Thuận Thiên Di Sử

Chương 20: Hồng Thiết thần công



Mỹ-Linh hỏi Vũ Nhất-Trụ:

- Mi đưa chìa khoá đây, để ta mở cửa thả tù nhân ra.

Vũ Nhất-Trụ lắc đầu:

- Cửa này có ba khóa. Một do tôi giữ, một do Lê Ba giữ, một do Hoàng Văn giữ. Phải có ba chìa khóa mới mở được.

Mỹ-Linh hỏi Nhật-Hồ:

- Y nói có đúng không?

- Y nói không sai. Trước đây, khi mới làm hầm này, các phòng giam chỉ có một khoá. Sau khi ba tên Nhất-Trụ, Hoàng Văn, Lê Ba phản lão phu, chúng không tin nhau, mới làm thêm hai khoá nữa. Mỗi đứa giữ một chìa. Lúc nào cả ba cùng đem chìa khoá mới mở được. Như khi đưa một mỹ nhân vào giúp ta luyện công, cả ba tên đều đến. Chúng xông thuốc cho ta mê đi, sau đó đẩy nàng vào, rồi cùng nhau khóa lại.

Mỹ-Linh hỏi Vũ Thiếu-Nhung:

- Bá mẫu. Y nói có đúng không?

Vũ Thiếu-Nhung gật đầu. Bà thấy Mỹ-Linh gọi mình bằng bá mẫu, hỏi lại:

- Cô nương! Cô nương có quen biết với Hồng-Sơn đại phu ư?

Mỹ-Linh chỉ vào Thiệu-Thái:

- Anh tôi đã chịu ơn cứu tử của đại phu. Còn tôi, tôi là bạn của Thiếu-Mai với Lê Văn.

Vũ Thiếu-Nhung rưng rưng nước mắt:

- Tôi... tôi không xứng đáng với Hồng-Sơn đại phu. Tôi còn mặt mũi nào nhìn Thiều-Mai, Lê Văn nữa?

Thiệu-Thái đứng đinh tấn vận sức kéo song sắt thử, nhưng không nhúc nhích.

Nhật-Hồ lão nhân nói:

- Vô ích. Cửa này làm bằng những thanh thép lớn, cứng vô cùng. Kéo sao nổi. Trừ phi... trừ phi. Nếu có nội lực dương cương của Tiêu-sơn, hợp với nội lực âm nhu của Mê-linh, thêm vào nội lực cương nhu hợp nhất như của ta, may ra bẻ được.

Mỹ-Linh bảo Thiệu-Thái:

- Anh có nội lực Tiêu-sơn, hợp với nội lực âm nhu của em. Vậy ta cùng đẩy một song thử xem.

Thiệu-Thái, Mỹ-Linh vận khí, hít một hơi dài, đẩy song sắt. Song hơi nhúc nhích, cong đi hơn tấc.

Nhật-Hồ lão nhân kinh ngạc:

- Con nhỏ này tại sao lại có nội công âm nhu cao thế này? Thực trên đời ta chưa từng thấy qua. Ta e Hoa-Minh thần ni cũng thua nó xa. Như vậy có thể bẻ song sắt, thoát cũi rồi đây.

Lão nói:

- Được rồi, hai cô cậu đẩy, tôi kéo thử xem. Phải cẩn thận lắm mới được. Những thanh sắt cửa này đều nằm trong cơ quan. Khi bẻ hai thanh, làm cơ quan chuyển động. Nếu có ai rút then cài ở trên nắp hầm ra, hầm sập, tất cả đều bị chôn thây, làm ma chết ngộp.

Mỹ-Linh ngơ ngác hỏi:

- Lão tiên sinh, hầm này do ai đào, đào từ bao giờ?

Nhật-Hồ nói nhỏ:

- Do chính lão phu cùng một số giáo chúng âm thầm đào. Đào xong bao nhiêu thợ lão phu giết sạch. Thành ra bí mật chỉ mình lão phu biết mà thôi.

Lão hỏi Vũ Nhất-Trụ:

- Khi các người giam ta, ai cư ngụ trong tổng đường bản giáo?

- Thưa sư phụ, khi lão nhân gia bị giam rồi, đệ tử cùng với Hoàng Văn, Lê Ba lục trong phòng sư phụ, tìm di thư, bí lục võ công, nhưng không thấy gì cả. Sau cùng Lê Ba tìm được bản đồ căn hầm. Bọn đệ tử thấy bản đồ hầm chỉ là nơi giam tù, không quan trọng, nên giao cho y giữ.

Nguyễn Chí lo lắng:

- Như vậy nguy lắm. Tên Lê Ba thế nào cũng nghiên cứu kỹ bản đồ. Nếu khi chúng ta bẻ song sắt, cơ quan chuyển động, y biết, y rút cái then ra, hầm sụt e chết chôn hết.

Nhật-Hồ hỏi Nhất-Trụ:

- Mọi khi, mỗi lần đến thăm ta, các người đi một lúc, sao nay chỉ có mình người. Hai tên kia đâu?

Nhất-Trụ đáp:

- Hoàng Văn chạy theo Khu-mật viện nhà Tống. Còn Lê Ba chạy theo Hồng-thiết giáo Tây-dương.

Nhật-Hồ nguyền rủa:

- Con bà nó. Hai tên khốn nạn.

Mỹ-Linh kinh ngạc. Từ lúc gặp Nhật-Hồ, nàng thấy lão ôn nhu, văn nhã, rõ ra đại tôn sư. Khi lão thuật đến chỗ dùng giáo chúng đào hầm, rồi giết sạch, lão thuật một cách thản nhiên. Thế mà nay nghe hai đệ tử chạy theo Tây-dương Hồng-thiết giáo với Khu-mật viện Tống, lão văng tục.

Lão hiểu ý Mỹ-Linh, phân trần với nàng:

- Cô nương nên biết Hồng-thiết giáo tuy gốc ở Tây-dương, lão phu đem về Đại-Việt, để tổ chức một nước Việt theo khuôn mẫu của người, mưu tìm hạnh phúc cho dân. Chứ lão phu không phải như bọn Lê Đạo-Sinh, Kiều Công-Tiễn bán nước. Thế mà nay hai tên đồ đệ khốn nạn vô tư cách như vậy, lão phu tha thứ sao được.

Lão bảo Nhất-Trụ:

- Còn người. Bấy lâu nay người theo ai?

- Đệ tử không theo ai hết, vì vậy tuy làm đại sư huynh, mà hai tên Lê Ba, Hoàng Văn kết nạp giáo chúng thành phe cánh, chống đệ tử.

Nhật-Hồ nói với Mỹ-Linh, Thiệu-Thái:

- Nào, chúng ta thử bẻ song sắt xem sao?

Ba người vận sức, đẩy, kéo một lượt. Thanh sắt từ từ chuyển động, cong đi, chạm vào song sắt kế tiếp.

Mỹ-Linh chỉ thanh sắt cạnh:

- Nào, chúng ta đẩy thanh này.

Ba người lại vận sức kéo nữa. Thanh sắt kia cong đi liền. Nhật-Hồ lão nhân chui ra khỏi phòng giam. Y chắp tay hướng Thiệu-Thái, Mỹ-Linh:

- Lão phu đa tạ công tử, tiểu thư đã ra tay nghĩa hiệp cứu lão phu. Ân này nguyện không bao giờ quên.

Ba người lại bẻ song cứu Nguyễn Chí, với Chu Vân-Nga.

Hai người vừa ra khỏi phòng giam, có tiếng lọc cọc. Nhật-Hồ biến sắc lắng tai nghe:

- Các người có thấy tiếng cọc cọc không?

Chưa ai kịp trả lời thì ầm ầm, gió tạt vào cực mạnh, bụi bay mù mịt. Mọi người giật mình kinh hoàng, nhìn lại: Phía sau, hầm đã sập, lối ra bị mất. Đèn trong phòng bị tắt. Chỉ còn mấy điểm than hồng ở bếp chiếu ra.

Vũ Nhất-Trụ kinh hãi:

- Trời đất ơi! Nguy quá, hầm đã sập rồi.

Nguyễn Chí bảo Chu-vân-Nga:

- Mau đốt đèn lên.

Chu Vân-Nga vào bếp, đốt đèn lên. Không khí trong phòng ngột ngạt khó chịu vô cùng.

Thiệu-Thái hỏi Nhật-Hồ:

- Này lão tiên sinh, hầm này do tiên sinh xây, ắt tiên sinh biết rõ rằng có cơ quan làm sập hầm, hẳn có cơ quan thoát ra chứ?

Nhật-Hồ thở dài:

- Hầm này do lão phu dùng giáo chúng âm thầm đào. Những bí mật về cơ quan chỉ mình lão phu biết. Khi bọn Nhất-Trụ, Lê Ba, Hoàng Văn bắt giam lão phu, Lê Ba tìm ra nơi cất bản đồ. Vì vậy hôm nay y mới ra tay. Không có lối nào thoát ra cả.

Có tiếng người trầm trầm vọng vào:

- Các người tưởng thoát ra được ư? Hầm này có cơ quan. Các người đẩy cong các thanh sắt đi, làm chuyển động. Ta rút then cài, khiến cho hầm bị sụt, mất đường ra. Các người tự chôn mình. Vậy đừng trách ta nhé. A ha, muôn ngàn năm sau, không ai biết Nhất-Trụ chết vì lý do gì... Này đại sư ca, người chết rồi, ta đương nhiên thay sư phụ làm giáo chủ.

Vũ Nhất-Trụ trỗi dậy:

- Lê tam sư đệ, mau điều động giáo chúng đào đất cứu chúng ta ra.

Có tiếng cười khành khạch:

- Đại ca ơi! Cứu đại ca, tiểu đệ được lợi gì không? Đại ca nổi tiếng bài ngoại. Nếu tiểu đệ cứu đại ca ra ắt Tây-dương giáo chủ Hồng-thiết giáo nổi giận. Tiểu đệ đâu có hy vọng được chỉ định kế chức giáo chủ thay sư phụ?

Nhật-Hồ lão nhân lên tiếng:

- Lê Ba, người cứu ta ra, ta sẽ truyền tâm pháp giải trừ Chu-sa Ngũ-độc chưởng và truyền chức vụ giáo chủ cho người.

Bọn Vũ Nhất-Trụ, Hoàng Văn, Lê Ba bàn nhau giam Nhật-Hồ lão nhân, chỉ với mục đích bắt lão truyền tâm pháp giải Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng.

Tâm pháp Chu-sa độc chưởng là gì? Hơn trăm năm trước hai người Tây-vực tên Mã-Mặc, An-Hiền, nhân luyện tập nội công sai lầm, bị điên loạn, rồi làm nhiều điều ô danh võ lâm. Hai người bị vua quan đương thời lùng bắt, trốn vào rừng ẩn thân, sống lẫn với thú vật, côn trùng, nhân đó viết ra bộ vũ kinh tên "Hồng-thiết".

Người đương thời khinh bỉ coi như bọn tà ma, ngọai đạo. Hơn trăm năm sau, một người thợ tên Lệ-Anh ở vùng băng tuyết, nhân ăn cứơp, giết người, bị vua chúa lùng bắt. Y sang Tây-dương, tìm được bộ Hồng-thiết kinh, luyện thành Chu-sa độc chưởng. Y lập ra Hồng-thiết giáo. Lệ-Anh tự xưng giáo chủ. Hồng-thiết giáo ngụy xưng tôn chỉ Dân vi quý hô hào giáo chung nổi dậy chống vua chúa. Thành công. Y giết hết vua, quan, quý tộc, phú gia, rồi cai trị nước. Giáo-chúng Hồng-thiết nổi tiếng sắt máu, tàn sát không biết muôn ức nào người.

Nhật-Hồ lão nhân, người đất Cửu-chân, nhân sinh vào thời loạn , có lòng yêu nước, muốn giúp dân thoát khỏi cảnh tranh dành, chém giết mà không sao được. Ông lưu lạc sang Tây-vực, giáo chủ đời thứ nhì là Xích Trà Luyện nhận làm đệ tử. Do đó ông được truyền bộ Hồng-thiết kinh, trong đó có ba phần. Phần đầu dạy về các độc chất, cùng cách xử dụng, chữa trị. Phần thứ nhì dạy về luyên độc công, cùng độc chưởng. Phần thứ ba dạy về triết lý quân chính, chủ trương diệt tất cả các tôn giáo khác,vua, chúa, nhà giầu.

Khi Nhật-Hồ thành tài. Xích Trà Luyện sai về Trung-quốc truyền giáo. Nhật-Hồ lão nhân biến chế từ Chu-sa độc chưởng thành Chu-sa ngũ-độc chưởng. Ông không giám truyền Hồng-thiết giáo, mà chỉ lập ra bang Nhật-Hồ. Trong thời gian ở Trung-quốc, Nhật-Hồ thu nhận một số đệ tử, truyền bản lĩnh cho. Vì lão người Việt, nên lão bị đệ tử tên Lưu Trí-Viễn tìm cách lật đổ. Lão chán nản bỏ về Đại-Việt.

Tri-Viễn thấy sư phụ vắng mặt một thời gian. Y tưởng sư phụ chết rồi, bèn vỗ ngực tự nhận mình sáng lập ra bang Nhật-Hồ. Người đời Hoa lãng quên tên Nhật-Hồ. Ít lâu sau, Trí-Viễn nghe bên Đại-Việt có Hồng-thiết giáo. Lão đâu biết sư phụ còn sống, mà tưởng nhân vật nào đó mới ra đời.

Trí-Viễn gửi sứ giả sang kết thân với Hồng-thiết giáo Đại-Việt. Bấy giờ mới nảy ra Nhật-Hồ lão nhân còn sống. Đã ném lao, phải theo lao. Y tuyên bố Hồng-thiết giáo Đại-Việt, do y sai người lập ra. Để minh chứng sự thực, y đổi tên thành Đông-Nhật, rồi đặt ra hệ thống Hồng-thiết danh. Cứ lấy chữ cuối tên sư phụ đặt cho chữ đầu tên đệ tử. Cho nên các đệ tử khét tiếng của Đông-Nhật lão nhân có tên Nhật-Quang, Nhật-Hải, Nhật-Sơn, Nhật-Minh, Nhật-Long. Sau đó lão cho đệ tử phao rằng chính Nhật-Hồ lão nhân là đệ tử lão.

Ai thắc mắc hỏi tại sao lấy tên Đông-Nhật. Lão trả lời: Ta được thánh Mã-Mặc, Lệ-Anh sai xuống phương Đông giải thoát chúng sinh, như ánh sáng mặt trời chiếu muôn vật. Lão giải thích tên của đồ đệ Nhật-Hồ rằng: Chữ Nhật, để nối tiếp chữ Đông-Nhật. Còn chữ hồ chỉ lần đầu tiên bang thành lập ở hồ Động-đình.

Sau Đông-Nhật lão nhân xuất lĩnh giáo chúng lập ra nhà hậu Hán thời Ngũ-quý.

Trở về Đại-Việt, Nhật-Hồ thu nhận một lúc mười đệ tử, bí mật lập bang. Lão chia lãnh thổ Đại-Việt thành mười vùng, giao cho mười đệ tử phụ trách việc truyền giáo bí mật. Một lần nữa lão biến đổi Chu-sa ngũ độc chưởng khác đi, thành Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng. Nhật-Hồ lão nhân chỉ thị cho đệ tử bằng mọi cách xâm nhập vào các đại môn phái, dùng độc chưởng khống chế những nhân vật trong phái, rồi dần dần nắm quyền lãnh đạo. Cuối cùng đi đến nắm quyền cai trị toàn quốc như giáo chủ Xích-trà-Luyện.

Kinh nghiệm về vụ Đông-Nhật lão nhân phản sư phụ, trong mười đệ tử, lão truyền cho tất cả bộ Hồng-thiết-kinh. Nhưng lão giữ lại một phần làm bùa hộ mệnh. Những đệ tử luyên Hồng-thiết công, phải dùng nọc độc của rắn, rết, tằm, nhện, bò cạp cho cắn vào tay mình, rồi vận công cho nhập cơ thể. Sau khi thành công, mỗi năm, đến tiết Đông-chí, cần uống một viên thuốc giải trừ. Nếu không sẽ đau đớn, khốn khổ trong bốn mươi chín ngày rồi chết. Ai bị trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng cũng thế. Lão dạy cho đệ tử chế thuốc giải. Nhưng lão không dạy đệ tử phép luyện công, để hóa giải toàn bộ chất độc trong người, khỏi uống thuốc mỗi năm.

Trong các đệ tử lão, người nào cũng xuất thân lưu manh bậc nhất. Nhưng có ba tên gian xảo nức tiếng tên Vũ Nhất-Trụ, Lê Ba và Hoàng Văn. Ba tên này tìm cách bắt giam lão, cướp tâm kinh, học phương pháp giải trừ vĩnh viễn độc chất.

Nhân lão sủng ái nhất là Nguyễn Chí, định khi sắp chết chỉ định y làm người thừa kế. Lê Ba thấy vậy, tìm cách phao vu Nguyễn Chí sắp phản bang, chạy sang Tây-dương xin giáo chủ Hồng-thiết giáo công nhận. Nhật-Hồ tin thực, cho giam Nguyễn Chí lại, dối rằng y chết rồi. Sau ba năm, lão thấy chính Lê Ba sai người sang Tây-dương Hồng-thiết quốc, cầu giáo chủ phong mình làm thống lĩnh phía Nam Trung-quốc. Lão hối hận, vào nhà tù, thả Nguyễn Chí ra. Lão bị Lê Ba xông thuốc mê, bắt giam.

Lúc đầu Vũ Nhất-Trụ, Lê Ba, Hoàng Văn tin tưởng giáo chủ Hồng-thiết quốc Tây-vực truyền cho chúng phương pháp giải trừ nọc độc. Không ngờ chính giáo chủ Tây-dương Hồng-thiết quốc cũng bị thất truyền phương pháp này. Ba người nghĩ chỉ có sư phụ là người duy nhất còn biết thần công.

Ba tên ra lệnh cho đệ tử tra khảo Nhật-Hồ để biết phương pháp vận công giải độc. Bị giam, Nhật-Hồ lão nhân cùng một lò độc với nhau, lão đâu lạ gì bọn đệ tử. Lão biết, nếu lão khai ra, lập tức chúng giết lão. Lão im lặng hơn hai mươi năm liền.

Bây giờ, thình lình lão hứa truyền tâm pháp đó cho Lê Ba, khiến Nguyễn Chí, Vũ Nhất-Trụ đều kinh ngạc không ít. Lê Ba ngần ngừ một lúc rồi nói vọng vào:

- Sư phụ, người muốn đệ tử cứu ra, người đọc tâm pháp trước đi.

Nhật-Hồ hỏi lại:

- Hoàng Văn đâu? Ta muốn truyền một lúc cho các người.

- Hoàng Văn hiện vắng mặt.

Nhật-Hồ nói lớn:

- Vậy người nghe đây.

Rồi lão đọc:

Nhật-Hồ chu sa chưởng,

Dĩ độc luyện thần công.

Công thành tất khí tụ,

Ngũ độc nhập vào tâm.

Cứ thế lão đọc năm mươi câu quyết, rồi nhắc lại:

- Khi luyện, người phải dùng thang thuốc như sau: Kinh giới một cân, Tía-tô hai cân, Mộc-hương nửa cân, Xạ-hương nửa cân, Phòng-phong một cân, Ma-hòang ba cân, Quế-chi hai cân, Gừng tươi hai cân, Cam thảo hai lượng. Tất cả nấu lấy nước cho vào chum. Mỗi ngày ngâm mình trong đó luyện hai giờ. Luyện trong ba ngày, phải thay nước khác. Cứ như thế luyện trong một tháng, sẽ được một thành.

Thiệu-Thái nghe Nhật-Hồ giảng cho đệ tử, chàng biết ông ta dạy láo. Hôm trước Đỗ Lệ-Thanh cho thang thuốc, cùng phép luyện khác hẳn. Phép giải độc càng phức tạp.

Lê Ba thúc:

- Còn phần sau ra sao?

- Khi luyện xong phần thứ nhất, cần có người nào nội công cao gấp bội, để tay vào huyệt Bách-hội, đẩy chất độc cho luân lưu khắp cơ thể.

Lê Ba biết lão chưa muốn truyền hết, vì sợ y không buông tha lão. Vì ham muốn ngôi giáo chủ, y phải tùng quyền. Y suy nghĩ:

- Suốt hai mươi năm nay, mình đe dọa thế nào, lão cũng không thuận truyền tâm pháp giải độc, thế mà nay bỗng dưng lão đồng ý là tại sao?

Nghĩ một lúc, y hiểu liền:

- Những lần trước, nếu lão truyền cho ta. Ta luyện một đoạn, sẽ đòi đoạn hai, rồi ba. Nay lão hứa truyền cho ta ngụ ý rằng: Nếu ta không cứu lão ra, khi luyên xong đoạn một lão đã chết đói. Vì vậy bắt buộc ta phải cứu lão. Ta mà đào đất cứu lão, khi lão tự do rồi, liệu lão có để ta sống không? Được, ta có cách.

Đã có chủ ý, y nói vọng vào:

- Sư phụ. Xin chờ một lát, đệ tử sẽ sai người đào đất cứu sư phụ.

Lát sau có tiếng chân người đi, rồi tiếng cuốc xẻng đụng nhau, rõ ràng nhiều người đang đào đất. Nguyễn Chí lắng tai nghe ngóng, mắt nhìn lên nóc hầm, sau khi tìm ra chỗ người ta đang đào phía trên, y nói thực nhỏ:

- Sư phụ, chúng đang đào chỗ này.

Nhật-Hồ lão nhân nói nhỏ với Thiệu-Thái, Mỹ-Linh:

- Này cô cậu. Tên Lê Ba là đứa ngu dốt nhất trong đám đệ tử của ta. Nhưng y lại xảo quyệt nhất. Ta đánh lừa để nó đào đất cứu ta. Ta ước lượng khi chúng đào gần tới, sẽ thọc xuống một cái ống, hun khói độc, đợi chúng ta mê man, rồi mới đào tiếp, đem giam chúng ta ở chỗ khác. Vì vậy, ta phải tính trước.

Lão chỉ chỗ hầm bị sụt:

- Chỗ kia tuy sụt, nhưng đất xốp, chúng ta dùng các thanh sắt này đào. Giỏi lắm ba, bốn trượng đến chỗ hầm trống. Khi tên Lê Ba xông thuốc xuống, tưởng chúng ta mê man. Y cho đào nữa, chúng ta đã đi khỏi. Vậy bây giờ chúng ta cùng đào. Hễ chúng ta xong trước, ta thắng chúng. Còn chúng ta chậm hơn, bị chúng bắt.

Nhật-Hồ lão nhân, Nguyễn Chí, Vũ Nhất-Trụ mỗi người cầm một thanh sắt, vận sức, đào đất. Mỹ-Linh, Thiệu-Thái cùng Vũ Thiếu-Nhung, Chu Vân-Nga đứng sau chuyển đất, đá. Cả sáu người công lực đều cao thâm, nên đào rất nhanh. Đào được hơn hai trượng, đất bắt đầu xốp.

Đang khi bốn người đào, tự nhiên tiếng cuốc xẻng trên trần hầm im bặt, rồi có tiếng bình bịch.

Nguyễn Chí cười:

- Tên Lê Ba thực khả ố. Quả đúng như sư phụ nói, chúng đang đóng cọc xuống, để xông thuốc mê. Mình phải đào mau.

Sáu người ra sức đào, nhưng đào thêm hai trượng nữa vẫn chưa thấy khoảng trống. Trong khi đó tiếng đóng cọc mỗi lúc một rõ.

Vũ Nhất-Trụ lắng tai nghe, rồi lắc đầu:

- Dường như chúng đóng xuống nhiều ống chứ không phải một đâu.

Bốn người lại đào được hơn trượng nữa. Bỗng trên nóc hầm có mấy giọt nước chảy xuống, rồi nước túa ào ào như thác đổ.

Nhật-Hồ lão nhân kinh hãi:

- Bọn Lê Ba không hun khói như ta tưởng. Chúng dùng cọc thông nhiều lỗ, rồi xả nước xuống, cho chúng ta chết ngộp. Phải đào cho nhanh.

Nước ào ào tuôn xuống mỗi lúc một nhiều. Phút chốc đã đến ngang lưng mọi người. Hai con cọp bị ngập nước, chúng gầm lên, dựng đứng thân mình , hai chân trước vin vào tường.

Nhật-Hồ nói sẽ:

- Chúng ta phải giả sặc nước.

Vũ Nhất-Trụ nói lớn:

- Lê Ba, người xả nước xuống như thế này, sư phụ chết, người hy vọng gì học được tâm pháp. Trời ơi, nước tới cổ rồi.

Lê Ba cười lớn:

- Đại sư ca ơi! Tiểu đệ nói cho đại sư ca nghe một bí mật. Khi tiểu đệ cùng với đại ca và tứ đệ sang cầu Tây-dương giáo chủ Hồng-Thiết giáo truyền tâm pháp. Giáo chủ biết đại ca bài ngoại, tứ đệ làm gian tế cho triều Tống, vì vậy người chối rằng tâm pháp đó bị thất truyền. Người âm thầm hứa với tiểu đệ làm sao trừ được đại ca với tứ đệ, người sẽ truyền tâm pháp cho. Tiểu đệ tìm mãi không ra dịp. Hôm nay nhân tứ đệ đi với bọn Tống. Đệ vờ đau liệt dường, trao chìa khóa cho đại ca thăm sư phụ, rồi chôn đại ca cùng sư phụ một thể. May thực, đại ca hành sự đúng như đệ ước đoán. Thôi đại ca ơi, tiểu đệ sẽ đổ thêm nước cho sư phụ, đại ca, cùng ngũ đệ sớm về với tổ tiên Hồng-thiết giáo.

Đến đó nước lại ào ào tuôn xuống.

Bẩy người dùng hết sức bình sinh đào đất, đào được hơn trượng nữa, thì nước đã tới ngang cổ. Nước dâng cao, tuy nguy hiểm, nhưng làm cho đất phía trước mềm ra, đào mau hơn.

Nhất-Trụ tính toán rồi nói:

- Chỉ còn hơn trượng nữa tới chỗ ngã tư hầm. Chúng ta đào mau, chậm trễ, Lê Ba làm sụt hết hầm vô phương thoát nạn.

Y nói tới đó, bị sặc nước. Trong căn hầm nhỏ, bẩy người với hai con hổ chỉ còn chút ít không khí thở. Hai con hổ ngộp thở, chúng rống lên những tiếng kinh khủng.

Mỹ-Linh, Thiệu-Thái phải qui tức, để khỏi bị ngộp. Trong lúc choáng váng, đầu óc Mỹ-Linh loé lên một tia sáng: Hôm ở trong hầm đá Cửu-chân, nàng đọc trong bộ Lĩnh-Nam vũ kinh, đoạn nói về Giao-long công của công chúa Gia-hưng Trần Quốc, dậy người ta qui tức, có thể lặn dưới nước hàng giờ. Nàng nhẩm ôn lại, vận khí thử, thấy trong người khoan khoái vô cùng. Nàng ghé tai Thiệu-Thái nói nhỏ:

- Anh hít một hơi đầy, dẫn khí về trung đơn điền. Sau đó toả ra khắp chu thân, rồi ngưng thở, dẫn khí đi rất chậm theo vòng Đại-chu-thiên.

Thiệu-Thái làm theo, quả nhiên bao nhiêu cái ngộp, khó chịu biến mất.

Ba thầy trò Nhật-Hồ, cùng với Vũ Thiếu-Nhung, Chu Vân-Nga đã bắt đầu ngộp thở. Hai con cọp lăn lộn trong giòng nước một cách tuyệt vọng.

Một khắc sau, nước ngập kín hầm. Thầy trò Nhật-Hồ tuyệt vọng buông các thanh sắt, không đào nữa, ngồi im qui tức.

Chỉ Thiệu-Thái, Mỹ-Linh vẫn vô sự.

Nguyên thời Lĩnh-Nam, công chúa Gia-Hưng Trần Quốc lĩnh ấn đại đô đốc, thống lĩnh thủy binh, đã sáng chế ra Giao-long công. Người luyện Giao-long công có thể lặn dưới nước hàng giờ đồng hồ. Vì vậy đạo Giao-long binh của Lĩnh-Nam làm mưa làm gió trong trận Độ-khẩu, Xuyên-khẩu, Động-đình, Nam-hải và Lãng-bạc. Mỹ-Linh học thuộc tâm pháp này trong hầm đá, không ngờ lúc nguy cấp, nàng đem ra áp dụng, lại có kết quả.

Mỹ-Linh, Thiệu-Thái thấy thầy trò Nhật-Hồ ngộp thở. Hai người cầm thanh sắt đào tiếp. Đào được hơn trượng nữa, khi Thiệu-Thái thọc thanh sắt vào đất, bỗng thấy nhẹ hỗng. Chàng tỉnh ngộ nghĩ thầm:

- Đã đào tới chỗ hầm trống rồi.

Chàng cầm thanh sắt quay ít vòng rồi rút ra. Nước theo lỗ hổng tuôn đi. Mỹ-Linh, Thiệu-Thái chọc thêm mươi lỗ, nước từ từ hạ xuống. Phút chốc chỉ còn ngang gối. Hai người đào thêm một lát nữa, lỗ hổng lọt một người chui ra. Không khí ào vào. Hai người hít một hơi, thở phào ra.

Mỹ-Linh bắt mạch Vũ Thiếu-Nhung, Chu Vân-Nga thấy hai người ngất xỉu, chứ chưa chết. Nàng xem đến thầy trò Nhật-Hồ cũng không hơn. Hai con cọp thì chết từ hồi nào. Nàng bảo Thiệu-Thái:

- Chúng ta đem thầy trò Nhật-Hồ rời khỏi đây tức khắc.

Trên trần tiếng xẻng cuốc im lặng. Nước vẫn từ trên nóc hầm túa xuống. Biết bọn Lê Ba tiếp tục đổ nước, Thiệu-Thái bàn:

- Chúng ta giả ngộp nước, nằm đây, chờ bọn Lê Ba đào tới, ta chỗi dậy giết chết chúng cho bõ ghét.

Mỹ-Linh lắc đầu:

- Giáo chúng Nhật-Hồ toàn một bọn xảo trá, chúng ta đem xảo trá đấu với chúng thì thua tiệt. Chi bằng chúng ta tránh chúng đi là hơn. Phàm khi đổ nước, chúng cố đổ cho đầy. Chúng thừa biết rằng nước đầy ắt phía trên ứ lại. Nếu ta để nước tháo đi như thế này, chúng nghi. Chi bằng ta lấp hố cho mau, khi nước đầy hầm, trên mới ứ được.

Hai người khuân đá, đất lấp hầm. Khoảng hầm sụt dài tới hơn hai trượng, nên khi lấp lại, nước không tràn ra nữa.

Mỹ-Linh cắp Nhật-Hồ, Thiếu-Nhung, Chu Vân-Nga. Thiệu-Thái cắp Nhất-Trụ, Nguyễn Chí chui ra khỏi chỗ bị đất sụt. Tới ngã tư hầm, có ngọn đèn sáng, Mỹ-Linh nhìn theo ngọn đèn phía trước mà đi.

Vừa lúc đó, một tiếng ầm vang lên, gió quạt vào mặt hai người. Mỹ-Linh kinh hoảng nhìn lại phía sau, cả quãng hầm nàng vừa đi qua, bị làm cho sập rồi.

Nàng hô lớn:

- Chạy mau.

Qua hai khúc quẹo nữa, đường hầm cụt, có bậc thang leo lên.

Thiệu-Thái nói nhỏ:

- Phía trên này có thể là nhà bọn Lê Ba, phải cẩn thận.

Chàng khẽ đẩy, cánh cửa từ từ mở ra. Chàng leo lên. Thì ra lại một căn hầm nữa, tối om. Chàng lần mò, sờ soạng xung quanh hầm, không có lối thông, hay cửa. Chàng sờ lên trên đầu, không khó nhọc, chàng tìm ra cánh cửa thép.

Chàng đẩy mạnh, cửa mở ra. Ánh sáng lùa vào, làm chàng lóa mắt. Chàng chui ra khỏi hầm. Mỹ-Linh nhảy theo. Dụi mắt nhìn xung quanh, thấy mình đang ở trong căn phòng khá lớn. Cửa hầm chính là cái sập gụ lớn, chạm trổ rất công phu. Cạnh sập một cái tủ cánh, bằng gỗ trắc, dường như để quần áo. Ngoài ra không có gì khác.

Mỹ-Linh vận khí để tay vào huyệt Trung-uyển Vũ Thiếu-Nhung. Bà ọc lên một tiếng, mửa nước ra. Đồ chừng bà mửa hết nước rồi, nàng để tay vào huyệt Đản-trung, dồn chân khí sang. Bà hắt hơi một cái mở mắt, ngơ ngác nhìn quanh. Bà òa lên khóc.

Mỹ-Linh nói nhỏ:

- Nín đi, bá mẫu được cứu sống rồi. Đây vẫn còn ở hiểm địa, chớ có lên tiếng.

Mỹ-Linh lại vận khí chữa chu Chu Vân-Nga.

Thiệu-Thái định vận công cứu thầy trò Nhật-Hồ. Mỹ-Linh cản lại:

- Thầy trò bọn Hồng-quỉ này độc công cực kỳ thâm hậu, chúng mới bị ngộp đây. Để hơn giờ nữa, chúng chưa chết đâu. Cứu tỉnh chúng lại e nguy vô cùng.

Mỹ-Linh mở cửa phòng ngủ, trước phòng, một vườn hoa chia làm bốn khu, trồng toàn một thứ hoa quế. Bốn khu bốn mầu, đỏ, vàng, trắng và hồng nhạt.

Ký ức Mỹ-Linh thấy khu vườn khá quen thuộc. Dường như nàng đã đến một lần rồi, nay nhất thờ nàng không nhớ ra ở đâu. Bỗng nàng à lên một tiếng: Hồi vương mẫu mới mất, nàng theo Đàm qúi phi đi Cổ-loa chơi. Quí phi dẫn nàng đến nhà quốc cữu Đàm Can. Nay Đàm Can lột mặt nạ thành Vũ Nhất-Trụ. Thì ra đây là dinh Vũ Nhất-Trụ. Nàng ngạc nhiên vô cùng, không hiểu người nhà Vũ Nhất-Trụ đi đâu vắng?

Nàng biết nhà Nhất-Trụ không xa chỗ đóng quân của đạo binh Đằng-hải làm bao. Nàng định quay vào, dặn Thiệu-Thái giữ tù nhân, còn mình đến đạo Đằng-hải, hỏi mượn xe giải chúng về Thăng-long. Chợt thấy một lão già đang cầm cái dao cắt hoa ngoài sân.

Nàng dặn sẽ Thiệu-Thái:

- Để em bắt sống lão già này, thẩm vấn tình hình Nhất-Trụ.

Vèo một cái, nàng tới bên lão, rút kiếm chí vào cổ. Dường như lão không biết võ công. Lão thấy một cô gái ướt như chuột, đầu tóc rối bù, dí kiếm vào cổ. Lão run lật bật:

- Cô nương là ai, sao lại định giết tiểu nhân?

- Người trong trang đi đâu cả?

- Thưa, quốc cữu mới vừa đây xong, không rõ người ở đâu. Còn phu nhân, với tỳ nữ, đều đi Lộc-hà lễ đền thờ Bắc-bình vương.

- Trong nhà có xe ngựa không?

- Có, một cỗ lớn, một cỗ nhỏ.

- Người dẫn ta đi, thắng cỗ lớn ra đây.

Lão già kinh sợ, dẫn Mỹ-Linh đi thắng xe, đưa đến trước phòng ngủ. Mỹ-Linh gọi Thiệu-Thái ra. Thiệu-Thái chất ba thầy trò Nhật-Hồ lão nhân lên xe, rồi bảo Thiếu-Nhung, Vân-Nga:

- Xin hai vị hãy lên xe, chúng ta phải rời nơi đây khẩn cấp.

Lão già làm vườn thấy Vũ-nhất-Trụ đầu tóc tả tơi, người ướt sũng. Lão kinh khủng, hỏi Mỹ-Linh:

- Đàm quốc cữu làm sao thế này.

Mỹ-Linh đáp:

- Quốc cữu bị gian nhân ám hại, chúng ta đưa người đi cấp cứu. Bây giờ mi đánh xe cho chúng ta về Thăng-long gấp. Ta nhắc lại, nếu người có hành vi gì khác, ta giết người liền. Người tên gì?

- Tiểu nhân là Trịnh Đức.

- Được, đi mau lên.

Trịnh Đức buông mành che kín xe, rồi ra roi cho hai ngựa chạy. Một lát thành Thăng-long hiện ra phía trước. Trịnh Đức hỏi:

- Thưa cô nương vào cửa nào?

- Người cho xe chạy vào cửa Đan-phượng

Mặt lão già Đức hơi biến đổi đôi chút. Lão cho xe chạy qua cửa Quảng-phúc, rồi tới Đại-hưng, tới cửa Đan-phương hiện ra trước mắt. Đến gần cửa Đan-phượng, Mỹ-Linh ra lệnh:

- Người cho xe vào cửa, rồi quẹo sang trái.

Lão Đức kinh hãi:

- Bên trái là điện Uy-viễn, nơi Khu-mật viện đóng. Xe vào đó ắt tiểu nhân bị chặt đầu.

Mỹ-Linh quát:

- Im mồm! Tuân lệnh ngay, bằng không, ta giết liền.

Xe vào trong thành, quẹo sang trái. Phía tới điện Uy-viễn. Xe chưa tới cung, có hai dũng sĩ cầm bảo đao chặn lại. Mỹ-Linh nhận ra hai vệ sĩ của Khai-Quốc vương. Nàng mở mành ra nói:

- Anh Quế, anh Nam. Bình-Dương đây, cho xe vào mau!

Hai vệ sĩ thấy cô công chúa ngàn vàng, con gái Khai-Thiên vương, con nuôi Khai-Quốc vương, em kết nghĩa của người quản Khu-mật viện Tạ Sơn, mà đầu tóc rối bù, ngồi trong xe, với mấy người quần áo ứơt sũng. Chúng kinh hoảng, vội mở cửa phủ cho xe đi.

Nam cầm dùi đánh ba tiếng trống.

Xe vào tới sân trong phủ Uy-viễn. Tạ Sơn đã chạy ra cùng với Ngô Thuần-Trúc theo sau còn bốn người, mà nàng nhớ nhung ngày đêm: Tự-Mai, Tôn Đản, Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm. Bé Ngô Thường-kiệt cũng có mặt.

Tạ Sơn ngoắc tay ra lệnh, ba võ sĩ ra vác thầy trò Nhật-Hồ vào.

Mỹ-Linh chỉ ba người nói:

- Ba đại ma đầu của Hồng-thiết giáo. Chúng bị ngộp nước, mau cứu tỉnh. Phải cẩn thận, vì võ công chúng rất cao.

Phủ đệ của Khai-Quốc vương ở điện Giảng-vũ, ngay cạnh điện Uy-viễn. Mỹ-Linh dẫn Vũ Thiếu-Nhung, Chu Vân-Nga, Thiệu-Thái theo ngả sau về phủ Khai-Quốc. Vú Tú thấy Công-chúa, Thế-tử ướt như chuột thì kinh hoàng. Mỹ-Linh dơ tay vẫy, ý muốn nói: Đừng hỏi lôi thôi.

Nàng chỉ vào Vũ Thiếu-Nhung, Chu Vân-Nga:

- Lấy quần áo của tôi cho hai vị này thay. Dẫn hai người đi tắm.

Mỹ-Linh, Thiệu-Thái cũng đi tắm rửa. Tắm, thay y phục, trang điểm xong, nàng xuống phòng ăn. Vú Tú đã dọn cơm lên sẵn.

Bà nói:

- Công-chúa có tin mừng.

Mỹ-Linh hỏi:

- Tin gì đấy vú? Thím hai khỏi bệnh thì tôi biết rồi.

- Có người mà Công-chúa đêm nhớ, ngày mong đã về đây.

- Ai thế vú? Sư phụ ư? Chú hai ư ? Hay chị Bảo-Hòa chăng?

Trong tâm Mỹ-Linh chỉ có sư phụ, lúc nào cũng cười tươi như Bố-Đại hoà thượng, mà lòng nàng tưởng nhớ ngày đêm, sau đó đến Khai-Quốc vương. Ông chú đầy uy quyền, bận rộn tối mắt, nhưng luôn dành cho nàng tình yêu vô bờ bến. Chú nàng vừa là bố, vừa là mẹ. Gần đây thêm Bảo-Hòa, niềm an ủi lớn cho nàng.

Vú Tú cười, mở cửa, một thiếu phụ, một thiếu nữ chạy vào với hai con chó. Mỹ-Linh mừng quá đứng dậy ôm lấy thiếu phụ:

- Vú Hậu! Ninh!

Quả thực nàng cũng thương vú Hậu như thương mẹ. Xa bà đã mấy tháng nay, nàng đinh ninh bà ở Trường-yên. Không biết nay sao cũng về Thăng-long, lại dẫn thên cô em sữa Ninh cùng hai con chó. Nàng ôm chầm lấy vú Hậu, ấp đầu vào ngực vú. Nàng cảm thấy một mùi thơm quen quen từ người vú Hậu, mà từ lâu, nàng ngẫm ra chỉ vú hậu mới có cho nàng. Cả hai cùng rơm rớm nước mắt. Nàng nói:

- Con thương vú vô cùng.

Hai hàng nước mắt vú Hậu chảy dài trên má:

- Tiểu tỳ nhớ Công-chúa quá, nên cùng con Ninh về đây đã hai ngày, mong Công-chúa mãi.

Mỹ-Linh mời vú Hậu, cùng Ninh ngồi. Nàng vuốt ve hai con chó thân yêu, rồi nói:

- Vú và em Ninh ăn cơm chung với con nghe!

Thời bấy giờ, tôi tớ nhà bình dân cũng không được ngồi ăn cùng chủ. Huống hồ Mỹ-Linh là Công-chúa. Nhưng Mỹ-Linh, ở với Khai-Quốc vương. Vương cho phép bất cứ tôi tớ, tỳ nữ nào, mà chủ nhân mời, đều được ngồi ăn chung. Vú Hậu, Mỹ-Linh cùng ngồi ăn.

Vũ Thiếu-Nhung nước mắt dàn dụa nói với Mỹ-Linh:

- Cô nương, ra cô nương là Công-chúa đấy. Tiểu nhân thực vô phép. Tiểu nhân nghĩ mình tội lỗi quá nhiều. Mong rằng Công-chúa rộng dung cho tiểu nhân đến khi gặp lại Hồng-Sơn đại phu. Sau khi nói với người mấy câu, rồi tiểu nhân tự xử, chứ không giám để ô uế đến lưỡi gươm của quan nha.

Mỹ-Linh vẫy tay:

- Bá mẫu cùng tiểu nữ vừa chung nhau một hoạn nạn, đừng nói đến cái gì khác hơn việc ta lấy lòng đãi nhau. Ăn xong chúng ta mau thẩm cung bọn Nhật-Hồ. Còn nhiều người bị chúng giam cầm, cần cứu ra.

Từ lúc được cứu tỉnh, Chu Vân-Nga không nói một câu. Bây giờ nàng mới lên tiếng:

- Công-chúa. Ngay khi gặp Công-chúa trong hầm, tôi đã nhận ra Công-chúa. Nhưng Công-chúa không nhận ra tôi. Công-chúa có biết tôi là ai không, mà lại cho tôi ăn cùng mâm. Biết đâu tôi phạm trọng tội thì sao?

Mỹ-Linh gắp nhát cá trê rán dòn, chấm vào bát nước mắm gừng, bỏ cho Chu Vân-Nga:

- Tôi không cần biết lý lịch chị. Dù chị là quân giặc cướp, chị có tội với luật nước. Dù chị giết người, chị bị kết án tử hình. Đối với tôi, chị ở hoàn cảnh đáng thương, đáng xót. Nhan sắc chị thuộc loại hiếm có trên đời, mà bị giam dưới hầm sâu, làm kẻ hầu cho Nguyễn Chí, thực còn gì đau khổ hơn nữa?. Tôi cứu chị ra, mời chị ăn bữa cơm, rồi bấy giờ chị là ai, có tội hay không sẽ bàn sau. Ăn cơm đi chị.

Vân-Nga cảm động òa lên khóc.

Luân-lý, luật pháp người Việt ngay từ thời vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng đều coi đức tính trinh-tĩnh của phụ nữ cực kỳ quan trọng. Khi cha mẹ hứa hôn rồi, coi như đã có chồng. Chồng chết phải ở vậy suốt đời dù chưa cưới.

Còn những phụ nữ lấy chồng, có mai mối, sau khi lấy chồng chỉ biết có chồng. Lỡ ra bị cưỡng hiếp, phải tự tử để bảo toàn danh tiết. Đến khi vua Ngô Quyền dựng lại chính thống, tạm dùng lại luật Lĩnh-Nam. Trải qua loạn Thập-nhị sứ quân, đất nước ở trong một thời kỳ cực kỳ rối loạn, cho nên khi thống nhất giang sơn, vua ban hành luật nghiêm khắc. Phụ nữ thất tiết, bị xử tử hình, không có trường hợp giảm khinh. Vua Lê Đạo-Hành lên ngôi, chưa kịp ban hành luật, vẫn giữ luật cũ.

Khi vua Lý Thái-Tổ lên ngôi, bấy giờ Nho-giáo đã có chỗ đứng vững trong xã hội. Luật triều Lý đặt cơ sở trên nhân trị của Nho-giáo, thêm một phần ảnh hưởng của Phật-giáo, khép người phụ nữ vào một khuôn khổ luân lý rất khắt khe.

Chỉ cần người phụ nữ để người đàn ông khác nắm lấy tay, ôm trong tay, hoặc trông thấy bộ phận kín của mình coi như phạm tội bất trinh. Còn để người khác phạm vào thân thể liệt vào tội ô danh thất tiết. Cả hai tội đều đưa đến hình phạt. Nặng nhất bắt đến trước con voi, để nó dùng chân đạp lên người. Đó là tội voi dầy. Thứ đến cho cột chân tay vào bốn con ngựa, rồi đánh cho ngựa chạy ra bốn phía, cơ thể bị xé làm bốn mảnh. Đó là tội ngựa xé.

Nhẹ hơn nữa, bị xử giảo, tức thắt cổ cho đến chết, hoặc chém đầu. Tất cả ba tội trên, sau khi chết, cơ thể đem ra đồng cho diều hâu, cho quạ ăn thịt. Trường hợp nhẹ nhất, chỉ bị đem ra giữa chợ đánh đòn, gọt đầu, lấy vôi bôi lên cho tóc không mọc được nữa, rồi cho xuống bè chuối, thả trôi sông.

Những hình phạt đó, phổ thông đến dân chúng. Vì vậy, cho đến nay, khi người ta nguyền rủa đàn bà, thường dùng câu Con voi dầy, ngựa xé kia hoặc Con diều tha, quạ mổ kia hoặc đồ trôi sông, đòn chợ.

Vũ Thiếu-Nhung, Chu Vân-Nga vốn gái có chồng, bị Hồng-thiết giáo bắt giam, đáng lẽ phải tự tử ngay, để bảo toàn trinh tiết. Nhưng hai người không làm thế, mà cam tâm hầu hạ, cho Nhật-Hồ, Nguyễn Chí dầy vò bao năm. Tội quá nặng, không được quyền giảm khinh. Nay họ biết Mỹ-Linh là Công-chúa, chắc chắn đã khinh khiến, kinh tởm, khi biết họ phạm tội. Vì vậy cả hai mới thốt ra lời bi thương. Không ngờ Mỹ-Linh lại lảng ra truyện khác, dùng lời nói êm dịu phủ dụ họ.

Đúng ra, Mỹ-Linh thẩm vấn hai người đàn bà này trước, rồi giải qua quan tiết độ sứ Thăng-long xử tội, mà nàng cố tình lờ đi. Hơn nữa còn cho ngồi ăn chung.

Mỹ-Linh đâu phải không biết tội trạng hai người? Khi nàng được thầy dạy văn giảng về nhân trị, nàng tâm niệm, nếu có dịp, nàng sẽ thử đem đạo đức cảm hoá. Trước đây, khi gặp Đỗ Lệ-Thanh, mụ phạm tội làm gian tế cho Tống, không cần xét xử, đem ra xử lăng trì, tức xẻo từng miếng thịt. Hoặc ít ra, Mỹ-Linh cật vấn chi tiết về những tội trạng của mụ. Nhưng nàng lờ đi, vì vậy Đỗ cảm động, nguyện theo hầu nàng với Thiệu-Thái cả đời. Bây giờ nàng lại áp dụng với Thiếu-Nhung, Vân-Nga. Quả nhiên hữu hiệu.

Vũ Thiếu-Nhung nhắm mắt hồi tưởng lại thời thơ ấu...

Quan Tiết-độ sứ tổng trấn kinh thành Trường-yên, Vũ Hoàng-Quân, nguyên xuất thân làm một võ tướng, có chiến công trong trận đánh Chi-lăng với Tống, được vua Lê Đại-Hành tín cẩn. Vũ tiết độ sứ vốn là đệ tử phái Sài-sơn, sư thúc của Nam-quốc vương Lê Long-Mang. Vì vậy Nam-Quốc vương thường tới dinh Tiết độ sứ chơi, để học hỏi thêm võ công. Vũ tiết độ sứ chỉ có một con gái duy nhất tên Vũ Thiếu-Nhung. Trời cho tấm nhan dắc diễm lệ, lại giỏi nghề đàn ca. Trong khi Nam-quốc vương ra vào dinh Vũ tiết độ sứ, ông được quen với Thiếu-Nhung.

Trai tài, gái sắc gặp nhau, họ cảm nhau ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Tin này đồn ra ngoài, vua Lê Đại-Hành sai sứ đến hỏi Thiếu-Nhung, phong làm vương phi Nam-Quốc. Không ngờ trong lễ tấn phong, anh của Nam-Quốc vương là Lê-long-Đĩnh nhìn thấy. Y mê chết lên chết xuống, nhưng chỉ ngậm bồ hòn, chờ dịp.

Niên hiệu Ứng-thiên thứ mười hai, đời vua Lê Đại-Hành, nhằm năm Kỷ-tỵ (1005). Khai-Minh vương Lê Long-Đĩnh giết anh, lên làm vua, rồi sai tướng đem quân vào Thanh-hóa bắt Nam-Quốc vương Lê Long-Mang. Mục đích của Long-Đĩnh không phải diệt trừ em, mà bắt Vũ Thiếu-Nhung. Nam-Quốc vương là người bác học đa năng nhất trong các hoàng tử con vua Lê. Nếu Vương mốn làm vua, sĩ dân thiên hạ, không ai mà không vui mừng. Thấy anh gây điều bạo nghịch, Vương đã chán nản thế sự. Đúng lúc ấy, được tin quân Tống chuẩn bị sang đánh.

Nếu Vương chống cự với anh, tất thắng, rồi nhân đó lên làm vua, hẳn dễ như trở bàn tay. Nhưng Vương sợ rằng giữa lúc hai bên đại chiến, hoặc sau khi một bên thắng, một bên bại, tinh lực kiệt quệ, quân Tống tràn sang, e cái nạn mất nước khó tránh. Vương bèn niêm phong kho lẫm, đêm treo ấn, lẳng lặng dẫn Thiếu-Nhung bỏ đi cùng gia bộc thân tín, khai đất, lập ra Vạn-thảo sơn trang. Vương dấu tên, dấu họ, chỉ dùng danh xưng Hồng-Sơn đại phu.

Tuy vậy, ngoài gia bộc ra, chỉ có sư phụ đại phu, cùng những người vào vai sư thúc, sư bá biết rõ chân tướng Vương. Vương yêu thương Thiếu-Nhung rất mực. Hai người có với nhau người con gái đầu lòng tên Thiếu-Mai, người con trai thứ nhì tên Lê Văn, rồi tai vạ xẩy đến... Nàng bị người ta phóng độc chưởng.

Đến đây nàng khóc òa lên, không dám nghĩ tiếp nữa.

Vân-Nga cũng òa lên khóc theo, nàng nói với Mỹ-Linh:

- Công chúa! Nếu tôi không phạm tội, tôi là người trên Công-chúa.

Mỹ-Linh kinh ngạc:

- Khi mới gặp, nhìn bóng dáng chị quen quá. Tôi không nhớ rõ đã gặp ở đâu.

- Tôi là thứ phi của Đông-Chinh vương.

Mỹ-Linh, Thiệu-Thái kinh hoàng nhớ lại truyện cũ. Năm năm trước đây, Thuận-Thiên hoàng đế tuyển con gái Tiết-độ-sứ Chu Toàn-Minh tên Chu Vân-Nga cho Đông-Chinh vương làm cung phi. Lập-Nguyên hoàng hậu có ý định để nàng sống trong cung ít lâu, rồi sẽ phong làm Vương-phi. Được một năm, Chu Vân-Nga bị mất tích, trong lần về thăm nhà ở vùng Mê-linh. Đông-Chinh vương ra sức tìm tòi, đều vô hiệu. Hai năm sau, truyện đó chìm vào dĩ vãng. Không ngờ bây giờ Mỹ-Linh tìm ra nàng ở trong đường hầm tại Cổ-loa.

Mỹ-Linh nghĩ thầm:

- Chu Vân-Nga tội nặng khó tha thứ. Bà ta được tuyển làm cung phi cho chú nàng là Đông-Chinh vương, thân thể cao quí biết dường nào. Đúng ra nàng ở vai thím mình. Mình với Thiệu-Thái trông thấy phải quì gối hành đại lễ. Không biết sự thực về vụ này ra sao. Mình cứ để Khu-mật-viện làm việc.

Nàng á lên một tiếng:

- Thì ra thím. Thảo nào lúc mới vào hầm, cháu thấy gương mặt thím quen quen. Việc này lớn quá, cháu không có thẩm quyền giải quyết, để ông nội định đoạt. Thôi chúng ta ăn cơm đã.

Cơm xong, Mỹ-Linh dẫn Thiệu-Thái, Thiếu-Nhung, Vân-Nga sang Khu-mật viện. Nàng thuật sơ lược tất cả những gì thấy ở nhà Hoàng Văn cùng các biến chuyển một lượt.

Ta Sơn nói:

- Công-chúa thực may mắn, tìm ra tất cả âm mưu của bọn Tống. Nhưng cho đến giờ phút này, sư huynh cũng không biết chủ trương của bọn Hồng-thiết giáo ra sao. Sư huynh đã cho cứu tỉnh, gông ba thầy trò Nhật-Hồ rồi.

Mỹ-Linh nhớ ra điều gì:

- Còn gã Trịnh Đức, sư huynh giam gã ở đâu?

Tạ Sơn nói sẽ vào tai nàng:

- Y vốn người của Khu-mật-viện, cho vào ẩn ở trong phủ Đàm Can. Sư huynh thưởng bạc, truyền trở lại nhà y. Còn bọn Nhật-Hồ chờ lát nữa ta hỏi cung. Có điều không bao giờ sư huynh ngờ quản gia của phủ Khai-Thiên lại là Hoàng Văn, tên ma đầu đứng hạng ba của Nhật-Hồ lão nhân. Rồi nữa Đàm Can lại chính thị Vũ Nhất-Trụ. Vụ này thực không nhỏ.

Thấy vắng bóng Bảo-Hòa đâu, Thiệu-Thái hỏi:

- Bảo-Hoà đâu?

- Các đệ tử Tây-vu tề tựu dự anh hùng đại hội đóng ở ngoài thành, vì vậy Quận-chúa cũng phải về chầu hầu vua Bà. Vua Bà có chỉ dụ, nếu Thế-tử về, đến chầu hầu ngay.

Thiệu-Thái là con chí hiếu, nghe chỉ dụ của mẹ, chàng vội đứng lên nói với Mỹ-Linh:

- Anh phải đi chầu mẹ ngay. Ngày đại hội, chúng ta sẽ gặp nhau.

Chàng lấy ngựa lên đường.

Tạ Sơn đứng lên kiểm điểm:

- Thuận-Thiên cửu hùng, còn thiếu Vương-gia, Thanh-Mai, Thanh-Nguyên nữa là đủ. Nào chúng ta thẩm vấn bọn Nhật-Hồ.

Mọi người vào phòng thẩm vấn. Tạ Sơn bảo Mỹ-Linh:

- Công-chúa hiểu rõ nội tình bọn chúng. Xin công chúa thẩm vấn thì hơn. Giữa Công-chúa với sư huynh, có tình sư huynh, sư đệ cái gì cũng xong hết. Ngặt vì tên Trương Yên làm quản gia phủ Khai-Thiên. Tên Vũ Nhất-Trụ vai Quốc-cữu. Chức vụ Điện-tiền chỉ huy sứ, quản Khu-mật-viện của sư huynh không đủ uy quyền hỏi cung chúng.

Tự-Mai không chịu:

- Sư huynh, em nghĩ khi anh hỏi cung, anh là đại diện của luật pháp, đại diện của Đại-Việt hoàng đế. Ai phạm tội, anh cũng có quyền chấp pháp chứ?

Lâu ngày không gặp cậu sư đệ bác học, thông minh, Mỹ-Linh nắm lấy tay Tự-Mai, liếc ánh mắt sáng như sao, rồi nở nụ cười:

- Bộ Quốc-triều hình thư có dự trù khoản gọi là Bát nghị, nên anh hai khó lòng hỏi cung y.

Tự-Mai, Thuận-Tông, Thiện-Lãm, Tôn Đản nhao nhao lên:

- Bát nghị là kí gì vậy?

Mỹ-Linh thư thả kể:

- Từ khi ông nội chị lên làm vua, người ban hành mấy bộ luật tạm thời. Trong đó có bộ Quốc triều hình thư. Trong Hình-thư dự trù trường hợp giảm khinh, gọi là Bát nghị. Bát nghị đã có trong bộ luật thời Lĩnh-Nam, do công chúa Phùng Vĩnh-Hoa sọan. Nay bộ Hình-thư chỉ chép lại mà thôi.

Tự-Mai gật gật đầu:

- Em nghe bố nói một lần, nhưng không rõ cho lắm. Bát nghị nội dung ra sao?

- Bát nghị bao gồm tám trường hợp được giảm khinh. Những người ở trong trường hợp sau đây, khi phạm tội, sẽ được giảm khinh:

Một, nghị thân, tức trường hợp thân thuộc trực hệ của Hoàng-đế.

Hai, nghị cố, tức những người bạn hữu của hoàng đế.

Ba, nghị hiền. Tức những người nổi tiếng đạo đức, trong nước.

Bốn, nghị năng. Tức những người tài ba.

Năm, nghị công. Tức những người có huân công với xã tắc.

Sáu, nghị quý. Tức những quan lớn. Võ từ cấp phó tiết độ sứ. Văn từ cấp thái bảo.

Bẩy, nghị cần. Tức những người nổi tiếng làm việc xiêng năng.

Tám, nghị bảo. Tức những người giầu có, được đem tiền chuộc tội.

Nàng nhấn mạnh:

- Vũ Nhất-Trụ được phong quốc cữu. Y liệt vào hàng Nghị thân. Vì vậy nhị sư huynh không có quyền thẩm cung y. Đúng ra, thân phụ của chị tước Khai-Thiên vương, chị là Quận-chúa ngang vai với Nhất-Trụ. Chị cũng không được hỏi cung y nốt. Nhưng chị được phong Công-chúa, nên cao hơn y một bậc. Chị hiểu rõ vị thế của sư huynh. Dù làm quan lớn đến đâu cũng không thể so sánh với bọn ngoại thích. Chị thấy tên Vũ Nhất-Trụ sinh ra Đàm quí phi, người đang được ông nội sủng ái. Bây giờ ngoài chị ra, chỉ có chú hai mới đủ tư cách thẩm cung y.

Mỹ-Linh quyết định phải ngồi chấp cung y:

- Nhật-Hồ vốn sảo trá khôn cùng. Tiểu muội không đủ kinh nghiệm thẩm cung chúng. Sư huynh hỏi cung đi. Tiểu muội góp ý với sư huynh.

Thị vệ dẫn Nhật-Hồ lão nhân vào. Mỹ-Linh nhỏ nhẹ:

- Lão tiên sinh, người ta sinh ra thọ được bẩy mươi tuổi là hiếm lắm. Nay tiên sinh đã tới trăm tuổi, mà Khu-mật-viện gông lão tiên sinh như thế này thực không phải. Sở dĩ thị vệ không giám để tiên sinh thư thả vì võ công tiên sinh quá cao thâm, nên họ phải làm vậy. Việc này thực bất đắc dĩ. Mong lão tiên sinh lượng thứ.

Nhật-Hồ lão nhân bị giam hai chục năm, mọi biến chuyển, lão không biết gì. Lão hỏi:

- Đây thuộc phủ nào? Cô nương cứu ta hai lần, nên dù cô nương giết ta, ta cũng không buồn. Huống hồ cô nương gông ta. Cô nương là ai?

Mỹ-Linh ra lệnh cho thị vệ:

- Các người mau tháo gông cho lão tiên sinh!

Nhật-Hồ cười ha hả. Tiếng cười của lão làm mọi người ù tai, chóng mặt. Lão quát lên một tiếng vung tay mạnh. Hai cái tay gông gẫy rời. Lão bóp mạnh vào cái gông cổ, gông cũng gẫy nốt. Lão nói:

- Lão phu tưởng cô nương gông lão phu, lão phu chịu. Chứ còn người khác, gông lão phu sao được!

Lão đến cạnh Vũ Thiếu-Nhung, ngồi bên bà. Bất chấp công đường đông người, lão cầm tay bà đầy vẻ trìu mến như một cặp tình nhân trẻ.

Mỹ-Linh thấy Thiếu-Nhung không phản đối, nàng nhăn mặt, tỏ vẻ bực mình. Tuy vậy, nàng vẫn truyền rót nước trà mời lão uống. Trong lòng nàng nổi lên cơn bão táp:

- Như thế Thiếu-Nhung công khai nhận có tình ý với lão, chứ bà đâu có bị ép buộc? Thực bí mật, thực huyền bí. Mình phải điều tra cho ra manh mối mới được.

Tạ Sơn chỉ Mỹ-Linh:

- Thưa giáo chủ. Công chúa Bình-Dương cứu giáo chủ ra. Người muốn giáo chủ trả lời mấy câu. Hiện giáo chủ đang ngồi trong Khu-mật viện Đại-Việt.

- Thì ra cô nương là Công-chúa của Lê triều đấy.

Mỹ-Linh lắc đầu:

- Lê triều hết số từ mười tám năm rồi. Đương kim thiên tử là Thuận-Thiên hoàng-đế, ông nội tiểu nữ.

Thấy Nhật-Hồ ngơ ngơ ngác ngác. Tạ Sơn tóm tắt tình hình hai mươi năm qua cho lão nghe qua. Chàng tiếp:

- Còn Hồng-thiết giáo của tiên sinh công bố rằng tiên sinh qua đời từ hai chục năm trước. Họ xây lăng cho tiên sinh lớn lắm. Mõi ngày có hàng mấy trăm giáo đồ đến lễ tiên sinh đấy. Lê Ba cho phổ biến một di chúc của tiên sinh.

Mặt Nhật-Hồ tái đi:

- Láo thực, tôi có viết di chúc bao giờ đâu?

Tạ Sơn hỏi:

- Bị tù bấy nhiêu năm. Bây giờ được tự do, tiên sinh định làm gì?

Nhật-Hồ thở dài:

- Việc đầu tiên lão phu phải giết chết bọn phản thầy, rồi sau đó chính đốn lại Hồng-thiết giáo.

Có tiếng Khai-Quốc vương dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai Tạ Sơn, Mỹ-Linh:

- Hãy tìm cách phóng thích khéo lão này, để tự tay lão giết hết bọn ma đầu. Mình khỏi cần ra tay.

Tạ Sơn biết Khai-Quốc vương ngồi ở phòng bên cạnh nghe chấp cung. Chàng yên lòng tiếp:

- Người ta nói tiên sinh có mười đại đệ tử, Vậy họ là ai?

- Lão phu nhất tâm cứu nước, nên thu dụng, huấn luyện nhiều đệ tử. Nhưng trong đó có mười tên khá nhất. Lão phu căn cứ vào ai nhập môn trước làm sư huynh. Ai nhập môn sau làm sư đệ. Chứ không căm cứ trên tuổi tác, bản lĩnh. Đại đệ tử của lão phu tên Vũ Nhất-Trụ, tức Đàm Can như các vị biết. Y đã được bị bắt cùng lão phu. Về võ công y cao thâm nhất.

- Thế tiên sinh giao cho Nhất-Trụ nhiệm vụ gì?

- Y tiềm ẩn ở Hoa-lư, bám sát triều đình. Sau này triều đình thiên đô về Thăng-long, y cũng về theo.

Mỹ-Linh muốn biết tin Vương mẫu, nàng hỏi:

- Có phải y tiềm ẩn, khống chế các quan trong triều đình không?

- Đúng thế!

Lão uống một hớp nước trà, rồi nói:

- Đệ nhị đệ tử tên Đặng Trường. Y tiềm ẩn trong phái Đông-a. Mục đích ăn cắp di thư của phái này. Nhưng võ công phái Đông-a chép bằng thuật ngữ đặc biệt. Tuy y ăn cắp được, nhưng rút cuộc vẫn như không. Trong các đệ tử của lão phu, Đặng Trường tên ác độc nhất. Nghe nói dường như y bị bại lộ, bị bắt thì phải. Hà, công lực của y đâu phai tầm thường, không biết ai mà có bản lĩnh bắt sống y?

Tự-Mai cười:

- Lão tiên sinh bị tù lâu quá thành ra không biết gì về sự tiến hoá của võ học Đại-Việt. Đặng-Trường mưu giết tại hạ, nhưng không thành, y đấu võ với sư thúc tại hạ, bị người bắt sống.

Nói rồi Tự-Mai thuật chi tiết diễn biến vụ Đặng Trường cho Nhật-Hồ nghe. Nhật-Hồ lão nhân nói với Tự-Mai:

- Trần công tử. Công tử có thể diễn lại một vài chiêu võ công của Đặng Trường không? Ta không tin y bị bắt dễ dàng như vậy.

Tự-Mai bảo Mỹ-Linh:

- Chị Mỹ-Linh. Em làm sư thúc Trần Kiệt, chị làm Đặng Trường, chúng ta thử diễn lại một vài chiêu cho lão tiền bối thấy.

Mỹ-Linh diễn lại những chiêu võ công của Đặng Trường. Còn Tự-Mai diễn lại những chiêu của Trần Kiệt. Cho đến chiêu cuối cùng, Đặng Trường ngã lăn ra, miệng ri rỉ chảy máu.

Nhật-Hồ lão nhân cười:

- Thiên-trường ngũ kiệt bị Đặng Trường lừa rồi. Nếu y dùng võ công Hồng-thiết giáo, không dễ gì Trần Kiệt thắng nổi. Vì vậy y dùng võ công Đông-a. Võ công Đông-a của y là võ công học lóm, sao bằng bản lĩnh chân thực?

Tự-Mai kinh ngạc:

- Tại sao y không dùng võ công chân thực, để đến nỗi bị bắt?

Nhật-Hồ vuốt râu lắc đầu:

- Các vị đây chưa ai hiểu Hồng-thiết giáo cả!

Mỹ-Linh bật lên tiếng ái chà:

- Tôi hiểu rồi. Đặng Trường biết rằng tung tích bị lộ. Nếu y dùng bản lĩnh chân thực đấu với sư thúc Trần Kiệt, ắt sư thúc phải dùng hết mười thành công lực. Dù y có thắng, ắt Thiên-trường ngũ kiệt cũng tìm cách bắt y. Bấy giờ, y khó tránh khỏi cái chết. Chi bằng giả thua, để bị bắt. Khi giải giao cho quan nha, y sẽ được đưa về Thăng-long. Trong thời gian đó, y tìm cách vượt ngục, hoặc thông tin cho đồng bọn cứu ra.

- Đúng thế!

Tạ Sơn kéo mọi người trở về thực tại:

- Còn đệ tử thứ ba của tiên sinh tên gì. Hiện y ở đâu?

- Y có tên là Lê Ba. Xuất thân làm thợ rèn. Y được lão phu thu làm đệ tử, cho quản trị giáo chúng vùng Thanh-hóa. Y ẩn thân trong phái Sài-sơn, theo dõi Hồng-Sơn đại phu từ lâu. Mục đích ăn cắp di thư Sài-sơn tên Thiên vương mật dụ. Sau cùng khống chế phái này, hầu nắm quyền chưởng môn.

Vũ Thiếu-Nhung nói với Nhật-Hồ:

- Anh lầm mất rồi? Trong Vạn-thảo sơn trang, không có ai tên Lê Ba cả. Em đâu có bị Lê Ba bắt giam? Em bị sư thúc Dương Ẩn bắt đấy chứ?

Bà suýt bị chết ngộp, mới tỉnh nên đầu óc còn mơ hồ. Khi ở trong hàm đá, bà đã được biết Lê Ba chính là Dương Ẩn rồi, nhưng bây giờ bà quên mất.

Bà nói với lão bằng giọng tha thiết như với người yêu.

Trong lòng Thiếu-Nhung nổi lên một cơn bão tố. Suốt bốn năm qua, bà được giam chung với Nhật-Hồ. Một mặt bà phải phục thị lão như nữ tỳ. Một mặt bà ăn ở với lão như tình nhân. Hàng ngày lão hút nước tiểu, hàng tháng hút kinh huyết của bà để luyện công. Thế nhưng, những bí ẩn xung quanh bà, lão không hề hở môi. Hôm nay lão mới khai ra. Thế mà trong những năm chung sống, bà cứ tưởng lão thương yêu, sủng ái bà. Nào ngờ lão dùng bà như một thứ thuốc mà thôi, không tình, không nghĩa gì cả.

Nhật-Hồ lão nhân nhìn Vũ Thiếu-Nhung, lão vuốt râu cười:

- Y ẩn vào hang rồng mà dùng tên thực sao được? Y dùng tên giả. Y leo lên tới điạ vị khá cao trong phái Sài-sơn, cao hơn cả Hồng-Sơn đại phu. Trong môn phái, y đóng vai đạo đức, không tranh dành với ai. Nên ai cũng nể y.

Vũ Thiếu-Nhung bật lên tiếng la lớn:

- Không lẽ sư thúc Dương Ẩn?

- Đúng thế.

Đạo sư Dương Ẩn nổi danh đạo cao, đức trọng trong võ lâm. Ông thuộc vai sư thúc Hồng-Sơn đại phu. Quanh năm ông đóng cửa luyện võ, học thuốc cùng các học thuật khác. Ông ta không bao giờ tranh chấp với ai. Đối với đệ tử lớn, nhỏ, ông luôn tỏ vẻ từ ái, nói năng ngọt ngào. Chính Hồng-Sơn đại phu cũng kính nể ông ta bằng một thái độ đặc biệt.

Vũ-thiếu-Nhung lắc đầu không tin:

- Khó hiểu quá.

Nhật-Hồ hừ một tiếng:

- Có gì mà không hiểu. Khi sư phụ Hồng-Sơn qua đời, có hai người tranh chức chưởng môn với Lê Long-Mang. Nhưng Mang được Ẩn trợ giúp, nên thắng hai người kia. Sau khi Long-Mang lên nhậm chức, có lần Ẩn xin được coi cuốn sổ Thiên-vương mật dụ. Nào ngờ Long-Mang tuy nhớ ơn Ẩn, nhưng vẫn không thỏa mãn ước vọng của y. Bởi luật lệ phái Sài-sơn, cuốn sổ đó, chỉ chưởng môn mới được coi mà thôi.

Lão ngừng lại nhìn Thiếu-Nhung:

- Cho đến một đêm kia, y nhập mật thất định ăn cắp cuốn sổ đó. Em trông thấy tri hô lên. Y đánh em một chưởng nhẹ vào lưng. Lập tức em đau đớn như xé da, xé thịt. Bấy giờ tiếng la của em làm đệ tử trong phái đến đông bao vây. Y vội bỏ trốn. Từ đấy mỗi ngày em lên cơn một lần, đau đớn kể sao cho siết. Đến đêm thứ ba, Hồng-Sơn về. Y dùng hết khả năng y học cũng không trị được bệnh cho em. Một lần Hồng-sơn đi vắng, có người bịt mặt đến gặp em. Y xưng là người của Hồng-thiết giáo. Y cho biết em bị trúng Chu-sa Nhật-Hồ ngũ độc chưởng. Nếu em chỉ cho y chỗ cất sổ Thiên-vương mật dụ, y sẽ cho em thuốc giải. Em cương quyết từ chối, vì vậy đau đớn đúng bốn mươi chín ngày, rồi lúc ngất đi. Hồng-Sơn đại phu tưởng em chết, cho liệm vào áo quan. Đêm hôm đó, Lê Ba lén cậy nắp áo quan, đem em ra, thay vào đó bằng con chó bị giết chết, rồi đóng nắp quan tài như cũ.

Tạ Sơn quay lại hỏi Thiếu-Nhung:

- Phu nhân! Xin phu nhân cho biết sau đó sự thể ra sao?

Thiếu-Nhung e thẹn, không muốn nói, nhưng bà biết sự thể không khai không được. Vì người chấp cung bà là chưởng quản Khu-mật-viện, đại diện Đại-Việt hoàng đế. Bà nghĩ thầm:

- Đằng nào ta cũng ô danh, thất tiết rồi. Ta không còn mặt mũi nào về Vạn-thảo nhìn đệ tử nữa. Ta nói thực hết, hầu triều đình tru diệt bọn Hồng-thiết giáo.

Nghĩ vậy, bà ngửng mặt lên nhìn Mỹ-Linh:

- Khi tôi đau đớn quá, người mệt lả, thiếp đi. Trong lúc mê mê tỉnh tỉnh, tôi thấy con, đệ tử xúm xít bên cạnh khóc lóc. Sau đó đại phu trở về. Đại phu bắt mạch tôi, lắc đầu nói gì, tôi không nghe rõ. Rồi tôi bị khâm liệm, bỏ vào quan tài. Biết mình sắp bị chôn sống, tôi muốn gào thét lên mà mở miệng không ra. Tôi mê đi, khi tỉnh lại,thấy mình đang nằm trên dường. Cạnh dường, một thiếu phụ. Tôi hỏi thiếu phụ, tại sao tôi ở đây, thiếu phụ không trả lời.

Nhật-Hồ vuốt chòm râu bạc:

- Thế sau đó mấy ngày em bình phục?

- Năm ngày sau.

Mỹ-Linh không muốn cho Thiếu-Nhung phải khai đoạn bị cưỡng dâm trước mặt mọi người. Nàng hỏi Nhật-Hồ:

- Tiên sinh! Đệ tử thứ tư của tiên sinh tên Hoàng Văn. Đệ tử thứ năm tên Nguyễn Chí. Phải chăng đệ tử thứ sáu tên Đỗ Xích-Thập? Thứ mười tên Hoàng Liên?

Nhật-Hồ kinh ngạc:

- Công-chúa, công-chúa biết cả rồi ư?

Tạ-Sơn mỉm cười:

- Chúng tôi đang muốn thỉnh tiên sinh về đệ tử thứ bẩy, tám, chín. Từ trước đến giờ Hồng-thiết giáo của tiên sinh hành sự thường bí mật, ít ai biết rõ.

Nhật-Hồ hỏi ngược lại:

- Lão phu có bắt buộc phải khai không? Nếu bắt buộc, hẳn lão phu đóng vai bị cáo. Lão phu bị cáo tội gì? Xưa nay có ba loại người dù phạm tội nào cũng được tha. Một, sau bẩy mươi tuổi. Hai, sau khi phạm tội mười năm. Ba, không biết mà phạm. Nay lão phu ở trong cả ba trường hợp. Lão phu xin từ chối trả lời.

Đến đó có tiếng nói vọng vào:

- Tiên sinh nói hay không tùy tiên sinh. So về tuổi tác, tiên sinh đã ở ngoài cái tuổi chịu hình. Bộ Hình-thư có trường hợp giảm khinh cho những người tuổi trên bẩy mươi. Nay tiên sinh đến tuổi một trăm, tội lỗi gì cũng không thể đem xử. Huống hồ tiên sinh bị giam đã hai mươi năm. Dù có phạm tội, là phạm tội với triều Lê. Chứ bấy giờ bản triều chưa lập.

Mỹ-Linh nhận được tiếng Khai-Quốc vương, nàng đứng dậy ra đón vương. Vương từ ngoài vào cùng với Nùng-Sơn tử, Huệ-Sinh. Thấy Huệ-Sinh, lòng Mỹ-Linh ấm lại:

- Sư phụ. Sư phụ tâm vẫn thường an lạc chứ?

Huệ-Sinh cười chúm chím:

- Sư phụ an, có an, mà lạc thì không. Bởi bỗng nhiên cô đệ tử Mỹ-Linh mất tích. Nào ngờ trong cái mất tích lại xuống ngục A-tỳ cứu mẫu thân như ngài Mục-Kiều-Liên.

Khai-Quốc vương ôm đầu Mỹ-Linh vào ngực mình, tay bẹo má nàng:

- Con gái chú giỏi quá.

Nhật-Hồ lão nhân bị giam lâu ngày, lão không biết Khai-Quốc vương. Nhưng thấy tất cả mọi người đứng dậy hành lễ với Vương, lão biết Vương có địa vị không nhỏ. Lão cũng chắp tay xá một xá.

Tạ Sơn, Mỹ-Linh trình bày mọi chi tiết với Huệ-Sinh, Khai-Quốc vương. Vương nói:

- Sư huynh biết truyện này quan trọng, vội về đây giải quyết.

Vương quay lại chỉ vào Huệ-Sinh, Mỹ-Linh ,nói với Nhật-Hồ lão nhân:

- Lão tiên sinh! Tại hạ Lý Long-Bồ, đệ tử phái Tiêu-sơn. Vị này pháp danh Huệ-Sinh, sư phụ của tại hạ. Còn Mỹ-Linh là cháu gọi tại hạ bằng chú.

Vương trịnh trọng đưa ra tấm danh thiếp:

- Sắp tới ngày giỗ Bắc-bình vương Đào Kỳ, tiểu bối kính mời tiên sinh đến dự. Trước lễ ngài, sau chúng ta cùng bàn việc cứu nước. Bây giờ tiên sinh cần gặp chư đệ tử, xin tiên sinh cứ tự tiện.

Vương bảo viên thị vệ hầu cận:

- Người thay ta, chọn một con ngựa tốt tặng tiên sinh.

Vương móc trong bọc ba nén vàng:

- Lão tiên sinh từ trong ngục ra, tiền không có, quần áo rách hết rồi. Xin tiên sinh cầm ít bạc vụn để tiêu vặt.

Nhật-Hồ cười, tay lão vuốt râu:

- Đa tạ Vương-gia.

Lão nói với Mỹ-Linh:

- Đa tạ Công-chúa cứu lão. Lão nguyện báo đáp. Về những điều Công-chúa thẩm vấn, xin Công chúa cho lão phu nghỉ ngơi mấy ngày đã. Sau đó lão phu mới có thể nói được. Lão phu bị giam hai mươi năm nay, bây giờ mới thấy ánh sáng mặt trời.

Lão chỉ Vũ Thiếu-Nhung:

- Đối với Hồng-Sơn, coi như nàng đã chết. Lão phu cứu sống nàng. Nàng với lão phu thành vợ chồng trải hơn bốn năm, xin Công-chúa đừng bắt lão phu xa nàng.

Mỹ-Linh lắc đầu:

- Tiểu nữ cần hỏi phu nhân đây ít câu đã. Sau đó sẽ trả lời tiên sinh.

Mỹ-Linh bảo một thị vệ:

- Người đưa lão tiên sinh ra ngoài.

Nhật-Hồ theo thị vệ ra ngoài.

Tạ Sơn xướng:

- Gọi Vũ Nhất-Trụ vào.

Thị vệ áp giải Vũ Nhất-Trụ tới. Y chỉ mặt Tạ Sơn:

- Tên họ Tạ kia. Mi lấy tư cách gì mà gông cổ ta như thế này? Cái chức Điện tiền chỉ huy sứ của mi so với ta chỉ bằng hạt vừng, hạt đậu. Mi hỗn láo với ta, phạm tội đại bất kính, toàn gia sẽ bị phanh thây.

Tạ Sơn chỉ vào Mỹ-Linh:

- Đàm quốc cữu. Tiểu tướng ở chức vị Điện tiền chỉ huy sứ, dĩ nhiên không đủ tư cách thẩm cung một vị Thái-phó, Đô nguyên soái, kiêm quốc cữu. Nhưng vị này, e thừa tư cách.

Vũ Nhất-Trụ nhìn Mỹ-Linh, y nhận ra nàng cùng Thiệu-Thái đã qua lại mấy chiêu trong hầm Cổ-loa. Y hỏi:

- Y thị là ai?

- Là Công-chúa Bình-Dương.

Vũ Nhất-Trụ nhăn mặt:

- Công chúa Bình-Dương? Ta nghe con gái của Khai-Thiên vương tên Mỹ-Linh được phong Công-chúa Bình-Dương. Thị chỉ biết đọc sách, có đâu võ công cao như cô nương này.

Vũ Nhất-Trụ chợt nhận ra khuôn mặt Mỹ-Linh hơi giống Khai-Thiên vương. Y hỏi:

- Công-chúa điện hạ. Lão thần hiện giữ chức Đô nguyên soái, đóng vai Quốc cữu. Cháu ngoại của lão thần là em của Khai-Thiên vương, còn cao hơn công chúa một vai. Như vậy lão thần cao hơn Công-chúa đến ba bậc. Công-chúa gông đại thần như thế này đây? Theo luật bản triều, lão thần được hưởng Bát nghị. Ai được hưởng Bát nghị, không thể bị gông.

Mỹ-Linh nghĩ đến Vương mẫu, nàng muốn biết ngay hiện tình ra sao, nên lời nói có vẻ khắt khe. Nghe Vũ Nhất-Trụ than, nàng trở về với bản tính hiền hậu, nhỏ nhẹ:

- Đàm quốc cữu. Dường như khi soạn bộ Hình-thư, Quốc-cữu cũng dự thì phải. Bộ hình thư dự trù khoản Bát-nghị, đúng ra Quốc cữu được hưởng giảm khinh. Nhưng có ba tội không được giảm khinh là tạo phản, tư thông với ngoại quốc và đại nghịch bất đạo. Quốc-cữu thân làm đại thần, võ tới Đô nguyên soái, văn tới Thái phó. Con gái làm Quí phi. Con trai làm Tuyên-vũ-sứ. Toàn gia được hưởng hoàng ân. Thế mà Quốc-cữu lại qui phục bọn Hồng-thiết giáo. Hơn nữa Quốc-cữu bắt giam Vương-phi của Thái-tử. Quốc cữu phạm cả ba tội đại nghịch, còn khoan hồng ở chỗ nào được nữa?

Vũ Nhất-Trụ thở dài:

- Lão phu đã từng làm việc ở Khu-mật-viện. Theo luật bản triều chỉ có quan Thái úy mới được quyền thẩm cung lão phu.

Mỹ-Linh chỉ Khai-Quốc vương:

- Quốc cữu hãy quay lại sau, xem ai đây?

Vũ Nhất-Trụ quay lại, thấy Khai-Quốc vương, y không còn hồn vía nào nữa. Y biết với vị Vương gia này, y không thể qua mặt được. Y thở dài, cúi mặt xuống.

Mỹ-Linh nghĩ đến Vương-mẫu không biết sống chết ra sao, nàng hết lịch sự được nữa:

- Trong hầm người đã nói với ta rằng người giam Vương-mẫu ta cùng phu nhân Thiên-trường đại hiệp. Vậy người giam ở đâu phải khai ra?

- Nếu lão phu không khai thì sao?

Tự-Mai quát lên:

- Ta có cách!

Vũ Nhất-Trụ thấy Tự-Mai tuổi còn nhỏ, bất quá mười lăm, mười sáu. Y khinh thường cười lên hô hố.

Tự-Mai vọt người tới, tay nó điểm vào huyệt Bách-hội, Đại-trùy của Nhất-Trụ. Nhất-Trụ né mình tránh, nhưng y bị gông chân, tay, nên không thoát khỏi bàn tay Tự-Mai. Người y rung động một cái, rồi bật lên tiếng kêu ái. Y cảm thấy khắp người như bị hàng ngàn mũi kim đâm vào da thịt, đau đớn không bút nào tả xiết. Nhưng tính quật cường, y nghiến răng chịu đau.

Nguyên lúc Thiệu-Thái ở trong hang đá với Bố-đại hoà thượng. Chàng thấy ông chĩa ngón tay chỏ dồn chân khí vào huyệt Bách-hội, Đại-trùy của Mỹ-Linh, khiến nàng khỏi đau đớn. Sau khi rời hang đá, chàng hỏi ngài tại sao điểm tay hai cái mà hết đau đớn. Ngài dạy:

"Trong người con nhí nhiễm Chu-sa độc chưởng. Chu-sa độc chưởng phát xuất từ Hồng-thiết công, là thứ công lực ma quái. Muốn trừ ma công, phải dùng Thiền-công nhà Phật. Ta điểm ngón tay, dồn Thiền-công vào hai huyệt trên, bao nhiêu ma khí quanh huyệt bị hoá giải, cho nên khỏi bị đau”.

Hồi nãy Thiệu-Thái rời Khu-mật-viện đi chầu thân mẫu. Tạ Sơn hỏi chàng phương pháp khống chế Nhất-Trụ. Thiệu-Thái ghé tai Tự-Mai dặn: Chỉ cần vận khí điểm vào huyệt Đại-trùy, Bách-hội, phân tán chân khí của y, lập tức y bị đau đớn. Quả nhiên bây giờ Nhất-Trụ giở quẻ. Tự-Mai đem ra áp dụng hữu hiệu.
Chương trước Chương tiếp
Loading...