Thủy Tiên Đã Cưỡi Cá Chép Vàng Đi
Chương 16
Trước tiên, Quỳnh làm cho mình gầy bớt. Trong những ngày tháng dài qua, Quỳnh đã cam chịu cơ thể béo hì của mình. Cô cho rằng đó là chuyện của số phận. Quan điểm tiêu cực đó là vì bà nội. Bà thường nói những sự viêc được quy định bởi dòng máu thì không thể thay đổi được, những căn bệnh cố hữu, những khiếm khuyết cơ thể dường như đều là sự trừng phạt của Thượng Đế dành cho gia đình này, và họ chỉ có thể cam chịu. Chẳng hạn như sự phát phì của bà, của cha. Vì thế Quỳnh cũng là một con bé béo phì. Giống như một bài toán suy luận logic mà kết quả "Quỳnh béo phì" là hiển nhiên. Có lẽ cô vốn cũng nghi ngờ điều đó, nhưng rồi bà nội và cha lần lượt chết vì bệnh tim. Đó quả là một minh chứng thuyết phục. Chú Dật Hán cũng bảo mẹ của Trác chết vì bệnh tim, và Trác cũng bị bệnh tim. Đủ thây sự di truyền thật đáng sợ. Thế nhưng, một tình yêu ngoan cố đã khiến cô dám chấp nhận thử thách. Cô buộc phải thay đổi, cho dù những gen di truyền kia đã thâm căn cố đế trong người cô. Quỳnh nhớ lần cân trọng lượng trước đây là kiểm tra sức khoẻ khi tốt nghiệp cấp hai. Bọn con gái đứng xếp hàng, từng đứa một bước lên cân, đó là những việc bắt buộc. Cô xếp sau cùng, cố ý đứng cách xa người phía trước một đoạn. Chờ đến khi mọi người đã cân xong hết, cô mới lẳng lặng bước tới, khe khẽ đứng lên cân. Tiềm thức dường như mách cô bước khẽ sẽ làm trọng lượng nhẹ đi. Hai chân cô như phát run, nhưng rồi vẫn là con số khiến cô phát hoảng. Bất chấp cô muốn trốn chạy và giấu diếm thế nào, con số kỷ lục vẫn được đọc lên, bọn con gái đều quay đầu lại nhìn. Chúng nó quan sát cô từng bộ phận một với ánh mắt chăm chú. Đầu, cổ, cánh tay, người, chân..v.v... Trời ạ, sao mà nặng thế! Nhất định trong lòng chúng nó đã kêu lên đầy kinh ngạc. Có vẻ giống như cô là một kẻ có lệnh truy nã đã bị phơi mặt trước đám đông. Hai tay Quỳnh cầm phiếu kiểm tra sức khoẻ, chầm chậm bước xuống khỏi cân. Trên tờ giấy mỏng, nét chữ màu xanh kia đã ghi rõ mồn một trọng lượng của mình, nó đã trở thành một bộ phận trong hồ sơ của cô, không thể xoá bỏ. Quỳnh cảm thấy mọi người vẫn đang chăm chú nhìn cô, vẫn chú ý đến từng bộ phận trên người cô, bởi vì chúng trông thật nực cười. Quỳnh chẳng có cách gì tốt hơn để giải quyết vấn đề này, ngoài việc nhịn đói. Cô bắt đầu nhịn ăn. Buổi sáng uống một cốc sữa, bữa trưa và tối chỉ ăn trái cây. Cô tự nhủ, buộc phải giã biệt trứng, bánh ngọt và sôcôla, cho dù Lục Dật Hán đưa Quỳnh tiền đủ để mua chúng, vì sợ cô không thèm ăn, bỗng chợt có những hành động bất lợi trước các bạn. Quỳnh đói kinh khủng, lúc nào cũng đói. Lúc học bài còn được, hễ nằm xuống là cảm thấy trong người đang không ngớt kêu gào. Đứa trẻ đói khát ám trong người Quỳnh không ngớt gào khóc, bứt gan cấu ruột khiến cô nằm ngồi không yên. Khi đêm về, cơn đói làm cô không ngủ được. Hai mắt thao láo, đầu óc chìm vào những hoài niệm về căn nhà số 3 phố Đào Lý có chú Dật Hán và Trác. Cơn thèm ăn như sóng biển từng cơn từng cơn dội vào người cô. Lại có tiếng gọi, không biết là quan tâm hay lừa phỉnh đang hỏi cô: có đói bụng không Quỳnh? Đói không? Đó là tiếng của bà nội. Bà giơ tay vuốt má Quỳnh, khuôn mặt túa ra đầy mồ hôi, tiếng nói đó chỉ hỏi đi hỏi lại: Quỳnh, có đói bụng không? Quỳnh gật đầu lia lịa, hai hàng nước mắt trào ra. Quỳnh nhảy từ trên giường xuống, lao ra khỏi cửa. Ngoài cửa là hành lang sàn lát gỗ, có ngọn đèn không tắt, lờ mờ như ngái ngủ. Cô muốn chạy, nhưng biết chạy đi đâu? Cô đứng sững giữa hành lang, lơ mơ không hiểu mình đang ở đâu. Lâu sau, cô mới nhớ ra, đây không phải ở phố Đào Lý, không có nhà bếp để cô chạy xuống, không có cái tủ lạnh đầy thức ăn nào đang chờ cô cả. Ở đây không có ai thương cô, không có Trác, lặng lẽ đắp chăn cho cô. Quỳnh từ từ ngồi xuống, hai tay che lấy dạ dày. Nó đã bắt đầu trả đũa cô sau những ngày bị ngược đãi tàn khốc. Quỳnh quỳ trên đất, không ngừng vã mồ hôi, đói quá. Nhưng không phải là cơn đói bình thường, đó là sự tuyệt vọng vì cô đơn. Cô nhận thấy đồ ăn có liên quan đến mọi thứ trong cô. Khi ở phố Đào Lý, mặc dù cô đã từng tuyệt vọng vì chính bệnh ăn cuồng của mình, nhưng đó vẫn là những ngày có người quan tâm chăm sóc cô. Đó là những ngày sung túc và đầy đủ. Nhưng bây giờ, cái đói triệt để khiến cô cảm thấy sẽ chẳng còn ai quan tâm đến cô nữa. Quỳnh quỳ trên sàn gỗ. Mới sang tháng Chín, sàn gỗ đã lạnh băng. Từ vết nứt to có gió thổi từ dưới lên, luồn vào trong áo cô. Quỳnh cúi đầu như đứa học sinh tiểu học đang chịu trừng phạt. Cô nhớ đến năm lớp 6, đứng ở hành lang bên ngoài lớp. Cô đã cầu xin trước mặt trời, rằng mình sẽ ngoan hơn, và sẽ bay được. Bay là cảm giác thế nào cô không rõ, nhưng chắc là rất tuyệt. Bà ở trên trời nhìn thấy cô bay sẽ thích lắm. Mấy năm trôi qua rồi, cô bây giờ quỳ trên ván sàn lạnh lẽo, gió lạnh có thể thổi vào bất cứ nơi nào trên người cô. Mọi chuyện vẫn chưa có gì khá hơn cả, thậm chí còn tệ hơn. Cầu khấn có tác dụng không? Bà có nghe thấy không? Quỳnh khom người xuống, tóc rũ rượi xoã trên mặt sàn. Trước mắt chỉ còn là phần mặt sàn bị nứt toác và loang lổ. Cô không biết mình đang chờ đợi điều gì, đợi trời sáng? Quỳnh đợi cậu bé đi đôi dép bông ấm áp bước tới, cô đợi cậu ta gọi: "Chị nhỏ!". Quỳnh tựa vào bên cửa, chờ đợi cho đến khi trời sáng hẳn, cổng trường mở toang. Sáng sớm tháng Chín, trời đầy sương mù. Quỳnh chỉ một tấm áo trên người, đã ba ngày không ăn, rét lập cập. Quỳnh nắm mấy tờ tiền, chạy ra đường trước cổng trường. Đứng trước hàng ăn mới dọn ra, Quỳnh mua một bát cháo nếp. Cô húp khi nó còn nóng rẫy. Họng bỏng rát, nhưng cô vẫn mặc kệ. Cô muốn húp vào cho ấm người, nhưng vẫn cảm thấy lạnh. Cô lại mua bát nữa. Rồi cô không sao thuyết phục mình rời khỏi hàng ăn, không thể bắt mình đứng dậy để đi vào trong màn sương mù kia, để trở về với ngôi trường xa lạ. Cô lại gọi thêm một bát nữa, húp soàn soạt. Quỳnh húp hết bát này đến bát khác, cho đến khi chợt thấy có giọt nước rơi vào trong bát, hoá ra mình đang khóc. Cô thất vọng với bản thân mình. Thì ra cô không thể cầm cự quá ba ngày, để rồi lại ngồi đây buông thả cho cơn thèm ăn mặc sức hoành hành. Quỳnh loạng choạng đứng dậy, qua đường đi về trường. Cô bần thần về phòng mình. Đã quá giờ lên lớp, trong phòng không có ai. Cô co ro ngồi trong góc sau cửa, giống như mỗi buổi sáng ra của những lần cô ăn cuồng trong đêm. Quỳnh ôm đầu gối, khóc thút thít. Bỗng có một bàn tay đặt lên vai cô. Cô vụt giơ tay chụp lấy cánh tay kia, như tìm thấy sợi dây cứu mạng túm thật chặt, nghẹn ngào nói: "Trác ơi, đừng đi!". Đó là câu đầu tiên Quỳnh nói với Ưu Di. Về sau Ưu Di bảo vẫn luôn nhớ rõ thái độ của Quỳnh lúc ấy. "Giống như như một con gấu trúc Mỹ lạc đường". Ưu Di tả như vậy mà không biết Quỳnh từ nhỏ vốn chịu nhiều chế giễu đã ghét từ "gấu" đến thế nào. Về việc vì sao Ưu Di lại dễ dàng đến với Quỳnh như vậy, vì sao cô ta lại dễ dàng trở thành bạn của Quỳnh, cô không muốn tìm hiểu. Bởi vì cô ta thuộc loại người Quỳnh không hề thích. Dù sao đó cũng là cô gái hiền lành, cô đến bên Quỳnh như mang theo sứ mệnh giải thoát cho cô. Ưu Di cúi xuống, vỗ vào đôi vai co rúm của Quỳnh. Hôm đó Ưu Di mặc áo khoác màu trắng ngà. Quỳnh còn nhớ đôi mắt đen láy của cô ấy. Cô ấy như ngọn đèn phố, suốt đêm không hề tắt. Ngọn đèn truyền sang Quỳnh ánh sáng và hơi ấm không mệt mỏi. Hôm đó Ưu Di không đi học, trốn lên giường trên ăn khoai tây ròn vị cà chua, đọc truyện tranh con gái "Song tinh kì duyên". Thế rồi cô nhìn thấy Quỳnh lao vào trong phòng, mặt trắng bệch, thở hổn hển. Ưu Di vừa mới định nói, đã thấy Quỳnh chạy ra sau cánh cửa, ngồi thụp xuống rúm ro ôm lấy đầu gối và bắt đầu khóc. Ưu Di liếm ngón tay đang dính vị mặn, nhảy xuống đất, bước tới vỗ vai Quỳnh. Quỳnh không hề ngẩng đầu lên, chỉ túm chặt lấy tay Ưu Di, nói lí nhí: - Trác ơi, đừng đi!... Thế rồi Quỳnh nghe thấy một giọng nữ hết sức dịu dàng: - Trác là ai thế?
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương