Tiệc Báo Thù

Chương 37



Ngày 20 tháng Năm, khoảng 16 giờ 45 phút, tại ngõ Phủ Tùng - Dư Trinh Lý.

“Ông già ấy đã nói những gì, khiến Đới Hướng Dương bị kích thích xông vào liều mạng với ông ta?” Ba Du Sinh hỏi.

Na Lan nói, “Em cảm thấy không phải Đới Hướng Dương bị kích thích vì mấy câu nói, mà cả chuỗi sự việc xảy ra hôm ấy, cộng thêm những bí mật trong lòng ông ta, cùng sức ép từ ông già đã khiến Đới Hướng Dương có phản ứng bất thường. Tất nhiên em chưa từng chứng kiến ông ta hàng ngày ra sao, nhưng qua đánh giá của Lương Tiểu Đồng và Đới Quyên, thì Đới Hướng Dương vốn dĩ là người có năng lực kiềm chế. Ông già ấy nói năng lộn xộn, tinh thần kích động mạnh, nhưng mọi người đại khái vẫn hiểu được: trước kia tập đoàn Hâm Viễn khai thác vonfram ở quê ông ta, thu mua đất đai rừng núi khiến họ hết cách kiếm sống, rồi các bên thỏa thuận dân địa phương được làm công nhân để duy trì sinh hoạt. Những năm gần đây việc khai thác mỏ sa sút, dân địa phương mất việc, rừng núi ruộng nương ô nhiễm không thể làm ăn gì được nữa, họ khiếu nại với tập đoàn và chính quyền địa phương nhưng không ăn thua, bế tắc. Ông già này bèn chọn giải pháp cực đoan: buộc Đới Hướng Dương phải ký tên điểm chỉ chi ra 5 triệu tệ để cứu tế cho hơn 20 hộ dân địa phương, nếu không, ông ta sẽ liều mạng để cả hai cùng chết luôn! Ông già còn nói mình đã tưới dầu khắp nhà bếp, tưới cả cầu thang nữa, chỉ cần mồi lửa ở đây thì nhà bếp cũng cháy luôn…”

Ba Du Sinh hỏi, “Đới Hướng Dương phản ứng ra sao?”

“Lúc ông già bắt đầu kể lể thì Đới Hướng Dương không nói gì, thậm chí có vẻ không nghe thấy gì hết. Về chi tiết này, em cho rằng các bút lục đều nói đúng: hình như Đới Hướng Dương đã ‘quên mình’, không còn thiết gì nữa. Con người ta khi ở trạng thái ấy thường có hai khả năng: thứ nhất, sẽ thực sự không cần, bất chấp tất cả, thứ hai là tuyệt vọng, không muốn bận tâm đến điều gì nữa. Cho nên, khi Đới Hướng Dương lao vào vật lộn với ông già thì em cũng có cảm giác ông ta tìm đến cái chết. Lúc đó ông ta luôn miệng kêu lên ‘tôi không có tiền, không có tiền, chỉ có tính mạng thôi… các người cứ việc lấy đi’.”

Ba Du Sinh im lặng rất lâu.

“Tôi không thể hiểu điều này: khi hỏi các con tin, họ đều nhất loạt gán bọc thuốc nổ ấy cho tên cướp, việc này có ý nghĩa gì? Tại sao lại không nói thật rằng có một ông già lạ mặt chạy lên liều chết với Đới Hướng Dương?”

“Điều này thì em chịu. Đang bị hôn mê, nên không tham gia vào việc bịa chuyện.” Na Lan đã lờ mờ đoán ra nguyên nhân nhưng chưa muốn nói thẳng, trước khi các sự việc được đối chiếu làm rõ. “Em còn không biết ai đã kết nối ở phòng cấp cứu viện 6 để thống nhất lời khai.” Về điểm này cô đã đoán ra phần nào, và tin rằng Ba Du Sinh cũng vậy.

“Theo bác sĩ Trương Lỗi, trong thời gian cô bị hôn mê, đã từng có người cải trang làm sĩ quan cảnh sát vào hỏi han bệnh tình của cô, cô có biết là ai không?”

Na Lan lắc đầu, “Chịu, không biết ai đã diễn cái trò đó.”

Lát sau, Ba Du Sinh nói, “Cảm ơn cô, ít ra cô cũng đã cho tôi biết quá trình xảy ra vụ án.” Nói là cảm ơn nhưng giọng anh rất khô khan hờ hững.

Na Lan không nói thêm gì nữa, cô định nhắc Ba Du Sinh điều tra sâu về tình hình kinh doanh và tài chính của Đới Hướng Dương, nhưng cô biết Ba Du Sinh sẽ nhanh chóng nhận ra và tiến hành việc này.

“Cô còn định nói gì nữa với tôi không?” Ba Du Sinh nhìn vào mắt Na Lan như muốn đọc được nội tâm cô.

“Em không mất trí nhớ.” Na Lan cười, nhưng biết Ba Du Sinh sẽ hiểu không phải cô đang pha trò. “Anh sẽ hiểu rằng em buộc phải làm thế.”

“Chỉ vì cô và mọi người cùng thống nhất để bịa chuyện, nên cô ngại không nói thẳng cho tôi biết, không dám đối diện với hậu quả về pháp luật, lẽ nào là như thế?”

Na Lan hơi giận, “Em có đến nỗi hèn như vậy không? Em cho rằng anh thừa hiểu về em.”

“Rõ ràng là còn nhiều điều cô chưa cho tôi biết.” Ba Du Sinh thẳng thắn nói luôn.

“Trinh sát hình sự và kỹ thuật viên hình sự của các anh đã phân tích thế nào về hỏa hoạn ở trong bếp?” Na Lan hỏi.

“Cô đã biết à?”

Na Lan lắc đầu, “Em đương nhiên không biết… hình như lúc em nhảy xuống dưới sân thì nhà bếp vẫn chưa cháy. Sau đó em ngất đi không biết gì nữa.”

“Nhưng cô đã suy đoán… và tạm thời chưa chịu nói ra?” Ba Du Sinh biết, trong vụ án này, “ngập ngừng do dự” là chiêu thức của Na Lan.

“Có lẽ em phải đọc báo cáo khám nghiệm hiện trường đã.”

Ba Du Sinh nói, “Kết luận một cách đơn giản là ‘ngờ rằng bị phóng hỏa’. Trên mặt sàn nhoe nhoét dầu ăn, chứng tỏ có ý đồ ấy nhưng cụ thể phóng hỏa ra sao thì rất khó nói. Chuyên gia về các tai nạn hỏa hoạn nói ít có khả năng lửa cháy từ tầng trên lan xuống. Tuy dọc cầu thang đều có dầu nhưng lượng dầu không đủ để lửa mạnh đến mức cháy đến tận nhà bếp, xem xét hình thế của ngọn lửa, không thể phán đoán như vậy. Cũng ít có khả năng do lửa rớt từ trên gác xuống rồi gây cháy, vì kỹ thuật viên không thấy có lối thông trực tiếp từ trên gác xuống nhà bếp. Cho nên, rất có thể có kẻ đã phóng hỏa. Thời điểm phóng hỏa và phóng hỏa như thế nào thì chưa rõ lắm. Trong đám đổ nát phát hiện thấy ở hiện trường có những mảnh kim loại, và đáng nghi nhất là một mảnh đồng chưa bị biến dạng, trung tâm kỹ thuật hình sự đang gắng làm xét nghiệm để phân tích xem có phải là nguồn phóng lửa không?”

“Tức là bật lửa đồng à?”

Ba Du Sinh gật đầu, “Bật lửa đồng, không phải thứ gì hiếm thấy. Nhưng nếu là bị phóng hỏa thật, thì nghi phạm không nhiều. Lúc đó tôi đứng ở hiện trường, thấy lửa ở tầng trệt bùng lên trước khi hoặc đồng thời với khi chúng tôi tiến vào lầu chính để cứu các con tin. Cho nên có thể loại trừ nghi phạm phóng hỏa nằm trong số các con tin. Còn những người đã nhảy lầu và những tên cướp đã bỏ trốn trước đó - giả thiết rằng chúng chưa chạy ra khỏi hiện trường - đều có khả năng là nghi phạm phóng hỏa.”

Na Lan nói, “Những người nhảy lầu, thứ tự lần lượt là Lương Tiểu Đồng, em, Hoa Thanh và Hồ Kiến Vĩ. Trong mấy người này chỉ có Kiến Vĩ hút thuốc lá.”

Ba Du Sinh hơi ngạc nhiên, “Thì ra là cô đang điều tra việc phóng hỏa? Cô nói đúng. Cho nên, chuyện Kiến Vĩ mất tích đang khiến chúng tôi ngờ ngợ…”

Na Lan, “Nhưng nếu nhìn từ góc độ tính khả thi của hành vi ấy, thì sao?”

Ba Du Sinh, “Rất ít có khả năng là Hoa Thanh và Kiến Vĩ. Vì họ là những người cuối cùng nhảy lầu, không có thì giờ để đi phóng hỏa, huống chi, khi cứu cả hai thì họ đang bị còng chung, lẽ nào họ cùng đi phóng hỏa và cùng không tố giác nhau? Họ cũng bị bỏng nặng nhất - điều này có thể liên quan đến ‘tai nạn’ do mình phóng hỏa gây ra: kính cửa sổ nhà bếp bị đập vỡ lúc nào không rõ, nếu họ bật lửa rồi ném vào cửa sổ, lửa bùng lên khiến họ bị bỏng - về lý thuyết thì có thể xảy ra, nhưng gần như cả hai đều không có động cơ để phóng hỏa.”

“Nói thế e hơi sớm.” Na Lan nói.

“Tôi hiểu. Còn ai là chủ nhân của bọc thuốc nổ thứ hai thì cảnh sát chúng tôi vẫn chưa biết. Nếu Kiến Vĩ là đồng bọn với người có bọc thuốc nổ, thì anh ta có đủ động cơ để phóng hỏa, ví dụ, nhằm thực hiện ý muốn của ông ta.” Ba Du Sinh lắc đầu, đủ thấy anh đã cân nhắc rất nhiều khả năng. “Còn Lương Tiểu Đồng, tuy có đủ thời gian đi phóng hỏa nhưng anh ta vốn không hút thuốc lá, cũng không có động cơ gây hỏa hoạn. Lẽ nào anh ta tự đốt cơ ngơi của mình? Tiêu Tương gần như là ‘món đồ chơi’ anh ta rất yêu quý, đã đầu tư bao tâm trí vào nó, sao lại đốt đi? Giả sử là nhằm hưởng tiền bảo hiểm, nhưng bảo hiểm do phóng hỏa chắc chắn sẽ giằng co quyết liệt, Lương Tiểu Đồng sẽ rất mệt mỏi, khó mà ăn nhằm gì.”

Na Lan mấp máy môi, do dự… rồi cô cũng nói, “Việc cấp bách lúc này vẫn là phải tìm ra mấy người bạn chung hoạn nạn đang bị ‘mất tích’.”

“Chính xác!”

Na Lan nhận ra, trong lúc nghe cô thuật lại, Ba Du Sinh rất bình thản, gần như không chút ngạc nhiên, bèn hỏi, “Quách Tử Phóng đã nói với anh những gì?”

“Yên tâm. Anh ta vẫn giữ lời hứa, anh ta vẫn muốn bảo vệ chút bí mật của mọi người, nhưng lại cảm thấy ái ngại cho tôi đang bị ‘bịt mắt’ nên đã dùng bút pháp sử gia để khéo léo cài sự thật vào câu chuyện.” Ba Du Sinh nói.

Na Lan mỉm cười, “Xem ra, không phải chỉ có mình em bịa chuyện để ứng phó với anh.”

Bỗng có một bàn tay vỗ vào cửa kính chắn gió của xe cảnh sát. Na Lan và Ba Du Sinh cùng ngạc nhiên ngẩng đầu.

“Bạn cũ!” Ba Du Sinh khẽ nói.

Ý nghĩ lướt qua tâm trí Na Lan thì không “thân thiết” như vậy: Đồ bám dai!

Ngày 18 tháng Năm, một tiếng mười lăm phút trước khi xảy ra vụ án, tại lầu chính Tiêu Tương.

Tên B và tên C chui qua cửa gỗ thông thiên, tụt xuống gian chứa đồ. Sau đó cả hai vào vị trí đã định: một tên đứng sau giá đựng các thứ lặt vặt, một tên đứng bên đầu hồi cái tủ dụng cụ, đằng sau tấm rèm vải tạm kéo ra, tránh cho bọn cướp chuyên nghiệp đột nhập sau trông thấy. Nếu để bọn chúng bắt gặp thì coi như “bọn mình” tự sát.

Trước đó cả ba kẻ cướp không chuyên A, B và C đã nắm vững động thái của ba tên cướp chuyên nghiệp do Bành Thượng cầm đầu, nhất là cách đột nhập lầu chính Tiêu Tương, đúng là từ cửa sổ thông thiên trên nóc nhà! Điều thú vị là ba tên cướp nhà nghề ấy không ở cùng một nơi. Bành Thượng ở khách sạn cao cấp Đại Kim Sa bốn sao, hai gã phó tướng ở “khách sạn tại gia” một sao hai sao.

A nói, “Chúng mày thấy chưa: đó mới là nhà nghề, cả ba không ở cùng một nơi, rủi ro bị tóm cổ cả lũ sẽ ở mức thấp nhất. Chúng ta nên học tập.”

Tên B “suýt ngất”, “Gì cơ? Lẽ nào lại tổ chức cướp lần thứ hai?”

Tên C, “Đại ca muốn sớm được sống chung với vợ, chỉ tạm ở với chúng ta mà thôi. Chắc mấy hôm nữa sẽ rút khỏi chốn tạm bợ của chúng ta.”

Bành Thượng hàng ngày đều hội ý với hai đồng bọn, cùng đến Tiêu Tương trinh sát thực địa, sau đó phân công nhau đi mua các dụng cụ để tập dượt và thực hiện vụ cướp, áo đen quần đen, găng tay đen, giày đen đế phẳng… đầy đủ cả. Chúng rất tin ở khả năng khống chế tình thế của mình, cảm thấy không cần dùng còng chỉ tổ rách việc nên mua một lô dây thừng nilon thay vào.

A đoán rằng, ngày khai trương Tiêu Tương, ba tên cướp nhà nghề ấy cũng chia nhau vào trấn giữ lầu chính. Có nhiều khả năng Bành Thượng sẽ vào trước, khảo sát lại toàn bộ tòa lầu rồi chấn chỉnh lần nữa từ đầu đến cuối trình tự hành động, bảo đảm không chút sơ hở sai lầm ảnh hưởng đến tổng thể kế hoạch. Hai tên kia vào sau một chút, rồi cả ba tên sẽ chờ thời cơ thích hợp để cùng ra tay.

Khi Bành Thượng vào trước, thì B và C đã nấp trong nhà chứa đồ để “nghênh đón” hắn. A sẽ đứng ở chỗ khác để khống chế cục diện.

“Nếu hắn không vào trước, mà cả ba tên khốn ấy cùng vào thì sao? Hai chúng ta có xử lý nổi ba tên đó không?”

“Một câu hỏi rất hay.” A nói, nếu cả ba chúng nó cùng vào thì B và C gửi tin nhắn cho A, A sẽ lập tức chạy đến. Nghe tiếng chân bước ở cầu thang thì chúng phải hoang mang căng thẳng, tập trung chú ý nghe ngóng bên ngoài, lúc đó B và C ra tay luôn - tức là tập kích, ra đòn bất ngờ. Khi chúng đang đối phó với B và C thì A sẽ ập vào, trong ngoài phối hợp, “quân ta” nắm chắc phần thắng.

C nói, “May mà đại ca chỉ đi cướp, chứ nếu làm đồ khốn thứ thiệt hoặc làm quan thì đại ca sẽ là một gã đáng sợ đến đâu!”

Dù là thế, thì B và C vẫn thấp thỏm bất an. Vạn sự khởi đầu nan, chuyện cướp bóc đánh đấm cũng vậy thôi.

May sao, A dự đoán chuẩn xác: một mình Bành Thượng vào trước, hắn khẽ lật cánh cửa nóc nhà lên, rồi nhẹ nhàng thả người xuống nóc tủ đựng các đồ dùng, sau đó nhẹ chân nhảy xuống đất, khéo léo nhanh nhẹn, vô cùng chuyên nghiệp.

Báng súng nện trúng gáy.

Dáng vẻ ngã xuống cũng chuyên nghiệp? Điều này không dám chắc. Dù sao cũng rất nhẹ nhàng.

B và C lập tức còng Bành Thượng lại, nhấc lên nhét vào cái tủ đựng dụng cụ. “Khoan đã.” B sờ được khẩu súng ngắn ở thắt lưng Bành Thượng.

“Ái chà, mẹ ơi! Súng thật!” C hào hứng reo lên. Một khẩu Glock 9 ly, cầm nặng chịch chứ không như hàng nhái. Hắn rút khẩu Glock hàng nhái trong người ra, so sánh, trông y hệt nhau nhưng khẩu súng đoạt được của Bành Thượng chắc nịch, nuột nà hơn. Hắn cài cả hai vào tring bụng rồi tiếp tục cùng B nhét tên Bành Thượng vào tủ.

Hai mươi phút sau, thấy hai tên tụt từ ô cửa sổ thông thiên xuống, mỗi tên được hưởng một báng súng. Đánh úp, thật sướng tay, đã đời!

Nếu cho rằng việc hạ gục ba tên cướp chuyên nghiệp là sự thể hiện câu châm ngôn của tên A “tri thức là sức mạnh, thông tin là của cải, đầu óc là vũ khí”, thì các việc tiếp theo đều thuộc về lao động chân tay. B và C phải chuyển hai gã đồng hương huyện Tứ Bảo đã bị đánh ngất ra khỏi gian chứa đồ, khiêng vào phòng nghỉ ở tầng hai trong đó có gian mật thất kê chiếc két sắt. Khỏi cần giải thích, vì đó là nơi giam giữ an toàn nhất.

Lúc này bữa tiệc ở đại sảnh tầng hai đã bắt đầu, cũng may bấy giờ mới chỉ có một bàn ăn. B và C nhắn tin cho A “lô hàng thứ nhất sắp đến”, sau đó khiêng một trong hai gã Tứ Bảo xuống. Cũng may, chuyến đi thuận lợi, không chạm trán nhân viên phục vụ nào. Khi quay trở lại gian chứa đồ tầng ba, nhắn tin tiếp “lô hàng thứ hai sắp đến” và khiêng nốt gã còn lại xuống, cũng suôn sẻ.

Cả hai chờ ở gian mật thất, một trong hai gã Tứ Bảo hơi tỉnh lại, rên ư ử, B và C im lặng nhìn nhau, sau đó lại thí cho gã một báng súng, một ngày hai lần chấn thương sọ não, gã cướp nhà nghề chịu sao nổi!

Rốt cuộc, đại ca A đã chạy đến gian mật thất, hắn nhanh chóng thay quần áo đen giày đen, vừa thay vừa nói, “Không sao hiểu nổi, mình vẫn tính không đúng: ở tầng ba bỗng có thêm một bàn hai người, một nam một nữ.”

B hỏi, “Vậy ta phải làm gì?”

“Kế hoạch không thay đổi. Sau khi khống chế được tầng hai và nhà bếp, mày lập tức lên tầng ba. Nếu họ đã nghe thấy có chuyện, chắc họ sẽ trèo cửa sổ tụt xuống, dưới đó vẫn là giếng trời, còn xa mới đến cửa ngoài sân, cho nên mày sẽ bắt sống họ dễ ợt.” A nói.

C nói “hiểu rồi”, C đưa cho A khẩu súng ngắn. Cả ba cùng tiến vào gian phòng nghỉ.
Chương trước Chương tiếp
Loading...