Thời Hoàng Kim
Chương 12: Hồng phất chạy trốn trong đêm (4)
Chương này lần đầu nói tới một nước cổ Phù Tang, có người bảo là nước Nhật cổ đại. Tác giả cũng muốn tin nhưng lại e rằng người Nhật không chịu thừa nhận có một người Trung Quốc đã từng làm vua của họ, cũng như chúng ta không thừa nhận Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan 1160-1227) là người Mông Cổ, nhất định bảo là người Trung Quốc vậy. 1 Người ta bảo Giao Nhiễm và Hồng Phất có quan hệ bất chính vì ông cho Hồng Phất đôi giày bằng đay tự mình bện. Tất nhiên đó không phải đôi giày đay bình thường, thậm chí bạn cầm trong tay cũng không nghĩ nó làm bằng đay. Lúc đầu Hồng Phất không muốn nhận món quà này, vì ông nhai sợi rất nhuyễn, nó ngấm nhiều nước bọt quá, nghĩ mà ghê. Nhưng rồi nàng lại nhận vì nó rất kỳ lạ, đi vào nhẹ tênh lành lạnh, như đi chân đất giẫm lên rắn hổ mang, lập tức nhảy lên mà chạy, hồn vía lên mây, chạy mấy dặm không thấy mệt. Ngoài ra ông còn tặng nàng một đôi kiếm nhẹ và nói đó là vật quý ông gìn giữ đã nhiều năm để nàng làm kỷ niệm. Nàng thấy ông tốt với mình quá cho nên sau này khi bị treo lơ lửng nàng vẫn nghĩ đến ông, nếu nàng biết rằng trong thời gian ở Dương phủ ông luôn mật báo về nàng thì nàng đã không thế. Hàng ngày Giao Nhiễm đều gửi một bản báo cáo thường lệ đến Dương Tố về những việc làm của Hồng Phất trong ngày. Mỗi lần nàng ra ngoài ông đều báo cáo, một lần hai lần báo cáo như thế chẳng có hại gì đối với Hồng Phất, nhưng đến lần thứ một trăm thì có tác dụng. Lãnh đạo cho người xuống, quấn nàng trong một cái chăn và đánh tới tấp sau đó chôn ở sau vườn – đến thời Đường người ta đào lên mới thấy ở đó có hố chôn vạn người như của Khơ-me đỏ. Đến đời Tống người ta khai quật ở Tràng An thì thấy đâu đâu cũng đầy hố chôn vạn người, đến đời Tống lại phát hiện ở Tràng An các hố chôn vạn người. Cho nên những chuyện như thế ta không nên nghe ngóng thêm nữa, biết nhiều thì sẽ thấy cuộc sống chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Hai thanh kiếm mà Giao Nhiễm tặng cho Hồng Phất cũng chẳng phải bảo kiếm quái gì, chỉ là hai thanh sắt bình thường, chẳng tôi rèn gì cả, chỉ chém ruồi được thôi. Đôi kiếm ấy có xuất xứ thế này: Trong báo cáo gửi lãnh đạo , Giao Nhiễm viết cần một đôi kiếm để tặng Hồng Phất coi như đầu tư tình cảm, thế là lãnh đạo phát cho đôi kiếm, tất nhiên lãnh đạo chẳng cần phải gửi thần binh bảo kiếm giát vàng nạm ngọc làm gì, mà gửi cho đôi thanh sắt cắt đậu phụ còn khó đứt, vừa đỡ tiền vừa an toàn. Tóm lại Giao Nhiễm sống ở lầu dưới là để giám sát Hồng Phất nhưng ông không nói, nhiệm vụ lãnh đạo giao cho không được kể với ai. Theo sử sách chép thì Giao Nhiễm rất yêu Hồng Phất nhưng Hồng Phất không yêu. Thất tình, ông ra nước ngoài làm vua xứ Phù Tang. Điều này cho thấy muốn ra nước ngoài thì phải đi cho sớm, sớm thì có thể làm vua hoặc phát tài to, chậm thì chỉ là tiến sĩ toán hay vật lý. Bây giờ đi thì chỉ làm công trong quán ăn thôi. Nhưng làm vua xứ Phù Tang không phải là hay ho gì đối với Giao Nhiễm vì ông ghét ăn cá nhất mà nhà bếp Phù Tang ngày nào cũng có món cá sống. Nếu có bữa nào ông ăn món cá sống không ngon miệng là đầu bếp chạy đến cung vua mổ bụng tự sát, cho nên cảnh máu me đầm đìa là không thể nào tránh khỏi. Hoặc là máu trước mắt hoặc là máu trong mồm. Thời gian sống trong Dương phủ, ngoài chuyện ông hay mật báo ra, quan hệ giữa ông với Hồng Phất khá dễ chịu. Ông thích nói chuyện với nàng, nói với nàng về Lý Tịnh. Giao Nhiễm là người rất thạo tin, biết đầu đuôi câu chuyện gây rối của Lý Tịnh, biết ông là nhà toán học thiên tài, thậm chí biết ông có bồ ở phố hàng Rượu, điều này cho thấy lãnh đạo rất tin Giao Nhiễm, tiền đồ của Giao Nhiễm vô cùng sáng sủa. Lẽ ra Hồng Phất chạy trốn ông phải bị liên lụy nhưng vì lãnh đạo rất tin ông cho nên ông không sao cả. Sau khi nàng chạy trốn, Dương phủ chỉ tuyên bố xóa tên nàng khỏi sổ sách và không bao giờ tiếp nhận trở lại, hình như bây giờ Hồng Phất ân hận rồi, như đang quỳ trước Dương phủ. Còn Lý Tịnh sau khi trốn chạy, phủ quan đã cho hai trăm năm mươi sáu công sai đi lùng và treo thưởng. Kết quả không tìm thấy vì thành Lạc Dương to lắm. Nếu Dương Tố thuê tôi làm cố vấn, nhất định tôi tìm thấy Lý Tịnh ngay. Cách làm là dán cáo thị khắp nơi, tuyên bố tha hết mọi tội, nếu có thể còn phong cho một chức quan nhỏ, dùng tiền nhà nước mua các sách học thuật của Lý Tịnh. Ông sẽ hớn hở chạy ra. Thế rồi muốn làm gì thì làm. Tất nhiên tôi cũng kiến nghị đừng đem ông làm nhân bánh bao hoặc đúc gạch, nhưng tôi nói thế không chắc họ có nghe hay không. Cách này tôi suy ra từ kinh nghiệm bản thân. Hai mươi năm trước tôi tốt nghiệp đại học, khi đó tôi da dẻ hồng hào, giọng nói sang sảng, chạy trăm mét mười hai giây sáu; bây giờ đầu đã chớm bạc, mắt đã hoa, chạy hai mươi giây chưa chắc được trăm mét, cởi áo soi gương thấy lưng đã còng, ngực hình phễu, xương cốt lòng khòng như chân cua. Hai mươi năm tôi phục vụ trường này, mười năm đầu ở tập thể, bốn người một phòng, nằm giường tầng thì tôi tầng dưới, một gã béo tầng trên. Hắn hay đánh rắm xuyên qua đệm xông thẳng xuống dưới, sau đó lại mười năm ở nhà ống, hố xí công cộng không dội nước. Bây giờ vào nhà vệ sinh đập vào mắt là xu chiêng xi líp, những thứ chẳng liên quan gì đến tôi. Nhưng nói thế nào thì nói, chưa bao giờ tôi muốn chuyển chỗ ở cả mặc dù trong hai mươi năm đó có khối cơ hội. Nếu thí dụ đó chưa đủ tiêu biểu thì tôi đã từng đến những nơi cùng quẫn hơn nhiều, ở đó đàn ông không treo nổi hòn dái, đàn bà như một bầy quái vật, vậy mà chẳng ai nghĩ chuyện rời bỏ quê hương. Thực ra cuộc sống càng tồi tệ thì người ta càng lưu luyến, bởi vì đó là sự sắp xếp của lãnh đạo , mình chịu khổ sở là chia sẻ khó khăn âu lo với lãnh đạo . Cũng với lẽ đó, tôi cho rằng thời trẻ Lý Vệ công cũng rất yêu mến thành Lạc Dương bùn lầy của mình, chỉ khi không còn chút hy vọng ông mới bỏ trốn, mặc dù ở đó ông ăn bữa trước nhịn bữa sau. Chuyện đó chẳng có gì là khó hiểu. Nếu có chút khó hiểu là ông sinh ra ở Lạc Dương, cho dù nơi đây nhếch nhác thế nào thì nó cũng đã có trước khi ông ra đời, kết quả là Lý Tịnh có một tí chất Lạc Dương chứ không phải Lạc Dương có chất gì của Lý Tịnh. Vậy mà cuối cùng ở Tràng An thì ngược lại. Lý Tịnh chưa bao giờ nghĩ sẽ trốn khỏi Lạc Dương, ông bị bức phải đi thôi. 2 Tôi sinh ra ở thành Bắc Kinh, cho nên tôi có một ít chất Bắc Kinh, tuy rằng Bắc Kinh bây giờ khác xa hồi tôi mới sinh, về sau tôi thi đỗ vào trường đại học x, thế là tôi có chút chất đại học x cho dù bây giờ nó cũng khác hồi tôi mới vào học. Hồi đó trong trường có vài nơi vừa như vườn hoa lại vừa như bãi cỏ. Bây giờ đã hoàn toàn đổi khác, khắp nơi đều đang xây nhà thành thử đâu đâu cũng như bãi tập kết vật liệu xây dựng. Không có cách nào khác, người đông lên, phải có thêm nhà ở. Theo quan sát của tôi, Bắc Kinh và trường đại học đều là những đám đầu người túm tụm lại, cho nên tôi không giống một con người mà giống như một đám người. Thí dụ tôi chứng minh định lý Fermat nhưng trong bụng luôn nghĩ rằng nếu mình chứng minh được thì sẽ làm đồng nghiệp ngạc nhiên. Thực ra định lý Fermat là định lý Fermat, chẳng liên quan gì đến họ, tại sao tôi phải đem ra mà dọa họ? Hơn nữa tôi đăng một bài luận văn trên tạp chí, trong bụng cứ nghĩ không biết Oanh đã đọc chưa. Thực ra cô thuộc bộ môn văn sử ở thư viện, đọc tạp chí toán làm gì. Đầu óc tôi lúc nào cũng như cả một đám người quay bốn phương tám hướng mà tán dóc đủ chuyện. Khi Lý Vệ công kéo Hồng Phất chạy đến cái miếu hoang, vặt trộm rau ăn qua ngày, đầu óc ông cũng như thế. Ngoài ra ông còn dằn vặt tự trách mình: Sao lại uống lắm rượu thế làm gì? Không uống đã chết ai, tại sao lại chạy trên nóc nhà người ta? Người ta có nện cho vài gậy thì đã sao – toàn những ý nghĩ rất lăng nhăng. Tóm lại tâm trạng chán chường đến cực điểm. Nhưng dù sao Vệ công vẫn là Vệ công, trong tâm trạng như thế mà làm việc thất đức vẫn rành rẽ lắm. Bới trộm khoai sọ khoai lang còn biết cắm ngọn trở lại. Người ta bới lên tưởng chưa ra củ. Nếu ăn cắp bí đỏ, ông lấy dao nạo hết ruột rồi đặt quả lại như cũ, người thu hoạch lại trách cửa hàng bán hạt giống tồi. Ăn cắp dưa chuột cà chua, ông hái quả to rồi lấy quả nhỡ kéo và chỗ quả to, lấy quả bé kéo vào chỗ quả nhỡ. Chủ vườn ra xem tưởng mình gặp ma quấy, trồng trọt thế nào quả càng ngày càng bé đi rồi mất hẳn. Ăn cắp rau cải thì lấy một cây ông nhổ cả những cây còn lại trồng sang ruộng bên cạnh. Hai chủ vườn tha hồ cắn xé nhau. Như vậy thất đức cũng cần thiên tài và Vệ công là thiên tài như thế. Cánh đồng vắng vẻ, người ta đến thu hoạch cũng không ở lại lâu, ngoài lý do bận nhiều việc ra, họ không thể ở lâu vì không khí nồng nặc mùi thối. Hồng Phất hỏi mùi gì, ông bảo mùi vườn, mùi rau. Ông không dám nói là mùi phân có giòi người ta đem tưới rau, sợ cô không dám ăn. Về chuyện làm tình, Lý Vệ công tưởng rằng Hồng Phất đã chạy trốn theo mình thì chuyện làm tình là đương nhiên. Nhưng khi lần đầu ông nói đến chuyện ấy, nàng giương tròn đôi mắt hồi lâu rồi nói: Được thôi! Nàng cởi hết quần áo rồi lại nói: Em chẳng hiểu gì chuyện này cả. Xong việc nàng ngồi dậy nói: Chuyện này chẳng có gì hay ho cả. Nếu Giao Nhiễm biết nàng dễ dãi làm chuyện lăng nhăng thế sẽ phải điên đầu. Sau này Hồng Phất nói thế này: Tôi chạy ra khỏi Dương phủ tìm Vệ công để tìm xem có việc gì đó thú vị làm thử, ai ngờ ông ấy lấy cái gậy thịt đâm tôi – việc ấy thì có gì thú vị đâu kia chứ! Có nghĩa là Hồng Phất rất thờ ơ về tình dục, nàng chạy trốn chỉ để lấy vui. Trước đó nàng đã biết Lý Vệ công là con người quái dị, đã chứng minh định lý Fermat, đã làm chết nửa số người trong thành cho nên nàng cho rằng ông là một con người rất thú vị mới chạy trốn với ông. Chuyện này làm tôi nhớ lại câu chuyện đã xảy ra mười lăm năm trước. Năm 1977, tôi làm công nhân trong một nhà máy, ông Trần Cảnh Nhuận, bậc đàn anh trong giới toán học có một số thành công trong việc chứng minh tiên đoán của Gottebach mà lúc đó ông một thân một mình. Các cô đồng sự của tôi biết chuyện đó tới tấp gửi thư chèo kéo ông. Lý do của các cô là ông Trần chứng minh ra định lý toán học, thú vị quá đi chứ. Thực ra toán học, nhất là toán lý thuyết là thứ vô vị nhất trên đời. Một người nếu không tuyệt vọng đến cực điểm như tôi thì không bao giờ thèm đụng đến nó. Điều này cho thấy muốn biết một người có thú vị hay không đừng lấy thành quả toán học của người ấy làm thước đo. Thực tế là Vệ công, tôi, bác Trần đều chẳng phải là người thú vị. Tôi biết rất nhiều nhà toán học chán ngắt nhưng tôi không thể đâm bị thóc chọc bị gạo kể ra đây làm gì. Chúng ta biết ở Dương phủ Giao Nhiễm rất được tin cậy, đó chỉ là một phần câu chuyện. Thực ra ông cũng là sếp nhỏ và rất có trách nhiệm, suốt ngày ngồi đó chẳng làm gì, cũng như các sếp bây giờ ngoài công văn ra không đọc được cái gì cả. Thế gọi là “đi làm”. Thời gian làm việc, từ sáng đến tối ông làm một số việc để nêu gương: quét dọn phòng, tỉa xén cây cảnh, khi quét nhà, quét vào tận cửa buồng của Hồng Phất, chẳng nói cũng biết động cơ của ông là gì. Ông là gã đực rựa, trong buồng riêng, Hồng Phất lại ăn mặc sơ sài, thậm chí chẳng mặc gì. Quét đến nơi là có một sức mạnh vô hình xoay mặt ông hướng về cửa buồng, bất kể người ông quay hướng nào thì mặt vẫn không đổi hướng, mũi ông cứ như là chiếc kim nam châm vậy. Đừng nghĩ rằng ông là một kiếm khách mà cổ dẻo như vậy và cũng đừng tưởng cổ ai cũng dẻo mãi thế được. Thực ra vừa rời khỏi cửa buồng Hồng Phất là cổ ông xoay tít mấy vòng rồi trở về vị trí ban đầu. Phải nói thêm rằng không phải ông quay cổ mà cái cổ ông nó tự quay. Hồng Phất bình luận rằng nếu ông không giả bộ nghiêm chỉnh thì ông chỉ là cái máy chế tạo cứt, không hơn không kém. Sau này ông làm quốc vương xứ Phù Tang, cái tính đa dâm làm khổ ông. Để tỏ sự tôn kính mỗi tối đến phòng ông, cung nữ đều mặc đủ mọi quần áo đẹp lên người. Từ tối đến nửa đêm chỉ có việc cởi từng lớp quần áo như bóc hành mà chưa xong. Từ nửa đêm đến sáng lại mặc vào từng lớp cẩn thận như gói đồ sứ để xuất sang châu Âu, mà để tỏ ra là người ý tứ nết na, con gái Phù Tang không chịu để ai giúp cả. Ông có hàng đàn cung nữ mà phải thủ dâm, thật khó tin. Phải như tôi, để sẵn đầu giường cái kéo là xong. Nhưng thế thì tôi mới làm tổ trưởng công đoàn, không làm được quốc vương xứ Phù Tang. Vậy mà Hồng Phất không mặc quần áo thì trông thế nào, ông lại chưa được thấy bao giờ. Sau này Giao Nhiễm bảo ông yêu Hồng Phất, nhưng không phải bằng mắt mà bằng mũi. Ông thích ngửi mùi của nàng. Tôi không hiểu vậy là ông yêu Hồng Phất hay yêu nước hoa. Ông còn bảo ông yêu giọng nói của nàng, tức yêu bằng tai, cao thượng quá, nhưng đó là giọng giả thanh. Tôi bóp cổ họng cũng nói được như thế, không biết ông có yêu tôi không. Mỗi lần quét nhà ông lại cẩn thận nhặt những sợi tóc vương vãi của nàng cất đi, ông còn nhặt được đôi tất cũ của nàng, ông giặt đi rồi ôm ấp trong lòng. Tôi cảm thấy ông hoàn toàn là kẻ bệnh hoạn. Khi bện giày cho Hồng Phất ông nhai sợi rất nhuyễn là cố ý để cho nàng thấy ông chịu khó, thật thà và từ đó gây ấn tượng mạnh cho nàng. Nhưng nàng lại thấy ông ăn tham và có cảm giác ông có thể cho cả cái thủ lợn vào mồm. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu bạn ăn một miếng thủ lợn trước mặt con gái thì tình yêu sẽ đội nón ra đi. Lòng lợn, phao câu gà cũng tương tự như thế. Rất tiếc chúng lại là món khoái khẩu của tôi, vì thế bây giờ tôi vẫn là anh chàng độc thân. Khi Hồng Phất đi rồi, Giao Nhiễm đến buồng nàng không phải quay cổ nữa nhưng trong lòng rất buồn không chỉ vì không còn được thấy nàng mà còn vì nàng đã trốn khỏi Dương phủ, nơi mà ông cho là tuyệt vời, chỉ có điên mới bỏ đi. 3 Khi Lý Vệ công mất tích, công sai toàn thành đi lùng sục, nhất là hai trăm năm sáu người sắp bị chém, vội vã hơn cả là ngoài số đó vì theo tốc độ này thì sắp đến phiên họ rồi. Có người nghĩ đến đầu mối Lý nhị nương, thế là cả bọn xông đến tra hỏi xem Lý Tịnh ở đâu. Lý nhị nương bảo không biết, thế là bị nện cho một trận bắt khai. Bọn chúng vớ ngay bốn chiếc đũa kẹp vào kẽ ngón bàn tay trái cô vặn ngoéo thật mạnh, bàn tay như chân gà con bị giẫm, cô ngất đi. Lúc tỉnh dậy thấy bàn tay phải đang bị giữ chặt. Cô bảo: Cho tôi lấy cái khăn tay lau nước mắt được không? Lau xong cô xin đi tiểu. Xong xuôi cô về ngồi trên ghế, lùa tay vào bốn chiếc đũa, hít một hơi dài rồi bảo: Vặn đi. Bọn người kia đoán chắc cô không biết Lý Tịnh ở đâu bèn kéo nhau đi. Trước khi đi còn khép cửa cẩn thận. Thực ra Lý nhị nương biết Lý Tịnh ở đâu, nhưng ông là người thân quen, chưa đánh đấm gì đã khai ra thì mất hay. Khi bị đánh đau quá thì cô lại căm ghét bọn công sai, không thèm khai nữa. Có nghĩa là cô sẵn sàng tố giác Lý Tịnh nhưng không biết tố giác cách nào. Lẽ ra phải nện cô một trận, sau đó xin lỗi rồi lại nện. Ví như là quy một người là phái hữu, sau đó minh oan, sau đó lại quy là cái gì đó rồi lại minh oan. Chẳng cái gì có thể chịu nổi kiểu hành hạ ấy. Lý nhị nương biết Lý Tịnh trốn ở ruộng rau vì trước đây hai người hay đến đó chơi. Nơi ấy trước kia là đầm lầy, nay đã rút cạn nước nhưng vẫn có rất nhiều muỗi. Lý Tịnh thường nhảy qua hàng rào hái mấy bông hoa bí đỏ đem tặng cô một cách trân trọng. Thứ hoa này nát như giấy rách, đầy bụi phấn, lại là hoa ăn cắp, nhưng nếu không có hoa đậu thì chẳng có hoa nào đẹp hơn. Cô còn biết chắc Lý Tịnh ở trong miếu vì cô đã qua đêm cùng Lý Tịnh ở đó. Cô ghét những bông hoa nát, ghét cái miếu bẩn thỉu như ghét Lý Tịnh. Lý nhị nương là người đàn bà góa hai mươi sáu tuổi, vào tuổi ấy lẽ đương nhiên người ta ghét tất cả. Lý nhị nương chỉ không ghét trên vì ai cũng phải kính trọng lãnh đạo . Nhưng bây giờ trên cử người xuống kẹp tay cô, thế là cô ghét luôn cả trên . Bọn kia đi rồi cô chạy vào trong buồng thọc tay vào thùng bã rượu để bớt đau. Bãi rau bên miếu rộng mênh mông, bằng nửa thành Lạc Dương. Có việc gì cần lắm, như thu hái, dọn dẹp người ta mới nhớ đến có một nơi như thế này. Mương rãnh dọc ngang, những cây liễu, phần lớn chết khô, cứt mọt đầy gốc. Bên rãnh nước mọc đầy cỏ ba cạnh, loại này lợp nhà thì nhất, nhưng muộn rồi, nhà Lý Tịnh đâu còn nữa! Thế là ông dọn đất làm nhà, thế mới biết sửa sang chỗ ở là tính trời sinh. Lý Tịnh xoa nền nhà bóng như gương, bốn bức tường cũng phẳng phiu, ngôi nhà sáng sủa đầy mùi nước hồ và đá vôi. Thế rồi Hồng Phất làm mẫu cho ông vẽ tranh khỏa thân, những bức tranh không hàm chứa định lý toán học, không có ẩn ý chính trị, không có hình ảnh lãnh tụ cho nên đều là những kiệt tác. Những bức tranh đó không được lưu truyền bởi vì người trong tranh vừa đẹp vừa gợi tình, mà theo lý luận mỹ thuật nước ta, nhân vật trong tranh tuyệt đối không được đẹp, không được gợi tình. Thật tiếc vì những bức tranh đó là tinh hoa thành tựu một đời của Vệ công, và ông vô cùng chuyên tâm khi vẽ những bức tranh đó. 4 Bên trong thành Lạc Dương là một vùng đất trũng, là vùng trồng rau, khi phạm tội, Lý vệ công trốn trong đó. Về sau ông xây thành Tràng An không có bãi trũng, độ mấp mô không quá đốt ngón tay. Mưa to nước ngập hàng thước nhưng hết mưa nước rút đi đâu hết, không để lại một vũng nước nào. Tràng An không có muỗi, không có chó, không có ếch nhái, đêm xuống chim chóc cũng không về, yên tĩnh đến ghê người. Lý Vệ công sợ hoàng đế buồn, ông chế ra ếch máy, ve sầu máy, bắt mỗi nhà mua mười cái, trời tối lên căng dây cót rồi thả ra. Trên mỗi con đều có ghi tên người, ai nhặt được thì trả lại (giữ cũng chẳng để làm gì, chỉ khổ vì lên dây cót). Ếch máy nhảy lung tung kêu ồm ộp suốt đêm. Ve sầu máy bay theo quỹ đạo bất kỳ, đập vào vật cứng dễ hỏng cho nên vỏ đúc bằng sắt, lỡ đâm vào ai thì sứt đầu mẻ trán, vì thế ban đêm không nên ra đường. Ông còn làm đom đóm máy, gây ra mấy vụ hỏa hoạn. Ông chế ra chó máy để giữ nhà nhưng chạy thử thì gặp ai cũng sủa và thích cắn chủ nhà, cho nên không sản xuất hàng loạt cho dù có thể cải tiến được. Ông còn chế ra mèo cái máy, bên trong có cái cặp sắt, nó biết kêu và õng ẹo dụ mèo đực, con mèo đực nào bị dẫn dụ và làm tình thì xoạch một cái, bị thiến luôn. Vệ công dùng ống nhòm quan sát từ xa khoái chí cười ha hả. Khi phát minh ra những thứ đó ông đang sung mãn thể lực quấy rầy Hồng Phất suốt ngày, người ông lúc nào cũng sực mùi nước hoa và đầy vết son môi. Về sau bỗng trở nên ỉu xìu, chỉ mở một mắt. Đó là tuổi già. Lý Vệ công giả ngây vì ông đã chán hết mọi thứ. Ông thấy cặm cụi đi giải các vấn đề toán học thật vô vị, bởi vì không giải thì đời sau người ta sẽ giải. Phát minh cũng vớ vẩn vì không làm thì có người khác làm. Còn mỗi cái thú đó là ngủ. Ý nghĩ ấy giống tôi quá, đó là lúc mệt mỏi vì nghĩ đến định lý Fermat – Tôi đã chứng minh bốn mươi tám định lý, mỗi định lý có đến hai mươi trang và chứng minh rất đẹp. Điều đó cho thấy tôi rất mạnh về chứng minh. Đáng tiếc là bốn mươi tám định lý chẳng liên quan gì đến định lý Fermat. Lúc ấy tôi ngủ một mạch bốn mươi tám tiếng. Tôi khác Vệ công ở chỗ ông lúc nào cũng ngủ. Tuổi trẻ và tuổi già khác nhau chỗ đó. Khi còn trẻ người ta không biết mệt mỏi, luôn muốn thay đổi tất cả. Khi sự bồng bột mất đi là già rồi. Theo hồi ức của Hồng Phất, sức sống của Lý Vệ công mạnh nhất là hồi trốn ở bãi rau. Suốt từ sẩm tối đến nửa đêm, ông làm tình với Hồng Phất ở mọi tư thế. Sức của cô không lại được với ông, cho nên thường ngủ thiếp đi trong lúc làm tình. Nửa đêm ông chạy đi khơi mương, nói là cho khỏi muỗi, thực ra là để phát tiết hết sức lực còn lại, trời chưa sáng ông đã chạy trở về chơi tiếp. Thế là lần sau cô rải đệm, nằm ngửa lên ngủ mặc kệ ông muốn làm gì thì làm. Sống với người đầy sức lực khổ sở như vậy đấy. Ở khoa tôi có ông trưởng khoa đen và béo, đầy sức sống, suốt ngày chạy lung tung, nếu gặp tôi ở hành lang ông sẽ chặn lại thụi vào lưng tôi một quả đau muốn chết ngay và bảo: Cậu Vương, tôi đọc luận văn của cậu rồi, viết khá lắm, làm tiếp vài cái đi. Tôi há hốc mồm không hiểu ra sao thì ông đã đi xa rồi. Khi nào ông ta công bố luận văn, tôi sẽ đấm cho một quả vỡ mũi máu me be bét và bảo: Lãnh đạo! Tôi đọc luận văn rồi, viết hay lắm. Ông dạy bốn môn lại hướng dẫn hơn hai mươi nghiên cứu sinh vẫn thấy chưa đủ, thứ ba thứ sáu họp toàn khoa nói thao thao bất tuyệt từ chuyện thi cử đến chuyện dội nước nhà xí. Tôi ngồi gục đầu xuống bàn ngủ rất say, có người véo tai, mở mắt ra thấy mụ đồng nghiệp bốn lăm tuổi bảo lần sau ngủ đeo rọ vào nhá! Thì ra rớt dãi tôi chảy ướt cả quần như người đái dầm. Hồng Phất thì nằm ngửa ra, tôi thì gục về phía trước, động tác khác nhau nhưng động cơ giống nhau: ta ngủ, nhà ngươi muốn làm gì thì làm. Vì Hồng Phất cho nên tôi rất có thiện cảm với những ai hay ngủ. Tôi rất thích ngủ, nếu không phải chứng minh định lý Fermat thì tôi ngủ suốt này. Cô Oanh hàng xóm của tôi cũng thích ngủ. Tôi hay nghe cô kêu to: Buồn ngủ quá, rồi đầu bù tóc rối quấn cái chăn ngủ chạy ra nhà xí. Tôi chúa ghét cái kiểu ở chung như thế này. Tôi định nói: Ngủ thì ngủ chứ sợ cái gì? Tôi thông cảm, là một người con gái cô không thể bạ đâu ngủ đấy được. Tôi thì họp tổ bộ môn, họp khoa, họp toàn trường ngủ tất, hội thi ca hát cũng ngủ. Hôm đó mồng một tháng năm, tôi cũng như mọi người đồng loạt sơ mi trắng quần xanh hát đồng ca. Trong khi chờ đợi tôi dựa tường ngủ quên sau cánh gà, không lên hát. Thế là may vì khi hát tôi đứng hàng ba trên bậc cao nhất, ngủ gật rơi xuống thì toi. Trong Dương phủ, Hồng Phất cũng thường phải ngồi họp, nghe mụ già nào đó dặn dò đủ thứ, cô cũng ngủ mà không dám nhắm mắt, bị đập chết ném vào hố vạn người ngay. Cô không nhắm mắt, thế không phải là ngủ mà là ngây. So với thời ấy, bây giờ sống sướng thật, chúng ta có thể ngủ một cách khá yên ổn. Về mặt này tôi có tính tự giác rất cao, nếu ngủ quên mà bị lãnh đạo mắng mỏ thì không bao giờ cãi, vì tôi hiểu sâu sắc cuộc sống bây giờ đã tốt lên rất nhiều so với ngày xưa. Hồi “cách mạng văn hóa” tôi đi lao động ở nông thôn, thằng cha đại diện quân sự cứ một hai giờ sáng là thổi còi tập họp, bắt mọi người chúc Mao Chủ tịch sống lâu muôn tuổi. Ai không cài cúc là bị phê phán, vì thế khi ngủ tôi ăn mặc tử tế, đội mũ, đi giày chỉnh tề, trông như một xác chết chờ đưa đám. Thằng cha này bị chứng hẹp bao quy đầu, trước khi lấy vợ đi mổ rồi bị nhiễm trùng quy đầu sưng to bằng nắm tay. Một thằng bạn trông thấy kể lại, chúng tôi khoái chí ăn mừng, tôi uống gần lít rượu say gần chết. 5 Tôi tự cảm thấy không khỏe, cũng như Hồng Phất, chúng tôi thấy ngủ là hạnh phúc. Đi theo giấc ngủ là giấc mơ như thật và dài dằng dặc. Theo thống kê của tôi, ngủ một giờ sẽ mơ hai mươi giờ cho nên ngủ là làm cho mình sống lâu hơn. Hơn nữa tỉnh chẳng biết làm gì ngoài tán chuyện gẫu và họp. Cho nên về sau Hồng Phất bảo thời gian trốn ở bãi rau là thời gian đẹp nhất trong đời nàng, khi đó thực và mơ trộn lẫn vào nhau. So với chúng tôi, Giao Nhiễm khỏe hơn nhiều cho nên ông làm lãnh đạo to – quốc vương xứ Phù Tang, lúc nào lưng cũng thẳng, suốt ngày từ sáng đến tối chủ trì các cuộc họp: họp quần thần ngự tiền, họp cung nữ, họp công chúa, hàng tuần lại tiếp dân, bận bù đầu không dứt ra được. Bất kể chuyện to chuyện nhỏ, trong nhà ngoài đường, chuyện gì ông cũng để tâm đến. Ai cũng bảo ông là ông vua tốt chỉ có chị em là không thỏa mãn, có người định mổ bụng tự tử, ông gọi lên thật thà khuyên giải, khuyên giải không được thì ông lo cho đầy đủ: quần áo mặc khi tự sát, dao mổ bụng, vân vân. Cô gái đến căn phòng được chỉ định, bốn bề thắp nến, người ta chỉ cho cô nơi rốn để đâm dao vào, vừa lúc ấy ông xông vào, bảo trải chiếu cho cẩn thận, kẻo máu chảy ra sàn nhà kéo kiến đến. Nếu không phải con gái Phù Tang thì cô bé cho ông một nhát vào cổ họng rồi. Cô gái cúi mình thưa vâng! Chúng ta phải thừa nhận người Phù Tang giỏi chịu đựng. Hồng Phất chạy thoát khỏi Dương phủ tuy lãnh đạo không quở trách Giao Nhiễm nhưng ông thấy mình có lỗi. Cũng phải thôi nếu một con hát trốn đi mà Dương phủ treo thưởng để truy bắt thì chẳng hóa ra lãnh đạo ham sắc dục đến thế sao? Các ả lại thấy mình là của hiếm. Nhưng Hồng Phất chạy đi mà để vậy thì họ chạy hết mất. Cách giải quyết mâu thuẫn này là có người làm việc này mà không cần lãnh đạo phải nói, người đó là Giao Nhiễm. Ông còn biết Hồng Phất trốn đi với Lý Tịnh, vì trước khi chạy Hồng Phất có hỏi về Lý Tịnh. Thế là ông xin nghỉ dài ngày đi thăm dò những nơi Lý Tịnh hay lui tới như phố hàng Rượu, nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ, mà việc này thì Giao Nhiễm thạo nhất. Tối đến ông mặc áo đen đi nghe ngóng dưới cửa sổ các nhà, thấy trong nhà có trai gái làm tình thì dứt khoát là thông dâm, chạy vào chém thành bốn nửa. Quan phủ đến khám nghiệm tử thi thấy có bốn nửa, biết ngay là kiếm khách làm, thôi không truy cứu nữa. Mặc dù Giao Nhiễm tự xưng bảo Hồng Phất là người đẹp tri kỷ của mình, ông yêu suốt đời, nhưng đó là chuyện thần thoại. Muốn giải thích câu chuyện thần thoại này phải nhắc đến ba điều: một là, ông không có quan hệ máu mủ, cũng không thề non hẹn biển, nếu suốt đời chỉ yêu có mình nàng thì cao thượng quá; hai là, ông bảo chỉ yêu một mình Hồng Phất thì là trêu tức các con hát khác, bao nhiêu cô chết ông cũng chẳng động tâm; ba là, tuy ông làm vua là hợp pháp, cai trị cũng chẳng ai chê trách nhưng ông là người nước ngoài. Những chí sĩ yêu nước uống rượu say sẽ kêu lên rằng: đường đường là một nước Phù Tang, không còn ai nữa cả hay sao mà để cho một người ngoại quốc làm vua, rồi đâm chết ông. Giao Nhiễm đã nhiều phen gặp nguy hiểm nhưng vẫn không mất sợi tóc nào. Có lần ông muốn bắt Hồng Phất về Dương phủ nện cho một trận, chết ném xuống hố vạn người. Ông quyết định khi bắt về đánh sẽ đối xử có tình với nàng. Nhưng chúng ta biết cái tình ấy chẳng giá trị bằng cục cứt chó. Những câu nói có tình kiểu như thế tôi nghe đủ lắm rồi. Thí dụ khi phân phối nhà có người bảo rằng: Trước tiên phải nghĩ đến trưởng phòng – sau đó là giáo sư – tất nhiên rồi, trường hợp Vương Nhị phải ở ghép như thế ta cũng nên xem xét. Người ta chia hết cả rồi, lấy cái gì để xem xét cho tôi? Nghe vậy tôi chỉ nói: Thôi đừng xem xét nữa, tôi ở chỗ tốt lắm rồi, hàng xóm là con gái, cô ấy khá xinh. Bọn họ nghe tôi trai chưa vợ ở cùng nhà với cô gái chưa chồng tất nhiên cũng khó xử, nhưng nhà ở khó khăn đành thế vậy. Tôi nói vậy thực ra chẳng được gì nhưng ít nhất để những cái mồm thối tha bớt leo lẻo đi. Tôi bảo cô Oanh xinh, cũng là chuyện thần thoại, ít nhất là một khái niệm không nhất quán, lúc xinh lúc không. Vừa ngủ dậy cô ra ngồi ở phòng ngoài đờ đẫn bơ phờ, mặt bủng beo như người chết rồi, đầu tóc rũ rượi như cây xanh rụng lá, hai mắt nhìn vô định ra vẻ thâm trầm. Nhưng nếu bạn hỏi: Làm sao vậy? Cô ta sẽ trả lời: Ngủ mệt quá. Cũng có lý, ngủ thế thì mệt hơn ngủ gật ở hội trường, nhưng nhẹ nhàng hơn chứng minh định lý toán học. Cô ngồi đó, mặc chiếc áo ngủ nhăn nhúm, ngực hở trống hoác, phía trên vú có mấy nếp nhăn cho thấy cô nằm sấp. Là một cô gái mà đến cặp vú của mình cũng không giữ gìn thì là người không đáng tin cậy. Tôi nghĩ lãnh đạo của cô cũng nghĩ thế cho nên ở thư viện lâu năm cô vẫn không được trọng dụng. 6 Sách vở cho chúng ta biết Trung Quốc có rất nhiều danh nhân, lại còn cho biết quan hệ giữa người này với người kia, ai là người của ai vân vân, nhưng không cho biết người ta ăn uống ra sao. Ở bãi rau Lý Vệ công và Hồng Phất có hai thứ để ăn: khoai sọ nướng và cà tím luộc. Khoai sọ miền Nam không nhỏ và mềm như ở miền Bắc, ở đây nó to đến hai ba chục cân một củ, cứng như đá, cà tím lại bé và chỉ phớt tím, còn thì xanh và vàng, nấu lên thì nát nhũn, bỏ vào mồm chẳng biết là cái gì. Hồi tôi đi lao động, lãnh đạo cho ăn hai thứ đó còn nói rằng đó là những món ngon bây giờ mới có. Nhưng tôi càng ăn càng thấy khó nuốt, khoai sọ cứng chẹn ngang cổ, cà thì ngược lại, chỉ thấy cái gì nhầy nhầy trong miệng rồi trôi tuột xuống họng cứ như có đàn sâu chui vào, tôi sợ cho đến giờ cái thứ quả ấy. Hồng Phất thì khác, nàng chưa ăn món này bao giờ cho nên không dám khen chê. Nàng nhìn Lý Tịnh, ông ăn tóp tép, nàng bảo ngon, ông cau mày, nàng bảo không ngon. Hồi ở Dương phủ đâu cũng ngào ngạt mùi thơm xạ hương, ruồi muỗi cũng chết, con người hít thở nhiều thấy ngột ngạt đầu váng mắt hoa. Mùi không khí ở bãi rau ai ngửi nhiều thấy thối, nàng ít ngửi chưa quen lại thấy dễ chịu, mũi thông thoáng, tinh thần sảng khoái. Muỗi rất nhiều nhưng không đốt nàng, chúng nó bảo nhau máu nàng lạ lắm không giống máu người khác, da nàng lại săn, đâm không thủng. Buổi sáng nàng tỉnh giấc, trong nhà sương mù dày đặc, một người đàn ông hầu như lạ đang nằm bên trên với tư thế vồ lấy nàng, tóc thô cứng như bờm ngựa. Toàn thân anh ta lạnh giá, cơ bắp rắn đanh, cấu vào như cấu da ngựa, mùi anh ta cũng là mùi ngựa. Một cảm giác khó gọi thành tên, cho nên nàng nghĩ: Chắc đây là hạnh phúc. Cảm giác mơ hồ, bán tín bán nghi đeo đuổi nàng rất lâu. Đến khi Lý Tịnh thành Lý Vệ công, xây xong thành Tràng An, cảm giác ấy vẫn chưa hết, còn Vệ công mỗi sáng tỉnh dậy thấy mình nằm trong lòng cô gái như ngọc như ngà cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Ông làm suốt ngày nhưng chẳng biết mình làm những gì vì ông có nhiều não lắm, cái này chẳng biết cái kia nghĩ gì. Trong khi đó hai trăm năm mươi sáu công sai đang điên cuồng tìm ông, quá hạn mười ngày, tất cả đều bị chém đầu, treo bốn cửa thành. Lần này đông quá cho nên lãnh đạo đưa xuống bốn đao phủ, bốn xe trâu, để chia đều số đầu, trước khi chém người ta chia tử tội thành bốn tốp, viết “đông”, “tây”, “nam”, “bắc” lên mặt như quân mà chược , chém xong người ta chất những cái đầu lên bốn xe, những đôi mắt mở trừng trừng ngạc nhiên: Sao mà đông người chen lên xe thế này?
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương