Thủy Tiên Đã Cưỡi Cá Chép Vàng Đi

Chương 46



Đó là một ký ức khó quên suốt đời Quỳnh, nó kết lắng lại trong dòng sông thời gian hối hả, như những viên kim cương nho nhỏ. Khi Quỳnh đi xuyên dưới màn đêm, chúng là những ngôi sao trên bầu trời đi cùng cô trên đường.

Quỳnh nhớ xe lửa chạy như bay không ngừng trên đường từ Côn Minh đi Đại Lý.

Quỳnh nhớ những người nước ngoài trong những cửa hàng bán băng đĩa nhỏ bên đường và những cô gái bán đĩa e thẹn.

Quỳnh nhớ căn phòng nhỏ với tiếng sóng hồ Nhĩ Hải rì rào và chỗ bán cá nướng.

Quỳnh nhớ quán bar ở Tây Tạng có trà sữa và người phụ nữ bán hoa dành dành.

Quỳnh nhớ một đêm ở Lệ Giang, họ uống loại rượu thơm tên là Lệ Giang Tiểu Thiếp.

Quỳnh nhớ cảm giác say mê của âm nhạc Budha và hình ảnh đức Phật to lớn, trầm tĩnh trên đĩa.

Quỳnh nhớ họ đã mua hình nộm bằng gỗ, một đôi vợ chồng mặc trang phục dân tộc Nạp Tây.

Quỳnh nhớ Trầm Hoà mua tặng cô đôi hài cỏ đan bằng tay của bà lão người Nạp Tây, trên giày có đính đồng tiền đồng khắc hình chữ Phúc.

Quỳnh nhớ bếp lửa trong quán rượu nhỏ, họ uống rượu rồi tựa vào nhau ngủ thiếp đi.

Quỳnh nhớ quán rượu có ban nhạc, họ đã nhìn thấy những giọt nước mắt của cô khi hát bài “Ánh trăng tình em”, và người đàn ông của cô đã hát bên tai cô.

Quỳnh nhớ bảng thông báo của nhà trọ, có những mẩu thông tin tìm người đồng hành.

Quỳnh nhớ họ đã mua tấm bản đồ vẽ tay và cuốn vở làm từ giấy tái sinh trong một hiệu sách.

Quỳnh còn nhớ...

Quỳnh rất khó tưởng tượng ra, nếu thời gian đó Trầm Hoà không đưa cô đi, cô sẽ chìm sâu tới mức độ nào - thần kinh suy nhược, mắt mũi lờ đờ, suốt ngày phải dựa dẫm vào những viên thuốc trắng nhỏ.v.v...

Họ ngồi máy bay tới Côn Minh, đi tiếp tàu hoả tới Đại Lý. Trên tàu đi Đại Lý, Trầm Hoà ôm lấy Quỳnh, nhẹ nhàng nói với Quỳnh: “Đến Đại Lý, cuộc sống sẽ trở nên rất giản dị, mỗi ngày mình sẽ đều được nghe nhạc, được ngủ, được đi dạo. Mình có thể mở quán rượu hoặc quầy sách nhỏ ở đó“. Trầm Hoà vừa nghĩ vừa cười. Anh hỏi: “Em thấy mình nên mở hiệu gì?“.

Quỳnh nói: “Mở tất, ban ngày ở trong hiệu sách, buổi tối ở quán rượu“.

Trầm Hoà cười:

“Không được, em đi đến đó để tắm nắng, không được suốt ngày ở trong nhà“.

Quỳnh khi đó đang sốt, nhưng cô cảm thấy mình đã hoàn toàn tỉnh trí. Cô rất mệt, thèm ngủ. trước khi ngủ, cô nói lí nhí: “Em cảm thấy mình như một đôi vợ chồng trẻ đang bỏ trốn“.

Chuyến tàu đó chạy một ngày một đêm, dọc đường là những ga nhỏ dường như không tên. Toa tàu cũ kỹ, tối tăm, bốn bề hết sức yên tĩnh. Hai người nằm chật trên giường nằm tầng một. Nửa đêm Quỳnh tỉnh dậy, vén rèm cửa sổ. Ánh trăng ùa vào đầy khoang, phủ lên mặt Trầm Hoà. Cô nhìn thấy từng nốt ruồi, từng nếp nhăn và cả rãnh sâu ở cằm. Cả vết sẹo lõm dài chừng hai xăng ti mét bên phải khuôn mặt anh. Quỳnh thò tay vuốt nhẹ vết sẹo, ánh trăng cũng như chuyển động theo cô, dịu dàng như muốn lấp đầy vết sẹo.

Trầm Hoà ôm lấy cô, thủ thỉ rằng đó là huy chương kỷ niệm một lần đánh nhau với bạn hồi nhỏ. Anh nói, tất cả đều sẽ bình phục, vết thương lòng cũng như vết thương da thịt đều thế, và đều trở thành những tấm huy chương kỷ niệm. “Khi em được ban tặng cho một tấm huy chương, em sẽ trở nên can đảm hơn, dạn dày hơn, tự hào hơn“.

Quỳnh thở dài, chỉ vào ngực mình: “Ở đây em đã có rất nhiều huy chương kỷ niệm“.

Trầm Hoà xoa đầu cô, nói: “Vì vậy em là một Quỳnh rất cừ khôi“.

Quỳnh lại sờ lên vết sẹo của Trầm Hoà, thầm nghĩ, đúng rồi, chúng sẽ trở thành những vết sẹo lồi hoặc lõm. Cũng như trái đất không khóc lóc vì những dải núi hoặc đại dương, chúng ta cũng không cần phải khóc lóc vì những vệt lồi hoặc lõm kia.

Trầm Hoà nhìn ra ngoài cửa sổ nói với Quỳnh, “Tàu hoả rất ghê gớm, em có thấy thế không?“.

“Ghê gớm gì?” Quỳnh ngơ ngác.

Trầm Hoà không trả lời ngay, anh kéo Quỳnh ra ngồi ở hàng ghế nhỏ bên lối đi dọc toa tàu. Anh chỉ cho Quỳnh xem đường ray rồi nói: “em biết không, hồi nhỏ có thời gian anh ở nhà bà ngoại ở quê. Ở đó rất gần đường tàu, bọn anh hay ra đường tàu chơi. Em có biết cách làm đồ chơi từ mấy cái đinh sắt nhỏ và dài không?“.

Quỳnh lắc đầu. Trầm Hoà kể tiếp: “Bọn anh đặt một chiếc đinh sắt lên đường ray, rồi tránh ra xa. Khi tàu hoả hú còi chạy qua xong, bọn anh đến gần đường ray nhặt chiếc đinh đó lên. Nó đã bị cán dẹp lép mà còn sáng bóng nữa, hình một thanh bảo kiếm. Đó là thứ con trai bọn anh thích nhất. Em thấy tàu hoả có ghê gớm không“.

Quỳnh tưởng tượng ra hình thanh kiếm bé tẹo còng queo nên bật cười, gục gặc đầu: “ghê thật“.

Nhưng Trầm Hoà vẫn nói nghiêm chỉnh: “Nhưng vẫn còn một thứ ghê hơn tàu hoả nữa. Đó là thời gian. Thời gian vụt qua, mọi thứ đều trở nên bằng phẳng và trơn tru“.

“Lại là một tấm huy chương kỷ niệm!” Quỳnh tiếp lời.

“Ừ, một huy chương“.

“Nhà” của hai người ở Đại Lý là một căn phòng nhỏ trên tầng hai của một nhà khách. Trong phòng ẩm ướt, bị dột lúc mưa. Nhưng bù lại phía trước có một ban công rất lớn trồng đầy hoa. Ánh sáng trong phòng tương đối đầy đủ, hơn nữa còn có một gian bếp riêng, bếp và quạt hút gió đều bé xinh xinh như trò chơi gia đình. Quỳnh và Trầm Hoà ngày nào cũng ngủ đến gần trưa, sau đó tắm gội. Cũng chẳng cần sấy tóc, chỉ lau qua loa xong là có thể dạo bước trên con đường Hộ Quốc nổi tiếng. Hai người đều mặc quần áo giản dị bằng vải thô, rộng rãi, thoải mái. Quỳnh kẹp tóc lên, dùng nồi to vo gạo nấu cháo. Rồi cô gọi cô bé gánh trái cây bán dạo, mua một chùm khế mọng nước, dùng váy bọc lấy chúng. Họ vừa ăn vừa lắc lư nghe nhạc. Chiếc ti vi cũ 21 inches rất “xập xệ”, mỗi lần trời mưa là chẳng xem thấy gì nữa.

Trầm Hoà và Quỳnh hoà nhập với những người thanh niên ở đó rất nhanh chóng. Mọi người đều thích họ, bởi vì hai người biết nhiều, từng trải, có những câu chuyện họ chưa từng nghe, từng thấy. Hai người lại rất rộng rãi, thường lấy đồ ăn và tiền chi bọn trẻ con nhà nông. Mọi người coi họ như thành viên của cả đại gia đình, rủ họ tham gia mọi hoạt động. Quỳnh vẫn chưa khoẻ hẳn, cô rất vui vẻ đứng xem bên ngoài. Quỳnh thích xem Trầm Hoà đá bóng với bọn họ. Trời đất bao la, khiến người ta muốn hò hét cho thoả thích. Khi trời tối, mọi người lén đi hái trộm đào trong các vườn, dù ở nhà đã mua đào rồi. Chỉ vì thích thú cảm giác hồi hộp đó. Thực ra cũng chỉ hái vài trái tượng trưng mà thôi, nhưng cũng vội vàng tháo chạy như những tên đạo chích thật sự

Về sau hai người đến Lệ Giang, ngồi nghe đàn hát ở trong quán bar. Quỳnh ghi lưu niệm trên sổ của nhà quán, nhưng không cho Trầm Hoà xem. Quỳnh viết: Cảnh đẹp buổi sớm. Khi đó Quỳnh nghĩ nếu nhiều năm sau Trầm Hoà quay lại đây, đọc được điều cô viết trong này, nhất định sẽ xúc động vô cùng...

Họ phóng sinh cá vàng bên sông Lệ Giang. Trời ngả tối. Thiếu nữ mặc trang phục Nạp Tây đứng bên chiếc thùng gỗ đựng đầy cá chép vàng. Tay cô cầm ngọn nến hình hoa. Trầm Hoà đưa tiền cho cô gái, cô bèn vớt hai chú cá từ trong thùng ra, tay kia xách nến dẫn Trầm Hoà và Quỳnh đi ra bờ sông.

Hai người cúi xuống nhìn nhau mỉm cười rồi nhắm mắt cầu ước. Sau đó họ thả hai chú cá vàng rực xuống sông. Thoắt một cái, chúng đã bơi đi. Dưới ánh sáng le lói của ngọn nến, chỉ thấy hai chú cá ve vẩy chiếc đuôi vàng, bơi song song xa dần rồi mất hút.

Đêm Lệ Giang náo nhiệt lời ca điệu múa, giống như đất Giang Nam khi xưa, đâu đâu cũng rực rỡ những chiếc đèn hồng. Họ ngồi uống rượu bên dòng sông nước trôi rì rào. Ánh lửa, ánh đèn ấm áp khiến họ chìm dần vào giấc ngủ mơ màng. Trầm Hoà nói, ước gì cả đời được sống như thế này thì khoái biết mấy. Hồi đó đã sang hè, bệnh tình của Quỳnh dần dần thuyên giảm. Chẳng biết có phải thuỷ thổ đất Vân Nam thực sự có tính năng điều trị bệnh hay không. Da Quỳnh phơi nắng đen đi một chút, sức khoẻ ngày một tăng. Những lúc hái trộm đào, cô đã có thể dẫn đám con gái bỏ chạy.

Hai người đi lại giữa hai mảnh đất Đại Lý và Lệ Giang, thăm quan núi tuyết, thành cỏ... Cuộc sống của họ đơn giản đến hết mức có thể. thậm chí không đọc sách, không viết lách. Mơ màng ngủ thiếp đi bên sông Lệ Giang, vô tư vô lự, hai người đều cảm thấy cả đời được như vậy thì đẹp biết mấy. Thế nhưng, có thật sự vô tư vô lự không?

Trầm Hoà biết có lúc Quỳnh bỗng tỉnh dậy vào nửa đêm, ngồi trước bàn, Quỳnh viết lên cuốn sổ làm từ giấy tái sinh, hết trang này đến trang khác. Trầm Hoà tin mình là người hiểu Quỳnh hơn ai hết, anh hiểu viết lách là bản năng từ trong bụng mẹ của Quỳnh. Cho dù con đường có gập ghềnh trắc trở đến mấy, cho dù phải rời xa con đường đó bao lâu, cuối cùng cô cũng sẽ trở lại với nó. Tùng Vy là vậy, và Quỳnh cũng thế. Anh biết Quỳnh hoàn toàn tự nguyện sống những ngày “ẩn dật”, nhưng trong lòng cô vẫn có nuối tiếc. Có lẽ trong đêm tỉnh dậy, nghĩ về con đường sáng tác vừa mới mở ra, những vinh dự và thành quả vừa mới gặt hái... cô sẽ thấy nhớ những độc giả ưa thích cô... Nhưng cô chỉ có thể viết trong những đêm tỉnh giấc như thế, cô sợ Trầm Hoà biết được tâm sự của mình.

Cuộc sống như vậy đối với Quỳnh, lẽ nào không phải là một sự ức chế?! Người con gái đã đi qua một tuổi thơ đầy ức chế, rồi lại một tuổi thiếu nữ đầy ức chế, vì sao cô lại phải tiếp tục chịu đựng cuộc sống trong một thời gian ức chế kéo dài có thể đến tận cuối cuộc đời? Có lẽ Quỳnh được sinh ra là một con người độc lập. Chẳng lẽ biến cô thành một người vợ nhỏ, sống dựa dẫm vào anh chính là lý do mà anh yêu cô? Trầm Hoà cảm thấy cuộc đời thay đổi vô định, hợp tan đều không thể biết trước. Nhưng anh đã từng nói sẽ đi cùng cô suốt con đường, với tát cả sự cố gắng của mình. Đã vậy, có khác gì khi ở những chỗ khác nhau về địa lý! Hơn nữa, Trầm Hoà biết Quỳnh giờ đây đã kiên cường hơn trước rất nhiều. Hơn nữa, còn có Tùng Vy... Vậy anh đã có thể rời xa cô lúc này không? - cô ấy đã tìm đến với anh, anh là niềm hy vọng sau cùng của cô gái đáng thương này.

Quỳnh biết Trầm Hoà đã hy sinh rất nhiều cho cô. Anh đã bỏ cả gia đình, người thân, bỏ cả Tùng Vy để mang cô tới đây, chăm sóc cô từ những điều nhỏ nhặt nhất, bên cô như hình với bóng, giục cô đi tắm nắng. Phải, cô luôn tràn trề ánh nắng, nhưng tình yêu kiểu này không khỏi quá ỷ lại. Quỳnh không nghĩ được nếu một ngày Trầm Hoà ra đi khỏi cuộc đời cô, cô sẽ tiếp tục cuộc sống như thế nào. Trầm Hoà suốt ngày phải gánh gánh nặng là cô, vì cô mà tách mình ra khỏi thế giới, liệu anh có cam lòng chăng? Có thể cam lòng mãi mãi không? Tùng Vy tâm thần hoảng loạn, không nơi nương tựa, vẫn đang mong anh về chăm nom. Giữa họ là mười năm quan hệ, làm sao nói dứt là dứt luôn ra được. Còn cô - cô không muốn tự lừa dối mình, cô rất rất muốn được tiếp tục sáng tác. Đó là con thuyền đến với cô trong giấc mơ, cô vĩnh viễn không biết hết được trên đó có bao nhiêu điều kỳ diệu, chỉ có bước lên đó, cùng nó đi đến những miền đất còn chưa khám phá...

Mùa hè kết thúc, hai con người đầy tâm sự đi cùng nhau dưới nắng. Thành cổ buổi sáng có mưa cầu vồng. Đã khá muộn nhưng cửa hàng hai bên phố vẫn chưa thèm mở cửa. Quỳnh và Trầm Hoà đứng giữa lòng con đường nhỏ, một đầu kéo đến tận hồ Nhĩ Hải, đầu kia trải tới tận núi Đại Thương. Họ nhìn nhau bình thản, cả thành cổ yên ắng, chỉ thoang thoảng tiếng nhạc “bóng hoa Ấn Độ” vọng tới từ hiệu bán băng đĩa vẫn còn đóng cửa.

Trầm Hoà mỉm cười với Quỳnh: “Mình về thôi“.

“Vâng“. Quỳnh trả lời.

“Anh biết sáng tác mang lại cho em một niềm vui rất lớn. Hơn nữa đó vốn là tài sản thuộc về em. Anh không muốn em vì phải đánh mất chúng mà trở nên u buồn lặng lẽ“. Trầm Hoà nói vậy.

“Em cũng thế. Em không muốn là một kẻ chạy trốn“. Quỳnh trả lời.

“Ư, Quỳnh có nhiều huy chương kỷ niệm như thế, thật là đáng nể, sao lại phải làm kẻ chạy trốn!“. Trầm Hoà khẳng định.

“Nhưng, em hơi sợ...” Quỳnh bỗng nói.

“Sợ gì?”

“Em sợ chúng ta lại bị cuốn vào bao nhiêu thị phi rắc rối. Em sẽ mất anh... nếu mất anh thì em biết làm sao?”

“Không đâu. Anh sẽ đi cùng em mãi mãi, bằng tất cả sự cố gắng“.

“Nhưng nếu anh không thể cố nữa thì sao?”

“... Thực ra, không có gì phải sợ cả. Em còn nhớ anh đã nói, thoắt một cái thời gian bao trùm lên tất cả, mọi thứ đều sẽ trở nên bằng phẳng, trơn tru“.
Chương trước Chương tiếp
Loading...