Tiếng Gọi Trong Mơ

Chương 1



Lần đầu tiên phải khăn gói xa nhà để lên thành phố ôn thi đại học, lòng Trường không khỏi sự nôn nao hồi hộp. Nhất là từ nhỏ đến lớn anh chưa hề rời khỏi vùng quê đã gắn chặt đời mình để đi đâu.

Tối qua, lúc sang nhà nhỏ Dung để từ giã, anh đã nghe hoài cái điệp khúc dặn dò của nhỏ mà đâm lo ngay ngáy. Nào là trên thành phố có nhiều cạm bẫy, nào là những ánh đèn hồng đầy ma quái, nào là nước mía bán bên lề đường cũng có thuốc mê v.v. .... Nhưng đó chỉ mới là lời căn dặn của nhỏ Dung, còn mẹ của Trường bà cảnh giác tối đa hơn. Suốt một ngày liền bà bỏ thời gian ngồi cặm cuội khâu vào lưng quần cho anh những chiếc túi ngầm kín đáo để đựng tiền ăn tiêu, chi phí trong khoảng thời gian anh xa nhà. Rồi nào là bánh tét, thịt chà bông, thuốc cảm, thuốc trợ thần kinh và dầu gió nhét đầy vào một giỏ khiến Trường có cảm tưởng như mình sắp sửa đi du hành chứ chẳng phải đi thi.

– Ăn cái đùi gà này đi, đặng lấy sức mà học thi.

Bà Hải đặt chén vào chén cơm con phần ngon nhất rồi cố ép Trường ăn.

Nhưng anh đã gắp trả lại cho mẹ:

– Con là trai tráng mà ăn đùi gà coi sao được. Phần này của má, anh em con nhai thứ còn lại cũng ngon rồi.

Song bà Hải không chịu:

– Thời gian vừa ôn luyện vừa thi không phải nhắn ngủi gì. Nhà mình nghèo không có tiền bồi bổ như người ta, chỉ có bữa ăn này. Thằng Tòan cũng vừa thi chuyển cấp xong, hai anh em mày ăn hai cái đùi gà cho lại sức. Nhà hãy còn vô khối, má muốn ăn thì làm thịt lúc nào mà chẳng được.

Trước lời khẩn khoản của mẹ, Trường không dám từ chối sự quan tâm của bà nên nhỏ nhẹ dặm cái đùi. Thằng Toàn ngồi kế bàn hích nhẹ:

– “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu” ... Anh ăn thế sao làm nên đại sự được. Hãy cứ nhìn thằng em đây nè.

Liếc mắt qua thấy thằng Toàn nhai ngồm ngoàm, Trường bèn la nó:

– Coi chừng mắc xương thì khốn khổ bây giờ đó, chứ bày dặt bắt chước ăn như hổ đâu.

– Em đâu có dại nhai cả xương mà anh sợ hóc cổ. - Thằng Toàn hấp háy cười.

– Ừ, phải đó. Ăn thịt đi chứ nhai xương làm gì.

Bà Hải ngồi gấp thức ăn liên tục cho hai thằng con, miệng nhoẻn nụ cười hiền hậu. Đã từ lâu bà mơ ước cái ngày này, nay đã tới rồi. goá chồng từ khi thằng con trai nhỏ chưa kịp thôi nôi. Bà Hải đã cố gắng làm lụng và ở vậy để nuôi con ăn học. Nhà nghèo, tài sản chẳng có gì ngoài vài công đất cấy trồng làm nguồn sống, bà Hải đã vất vả vô song nhưng quyết không cho đứa nào nghỉ học để giúp mình. Một lần thấy mẹ nhọc nhằn quá Trường có ý định đi làm công cho người ta nửa buổi để kiếm tiền thì liền bị bà đánh rồi sau đó cả hai mẹ con cùng khóc. Cuộc sống khó khăn đến nỗi nhiều lúc hai anh em Trường phải đi học với chiếc bụng sôi sùng sục vì ăn cơm ít hơn rau. Nhưng rồi thời gian cũng phải qua mau, Trường không còn là thằng nhóc thường đi rọc lá chuối bán cho người ta để lấy tiền mua vở. mà hôm nay anh đã là một thanh niên vạm vỡ khá đẹp trai. Còn thằng Toàn cũng đã mười lăm, tuy chưa cao lớn bằng anh nhưng nó cũng khiêng nổi một bao gạo năm chục cân mà chẳng hề biết nặng.

Nhìn sự trưởng thành của các con, bà Hải có cảm giác nỗi khó nhọc bấy lâu sắp được đền bù.

– Ráng thi đậu vào Bách Khoa nghe anh Trường . Em thấy anh có năng khiếu làm kỹ sư điện tử đó!

Nghe em nói, Trường nhìn lên lắc đầu thay cho câu đáp vì bận nhai. Song thằng Toàn cứ hỏi:

– Thế anh muốn theo ngành gì?

Bất đắc dĩ, Trường phải mở lời:

– Sư phạm ... chuyên Anh.

Thằng Toàn trố mắt như đụng phải một sự kiện ngạc nhiên:

– Sao? Anh thích làm thầy giáo ư?

Trường ngừng ăn để nói chuyện:

– Tao làm thầy giáo có thì có gì là không tốt đâu. Mày sao lộn xộn quá.

Nhưng thằng Toàn không chịu dừng ở đó mà cứ bô bô cái miệng trước định hướng tương lai của anh trai.

– Anh hãy rút đơn lại mà thi vào Bách Khoa đi. Làm kỹ sư không thích thú hơn làm thầy giáo hay sao chứ?

– Chuyện đó để hậu xét. Tao nộp đơn thi những ba trường chứ có phải một đâu.

– Trời ... dữ vậy sao? Lỡ đậu hết lấy đâu ra người để học?

Thấy thằng em ngu ngơ, Trường đùa:

– Thì để dành cho mày, mai mốt khỏi phải thi.

Tưởng thiệt, thằng Toàn mừng ríu rít:

– Sướng vậy hả? Nhưng anh phải chừa ngành nào mà em thích, chú làm thầy giáo em hổng chịu đâu nha.

Trường đã ăn xong buông đũa nhìn ra cửa. Anh nói y như thật:

– Thì mày thích gì tao sẽ nhường cho nấy.

Thằng Toàn khoái chí nói:

– Vậy anh để một đơn thi vào ngành Hàng Hải đi. Em thích làm thủy thủ lênh đênh trên mặt nước để đi đó, đi đây.

Ước muốn của thằng Toàn tắt lịm ngay bởi lời giễu cợt của Trường:

– Cho xin can đi ông “thủy thủ con”. học lực thuộc loại khá như tao mà chưa dám với lên cao, huống hồ mày ... hãy cố mà học kẻo làm thầy giáo cũng không nổi đâu. Coi vậy chứ vào đại học sư phạm mấy năm nay cũng khó lắm, chứ không phải dễ.

Đang hớn hở tựa mùa xuân, thằng Toàn xìu liền.

– Vậy là ...

Trường không cười:

– Còn ba năm nữa thì đến lượt mày, ráng học để mà thi.

Thằng Toàn phồng mồm lên:

– Thế mà nãy giờ anh làm em mừng hụt.

– Ai biểu mi dốt.

– Không dám dốt đâu, ông anh. Năm nào em cũng là học sinh tiên tiến chứ đâu bỡn.

– Thế thì hãy cứ tự tin đi.

Được sự động viên của anh trai, thằng Toàn vui lại ngay. Trông cậu bé rất hồn nhiên bởi cái tuổi chỉ biết lo ăn và học.

– Anh Trường nè, dường như nhỏ Dung nó để ý đến anh.

Mãi nghĩ đến chuyện sắp đi xa nên Trường không nghe thấy gì. Chừng thằng Toàn lặp lại anh mới giật mình hỏi:

– Nãy giờ hỏi anh cái chi?

Thằng Toàn bụm miệng cười:

– Anh không nghe thiệt hả?

Trường cau mặt:

– Nếu nghe tao đâu có hỏi lại mày.

– Vậy anh đang nghĩ gì?

– Hỏi để làm chi?

Thằng Toàn nháy đôi mắt hóm hỉnh:

– Có phải anh đang nghĩ đến chuyện sắp xa nhỏ Dung không?

Trường kêu lên:

– Nói bậy. Mà người ta lớn hơn mày, cứ sao lại kêu bằng “nhỏ”?

Nhún vai một cái để tỏ ra mình đã lớn thằng Toàn đáp lời anh:

– Con gái dù lớn tuổi hơn một chút vẫn phải làm em của con trai. Đó là điều mà tương lai sẽ khẳng định.

Bất giác Trường nói đùa:

– Nói vậy là mày đã có ý chọn nhỏ dung rồi à?

Vừa nghe qua Toàn đã giãy lên như đỉa:

– Anh mới là kẻ nói bậy, năm nay em mới mười lăm tuổi, hơi sức đâu mà giữ phần. Con gái trong xóm này có thiếu gì.

Bà Hải nghe thế liền mắng thằng nhỏ:

– Coi bộ mày rành ba cái chuyện đó dữ.

Thằng Toàn chối đây đẩy:

– Má nói con rành, oan ức cho con quá. Chẳng qua là con chỉ nghe ...

Trường chận lời:

– Nghe thấy gì?

Thằng Toàn nói một mạch:

– Nghe tụi nó đồn con nhỏ Dung rất khoái anh. Còn anh thì cũng ... chịu con nhỏ ...

Dưới ánh đèn dầu đỏ quạch, mặt Trường nóng ran. bởi thật tình mà nói thì anh cũng hơi thích con nhỏ Dung, vì nó có gương mặt tựa búp bê trông rất đẹp và ngộ nghĩnh. Hơn nữa, lại ở gần nhà nhau vào ra đụng mặt riết thành thân.

Nhưng đó chỉ là thứ tình cảm thân thiết giữa bạn bè lối xóm thôi, còn chuyện xa hơn Trường chưa bao giờ nghĩ tới ... Thậm chí ... không dám nghĩ vì xét thấy bản thân mình chưa làm nên được trò trống gì.

– Em nói thế có đúng không, anh Trường?

Nghe hỏi Trường sực tỉnh cốc nhẹ lên đầu thằng Toàn.

– Đúng cái mốc xì. Đang còn con nít, ăn chưa no, lo chưa tới mà bày đặt nhiều chuyện.

Thằng Toàn đưa một cánh tay lên xoa đầu rồi cãi lại:

– Không dám nhiều chuyện đâu. Ngó mặt anh là biết anh khoái nhỏ Dung liền.

Rồi quay qua bà Hải, thằng Toàn gặng – Phải không má?

Trong lúc Trường đỏ mặt lên vì ngượng thì bà Hải cười âu yếm với các con:

– Má đâu biết chuyện tụi bây.

Thằng Toàn được đà nói tới:

– Má cũng đồng tình với em rồi.

Bà Hải bèn bào chữa:

– Thằng này hồ đồ quá. Ai bảo với con là má đồng tình nào?

Bị mắng, thằng Toàn ngớ mặt ra giả bộ vô tình nhưng lại là cố ý:

– Ủa, té ra má không ưng nhỏ Dung sao?

Đến đoạn này thì Trường không thể ngồi yên được, anh dí ngón tay vào đít nồi rồi nhằm ngay miệng thằng Toàn mà khoanh vùng. Vì không kịp đề phòng nên thằng Toàn đã lãnh đủ một vòng tròn bằng lọ nghẹ trên mặt trông dị hợm.

nó hét rần:

– Ối ... anh giỡn kiểu này con gái nhìn thấy thì còn gì là đời “chai” của em nữa.

Thằng Toàn rời mâm cơm chạy vội xuống nhà sau để lâu chùi những vết bẩn trên khuôn mặt của mình. Khi trở lên, nó không ăn cơm nữa mà buông tiếng trách:

– Cũng may là trời tối chứ ban ngày thì có phải chết em không?

Trường nhạo nó:

– Bộ có người tính “coi mắt” hay sao mà hoảng lên dữ vậy?

Thằng Toàn vừa quan sát lại mặt mình trong gương vừa đáp:

– Tất nhiên ... À, mà không ... chỉ có con nhỏ Mai nó rủ em đi ăn kem.

Trường gật gù:

– Chà, thế này thì đã hơn hẳn thằng anh này rổi còn gì. Mới bây lớn mà đã được con gái để ý.

Đến lượt thằng Toàn quýnh quáng lên vì bị anh chọc quê:

– Đừng có dùng sai từ kẻo em nổi da gà lên đây nè. Nhỏ Mai bằng tuổi anh lận đó!

Trường trả đũa:

– Chẳng phải lúc nãy mày biểu tuổi tác không thành vấn đề sao?

– Nhưng ...

– Để tao thưa với má giùm cho một câu.

Thằng Toàn nhảy tại chỗ như bị cả bầy kiến lửa cắn:

– Úi, khổ lắm. Anh đừng có xuyên tạc vấn đề mà.

Trường tỉnh bơ:

– Thì tao thấy mày cũng đâu còn nhỏ nhít gì. Trong xóm có khối đứa bằng mày đã có đầy bạn gái.

Thằng Toàn vụt thanh minh:

– Đúng rồi. Nhưng bạn gái chứ có phải là bồ đâu?

Thái độ của thằng em làm Trường phải bật cười:

– Thì tao có nói nhỏ Mai là bồ của mày đâu mà đính chính ầm lên vậy.

Thằng Toàn khẽ thở ra:

– Vậy mà nãy giờ anh cũng làm người ta run bắn cả người.

– Tại mày có tật nên mới giật mình.

Thấy anh liên tục đả kích mình, thằng Toàn bèn chuẩn bị hô biến:

– Cho anh ở nhà nói chuyện với má, em đi chơi một lát đây.

Rồi không chờ ai kịp giữ lại, thằng Toàn bước nhanh ra ngoài trời tối khi có tiếng huýt sáo làm hiệu từ đàng xa. Bà Hải tính dặn với theo nhưng không còn thấy bóng thằng Toàn đâu nên bèn quay qua Trường chặc lưỡi:

– Trong hai đứa bây má lo cho thằng Toàn nhiều nhất vì tính nó hơi xốc nổi, không chín chắn một chút nào.

Nghe mẹ nói Trường chỉ bật cười. Anh rất thông cảm cho nỗi lòng của mẹ trước những đứa con đang tuổi lớn. Anh lên tiếng trấn an bà:

– Hơi sức đâu má lo xa làm gì. dẫu sao thì thằng Toàn cũng chỉ mới mười lăm, giống như con ngày trước.

– Nhưng con không “quậy” như nó.

– Đó là những hiếu động ở lứa tuổi thiếu niên, chẳng có gì đáng ngại đâu mà.

Bà Hải tạm yên lòng một chút nhưng rồi cơn áy náy lại trỗi lên. Bà bảo khẽ với Trường:

– Vào nghỉ ngơi đi con, mai còn lên đường sớm ...
Chương tiếp
Loading...