Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An

Chương 44: Bữa Cơm Tất Niên Vui Vẻ



*

Chu quản gia ôm một cái rương đặt lên sàn nhà trong thư phòng, bẩm báo: “A lang, cái này tìm thấy trong tiểu viện ở phía tây trong lúc quét dọn, có thể là của chủ cũ, lão nô không dám tự quyết, đặc biệt bẩm báo a lang.”

Tòa nhà này rất lớn, Lâm gia lại ít người, nô bộc cũng không nhiều, đầu năm nay lúc dọn vào thì chỉ tu sửa quét dọn các viện chính, sảnh đường và hoa viên, cho nên chỗ vốn dành cho nô bộc, chỗ đặt đồ linh tinh thì không khỏi qua loa, bây giờ chuẩn bị đón năm mới mới dọn dẹp toàn bộ một lượt, thế cho nên mới phát hiện ra một ít đồ cũ.

Số đồ cũ đó đều đã cũ nát, bọn nô bộc chất thành một đống giữa sân, định châm lửa đốt luôn một thể. Chu quản gia đi kiểm tra tình hình thì phát hiện đám sách đang chuẩn bị bị đốt này.

Mấy quyển sách này không được giữ gìn kĩ càng, không ít quyển đã mục rữa, cho dù có là tác phẩm của học giả tiếng tăm thì bây giờ cũng chẳng đáng giá tiền nữa. Chu quản gia cũng coi như là người đọc sách, cầm một quyển lên lật lật, không ngờ lại là bản hiếm do đại nho tiền triều chú giải! Mấy quyển khác có quyển là thơ, có quyển là du ký, có thư từ, ngẫu nhiên có thể bắt gặp chữ viết của chủ nhà, nét chữ vô cùng phóng khoáng thoát tục.

Chu quản gia nghĩ ngợi một lát, lấy hết cả, phủi sạch bụi bặm rồi đặt vào trong rương, bây giờ thấy Lâm Yến nghỉ ở nhà thì mang tới.

Lâm Yến thả quyển sách trong tay xuống, đứng lên đi tới. Cầm quyển chú giải bản hiếm kia lên lật một cái, không ngờ lại nhìn thấy nét chữ ở trên đình trong vườn.

“Cứ đặt ở đây đi.” Lâm Yến gật đầu với Chu quản gia.

Chu quản gia hành lễ rồi lui đi.

Lâm Yến không ngại bụi bặm, đặt hết sách lên bàn, lật xem từng quyển một. Theo lý mà nói thì trước đây lúc xét nhà, thư phòng phải là nơi quan trọng nhất, nhưng có lẽ mấy quyển sách này đặt ở phòng ngủ hoặc chỗ nào khác nên không bị tịch thu, sau đó tòa nhà này được bán cho người khác, thế là số sách này lưu lạc vào tay nô bộc của chủ nhà.

Từ trong những quyển sách này dường như có thể nhìn thấy được vị thị lang bộ Lễ nho nhã cởi mở kia, hắn yêu thơ yêu rượu, có thú nhàn tản, hơi phóng túng nhưng lại không mất đi sự đúng mực, tính tình hiền hòa lại ngông nghênh… Đúng là kẻ sĩ phong lưu chân chính.

Lâm Yến nhớ tới những lời rất không khuôn phép của vị Thẩm cô nương kia, mặt mày thì hào hứng, lại còn bức tranh thôn quê nhàn nhã kia, chắc hẳn cũng là bắt nguồn từ đây. Chỉ là cha thì hơn ở vẻ thanh nhã, trong khi con gái lại… có phần thiếu đứng đắn.

Nghĩ tới Thẩm cô nương, bên dưới lại thật sự có đồ của nàng – vở tập viết.

Kiểu chữ mà nàng tập viết là chữ khải Chung Vương*, mặc dù nét chữ còn non nớt nhưng cũng có thể nhìn ra nét thanh thú mềm mại, khác xa kiểu chữ nét mảnh đầy tinh thần hiện giờ. Chắc hẳn chữ hiện giờ là học được từ các tiến sĩ trong cung.

* Chung Vương chỉ Chung Diêu và Vương Hy Chi, hai bậc thầy thư pháp.

Trên quyển vở tập viết, ngoài nét chữ non nớt này ra thì còn có hai kiểu chữ khác, một thì khoan thai xinh đẹp, một lại phóng khoáng hào hiệp. Kiểu chữ khoan thai xinh đẹp kia viết: “Chữ của A Tề, như nằm như ngồi.” Kiểu chữ phóng khoáng hào hiệp kia lại là: “Như nằm như ngồi, ngay thẳng thoát tục.”

Cái này chắc hẳn là do Thẩm thị lang và Thẩm phu nhân viết. Mặc dù chỉ lác đác vài ba chữ nhưng thần thái của từng người vẫn phảng phất như hiện ra ngay trước mắt. Lâm Yến nở nụ cười hơi xấu hổ, thật đúng là một đôi thần tiên quyến lữ.

Nghĩ tới thần tiên quyến lữ, không biết tại sao trong đầu Lâm Yến lại hiện ra khuôn mặt tươi cười của Thẩm cô nương kia, nàng nhướng mày mỉm cười, có đôi nét bỡn cợt: “Thiếu doãn là con cháu nhà quyền quý, chắc là chưa từng trải qua cảnh tay chân bị cóng… Lúc nhi còn ở Dịch Đình, than củi không đủ, hễ trời rét buốt thì tay chân sẽ sưng phồng chảy mủ. Nếu cứ lạnh thế thì không sao, chẳng qua là nứt nẻ đôi chỗ, hơi đau một chút mà thôi. Sợ nhất là đột nhiên lại gặp phải than củi, ôi chao, nhói buốt không chịu nổi.”

Lâm Yến nhếch miệng, lật qua quyển vở tập viết kia, đọc quyển du ký bên dưới.

Tỳ nữ tới gõ cửa: “A lang, thái phu nhân mời a lang tới ăn lê ngâm rượu.”

“Tới ngay đây.”

Lúc Lâm Yến lật xem “vở bài tập cấp tiểu học” của Thẩm Thiều Quang thì Thẩm Thiều Quang đang cùng Vu Tam nấu nướng trong bếp. Cơm tất niên mỗi năm chỉ có một lần, không thể qua loa được.

Cơm tất niên của Thẩm gia có đôi chút cảm giác xuyên không, vừa có rượu đồ tô, đĩa ngũ tân, kẹo mạch nha của thời Đường lại vừa có gà vịt thịt cá và món ăn tiêu biểu nhất cho năm mới ở thời hiện đại – sủi cảo.

Gà là do Thẩm Thiều Quang nấu. Bởi vì chỉ là gà non nên không mang đi hầm. Sau khi giết thì rửa sạch chặt thành khối, tẩm ướp gia vị, sau đó lăn bột cho vào nồi dầu chiên cho tới lúc vàng ươm thì gắp ra. Lại lấy một cái nồi khác, cho tiêu hành gừng các loại vào rang qua, bỏ gà đã chiên giòn vào đảo đều, đổ thêm nửa bát con hỗn hợp nước tương, đường và rượu vàng vào xào lên, rắc một ít bột thì là và muối vào là xong.

Thịt gà chế biến theo kiểu này có mùi cháy sém thơm nức mũi, khiến người ta thèm chảy nước miếng.

Món vịt của công chúa Vu Tam cũng là một món công phu. Vịt giết xong thì rút hết xương, khâu này Thẩm Thiều Quang làm không thạo nhưng Vu Tam lại làm rất tốt. Mũi dao đi dọc theo xương, xương bị lấy ra hết nhưng phần da và thịt bên ngoài lại không hề bị rách.

Thẩm Thiều Quang chẳng bao giờ tiếc rẻ lời khen của mình: “Tay nghề tuyệt đỉnh! Tay nghề tuyệt đỉnh!”

Công chúa Vu Tam liếc nàng một cái, cuối cùng cũng nhếch khóe môi lên.

“Ta thấy, nếu ngươi không làm đầu bếp thì cũng có thể đi làm sát thủ.” Câu tiếp theo, Thẩm Thiều Quang lại bắt đầu không đứng đắn.

Khóe môi Vu Tam vừa vểnh lên lại mím lại.

Vịt rút hết xương rồi thì cho gạo nếp, thịt khô, nấm, măng thái nhỏ, hành, gừng trộn đều vào bên trong, dùng dây buộc chặt chỗ bắt đầu xuống dao rút xương, bỏ canh gà vào chưng cách thủy hai canh giờ, khá giống với món gà bát bảo thời hiện đại*.

* Tham khảo “Vịt chưng” trích từ “Thực đơn theo vườn” của Viên Mai. [tác giả]

Ăn xong cơm trưa thì Vu Tam đã bắt tay ngay vào làm món ăn công phu này, tới lúc Thẩm Thiều Quang xào thịt gà thì món vịt cũng vừa xong.

Cá thì hôm qua A Xương phải chạy khắp Tây Thị mới mua được, là một con cá chép nặng hơn một cân, Thẩm Thiều Quang làm thành món cá sốt chua ngọt kinh điển. Hai lần chiên dầu, lần đầu chiên kĩ, lần sau chiên lửa lớn, đầu và đuôi vểnh lên, trông cứ như đang muốn nhảy lên. Bên trên rưới nước sốt chua ngọt đậm đặc màu đỏ óng ánh, vẻ ngoài vô cùng bắt mắt.

Cá sốt chua ngọt là món sở trường của Thẩm Thiều Quang, cũng giống như chính nàng ở trong mắt mọi người, lanh lợi, xinh đẹp, mang theo đôi chút tính cách “ta cứ thích thế này đấy”.

Thịt thì là món canh sư tử đầu làm nên thương hiệu Thẩm Ký. Bốn viên thịt lợn đặt cạnh nhau, ý là phúc lộc thọ hỉ.

Ngoài những món kể trên ra thì còn có các món khác như đậu phụ khô xào, cần trộn giấm chua, cá khô rán, cải thảo xào, củ cải xào thịt dê, bày kín hai cái bàn.

Bốn người quán Thẩm Ký xưa nay đều không phân biệt rạch ròi chủ tớ, bây giờ đều ngồi vây quanh bàn ăn.

Vu Tam nhìn Thẩm Thiều Quang, chờ nàng lên tiếng chúc rượu, ngay cả hai kẻ tham ăn A Viên và A Xương cũng cố nuốt nước bọt chờ cô nương lên tiếng.

Thẩm Thiều Quang nhìn bọn họ: “Không ăn đi? Còn chờ cái gì?”

Vu Tam liếc mắt một cái, cuối cùng mỉm cười.

A Viên và A Xương đều bật cười, A Viên cầm đũa lên, cười híp mắt gắp một miếng cánh gà.

Thẩm Thiều Quang lấy dao chia con vịt thành tám phần, sau đó gắp một phần vào trong bát mình, từ từ ăn.

Vu Tam thì dùng thìa múc một miếng sư tử đầu, cúi xuống ăn.

A Xương thì tấn công từ đủ mọi phía, y như con thú săn mồi.

Đêm nay đã định sẵn là một đêm no nê…

Ăn một lát rồi mới bắt đầu uống rượu.

Theo tập thục thời này, người nhỏ tuổi nhất sẽ uống trước, cái này được gọi là “người nhỏ được tuổi, phải chúc rượu trước, người già mất tuổi, nên uống rượu sau”. A Viên nhỏ hơn A Xương một chút, cho nên A Viên uống trước.

A Viên cười híp mắt uống cạn một chén đầy, sau đó là A Xương, sau đó là Thẩm Thiều Quang, sau đó là Vu Tam.

Cuối cùng Thẩm Thiều Quang cũng nói vài câu chúc mừng: “Mọi người lại thêm một tuổi rồi, hy vọng sang năm chúng ta có thể kiếm nhiều tiền hơn, có người có thể thoát đơn.” Thẩm Thiều Quang cười híp mắt nhìn Vu Tam.

Thời này như Vu Tam cũng có thể tính là nam thanh niên lớn tuổi, nên cưới vợ rồi. Tiếc là bây giờ ngay cả bản thân Thẩm Thiều Quang cũng chưa ổn định, nàng định bụng chờ thêm vài năm nữa ổn định hơn một chút thì sẽ giải trừ khế ước mua bán của Vu Tam, để hắn làm một người dân bình thường, quan hệ với trong quán thì có thể đổi thành làm thuê. A Viên với A Xương còn nhỏ, chưa cần phải lo lắng.

“Thoát đơn là cái gì?” A Viên hỏi trước.

Là cẩu độc thân mà cũng không tự biết! Thẩm Thiều Quang giải thích cho nàng ta hiểu ý nghĩa của cái từ tới từ ngàn năm sau này: “Chính là cưới gả thành gia lập thất.”

“À…” A Viên và A Xương đều nhìn Vu Tam.

Vu Tam hơi đỏ mặt, liếc mắt nhìn Thẩm Thiều Quang: “Cô nương vẫn nên tự lo cho mình trước đi đã.”

Thẩm Thiều Quang mặt dày: “Ngươi già hơn, ngươi trước. Ta không sốt ruột.”

A Viên và A Xương cười ha ha.

Thẩm Thiều Quang cũng cười theo, Vu Tam cúi đầu ăn tiếp.

Già từng này rồi còn ngại ngùng nữa cơ đấy…

Thẩm Thiều Quang cảm thấy mình có sở thích y như mấy bà trung niên, nhưng mà nếu tính cả hai đời gộp lại thì nàng cũng đã trung niên rồi…

Thôi thôi, không được nghĩ tiếp nữa, Thẩm Thiều Quang tiếp tục rót rượu uống. Mặc dù độ cồn thấp nhưng uống nhiều rồi cũng dần chếnh choáng say. Thẩm Thiều Quang kể một đoạn tiểu phẩm hài thời hiện đại, nghe A Viên hát một làn điệu dân gian ở Trường An, lại bắt Vu Tam và A Xương đi ra múa một hồi.

Ước chừng tới lúc, Thẩm Thiều Quang lảo đảo bước chân đi luộc sủi cảo.

Vu Tam chê nàng: “Ngươi đừng có nấu hỏng hết sủi cảo đấy!”

Thẩm Thiều Quang phổ cập kiến thức cho hắn: “Cái gì gọi là nấu hỏng hả? Thế gọi là nấu có lời!” Lại dặn dò A Viên, A Xương: “Sau này nấu hoành thánh, nấu “hỏng” cũng gọi là “có lời”.”

“Nói tới cái này ta lại nhớ tới một câu chuyện cười. Chuyện kể là có một cửa hàng, để cho lạ miệng thì lúc nấu hoành thánh mừng năm mới cố ý nấu hỏng mấy cái, còn kêu to là “Nấu có lời không?” Người nấu trả lời là “Có lời, có lời”.”

“Kết quả có một năm đầu bếp nấu hoành thánh là một người mới tới, chủ cửa hàng hỏi “Nấu có lời không?”, người đầu bếp kia trả lời là “Ngài yên tâm, có ta ở đây, không lời được cái nào hết!”*.” Thẩm Thiều Quang bắt chước người đầu bếp ngốc nghếch kia, gào to lên.

* Một câu chuyện cười đọc được lúc còn bé. [tác giả]

Bên ngoài, A Viên và A Xương đã cười nghiêng cả người, Vu Tam cũng cười bất đắc dĩ.

44 cơm tất niên
Chương trước Chương tiếp
Loading...