Thời Xa Vắng

Chương 1: Chương 1



Làng bập bềnh như trôi trong đêm sương muối. Những cây cau thẳng đuột cao vóng như chỉ chực lao thẳng đến tận trời chìm ngập giữa âm thầm giá lạnh Đã năm đêm nay sương làm táp đen những luống khoai làng và những cây đòn tay bằng tre ngâm nổ toang toác. Nhưng có lẽ đêm nay cái lạnh mới thấu từng khớp xương ông đồ Khang. Từ trưa hôm qua đến giờ chưa có hạt gì vào miệng, ông cứ siết mãi sợi dải rút như dính ệp vào xương sống. Sau khi đã trút nỗi uất giận lên đầu thằng con trai út, thằng Sài, ông thấy tủi phận và bây giờ sự trống trải giá buốt như từ giữa ruột mà tràn ra. Ông lẩy bẩy đứng dậy. Lần ra đầu ngõ, lặng lẽ đứng giữa sương giá, một thoáng tái tê cám cảnh phận mình, ông phải đưa bàn tay xương xẩu bấu vào thân cây ổi trước cổng. Nhưng cơn giận vẫn chưa thể nguôi, nề nếp và danh dự vẫn như sợi dây đay xiết chặt, ông trở lại nhà, ngồi xuống chỗ cũ. Chiếc tràng kỷ lạnh toát như có ai vừa dội nước. Nếu cách đây mấy phút ông muốn thốt lên: "Liệu bây giờ nó ở đâu, rét mướt thế này" thì bây giờ nỗi hậm hực lại muốn trào ra: "Cho mày chết, cá không ăn muối cá ươn. Trời ơi mặt mũi nào ăn nói với người ta". Thằng Sài đuổi vợ nó đi, nhưng việc ấy đâu có phải là của nó.

Quả có thế, thằng Sài chỉ biết có hai việc: đi đánh trận giả và học, nó không thể ý thức được là nó đã có vợ, mặc dù nó vẫn đỏ mặt lên khi có người hỏi: "Cu Sài, vợ mày đâu". Hơn một năm nay sự có mặt của con bé ấy ở nhà này làm cu Sài có phần thích thú chỉ ở chỗ mỗi chiều nó ngồi viết tập và làm tính đã có người quét sân và cái ngõ dài thăm thẳm. Nhưng nó cũng uất ức vì tự nhiên có một con bé cứ theo nó kè kè để mách bố, mách mẹ nó, nào những lúc đi đùa nó bôi nhọ hết mặt mũi giả làm Tây đen ở đâu, lặn hụp xuống cái ao ngầu bùn của nhà chú Hà lúc nào và "Anh ấy lại bảo bố con như lão hàng tre thầy mẹ ợ". Nỗi ẫm ức của thằng Sài cho đến trưa nay mới bật ra. Nó đã hơn mười tuổi, lại con nhà nghèo nhưng là con út, mọi việc đã có các chị dâu làm, khi các anh chị ra ở riêng, nó có vợ, dù vợ chỉ lớn hơn nó ba tuổi, nhưng đã làm được các việc nặng của người lớn, chẳng hạn như việc giã ngô bằng chày tay, nó chưa thể nhắc nổi cái chày dài gấp hai người nó lên khỏi miệng cối thì vợ nó "con bé ấy" đã thoăn thoắt giơ lên, rồi dồn sức giã vào giữa lòng cối vừa mạnh mẽ, vừa như hút xoáy những hạt ngô ngâm trơn truội khỏi chao vọt ra ngoài. Giã một đã khó "con bé ấy" giã đôi cũng dẻo và tiếng cahỳ thình thịch nghe chắc như sức giã của người lớn. Mỗi buổi, khi ánh nắng từ trong nhà ra chớm đầu hàng gạch bó thềm, dù làm bài hay chơi đùa ở đâu, cu Sài cũng chạy về vớt ngô ngâm trong nước sôi từ tối hôm trước để róc nước rồi lảng vảng ở đâu đó đợi khi có tiếng gọi "Đâu về mà gạt ngô", cu Sài lẳng lặng đi vào đặt quyển sách tính ở trong lòng, mắt cụp xuống gờm gờm, lặng lẽ ngồi vào chiếc chổi lúa, , mặt cuẫn cắm nghiêng xuống phía ngoài miệng cối. Khi ấy ngô đã dập đôi,, giập ba, tiếng chày đã chắc lại. Không nhìn chỉ cần nghe tiếng chày, Sài vuốt nhẹ vòng quanh miệng, đủ để cho những mảnh to, đềuu đặn chảy xuống rồi nhanh chóng rút tay lên thành và lại tiếp tục mỗi khi nghe tiếng "thịch". Ngô nục, "nó" dựng chày ngồi xuống dần bột còn Sài lặng lẽ đứng dậy ra cửa đọc sách. Khi nghe tiếng chày gõ vào miệng cối như kiểu phó cả lò rèn dạo búa trên đe, Sài lại lặng lẽ đi vào, ngồi xuống chỗ cũ làm phận sự ở lượt thứ hai, rồi lượt ba cho đến khi chỉ còn những hạt tấm tròn bóng toen hoen trong lòng cối thì Sài hết phận sự, lặng lẽ đứng dậy. Ra đến cửa, nó chạy oà đi như con gà, con ngan vừa bị nhốt ra khỏi lồng.

Trưa nay không hiểu vì sao con bé lại giã trẹo vào tay thằng Sài. Sài hoảng hốt kêu "ối" một tiếng bao nhiêu nỗi ẫm ức vốn tích tụ sẵn, nó vừa thu cái tay đau vào bụng vừa vung tay lành thụi vào mặt "vợ" nó . Con bé không lùi, không giơ tay đỡ, cứ đứng trân trân hứng chịu những câu xỉ vả của thằng Sài. Một lúc sau cái tay đã dịu đi, nỗi ấm ức cũng đã hả, và thằng Sài thấy mệt bã bời, nó rấn lên nhưng không đánh mà nói câu đầy oai vệ để rút cửa cho đỡ ngượng "Bố mày đến đây cũng đếch sợ, ông huých cho chó nó cắn lồi mắt bố mày ra". Thằng Sài không ngờ cái câu nói đó lại làm ông đồ Khang bố nó đau đớn uất giận đến thế. Khoảng xế trưa ông mới bán xong mấy cây tre từ quán hàng Táo trở về. Như mọi bữa, ông vẫn thấy Tuyết, con dâu ông lọc vôi, bắc nồi rồi tiếng đũa cả đánh bột nghe quàm quạp như đã nhìn thấy nồi bánh đúc ngô vàng ngậy quánh dẻo ở trước mặt. Lệ thường sau những tiếng hối hả ấy, nó rụi lửa, gon miệng nồi, úp vung lại và tiếng lách cách của bát đũa đặt ở mâm. Thấy ắng lặng hẳn đi, ông đã định hút xong điếu thuốc lào đứng dậy gọi thằng Sài về và ngầm ý nhắc nhở con dâu dọn cơm quàng lên, ông đói muốn lả đi rồi. Năm hết, tết đến, mỗi ngày giữ được một bữa bánh đúc ngô thế này đã khó. Trưa qua có khách ông phải nhường bát, sáng nay lại thay bà ấy vác mấy đoạn tre đi chợ, trở về, hai chân đã run run. Vừa nhả hơi thuốc ông vừa quay ra cửa thấy con dâu ông giàn giụa nước mắt, cắp gói quần áo mếu máo "Con xin thầy mẹ con về nhà con". Con bé kể rành rọt và khúc triết sự tình xảy ra. Càng nghe, mặt ông càng tối rầm lại. "Thôi thầy xin con, con cứ ở nhà" . Nhưng con bé nhất quyết ra đi, đi một cách bình thản, tự tin và bất chấp lời can gọi vừa tha thiết vừa có phần gắt xẵng của ông.

Thằng Sài được người mách bảo, che chắn ông đồ Khang không tìm thấy nó. Ông gọi tất cả con dâu, con giai kể cả anh Tính là cán bộ của phòng thuế nông nghiệp huyện học ba tháng trên tỉnh vừa dắt chiếc xe đạp vê, ông đã bắt vứt đi từng nhà tìm thằng Sài. "Không có con thì đừng" - "Ai thấy nó đầu làm ơn mách tôi. Thằng này mà sống, cả nhà tôi chết đứng vì nó".

Bằng cách nào đó thằng Sài nghe thấy tất cả lời lẽ có khi còn nghiêm trọng hơn sự uất hận của ông đồ. Trời chạng vạng tối nó vuột ra cánh đồng. Nhờ sương hôm xuống dày đặc, chỉ chạy cách rặng tre chừng dăm chục bước đã thấy mờ mịt, nhưng tiếng ồn ào phía trong vẫn vọng lên, muốn oà toá theo. Có lẽ ai trông thấy nó ư? Nó chạy sấp ngửa trên những thửa ruộng mới cày vỡ, những sá cày đất gan trâu lật lên như những cánh phản rắn bóng nhếnh nháng. Chốc chốc vấp ngã, mặt nó đập vào đá, đau đến nỗi chỉ thấy nước mắt ứa ra mà không sao dậy nổi. Nó nằm úp mặt vào đất, nước mắt thấm xuống làm tảng đất cầy nhão ra, da mặt nó cứng lại, dính ập vào hòn đất mới cầy vỡ. Nhưng rồi nó vẫn phải cố bò dậy lấy sức chạy, vừa thở vừa chạy, vừa nghiến răng nén đau mỗi lần vấp ngã. Mãi đến khi không thể đứng dậy được và có lẽ đã xa lắm rồi, không ai còn đuổi được, nó mới nằm lại chỗ đống cỏ gà, cỏ gấu nhà ai đốt dở từ hôm nào, không còn lửa nhưng tro vẫn âm ấm. Nó lấy tay san đống tro lựa chỗ nằm và vơ những vầng cỏ chưa cháy đắp lên đầu, lên lưng để không ai nhìn thấy. Nằm chưa ấm chỗ lại nghe lao xao, tiếng gào kêu tên thằng Sài hoảng hốt. Có cả tiếng anh Tính và chú Hà. Vẫn gần nhà quá. Nhưgn nó mệt muốn đứt hơi, không còn ngồi dậy được nữa. Nằng nghe tiếng gọi của chú và anh, nó vừa mừng vừa thấy tủi thân, nước mắt ứa ra và mồ hôi cũng ướt đầm chiếc áo cánh vải phin gụ. mọt thoáng sau nó lại thấy run, khắp người run bắn lên, nó vội vã cào cỏ, cào tro, cào đất gạt lên người, chỗ nào con hở lạnh phải kéo cả tảng đất cày đắp lên, nó nằm cong như một con sâu đo nằm nghiêng, thiếp đi trong nỗi hoảng sợ và đói mệt từ lúc nào không thể biết.

Cái điều nó phấp phỏng chờ đợi đã không xảy ra. Anh Tính đã về và chú Hà cũng đi tìm nó. Ôi, chú Hà! Nghe nói hồi cưới Sài, chú Hà không lên vì chú không bằng lòng cho trẻ con lấy vợ. Hôm nay có chú, có nghĩa là tội lỗi của Sài được che chở. Chỉ cần thấy chú không vui, cả nhà cả xóm sẽ oà toá ra cánh đồng kêu la tìm kiếm. Người ta sẽ reo lên ngỡ ngàng khi tìm ra nó và bế nó về xuýt xoa và mắng mỏ, sai khiến và giục giã nhau thay quần áo, lấy khăn ướt lau mặt, dỗ dành chiều chuộng nó. Lúc ấy nó đã khoẻ hẳn rồi, đã muốn nhỏm dậy làm lấy mọi việc nhưng mắt vẫn phải hơi nhắm lại, miệng há ra thở, đôi môi khô lại, hcana tay vẫn mềm oặt thõng thượi theo những bàn tay nâng niu nắn bóp và vẫn phải thều thào đáp lại ú ớ những câu gọi hỏi của mọi người. Cái phút thấp thoáng nghe tiếng của anh, của chú, nó đã mừng đến ứa nước mắt, đã tủi thân giận dỗi đến run lên.

Chính lúc ấy chú Hà hỏi, cái lời lạnh như đêm sương muối:

- Ai như anh Tính?

- Gì đấy? Ai hỏi gì.

- Tôi đây!

- A ông. Con tưởng ai. Con vừa mới về.

Đợi anh vội vã đến gần, đứng một đoạn tre cắm xuống đất và sẵn sàng hứng đỡ mọi lời, ông Hà mới nói, giọng nhỏ, đã cố ghìm nỗi bực.

- Anh vô ý thức lắm!

- Dạ chú bảo..

- Thằng Sài đuổi vợ nó đi, đấy là việc của thằng trẻ con. Bố anh đánh chửi thằng Sài, là việc của ông lão phong kiến hủ bại. Còn anh, anh là cán bộ, gia đình anh là gia đình cách mạng, nếu ngày mai, ngày kia cả làng, cả tổng đồn ầm ã rằng nhà anh Tính cán bộ huyện, cháu ông Hà bí thư chi bộ xã cãi nhau, đánh nhau ầm ĩ suốt đêm thì anh còn mặt mũi nào nữa không? Tôi cho anh lên công tác trên huyện cốt để anh có điều kiện học tập, được chỉnh huấn cho nó mở mang, không ngờ anh vẫn...

- Cháu vừa về đến nhà đã thấy...

- Thấy thế nào, anh cũng phải trị thằng em anh không được hỗn. Tý tuổi đầu đã mất đoàn kết với vợ con. Hỉ mũi chưa sạch đã lên mặt làm chồng đánh chửi con người ta. Đấy là t ôi chưa kể quyền nam nữ bình đẳng, nhà nó mà kiện là mất hết, cả tôi, cả anh đeo mo vào mặt. Đứng trước việc đó vai trò của anh, của người cán bộ hoạt động cách mạng để ở đâu? Lẽ ra, phải biết giải thích đường lối chính sách cho bố mẹ anh thấm nhuần. Còn thằng Sài phải cho nó vài cái bạt tai.

- Vâng.

- Nhưng có đánh nó thì cũng phải kín, kẻo người ta lại bảo cán bộ không gương mẫu.

- Vâng.

- Nhưng mà... chủ yếu là đe nẹt rồi báo cho thầy giáo và phụ trách kiểm điểm ở lớp, ở đội, đừng làm gì ầm ĩ lên.

Nói được đến đâu nỗi giận của chú hả vợi đến đấy. Tính không ngờ vì thương em và vốn không ưa gì cái lề lối gia giáo của bố, anh đã hoảng hốt đi tìm nó. Thấy anh hoảng, vợ anh cũng hoảng, mấy bà thím dù thực lòng không để tâm lắm cũng giục giã con cái đi tìm anh Sài làm ồn ã cả một góc xóm. Cái việc nhỏ ấy đã biểu hiện ý thức non nớt của anh, anh đã để chú Hà cho rằng mấy tháng nay tuy đi học trên tỉnh nhưng anh vẫn chưa hề có tiến bộ gì.

Anh lững thững đi về nhà, ngồi vào chiếc tràng kỉ âm thầm như một bóng ma. Mãi mới ngẩng lên anh quát xuống bếp:

- Đi đằng nào, có châm hộ cái đèn không? Nhà cửa mù mịt lạnh lẽo như nghĩa địa mà vẫn để được, tôi lạ thật.

Anh quát vợ. Không ngờ, nói vừa dứt đã thấy một ngọn lửa xoè lên ở tràng kỷ bên kia. Bố đã ngồi lặng lẽ ở đấy khi nào. Ông lật bật nhắc bóng đèn dầu, đặt ngang chiếc đóm tre ngâm đang cháy, gạt gạt ống muỗng cho tàn than trên đầu bấc rời ra, kéo chiếc đóm lùi lại để ngọn lửa chèm lên đầuu muỗng và khi ngòi bấc nhú lên, bắt được ngọn lửa, ông chụp chiếc bóng ngay ngắn rồi mới dụi đóm vào khe chiếc điếu bát. Tất cả cử động ấy của ông của ông diễn ra một cách rụt rè và chậm, dường như nó là cái cớ để ông nghĩ ra một điều gì đó, sẽ nói một lời nào đó với thằng con ông. Vợ chồng ông có tám mặt con nhưng chỉ còn ba. Ba thằng con trai. Thằng cả thì đần và đã ở chỗ khác, cả nó, cả ông đều thấy yên phận kẻ làm con và người làm cha, không thấy phiền muộn trói buộc gì nhau. Thằng thứ hai, anh Tính - ông vẫn quen gọi một cách vị nể mà lạnh nhạt ấy. Nó đã có vợ và cũng đã ăn riêng, nhưng vẫn ở cùng nhà, quan trọng hơn, nó cùng hoạt động với ông Hà, người em ruột ông. Nó với ông như hai đầu của sự đầy vơi có thể san lấp cho yên bằng mỗi khi sóng gió. Ví như khi nó lén lút liên lạc với ông Hà có bắt bớ, giam cầm thì nhờ vào sự quý trọng của ông, một thầy đồ đã một thời nổi danh nhất thì ở vùng này, người ta đã cứu giúp nó. Người ông phải chịu ơn nhiều là ông phó tổng Cự, bố vợ thằng Sài bây giờ. Dăm bẩy tháng nay hoà bình được lập lại có ai khinh rẻ những người cổ hủ phong kiến thì vẫn phải nể ông, "ông cụ nhà anh Tính", "Cụ là anh của ông Hà". Ông và nó đều có những đận khổ sở, khốn đốn về nhau nhưng lại có lúc hãnh diện mừng thầm mình có thằng con (hoặc ông bố) thức thời, chịu lấy vất vả gian truân mà học hành, hoạt động. Nhưng ông và nó chưa mấy khi nói năng với nhau dễ dàng. Hai cha con vẫn như hai người khách! Ngẫm kĩ, ông thấy nó cũng như vô số loại người khi hưởng lộc do công lao người khác đem lại thì hỉ hả dễ chịu, còn lúc phải gánh xẻ nỗi cay đắng với kẻ khác, dù đó là máu mủ ruột thịt, cũng thấy ngại, dễ nổi xung và có quyền được xỉ vả hắt hủi kể yếm thế. Lẽ đời là thế nên nó sẵn sàng bắt bẻ hạch sách ông theo cái lối của nó, gọi là phê bình. Nhưng ông có lý của ông. Một nề nếp, một thói quen, một thông tục cha truyền con nối từ mấy đời nay: con cái không được quyền muốn sao được vậy vì như thế là trái với phép tắc gia phong. Nghĩ đến đây ông thấy mình có lý, thấy vững tâm hơn, cũng lại thấy sự lặng lẽ của nó cứ lù lù mỗi lúc một trương lên, đè trùm xuống cả ba gian nhà lạnh lẽo.

- Tôi thấy thầy nuông thằng Sài lắm rồi bây giờ mới khổ.

Nó định ăn nói kiểu gì thế này. Mặc dù kiểu gì ông cũng cso cớ để bắt chuyện với nó được dễ dàng.

- Anh bảo tôi sung sướng với thằng em anh lắm à?

- Nếu ngày nào thầy cũng đe nẹt nghiêm ngặt với nó thì đâu đến nỗi.

Thật lòng mỗi lần về nhà thấy thằng em vốn ham mê học hành mà cứ mếu máo nước mắt ngắn, dài, về cái tội "cùng ăn, cùng làm" và chuyện trò với "vợ", anh thấy tội nó qua. Hơn nữa, anh vẫn mang nỗi hận với nhà phó Cự. Dù hắn đã xin cho anh được tha từ đồn Tây về nhưng nó vẫn thì thụt tố giác, chỉ điểm bao nhiêu việc anh và cán bộ nằm vùng. Anh biết rằng điều anh vừa nói không thật lòng với mình nhưng chú Hà đã bảo lúc này phải hết sức tránh cái gì có thể làm ồn lên. Nhất là chú lại đang bực về việc làm vô ý thức của anh.

Hơi ngỡ ngàng về sự đồng tình của con trong việc này, ông đồ đã thấy yên tâm hơn rất nhiều. Nhưng đến khuya, thì xóm mạc lại xáo xác bởi tiếng kêu khóc của bà đồ Khang.

Từ nửa đêm hôm qua bà phải đội lọ lục bình lên tận Đa Hoài mới cầm đổi được lưng thúng gạo về chống đói. Về đến nhà đặt thúng xuống phản, bà nằm luôn đấy thiếp đi. Ông đồ nhờ con dâu nấu cho nồi cháo. "Nấu kha khá vào anh chị ăn một thể". Cháo chín, bà được lay dậy. Mắt nhắm, mắt mở húp gần hết bát cháo bà mới nhận ra không có vợ chồng thằng Sài. Bằng sự dồn hỏi hoảng hốt bà biết mọi sự xảy ra. Đặt bát cháo húp dở xuống mâm bà lao ra sân ngửa mặt lên trời kêu than rồi sai con dâu đốt cho bó đuốc bằng cây đay khô. Bà cầm đuốc vừa chạy vừa gọi con vừa kêu giời đất, bất chấp cả mọi tai tiếng ảnh hưởng cả đến danh dự, uy tín mà con trai ra sức gìn giữ. Bà chạy đi. Vợ Tính cũng phải chạy đi. Mấy đứa cháu ruột cũng chạy đi. Sự hoảng sợ của bà cộng thêm nỗi huyên náo rất hệ trọng của đám trẻ, làng Hạ Vị đêm nay sẽ vợi đi nỗi đói rét ra cánh đồng, chỗ người ta xúm đông đặc quanh đống tro thằng Sài phủ lên người nó.

Đã qua cái đêm cả làng, cả xóm đổ đến xô đẩy nhau nhốn nháo ở ngoài cổng và khi vào đến sân tất cả đều nghiêm trang nín thở để nghe tiếng gọi dồn dập của không biết bao nhiêu người nêm chặt trong ba gian ông đồ Khang.

Bẩy vía ba hồn Sài ơi về với mẹ đi con" "Bẩy vía ba hồn thằng Sài" ở đâu thì về với bố, với mẹ Sài ơi". Những tiếng gọi hoảng hốt. Những ngón tay bóp chặt lấy ngón tay cái và chí vào hai bên thái dương thằng Sài một cách hoảng hốt. Những bát lông gà, bồ kết đốt khỏi sục vào mũi thằng Sài môt cách hoảng hốt. Những đĩa rượu đốt cháy bùng xanh chườm tóc rối và gói gừng giã nhỏ đánh trên lưng, trên ngực, trên tay thằng Sài một cách hoảng hốt.

Cũng đã qua rồi những ngày cu Sài được vỗ về thương hại. Bảy tám ngày sau, nói đúng ra chiều ngày thứ bảy, cu Sài đã chạy tuột ra khỏi cổng nhập vào đám bạn để đọc truyện cho chúng nghe thì uy lực của bà đồ trong mọi việc "lớn" của gia đình cũng có phần giảm bớt. Ông đồ trở lại phận sự của ông. Người đàn ông trong nhà dù đần độn ngu si đến đâu cũng vẫn là cái cột cái định đoạt mọi việc. Ngay tối hôm ấy theo ý anh Tính ông "họp" gia đình gồm hai ông bà, vợ chồng anh cả, vợ chồng Tính và cu Sài. Có bẩy người "họp" thì ba người xoi như không can dự. Bất cứ việc gì vợ chồng anh cả cũng "thôi thì thầy định thế nào chúng con theo thế". Mỗi khi cái quyền làm trưởng được nhắc đến "ý anh chị cả định thế nào?", người con trưởng cũng gật gật đầu vẻ nghĩ ngợi đăm chiêu một lúc mới nói. Bao giờ anh cũng nói ra cái điều mọi người đều biết trước từng câu, từng lời anh sẽ nói như thế. Có lần vui vẻ chị vợ tinh khôn đã bảo "Thầy hỏi nhà con như hỏi bức vách ăn thua gì". Nhưng những việc căng thẳng như đóng góp giỗ tết ma chay hoặc sự xích mích trong gia đình, chị thường là người im lặng từ đầu đến cuối. Có ai hỏi chị, chị trả lời rất gọn nhẹ: "Mọi việc là quyền ở nhà tôi". Lập tức anh cả cũng gật đầu nghĩ ngợi và nói ra điều mà ai cũng biết chắc là sẽ vừa lòng chị, cốt không thiệt đến mình mà cũng chả động đến ai. Những "cuộc họp" gia đình để quyết định những việc hệ trọng như thế, sự có mặt của vợ chồng anh như là thừa. Nhưng không có vợ chồng anh, khôn bao giờ thành "cuộc họp". Vả lại mỗi khi có chuyện nặng nề mọi người còn im lặng căng thẳng, ông đồ thường hỏi ý kiến anh chị cả và anh lại "thôi thì". Sau sự "thôi thì" dài dòng của anh, hoặc là ai có nỗi ấm ức thấy sốt ruột quá phải nói bung ra, hoặc có giận dỗi gì nhau, thấy ý kiến ông anh cả chán quá, thà thôi đi còn hơn. Thành ra anh lại luôn luôn trở thành người quan trọng trong gia đình. Còn vợ Tính chỉ biết làm, chị làm được tất cả mọi việc theo ý bố mẹ chồng, theo sự sai khiến cau có của chồng, và tắm rửa giặt rũ, mắng mỏ và chiều chuộng thằng Sài như thằng em út của mình ở nhà. Cuộc "họp" nào của gia đình chị cũng là người ngoài rìa. Chị sửa sang lau chùi ấm chén, đun nước và chẻ đóm. Mọi việc xong xuôi chị ngồi nép ở một góc tối, chăm chú nghe hết mọi điều, có ai hỏi chị, chị chỉ biết giả nhời "Tôi (con hoặc em) biết đâu đấy. ý của thầy mẹ (hoặc anh chị cả hoặc "nhà tôi" thậm chí cả "ý chí Sài, thím Tuyết") thế nào thì tôi làm thế".

Cho nên mỗi lần bàn bạc gia đình chị có ngồi đấy hay không cũng chẳng ai để ý nếu như chè và thuốc lào, đóm và nước đã đầy đủ tinh tươm.

Bốn người còn lại tuy sự kìm nén khác nhau nhưng đều giống nhau ở chỗ ai cũng cảm thấy chỉ có mình là người khổ tâm nhất trong việc này.

Trước hết, nói về thằng Sài, nhân vật chính của sự cười chê ồn ã hàng tuần lễ nay. Dù cả nhà đều nhìn nó âu yếm, nói năng vui vẻ và nói những chuyện tận đâu, nhưng khi được chị Tính dìu từ dưới bếp lên thằng Sài khóc oà ra và lao vào ôm ngang lấy thắt lưng mẹ, người nó run lên bật bần. Nước mắt bà đồ tự nhiên ứa ràn xuống hai má. Bà cúi lấy vạt áo lặng lẽ chấm nước mắt, quay ra ôm ghì lấy con, gắt.

- Bàn bạc gì thì bàn đi, thằng bé sợ hết hồn rồi đây này.

Ông đồ vẫn nói dịu dàng:

- Ô hay ai làm gì nó.

Chị cả cũng động lòng thương xót.

- Chú Sài, sợ gì em. Để thầy mẹ và các anh chị liệu xem công việc thế nào, có ai mắng mỏ hắt hủi gì em mà sợ.

Tính nghiêm mặt:

- Sài nín. Thầy có ý kiến thì nói đi rồi mọi người trong gia đình đều phải ghé vai mà làm. Tôi rất khổ tâm cứ mỗi lần về đến nhà không chuyện nọ thì chuyện kia. Mỗi người nghĩ một phách, làm một nẻo, mạnh ai người nấy lo, còn thì "sống chết mặc bay".

Xem cung cách, lời lẽ ấy Tính đã ý thức được mình mới là người lo lắng và quyết đoán tất cả mọi việc. Không phải anh muốn như thế. Cái chính là mọi điều tiếng, xấu xa của gia đình đều đổ lên đầu anh. Thử hỏi cả huyện, cả xã ai biết anh cả là ai. Ngay đến tiếng tăm của thầy đã mấy ai ở xã ngoài biết đến. Chuyện gì xẩy ra, thiên hạ cũng chỉ biết bố mẹ đồng chí Tính cán bộ huyện chứ ai có thể thay anh nhận lấy sự xỉ nhục. Là chưa kể chuyện thằng Sài không biết đến bao giờ mới hết tai tiếng.

Cũng là danh dự của gia phong, ông đồ lại thấy Tính không thể hiểu và san sẻ nỗi khổ của riêng ông. Nó cứ đi biền biệt, hoạ hoằn mới đáo qua nhà, làm sao nó biêt ông điêu đứng như thế nào. Mang tiếng là ông đồ nho, mấy đời nay chưa hề để ai chê cười nhà mình có chuyện ăn ở trên dưới như "họ nhà tôm", chưa có khi nào con cái lại trái ý cha mẹ. Chưa khi nào ăn nói sai ngoa, lá mặt, lá trái. Con mình đuổi con người ta đi, ai biết đâu là chuyện trẻ con. Tất cả những chuyện đó thằng Tính làm ông phải rụt rè, ngần ngại là thằng Tính. Bây giờ không những ông được thể quát nạt, đe nẹt được nó, ngược lại, làm việc gì ông cũng phải lựa xem ý nó thế nào còn liệu. Suốt bao ngày nay ông vẫn chưa phải lo nghĩ điều đó nên giọng ông lúc này còn chưa thể quả quyết.

- Cũng chả ai muốn xẩy ra như thế. Nhưng dẫu sao thì cũng là việc đã rồi. Bây giờ bà với các anh các chị có cả anh Tính về đây ta bàn xem cách nào đến xin lối người ta để cho con nó về. "Con dại cái mang".

Không ngờ bà đồ bốp chát ngay:

- Tôi không phải xin xỏ gì ải cả. Con tôi ốm chín phần chết không được phần sống, nhà nó có ai thèm lai vãng đến đây? Mà tôi hỏi cớ gì khi thằng chồng ốm con vợ lại không về.

- Thì con mình đã đuổi nó đi.

- Chấp gì thằng bé hỉ mũi chưa sạch ấy. Mà nó có quyền gì. Trừ phi ông hay tôi thấy cô ăn đổ làm vỡ không thể chứa được thì mới được phép ra khỏi nhà tôi. à, ra nhà nó quen thói hà hiếp thiên hạ rẻ rúng, bỉ mặt ai cũng được.

- Bà liệu mà ăn nói, còn có người nọ người kia nghe.

Bà bảo rằng cứ giữa dạ bà nói, không việc gì phải vụng trộm, giấu giếm. Rằng, nhà bà đã phải thất điên bát đảo mà họ thì dửng dưng. Rằng chỉ có bà mang nặng đẻ đau mới thấy xót, mới tủi hổ khi con bà hoảng sợ đến khiếp đảm mà nhà nó không thèm hỏi lấy một lời. Có ai đau đớn nặng nhọc gì mà chả tìm cách dàn hoà vui vẻ. Vui vẻ với bất cứ ai bà cũng sẵn lòng nhưng bây giờ nhất quyết nhà nó phải có nhời trước, bằng không, làm làm gáo, vỡ làm muôi. Càng nói bà càng có lý. Những người con dâu thầm chê bai nhà ấy không biết điều. Thằng Sài thì vẫn áp mặt vào lưng mẹ thỉnh thoảng lại nấc khan từng chập sẵn sàng oà khóc và kêu xin bố mẹ tha cho đừng bắt con phải đến nhà nó. Còn thằng Tính, hai con mắt vẫn trân trân nhìn lên mái nhà, môi mím lại cau có như đang nghĩ gì ở đâu chứ không nghe ai nói ở chỗ này. Ông đồ hết hút thuốc lại uống nước chè tươi. Hai mắt hình như cả đôi tai ông chăm chú vào những cử chỉ cố kéo dài ra của công việc tước đóm và hút thuốc, lau chùi đĩa chén và uống nước nhưng ông cũng biết hết ý tứ của từng người, trừ có thằng Tình là ông không hiểu nó đang nghĩ gì. Đó là cái điều đã từ lâu, từ khi nó tham gia hoạt động đến nay ông luôn ngại, bực bội và thú thật đôi khi cũng phải chịu lép với những lời lẽ lý sự của nó. Ông biết, việc gì trong nhà này bây giờ ai cũng nghe nó hơn là nghe ông. Ngẫm ra cũng phải thôi. Thời này người có chức tước nói mà chả hay ho mẫu mực.

Tính nói. Cái điều lo sợ nhất của ông đồ đã đến rồi. Chỉ cần ý của nó nữa là biết rõ sự tình sẽ đi đến đâu. Ông ngồi nghiêng mặt ra chỗ tối ánh đèn, mải vê điếu thuốc nhồi vào nõ để tránh nỗi phấp phỏng chờ đợi sự kết cục không thể gọi là nhỏ. Chỉ việc này không thành cũng đã coi như ông sống bằng thừa, sống vô vị như một xác chết. Nhưng ông đã lầm. Tính còn lo hơn cả ông. Anh hiểu rõ hậu quả những chuyện gia đình kiểu thế này không thu xếp ổn thoả sẽ dẫn tới đâu! Anh nói từng tiếc chắc nình nịch như thể vốn nó là thế, không thể là khác, không ai có thể thay đổi được.

- Chú Sài đuổi thím Tuyết không có gì phải ầm lên. Thầy làm như thế là chưa đúng. Thì lúc ấy anh bảo tôi làm sao mà nén được. Những ngày chú Sài ốm nhà ông phó Cự im lặng thờ ơ là sai, rất đáng trách. Tôi thấy mẹ đã nói lên tất cả nỗi tức giận của nhà ta. Phải tỏ thái độ như thế mới đúng. Thế là nó vào hùa với mẹ nó thật rồi. Nhà mình gây ra sự lại đổ lỗi cho người ta. Kệ, anh nói thế nào thì nói, mẹ con anh định thế nào thì tuỳ nhưng với lão đồ Khang thì thằng Sài không thể bỏ con người ta được. Thời buổi này không phải là lúc họ muốn coi ai ra gì cũng được như trước đây. Nhưng đấy là việc sau. Trước sau tôi sẽ có cách để nhà họ phải mở mắt ra. Còn trước mắt ta sử xự khác. Ta không thèm tầm thường chấp vặt. Không thèm đôi co xem ai đúng, ai sai, không thèm đợi họ phải nói trước. Quả đi đây đi đó nó cũng có hơn.

- Anh bảo nhà mình phải đi nói trước với họ?

- Đằng nào thì chú Sài cũng không thể bỏ được thím Tuyết. Mọi việc mẹ cứ mặc tôi. Ta nói trước mới chứng tỏ ta là người lớn không chấp chuyện trẻ con. Ngày mai nhà Tính đưa chú Sài sang. Chú chỉ cần nói một câu: "Con đã trót dại đuổi nhà con đi, con xin lỗi ông bà cho nhà con về". Chỉ cần nói thế rồi về. Xem nhà họ đối xử thế nào, sau đó tôi sẽ liệu.

Anh dừng lại, uống nước như tự thưởng cho những quyết định của mình và cũng để dò xem phản ứng của mẹ, của thằng Sài. Ông đồ không nhìn anh, trong đầu ông vẫn thì thầm đắc ý: Phải thế mới ra người có học. Cứ tưởng cha con xung khắc, không ngờ nó hợp ý ông như thế. Chỉ có điều nó theo lối mới nói năng lưu loát, dễ lôi cuốn người ta hơn.

Bà đồ ngập ngừng

- Thế ngộ nhỡ...

- Mẹ không có "nhỡ" gì cả. Ngày mai cứ thế làm không phải bàn gì nữa. Khuya rồi, đi ngủ.

Nói những như gay gắt ấy xong, anh đứng dậy xuống gian nhà ngang của vợ chồng anh. Mọi người vẫn ngồi lại một lúc nữa nhưng không ai bàn tán gì thêm. Cả bà đồ cũng không phản đối. Cả thằng Sài cũng không giãy nảy vì ngày mai nó vẫn phải làm cái việc mà nó kinh sợ. Thì ra đàn bà cũng giống như trẻ con, sẵn sàng chấp nhận ngoan ngoãn những quyết định nghiêm ngặt đôi khi rất tàn nhẫn chứ không bao giờ chịu thua trong bàn luận tranh cãi.

--------------------------------------------------------------------------------
Chương tiếp
Loading...