cà.  Bộ pháp này có mười hai giá tử, hay gọi là quyền thức, và tám phép lật tay, hay gọi là Phiên tử trong thủ pháp nên mới có tên là Phiên Tử Quyền.

Trương Quốc Khải nghiêng mình ra sau tránh được chiêu đầu tiên mà Tàu Chánh Khê đánh ra, đồng thời thoái lui mấy bước.  Tàu Chánh Khê lại vẫn dùng đòn tay xuất thủ thật nhanh, liên tiếp nhau như mưa rào.  Hai tay phát ra như hai ngọn roi da quất lên nghe vùn vụt.  Trương Quốc Khải lại tránh được toàn thể hai mươi chiêu.

Sau khi dùng đòn tay mà không tiếp cận được Trương Quốc Khải, Tàu Chánh Khê lại rút cây đao đeo phía sau lưng ra đâm thẳng tiếp.  Trương Quốc Khải không có cách nào tránh né nữa, phải tuốt Phục y kiếm ra đỡ.  Keng một tiếng vang lên!  Hai thanh đao kiếm chạm nhau bắn lửa tung tóe.

Như mọi lần, khi các sư huynh cùng luyện tập võ nghệ, Cửu Dương ít khi tham gia vào, chỉ đứng thổi tiêu để trợ lực thêm cho họ, năm xưa cũng thường như vậy.  Cho nên ngoài Cửu Nạn sư thái thì các đương gia cũng không biết rõ dạo gần đây võ công Cửu Dương tiến triển tới mức độ nào?

Một chân Cửu Dương đạp lên tảng đá, hai vạt áo dài màu trắng theo gió bay lên, mắt chàng trông theo hướng bờ hồ, động tác nhuần nhuyễn, âm thanh êm dịu, tiếng tiêu vang xa nghe du dương tao nhã.  Tiêu của Cửu Dương là tiêu chín khúc, được làm bằng tre, loại tiêu chín khúc này là quý nhất trong các loại tiêu.

Tần Thiên Nhân và Khẩu Tâm đứng đó mắt thì xem trận tỉ võ, tai thì nghe Cửu Dương thổi bài Đào Xuân Hoa.  Tần Thiên Nhân tự nhiên nhớ bài thơ đời nhà Đường mà Lý Bạch từng viết: 

Thùy gia ngọc địch ám phi thanh, 

Tán nhập xuân phong mãn Lạc thành  

(Nghĩa là: tiếng tiêu ngọc nhà ai thoảng đưa tới, hòa trong gió xuân bay khắp thành Lạc Dương.)

Lại nói về trận tỉ võ, thêm một khắc nữa trôi qua, Tàu Chánh Khê và Trương Quốc Khải cả hai qua lại chớp mắt đã được gần một trăm chiêu.

Qua thêm nhiều chiêu thức nữa, Cửu Dương thổi tới đoạn hoa đào bị cuốn xoay tròn trong cơn gió lốc, tiếng tiêu vang lên cao hơn, nhịp cũng gần hơn.  

Tàu Chánh Khê cũng theo nhịp tiêu bèn cử đao lên khua đao một vòng, rồi chém cách không vào một tàng thông gần đó, quét chiêu thức về hướng Trương Quốc Khải, bắn ra những lá thông nhỏ và nhọn hoắc như những mũi kim châm.  Sau khi Tàu Chánh Khê xuất hư chiêu vội xuất chiêu Thái Cực Đường Lang đâm thẳng vào vai Trương Quốc Khải.   Đây chính là tuyệt kỹ của Tàu Chánh Khê, chính chiêu này đã làm nên danh tiếng Bát Bộ Truy Hồn của chàng.  

Ngờ đâu kiếm pháp của Trương Quốc Khải rất nhanh, rõ ràng là đang dùng thanh Phục y kiếm quay mòng mòng như chong chóng dốc hết tinh thần đỡ những lá thông đang lao đi vùn vụt, thế mà khi mũi đao gần đâm trúng vai thì chàng đột nhiên đưa hai ngón tay không cầm kiếm lên kẹp lấy lưỡi đao.  Tàu Chánh Khê còn đang tròn mắt thán phục, Trương Quốc Khải tiện thể xoay cổ tay một cái, đoạt luôn được cây đao.

Tàu Chánh Khê thua cho Trương Quốc Khải, cam bái hạ phong, nhận lấy thanh đao trả vào vỏ xong cúi đầu nói:

-Người ta vẫn nói ra ngõ gặp anh hùng, công phu của tam ca thật là tuyệt diệu.  Tiểu đệ bị thua rồi.

Tàu Chánh Khê nói xong lui về đứng cạnh Tần Thiên Nhân và Cửu Dương.  Ba người đứng dưới tàn cây bồ đề.  Đến lượt Khẩu Tâm bước ra.

Khẩu Tâm không nói không rằng, bay tới trước mặt Trương Quốc Khải đánh liền ngay ba chiêu trong bộ Độc Lư Hương, trận tỉ đấu đã khai diễn.

-Được lắm!

Trương Quốc Khải nói, kiếm trong tay cũng đảo trái đảo phải cản đường quyền của Khẩu Tâm.

Lần này Trương Quốc Khải đấu với Khẩu Tâm, một người lợi về chiêu thức, một người lợi về sức mạnh, nhất thời đã năm mươi chiêu còn chưa phân thắng bại.

Khẩu Tâm có thân hình to lớn chắc nịch, nên dùng đôi chân và thân mình mô phỏng hoàn hảo thần thái của chiếc độc lư cắm những cây hương trên các bệ thờ.  Hai tay Khẩu Tâm cũng to và dài ngoằn, được Khẩu Tâm sử như hai cây thương để đi bài thương Độc Lư Hương, thể hiện sự vững chắc liền lạc, từng chiêu thức kín đáo khi phòng thủ, thần tốc và bất ngờ khi tấn công.

Những khi Khẩu Tâm xuất đòn tay, tiếng gió lồng vào ống tay áo vang lên gấp rút, Trương Quốc Khải đều ngỡ khí thế giống như núi lở.

Đấu thêm mấy mươi chiêu nữa, hai bên thái dương và trán của Trương Quốc Khải đã lấm tấm mồ hôi nhưng thần sắc Khẩu Tâm vẫn ổn định, khí lực vẫn đầy đủ, thân pháp cùng bộ pháp hoàn toàn không chậm lại.

Ngay sau đó kiếm pháp của Trương Quốc Khải đột nhiên thay đổi, chàng đã dùng tới tuyệt kỹ Mãnh Xà Thần Lâu, kiếm pháp khúc xạ ánh mặt trời phát sáng ra và uống lượn như một con bạch xà. Kiếm phong từ mũi kiếm vọt ra, kiếm chiêu nửa hư nửa thật, tưởng là thật mà lại là hư, tưởng là hư nhưng lại thật.  Tần Thiên Nhân và Tàu Chánh Khê hai người đều nín thở ngưng thần nhìn không chớp mắt. 

Song Khẩu Tâm rất bình tĩnh tiếp chiêu, chàng dùng thiết đầu lôi được xếp lại như một bát quái đồ cất trong ngực áo.  Khẩu Tâm nhanh tay vạch ngực áo ra, dùng thiết đầu lôi như một tấm gương bằng sắt phản chiếu lại quầng kim quang phát ra từ chiêu tuyệt kỹ của Trương Quốc Khải, làm chớp lên những tia bạch quang của trường kiếm.  Trương Quốc Khải phải nhắm mắt lại để ánh sáng phản chiếu không làm cho mờ mắt, kiếm chiêu cũng vì vậy mà đi lệch hướng, không trúng mục tiêu nữa.  Khẩu Tâm vì vậy mà tránh được chiêu kiếm tuyệt kỹ của tam sư đệ.  Và cũng nhân lúc Trương Quốc Khải còn chưa mở mắt ra, Khẩu Tâm mới cất giọng la lên một tiếng, tung mình nhảy một vòng bay lên trời, trong tư thế chúi mình xuống đất Khẩu Tâm cũng đồng thời đánh một chưởng xuống đỉnh đầu Trương Quốc Khải. 

Trương Quốc Khải không kịp biến chiêu, cũng không kịp thu kiếm về để đưa mũi kiếm thẳng lên chống đỡ, chỉ còn cách dùng tay còn lại tung chưởng pháp đánh ra. Trương Quốc Khải liền vận nội lực vào tay trái đón tiếp phát chưởng, còn tay phải cầm kiếm đâm xuống đất để giữ thế. Hai chưởng gặp nhau nghe bùng một tiếng.

Hai bên duy trì như thế một lúc. Khí lực của Khẩu Tâm vốn đã mạnh hơn, lại có thế đè từ trên xuống nên chưởng pháp cứ như dần dần ép sát vào đầu Trương Quốc Khải.  Thì ra nội lực hai bên phân biệt khá nhiều. 

Tần Thiên Nhân và Tàu Chánh Khê hai người không hẹn mà cùng vỗ tay hoan hô.

Khẩu Tâm tung người nhảy ra ngoài một trượng, đáp xuống đất làm động tác thu nội công về.

-Sát thủ Thiết đầu lôi đúng là danh bất hư truyền! - Trương Quốc Khải chấp hai tay lên tiếng tán dương - Đệ chịu thua.

Tàu Chánh Khê đang gật gù thán phục võ công của Khẩu Tâm, chợt chàng bàng hoàng phát hiện từ nãy đến giờ Khẩu Tâm chỉ cần hai tay đã thừa sức áp đảo được Nghĩa đảm kiếm khách, chẳng cần dụng tới binh khí.

Sau khi Khẩu Tâm đả bại Trương Quốc Khải, chỉ còn lại Tần Thiên Nhân, Khẩu Tâm nói:

-Tổng đà chủ ưa khen đệ thông minh, võ công lại cao, huynh cũng muốn xem xem, mấy năm nay, đệ ở đồn Bạch Nhật cùng bà học thêm được những gì? 

Nói rồi phát chiêu đánh ngay khi Tần Thiên Nhân vừa mới nhảy vào vòng chiến.

Tần Thiên Nhân khác với Trương Quốc Khải, không vội vã xuất chiêu mà nhường Khẩu Tâm mười lăm chiêu rồi mới đánh trả.

Lần này Khẩu Tâm ra đòn chiêu nào chiêu nấy nom có vẻ cương quyết hơn khi đánh với Trương Quốc Khải, còn Tần Thiên Nhân chỉ phòng thủ chứ chẳn chịu tấn công.  Chỉ nghĩ đơn giản đây là buổi luyện tập và trao đổi võ nghệ thôi.

Bấy giờ Cửu Dương đã thổi sang bài Bạch Vân Tiên.  Cửu Dương biết rất nhiều bài nhưng có năm bài ruột, một là Đào Xuân Hoa, hai là Long Phụng Ngâm, ba là Bi Đao Ca, bốn là Đại Thiên Sơn, năm là Bạch Vân Tiên. Bài thì khẳng khái kịch liệt, bài thì uyển chuyển triền miên, bài nào cũng có chỗ hay riêng biệt. 

Cửu Dương thổi hết bài này đến bài kia, nhất là đây có lẽ là lần cuối chàng thổi tiêu với các sư huynh nơi này, sau đó có thể rất lâu chàng mới về đây nữa, nên cả năm bài tiêu tấu trổi lên từ đầu đến cuối một lần. Tiếng tiêu thanh thoát thấu suốt tầng mây, phủ khắp bốn phương.

Hai đương gia còn đang đánh nhau rất kịch liệt. 

Khẩu Tâm xuất một lượt hai mươi bảy trong ba mươi sáu thế Tam thập lục quyền của phái Thiếu Lâm.  Tuy những thế đánh này rất hung mãnh bắt buộc Tần Thiên Nhân phải lui nhưng bộ tấn của Tần Thiên Nhân rất vững vàng, khiến cho Khẩu Tâm cứ đánh mà vẫn không thể nào bắt Tần Thiên Nhân xê dịch được.  Lại nữa, Khẩu Tâm càng không tránh khỏi những quyền chưởng phóng tới ào ào đập xuống từ thiếu đà chủ.  Bao nhiêu quyền, chưởng Khẩu Tâm đánh ra đều bật ngược trở lại, chẳng khác gì đập vào thỏi sắt khiến cho gân tay tê buốt mà Tần Thiên Nhân dường như chẳng cảm thấy gì.

Tần Thiên Nhân nổi danh trong giang hồ là một cao thủ đòn quyền, tuy cũng sử dụng đòn tay Phiên Tử Quyền như trận đánh mở màn của Tàu Chánh Khê đấy nhưng thế thức động tác ngắn nhỏ tinh vi hơn, phát kình cũng nhanh và mạnh, quyền pháp cũng dày đặc hơn.

Khi Tần Thiên Nhân đánh đặc điểm là động tác chỉ một khí, nghĩa là một lần hít thở, là thành quyền, vì thế quyền ngạn mới bảo: Phiên tử nhất quải tiên.

Khẩu Tâm sau mấy mươi chiêu biết nếu như chàng đấu tay không đương nhiên sẽ không bằng Tần Thiên Nhân được.  Khẩu Tâm liền cho tay vào áo cà sa để lấy binh khí thiết đầu lôi ra.

Tần Thiên Nhân dường như đọc được suy nghĩ của Khẩu Tâm, lập tức tung Tỏa Chỉ Công, chiêu thức hai mươi hai trong bộ Hổ Hạc Song Hình quyền ra sức bấu vào hai cổ tay Khẩu Tâm, ngăn chặn không cho nắm lấy Thiết Đầu Lôi. 

Khẩu Tâm cũng nhanh chớp nhoáng vận quyền thi triển chiêu thứ năm mươi lăm Phân Thủy Công của bộ Hùng Kê Quyền rẽ đôi tay của Tần Thiên Nhân sang hai bên.  Tần Thiên Nhân bị ép buộc phải buông tay.  Khẩu Tâm mới thành công rút binh khí Thiết đầu lôi ra, vung nghe veo véo.  Tần Thiên Nhân liền xoay người một vòng cung chân hất vào những tảng đá gần đó. Đòn thứ mười một Thiết Tảo Công của bộ Thất Thập Nhị Huyền Công này quét vào đá làm bay vèo vèo lên không trung, tung hàng loạt những tảng đá về phía Khẩu Tâm.

Quả nhiên theo tính toán của Tần Thiên Nhân, vũ khí Thiết đầu lôi cho dù có bén nhọn thế nào khi chụp trúng vào những khối đá to lớn cũng không sao cắt nổi được.  Hơn nữa còn bị vài khối đá đè cho sợi xích sắt dính chặt xuống lòng đất.

Khẩu Tâm đành vứt Thiết Đầu Lôi sang một bên, vội tung chưởng vào những cành cây khô đã được các chú tiểu quét dọn chất thành một đống cao như cái nhiễu gần đó.  Những cành cây bay vọt lên mười mấy thước, Khẩu Tâm lại bồi thêm một chưởng như vũ bão nữa.

Cửu Dương ở cách đó một đoạn tự dưng thấy không yên trong lòng, đứng xem lại càng thất thần. Lúc này chàng suýt quên mất chuyện thổi tiêu của mình, mắt chú ý nhìn trận đánh khi những cành cây khô như một trận mưa tênh bay tới tấp về phía Tần Thiên Nhân.

Song Tần Thiên Nhân không chút e dè, lập tức phá trận bằng cước thứ ba của bộ Thất Thập Nhị Huyền Công là Túc Xạ Công, cú song phi cước cắt chéo tuyệt kỹ này được thể hiện bằng cách chân trái diệt bên phải, chân phải triệt bên trái.  Tần Thiên Nhân dùng ngón và ức của bàn chân đá những cành cây đang tấn công chàng từ hai phía tả hữu, làm cho chúng nát tan ra, dệt thành một bức màn như cát bụi li ti.  

Cửu Dương lại tiếp tục công việc thổi tiêu.  

Ngay sau khi Tần Thiên Nhân sử Túc Xạ Công, tức tốc phối hợp tinh xảo đòn cước với Châu Sa Chưởng, âm công tối độc thứ mười bảy này cũng là của bộ pháp Thất Thập Nhị Huyền Công.  Tần Thiên Nhân dùng tay khuấy tấm màn bụi bay vuốt lên cao, xoáy vòng như phong bão, chưởng gió lốc, khí lồng lộng bay về phía Khẩu Tâm.

Cũng vào lúc này âm thanh của tiếng tiêu của Cửu Dương đang êm ái mơ hồ, bỗng cũng đổi điệu cao bổng lên đầy vẻ sát phạt tựa hồ như có thiên binh vạn mã đang kéo đến ầm ầm.  Khẩu Tâm nghe tiếng tiêu đồng thời cảm thấy dường như đang bị hãm vào vòng vây.   

Khẩu Tâm chỉ còn cách phi thân lên cao nhưng tàn cây bồ đề to lớn không cho phép Khẩu Tâm sử chiêu năm mươi sáu của Thất Thập Nhị Huyền Công là Phi Thiềm Tẩu Bích để nhảy lên tránh né chưởng pháp. Giây phút mà Tần Thiên Nhân thấy đại sư huynh sắp sửa bị nguy kịch, Tần Thiên Nhân vội thu hồi chiêu thức khiến tấm màn bụi ngưng động, rớt xuống mặt đất.

Cửu Dương nhận thấy sắc mặt của Khẩu Tâm đột nhiên lạnh lại, và thấy Khẩu Tâm cũng thừa cơ hội Tần Thiên Nhân thu nội công về phát một chưởng vào giữa ngực Tần Thiên Nhân.  Nhưng chưởng pháp xé gió chưa kịp chạm vào ngực thiếu đà chủ đã bất ngờ bị một vật cản lại.

Đồng thời điểm này tiếng sát phạt vọt lên một lúc, mọi người vừa bị cảm xúc thì thanh âm đó cũng im bặt.

Thay vào tiếng tiêu là một tiếng rụp đanh gọn vang lên.

Cửu Dương vụt phóng lại đứng giữa hai người sư huynh, gãi gãi lưng nói:

-Chậc, xin lỗi hai huynh, đệ bị con sâu chết tiệt này…

Vừa nói vừa xòe tay trái ra, có cái gì màu xanh nhỏ xíu trong lòng bàn tay chàng.

Cửu Dương nói rồi chẳng cho ai kịp nhìn con sâu, nhanh tay ném vào một lùm cây.

Tần Thiên Nhân tuy biết mình đã thắng cuộc rồi, vẫn chắp tay cung kính nói: 

-Đại ca võ công thật lợi hại.

-A di đà Phật, cũng là nhị đệ nhường cho huynh.

Tần Thiên Nhân lại mở miệng định nói gì thêm, thì lúc này Tiểu Tường, Hiểu Lạc và nữ thần y chạy đến gọi họ về ăn tối.

Khẩu Tâm bái chào mọi người rồi trở vào chùa Thanh Tịnh, còn Trương Quốc Khải và Tàu Chánh Khê thì đi cùng hai người con gái và Hiểu Lạc.  Nữ thần y trách Trương Quốc Khải sao lại không ở trong phòng nghỉ ngơi.  Trương Quốc Khải giơ tay phân bua gì đó.  Nữ thần y bèn quay sang liếc xéo Hiểu Lạc một cú, vì nhiệm vụ của nó là chăm sóc bệnh tình cho tam đương gia.  Nữ thần y là cô gái nổi tiếng hiền hậu nhất trong hội, dĩ nhiên cú liếc của nàng không có chứa một chút sát khí gì  hết, ấy vậy mà cũng làm cho Hiểu Lạc rụt cổ lại.  Bởi từ nhỏ nó đã theo nàng, được nàng chăm sóc như một người chị, đôi khi như một người mẹ.  Đúng với câu quyền huynh thế phụ chị cả như từ mẫu mà người xưa hay nói, vì Hiểu Lạc đã sớm là một đứa trẻ mồ côi rồi.

Tần Thiên Nhân và Cửu Dương hãy còn đứng trong luyện võ đường, Cửu Dương nhìn chiếc bóng Khẩu Tâm mất hút sau ngõ quẹo, trong lòng có hơi không vui.  Lại đưa mắt nhìn ống tiêu bị gãy làm hai đoạn dưới chân chàng.  Cửu Dương thoáng cau mày, nhủ lòng tuy không có giao trước nhưng đây không phải là cuộc tỉ thí thật, không ngờ Khẩu Tâm lại đánh quyết liệt như vậy, nhất là cái chiêu cuối cùng đó... Khi đó mắt chàng thấy Tần Thiên Nhân bị nguy hiểm liền phóng ống tiêu ra đỡ giúp lấy một chiêu.

Cửu Dương quay sang Tần Thiên Nhân, hỏi:

-Huynh có sao không?

Tần Thiên Nhân không nghe câu hỏi này, Cửu Dương thấy sư huynh đang nhìn theo tấm lưng của hai người con gái đang đi đằng xa xa, gương mặt Tần Thiên Nhân rạng lên.  Cửu Dương biết ánh mắt Tần Thiên Nhân đang dõi theo người nào, đương nhiên không phải là Tiểu Tường.

Khi bóng hình hai cô gái khuất sau rặng tre, Tần Thiên Nhân chớp mắt trở về với thực tại, nhìn Cửu Dương, nói:

-Hả, đệ vừa mới nói gì? 

Cửu Dương lắc đầu.

Đoạn chàng nén cơn đau trong lòng lại, nở một nụ cười:

-Đúng là nhân duyên thiên sinh định, hồng túy vạn ý thiên.

-Hả, đệ nói gì nữa đó? - Tần Thiên Nhân lại ngơ ngác hỏi.

Cửu Dương lại tiếp tục lắc đầu mỉm cười.

Tần Thiên Nhân nhíu mày suy nghĩ câu thơ em trai chàng đọc vừa rồi, nhưng mãi mà không hiểu câu thơ đó có nghĩa là gì, lát sau đành chịu, Tần Thiên Nhân so vai cười nói: 

-Viện trưởng quả thật là viện trưởng, người ăn học quả thật có khác, người không được học cao như huynh đây nghe thơ văn gì cũng không thấu hiểu, huynh đây phục đệ rồi đó.

Nói xong chàng bá vai sư đệ, hai người cùng đi về Hắc Viện.

Tiểu Tường vừa đi đằng trước hai sư huynh đệ Tần gia, nàng vừa chuyện trò với nữ thần y, chốc chốc nàng khẽ quay lại nhìn Cửu Dương, nhìn cái dáng của chàng đang liêu xiêu bước đi thật chậm mà lòng nàng nặng trĩu.
Chương trước Chương tiếp
Loading...